Trang chủ

Mittwoch, März 28, 2018

Cái chết thể lý của Chúa Giêsu

Vũ Văn An
26/Mar/2018
Tạp Chí Của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ ( Journal of the American Medical Association) số 256 năm 1986 có một bài nghiên cứu về “Cái Chết Thể Lý Của Chúa Giêsu Kitô”. Các tác giả bài nghiên cứu này bao gồm Bác Sĩ William D. Edwards (bệnh lý học) và Floyd E. Hosner (chuyên viên về Đồ Họa Y Khoa) thuộc Bệnh Viện Mayo, Rochester, Minn. và Mục Sư Wesley J. Gabel thuộc West Bethel United Methodist Church, Bethel, Minn. 


Bài nghiên cứu bắt đầu với việc phân tích việc đóng đinh về phương diện lịch sử coi nó như một hình thức hành quyết rồi sau đó mới chuyển qua sinh lý học về các đau đớn và cái chết của Chúa Giêsu.

Hai điều làm cho bài nghiên cứu trên trở thành quan trọng là: Thứ nhất, nó coi trình thuật đóng đinh trong các Sách Tin Mừng như chúng ta có hiện nay là chân thực; người Tin Lành không thực hiện việc phê bình lịch sử, nên không có mưu toan lý thuyết hóa nào dựa vào tài liệu nguồn được tái tạo. Thứ hai, các chuyên viên coi Khăn Liệm Turin là khăn liệm xác Chúa Giêsu, một khăn liệm cung cấp khá nhiều chi tiết về những điều xẩy ra trong các giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu. 

Chúng tôi xin lược dịch tài liệu quí giá trên. 

Chúa Giêsu Nadarét đã bị xử bởi cả luật Do Thái lẫn luật Rôma, bị đánh đòn, và xử tử đóng đinh. Việc đánh đòn đã tạo ra những vết đòn vằn trên lưng và mất rất nhiều máu và có lẽ đã tạo nên những cơn sốc giảm thể tích máu (hypovolemic shock), bằng chứng là Người quá yếu đến không vác nổi cây ngang (patibulum) của thập giá lên Đồi Gôngôta. Ở chỗ bị đóng đinh, cổ tay của Người bị đinh đóng vào cây ngang, và sau khi cây ngang bị nâng lên cây dọc (stipes), thì hai bàn chân của Người bị đinh đóng vào cây dọc. Hậu quả chính có tính sinh bệnh lý (pathophysiologic) của việc đóng đinh là việc can thiệp vào việc hít thở bình thường. Thành thử, cái chết chủ yếu phát sinh từ cơn sốc giảm thể tích máu và ngẹt thở. Cái chết của Người còn được bảo đảm bởi lưỡi đòng của người lính đâm vào cạnh sườn Người. Sự giải thích của khoa học hiện đại về bằng chứng lịch sử cho thấy Chúa Giêsu chết lúc được lấy xuống khỏi thập giá. 

Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu Nadarét đã tạo căn bản cho một tôn giáo lớn trên thế giới, là Kitô Giáo, và đã gây ảnh hường tích cực lên lịch sử loài người, và do thái độ cảm thương đối với người bệnh, cũng đã đóng góp vào việc phát triển nền y khoa hiện đại. Sự ưu việt của Chúa Giêsu như một nhân vật lịch sử, sự đau khổ và tranh cãi liên quan tới cái chết của Người khiến các nhà chuyên môn này, trong một nghiên cứu liên khoa, đã điều tra các hoàn cảnh bao quanh việc Người chịu đóng đinh. Ý định của họ không phải là trình bầy một tiểu luận thần học cho bằng một giải thích chính xác về y khoa và lịch sử đối với cái chết thể lý của người có tên là Giêsu Kitô.

Các Nguồn

Các tài liệu nguồn liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu bao gồm một bộ trước tác, chứ không phải một cơ thể thể lý hay bộ xương còn sót lại của cơ thể này. Thành thử, tính khả tín của bất cứ cuộc thảo luận nào về cái chết của Chúa Giêsu chủ yếu sẽ được xác định bởi tính khả tín của tài liệu nguồn. Đối với cuộc khảo sát này, thì tài liệu nguồn là các trước tác của các tác giả Kitô Giáo và không Kitô Giáo cổ thời, các trước tác của các tác giả hiện đại, và Khăn Liệm Turin (1,40). Dùng phương pháp sử và luật học của khoa điều tra khoa học (27), các học giả đã thiết lập được tính đáng tin cậy và độ chính xác của các bản chép tay cổ thời (26, 27, 29, 31).

