Hãy mặc áo giáp ánh sáng: Bài giảng thứ năm Mùa Chay 2018 của Cha Cantalamessa
Vũ Văn An24/Mar/2018
Đức trong sạch Kitô Giáo
Ngày 23 tháng Ba, 2018, trước Phủ Giáo Hoàng, Cha Cantalamessa, giảng thuyết viên của Phủ, đã đọc bài giảng sau đây về đức trong sạch theo quan điểm Kitô Giáo:
Trong cuộc bình luận của chúng ta về những lời khuyên bảo trong Thư gửi tín hữu Rôma, giờ đây, chúng ta bước tới đoạn văn nói rằng:
Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng (Rm 13: 12-14).
Thánh Augustinô trong cuốn Tự Thú (Confessions) đã nói với chúng ta về vai trò mà đoạn văn này thủ diễn trong việc ngài trở lại. Lúc ấy, ngài đã tiến tới chỗ dấn thân gần như hoàn toàn đối với đức tin. Nhưng có một điều vẫn giữ chân ngài: ngài sợ rằng mình không giữ được đức trong sạch. Như chúng ta biết, lúc ấy, ngài đang sống với một người phụ nữ mà không kết hôn.
Tại thửa vườn của một ngôi nhà ngài tới thăm, lúc đang đấu tranh nội tâm, khổ sầu với nước mắt chan hòa, ngài nghe thấy một giọng nói từ ngôi nhà bên cạnh, giọng nói của một cậu bé hay cô gái lặp đi lặp lại, "Tolle, lege! Hãy lượm lên và đọc, Hãy lượm lên và đọc". Ngài coi những lời đó như một lời mời của Thiên Chúa, và thấy một quyển sách có các thư của Thánh Phaolô gần đó, ngài đã mở nó một cách tình cờ và quyết định coi điều đầu tiên ngài đọc là ý Chúa muốn ngài làm. Đoạn văn mà mắt ngài đọc được chính là đoạn văn trích từ Thư gửi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa trích dẫn. Một ánh sáng an hòa (lux securitatis) chiếu sáng bên trong ngài làm cho mọi bóng tối của sự không chắc chắn biến mất. Giờ đây, ngài biết rằng với sự giúp đỡ của Chúa, ngài có thể sống trong sạch [1].
Những điều mà Thánh Tông Đồ gọi là "những việc làm đen tối" trong đoạn văn này cũng y hệt như những gì ngài đã định nghĩa ở nơi khác như là "dục vọng, hay việc làm của xác thịt" (xem Rm 8:13, Gl 5:19), và điều ngài gọi là "Áo giáp ánh sáng" có ý chỉ những điều mà ở chỗ khác ngài gọi là "các việc làm của Chúa Thánh Thần", hay là "hoa trái của Chúa Thánh Thần" (Gl. 5:22). Trong số các việc làm của xác thịt, ngài nêu bật tính phóng đãng của tính dục bằng hai chữ (koite và aselgeia) tương phản với việc làm của ánh sáng, đó là sự trong sạch. Thánh Tông Đồ không nói rõ một cách chi tiết ở đây về khía cạnh này của đời sống Kitô hữu. Nhưng từ bảng liệt kê các thói xấu ngay ở đầu bức thư (xem Rm 1: 26tt), chúng ta biết tầm quan trọng của nó ra sao dưới mắt ngài.
Thánh Phaolô thiết lập một mối liên hệ rất gần gũi giữa sự trong sạch và sự thánh thiện và giữa sự trong sạch và Chúa Thánh Thần:
Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó... Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người (1Tx 4: 3-8).
Do đó, chúng ta hãy tìm cách tiếp nhận lời khuyên cuối cùng này từ Lời Thiên Chúa, suy niệm cách sâu sắc hơn về hoa trái đặc biệt này của Chúa Thánh Thần, đức trong sạch.
1. Các lý do của Kitô Giáo biện minh cho đức trong sạch
Trong Thư gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô viết: "Hoa trái của Thánh Linh là tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, tử tế, tốt lành, trung thành, hiền lành, tự kiểm soát" (Gl 5, 22-23). Từ nguyên Hy Lạp mà ta dịch là "tự kiểm soát" hoặc "thống trị chính mình" là enkrateia. Nó có nhiều ý nghĩa rất bao quát. Thực thế, người ta có thể tự kiểm soát trong việc ăn uống, nói năng, kìm hãm tức giận, vân vân. Tuy nhiên, ở đây, cũng như ở hầu hết Tân Ước, nó có nghĩa: tự kiểm soát trong một lãnh vực rất chuyên biệt của bản thân, tức lĩnh vực tình dục. Chúng ta có thể diễn dịch điều này từ sự kiện trên đây: khi liệt kê "các việc làm của xác thịt", Thánh Tông Đồ gọi những điều chống lại sự tự kiểm soát là porneia, tức sự không trong sạch. Đây cũng cùng là một chữ mà từ đó chúng ta có chữ "văn hóa khiêu dâm" [pornography].
Trong các bản dịch hiện đại của Thánh Kinh, từ porneia đã được dịch khi là "mãi dâm" khi là "vô luân tính dục" khi là "tà dâm" hoặc "ngoại tình", và khi là những từ khác nữa. Tuy nhiên, ý niệm căn bản của chữ này là "bán mình", sử dụng thân thể của chính mình, và do đó tự mãi dâm bản thân mình (pernemi trong tiếng Hy Lạp có nghĩa "Tôi bán mình"). Bằng cách sử dụng chữ này để chỉ hầu như mọi các biểu hiện của rối loạn tình dục, Thánh Kinh muốn nói rằng mọi tội lỗi không trong sạch, theo một nghĩa nào đó, đều là một hành vi mãi dâm bản thân, một việc bán mình.
Như thế, lời lẽ của Thánh Phaolô cho chúng ta biết: có hai thái độ tương phản nhau đối với thân xác và tính dục của ta. Một là hoa trái của Chúa Thánh Linh, và thái độ kia là việc làm của xác thịt; một là nhân đức, một là thói hư. Thái độ đầu tiên liên quan đến việc duy trì quyền kiểm soát đối với bản thân và thân xác ta; thái độ thứ hai, trái lại, là bán mình hoặc sử dụng thân thể của mình, nghĩa là sử dụng tình dục cho khoái cảm riêng của mình, cho các mục tiêu thực dụng khác với những mục đích mà nó được tạo ra. Nó làm cho hành vi tình dục trở thành một hành vi vụ lợi, ngay cả khi điều nó kiếm được không phải lúc nào cũng là tiền bạc như trong trường hợp mãi dâm thực sự, và làm cho khoái cảm ích kỷ trở thành một cùng đích tự tại.
Khi chúng ta nói đến sự trong sạch và bất trong sạch bằng cách đơn giản liệt kê chúng như nhân đức và thói hư, mà không khảo sát vấn đề sâu sắc hơn, thì ngôn ngữ của Tân Ước không khác mấy so với ngôn ngữ của các nhà luân lý ngoại giáo. Các nhà luân lý ngoại giáo này, như phái Khắc Kỷ (Stoics) và phái Hưởng Lạc (Epicureans), cũng ca ngợi sự tự kiểm soát, enkrateia, nhưng chỉ áp dụng vào sự im lặng nội tâm, đến tính vô tình (apatheia) và tự làm chủ bản thân. Theo họ, sự trong sạch được điều khiển bởi nguyên tắc "lý lẽ đúng đắn”.
Tuy nhiên, trong thực tế, bên trong các từ ngữ ngoại giáo cổ xưa này, từ nay đã có một nội dung hoàn toàn mới, phát sinh, như bất cứ lúc nào, từ sứ điệp căn bản của Tin Mừng (kerygma). Điều này đã hiển hiện ngay trong bản văn của chúng ta, trong đó, sự phóng đãng tính dục bị tương phản một cách có ý nghĩa, coi như đối địch của nó, với sự kiện “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô”. Các Kitô hữu tiên khởi đã nắm vững được nội dung mới mẻ này, vì nó đã là chủ đề cho các bài giáo lý chuyên biệt trong các bối cảnh khác.
Giờ đây, chúng ta hãy xem xét một trong những giáo huấn chuyên biệt này về sự trong sạch để khám phá ra nội dung thật sự của nó và những lý do chân chính của Kitô Giáo bênh vực cho nhân đức này, một nhân đức phát xuất từ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Ta tìm thấy nó trong 1Côrintô 6: 12-20. Dường như tín hữu Côrintô, có lẽ vì hiểu lầm một tuyên bố của vị Tông Đồ, đã cổ vũ nguyên tắc "mọi sự đều hợp pháp đối với tôi" để biện minh cho cả các tội lỗi không trong sạch. Câu trả lời của Thánh Tông Đồ có chứa một động cơ hoàn toàn mới để giữ đức trong sạch phát xuất từ mầu nhiệm Chúa Kitô. Ngài nói rằng không được phép hiến thân cho sự ô uế (porneia). Không được bán mình hay sử dụng bản thân mình chỉ để khoái cảm cho riêng mình chỉ vì lý do đơn giản này là chúng ta không còn thuộc về chính mình nữa; chúng ta không phải của riêng mình mà là của Chúa Kitô. Chúng ta không thể quyết định phải sử dụng ra sao một điều vốn không thuộc về chúng ta: "Há anh em không biết rằng thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? . . . Anh em không phải là của chính anh em "(1Cr 12:15, 19).
