Trang chủ

Samstag, Februar 09, 2013

Ðức Maria, Mẹ Ðồng Trinh
Mẹ Thánh Thiện
 
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
 
A. Mẹ Ðồng Trinh
Phúc Âm là những bài thuyết giáo nghĩa là những tường thuật có mục đích khơi dậy và củng cố đức tin của người Kitô hữu. Mục đích duy nhất là công bố mầu nhiệm Chúa Giêsu.
Nhưng Phúc Âm dựa trên những biến cố thật sự xảy ra và do những chứng nhân đáng tin cậy kể lại.
Về hai vị Thánh Sử, tác giả phần Phúc Âm thiếu thời, ngày nay khoa Thánh Kinh học tiến triển cho biết các Ngài đã xử dụng một số tài liệu.
Mathêô xử dụng nguồn tin được viết hay truyền khẩu của một Cộng đoàn Do Thái đã trở lại, trong đó có nhiều người biết gia đình Thánh Giuse.
Luca, năm 57 có mặt tại xứ Palestine với Thánh Phaolô, tuyên bố: "Sau khi tra xét kỹ càng mọi sự từ nguồn gốc, thưa ông Theophin đáng kính, tôi cũng muốn theo thứ tự mà chép lại cho Ông. Ðể Ông hiểu biết rằng các điều Ông đã học là chắc chắn và chân thật". (Lc 1,3-4).
Luca cũng xử dụng những kỷ niệm của một cộng đoàn Kitô hữu ở xứ Galilêa hoặc người đã được trực tiếp gặp gỡ chính Ðức Mẹ.
Sự phù hợp các dữ kiện chính yếu cũng như vài chỗ sai biệt đều minh chứng rằng những điều họ kể lại là đúng lịch sử và họ không mô phỏng theo nhau. Họ xử dụng hai nguồn truyền thông độc lập.
Nhưng cả hai vị Thánh Sử đều gặp nhau trong một điểm đồng nhất: Maria là Bạn của Giuse đã sinh hạ Chúa Giêsu tại Bêlem một cách Khiết Trinh, đã sống ở Nagiarét.
1. Trinh Thai, Một Dữ Kiện
Theo Mathêô và Luca, Giuse và Maria đã "đính hôn" với nhau. Cả hai tác giả đều dùng danh từ ấy (Mt 1,18 và Lc 1,27) đã nhấn mạnh sự đồng trinh của Ðức Mẹ.
Nhưng theo Luật Do Thái việc đính hôn được coi như là một cuộc Hôn Nhân trước pháp luật. Nhiều trẻ em mới 6, 7 tuổi đã được Cha Mẹ gá nghĩa, nhưng tất nhiên chúng chưa về chung sống với nhau, vì chưa đến tuổi, chưa làm nghi lễ chính thức đưa cô dâu về nhà chồng. Tuy nhiên, cô bé "được giao hứa", vẫn được coi là vợ vì trước pháp luật, việc hứa hôn được coi là một cuộc hôn nhân thật sự. Nếu người hôn phu chết trước khi về chung sống, cô được coi là một góa phụ. Nếu cô thất tín, hành động của cô được coi là hành động ngoại tình và bị sự chế tài của pháp luật.
Vậy, khi Thiên Thần đến Truyền Tin cho Ðức Mẹ, hẳn là Ðức Mẹ đã được đính hôn hay được kết hôn trên pháp lý - như vừa nói - với Giuse, nhưng "hai người chưa ở cùng nhau" (Mt 1,18), nghĩa là vì cô Maria còn nhỏ nên người ta chưa làm nghi lễ rước dâu đưa về nhà chồng. Vậy Cô còn đồng trinh. Và như vậy, không cần đặt ra câu hỏi: Nếu Cô muốn giữ mình đồng trinh thì tại sao lại kết hôn? Thời ấy người ta không hỏi ý kiến các Cô thiếu nữ. Thiên Thần loan tin Thiên Chúa muốn Cô trở thành bà mẹ thì Cô phải đặt ra câu hỏi: "Ðiều ấy sẽ làm sao được? vì việc phu thê, tôi không nghĩ đến!" (Lc 1,34). Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn CSsR).
Việc trinh thai là một dữ kiện rõ rệt do Mathêô và Luca đồng quả quyết, được lưu truyền từ trước khi phần Phúc Âm thiếu thời của hai vị thành hình. Một Thánh Truyền đã có trong cộng đoàn tiên khởi vào khoảng năm 50.
Sở dĩ Thánh Truyền ấy ăn sâu vào trong đời sống Kitô hữu từ buổi ban đầu vì chính Thiên Chúa đã muốn như vậy.
