Chúa Giêsu thấy gì từ trên thập giá?
Vũ Văn An3/15/2016Năm 1923, một vị linh mục Dòng Đa Minh người Pháp, Cha A.G. Sertillanges, tới Giêrusalem, và sống một năm “sabbaticô” ở đấy. Lúc rảnh, ngài thường dạo quanh các đường hẻm xưa của kinh thành, do đó, ngài tự hỏi không hiểu gần 2000 năm trước, kinh thành này ra sao. Đến nơi mà truyền thống vẫn cho là đồi Canvariô, trí tưởng tượng đưa ngài tới khung cảnh hành quyết vốn đã diễn ra tại đây. Trong những ngày kế tiếp, ngài thấy ngài cứ trở lại cùng một điểm này hoài. Từ từ, cái nhìn bên trong tâm trí ngài bắt đầu nhìn ra ngoài khi nó đồng hóa với con mắt của Chúa Cứu Thế, và khi ngài làm như thế, một linh hứng bỗng xuất hiện…
Bẩy năm sau, cuốn Ce que Jesus voyait du haut de la croix (Điều Chúa Giêsu thấy từ trên thập giá) được xuất bản tại Paris. Năm 1948, ấn bản tiếng Anh What Jesus Saw from the Cross đã ra đời tại Dublin và mới đây được Nhà Sophia Institute Press, tái bản.
Tuy là sách đạo đức, nhưng nó đã phối hợp được cả lịch sử, khảo cổ, địa hình và Thánh Kinh một cách liên tục và đồng thời khiến ta phải suy tư. Đây là công trình của một người viết có tài, khéo léo sử dụng ví von và ẩn dụ. Nhưng không phải chỉ có thế, trước nhất, nó là thành quả của cầu nguyện, của một đời cầu nguyện. Sử dụng sức mạnh của tưởng tượng phối hợp với việc suy niệm từ đời sống, nó dẫn người đọc trở lại với thời gian và nơi chốn đã tự chứng tỏ là điểm then chốt mà cả thế giới, đúng hơn, cả vũ trụ phải tựa vào.
Để bắt đầu, tác giả dẫn chúng ta tới nền đất cao của người Hy Lạp nhìn xuống sân trước Mồ Thánh và cây thánh giá nhỏ ở đấy. Đây là địa điểm mà Truyền Thống vẫn coi là địa điểm Đóng Đinh. Và, rồi chúng ta thấy mình đi ngược lại thời gian lúc nơi này chỉ là một chiếc gò nhỏ có tên Canvariô ở ngoài Giêrusalem do người Rôma chiếm giữ.
Giờ đây, ta hướng về gò đất đó; và khi hướng về đó, ta thấy một đoàn diễu hành buồn bã đang đi tới. Ta thấy người vác cây gỗ, trông giống một con vật bị săn đuổi, trước đám đông la hét; tàn ác thay là các binh lính, vô tâm thay là những người, do các hiểu biết về tôn giáo của họ, đáng lẽ nên biết điều gì thực sự đang diễn ra. Đoàn diễu hành băng qua Cổng Ephraim và, khi băng qua như thế, người tù được điệu tới trước điều sẽ trở thành chiếc mồ của mình. Nó ở đó, ngay trước mặt mình, chờ đợi. Người bước lên bước cuối cùng tới nơi ta đang chờ đợi. Nó chỉ là chiếc gò ngoài đồng ngay bên ngoài bờ tường kinh thành, nơi gọi là “Núi Sọ”, và cái tên thật thích hợp, vì hiện nay, trên đỉnh của nó là cái giá phơi thây. Đây quả là khung cảnh cho thần chết tấn công lần chót và một cách tuyệt vọng vào chính Tác Giả của sự sống.
Chỗ để dựng thập giá cao khoảng 10 bộ Anh (feet) trên chiếc gò không cao quá 16 bộ Anh. Cũng đủ rồi. Từ chiếc ngai này, Chúa của Sự Sống sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh trải ra trước mặt Người. Ngay đối diện là Cổng Ephraim; rồi xa hơn 8 thước Anh (yards) là dinh Philatô, Tháp Antonia; chỉ khoảng 400 thước Anh nữa là chính Đền Thờ. Quá đó chừng 400 thước Anh, là Tháp Nhọn, nơi truyền thống vẫn tin là chỗ Satan nói hắn sẽ hiến tặng Người mọi vương quốc trần gian, nếu …
Tứ phía bao quanh kinh thành là vùng quê. Về phía đông, là Núi Cây Dầu u sầu, và phía phải nó là suối Kidron. Xa xa, là rặng núi Moab dẫn tới Biển Chết và là khung cảnh Thiên Chúa nổi giận vì tội lỗi con người: Sôđôma và Gômôra. Tuy nhiên, núi đó cũng có một truyện kể khác vì trong rặng núi này còn có Núi Nebo mà từ đây, cuối cùng, Môsê đã nhìn thấy Đất Hứa. Nhiều thế kỷ về sau, cũng ở đồng bằng hoang địa này có tiếng nói trong sa mạc, công bố cho mọi người biết đây là thời của Đấng Mêxia. Đây cũng là nơi của những vứt bỏ; nó là nơi ‘chiên chuộc tội’ tức con vật để dân Israel trút mọi tội lỗi lên, rồi bị vứt ra ngoài để chết đền tội cho người khác…
Cạnh các bức tường kinh thành, ta thấy những người tới đây hành hương Lễ Vượt Qua để dâng lễ toàn thiêu. Tuy nhiên, khi làm thế, xem ra không có ai trong số họ hiểu ý nghĩa của cái giá phơi thây họ vừa bước qua hay ai là người sắp bị lột trần và để cho chết.
