LÒNG YÊU MẾN MẸ MARIA (TĨNH TÂM CUỐI NĂM HỌC 2011-2012 CHỦNG VIỆN THÁNH TÂM MỸ ĐỨC)
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
Anh em thân mến,
Lần tĩnh tâm này rơi vào tháng năm sùng kính đặc biệt Đức Mẹ, như Công Đồng Vaticanô II dạy: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô, do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính.”[2] Tôi muốn chia sẻ với anh em đôi chút về lòng yêu mến Mẹ Maria và mối tương quan với Mẹ trong đời sống ứng sinh linh mục và linh mục chúng ta. Đôi chút, vì như lời thường nói “De Maria numquam satis, nói về Mẹ Maria không bao giờ cho đủ,” nhất là nói về tấm lòng từ mẫu của Mẹ.
Quả vậy, Mẹ Maria đã trở nên Mẹ của chúng ta theo một đường lối đặc ân qua người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng, như chính người môn đệ này thuật lại vào lúc tột đỉnh của sứ mạng cứu độ nhân loại của Chúa Giêsu: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng ‘Thưa Bà, đây là con của Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”[3] Chính vì thế, Chân phước Gioan Phaolô II trong Thư gửi các linh mục Thứ Năm Tuần Thánh 1988, số 6 đã khuyến giục: “Chúng ta cũng hãy đón nhận Mẹ Maria vào trong nhà nội tâm của chức linh mục chúng ta.”
Không có tình yêu nào gắn bó sâu đậm như tình mẹ con. Chúng ta cũng phải gắn bó với Mẹ Maria như thế. Nhưng Công Đồng cẩn trọng nhắc nhở tín hữu tránh mọi thái quá và bất cập trong nhiều cách sùng kính đa dạng tùy theo văn hóa và địa phương, mà phải luôn đi đúng giáo lý đích thực của Giáo Hội: “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.”[4] Vì Mẹ luôn “chiếu sáng như dấu chỉ của lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang trên đường lữ hành trần gian.”[5]
Trong khi đồng công cứu thế với Chúa Giêsu qui tụ muôn dân về lại cho Chúa Cha, Mẹ Maria không những cầu bàu cho sự hiệp nhất Giáo Hội, mà việc sùng kính Mẹ trở nên phương thế hữu hiệu cho các con cái Chúa gặp gỡ đoàn tụ. Chính Công Đồng đã cảm nhận được niềm vui mừng và an ủi đó mà nói lên: “Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Mẹ đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các thần thánh trên trời, Mẹ cũng cầu bầu cùng Con Mẹ trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc, hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một Dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.”[6]
Mẹ Maria dẫn dắt chúng ta tới với Chúa Giêsu, Đấng đưa chúng ta đến với Chúa Cha, bởi vì Mẹ là người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài với tư cách là người đồng tham dự vào những biến cố tột đỉnh của lịch sử cứu độ. Mẹ chỉ cho chúng ta con đường vâng phục và hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Mẹ đã có ý định và kế hoạch cho cuộc đời của Mẹ, nhưng khi được thiên thần truyền tin cho biết ý định và kế hoạch của Chúa thì Mẹ mau mắn từ bỏ ý định và kế hoạch của Mẹ để vâng theo ý muốn và kế hoạch của Chúa: “Nầy tôi là tớ nữ của Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền.”[7] Chính lời “Xin Vâng” này của Mẹ đã mở ra một kỷ nguyên mới: Ngôi Lời của Thiên Chúa đến với nhân loại.