Dữ kiện trinh thai đi ngược hẳn lại quan niệm của Israel. Trong cả xứ Palestina, nào có ai nghĩ rằng Ðấng Messia sẽ sinh hạ bởi một Trinh Nữ? Lời của nhà tiên tri Isaia (7,14) trong nguyên bản nói: "Này đây, một thiếu phụ sẽ thụ thai" chứ không phải là "một trinh nữ".
Vả lại, như đã nói trước đây, trong Cựu Ước, vấn đề trinh tiết không được coi là thật quan trọng. Không một người phụ nữ nào đã chọn ở đồng trinh hay coi đó là một lý tưởng. Chương 11 của Sách các Thẩm Phán là một bằng chứng.
Việc Ðức Mẹ đồng trinh mà sinh con đi ngược lại quan niệm thông thường. Không ai có thể bày ra.
Nếu nó đã đi vào niềm tin và trở nên thành phần của Thánh Truyền ngay từ buổi ban đầu là vì đó là một dữ kiện có thật.
2. Một Tín Ðiều
Dựa trên lời mạc khải của hai Phúc Âm, Giáo Hội đã tin vào việc trinh thai như một tín điều căn bản.
Niềm tin ấy đã được công bố trong các bản kinh Tin Kính tuyên xưng Ðức Tin. Từ đời nọ sang đời kia, câu: "Sinh bởi Bà Maria đồng trinh" còn vang vọng. Từ kinh "Tin Kính của các Tông Ðồ" khoảng năm 115-203, như Thánh Irênê cho biết, đến bản kinh Tin Kính của Công Ðồng Nicê năm 325; từ kinh Tin Kính của Công Ðồng Nicê-Constantinople ban hành trong Công Ðồng Constantinople thứ nhất năm 381, đến bản kinh Tin Kính của Thánh Athanasiô cuối thế kỷ thứ V.
Tín điều lại còn được công bố trong Công Ðồng Latêranô thứ tư năm 1215 cũng như trong Công Ðồng thứ hai họp tại Lyon năm 1274. Tín điều nói lên rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và Ngài chỉ có một người Cha duy nhất, Ðấng ngự trên trời.
Các giáo phụ coi việc trinh thai của Ðức Mẹ, Mẹ Chúa Cứu Thế, như là dấu chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa. "Ngôi Lời mặc thân xác nhờ một trinh nữ để ban cho chúng ta hết thảy một bằng chứng rõ rệt: Ngài là Thiên Chúa; vì làm như vậy Ngài tỏ ra là Ðấng tạo dựng muôn loài" (Thánh Athanasiô) - Giáo Huấn về mầu nhiệm Nhập Thể số 18).
Ðồng thời nhiều Giáo Phụ coi đó là dấu chỉ một sự tạo dựng mới mà các tiên tri đã loan báo. Cũng như trong lần thứ nhất Thiên Chúa một mình đã chủ động tạo dựng thì ở đây trong sự thai sinh nhiệm lạ, Thiên Chúa đã muốn cải thiện mọi sự cách tuyệt đối, không có sự tham dự của người nam nhân...
Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chua nhưng đồng thời là người Trinh Nữ muôn đời được ca tụng.
3. Trọn Ðời Ðồng Trinh
Từ ban đầu, Giáo Hội đã ý thức và xưng tụng Mẹ là Người Trinh Nữ tuyệt vời, toàn vẹn. Mẹ đồng trinh trước khi sinh con trong khi sinh con và sau khi sinh con, nghĩa là trọn đời đồng trinh (Aipartheos). Công Ðồng Vatican II, trong Hiến Chế Giáo Hội đã khẳng định lại niềm Tin khi tuyên bố: "Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt nhưng còn thánh hiến sự khiết trinh toàn vẹn của Ngài". (Giáo Hội số 57).
Mẹ còn là Mẹ đồng trinh sau khi sinh hạ Chúa Giêsu, người Con duy nhất của Mẹ. Ðó là niềm tin rõ rệt của Giáo Hội từ buổi ban đầu. Ðành rằng Thánh Mathêô có viết: "Giữa ông và bà không có việc tri giao vợ chồng, cho đến lúc Bà sinh con" (1,25), nhưng đây chỉ là một từ ngữ Do Thái không xác định gì về tương lai; cũng như Sách Samuel viết về Mikhal, con của Vua Saolê: "Mãi cho đến khi chết, vẫn không có con" (II Sam 6,23).
