Trang chủ

Donnerstag, März 24, 2016

Thứ năm tuần thánh - Năm C

HUY HIỆU CỦA KITÔ HỮU LÀ KHĂN LAU VÀ CÁI CHẬU

Fr. Jude Siciliano, OP
Thưa quý vị.

Cả 3 bài đọc hôm nay cùng nói về một chủ đề : Đó là bữa ăn. Trước nhất tôi nghĩ ngay đến những bữa ăn hàng ngày trong các gia đình. Rồi đến bữa ăn thánh thể. Mọi thành phần gia đình ngồi quây quần bên một cái bàn, cùng chia nhau bữa ăn bồi bổ, họ cũng chia nhau vui buồn sướng khổ qua các câu chuyện ngoài xã hội, nơi làm việc, chợ búa, trường học v.v… Ngày nay hình ảnh này đang phai nhạt dần, bởi sự lấn át của công ăn việc làm hoặc các hoạt động bận rộn ở nhà trường. Cho nên may mắn lắm, các gia đình tân thời mới có cơ hội ngồi lại với nhau ăn một bữa cơm. Thường thì vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ lớn như lễ Tạ ơn chẳng hạn. Ngoài ra họ dùng các bữa ăn nhanh ở các tiệm. Đối với các cha mẹ bận rộn suốt tuần thì nhà hàng Mc Donald là nơi lý tưởng để ăn chung với nhau. Sau đó ai đi việc nấy cho kịp với thời khoá biểu của các công ty.


Dầu ăn uống ở đâu đi nữa, thì bữa ăn chung cũng là nơi chia sẻ. Chẳng có nhà tâm lý nào đủ khả năng để liệt kê các đề tài chung quanh bữa ăn, từ tiền bạc cho đến tình cảm, từ bạn bè cho đến đối thủ, những thành công, thất bại, căng thẳng, mệt nhọc, con cái, học hành, cãi cọ, tranh chấp, tương lai, quá khứ, hiện tại, thôi thì đủ cả. Nhưng có điều là chúng ta không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau bữa ăn. Tôi nhớ vào mấy chục năm trước đây, trong một thế giới xa lạ với bây giờ, gia đình tôi hàng ngày ăn chung với nhau. Má tôi làm việc tại gia, ba tôi làm công sở. Ông thường về nhà ăn tối. Những bữa ăn thật tuyệt vời. Cả nhà đông đủ, mọi thứ truyện được mang ra bàn tán : vui buồn, quá khứ, hiện tại, tương lai. Và như vậy mới đầy đủ ý nghĩa gia đình. Con nít chúng tôi được nghe cổ tích từ quê hương cũ và ăn những món ăn truyền thống từ thời ông bà tổ tiên.

Giữ vai trò giảng thuyết tôi chẳng dám đi xa hơn nữa, bởi lẽ bây giờ hầu hết các gia đình đều bận rộn trong việc kiếm sống, chẳng có nhiều thời gian sau bữa ăn. Cho nên những bữa ăn kiểu cũ trở nên lạ lẫm với cộng đoàn. Dầu sao giữa thế giới thức ăn nhanh, chúng ta cũng có nhiều cơ hội gặp nhau như lễ Phục Sinh sắp tới, Ngày độc lập, Noel, Tết Dương lịch … Còn những ngày riêng của gia đình, như rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu, kỷ niệm hôn phối … Vào những thời gian này nghĩa nào đó cũng có liên quan đến bữa ăn Thánh thể hôm nay. Đây là những cơ hội đặc biệt để chúng ta dọn bàn, thắp nến, món ăn đặc sản … Mới đây cháu gái tôi 5 tuổi, mừng sinh nhật bằng thịt gà hầm và bánh ngọt bôi kem xúc cù là. Rồi cũng là cơ hội để các câu chuyện cổ xuất hiện. Lần nữa thế hệ kế thừa được nghe các chuyện gia đình và nhận ra rằng họ cũng có một dòng tộc trên thế gian này.

