Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng cảnh báo: Xã hội chúng ta đã quay trở lại thời ngoại giáo, tôn thờ ngẫu tượng tính dục
Đặng Tự Do23/Mar/2018
Luân lý Công Giáo trong quá khứ chú trọng đến việc ngăn ngừa tội lỗi tình dục và coi nhẹ tội bất công, ngày hôm nay “chúng ta đã đi đến thái cực ngược lại,” người ta dường như chỉ quan tâm đến cách mọi người đối xử với những người khác, và coi nhẹ cách thức họ đối xử với hồng ân là thân thể của họ. Cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, đã bày tỏ quan điểm trên trong bài giảng trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma hôm thứ Sáu 23 tháng Ba.
Ngài nhận xét rằng: “Trong quá khứ, luân lý của chúng ta nhấn mạnh một cách chuyên biệt đến những tội lỗi của xác thịt đến mức đôi lúc đã dẫn đến những căng thẳng thực sự về thần kinh, và gây hại cho mối quan tâm của chúng ta đối với các nghĩa vụ đối với người lân cận, và gây hại cho chính đức khiết tịnh”
Bài thuyết giảng hôm thứ Sáu 23 tháng Ba tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong dinh Tông Toà là bài cuối cùng trong loạt bài suy niệm Mùa Chay 2018 dành cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma.
Vị giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng quan sát rằng:
“Càng ngày, người ta càng có xu hướng tách biệt giữa tội chống lại đức khiết tịnh với tội đối với người lân cận, và chỉ coi tội phạm đến người lân cận mới thực sự là tội”.
Nhưng cả hai đi cùng với nhau, vị linh mục dòng Capuchinô khẳng định. “Khiết tịnh và tình yêu tha nhân tiêu biểu cho khả năng làm chủ bản thân và để chính mình trở nên món quà cho người khác. Làm thế nào ta có thể trao ban bản thân mình nếu ta không làm chủ được bản thân mình nhưng lại là một nô lệ cho những đam mê?”
“Thật là một ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta có thể kết hợp sự phục vụ chân thực cho anh chị em mình, là điều luôn luôn đòi hỏi sự hy sinh, lòng vị tha, quên mình và sự quảng đại; với một cuộc sống cá nhân rối loạn, tập trung mọi sự vào mục đích duy nhất là làm thỏa mãn bản thân và những đam mê của mình. Nó chắc chắn sẽ dẫn đến việc khai thác anh chị em ta, cũng như lạm dụng cơ thể mình. Những người không thể nói 'không' với bản thân mình không thể nói 'vâng' với anh chị em người ấy.”
Nhân đức khiết tịnh liên quan đến việc tự chế ngự, cả trong việc ăn uống, nói năng, nhìn ngắm, và tình dục. Nhưng động lực Kitô Giáo khi đặt khiết tịnh lên hàng nhân đức không chỉ nhắm đến việc củng cố chúng ta, nhưng, như Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Côrintô đã giải thích, chúng ta không được phép bán chính mình hoặc sử dụng chính mình cho khoái lạc vì lý do đơn giản rằng chúng ta không còn thuộc về chính mình; chúng ta không phải là của riêng của mình nhưng thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta không thể quyết định làm thế nào để sử dụng một cái gì đó không thuộc về chúng ta”
Nhưng ngày hôm nay, “chúng ta đang sống trong một xã hội, về mặt luân lý mà nói, đã quay trở lại thời ngoại giáo một cách toàn diện và toàn tâm tôn thờ ngẫu tượng tính dục,” vị giảng thuyết năm nay 83 tuổi nói với Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma.
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Tin tức hàng ngày về các vụ lạm dụng và những tai tiếng trong lĩnh vực này, trong đó có cả các thành viên trong hàng giáo sĩ và tu sĩ, đang nhắc nhở chúng ta về thực tại cay đắng này”
Cha Cantalamessa nói rằng ngài không kêu gọi sự trở lại với “đức khiết tịnh dựa trên sự sợ hãi, dựa trên những điều cấm kỵ, và não trạng theo đó nam giới và nữ giới phải tránh xa nhau, như thể người này luôn luôn nhất thiết là một cái bẫy và một kẻ thù tiềm năng của người kia chứ không phải là một sự giúp đỡ cho nhau.”
Câu trả lời, theo cha Cantalamessa, là “phải làm một cái gì đó mới” theo sự thúc đẩy của Thánh Linh. “Ngài đang yêu cầu chúng ta làm chứng cho thế giới về sự trong trắng ban đầu của các sinh vật và sự vật.”
Source: Catholic Herald Our society has fallen back into paganism and idolatry of sex, says papal preacher
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/242957.htm