Các mô tả sâu rộng và chi tiết nhất về đời sống và cái chết của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các sách Tin Mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan (1). 23 sách khác của Tân Ước hỗ trợ chứ không mở rộng thêm các chi tiết trong các sách Tin Mừng. Các tác giả Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Rôma đương thời cung cấp thêm cái nhìn thông suốt liên quan tới các hệ thống luật pháp thuộc thế kỷ thứ nhất của Do Thái và Rôma cũng như các chi tiết liên quan đến việc đánh đòn và đóng đinh (5). Seneca, Lily, Plutarch, và nhiều người khác nhắc đến tập tục đóng đinh trong các tác phẩm của họ (8, 28). Một cách đặc biệt, Chúa Giêsu (hay việc Người chịu đóng đinh) được nhắc đến bởi các sử gia Rôma như Cornelius Tacitus, Pliny Trẻ và Suetonius, bởi các sử gia không phải người Rôma như Thallus và Phlegon, bởi nhà trào phúng Lucian thành Samosata, bởi Sách Talmud của Do Thái Giáo và bởi sử gia Do Thái Falvius Josephus, dù tính xác thực một phần trước tác của tác giả sau cùng này có vấn đề (26). 
Khăn Liệm Turin được nhiều người coi là khăn liệm thực sự của Chúa Giêsu (22), và một số ấn phẩm liên quan tới các khía cạnh y khoa trong cái chết của Người đã rút các kết luận từ những giả thuyết này (5,11). Khăn Liệm Turin và các khám phá khảo cổ gần đây cung cấp nhiều tín liệu có giá trị liên quan đến các thực hành đóng đinh của người Rôma (22,24). Các giải thích của các tác giả hiện đại, dựa vào kiến thức khoa học và y khoa vốn không có ở thế kỷ thứ nhất, có thể cung cấp thêm một cái nhìn thông suốt liên quan đến cơ cấu cái chết của Chúa Giêsu (2,17).

Khi xét chung một số sự kiện với nhau: chứng từ sâu rộng và sớm sủa của cả người bênh lẫn người chống trong Kitô Giáo và việc họ chấp nhận chung Chúa Giêsu là nhân vật lịch sử có thật; nền đạo đức học của các soạn giả Tin Mừng, và sự ngắn ngủi của thời gian nằm giữa các biến cố và các bản chép tay còn hiện hành; và việc xác nhận các trình thuật Tin Mừng của các sử gia và các khám phá khảo cổ (26,27), bảo đảm cho chúng ta một chứng từ đáng tin cậy, nhờ đó, một giải thích y khoa hiện đại về cái chết của Chúa Giêsu có thể được thực hiện.

Diệtsimani

Sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ đã tuân giữ bữa ăn Vượt Qua tại phòng trên lầu của một căn nhà ở tây nam Giêrusalem, họ đi tới Đồi Cây Dầu, phía đông bắc thành phố (Hình 1). (Vì nhiều điều chỉnh khác nhau đối với lịch, các năm sinh và tử của Chúa Giêsu vẫn còn đang bị tranh cãi [29]. Tuy nhiên, có phần chắc là Chúa Giêsu sinh năm 4 hoặc năm 6 trước CN và chết năm 30 CN [11,29]. Trong việc tuân giữ Lễ Vượt Qua vào năm 30 CN, Bữa Tối Sau Cùng có lẽ đã diễn ra hôm Thứ Năm, ngày 4 tháng Tư [13, Nissan], và Chúa Giêsu chịu đóng đinh hôm Thứ Sáu, 7 tháng Tư [14, Nissan]) Tại Diệtsimani gần đó, dường như biết rằng giờ chết của mình đã gần, Chúa Giêsu chịu một cơn lo buồn rất lớn trong tâm trí, và, như Thầy Thuốc Luca mô tả, mồ hôi của Người biến thành máu (1). 

