Trang chủ

Sonntag, März 29, 2020

Đức Tin, Niềm Vui, Và Sức Sống Trong Đại Dịch

Gioan Lê Quang Vinh
29/Mar/2020

Thứ 6 ngày 27/3 lúc 18 giờ (giờ Rôma) tức 24 giờ (giờ Việt Nam), Đức Thánh Cha đã gửi đến cho người Công Giáo toàn cầu một món quà cao quý: Phép lành toàn xá Urbi et Orbi, và gửi cho toàn thế giới niềm tin yêu và hy vọng dạt dào. Nhìn hình ảnh một cụ già ngoài 80 lặng lẽ dưới cơn mưa giữa quảng trường Vatican rộng lớn, rồi khập khiễng bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô, nhiều giọt nước mắt đã nhỏ xuống và biết bao nhiêu người đã viết lên những lời thương cảm dành cho ngài.

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho chúng ta còn biết rơi lệ

Đặng Tự Do
29/Mar/2020

Lúc 7 sáng thứ Chúa Nhật 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người đang phải khóc, và cầu nguyện cho chúng ta còn biết rơi lệ. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Samstag, März 28, 2020

Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A

MỞ CỬA MỘ

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.
Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.
Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.

Toàn bộ nội dung buổi cầu nguyện đặc biệt tối 27/3/2020

J.B. Đặng Minh An dịch
27/Mar/2020

Phần I: Lắng nghe Lời Chúa

Đức Thánh Cha: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Amen.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, xin hãy nhìn đến tình trạng đau đớn của chúng con. Xin an ủi con cái Chúa và mở rộng tâm hồn chúng con ra với hy vọng, bởi vì chúng con cảm thấy sự hiện diện phụ tử của Chúa giữa chúng con. Vì Chúa Kitô, Chúa chúng con


Amen.

Bài Trích Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 4:35-41)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện đặc biệt tối 27/3/2020

J.B. Đặng Minh An dịch
27/Mar/2020
Lúc 6 giờ chiều thứ Sáu 27 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trước một Quảng trường trống không như ngài đã giải thích khi tuyên bố ý định này vào hôm Chúa Nhật 22 tháng Ba, và ngài đã nhắc lại hôm thứ Tư 25 tháng Ba vừa qua.

Buổi cầu nguyện gồm việc lắng nghe Lời Chúa, dâng lời cầu nguyện lên Chúa, thờ lạy Thánh Thể, và ban phép lành Urbi et Orbi, kèm với một Ơn Toàn xá.

Trong bài giảng tại buổi cầu nguyện đặc biệt này, Đức Thánh Cha nói:


“Khi chiều đến” (Mc 4:35). Đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe được bắt đầu như thế. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã buông xuống. Bóng tối dầy đặc chụp xuống trên các quảng trường, các đường phố và thành phố của chúng ta; chúng chụp xuống cuộc sống chúng ta, lấp đầy mọi thứ với một sự im lặng điếng người và một sự trống rỗng thê thảm, nó làm tê liệt mọi thứ khi nó đi qua: chúng ta cảm thấy điều này trong không khí, chúng ta nhận thấy nó qua các cử chỉ, qua những cái nhìn của mọi người. Chúng ta lo lắng và mất phương hướng. Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bị ngỡ ngàng trước một trận bão bất ngờ và hung bạo. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời điều quan trọng và cần thiết là tất cả được kêu gọi cùng chèo chống với nhau, mỗi người đều cần an ủi người khác. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh kêu lên trong âu lo: “Chúng ta chết mất” (v.38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.

Thật là dễ nhận ra hình ảnh của chính chúng ta trong trình thuật này. Điều khó khăn hơn là làm sao hiểu được thái độ của Chúa Giêsu. Khi các môn đệ đương nhiên hốt hoảng và tuyệt vọng, thì Chúa đang nằm ở cuối thuyền, là phần sẽ bị chìm trước tiên. Và Ngài làm gì? Bất chấp những giao động, hối hả, Ngài vẫn say ngủ, tín thác nơi Chúa Cha - đó là lần duy nhất trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ. Khi Ngài bị đánh thức dậy, Chúa cho gió yên biển lặng, rồi nói với các môn đệ với giọng khiển trách: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” (v.40).

