Trang chủ

Sonntag, Januar 10, 2016

Chúa Nhật I Mùa Thường Niên - Năm C
ĐỨC MESSIA ĐẾN
Suy niệm của R. Gutzwiller
Dân chúng coi Gioan như Đấng Messia. Nhưng vị tiền hô cũng không phải là Vua; nên Ngài nói: ‘không phải ta đâu, mà là Đấng khác’. Vị tiền hô hướng họ tới Đức Kitô. Đó không phải là người ích kỷ, vì người ích kỷ thì vẫn muốn chiếm đoạt tha nhân, nhưng đây là người của Chúa, một người bất vụ lợi đưa đường tha nhân về với Thiên Chúa. Phải, giữa Đấng Messia và Ngài có một sự cách biệt quá lớn lao như người đầy tớ nghĩ mình không đáng cởi giây giày cho chủ mình.

Cả hai phép rửa cũng khác nhau như vậy. ‘Tôi, tôi rửa anh em trong nước, sẽ có Đấng quyền năng hơn tôi: Ngài sẽ rửa các ông trong Thánh Thần và trong lửa’. Phép rửa của Gioan chỉ là bên ngoài, như nước chảy trên thân xác, còn phép rửa của Chúa Giêsu, bên trong, như lửa thiêu huỷ tất cả, như Thánh Thần mà sức nóng của Ngài ăn sâu vào tận đáy lòng và biến đổi tất cả.

CON THIÊN CHÚA (3, 21-22)
Những gì xảy ra ở bờ sông Giođan khi Thánh Thần hiện ra và Lời Chúa Cha phán mang hai ý nghĩa: Trước hết đối với chính Chúa Giêsu đây thêm môt kinh nghiệm lớn cho Ngài cũng như nơi đền thờ lúc Ngài mười hai tuổi. Trời mở ra, đó đâu phải là chỉ là chi tiết bên ngoài, mà trước hết là một hiện tượng tôn giáo thâm sâu. Ánh sáng chan hoà từ bản tính Thiên Chúa tràn lan trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu. Tiếng nói của Chúa Cha đến với Ngài và Thánh Thần trở nên hữu hình qua một biểu tượng; có thể nói là Chúa Giêsu đứng ở giữa.

Như vậy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã được nhắc đến danh xưng ở đây: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Điều mà Chúa Cha gọi rõ ràng là ‘Con yêu dấu của Cha’ thì Chúa Thánh Thần đã để hiện ra tỏ tường bằng cách riêng của Ngài. Chúa Giêsu là một trong Ba Ngôi; Ngài biết, Ngài cảm thấy nơi mình con người được lôi cuốn vào luồng lửa của đời sống Ba Ngôi. Ngài thấy hoàn toàn khác với người thường. Ngài là Con độc nhất, ở trong tình yêu duy nhất và đặc biệt Chúa Cha trong sự phong phú vô song và lạ lùng của Chúa Thánh Thần.

Vì thế, chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Người Con độc nhất này ưu thắng như vậy, khi thấy Vị phi thường kéo được tất cả về với mình trong tình trạng xuất thần như vậy, khi thấy Ngài được đưa vào sự dồi dào của tinh thần này như ngoài mình, là sa mạc có lẽ người ta sẽ nói Con Thiên Chúa không thể giữ như vậy lâu hơn giưã nhân loại. Chính Ngài, chỉ mình Ngài, được bao quanh bởi cả một đám đông.

Nhưng Đấng Thiên Chúa, cũng hiện diện ở bờ sông Giođan cho họ. Đó là lý do họ nghe tiếng nói. Tất cả phải biết là Ngài đã được cưu mang và đón nhận bởi Cha trên trời: như vậy tất cả những cái Người Con sẽ nói phải được coi như là Lời của Thiên Chúa Cha, tất cả những cái Ngài làm sẽ đầy Thánh Thần Chúa và được Thánh Thần kích động.

Còn Thần khí biểu lộ dưới hình bồ câu bay xà xà: Thần khí phong phú tràn lan trên nước Khởi nguyên và trên Đức Maria cũng là chính Thần khí xuống trên Chúa Giêsu để, bằng quyền năng sáng tạo của mình, biến đổi những lời giảng và các tác vi nhân tính của Chúa Giêsu bằng một thế giới mới, một đời sống mới, một sự sáng tạo mới: thế giới của siêu nhiên, thế giới thần thiêng giữa lòng nhân loại.
Biến cố hãn hữu này sắp được thực hiện đây khi mà Chúa Giêsu mang một hình thức bình dị, đã chọn con đường thông thường của muôn người khác và giao tiếp với các tội nhân.

Sự nâng cao lên khỏi nhân tính này trong sự thanh khiết thần thiêng, sẽ được hoàn thành vào lúc Ngài tự hạ nhận phép rửa thống hối giữa hạng tội lỗi và cho lớp tội nhân.