Cũng như về những "Anh em Chúa Giêsu": Giacôbê, Joset, Simon và Giuđa, mà Mathêô nhắc đến (Mt 12,15...) theo từ ngữ Do Thái thời ấy chỉ là những anh em họ. Mathêô và Marcô phân biệt rõ ràng Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Maria, Mẹ của Giacôbê và Joset. (Gio 2,1; 19,25; Công vụ 1,14) và (Mc 40; Mt 27,56; 15,47).
Vì thế, những nhà sáng lập phong trào Thệ Phản như Luthêrô và Calvinô, dựa trên Thánh Kinh đều nhìn nhận Ðức Mẹ là Ðấng trọn đời đồng trinh; cũng như ngày nay tại Taizé, Sư Huynh Max Thurian cũng tôn vinh Ðức Mẹ, Người Trinh Nữ vẹn tuyền (1).
Mẹ Maria là người đầu tiên đã tìm ra con đường tận hiến bằng cuộc sống đồng trinh. Tuy rằng triết gia Philon người Do Thái sống đồng thời với các Tông Ðồ cho hay trong nhóm Essenieno cũng có những cộng đoàn phụ nữ có tuổi sống đồng trinh, trong sạch, nhưng đây chỉ là giữ sự trong sạch theo nghi lễ. Mẹ Maria đã sống đức khiết trinh như một cuộc tận hiến hoàn hảo và tuyệt đối cho Thiên Chúa.
Mẹ đã chọn con đường ấy trước ngày Truyền Tin với một ý thức sáng suốt như một biểu tượng tình yêu. Các Giáo Phụ nói: Mẹ đã cưu mang Chúa Kitô trong lòng - nhờ đức tin - trước khi cưu mang Ngài trong thể xác. Và sự tận hiến ấy không làm cho cuộc đời Mẹ trở nên cằn cỗi, trái lại càng nên phong phú, "một thành trăm" như Phúc Âm nói, đem gieo tình bác ái cho người xung quanh. Một người tận hiến như Mẹ Têrêsa bên Ấn Ðộ là một bằng chứng ngày nay.
Vì thế, Thánh Ambrôsiô, Thánh Hiêrônimô và Thánh Augustinô đã đề cao đức khiết trinh toàn vẹn của Mẹ và gọi Mẹ là mẫu gương cho người nữ tu sống đời tận hiến, cho đạo binh hùng hậu của một triệu nữ tỳ của Chúa trên thế giới hiện nay. "Mẹ là người nữ tu đầu tiên của Thiên Chúa" (L. Colin CSsR).
B. Mẹ Thánh Thiện
Chúng ta thường gọi Ðức Mẹ là Người Trinh Nữ rất thánh thiện - La trè Sainte Vierge - Ðây còn là một vinh quang của Ðức Mẹ, một điểm nữa trong Niềm Tin của Giáo Hội.
Mẹ là Ðấng rất thánh thiện. Nhưng sự thánh thiện là gì?
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu là Ðấng toàn thánh và Ngài thông chia sự thánh thiện cho chúng ta qua đức tin và phép Rửa tội và chúng ta được thánh hóa trong Ðức Kitô (1Cor 1,2). Nhờ ơn thánh sủng chúng ta thông hiệp vào sự sống của Chúa, cách riêng bằng sự thực thi ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy và Mến. Nói tóm lại nên Thánh là Yêu Mến. Ai Yêu Mến nhiều là nên Thánh nhiều.
Ðưc Mẹ là Ðấng rất Thánh vì Ngài đã Yêu Mến Chúa nhiều và được Thiên Chúa sủng ái.
Thánh Kinh đã minh chứng:
Phúc Âm Thánh Gioan và Thánh Mathêô đã mô tả sự thánh thiện của Mẹ.
Nhất là Phúc Âm Thánh Luca càng đi sâu vào nội tâm của Mẹ và quảng giải sâu rộng:
Mẹ là "Ðấng đầy ơn phúc" (Lc 1,28). "Ðầy ơn phúc" như là tên riêng của Mẹ, khi Thiên Thần, cúi đầu chào.
Mẹ đã được hiển thánh bởi Chúa Thánh Thần khi Ngài đến bao phủ Mẹ. (Lc 1,35).
Mẹ là Ðấng diễm phúc trong giới phụ nữ (Lc 1,41).
Mẹ là Người có phúc vì đã tin mọi điều Chúa truyền phán (Lc 1,45).
Vì thế, nơi Mẹ mọi điều Chúa hứa đã viên mãn (Lc 1,45).
Và chính Mẹ đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã làm những việc lớn lao nơi Mẹ.
1. Lý Do Suy Diễn
Lịch Sử Ơn Cứu Ðộ là một cuộc tạo dựng mới và sự thánh thiện của Mẹ là hoa quả đầu mùa và viên mãn của "trời mới, đất mới".
Nếu chúng ta suy diễn từ những dữ kiện mạc khải, chúng ta thấy rằng sự thánh thiện dành cho Mẹ thật hợp lý và cần thiết nữa.