Chúng ta hãy cố hiểu điều này. Điều gì bao gồm trong sự hèn tin của các môn đệ, là một thái độ trái ngược với sự tín thác của Chúa Giêsu? Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức các môn đệ cầu khẩn Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (v. 38). “Thầy chẳng lo gì”: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc cho họ. Một trong những điều làm chúng ta và các gia đình đau lòng nhất là câu: “chẳng lo gì sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và khơi dậy bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm Chúa Giêsu tổn thương. Vì Ngài quan tâm đến chúng ta hơn bất cứ ai. Thực vậy, sau khi các môn đệ kêu cầu, Chúa đã cứu các ngài khỏi sự ngã lòng.

Bão tố phơi bày tính dễ bị thương tổn của chúng ta và vạch trần những định tín giả tạo và hời hợt trên đó chúng ta đã xây dựng những dự định, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã khờ khạo và mù mờ trước những điều căn cơ nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những ý tưởng định kiến và sự lãng quên những gì nuôi dưỡng linh hồn con người; nó làm lộ ra tất cả những toan tính gây mê chúng ta bằng những nếp nghĩ và cách hành xử được cho là “cứu” chúng ta, nhưng thực ra lại cho thấy không có khả năng quy chiếu đến những căn cội và giữ cho sống động ký ức của những người đi trước chúng ta, và vì thế đánh mất các kháng thể cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Trận bão này cũng đánh trôi cái mã bề ngoài của những định kiến chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của mình, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; và một lần nữa, chúng ta khám phá thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lạy Chúa, Lời Chúa chiều tối hôm nay đánh động chúng con và có liên hệ đến tất cả chúng con. Trong thế giới mà Chúa yêu thương nhiều hơn cả chúng con yêu, chúng con lao đi rất nhanh, cảm thấy thật mạnh mẽ như thể có khả năng làm mọi sự. Ham hố lợi lộc, chúng con để cho mình bị vật chất thu hút và bị cuốn trôi trong sự vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những cuộc chiến và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất đang đau yếu của chúng con. Chúng con cứ tiếp tục lao nhanh bất chấp mọi thứ, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Giờ đây, khi chúng con đang ở giữa một vùng biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Lạy Chúa, Chúa đang kêu gọi chúng con, một lời kêu gọi hãy có đức tin. Không phải chỉ tin Chúa hiện hữu cho bằng hãy đến cùng Chúa và tín thác nơi Chúa. Lời kêu gọi cấp thiết của Chúa còn vang dội mạnh mẽ hơn trong Mùa Chay này: “Hãy hoán cải”, “hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con nắm lấy thời điểm thử thách này như một thời khắc chọn lựa. Đây không phải là thời điểm phán xét của Chúa, nhưng là lúc chúng con phải phân định: đó là thời điểm chọn lựa điều gì là đáng kể và điều gì là chóng qua, một thời để tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Chúng con có thể nhìn thấy bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, là những người trong sợ hãi, đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình. Đó là sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống và nhào nặn thành những sự hy sinh quên mình can đảm và quảng đại.

Đó là sự sống trong Thánh Linh có khả năng cứu vớt, đánh giá và biểu lộ cách thức cuộc sống của chúng ta được hình thành và nâng đỡ nhờ những người bình thường - thường khi bị quên lãng - không được nêu trong các tít lớn của các tờ báo hay tạp chí, hay trong những chương trình biểu diễn mới nhất, nhưng chắc chắn là trong những ngày này họ đang viết lên những biến cố quan trọng trong lịch sử chúng ta. Các bác sĩ, y tá, các nhân viên trong siêu thị, các nhân viên vệ sinh, những người chăm sóc, những người cung cấp các dịch vụ giao thông, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nam nữ tu sĩ và cơ man những người khác là những người hiểu rằng không ai có thể giải thoát chỉ một mình. Đứng trước biết bao đau khổ, qua đó mức độ phát triển đích thực của các dân tộc chúng ta được đánh giá, chúng ta khám phá và cảm nghiệm lời cầu nguyện tư tế của Chúa Giêsu: “Ước gì tất cả họ được nên một” (Ga 17:21). Biết bao người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và trao ban hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng cổ vũ cho tinh thần đồng trách nhiệm. Bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, và thầy cô giáo, chỉ cho các trẻ em của chúng ta, qua những cử chỉ nhỏ bé thường nhật, cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và dưỡng nuôi lời cầu nguyện. Biết bao người cầu nguyện, trao ban và chuyển cầu cho thiện ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Đức tin bắt đầu khi chúng ta biết mình cần đến ơn cứu độ. Chúng ta không tự mãn, chỉ một mình chúng ta sẽ chìm nghỉm; chúng ta cần Chúa như những người hải hành xưa cần đến những vì sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó dâng cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài khuất phục chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, con thuyền sẽ không bị đắm. Vì đây là sức mạnh của Thiên Chúa: Ngài biến tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, ngay cả những điều bất hạnh, thành những điều tốt lành cho chúng ta. Ngài mang lại sự thanh thản ngay giữa những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết.

