Hãy mặc áo giáp ánh sáng: Bài giảng thứ năm Mùa Chay 2018 của Cha Cantalamessa, kỳ cuối
Vũ Văn An25/Mar/2018
2. Đức Trong Sạch, Vẻ Đẹp, và Tình Yêu Người Lân Cận
Trong ánh sáng mới, bắt nguồn từ mầu nhiệm vượt qua và được Thánh Phaolô minh họa cho chúng ta cho tới điểm này, lý tưởng trong sạch giữ một địa vị ưu tuyển trong mọi toát yếu luân lý của Tân Ước. Người ta có thể nói rằng không có lá thư nào của Thánh Phaolô, trong đó ngài lại không dành chỗ cho sự trong sạch khi ngài mô tả đời sống mới trong Chúa Thánh Thần (xem, ví dụ, Ep 4: 17-5: 33, Cl 3: 5- 12). Các yêu cầu căn bản về sự trong sạch thỉnh thoảng được chuyên biệt hóa, theo các bậc sống đa dạng của các Kitô hữu. Các Thư mục Mục vụ giải thích sự trong sạch cần được lên hình dạng ra sao nơi người trẻ, phụ nữ, vợ chồng, người cao tuổi, góa bụa, các linh mục, và các giám mục. Những thư này trình bầy sự trong sạch trong các khía cạnh khác nhau của đức khiết tịnh, của lòng trung thành phu phụ, của sự đúng mức, của sự tiết dục, của đức đồng trinh, và chừng mực.
Xét chung, khía cạnh của đời sống Kitô hữu này xác định ra những gì Tân Ước - và các Thư Mục vụ một cách đặc biệt - gọi là "vẻ đẹp" hay đặc tính “đẹp đẽ" của ơn gọi Kitô hữu, một ơn gọi, nhờ kết hợp với các đặc tính khác của sự thiện, đã tạo nên lý tưởng độc đáo "vẻ đẹp thiện hảo" hoặc "sự thiện đẹp đẽ" (trong tiếng Hy Lạp, kalokagathia). Truyền thống Kitô giáo, khi gọi trong sạch là "nhân đức xinh đẹp", đã nắm được viễn kiến thánh kinh này – bất chấp các lạm dụng và các nhấn mạnh thường chỉ có một chiều vẫn xẩy ra luôn - đã nói lên một điều gì đó sâu sắc. Đức trong sạch quả thực là một Vẻ Đẹp!
Loại trong sạch này là một lối sống hơn là một nhân đức cá nhân. Các biểu hiện của nó đa dạng, vượt xa phạm vi chỉ có tính giới tính. Có sự trong sạch của thân thể, nhưng cũng có sự trong sạch của linh hồn không những từ khước các hành vi mà cả các ham muốn và ý nghĩ "xấu xa" nữa (xem Mt 5,8,27-28). Có sự trong sạch của lời nói, hệ ở việc, về mặt tiêu cực, kiềm chế ngôn ngữ khiêu dâm, khiếm nhã, và nói sàm sỡ hay khêu gợi (xem Ep 5: 4, Cl 3: 8) và về mặt tích cực, nó hệ ở ngôn ngữ thành thật và thẳng thắn, nghĩa là "có, thì nói có" và "không, thì nói không" noi gương Chiên Con không tì vết; nơi Người "không có lừa đảo trên môi miệng" (1Pr 2:22). Cuối cùng, có sự trong sạch hoặc minh bạch của đôi mắt và cái nhìn của người ta. Chúa Giêsu phán, "Mắt là đèn soi thân xác" (xem Mt 6: 22tt, Lc 11:34). Thánh Phaolô sử dụng một hình ảnh rất gợi ý để chỉ ra lối sống mới này: ngài nói rằng các Kitô hữu, nhờ sinh ra từ Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, nên có đặc điểm "bánh không men của lòng thành thực và chân lý" (1Cr 5: 8). Chữ mà Thánh Tông Đồ sử dụng ở đây, eilikrineia, (từ eile, sự sáng láng của mặt trời, và krino, biện phân) có chứa trong nó hình ảnh một "sự trong sáng có tính mặt trời." Trong đoạn văn mà chúng ta đã bắt đầu với Thư Rôma, ngài nói tới sự trong sạch như là " áo giáp ánh sáng".