Vậy thì việc tổ chức những bữa ăn như thế giúp chúng ta nắm bắt được nội dung các bữa ăn quan trọng trong Kinh thánh. Bài đọc 1, trích sách Xuất hành, nói về bữa ăn vượt qua. Trong ý nghĩa nào đó, bữa ăn vượt qua đầu tiên tại Ai cập rất giống các bữa ăn nhanh của xã hội tân thời. Đó là bữa “vừa ăn vừa chạy” (eat-and-run meal). Những người ăn bữa phải thắt lưng gọn gàng, tay cầm gậy, hành lý sẵn sàng như người chạy trốn. Họ ăn với những cảm súc khác thường và mạnh mẽ, bị rã rời vì kiếp sống nô lệ mà chẳng làm sao thoát khỏi. Thiên Chúa sẽ can thiệp để họ được tự do ? Liệu có thể tin được hay không ? Một khi đã trốn chạy, số phận sẽ ra sao ? Đủ sức để vượt những con đường khó khăn trong sa mạc ? Cơ hội sống sót rất ít, chỉ có thể là một phần trăm. Nếu như bị chết rục trong đồng vắng vì đói khát, hay bị chủ cũ đuổi bắt lại ? Điều này đã thường xảy ra trong quá khứ ! Lúc ấy hình phạt sẽ là cái chết đau đớn. Chẳng đời nào người Ai cập để cho họ thong thả ra đi. Mười cuộc vật lộn vừa qua (10 tai ương) chưa đủ là bằng chứng ?

Vì thế, cũng có những tư tưởng xét lại. Họ thà sống chung với lũ quỉ Ai cập còn hơn làm cuộc phiêu lưu liều lĩnh ! Ngược lại, đa số dân chúng háo hức về cuộc ra đi, thoát kiếp nô lệ Ai cập. Họ vững tin vào sự trợ giúp của Đức Chúa, Thiên Chúa tổ tiên mình. Cuối cùng rồi sẽ được tự do. Bữa ăn này, vì thế, được cử hành hàng năm để tưởng nhớ cuộc ra đi khỏi Ai cập : “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm. Ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là luật quy định cho đến muôn đời.” (Ex 12,14)

Những thế hệ Do thái về sau đã cẩn thận chu toàn mệnh lệnh này. Họ ăn bánh không men, thịt chiên và rau đắng. Câu truyện thoát ly khỏi Ai cập được kể lại cho con cháu mai sau. Họ kể ở thì hiện tại, mặc dầu nó đã xảy ra trong quá khứ : “Tại sao đêm hôm nay lại khác với các đêm khác ?” Ý hẳn họ muốn nói cho con cháu hay những cực khổ đã qua vẫn còn đe dọa xã hội Do thái cho tới những thế hệ tương lai. Kiếp sống nô lệ mới, những áp bức đè nén mới, sợ hãi và khao khát giải phóng vẫn còn hiện diện, cho nên phải kể bằng thì hiện tại trong bữa ăn tưởng niệm hằng năm. Thiên Chúa của tổ tiên đã giải phóng cha ông, thì cũng giải phóng họ khỏi những khốn khổ hiện thời. Từng bước, từng bước Ngài sẽ dẫn đưa họ tới bến bờ tự do.

Trong bài đọc thứ 2, ám chỉ bữa ăn Cựu ước, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta câu truyện bữa ăn vượt qua mới mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Câu truyện cũng lại vừa quá khứ, vừa hiện tại. Quá khứ khi chúng ta nhớ đến sự sống và cái chết của Thiên Chúa Cứu Chuộc. Ngài đã cung cấp cho chúng ta bữa ăn mới, thịnh soạn và đầy đủ. Hiện tại khi chúng ta mang gì đến bữa ăn hôm nay ? Một thế giới đầy dẫy những khó khăn, chiến tranh, nô lệ, tàn phá, cướp bóc, áp bức, xì ke, ma tuý, đĩ điếm … trăm ngàn hình thức nô lệ mới. Những quyền bính nào đang kìm kẹp xã hội loài người trong kiếp trâu ngựa đó ? Những áp lực nào, quyết định nào buộc con người thụ động, bất lực, không ngóc đầu lên nổi ? Vùng lãnh địa Egyptô (nô lệ) của mỗi cá nhân là gì ? Cờ bạc, trai gái, thuốc sái hay bất cứ thói xấu nào đang kìm kẹp cá nhân ?