Giữa bão tố của chúng ta, Chúa hỏi chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và thực hành tình liên đới và hy vọng có khả năng mang lại sức mạnh, sự nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thức và hồi sinh niềm tin [vào mầu nhiệm] Phục sinh của chúng ta. Chúng ta có một chiếc neo: đó là qua thập giá của Ngài chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: đó là qua thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: đó là qua thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ôm ấp để không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cô lập, trong đó chúng ta đang phải chịu đựng sự thiếu vắng tình cảm trìu mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu mất mát, chúng ta hãy để mình một lần nữa lắng nghe lời loan báo cứu độ chúng ta: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tái khám phá cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang trông đợi nơi chúng ta, để củng cố, nhìn nhận và nuôi dưỡng ơn thánh đang sống trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (x Is 42:3) không bao giờ tàn lụi, và hãy để cho niềm hy vọng được thắp lên.

Đón nhận thập giá Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các gian truân của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sang một bên ước muốn quyền lực và của cải, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Điều này có nghĩa là tìm kiếm can đảm để mở ra những không gian trong đó tất cả mọi người đều thể cảm thấy được mời gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và tình liên đới. Qua thập giá Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường có thể giúp chúng ta bảo vệ chính mình và những người khác. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, là điều giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và mang đến hy vọng cho chúng ta.

“Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”

Anh chị em thân mến, từ nơi này, là nơi nhắc nhớ đức tin kiên vững của thánh Phêrô, tối hôm nay tôi muốn phó thác tất cả anh chị em cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là Sức khỏe của mọi người, là Sao biển giữa bão tố. Từ những hàng cột đang ôm lấy Rôma và thế giới này, xin phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa bảo chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lặp lại lần nữa: “Các con đừng sợ” (Mt 28:5). Và cùng với thánh Phêrô, “mọi âu lo, xin trút cả cho Người, vì Người chăm sóc chúng con” (x 1 Pr 5:7).

Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/255377.htm

Freitag, März 27, 2020

Cây Thánh Giá Phép lạ được đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô cho buổi phép lành Urbi et Orbi vào thứ Sáu này.



Trần Mạnh Trác
26/Mar/2020
Vatican City, 25 tháng ba năm 2020 / 15:10 ( CNA ).- Cây thánh giá phép lạ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến cầu nguyện hôm Chuá nhật vừa qua cho nạn dịch được chấm dứt đã được hạ xuống khỏi bàn thờ cuả Nhà thờ San Marcello al Corso và sẽ dựng lên tại Quảng trường Thánh Phêrô cho buổi lễ chúc lành "Urbi et Orbi" (cho Thành Phố và cho Thế Giới) của Đức Giáo Hoàng.

Cây thánh giá đã được đưa đi vào tối thứ Tư và sẽ có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô vào thứ Năm, theo tin cuả phóng viên Vatican Francesco Antonio Grana.

Cây thánh giá được người dân ở Rome tôn sùng là kỳ diệu sau khi đó là bức tượng duy nhất không bị hư hại sau một đám cháy hoàn toàn thiêu đốt ngôi nhà thờ vào ngày 23 tháng 5 năm 1519.

Rồi ba năm sau, Rome lại bị tàn phá bởi "bệnh dịch đen" (Black Plague).

Người dân ở Rome đã thỉnh nguyên rước cây thánh giá đi quanh thành phố, qua tất cả các quận để đến Quảng trường Thánh Phêrô.

Cuộc rước kéo dài 16 ngày, từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 8 năm 1522. Khi cây thánh giá về lại nhà thờ San Marcello, thì cơn dịch cũng biến mất khỏi Rome.

Kể từ đó cây thánh giá đã được đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô 50 năm một lần, nhân dịp các Năm Thánh (chẵn)- và trên lưng của cây thánh giá có khắc tên các vị giáo hoàng chủ trì đám rước. Tên vị giáo hoàng cuối cùng được khắc là Thánh Gioan Phaolô II. Ngài đã ôm cây thánh giá trong buổi lễ “Ngày Xoá Tội” năm 2000.

Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/255347.htm

Mittwoch, März 25, 2020

Bill Gates suy tư về Coronavirus: Nó nhắc nhở chúng ta những bài học quan trọng

Bill Gates
24/Mar/2020
Bill Gates suy tư về Coronavirus: Nó nhắc nhở chúng ta những bài học quan trọng

Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ xảy ra, cho dù đó là những gì chúng ta cho là tốt hay xấu. Khi tôi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những gì tôi cảm thấy Coronavirus/Covid-19 thực sự đang làm với chúng ta:

Đức Thánh Cha nghẹn ngào trước tấm gương anh hùng của các bác sĩ và y tá

Đặng Tự Do
24/Mar/2020

Lúc 7 sáng thứ Ba 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các nhân viên y tế. Như chúng tôi đã đưa tin, tại một bệnh viện trong vùng Cremona, cách Rôma 513km về phía Tây Bắc, một số nhân viên y tế đã qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc kiệt sức nhiều giờ trong một ngày. Thi thể họ phải để tạm trong nhà nguyện của bệnh viện. “Đứng trước số bệnh nhân quá đông, chúng tôi không muốn thấy họ chết, nên chúng tôi cố làm việc, thường khi đến 18, 20 giờ trong một ngày. Xin cầu nguyện cho chúng tôi,” một người y tá nói.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nghẹn ngào nói trong một cố gắng để đừng bật khóc:

Montag, März 23, 2020

Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba

J.B. Đặng Minh An dịch
22/Mar/2020

Từ Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã không chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhưng từ Thư viện của Dinh Tông tòa Vatican, và được trực tiếp truyền hình.

Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trọng tâm của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là chủ đề ánh sáng. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (9,1-14) thuật lại câu chuyện Chúa chữa cho sáng mắt một người mù từ lúc mới sinh. Dấu chỉ kỳ diệu này là sự xác nhận cho lời khẳng định của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính Ngài: “Ta là Ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi những bóng tối trong chúng ta. Chúa Giêsu thực là như thế. Ngài chiếu rọi ánh sáng ở hai cấp độ thể lý và tâm linh: người mù trước tiên được sáng mắt và sau đó được hướng dẫn đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Những phép lạ Chúa làm không phải là những cử chỉ ngoạn mục, nhưng mục đích của các phép lạ ấy là dẫn đến đức tin thông qua hành trình biến đổi nội tâm.

Samstag, März 21, 2020

Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm A


NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Ta nhìn thấy được là nhờ có ánh sáng. Đôi mắt là ánh sáng của thân thể. Nếu mắt hư hỏng, thì dù bên ngoài trời có sáng trưng, ta vẫn không thấy gì hết. Người bị hư mắt sống hoàn toàn trong đêm tối.
Có nhiều thứ đêm tối. Cũng như có nhiều loại mắt.
Có thứ đêm tối u mê dốt nát. Ánh sáng văn hoá có đó. Sách vở chữ nghĩa có đó. Nhưng ta không đọc được. Vì ta mù chữ. Trí tuệ ta thiếu đôi mắt. Nên ta chìm trong đêm tối u mê.
Có thứ đêm tối phàm phu. Thiên nhiên có biết bao cảnh đẹp. Nhìn cảnh hoàng hôn, bình minh, người hoạ sĩ có thể xúc cảm vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Ta không cảm được vẻ đẹp của đất trời vì ta không có cặp mắt hoạ sĩ. Nghe chim ca, nhìn lá rụng, thi sĩ có thể viết nên những vần thơ. Còn ta, ta không nghe được sứ điệp của chim, không cảm được nỗi buồn của lá, vì ta không có tâm hồn, ánh mắt nhạy cảm của nhà thơ.

Freitag, März 20, 2020

Sắc lệnh ban ơn Toàn Xá của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tình trạng dịch bệnh lan tràn hiện nay

J.B. Đặng Minh An dịch
20/Mar/2020

Hôm thứ Sáu, ngày 20 tháng Ba năm 2020, Tòa Thánh đã công bố Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, liên quan đến những ân xá đặc biệt dành cho các tín hữu trong cuộc khủng hoảng đại dịch coronavirus hiện nay. Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa và Đức Ông Krzydztof Nykiel, Nhiếp chính, đã ký Sắc lệnh vào ngày 19 tháng 3.

Donnerstag, März 19, 2020

Lễ Thánh Giuse Thời Covid19

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
18/Mar/2020

Lễ Thánh Giuse Thời Covid19
2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a

Mấy tháng nay tâm trí mọi người đều bị Covid19 xâm chiếm. Trong tình hình dịch bệnh như thế, chúng ta mừng lễ thánh cả Giuse thế nào? Lời Chúa trong lễ thánh Giuse nói với ta điều gì giữa thời đảo điên do dịch Covid19 gây ra? Có thể thấy 4 sứ điệp.