Mỗi ngày, người ta càng có xu hướng tương phản các tội phạm tới sự trong sạch với các tội phạm tới người lân cận và chỉ xem tội phạm tới người lân cận là tội thực sự. Đôi khi người ta chế nhạo giá trị quá đáng mà trước đây, họ vốn dành cho "nhân đức đẹp đẽ". Thái độ này có thể hiểu được phần nào: thời trước, luân lý học thường nhấn mạnh đến những tội lỗi về xác thịt một cách đơn phương đến nỗi, có khi, đã dẫn đến những bệnh thần kinh thực sự, làm hại các quan tâm tới các nhiệm vụ đối với người lân cận của chúng ta và làm hại đến chính nhân đức trong sạch. Vì thế, nhân đức này đã trở nên nghèo nàn và bị giản lược vào một điều gì đó gần như chỉ còn là tiêu cực, một nhân đức chỉ còn khả năng để nói "không".
Tuy nhiên, chúng ta đã đi đến chỗ cực đoan đối nghịch, và người ta có khuynh hướng tối thiểu hóa các tội phạm đến sự trong sạch vì sự quan tâm (thường chỉ bằng lời nói) tới người lân cận. Sai lầm căn bản ở đây là đặt hai nhân đức này chống lại nhau. Không hề đặt sự trong sạch chống lại lòng bác ái, Lời Chúa, thay vào đó, đã liên kết chúng chặt chẽ với nhau. Chúng ta chỉ cần đọc tiếp đoạn văn của Thư Thứ nhất gửi tín hữu Têsalônica mà tôi đã trích dẫn lúc khởi đầu để nhận ra việc hai nhân đức này liên lập lẫn nhau ra sao, theo Thánh Tông Đồ (xem 1Tx 4: 3-12). Mục đích duy nhất của cả đức trong sạch lẫn đức bác ái là có thể sống một cuộc sống "trọn vẹn nhân phẩm", nghĩa là, được tích hợp vào mọi mối quan hệ của nó bất kể là với bản thân hay với người khác. Trong đoạn văn của chúng ta, Thánh Tông Đồ tóm tắt tất cả các điều này khi nói rằng "Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày" (Rm 13:13).
Sự trong sạch và tình yêu của người lân cận đại diện cho sự thống trị bản thân và tự hiến bản thân cho người khác. Làm thế nào tôi có thể cho đi bản thân mình nếu tôi không sở hữu bản thân ấy mà là làm nô lệ cho các đam mê của tôi? Quả là một ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta có thể phối hợp sự phục vụ chân chính đối với anh chị em mình, một sự phục vụ luôn luôn đòi hỏi hy sinh, vị tha, quên mình, và đại lượng, với một cuộc đời trong đó bản thân bị rối loạn, tất cả nhằm mục đích làm vui lòng bản thân và thỏa mãn các đam mê của riêng mình. Chắc chắn, kết cục, nó sẽ biến anh chị em mình thành dụng cụ, như người ta đã biến thân xác họ thành dụng cụ vậy. Những người không thể nói "không" với bản thân mình, thì cũng không thể nói "có" với anh chị em mình.
Một trong những "cớ bào chữa" góp phần nhiều nhất vào việc biện minh cho tội ô uế, theo não trạng người đời, và giải tỏa mọi trách nhiệm của họ là: nó không làm tổn thương một ai khác, nó không vi phạm quyền lợi và sự tự do của bất cứ ai, trừ khi, như người ta nói, nó liên quan tới việc lạm dụng tình dục. Nhưng ngoài sự kiện phương thức này vi phạm quyền căn bản của Thiên Chúa trong việc ban cho các tạo vật của Người một luật lệ, "cái cớ" này cũng thiếu trung thực đối với các người lân cận. Điều không đúng là tội ô uế kết thúc với người phạm nó. Có sự liên đới giữa tất cả các tội lỗi. Mọi tội lỗi, dù ở bất cứ đâu và do bất cứ ai phạm, đều gây nhiễm và làm ô uế bầu khí luân lý đối với con người. Chúa Giêsu gọi sự gây nhiễm này là "gương mù" và lên án nó bằng một số từ ngữ khủng khiếp nhất trong toàn bộ Tin Mừng (xem Mt 18: 6tt, Mc 9: 42tt, Lc 17: 1tt). Ngay cả các ý nghĩ xấu xa lẩn khuất trong tâm hồn chúng ta, theo Chúa Giêsu, cũng làm cho một người và do đó cả thế giới ra ô uế: "Từ trong tâm hồn phát xuất các ý nghĩ xấu xa, giết người, ngoại tình, gian dâm. . . . Đấy là những gì làm ô uế một con người"(Mt 15: 19-20).
