Đừng nghĩ mình cao hơn: bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2018 của Cha Cantalamessa, kỳ cuối
Vũ Văn An18/Mar/2018
3. Khiêm nhường và hạ nhục
Chúng ta không nên tự lừa dối mình khi nghĩ rằng mình đã đạt được đức khiêm nhường chỉ vì lời của Thiên Chúa và gương sáng của Đức Maria đã dẫn chúng ta đến chỗ khám phá ra sự hư vô của chúng ta. Mức độ khiêm nhường của chúng ta chỉ được nhìn thấy khi sáng kiến chuyển từ chúng ta sang người khác, nghĩa là, khi chúng ta không phải là những người duy nhất nhận ra những điểm yếu và sai sót của mình, nhưng khi những người khác nhận ra chúng - khi chúng ta có khả năng không những nói sự thật mà còn sẵn lòng để người khác nói điều ấy cho chúng ta. Nói cách khác, đức khiêm nhường của chúng ta chỉ chân thực khi chúng ta chấp nhận lời khiển trách, sửa trị, chỉ trích, và hạ nhục. Tác giả của Sách Gương Chúa Kitô đã nói rằng: "Nhiều lần vì lợi ích của chúng ta nếu người khác biết khuyết điểm của chúng ta và thậm chí khiển trách chúng ta vì các khuyết điểm này thì là họ giúp chúng ta ở khiêm nhường" (5).
Việc tự tuyên bố mình khai tử lòng kiêu ngạo của chúng ta và tự mình đánh bại nó mà không có ai can thiệp từ bên ngoài cũng giống như sử dụng cánh tay của chúng ta để trừng phạt chúng ta: chúng ta sẽ không bao giờ làm tổn thương chính mình. Nó giống như tự mình, chúng ta muốn cắt bỏ khối u. Có nhiều người (và chắc chắn tôi ở trong số họ) có khả năng nói - thậm chí một cách chân thành - tất cả những điều không tốt có thể tưởng tượng được về bản thân họ, những người, trong nghi thức thống hối, tự tố cáo một cách thẳng thắn và dũng cảm hết sức. Nhưng nếu ai đó xung quanh họ bắt đầu để ý quan tâm tới các lời thú tội của họ, hoặc nếu dám đề cập với họ một phần nhỏ những gì chính họ tự nói ra, thì chắc chắn nẩy lửa sẽ diễn ra. Rõ ràng, con đường vẫn còn rất dài trước khi đạt được đức khiêm nhượng đích thực và sự thật khiêm nhường.
Khi tôi tìm cách nhận được vinh quang từ một người nào đó vì một điều tôi nói hoặc làm, thì đáp lại, hầu như chắc chắn cũng người này sẽ tìm cách nhận được vinh quang từ tôi vì những gì họ làm hoặc nói. Và vì vậy, cả hai chúng tôi đều đang tìm kiếm vinh quang của riêng mình và không ai trong chúng tôi có được nó. Và nếu, do tình cờ, một người trong chúng tôi nhận được nó, thì nó cũng chỉ là "hư danh", là vinh quang trống rỗng mà số phận sẽ tan thành mây khói lúc chết. Nhưng hậu quả vẫn rất khủng khiếp. Chúa Giêsu thậm chí còn liên kết việc tìm vinh quang cho riêng mình với việc thiếu khả năng tin. Người nói với những người Pharixiêu rằng: “Làm sao các ông có thể tin được, khi các ông nhận sự vinh hiển của nhau chứ không tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Thiên Chúa duy nhất? "(Ga 5:44).
Khi chúng ta thấy mình chìm đắm trong ý nghĩ và khát vọng muốn được vinh quang của con người, chúng ta hãy ném vào hỗn hợp ý nghĩ tương tự như thế, giống một ngọn đuốc đang cháy, lời Chúa Giêsu đã nói và để lại cho chúng ta: "Tôi không tìm vinh quang cho mình" (Ga 8 : 50). Chữ này có sức mạnh gần như bí tích để thực hiện những gì nó tượng trưng và xua tan những ý nghĩ đó.
Việc theo đuổi sự khiêm nhường là một cuộc chiến đấu kéo dài suốt cuộc đời chúng ta và đụng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự kiêu ngạo có thể được nuôi dưỡng bằng cả điều xấu lẫn điều tốt và do đó có thể tồn tại trong mọi tình huống và mọi "bầu khí”. Thực thế, ngược với mọi điều xấu khác, điều tốt, chứ không phải điều xấu, là cơ sở nuôi dưỡng tốt nhất cho thứ “vi khuẩn” khủng khiếp này. Blaise Pascal từng viết:
“Hư danh bắt nguồn sâu xa từ lòng con người đến nỗi một người lính, một kẻ lỗ mãng, một người nấu ăn, một kẻ chuyên nạy ổ khóa, cũng khoác lác và muốn có nhiều người ngưỡng mộ; và các triết gia cũng mong muốn có họ; và những người viết chống lại họ muốn được tiếng là viết hay; và những người đọc họ muốn có tiếng là đã đọc họ; và tôi, người đang viết những dòng này, có lẽ cũng mong muốn được như vậy; và có lẽ những người sẽ đọc nó cũng thế”. [6]
Hư danh có thể biến đổi ngay cả việc chúng ta cố gắng đạt đức khiêm nhường thành một hành vi kiêu ngạo, nhưng với ơn thánh, kết cục chúng ta sẽ chiến thắng trong trận chiến đấu khủng khiếp này. Trên thực tế, nếu "cái tôi cũ" của qúy vị có thể thành công trong việc biến đổi các hành vi khiêm nhường của qúy vị thành các hành vi kiêu ngạo, với ơn thánh, các hành vi kiêu ngạo của qúy vị có thể được biến đổi thành các hành vi khiêm nhường nhờ việc qúy vị nhìn nhận chúng - khiêm nhường nhìn nhận rằng qúy vị là một hư vô đầy tự hào. Nhờ vậy, Thiên Chúa sẽ được tôn vinh bởi chính cả sự kiêu ngạo của qúy vị.