Rồi đây cả vũ trụ sẽ thấy rằng Đấng bị hạ xuống, được nâng lên và là Đấng tinh tuyền, thánh thiện, Đấng đó đang bước vào dòng sông chất đâỳ tội lỗi để cho những làn sóng tội lỗi đổ tràn trên mình. Lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai được thực hiện, coi bên ngoài thì hoàn toàn là âm thầm, ít giá trị, không lôi kéo được chú ý gì mấy. Tuy nhiên, thực sự là đã để lộ ra những cái khác thường và hấp dẫn mà mọi người từ nay phải lưu tâm. Chính Thiên Chúa đã quyết định chọn việc khởi đầu này và chứng nhận sự kiện đó.

 
Tin Mừng theo Thánh Luca kể lại cho ta giai đoạn đầu, đời sống công khai của Đức Giêsu theo trình tự sau đây:
1. Gioan Tẩy Giả rao giảng: Các ngươi hãy hoán cải …Ngài đang đến (Lc 3,1 -18).
2. Gioan Tẩy giả bị cầm tù (Lc 3, 19-20).
3. Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,21 -22).
4. Gia phả của Đức Giêsu (Lc 3,23-58).
5. Đức Giêsu chịu cám dỗ trong thời gian 40 ngày chay tịnh tại hoang địa (Lc 4,1-13).
6. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, đặc biệt tại Na-gia- rét (Lc 4,14-30).

Một lần nữa, chúng ta lưu ý rằng, trước hết Luca không tìm cách thông tin cho ta về một chuỗi “sự kiện lịch sử”. Nếu chỉ có Tin Mừng Luca truyền lại, thì ta sẽ không biết “ai” đã làm phép rửa cho Đức Giêsu: vì Luca kể cho chúng ta việc cầm tù Gioan, trước khi cho chúng ta chứng kiến phép rửa của Đức Giêsu, mà trong nghi thức này, Luca cũng không nhác đến vị Tiền hô. Những người thời xưa (cả Luca và mọi kẻ khác) không có quan niệm tân thời như chúng ta về lịch sử. Mục đích của họ không phải là kể ra những sự kiện đơn thuần, nhưng nhằm nói với lương tâm tín hữu.

Đối với họ, ý nghĩa những sự kiện hoàn toàn thuộc về lịch sử. Do đó qua những thể thức văn chương thường được dùng đi dùng lại trong Kinh thánh, thánh sử trình bày phép rửa của Đức Giêsu vừa như một sự kiện lịch sử không thể chối cãi được (do đó có một nền tảng chung với những trình thuật đối chiếu khác), vừa như một “hành động tượng tương” (do dó, có những đặc điểm khác nhau trong mỗi Tin Mừng). Giải thích một sự kiện, không phải là chối bỏ sự kiện đó, mà cho nó là thực và định giá đúng tầm quan trọng của nó. Chẳng hạn, ở đây chúng ta thấy một sự “giải thích" của Luca: “Đức Giêsu khai mở một kỷ nguyên mới”. Giao uỡc cũ đã chấm dứt... Gioan Tẩy giả là một vị đại diện cuối cùng của giao ước cũ. Oâng biến mất trước khi Đức Giêsu bắt đầu công trình của Ngài. Sự diễn giải lịch sử như thế là diễn giải đúng theo lãnh vực đức tin, nhưng chúng ta cũng không bị ngăn cản vận dụng trí tuệ để qua các chính sử khác, biết ràng thực ra, sự cầm tù Gioan Tẩy gỉa xảy ra sau đó rất lâu, và thời gian rao giảng của Đức Giêsu đã bị xén bớt rất nhiều (Mc 6,17; Mt 16,3).

Bài đọc phụng vụ Chúa Nhật này đã xếp gần lại những pha cảnh sau đây: 1. Cuộc rao giảng của Gioan (Lc 3, 15-16)... Và 2. Phép rửa của Đức Giêsu (Lc 3, 21 -22) bằng cách bỏ qua các câu trung gian kể lại sự vắng mặt của Gioan. Sự giải thích trên đây đã cho chúng ta hiểu tại sao. Phần chú giải lời rao giảng của Gioan, chúng ta gặp ở Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, hôm nay chúng ta bắt đầu bài Tin Mừng dành cho Chúa Nhật này.