Mọi tội lỗi đều xâm hại các giá trị và mọi tội lỗi cùng với nhau đã tạo ra điều Thánh Phaolô gọi là "luật tội lỗi", mà quyền lực của nó trên tất cả mọi con người đã được ngài minh hoạ (xem Rm 7: 14tt). Trong Talmud của người Do Thái, chúng ta có thể đọc một dụ ngôn từng minh họa rất rõ sự liên đới giữa tội lỗi và sự thiệt hại mà mọi tội lỗi, thậm chí cả tội lỗi cá nhân nữa, đã gây ra cho người khác. "Một số người đang ở trên một con thuyền. Một trong số họ lấy một cái khoan và bắt đầu khoan một chiếc lỗ ở dưới ghế ngồi của mình. Những hành khách khác, khi thấy anh ta, bèn hỏi, 'bạn đang làm gì vậy?' Anh ta trả lời, 'Đâu phải chuyện của ông? Há tôi không đang khoan chiếc lỗ ở dưới ghế của chính tôi hay sao?' Nhưng họ trả lời,'đúng, nhưng nước sẽ tràn vào thuyền và sẽ nhận chìm tất cả chúng ta!'" Chính thiên nhiên đã và đang bắt đầu gửi cho chúng ta một số lời cảnh báo chống lại các lạm dụng và quá lạm hiện đại trong lĩnh vực tình dục.
3. Sự Trong Sạch và Sự Đổi Mới
Trong khi nghiên cứu lịch sử nguồn gốc của Kitô giáo, người ta có thể thấy rõ ràng rằng có hai phương thế chính nhờ đó Giáo Hội đã thành công trong việc biến đổi thế giới ngoại giáo vào thời đó. Thứ nhất là việc công bố Tin Mừng, tức sứ điệp căn bản (kerygma), và thứ hai là chứng từ đời sống của các Kitô hữu, các chứng tá của họ. Và người ta có thể thấy, trong lãnh vực chứng từ đời sống, cũng có hai điều làm cho người ngoại giáo ngạc nhiên và khiến họ trở lại: tình yêu anh em và sự tinh ròng trong tác phong luân lý của Kitô hữu. Thư Thứ nhất của Thánh Phêrô đã nhắc đến sự kinh ngạc của thế giới ngoại giáo trước tiêu chuẩn sống khác biệt của các Kitô hữu. Ngài viết:
Thật thế, trong quá khứ anh em đã sống theo sở thích dân ngoại: dâm ô, mê đắm, nhậu nhẹt, say sưa, chè chén, tin vơ thờ quấy, như vậy là quá đủ rồi. Về điều đó, họ kinh ngạc vì thấy anh em không cùng chạy ùa theo cuộc sống truỵ lạc ồ ạt như dòng thác lũ, và họ nói xấu anh em (1Pr 4: 3-4).
Các nhà biện giáo, các nhà văn Kitô Giáo, những người từng trước tác để bảo vệ đức tin trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, đã chứng thực rằng cách sống trong sạch và khiết tịnh của các Kitô hữu, đối với người ngoại giáo, là một điều "phi thường và khó tin". Nhất là, việc khôi phục gia đình đã gây nên một tác động phi thường đối với xã hội ngoại giáo, xã hội mà các nhà chức trách thời đó muốn cải cách, nhưng họ đã bất lực trong việc làm chậm lại sự tan rã của nó. Một trong những lập luận mà Thánh Justin Tử Đạo từng đặt căn bản cho Lời Biện Giáo của ngài gửi cho hoàng đế Antoninus Pius là: các hoàng đế La Mã quan tâm đến việc cải thiện các tác phong luân lý và gia đình, và họ cố gắng ban hành các luật lệ nhằm mục tiêu đó. Tuy nhiên, những luật lệ này đã được chứng minh là không đầy đủ. Vậy tại sao không nhận ra điều các luật lệ của Kitô giáo có khả năng đạt được đối với những ai sống bằng các luật lệ này và thừa nhận sự giúp đỡ mà các luật lệ này cũng có thể cung cấp cho xã hội dân sự?
Điều này không có nghĩa là cộng đồng Kitô hữu hoàn toàn thoát khỏi các rối loạn và tội lỗi tình dục. Thánh Phaolô thậm chí còn phải đối phó với trường hợp loạn luân trong cộng đồng Côrintô. Nhưng những tội như vậy đã được thừa nhận rõ ràng là tội lỗi, bị kết án, và được sửa chữa. Trong phạm vi này, cũng như trong các phạm vi khác, không bắt buộc người ta phải vô tội, mà là đấu tranh chống lại tội lỗi.