Xa hơn về phiá đông, có thể nhìn thấy Núi Moriah, nơi người con Isaác bị cha mình là Ápraham sát tế. Phía sau đó, là Núi Tai Tiếng (Mount of Scandals), nhắc người ta nhớ tới việc một tiên tri sẽ phải chết ở Giêrusalem. Chính để lời tiên tri ấy nên trọn mà nay ta đang thấy máu đổ trên đất Giuđa: Con Vua Đavít bị đóng đinh vào những tấm cây gỗ trước Núi Sion, ngọn đồi của Vua Đavít, nơi có Nhà Tiệc Ly, Nhà Bánh mới, Bêlem thứ hai. Dưới nó, là Gehenna, cháy bừng bừng giữa cái nóng ban trưa, nơi lửa không bao giờ ngưng và là nơi nhiều thế kỷ trước đó, các trẻ em bị sát tế trong lửa để tế các ngẫu thần Baan và Môlóc. Tất cả rõ mồn một từ chiếc gò nhỏ trên đó ta đang đứng và là nơi cùng các ngẫu thần trên tụ họp nhau một lần nữa, nhưng nay dưới hình ma qủy, để thích thú theo dõi hy tế sau cùng đang diễn ra.
Cuối cùng, Thập Giá được giương cao lên. Qua cái màn đục mờ của cái nắng buổi trưa, phía xa kia, không quá một phần tư dặm, là công trình kiến trúc quan trọng nhất và đồ sộ nhất: Đền Thờ. Công trình này đối diện trực tiếp với nơi đang diễn ra việc đóng đinh. Hôm nay, lúc 3 giờ chiều, trong khuôn viên Đền Thờ, một con chiên sẽ được sát tế. Vào giờ này, nếu bóng Thập Gía trải dài ra, có lẽ nó sẽ vươn tới nơi diễn ra việc sát tế.
Giờ đây, Linh Mục Sertillanges yêu cầu chúng ta nhìn lên Thập Giá. Nhìn lên chiếc đầu đang gục xuống, nhìn lên cây gỗ đẫm máu trên đó thân mình tan nát đang được đóng đinh vào. Ngài cũng yêu cầu chúng ta một điều nữa, một điều bất thường: là “thay chỗ”, ít nhất trong trí tưởng tượng, với nhân vật bị đóng đinh ấy. Chúng ta phải mặc lấy Chúa Kitô. “Để việc này có thể xẩy ra: thế giới vô hình trong đó linh hồn Người đang di chuyển sẽ xuất hiện sinh động hơn với chúng ta, và có lẽ chúng ta sẽ được ban ơn kết hợp thân mật với Người hơn nữa”.
Ta ngắm nhìn những chiếc đinh đóng chặt vào chân tay Người. Ta thấy Người bị lột trần truồng trừ chiếc mão gai làm trò cười Người vẫn mang. Ta ngắm những giọt máu tiếp tục nhỏ thành dòng mảnh từ chân tay nát bấy của Người. Ta nhìn thân xác bị kiềm chế và kết án của Người, hiện rất ít động đậy ngoài những run bật vì đau đớn. “Và qua tất cả những điều ấy, [chúng ta chờ] cái nhìn vốn nhìn thấu hết mọi sự kia, cái nhìn mà chúng ta sẽ nhìn theo bao xa có thể… [và] đi mãi đi hoài quá cả cái nhìn của ta… vượt qua mọi thế giới hữu hình và vô hình kia… sẽ xuyên tới nguồn gốc của chúng, tới những thẳm sâu nhất của Thiên Chúa”.
Bốn chung quanh, tiếp tục nổi lên những tiếng ồn ào của những người chăn súc vật đang đi vào kinh thành, của những con lạc đà chở nặng đang trên đường trực chỉ Jaffa hay Damascus lúc những trận gió khôn cùng thổi bụi mịt mùng trên hoang địa phía xa; phảng phất đâu đây là mùi hoa trái của những cây vả gần bên và của những cây cỏ chân ngỗng mầu đỏ như máu mọc khắp Đồi Canvariô; và rồi, những tiếng rống liên hồi của những người phạm thượng từ dưới chân Thập Giá vang lên; đứng đó, cũng có một người im lặng suy ngắm mọi sự, linh hồn hoàn toàn bị đâm thâu qua.
Và, khi quay lại dán mắt nhìn Người, chính là lúc Thầy mở mắt ra…
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/180965.htm