Đừng tưởng linh mục, tu sĩ mà đã thoát khỏi nhà tù thói xấu ! Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và đã dâng hiến mạng sống để giải thoát chúng ta. Hôm nay chúng ta tưởng niệm biến cố đó, được tràn đầy can đảm và hy vọng. Một lần Thiên Chúa đã yêu thương cứu thoát, thì Ngài vẫn còn thi hành lòng xót thương đó. Ngài giúp đỡ chúng ta vượt qua cái chết đến cõi sống, thói hư tật xấu đến thánh thiện, nhân đức, nhát đảm đến hy vọng, tối tăm đến ánh sáng mà chỉ có mình Ngài mới thực hiện được !

Khi chúng ta tụ họp để tưởng niệm bữa ăn Vượt Qua mới của Chúa Giêsu, thánh Gioan lo liệu câu truyện phải được các thế hệ tín hữu tương lai kể cho đầy đủ. Vì thế ngài thuật lại với nhiều chi tiết, đến nỗi chỉ nghe đọc mà thôi, chúng ta cũng cảm nhận trực tiếp liên hệ, kể cả việc rửa chân. Đúng ra, trình thuật rửa chân là câu truyện trung tâm của thánh sử Gioan. Ngày nay nhiều cộng đoàn giáo dân chỉ cần dùng hình ảnh của các dụng cụ như chậu thau, khăn lau, bình nước để làm biểu tượng mình có đạo. Nhiều thánh đường, nhà nguyện cũng cho vẽ các biểu tượng này. Tự nó biểu tượng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, không cần vẽ Chúa Giêsu và các Tông đồ. Những hình ảnh đó đúng lý phải là huy hiệu của người tín hữu. Chúng nối kết quá khứ với hiện tại của Hội Thánh. Những huy hiệu thời xưa là cây kiếm, cờ trận hay pháo đài. Ngày nay thì vô số, nhan nhản trên xe tăng, máy bay, tàu chiến, xe bọc thép v.v…. Chúng là những biểu tượng của thù hận, chiến tranh.

Trong bữa ăn truyền thống của người Do thái, đứa nô lệ thấp hèn nhất phải giữ nhiệm vụ rửa chân. Chúa Giêsu đã tự nguyện giữ vai trò đó ở bữa tối cuối cùng. Nghĩa là khi các môn đệ đã yên vị, trước sau, trên dưới thì Chúa Giêsu làm cho họ phải sững sờ kinh ngạc. Bất cứ mơ ước chỗ nhất nào, tham vọng nào, cũng phải buông xuôi, tiêu tan thành mây khói. Ngài nói, người môn đệ “thành công” nhất trong chúng con, là người cầm khăn, cầm chậu, cầm bình đi rửa và lau khô chân tay cho các anh em ! Đúng thật, làm như vậy là mất địa vị đấy, nhưng được lợi ý nghĩa sang trọng mới, đích thực, tức được nhận biết là môn đệ chính danh của Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh. Cho nên, huy hiệu của người tín hữu không phải là quyền lực, tham vọng mà là chiếc bình, khăn lau và cái chậu. Chúng ta không vẽ chúng trên xe tăng, tàu chiến, khiên mộc hay gươm đao ! Người môn đệ Chúa Giêsu vẽ chúng trong trái tim của mình. Amen.
Nguồn:
 http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/suyniemINDEX1.htm