Bây giờ chúng ta hãy chuyển từ Kitô giáo thuở ban đầu sang Kitô Giáo ngày hôm nay. Tình hình hiện nay trên thế giới ra sao đối với sự trong sạch? Vẫn như thế nếu không muốn nói là tồi tệ hơn tình hình cổ xưa! Chúng ta sống trong một xã hội, về mặt tác phong luân lý, đã rơi trở lại chủ nghĩa ngoại giáo trọn vẹn và thờ ngẫu thần tình dục trọn vẹn. Lời kết án khủng khiếp mà Thánh Phaolô đã đưa ra cho thế giới ngoại giáo ở đầu Thư gửi tín hữu Rôma cũng đúng từng điểm đối với thế giới ngày nay, nhất là đối với xã hội tự gọi là giàu có (xem Rm 1: 26-27, 32) .
Cả ngày nay nữa, những điều này và những điều tồi tệ hơn đang được thực hiện, nhưng người ta cố gắng biện minh cho chúng, biện minh cho mọi thứ phóng túng luân lý và mọi thác loạn tình dục miễn là, họ bảo thế, nó không làm hại người khác và không vi phạm tự do của người khác. Toàn bộ nhiều gia đình đang bị phá hủy, thế mà người ta vẫn nói, có hại gì đâu? Không thể phủ nhận được rằng một số phán xét nào đó về luân lý tính dục truyền thống đang bị xét lại và các khoa học hiện đại về con người đã góp phần làm sáng tỏ một số vận hành và điều kiện hóa bên trong tâm thức con người khiến loại bỏ hay giảm thiểu trách nhiệm luân lý đối với một số tác phong nào đó bị coi là có tội vào một thời gian nào đó.
Tuy nhiên, tiến bộ này không liên quan gì đến chủ nghĩa phiếm dục (pansexualism) của một số lý thuyết ngụy khoa học và buông thả có khuynh hướng phủ nhận mọi chuẩn mực khách quan về luân lý tính dục, giản lược mọi điều vào sự biến hóa tự phát của luân lý, nghĩa là, một vấn đề thuộc văn hoá. Nếu chúng ta khảo sát kỹ hơn điều được gọi là cuộc cách mạng tình dục của thời đại chúng ta, chúng ta sẽ ngỡ ngàng hiểu ra rằng nó không chỉ đơn giản là một cuộc cách mạng chống lại quá khứ mà còn là một cuộc cách mạng chống lại Thiên Chúa và đôi khi còn chống lại chính bản nhiên con người.
4. Trong Sạch Trong Lòng!
Nhưng tôi không muốn nán lại quá lâu ở việc mô tả tình hình xung quanh chúng ta hôm nay mà tất cả chúng ta đã biết rất rõ. Thay vào đó, tôi muốn khám phá và truyền đạt những gì Thiên Chúa muốn các Kitô hữu chúng ta trong một tình huống như thế này. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta đến cùng một nhiệm vụ mà ngài đã kêu gọi các anh chị em đầu tiên của chúng ta trong đức tin, để "chống lại sự phóng đãng điên cuồng này". Người đang kêu gọi chúng ta làm cho "vẻ đẹp" của đời sống Kitô hữu tỏa sáng trước mắt toàn thể thế giới. Người đang kêu gọi chúng ta chiến đấu cho sự trong sạch, chiến đấu một cách kiên trì và khiêm nhường, chứ không nhất thiết phải hoàn thiện ngay lập tức.
Hôm nay, Chúa Thánh Linh đang yêu cầu chúng ta làm một điều mới mẻ: Người đang yêu cầu chúng ta làm chứng cho thế giới về sự vô tội nguyên ủy của các tạo vật và sự vật. Thế giới đã chìm rất sâu, ai đó từng viết rằng tình dục đã đi vào bộ não của chúng ta. Chúng ta cần một điều gì đó rất mạnh để phá vỡ thứ mê man và say sưa với tình dục này. Chúng ta cần phải đánh thức nơi con người niềm hoài nhớ sự ngây thơ trong trắng và giản dị mà họ hằng mong đợi trong trái tim của họ, ngay cả khi những trái tim này thường bị bao phủ bởi bùn nhơ. Tôi không đề cập đến sự ngây thơ trong trắng của sáng thế vốn không còn nữa mà là sự ngây thơ trong trắng của ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô đã phục hồi cho chúng ta và ban cho chúng ta trong các bí tích và lời Thiên Chúa. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nghĩ đến khi viết cho người Philiphê "Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống” (Pl 2: 15-16). Điều này mô tả điều mà Thánh Phaolô, trong đoạn văn của chúng ta, gọi là "mặc áo giáp ánh sáng".