Mặc dù đó là một hiện tượng rất hiếm có, nhưng mồ hôi máu (hematidrosis [mồ hôi có máu] hay hemohidrosis [loạn tiết mồ hôi máu]) có thể xẩy ra trong tình trạng xúc động cao độ hay nơi những người bị xáo trộn về máu (18,20). Do hậu quả máu chẩy vào các hạch mồ hôi, da trở nên dễ bể, dễ vỡ (2,11). Mô tả của Thánh Luca ủng hộ việc chẩn đoán hematidrosis hơn là chromhidrosis nội tiết (mồ hôi mầu nâu hay vàng xanh) hay nổi nốt bầm máu trên da (stigmatization, máu rỉ ra từ bàn tay hay từ nơi khác) (18,21). Dù một số tác giả cho rằng hematidrosis phát sinh ra chứng giảm thể tích máu, các nhà chuyên môn này nhất trí với Bucklin (5) rằng: việc mất máu của Chúa Giêsu rất ít. Tuy nhiên, trong không khí lạnh về đêm (1), nó có thể tạo ra những cơn ớn lạnh.

Các Phiên Xử

Phiên Xử của Do Thái

Sau nửa đêm không lâu, Chúa Giêsu bị các viên chức của Đền Thờ bắt tại Vườn Cây Dầu và trước nhất bị triệu tới Annas rồi Caiphas, thượng tế Do Thái vào năm đó (hình 1) (1). Giữa 1 giờ đêm và tảng sáng, Chúa Giêsu bị xử trước Caiphas và Thượng Hội Đồng và bị kết tội phạm thượng (1). Các lính canh lúc đó bịt mắt Chúa Giêsu, nhổ nước miếng vào Người, đấm vào mặt Người (1). Sau tảng sáng không lâu, có lẽ ngay trong Đền Thờ (hình 1), Chúa Giêsu bị Thượng Hội Đồng tôn giáo (thuộc cả hai phái Pharisiêu và Sađốc) xét xử và cũng bị kết tội phạm thượng, một tội đáng tử hình (1,5). 

Phiên xử của Rôma

Vì phép hành quyết chỉ có thể phát xuất từ các người Rôma thống trị (1), nên Chúa Giêsu sáng sớm bị các viên chức Đền Thờ điệu đến Tòa Tổng Trấn ở Pháo Đài Antonia, nơi cư ngụ và là tòa cai trị của Pontius Pilate, Tổng Trấn Giuđêa (hình 1). Tuy nhiên, Chúa Giêsu được trình cho Pilate không như người phạm thượng mà như một ông vua tự phong, phá hoại thẩm quyền Rôma (1). Pilate không kết án Chúa Giêsu nhưng giải Người tới Herod Antipas, phó vương Giuđêa lúc đó (1). Herod cũng không kết án Người và giải Người trở lại với Pilate (Hình 1) (1). Một lần nữa, Pilate không tìm ra căn bản để kết án Chúa Giêsu, nhưng vì người ta nhất định đòi đóng đinh Người. Cuối cùng Pilate thuận theo yêu cầu của họ và trao Chúa Giêsu để Người chịu đánh đòn và đóng đinh. (McDowell [25] đã xem lại bầu khí chính trị, tôn giáo và kinh tế ở Giêrusalem lúc Chúa Giêsu chịu chết, còn Bucklin [5] thì mô tả các nét bất hợp pháp khác nhau trong các phiên xử của Do Thái và Rôma).

Sức khỏe của Chúa Giêsu

Các gian khổ trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu (nghĩa là phải cuốc bộ khắp xứ Palestine) chắc chắn loại Người ra khỏi bất cứ trở ngại lớn nào về thể lý hay bất cứ trạng thái yếu ớt nào. Thành thử người ta có quyền giả thiết rằng Chúa Giêsu khỏe mạnh trước khi ngài cuốc bộ tới Diệtsimani. Tuy nhiên, trong 12 giờ, từ lúc 9 giờ tối Thứ Năm tới 9 giờ sáng Thứ Sáu, Người chịu căng thẳng rất cao về xúc cảm (bằng chứng là mồ hôi máu), bị bạn hữu thân cận nhất bỏ rơi (các môn đệ), và bị đánh đập thể lý (sau phiên tòa Do Thái đầu tiên). Rồi, trong bối cảnh một đêm không ngủ đầy đau buồn, Người lại còn buộc phải cuốc bộ hơn 2 dặm rưỡi (4 km) tới lui giữa các địa điểm xử án khác nhau (Hình 1). Các nhân tố thể lý và xúc cảm này khiến Chúa Giêsu càng trở nên dễ tổn thương hơn đối với các hậu quả huyết động lực (hemodynamic) của việc đánh đòn. 