Khi toàn dân đã chịu phép rửa.
Kiểu nói phổ quát: "toàn dân" cũng là nét riêng của thánh Luca, mà ông thích dùng (Lc 1,10; 3,4). Luca, vị phát ngôn viên của Thiên Chúa lặp lại ở đây rằng, ơn cứu độ dành cho mọi người và sứ vụ của Đức Giêsu sắp bắt đầu sẽ dành cho tất cả. Kiểu nói này cũng muốn nói lên từ trước đến giờ Đức Giêsu hành động "như mọi người”. Và lúc Người bước ra hoạt động không có gì phân biệt Người với những công dân khác, với "toàn dân". Đó là một người Do Thái tốt lành và tín trung, không cố tách riêng ra khỏi quần chúng Vì mọi người đều xin chịu phép rửa, nên Đức Giêsu cũng xin lãnh phép rửa.
Chúng ta lưu ý rằng, từ "toàn dân" này của Luca đúng thực biết bao: đó là đặc điểm mà ông nhấn mạnh và cũng là nét riêng của ông, so với trình thuật của các thánh sử khác.

Lạy Chúa, con nhận được sự mạc khải này, qua "từ" trên đã được linh hứng. Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu đã hoàn toàn “nhập thể” làm "người" đến độ Ngài làm "như toàn dân". Tôi dùng trí tưởng tượng quan sát Đức Giêsu lẫn trong đám đông một cách vô danh. Ngài đang ở đó trong dãy dài những nam nữ bình thường đang đợi đến lượt mình để nhận phép rửa. Tôi cầu nguyện nhờ suy niệm mạc khải này.

Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện.
Cầu nguyện cũng là nét riêng của trình thuật Luca thích minh chứng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đang cầu Nguyện (Lc 5,16 - 6,12 - 9,18. 28.29 - 10,21 - 11,1 – 22,23. 40ù,46 - 23, 34,46). Tôi cũng có thể ngừng lâu ở chi tiết này, để cầu nguyện.

Vậy thì theo Luca "hành vi đầu tiên" đánh dấu đời sống công khai của Đức Giêsu là cầu nguyện. Đây là việc đầu tiên mà chúng ta thấy Ngài làm với tư cách là một người trưởng thành. Lần đầu tiên nói tới Đức Giêsu bước vào tác vụ của Ngài, lại là nói đến việc Ngài: “đang cầu nguyện". Và trong lúc cầu nguyện đó, Ngài sẽ nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Và khi kể lại giai đoạn đầu của Giáo hội, đến lượt mình, cũng sẽ nhận lãnh Thánh Thần (Cv 1,4-2,1-11). Do đó cầu nguyện là nhường chỗ cho Thánh Thần. Là dọn chỗ trống cho người ngự đến. Là tạo điều kiện cho người xuất hiện. Trong một đoạn khác của Tin Mừng, Luca sẽ nói với ta rằng, điều cần thiết chung nhất phải xin với Chúa, là xin người ban cho "Thần khí của Người" như thế tất cả những cái khác sẽ đến thêm sau. “Chúa Cha ngự trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người" (Lc 11-13). Tôi có cầu nguyện với ý đó không?

Tôi có xin "phép rửa của Thần Khí” không? Theo lời loan báo của Gioan Tẩy giả: Ngài (Đức Giêsu) sẽ rửa các ngươi (sẽ dìm các người) trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16). Theo gương của Đức Giêsu cầu nguyện, tôi đã dành cho cầu nguyện vị trí nào trong đời sống của tôi? Cầu nguyện để “xin Thánh Thần" mà Chúa Cha sẵn sàng ban cho những kẻ kêu xin, có chỗ đứng như thế nào?

Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa.
Trước tiên, sự kiện trên hẳn làm ta dễ thắc mắc. Làm sao Đức Giêsu lại nhận "phép rửa tỏ lòng sám hối”? (Lc 3,3). Làm sao, Ngài không có tội lại cần phải chịu phép rửa? Câu trả lời ở phía sau, trong Tin Mừng này. "Đó là một thứ lửa mà Thầy đã đến để ném vào mặt đất. Đó là một phép rửa mà Thầy sẽ bị dìm xuống, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất (Lc 12,49-50). Phép rửa thật sự của Đức Giêsu, đó là cái chết cứu chuộc của Ngài. Khi xin chịu phép rửa "trong hàng ngũ các tội nhân" và trong suốt cuộc đời Ngài đã chấp nhận thái độ của một "hối nhân", Đức Giêsu đã hoàn toàn liên kết với khát vọng của con người muốn cầu xin Thiên Chúa "cứu rỗi" và thanh tẩy mình. Ngài muốn thay thế cho ta là những tội nhân. Đức Giêsu không đến để lên án thế gian tội lỗi, nhưng để cứu chuộc (Ga 3,17).

Đức Giêsu "cũng chịu phép rửa", nên không đứng từ trên cao xét đoán những yếu đuối đáng thương của tôi. Ngài liên đới với những yếu đuối đó. Phép rửa của Đức Giêsu là mô hình cho phép rửa của các Kitô hữu.