Vì Thiên Chúa muốn chọn Mẹ như một người cộng tác viên cần thiết cho công cuộc Cứu Thế, tất nhiên Chúa phải trau dồi tâm hồn và thể xác Mẹ bằng những vẻ đẹp tương xứng. Người Con thảo hiếu nào lại không làm như vậy đối với Mẹ yêu quí của mình.
Và Chúa đã tuyển chọn Mẹ. Ngài không chọn một vĩ nhân, một Nữ Hoàng, một Công Chúa. Ngài chọn một người nữ thấp hèn tư xưng là "nữ tỳ hèn mọn" (Lc 1,38 và 48). Chúa đã ban cho các thiên thần và loài người đặc sủng tự do nhưng Ngài đã phải thất vọng khi Luciphe mà Thánh Kinh gọi là Chúa thế gian cũng như nguyên tổ nhân loại bội phản. Mẹ Maria không bội phản, trái lại hơn tất cả mọi tạo vật Mẹ đã đáp ứng Tình Yêu Thiên Chúa một cách tuyệt hảo. Sự thánh thiện nơi Mẹ là một sự kiện phải có nhưng không phải chỉ là một ơn thiên phú thôi mà là do sự đáp ứng tuyệt diệu của Mẹ nữa. Mẹ đã tự do lãnh nhận sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa.
2. Giáo Hội Nhận Thức
Nếu từ ban đầu, Giáo Hội đã nhận thức vai trò của Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ khiết trinh, thì đối với giáo thuyết sự thánh thiện của Mẹ, việc ý thức có phần chậm trễ hơn.
Sở dĩ có như vậy vì có vài điểm giáo lý chưa được sáng tỏ hoặc vì một số quan niệm cổ kính lỗi thời.
Nhất là tại Ðông Phương, nhiều Giáo Phụ có thành kiến với đàn bà, cho rằng người phụ nữ là thành phần yếu kém, là khuyết điểm của nhân loại. Họ không thể nghĩ rằng Ðức Mẹ không có một số khuyết điểm và yếu đuối mà các Tông Ðồ đã có. Ðó là ý tưởng của Origênê, của Cyriele thành Alexandria, tuy rằng thánh nhân đã nhiệt liệt bênh vực giáo điều Mẹ Thiên Chúa.
Nhất là các Ngài phải đề cao Chúa Kitô là Ðấng thánh duy nhất, là Ðấng Cứu Chuộc mọi người. Vì mọi người đều là kẻ tội lỗi, không ai lọt ra ngoài chương trình Cứu Ðộ.
Tại Tây Phương, các Giáo Phụ ý thức mau chóng hơn về điểm ấy. Thánh Augustinô là người đầu tiên đã quả quyết Ðức Mẹ không vướng mắc tội lỗi. Thánh nhân chịu ảnh hưởng Manichê, vốn quả quyết ảnh hưởng toàn diện của tội lỗi. Bị Pelage chất vấn cho rằng như thế, người đã làm tổn thương, hoen ố cả Ðức Mẹ. Augustinô liền bênh vực Thánh Truyền và tuyên bố phải đặt Ðức Mẹ ra ngoài luật hoàn vũ ấy. Người nói: "Cần phải nhận thức rằng Ðức Mẹ không có tội" (De natura et gratia 42 CSEL 60).
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tội tổ tông và Ơn Cứu Ðộ phổ cập, Thánh nhân chỉ tuyên bố Mẹ Maria không bao giờ bị đặt dưới quyền của ma quỉ nhưng không giải quyết được vấn đề Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Vấn đề này sẽ được giải quyết vào thế kỷ XIX, khi Ðức Piô IX tuyên bố Tín Ðiều Ðức Mẹ chẳng hề mắc tội tổ tông truyền, ngày 8 tháng 12 năm 1854.
Vậy Ðức Trinh Nữ Maria là người: Mẹ Thánh Thiện, không vương mắc tội lỗi, tội tổ tông di truyền cũng như tội mình chủ động. Mẹ đầy các nhân đức nhất là các nhân đức đối thần, thực thi đến độ tuyệt hảo. Ðó là một tín điều của Giáo Hội.
Vì thế, Công Ðồng viết: "Người Kitô hữu ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài. Giáo Hội cung kính tiến sâu vào mầu nhiệm nhập thẻ cao siêu và càng giống phu quân mình hơn". (Giáo Hội: số 65).
 
Chú Thích:
(1) Max Thurian, Marie Mère du Seigneur, Figure de L'Eglise - Presse de Taizé 1962.
 
Linh Mục Hồng Phúc, CSsR
 
(Trích dẫn từ Tác Phẩm "Mẹ Maria" của Lm Hồng Phúc, CSsR,
Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)