Nếp sống tưởng nhớ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long24/Mar/2018
Trong đời sống có những lễ mừng, những biến cố thời sự. Nhưng cũng có những lễ mừng, biến cố đã xảy ra trong qúa khứ được tưởng nhớ ôn lại tùy theo thời gian định kỳ, như những kỷ niệm của một người, của một Hội đoàn, của một quốc gia đất nước…
Sự tưởng nhớ ôn lại không là hoài cổ những gì đã qua. Nhưng là cung cách làm sống động lại việc đã xảy ra. Việc này giúp củng cố tình liên đới, lòng biết ơn, học hỏi cùng không để sự việc đã qua bị rơi vào quên lãng. Như ngạn ngữ dân gian có châm ngôn: Ôn cố nhi tri tân!
Trong đời sống đức tin của người Công Giáo, hằng năm có những lễ tưởng nhớ biến cố cuối đời sống của Chúa Giêsu Kitô trên trần gian cách đây hơn hai ngàn năm thu gọn vào những ngày trong tuần thánh.
1. Tuần thánh
Trong nếp sống đạo đức của Giáo hội, tuần lễ trước lễ Chúa phục sinh là tuần thánh, dịp lễ Pascha của người Do Thái. Tuần thánh bắt đầu ngày Chúa Nhật lễ Lá, rồi ngày cao điểm Thứ Năm và thứ Sáu tuần thánh, kết thúc vào ngày thứ Bẩy tuần thánh.
Ba biến cố Bữa tiệc ly, sự chết trên thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu đi liền với nhau, nên Giáo Hội thuở ban đầu cho tới thế kỷ 4. mừng chung vào đêm vọng mừng Chúa phục sinh.
Sau đó Giáo Hội mừng tưởng niệm ba biến cố cuối đời Chúa Giêsu trên trần gian vào ba ngày từ ngày thứ năm tuần thánh. Thánh giáo phụ Augustino từ thế kỷ 5,. nói đến tam nhật thánh tưởng niệm Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, sự mai táng , và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
2. Chúa Nhật lễ Lá
Lễ mừng tưởng nhớ khởi đầu tuần thánh với việc Chúa Giêsu Kitô khải hoàn vào thành Giêrusalem.
Kinh thánh thuật lại Chúa Giêsu Kitô và các Môn Đệ trước ngày lễ Pascha của Do Thái Giáo cùng vào thành Giêrusalem mừng lễ. Nhưng trước khi họ đi vào thành đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu sai hai Môn Đệ vào làng bên cạnh mượn một con Lừa con đem về cho Ngài cỡi. Như thế phù hợp với lời Tiên Tri Sacharia ( 9,9) đã tiên báo nói trước đó cả ngàn năm:
„Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,một con lừa con vẫn còn theo mẹ.“
Khi Chúa Giêsu Kitô cỡi trên lưng con lừa đi vào thành Giêrusalem, dân chúng ngỡ là Vị Cứu Tinh đến cứu dân tộc đất nước Do Thái khỏi ách thống trị của Roma, đứng dọc bên đường mừng rỡ hân hoan, tay cầm nhánh cành lá dừa, trải choàng ra đường reo hò tung hô đón mừng Chúa Giêsu như một vị vua, vị cứu tinh: “ Vạn tuế con vua David, chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.“ ( Mt 21,8-9).
Biến cố tung hô đón mừng Chúa Giêsu cỡi lừa vào thành Giêrusalem không dừng lại trong khung cảnh ý nghĩa đạo đức của một vị vua hoà bình như Tiên Tri Sacharia đã tiên báo và chính Chúa Giêsu muốn. Nhưng đã bị nhìn kéo nghiêng sang phía cạnh ganh tỵ khó chịu của những vị chức sắc trong đạo Do Thái thời đó, và cả giới lãnh đạo chính trị đế quốc Roma lúc đó nữa. Và do đó khởi đầu cho biến cố đau thương dẫn đến cái chết đẫm máu của Chúa Giêsu Kitô.
Và rồi nghi thức tưởng nhớ biến cố này trong dòng thời gian đã dần dần trở thành một nghi lễ phụng vụ trong đời sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo cũng như Chính Thống giáo.
Từ thế kỷ 4. lễ nghi phụng vụ Đông phương Byzantin đã có cuộc rước kiệu tưởng nhớ Chúa Giêsu Kitô cỡi lừa vào thành Giêrusalem năm xưa.