Quả là thiếu sót khi chỉ có sự trong sạch dựa trên sợ hãi, những điều cấm kị, ngăn cấm, và con người nam nữ tránh xa nhau như thể người kia luôn nhất thiết là một cạm bẫy và một kẻ thù tiềm tàng hơn là một "trợ lực". Trong quá khứ, sự trong sạch có lúc đã bị giản lược, ít nhất trong thực hành, vào chính tổ hợp các điều cấm kị, ngăn cấm và sợ hãi này như thể nhân đức này phải xấu hổ trước mặt thói hư thay vì thói hư phải xấu hổ trước mặt nhân đức. Nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, chúng ta cần khao khát một sự trong sạch mạnh mẽ hơn thói hư đối nghịch với nó, một sự trong sạch tích cực, chứ không tiêu cực, có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm được sự thật của chữ này của Thánh Tông Đồ, "Với người trong sạch, mọi sự đều trong sạch" (Tt 1: 15) và lời này nữa trong Thánh Kinh: "Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian" (1Ga 4:4).
Chúng ta cần bắt đầu bằng việc chữa lành gốc rễ, đó là "cõi lòng", vì mọi thứ làm ô uế đời sống người ta đều phát xuất từ trái tim, cõi lòng (Mt 15,18). Chúa Giêsu đã phán: "Phúc cho những kẻ trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Họ thực sự sẽ thấy, họ sẽ có đôi mắt mới để thấy thế giới và Thiên Chúa, đôi mắt rõ ràng biết biện phân ra sao điều gì đẹp và điều gì ghê tởm, điều gì là sự thật và điều gì là gian dối, điều gì mang lại sự sống và điều gì mang lại cái chết - Tóm lại, những con mắt giống những con mắt của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tự do biết bao khi nói về mọi điều: trẻ em, phụ nữ, thai nghén, sinh con. . . . Những con mắt như đôi mắt của Đức Maria. Như thế, sự trong sạch không còn hệ ở việc nói "không" với các tạo vật, mà là nói "có" với chúng – bao lâu chúng còn là các tạo vật đã, đang và vẫn tiếp tục “rất tốt” của Thiên Chúa.
Chúng ta đừng tự lừa dối mình. Để có thể nói lời "xin vâng" này, chúng ta cần phải bước qua thập giá vì sau tội lỗi, cái nhìn của chúng ta đối với các tạo vật đã bị bao phủ; tư dục đã được tháo cởi trong chúng ta; tính dục không còn hòa hoãn nữa mà đã trở thành một lực lượng hàm hồ và đầy đe dọa kéo chúng ta ra xa khỏi luật Thiên Chúa ngược với ý muốn của chúng ta. Các tin tức hàng ngày về lạm dụng và tai tiếng trong phạm vi này, kể cả các thành viên của hàng giáo sĩ và các dòng tu, có đó để nhắc chúng ta nhớ thực tại cay đắng này. Trong bài suy niệm đầu tiên của Mùa Chay này, chúng ta đã nhấn mạnh tới một khía cạnh đặc biệt có liên quan và cần thiết tới việc ép xác: ép xác trong đôi mắt. Một sự ăn chay lành mạnh đối với hình ảnh ngày nay quan trọng hơn là ăn chay về thực phẩm và thức uống.
Chúng ta hãy kết luận bằng cách nhắc lại kinh nghiệm của Thánh Augustinô đã nhắc lúc đầu. Sau kinh nghiệm được giải thoát đó, ngài bắt đầu cầu nguyện để được đức trong sạch một cách mới mẻ: "Lạy Chúa, ngài nói, Chúa truyền cho con phải khiết tịnh. Xin ban cho con điều Chúa đã yêu cầu con và sau đó yêu cầu con bất cứ điều gì Chúa muốn". Một lời cầu nguyện mà chúng ta có thể biến thành của chính chúng ta, vì biết rằng trong lãnh vực này cũng như trong bất kỳ lãnh vực nào khác, tự chúng ta, chúng ta không thể làm gì được.
_________________________________________________________________________________________________________
[1] Thánh Augustinô, Tự Thú của Thánh Augustinô, 8, 11-12, Bản Tiếng Anh của John K. Ryan (New York: Image Books, 1960), trang 199-202.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/242997.htm