1. Hãy dừng lại. David có toan tính xây đền thờ. Nhưng Chúa bảo ông: hãy dừng lại. Abraham nôn nóng mong lời Chúa hứa thực hiện. Chúa bảo ông: hãy dừng lại. Thánh Giuse cũng đang có toan tính bỏ đi. Chúa bảo ngài: hãy dừng lại.

Sonntag, März 15, 2020

Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm A



NHỊP CẦU THIÊNG LIÊNG

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Từ khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, con đường về miền Tây như ngắn lại, đôi bờ sông Tiền gần gũi nhau hơn. Đời sống thần linh và đời sống phàm trần cũng như hai bờ sông cách xa vời vợi. Cần có những nhịp cầu nối liền dòng sông thiêng liêng giúp con người đi về gặp gỡ Thiên chúa.
Hôm nay, khi mở đầu câu chuyện với người phụ nữ Samaria, Đức Giêsu đã bắc những nhịp cầu nối liền dòng sông ngăn cách. Thái độ gần gũi của Người là nhịp cầu xoá đi biên giới ngăn cách chủng tộc, tôn giáo. Lời Người chính là nhịp cầu dẫn vào đời sống thần linh.

Freitag, März 13, 2020

Bài Giáo lý 5 của ĐTC Phanxicô: Phúc thay những ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no thỏa

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
12/Mar/2020

BÀI GIÁO LÝ 5 CỦA ĐTC PHANXICÔ: Phúc thay những ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no thỏa (Mt 5:6)

Kể từ Thứ Tư 29 tháng 1, năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về Bát Phúc hay Tám Mối Phúc Thật. Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ năm của Đức Thánh Cha được truyền hình từ Thư Viện Toà Thánh hôm Thứ Tư vừa qua, ngày 11 tháng 3 năm 2020. Trong bài này chúng tôi dịch Bài Tóm Tắt bằng Tiếng Anh ngắn để tiện cho các giáo xứ đăng trên các bản tin và bài Giáo Lý chính và dài từ bản tiếng Ý được đăng trong website của Toà Thánh (http://www.vatican.va).

Bài Tóm Tắt bằng Anh Ngữ

Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý về Bát Phúc, giờ đây chúng ta chuyển sang Mối Phúc thứ tư: "Phúc thay những ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no thỏa" (Mt 5:6). Chúa Giêsu không chỉ nói về sự đói khát công lý cá nhân và xã hội, mà còn chỉ đến một lòng khao khát sự công chính sâu thẳm hơn trong mắt Thiên Chúa. Thánh Vịnh 63 diễn tả khát khao này như sau: Lạy Thiên Chúa là Thiên Chúa của con, con khao khát Chúa; tâm hồn con khao khát Chúa (c. 1). Thánh Augustinô cũng nói tương tự như thế: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, và tâm hồn chúng con không tìm thấy sự bình an cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” (Tự Thú, I, 1). Sự mong ước này nằm trong tâm hồn của mỗi con người và tìm thấy no thoả trong Đức Kitô, Đấng qua mầu nhiệm vượt qua đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha và mời gọi chúng ta chia sẻ với mọi người Tin Mừng về ơn công chính hoá của mình. Bát Phúc hứa với chúng ta rằng bằng cách cổ võ công lý theo nghĩa cao trọng nhất này, chúng ta sẽ được thoả mãn thực sự, vì lòng khao khát sự công chính của chúng ta sẽ được no thoả bởi tình yêu mà Thiên Chúa tuôn đổ trên con cái Ngài.

Donnerstag, März 12, 2020

Đức Thánh Cha dâng lời nguyện lên Đức Mẹ xin che chở trước đại dịch coronavirus

Đặng Tự Do
12/Mar/2020

Đức Thánh Cha Phanxicô đã soạn một lời cầu nguyện dâng lên Đức Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân, để cầu xin sự bảo vệ của Mẹ trong đại dịch coronavirus.

Ngày Thứ Tư 11 tháng Ba đã được chọn là ngày ăn chay và cầu nguyện của giáo phận Rôma trước đại dịch coronavirus. Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma, đã cử hành tại đền thánh Madonna del Divino Amore - Đức Mẹ Tình yêu Chúa một thánh lễ đặc biệt cầu bình an cho giáo phận.