Trong trận chiến đấu này, Thiên Chúa thường đến giúp dân Người bằng một phương thuốc khá hữu hiệu và độc đáo. Thánh Phaolô viết: "để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một sứ giả của Satan được sai đến vả mặt tôi” (2Cr 12: 7). Để con người không "tự phụ", Thiên Chúa cột chặt ta bằng một chiếc neo: Ngài đặt “nhiều gánh nặng lên lưng chúng ta” (Tv 66:11). Chúng ta không biết chính xác "cái dằm đâm vào xác thịt" và "sứ giả của Satan" là gì đối với Thánh Phaolô, nhưng chúng ta biết rất rõ chúng là gì đối với chúng ta! Bất cứ ai muốn bước theo chân Chúa và phục vụ Giáo Hội đều có chúng. Chúng là những tình huống hạ nhục mà chúng ta luôn được nhắc nhớ, đôi khi cả đêm lẫn ngày, nhắc nhớ thực tại khắc nghiệt của việc ta là gì. Có thể là một khiếm khuyết, một bệnh tật, một yếu đuối, hoặc một bất lực mà Chúa để chúng ta có, bất chấp mọi lời năn nỉ của chúng ta. Có thể là một cơn cám dỗ dai dẳng, hạ nhục và có lẽ đúng là một cơn cám dỗ kiêu ngạo! Có lẽ là một người mà chúng ta phải sống với, người mà, bất chấp thiện chí của cả hai bên, có thể phơi bày sự yếu đuối của chúng ta, để đánh đổ sự tự phụ của chúng ta.
Đôi khi, điều ấy thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa: có những tình huống trong đó người tôi tớ của Thiên Chúa buộc phải chứng kiến một cách bất lực sự thất bại của mọi cố gắng của mình và thấy những điều lớn hơn mình vốn làm cho mình cảm nghiệm đầu tay sự bất lực của mình trước sức mạnh của sự ác và bóng tối. Đặc biệt trong những trường hợp như thế, họ mới học được ý nghĩa của việc "khiêm nhường dưới bàn tay mạnh mẽ của Thiên Chúa" (xem 1Pr 5: 6).
Sự khiêm nhường là điều quan trọng không những đối với sự tiến bộ bản thân trên con đường thánh thiện, nó còn rất chủ yếu đối với việc điều hành thích đáng đời sống cộng đồng và việc xây dựng Giáo Hội. Con tin rằng sự khiêm nhường là chất cách điện đối với đời sống của Giáo Hội. Việc cách điện là điều rất quan trọng và chủ yếu đối với các tiến bộ trong lĩnh vực điện học. Thực thế, điện thế càng cao và dòng điện chạy qua đường dây càng mạnh, thì việc cách điện càng phải có khả năng ngăn trở mạnh hơn để ngăn dòng điện khỏi phóng ra mặt đất hoặc gây ra các vụ chạm mạch. Các tiến bộ trong lĩnh vực điện năng phải đi đôi với những tiến bộ tương tự trong kỹ thuật cách điện. Trong đời sống thiêng liêng, đức khiêm nhường là sự cách điện vĩ đại giúp dòng ơn thánh của Thiên Chúa lưu chuyển qua con người mà không tan biến hoặc, tệ hơn, tạo ra những ngọn lửa bùng của kiêu ngạo và đua tranh.
Chúng ta hãy kết luận bằng những lời của một bài thánh vịnh cho phép chúng ta biến lời khuyên mà Thánh Tông Đồ đã ngỏ với chúng ta qua lời giảng dạy của ngài về đức khiêm nhường thành lời cầu nguyện:
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv 131)
___________________________________________________________________________________________________________
[1] Thánh Têrêsa thành Ávila, Interior Castle, VI, ch. 10, vol. 2, Complete Works of St. Teresa of Ávila, Bản tiếng Anh và chú giải của Allison Peers (New York: Burns & Oates, Dover, 2002), tr. 323.
[2] Thánh Angela thành Foligno, The Book of the Blessed Angela of Foligno (Instructions), in Complete Works, Bản tiếng Anh của Paul Lachance (Mahwah, NJ: Paulist Press, 1993), trang 315-316.
[3] Thánh Antôn Cả, Selections from the Sayings of the Desert Fathers, Bản tiếng Anh của Benedicta Ward (Kalamazoo, MI: Cistercian Publications, 1975), tr. 8.
[4] Martin Luther, "The Magnificat", Bản tiếng Anh của. A. T. W. Steinhaeuser, vol. 21, Luther’s Works, Jaroslav Pelikan chủ biên (St. Louis, MO: Concordia, 1956), trang 308, 311.
[5] Thomas à Kempis, The Imitation of Christ, 2, 1, Bản tiếng Anh của Joseph N. Tylenda (New York: Vintage Classics, 1998), tr. 50.
[6] Blaise Pascal, Pascal’s Pensées, Bản tiếng Anh của Martin Turnell (New York: Harper & Brothers, 1962), trang. 134; Braunschweig ed., # 150.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/242905.htm