Cái quan trọng và khó nhất đối con người chúng ta trong tiến trình đào tạo hôm nay, cũng như trong đời sống sứ vụ mai ngày, là cần phải kiên trì tập luyện biết từ bỏ ý riêng, hay đúng hơn là biết qui phục ý riêng của mình cho ý Chúa, được biểu lộ qua Bề Trên. Về việc này, chúng ta phải học hỏi tấm gương tuyệt vời của Đức Mẹ khi đối đáp với thiên sứ, theo giáo huấn về vâng lời đối thoại của Công Đồng Vaticanô II là lời nói cuối cùng luôn luôn thuộc về Bề Trên và chúng ta phải vâng phục với tinh thần đức tin siêu nhiên. Tuy nhiên, tiến trình sẽ hiệu quả hơn nếu chỉ dẫn của Huấn thị Phục vụ Quyền bính và Vâng lời được triệt để thực thi là cả hai phía, trên và dưới, cùng nhau tìm ý Chúa và kế hoạch của Chúa theo mẫu gương đối thoại giữa Mẹ Maria và thiên sứ trong ngày truyền tin.[8]
Chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Maria, vì đó là dấu chỉ và bảo chứng cho lòng trung tín bước theo Chúa Giêsu Kitô, vì sự hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho chúng ta. Mẹ đã luôn theo sát Chúa Giêsu Con Mẹ trên con đường trần thế của Ngài, bây giờ Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta, những môn đệ được Chúa Kitô ký thác cho Mẹ từ trên thánh giá qua tông đồ Gioan, người môn đệ yêu dấu. Lòng sùng kính mến yêu này giúp chúng ta học lắng nghe và thực hành những lời Mẹ đã nói với các môn đệ xưa kia tại tiệc cưới Cana và ngày nay vẫn còn nói với chúng ta: “Người bảo gì hãy làm vậy.”
Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã tận hiến chính mình cho Đức Mẹ “Totus tuus” và rút kinh nghiệm bản thân, ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng, ngài trao phó mỗi linh mục cho Đức Mẹ và mong muốn mọi linh mục đều trao phó chính mình cho Đức Mẹ, hướng về Đức Mẹ với một tình yêu và niềm hy vọng đặc biệt. Ngài đã viết lên điều ấy trong bức thư gửi các Linh mục và cầu mong: “Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà tôi mời gọi anh em hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính con thảo, đồng hành với anh em và liên lỉ che chở anh em.” Đức Benedictô XVI mới đây cũng thôi thúc chúng ta: “Tôi khuyên anh em hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Chúa Kitô trên hết mọi sự.”
Thật vậy, trong trường của Mẹ Maria, chúng ta học đặt Chúa Kitô vào chỗ nhất trong cuộc đời và sứ vụ của chúng ta, cũng như học hướng tư tưởng cùng hành động của chúng ta theo Ngài, không những trong thời gian được đào tạo và tự đào tạo ở Chủng viện, mà còn trong suốt cuộc đời linh mục sau này nữa. Đúng vậy, nơi trường của Mẹ Maria, chúng ta học biết thinh lặng, biết lắng nghe và phục vụ khiêm tốn, đó là những điểm mấu chốt của đời sống người môn đệ.
Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào mối tương quan nhân vị và đích thực hơn với Chúa Giêsu, để chúng ta yêu mến Ngài, luôn nỗ lực làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến. Qua việc chiêm ngắm và lắng nghe Mẹ Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh nâng đỡ và biến đổi của Chúa Thánh Thần, như Mẹ đã cùng cầu nguyện với các tông đồ và chuẩn bị cho các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngõ hầu chúng ta luôn tìm được sức mạnh biến đổi, niềm an ủi và lòng can đảm bước theo Chúa Kitô và ra đi phục vụ Ngài trong anh chị em và mọi người.
Một khía cạnh rất quan trọng cho đời sống và sứ vụ ơn gọi của chúng ta trong bối cảnh tục hóa và hưởng thụ hôm nay, đó là tất cả những gì liên quan đến đời sống độc thân khiết tịnh linh mục đang “bị thế giới của thời đại chúng ta nghi ngờ giá trị và cho là không thể giữ được” mà chính chúng ta cũng cảm nhận có những lúc phải chiến đấu rất cam go. Như một phương thế bảo vệ và triển nở, Đức Phaolô VI cậy dựa vào lòng sùng kính nồng nhiệt và tỏa sáng đối với Mẹ Maria. Lòng đạo đức này sẽ mang chúng ta “đến nguồn suối của đời sống thiêng liêng đích thực, mà chỉ có nó mới là nền tảng vững chắc cho việc giữ luật độc thân thanh khiết.”[9]
Quả vậy, chọn lựa độc thân khiết tịnh linh mục của chúng ta cần được đặt nơi trái tim Mẹ Maria để khi gặp khó khăn trên con đường đã chọn, với những yếu đuối từ bên trong và những cám dỗ tấn công từ bên ngoài, chúng ta luôn mau mắn chạy đến cùng Mẹ. Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ Maria nâng đỡ và tăng sức mạnh, chúng ta không sợ lạc đường, lại có thể nhìn thấy bằng đôi mắt mới, trái tim và trí não mới, hình ảnh của Mẹ trong mọi mối tương quan, nhất là đối với những người nữ, dù là nữ tu hay người thường, và luôn bước đi trên con đường thánh thiện cần thiết, vì trong những mối tương quan này luôn tiềm ẩn một mối nguy hiểm nào đó đe dọa chúng ta.