Lúc đó trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người.
Máccô nói: Bầu trời "xé ra" (Mc 1,10). Còn Luca lại viết: Trời "mở ra" không có vẻ gì là ác liệt của lối văn khải huyền cả, có thể nói còn mang tính dịu dàng nữa.

Vâng, Đức Giêsu bắt đầu một kỷ nguyên mới. Giao ước cũ đã chấm dứt. Thời Gioan Tẩy giả hăm dọa nhân loại bằng “cơn thịnh nộ" của Thiên Chúa ("nòi rắn độc" Lc 3,7) cũng đã chấm dứt. Một cuộc giao hòa mới được thiết lập giữa trời và đất. Trời không còn đóng kính nữa, mà đã “mở" ra. Và Thần Khí Thiên Chúa - phần của Thiên Chúa mà ta có thể thông hiệp được, đã được ban cho một người, Đức Giêsu trước khi được ban cách dồi dào cho tất cả những ai chịu "phép rửa trong Thánh Thần": Vào ngày lễ Ngũ tuần và mỗi khi cử hành phép rữa. Tôi dành cho phép rửa của tôi một chỗ đứng nào? tôi dành cho phép rửa của các con tôi vị trí nào? Tôi dành cho Chúa Thánh Thần chỗ đứng nào trong cuộc sống thiêng liêng của tôi? Thánh Thần là Đấng không được biết nhiều ở Phương Tây, là Đấng mà Phương Đông đã bắt đầu mang lại cho chúng ta. Đức Giêsu chính là "Đấng mà Thánh Thần ngự xuống" (Lc 4,1.4, 14.4,18).

Dưới hình dáng như chim bồ câu.
Đã có nhiều cách giải thích về câu chú thích về "dấu chỉ" dễ cảm nhận này. Phải chăng đó là nhắc lại bồ câu của biến cố Đại hồng thủy, nhằm báo trước một thế giới mới? (St 8,8). Phải chăng đó là tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa trong sách Diễm ca (Lc 2,14-5,2)? Phải chăng đó là nhắc lại cuộc sáng tạo thế gian mà Thần Khí bay là là trên mặt nước? (St 1,1).

Mỗi cách giải thích như thế, có thể trở nên khởi điểm cho một buổi cầu nguyện. Vâng, một tạo vật mới đang phát sinh. Một nhân loại mà Thiên Chúa không muốn trừng phạt nữa, vì người yêu thương nhân loại hết tình.

Lại có tiếng từ trời phán rằng.
Thiên Chúa nói với Đức Giêsu, một cách âu yếm như cha nói với con, đầy yêu thương.

Con là con của Cha.
Ở đây theo Luca, Đức Giêsu được xưng gọi theo Ngôi thứ hai. Trong khi đó, Mát-thêu kể lại cùng cảnh này, lại dùng Ngôi thứ ba: "Đây là con yêu dấu của Ta" (Mt 3,17). Vậy theo lịch sử cách nói nào là đúng thực? Cả Luca lẫn Mátthêu đều không lưu tâm đến việc đặt câu nói như thế của thời chúng ta. Truyền thống Do Thái từ xa xưa vẫn khẳng định rằng, Thiên Chúa "duy nhất" chỉ nói bằng "một cung giọng duy nhất" (bình luận của Rachi về thập giới: Mười điều răn này được tuyên bố bằng cách chỉ phát ra một lời duy nhất, đó là điều con người không thể hiểu được, Thiên Chúa nói "một lời" và loài người nghe "nhiều lời". Họ hiểu theo nhiều cách.

Ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
Hiển nhiên, Luca diễn giải lời duy Nhất của Thiên Chúa bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia 42,1 và Thánh Vịnh 2,7. Trích dẫn Kinh Thánh này sẽ được dùng nhiều lần để diễn tả tư cách "là con Thiên Chúa" và việc tái sinh của Đức Giêsu phục sinh, dưới cùng ngòi bút của Luca (Cv 13,33) và của một môn đệ khác của Phaolô (Dt 1,5-5,5).

Nhờ cầu nguyện, chúng ta hãy bước sâu vào mầu nhiệm của Đức Giêsu hôm nay, được sinh ra! Ở đây, không đề cập đến noãn sào của Đức Maria vào lúc đầu thai, cũng không bàn đến việc sinh hạ cậu bé còn quấn tã ở Bê-lem, nhưng lại nói về Đức Giêsu trưởng thành, vào lúc 30 tuổi! Đây là thông điệp cấp bách nhất cho nhân loại ngày nay: con người không thể mồ côi, không là kết quả của "ngẫu nhiên và tất yếu". Nơi Đức Giêsu, nhân loại phát sinh từ một Thiên Chúa thương yêu nó. Đó là ý nghĩa phép rửa của tôi. Tôi sinh ra từ Thiên Chúa.
Nguồn: http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/suyniemINDEX3.htm