Từ thế kỷ 6. tập tục rước lá ngày Chúa Nhật lễ Lá phổ biến nhiều nơi, nhất là bên vùng Âu Châu.
Và từ thế kỷ 7. theo nghi thức sách lễ phụng vụ bên Ái nhĩ Lan có nghi thức làm phép cành lá ngày Chúa Nhật lễ Lá.
Ngày Chúa Nhật lễ Lá, cành lá được làm phép, và sau đó vị chủ tế, thường là Linh mục mặc phẩm phục áo đỏ cùng với Giáo dân tay cầm cành lá dừa hoặc Oliu biểu hiệu sự sống và sự chiến thắng, đi rước từ bên ngoài tiến vào thánh đường hát ca tụng tôn vinh Chúa , cầu xin Chúa đến trợ giúp. Trong thánh lễ đọc bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu được công bố.
Những cành là đã làm phép hôm đó được mọi người mang về cài nơi thánh gía trên tường trong nhà, để xin ơn gìn giữ che chở của Chúa cho gia đình được bằng an.
Theo tập tục nhiều nơi giữ những cành là ngày lễ Lá để đốt thành tro cho ngày thứ Tư lễ Tro năm sau.
3. Thứ Năm tuần thánh: Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể
Theo Kinh Thánh thuật lại, đêm trước ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn đã cùng 12 môn Đệ ăn bữa tiệc sau cùng, còn gọi là Bữa tiệc ly. Trong bữa tiệc ly, trước hết Chúa Giêsu rửa chân, như dấu chỉ của tình yêu thương, cho 12 Môn Đệ, lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục. ( Gioan 13,1-15).
Giáo hội hằng năm vào ngày thứ Năm tuần thánh tưởng nhớ đến biến cố tình yêu thương của Chúa Giêsu đã làm khi xưa với 12 Môn Đệ trong bữa tiệc ly. Bữa tiệc ly là bữa ăn sau cùng, bữa từ biệt của Chúa Giêsu với các Môn Đệ. Nhưng ngài không muốn công việc của mình chấm dứt sau khi không còn trên trần gian nữa, nên đã lập Bí tích Thánh Thể là thực phẩm của ăn nuôi dưỡng tinh thần đời sống đức tin cho những ai tin theo yêu mến ngài.
Ngài đã dùng bánh và rượu là hình ảnh dấu chỉ cho chính thân xác, sự sống của Ngài, làm lương thực tình yêu nuôi dưỡng tâm hồn đức tin cho người tín hữu, và qua đó xin kéo ơn tha thứ cho tội lỗi con người: Đây là Mình Thầy…Đây là Máu Thầy.
Và sau cùng Chúa Giêsu lập Bí tích chức Linh mục, truyền cho các Môn Đệ: Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.
Theo tập tục nếp sống đức tin đạo đức đó, từ thế kỷ 12. người tín hữu Chúa Kitô mừng bữa tiệc ly ngày thứ năm tuần thánh, tưởng nhớ biến cố tình yêu đó, như biến cố dân Do Thái ngày xưa đêm trước ngày trở về quê hương Do Thái chấm dứt đời tỵ nạn nô lệ từ nước Aicập đã thực hiện bữa tiệc ly giết chiên và ăn với rau đắng. ( Sách Xuất hành 12, 1-8. 11-14).
Vì thế mỗi khi cử hành mừng bí tích Thánh Thể, bữa tiệc ly, là khơi dậy làm sống lại căn lõi của đức tin vào Chúa Giêsu.
Qua việc cầu nguyện cùng mừng kính thánh lễ từ thế hệ này sang thế hệ nối tiếp mầu nhiệm bí tích Thánh Thể bánh và rượu luôn được tin nhận sâu xa hơn. Và như thế căn lõi của đức tin chúng ta luôn hằng sống động cùng thời sự.
Lễ tưởng niệm ngày thứ năm tuần thánh, thường diễn ra vào buổi chiều lúc 18.00 giờ và sau đó có những giờ chầu canh thức ban đêm sang ngày thứ sáu tuần thánh.
4. Thứ sáu tuần thánh: tưởng niệm thập giá Chúa Giêsu Kitô
Vào ngày thứ sáu tuần thánh, liền sau ngày thứ năm tuần thánh, Giáo hội tưởng nhớ biến cố đau thương buồn bã sau cùng đời Chúa Giêsu trên trần gian: Bị đóng đinh trên thập gía.
Theo Kinh Thánh thuật lại Chúa Giêsu bị bắt, bị đem ra xét xử vào ban đêm cho tới rạng sáng ngày hôm sau. Và khoảng sau ban trưa bị kết án vác thập gía đi bộ tới đồi núi sọ ngoài thành Giêrusalem. Nơi đó ngài bị đóng đinh vào thập giá cùng với hai người bị kết án tử hình, và qua đời theo kinh thánh truyền thống thuật lại lúc ba giờ chiều. ( Mt 27, 45/51).
Ở Giêrusalem những tín hữu Chúa Giêsu Kitô đã có truyền thống vào tuần thánh, dịp lễ mừng Pascha của người Do Thái, đi lại trên con đường Chúa Giêsu ngày xưa đã vác thập gía đi. Họ tưởng nhớ lại biến cố cảnh tượng đau khổ hãi hùng ngày xưa Chúa Giêsu đã phải chịu đựng. Cung cách này là lối sống đạo đức đã đặt nền tảng cho ngắm chặng đàng thánh giá sau này từ thế kỷ 14.
Đến 1590 chặng đàng thánh gía vẫn có 12 chặng. Đến 1625 Tu sỹ dòng Phanxico người Tây ban Nha Antonio Daza thêm vào hai chặng nữa thành 14 chặng. Bắt đầu thế kỷ 18. những hình ảnh chặng đàng thánh giá được vẽ khắc treo trên tường trong thánh đường. Vào giữa thế kỷ 18. Tu sỹ dòng Phanxico Leonard thành Porto Maurizio lập viết ra những kinh đọc suy niệm khi đi chặng đàng thánh giá.
Vào các ngày trong mùa chay, trong đạo Công Giáo có tập tục ngắm chặng đàng thánh gia hoặc riêng hoặc chung trong thánh đường, hay các nơi hành hương. Riêng ngày thứ sáu tuần thánh nhiều nơi tổ chức đi chặng đàng thánh giá trọng thể vừa đi vừa đọc kinh ca hát cầu nguyện. Như ở Giêrusalem trên con đường Dolorosa, ở Roma trong hý trường Colosseum có Đức Giáo Hoàng cầm thập gía đi chung.
1. Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị kết án
2. Chặng thứ hai: Chúa Giêsu vác thập gía trên vai
3. Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
4. Chặng thứ tư: Chúa Giêsu gặp thân mẫu Maria
5. Chặng thứ năm: Simon Cyrene bị bắt vác đỡ thập gía cho Chúa Giesu.
6. Chặng thứ sáu: Bà Veronika trao khăn lau mặt cho Chúa Giêsu
7. Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.
8. Chặng thứ tám: Chúa Giêsu dừng chân yên ủi các người phụ nữ đang theo sau khóc thương Chúa bị chịu khổ hình vác thập gía.
9. Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.
10. Chặng thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo
11. Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập gía.
12. Chặng thứ mười hai: Chua Giêsu chết trên thập gía
13. Chặng thứ mười ba: Thân xác Chúa Giêsu được tháo xuống khỏi thập gía và đặt trong tay nơi cung lòng Đức Mẹ Maria.
14. Chặng thứ mười bốn: Chúa Giêsu được mai táng trong lòng đất.
Nhiều nơi bây giờ lập thêm chặng thứ 15. hoặc như chặng tìm thấy thập gía Chúa Giêsu ngày xưa, hoặc như chặng mừng Chúa Giêsu sống lại hiển vinh sau ba ngày nằm trong huyệt mộ.
5. Thứ bẩy tuần thánh
Theo tục lệ nếp sống trong Giáo hội, ngày này là ngày yên lặng. Vì Chúa Giêsu chết nằm trong mồ dưới lòng đất.
Và tảng sáng ngày Chúa Nhật phục sinh, Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
Chúa Giêsu sống lại là căn bản cho đức tin, cho niềm hy vọng được ơn cứu rỗi cho linh hồn con người sau khi chết ở đời này trên trần gian, và cùng được sống lại với Chúa.
Tuần thánh 2018
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/242974.htm