Là trinh nữ và là mẹ, Mẹ Maria hiểu rất rõ trái tim nam nhân của chúng ta thiếu gì, cần gì, và Mẹ biết làm thế nào để giữ cho chúng ta được trung thành với lời cam kết của mình, nhất là đối với chúng ta, những linh mục và ứng sinh linh mục giáo phận sống giữa lòng đời tục hóa và hưởng thụ hôm nay sao cho “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Chúng ta sẽ luôn tìm được chỗ ẩn náu an toàn nơi Mẹ Maria, người Mẹ trên trời của chúng ta. Mẹ sẽ giúp chúng ta thăng hoa trái tim và con mắt, để nhìn thấy Mẹ ở trong và qua những người con gái của Thiên Chúa chung quanh chúng ta, dù là nữ tu hay phụ nữ đời thường. Chúng ta kêu xin Mẹ bảo vệ và biến đổi chúng ta và những người nữ thân thiết với chúng ta đó, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ Timôtê “coi các phụ nữ lớn tuổi như mẹ và những người trẻ như chị em.”[10] ĐTC Phaolô VI khẳng định rằng chúng ta “sẽ không bao giờ thiếu sự chở che, nâng đỡ của Mẹ Chúa Giêsu.”[11] Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ gìn giữ sự độc thân trong trắng của chúng ta được an toàn và triển nở. Vì thế, Ngài đã khuyên nhủ trong Thông Điệp về Đời Sống Độc Thân Linh Mục: “Anh em hãy hướng con mắt và trái tim, với niềm tín thác được đổi mới và lòng cậy trông con thảo, về Mẹ rất yêu dấu của Chúa Giêsu và Mẹ của Hội Thánh, hãy kêu xin sự cầu bầu vạn năng và hiền mẫu của Mẹ cho chức linh mục Công giáo.”[12]
Có một việc thật đơn giản nhưng rất quan trọng của lòng sùng kính Mẹ Maria là lần chuỗi Mân Côi, một bản Phúc Âm tóm tắt.[13] Chúng ta hãy giữ sống động thói quen lần chuỗi Mân Côi và hãy khuyến khích nhau lần chuỗi, một mình hoặc chung với người khác, vì chuỗi Mân Côi sẽ đốt nóng và làm mạnh thêm mối giây ràng buộc giữa mỗi người chúng ta với Đức Mẹ và giữa chúng ta với nhau. Thật cảm kích có một số anh em chia sẻ rằng mỗi ngày họ lần đến 7,8 chuỗi cho những ý chỉ khác nhau (tôi sợ là nặng quá và mất nhiều thời giờ học hành, nhưng cách họ sắp xếp cũng hợp lý có thể chấp nhận được, ít nhất trong thời gian ở Chủng viện chưa bị áp lực của công việc mục vụ tông đồ). Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta được mạnh mẽ hơn trong đức tin, bền vững hơn trong đức ái, kiên trì hơn trong ơn gọi với niềm vui và hy vọng.