Đánh Đòn

Các thực hành đánh đòn

Đánh đòn là thủ tục hợp pháp đầu tiên đối với mọi cuộc hành quyết theo luật Rôma (28) và chỉ có phụ nữ, các thượng nghị sĩ và binh lính Rôma (trừ trường hợp đào ngũ) mới được miễn chước (11). Các dụng cụ thông thường là chiếc roi da ngắn (flagellum) với những dây da dài ngắn đủ cỡ, trên đó, những hòn bi nhỏ bằng sắt và những cục xương cừu khá sắc được gắn vào cách quãng nhau (Hình 2) (5,7,11). Nguyên thủy, gậy cũng đã được sử dụng (8,12). Khi bị đánh đòn, nạn nhân bị cởi hết áo quần, tay bị trói vào một chiếc cột thẳng đứng (Hình 2) (11). Lưng, mông và đùi bị đánh bởi hoặc hai người lính (lictors) hoặc bởi 1 người thay chỗ nhau (5,7,11,28). Độ ác liệt của việc đánh đòn tùy thuộc tính tình của người đánh và nhằm làm nạn nhân yếu đi tới chỗ gần qụy hay gần chết (8). Sau khi đánh đòn, binh lính thường hay chế giễu nạn nhân (11). 

Khía cạnh y khoa của việc đánh đòn

Khi binh lính Rôma cật lực và liên tiếp đánh vào lưng nạn nhân, các hòn bi sắt sẽ gây nên những vết giập rất sâu, còn các dây da và các cục xương cừu thì xé da và các mô dưới da (7). Rồi, khi việc đánh đòn tiếp tục, các thớ thịt gần xương sẽ bị xé nát và tạo nên những dải thịt đầy máu nẩy tưng tưng (2,7,25). Đau đớn và mất máu thường dọn đường cho cơn sốc tuần hoàn (12). Lượng mất máu sẽ cho thấy nạn nhân sẽ sống được bao lâu nữa trên thập giá (8).

Việc đánh đòn Chúa Giêsu

Tại tòa tổng trấn, Chúa Giêsu bị quất roi một cách khủng khiếp. (Mặc dù, độ khủng khiếp này không được cả bốn Tin Mừng nhắc đến, nhưng được hàm ý trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô [chương 2 câu 24]. Một cuộc nghiên cứu chi tiết về từ ngữ trong câu này của bản Hy Lạp cho thấy việc đánh đòn Chúa Giêsu hết sức tàn ác [33]). Ta không biết liệu con số roi đánh có bị giới hạn vào 39 roi hay không theo luật Do Thái (5). Binh lính Rôma, vui thấy nạn nhân đã yếu đi này từng cho mình là một ông vua, nên bắt đầu chế giễu Người bằng cách khoác chiếc áo choàng lên vai Người, đặt một mão gai lên đầu Người, và chiếc gậy gỗ vào tay Người giả làm vương trượng (1). Rồi, họ nhổ nước miếng vào Chúa Giêsu và dùng cây gậy gỗ đánh vào đầu Người (1). Ngoài ra, khi binh lính xé áo khỏi lưng Người, chắc chắn họ đã mở lại các vết thương do vụ đánh đòn gây ra (7).

Độ khủng khiếp của việc đóng đinh, với những cơn đau cực kỳ và mất máu rất nhiều của nó, phần chắc đã đưa Chúa Giêsu vào trạng thái tiền kích xúc. Hơn nữa, việc đổ mồ hôi máu đã làm da Người trở nên hết sức dễ bể. Các lạm dụng thể lý và xúc cảm do người Do Thái và Rôma qui định cũng như việc thiếu thực phẩm, nước uống và ngủ nghỉ, cũng góp phần vào trạng thái yếu nhược tổng quát này. Do đó, ngay trước cả lúc bị đóng đinh, tình trạng thể lý của Chúa Giêsu cũng đã rất trầm trọng và nguy kịch rồi. 

Kỳ tới: Đóng Đinh
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/243011.htm