Động cơ của người ngoại giáo, theo một nghĩa nào đó, bị đảo ngược; giá trị tối cao phải bảo vệ không còn là sự thống trị bản thân nữa mà là "không thống trị bản thân": "Thân xác không dành cho vô luân, nhưng dành cho Chúa, và Chúa dành cho thân xác" (1Cr 6:13). Vì vậy, động cơ tối hậu để giữ được sự trong sạch là "Chúa Giêsu là Chúa!" Nói cách khác, sự trong sạch của Kitô giáo không hệ ở việc thiết lập sự thống trị của lý lẽ đối với bản năng của chúng ta cho bằng việc thiết lập sự thống trị của Chúa Kitô đối với toàn thể con người, bao gồm cả lý trí lẫn bản năng của một con người.
Động cơ Kitô học để giữ đức trong sạch này đã được làm cho thúc bách hơn bởi điều Thánh Phaolô thêm vào trong cùng đoạn văn này: chúng ta không chỉ là "của" Chúa Kitô một cách chung chung, giống như một tài sản của Người hay một điều gì đó thuộc về Người, chúng ta chính là thân thể của Chúa Kitô, là chi thể của Người! Điều này làm mọi điều trở nên tinh tế hơn bội phần vì nó có nghĩa: khi tôi phạm một hành vi không trong sạch, tôi đang mãi dâm thân thể Chúa Kitô, tôi đang thực hiện một thứ phạm thánh ghê gớm. Tôi đang phạm hành vi bạo lực chống lại thân thể Con Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ hỏi: "Vậy tôi có nên dùng các chi thể của Chúa Kitô và biến chúng thành các chi thể một gái điếm chăng?" (1Cr 6:15).
Ngài đã mau mắn thêm vào động cơ Kitô học này một động cơ thần khí học có liên quan đến Chúa Thánh Thần: "Anh em có biết thân thể anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần trong anh em không?" (1Cr 6:19). Lạm dụng thân thể mình như thế là phạm thánh đền thờ của Thiên Chúa. Nhưng nếu ai đó phá hoại đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt họ (xem 1Cr 3:17). Phạm tội không trong sạch là "làm buồn lòng Thần Khí Thiên Chúa" (Ep 4:30).
Song song với các lý do Kitô học và thần khí học, Thánh Tông Đồ còn nhắc đến một lý do cánh chung học liên quan tới số phận cuối cùng của con người: "Và Thiên Chúa đã nâng Chúa dậy và Người cũng sẽ nâng chúng ta dậy bằng quyền năng của Người" (1Cr 6:14). Thân thể chúng ta đã được định để phục sinh. Nó được định một ngày kia sẽ tham dự vào hạnh phúc và vinh quang của linh hồn. Đức trong sạch Kitô giáo không dựa trên thái độ khinh thị đối với thân xác; trái lại, nó dựa trên lòng quí trọng lớn lao đối với phẩm giá của thân xác. Các Giáo Phụ của Giáo Hội, khi chống lại Phe Ngộ Đạo (Gnostics), thường nói rằng Tin Mừng không tuyên bố sự cứu rỗi "ra khỏi" xác thịt mà là sự cứu rỗi "của" xác thịt. Những người coi thân xác là "áo quần bên ngoài" có số phận bị bỏ lại trần gian không có lý do mà một Kitô hữu vốn có để giữ cho thân xác không bị hoen ố.
Thánh Tông Đồ kết luận lời giảng dạy của ngài về sự trong sạch với một lời mời đầy xúc động rằng: "Vậy, anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em!" (1Cr 6:20). Thân xác con người là vì vinh quang của Thiên Chúa và nói lên vinh quang đó khi ta sống thực dục tính và cả đời sống thể xác của ta trong sự vâng phục đầy yêu thương đối với thánh ý Thiên Chúa, điều này có nghĩa: trong sự vâng theo chính ý nghĩa của dục tính, theo bản chất nội tại và nguyên thủy của nó là không bán mình mà là cho mình đi. Việc tôn vinh Thiên Chúa qua thân thể ta này không nhất thiết đòi hỏi phải từ bỏ việc thực hiện dục tính của một con người. Thực vậy, trong chương tiếp ngay sau, tức chương 7 thư 1 Côrintô, Thánh Phaolô giải thích rằng sự tôn vinh Thiên Chúa như thế tự phát biểu theo hai cách và qua hai đặc sủng khác nhau: hoặc qua hôn nhân hoặc qua đức đồng trinh. Trinh nữ và người độc thân tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác họ, nhưng người kết hôn cũng tôn vinh Người miễn là mỗi người đều sống các đòi hỏi của bậc sống mình.
Kỳ sau: Đức Trong Sạch, Sắc Đẹp, và Yêu Người Lân Cận Ta
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/242966.htm