Có một lời kêu gọi Hãy lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày rất hay như thế này: Khi bạn cầm Tràng hạt Mân Côi lên, Satan phải đau đầu; khi bạn lần chuỗi, Satan phải suy sụp; khi nhìn thấy bạn cầu nguyện Kinh Mân Côi sốt sắng, Satan phải ngất đi. Vậy bạn hãy đọc kinh Mân Côi mọi lúc để Satan tiếp tục ngất luôn. Bạn hãy biết rằng Satan sẽ cố gắng ngăn cản bạn. Dù vậy, bạn cứ chuyển tiếp lời kêu gọi này đi và giúp đẩy nhanh chiến thắng của Đức Mẹ! Hãy kêu mời nhiều người cùng cầu nguyện, bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần hoạt động! Cái bạn được sẽ rất lớn và tuyệt đối không có gì để mất! Hãy tưởng tượng những gì có thể xảy ra nếu mọi người Công Giáo trên thế giới sẽ cùng cầu nguyện kinh Mân Côi. Chúng ta có một điển hình vào năm 1571, khi tất cả các Kitô hữu trên thế giới do ĐGH Piô V điều động cùng cầu nguyện kinh Mân Côi, Châu Âu được cứu thoát khỏi cuộc xâm lược của hải hạm hùng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở vịnh Lepanto.
Ðể kỷ niệm muôn đời chiến công rực rở ấy, Ngài đã thiết lập Lễ Kính Ðức Mẹ Mân Côi vào ngày 7/10/1573. ÐGH Clemente XI đã cổ võ khắp Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ này. Năm 1938 Ðức Giáo Hoàng Piô XI ban ơn Ðại Xá cho những ai lần hạt Mân Côi trước Thánh Thể. Ngược dòng lịch sử, người ta thấy Thánh Tổ Phụ Ðaminh đã nhờ Kinh Mân Côi mà đập tan bè rối Albigeois. Theo Ngài, “Kinh Mân Côi là cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa Giêsu và Ðức Mẹ nhất.” Thánh Bênađô cũng nói “Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ và làm cho hoả ngục kinh hoàng khi nghe Thánh Danh Maria.” Các vị Ðại Thánh cũng thừa hiểu sức mạnh vô địch của vũ khí này nên đã hăng say cổ vũ mọi người năng đọc Kinh Mân Côi, như Thánh Phêrô Canisiô, Thánh Philiphê Nêri, Thanh Luy đệ Monpho. Ðức Leô XIII rất năng đọc Kinh Mân Côi nơi công cộng và truyền bá kinh này khắp nơi. Đức chân phước Gioan Phaolô II còn đặt thêm Năm Sự Sáng cho Kinh Mân Côi: Vui, Thương, Mừng, Sáng.
Tôi rất thích lời này của một người mẹ: “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của mẹ; dù con có đi tới cùng trời cuối đất thì lòng mẹ vẫn hằng theo con.” Chắc nhiều người trong anh em, cũng như tôi, có rất nhiều kỷ niệm với mẹ và về mẹ, dù mẹ đã qua đời hay đang còn sống. Và những kỷ niệm ấy, cùng với sự hy sinh và tâm nguyện của mẹ sẽ tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho chúng ta sống tốt ơn gọi, để khỏi phụ lòng mẹ hay làm mẹ buồn phiền. Nhưng có người mẹ nào hơn Mẹ Maria. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết bắt chước Mẹ: Fiat (Xin Vâng), luôn chấp nhận không dè giữ với ý muốn và kế hoạch của Chúa; Magnificat (linh hồn tôi ca ngợi), luôn ca ngợi và cảm tạ về mọi ơn lành lớn nhỏ Chúa đã ban cho, và Stabat (Đứng thẳng dưới chân thập giá), luôn sống nhẫn nại và bền đỗ trong những thách đố và khó khăn của cuộc sống hằng ngày cho đến hơi thở cuối cùng. Amen
[1] Theo CWNews ngày 11.05.2011.
[2] Vat.II, Lumen Gentium, số 66.
[3] Ga 19,26-27.
[4] Vat. II, Lumen Gentium, số 67.
[5] Ibidem, số 68.
[6] Ibidem, số 69.
[7] Lc 1, 26-38.
[8] Huấn thị Phục vụ Quyền Bính và Vâng Lời do Bộ Tu sĩ ban hành năm 2008.
[9] Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 1; 75.
[10] x. 1 Tm 5,2.
[11] Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 59.
[12] Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus, số 98a.
[13] x. Paul VI, Marialis Cultus: The Angelus and the Rosary.
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss