Video: Đức Thánh Cha đi xưng tội trong buổi cử hành 24 giờ cho Chúa tại Vatican
09/Mar/2018
Lúc 5h chiều ngày thứ Sáu, 9 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự Phụng Vụ Sám Hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô với nghi thức thống hối chung, xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân trong khuôn khổ sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’
Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm nay có chủ đề là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”.
Buổi cử hành đã được diễn ra dưới hình thức một buổi Phụng Vụ Lời Chúa với một bài đọc và một bài Phúc Âm.
Bài đọc I.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:
Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.
Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa.
Thế mà anh em biết: Đức Giê-su đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi.
Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội.
Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người.
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường.
Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Đức Giê-su là Đấng Công Chính.
Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu.
Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá huỷ công việc của ma quỷ.
Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra.
Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.
Bất kể con tim chúng ta có cáo tội chúng ta đến đâu, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.
Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.
Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.
Sau bài đọc Một, cộng đoàn đã hát Thánh Vịnh trước khi lắng nghe bài Phúc Âm theo Thánh Matthêu (26: 69-75)
Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!” Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.” Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Những lời của Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe mang lại cho chúng ta vui mừng an ủi biết ngần nào: Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã cho chúng ta trở nên con cái của Ngài, và khi chúng ta được nhìn thấy Ngài mặt đối mặt, chúng ta sẽ khám phá ra tất cả sự vĩ đại của tình yêu của Người (xem 1 Ga 3: 1-10.19-22). Không chỉ có như thế. Tình yêu của Thiên Chúa luôn lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng ra được; tình yêu ấy thậm chí còn vượt xa bất kỳ tội lỗi nào cắn rứt lương tâm chúng ta. Tình yêu của Ngài là một tình yêu vô hạn, không có một biên cương nào cả. Nó không bị kềm chế trước tất cả những trở ngại mà chúng ta, về phần mình, có xu hướng đặt ra trước mặt người khác, vì sợ rằng họ có thể tước mất tự do của chúng ta.
Chúng ta biết rằng tình trạng tội lỗi tách biệt chúng ta khỏi Thiên Chúa. Nhưng thực ra, tội lỗi là cách mà chính chúng ta muốn rời xa Người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa cách xa chúng ta. Tình trạng yếu đuối và nhầm lẫn là những hậu quả của tội lỗi lại là một trong nhiều lý do để Thiên Chúa muốn gần gũi chúng ta. Xác tín về điều này phải đồng hành cùng với chúng ta trong suốt cuộc đời. Những lời của Thánh Tông Đồ là một khẳng định chắc chắn rằng con tim chúng ta nên tin tưởng, luôn luôn và không chút ngần ngại, vào tình yêu của Chúa Cha vì “Bất kể con tim chúng ta có cáo tội chúng ta đến đâu, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (câu 20).
Ân sủng của Ngài liên tục làm việc trong chúng ta, để củng cố niềm hy vọng của chúng ta rằng tình yêu của Người sẽ không bao giờ thiếu, bất kể mọi tội lỗi chúng ta có thể đã phạm khi từ khước sự hiện diện của Ngài trong đời sống chúng ta.
Chính hy vọng này, lúc này lúc khác, làm cho chúng ta nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta đã lạc mất phương hướng, như Thánh Phêrô trong câu chuyện Tin Mừng mà chúng ta đã nghe. “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: ‘Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.’ Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26: 74-75). Vị Thánh Sử thật sắc bén. Tiếng gà gáy thức tỉnh một con người đang bối rối; ông nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, và cuối cùng, bức màn được kéo lên. Ông Phêrô bắt đầu nhìn thấy thoáng qua những giọt nước mắt của mình rằng Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Chúa Kitô, Đấng bị đánh đập và sỉ nhục, Đấng mà chính ông đã chối bỏ, nhưng bây giờ Người đang trên đưòng chết cho ông. Ông Phêrô, người muốn chết vì Chúa Giêsu, giờ đây nhận ra rằng ông phải để cho Chúa Giêsu chết thay cho ông. Ông Phêrô muốn dạy Thầy mình; ông muốn đi trước Người. Nhưng trái lại, chính Chúa Giêsu đi chết cho Phêrô. Phêrô đã không hiểu điều này; ông đã không muốn hiểu điều đó.
Ông Phêrô giờ đây đang đối diện với tình yêu của Chúa. Cuối cùng, ông nhận ra rằng Chúa yêu thương ông và yêu cầu ông để cho chính mình được Chúa yêu. Ông Phêrô nhận ra rằng ông đã luôn luôn từ chối để mình được yêu. Ông đã luôn luôn từ chối để cho mình được cứu độ bởi một mình Chúa Giêsu, và vì vậy ông không muốn Chúa Giêsu yêu ông hoàn toàn.
Thật khó khăn khi để cho chính chúng ta được yêu biết chừng nào! Chúng ta luôn muốn trong chừng mực nào đó không phải mang ơn ai, trong khi trên thực tế, chúng ta hoàn toàn mắc nợ, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và, với tình yêu của Ngài, Ngài cứu độ chúng ta hoàn toàn.
Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết được sự vĩ đại của tình yêu Ngài, là điều lau sạch mọi tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta hãy để bản thân mình được thanh tẩy bởi tình yêu, ngõ hầu nhận ra tình yêu đích thực!
Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã đi xưng tội, trong khi ca đoàn hát các bài ca vịnh sám hối.
Sau đó Đức Thánh Cha, các Hồng Y, một số đông các Giám Mục và linh mục đã ngồi tòa giải tội trong dịp này.
Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, 2018, Đức Thánh Cha viết:
“Một trong những khoảnh khắc của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến ‘24 Giờ cho Chúa’, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Vịnh 130 câu 4, ‘Nơi Chúa có ơn tha thứ’, biến cố này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bẩy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn tiếng, để tạo cơ hội cho cả việc tôn thờ Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.”
Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa cuả sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:
“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/242756.htm