Trang chủ

Samstag, Februar 23, 2013

Đức Bênêđíctô suy tư về Vatican II: hân hoan và phấn khởi         (tiếp theo và hết)


Vũ Văn An   2/22/2013

Phần thứ hai của Công Đồng có phạm vi rộng hơn. Vấn đề khẩn trương được đặt ra ở đây là thế giới ngày nay, hay thời hiện đại, và Giáo Hội. Cùng với vấn đề đó là vấn đề trách nhiệm xây dựng thế giới này, xã hội này, trách nhiệm đối với tương lai thế giới và niềm hy vọng cánh chung, trách nhiệm đạo đức của các Kitô hữu và ta phải tìm sự hướng dẫn ở đâu; rồi tới các vấn đề: tự do tôn giáo, tiến bộ, và mối liên hệ với các tôn giáo khác. Đến lúc này, mọi phía của Công Đồng đều đã thực sự bước vào cuộc thảo luận, chứ không riêng gì Mỹ, không riêng gì Hiệp Chúng Quốc, là nước hết sức quan tâm tới tự do tôn giáo. Trong khóa thứ ba, các nghị phụ Mỹ thưa với Đức Giáo Hoàng rằng: chúng con không thể về nước mà lại không mang theo tuyên ngôn về tự do tôn giáo được Công Đồng biểu quyết. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng hết sức cứng rắn và cương quyết, cả kiên nhẫn nữa, đã hoãn bản văn tới khóa thứ bốn, để các nghị phụ tìm hiểu cặn kẽ hơn và nhất trí đầy đủ hơn. Tôi muốn nói: không phải chỉ các vị người Mỹ mới mạnh dạn can thiệp vào diễn tiến của Công Đồng, mà cả các vị người Châu Mỹ La Tinh nữa là những vị thông hiểu cảnh nghèo đói cùng cực của dân chúng họ, ngay trên lục địa mang danh Công Giáo, và trách nhiệm của đức tin đối với hoàn cảnh của những người dân này. Cũng thế, Châu Phi và Châu Á thì nhận ra nhu cầu đối thoại liên tôn; đó là những nan đề mà xin thú thực, người Đức chúng tôi không nhìn thấy trước. Tôi không thể mô tả hết các nan đề này ở đây. Văn kiện vĩ đại Gaudium et Spes đã phân tích rất hay cánh chung học Kitô Giáo và tiến bộ của thế giới cũng như trách nhiệm đối với xã hội tương lai và trách nhiệm của Kitô hữu trước cõi đời đời. Bằng cách này, văn kiện cũng đã đổi mới nền đạo đức học Kitô Giáo, các nền móng của đạo đức học.

Nhưng, bất ngờ thay, song song với văn kiện vĩ đại trên, còn có một văn kiện khác đáp ứng một cách tổng hợp và cụ thể hơn đối với các thách đố của thời đại, đó là Tuyên Ngôn Nostra Aetate. Từ đầu, các bằng hữu Do Thái của chúng ta đã hiện diện (tại Công Đồng), và họ nói, chủ yếu với người Đức chúng ta, nhưng cả với nhiều người khác nữa, rằng sau các biến cố bi thảm của thời Quốc Xã, của thập niên Quốc Xã, Giáo Hội Công Giáo có trách nhiệm phải nói một điều gì đó về Cựu Ước, về Dân Do Thái. Họ bảo: dù rõ ràng Giáo Hội Công Giáo không có trách nhiệm trong vụ Diệt Chủng (Shoah), nhưng phần đông Kitô hữu đã phạm các tội ác này; chúng ta cần thâm hậu hóa và làm mới lại ý thức của Kitô hữu đối với việc này, cho dù biết rõ các tín hữu chân chính luôn đối kháng những chuyện đó. Như thế, mối liên hệ của chúng ta với thế giới của Dân Chúa xưa rõ ràng cần trở thành đối tượng để ta suy nghĩ. Cũng dễ hiểu khi các nước Ả Rập, đúng hơn, các giám mục của các nước Ả Rập, không hài lòng với tình thế ấy: họ sợ ta vinh danh Nhà Nước Do Thái, một điều đương nhiên họ không muốn. Họ bảo: được, một tuyên bố thực sự có tính thần học về Dân Do Thái thì tốt, thậm chí cần thiết nữa, nhưng nếu quí vị đã nói về chuyện ấy, thì cũng phải nói về Hồi Giáo nữa chứ; như thế mới có sự quân bình; Hồi Giáo cũng là một thách thức lớn và Giáo Hội cần phải minh xác mối liên hệ của mình với nó. Vấn đề này, vào lúc ấy, quả tình không được chúng ta hiểu biết nhiều, chỉ hiểu biết chút chút, không nhiều. Ngày nay, ta biết điều ấy cần thiết biết bao.

Khi chúng ta bắt đầu bàn tới Hồi Giáo, thì người ta lại bảo với chúng ta là còn nhiều tôn giáo khác nữa: Cả một lục địa Á Châu cơ mà! Nào là Phật Giáo, nào là Ấn Giáo… Do đó, thay vì một tuyên ngôn như quan niệm lúc đầu, chỉ liên quan tới Dân Chúa trong Cựu Ước, cả một văn kiện đã được soạn thảo nói tới cuộc đối thoại liên tôn, dự ứng được điều mà chỉ 30 năm sau thôi đã được chứng minh là rất thâm hậu và quan trọng. Ở đây, tôi không thể vào sâu chủ đề này, nhưng nếu đọc lại bản văn, ta sẽ thấy nó rất cô đọng và thực sự được soạn bởi những người rất quen thuộc với các thực tại này. Nó vắn tắt nói được những điều chủ yếu chỉ trong vòng một số chữ ít oi. Đồng thời, nó cũng đặt để được nền móng cho cuộc đối thoại, đối thoại trong khác biệt, trong đa dạng, trong niềm tin, về tính duy nhất của Chúa Kitô, Đấng độc nhất, và đối với một tín hữu, ta không thể nghĩ rằng các tôn giáo chỉ là các dị bản khác nhau của cùng một chủ đề. Không, chỉ có một thực tại Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã lên tiếng, và chỉ có một Thiên Chúa, một Thiên Chúa nhập thể, tức một lời của Thiên Chúa, nghĩa là lời thực sự của Thiên Chúa. Nhưng cảm nghiệm tôn giáo (thì có nhiều), với ít nhiều ánh sáng nhân bản từ sáng thế, và do đó, ta cần và có thể bước vào đối thoại, nhờ thế trở nên cởi mở đối với nhau và mở lòng mọi người chào đón sự bằng an của Thiên Chúa, sự bằng an của mọi con cái nam nữ của Người, sự bằng an của toàn thể gia đình nhân loại.

Như thế, hai văn kiện trên, tức văn kiện về tự do tôn giáo và Nostra Aetate, cùng với hiến chế Gaudium et Spes đã tạo thành một bộ ba rất quan trọng. Tầm quan trọng này mãi mấy thập niên sau mới được chứng tỏ, và hiện nay, chúng ta vẫn còn cố gắng để hiểu tốt hơn các thực tại liên kết qua lại với nhau trong tính duy nhất của mạc khải Thiên Chúa, trong tính duy nhất của một Thiên Chúa nhập thể nơi Chúa Kitô và tính đa nguyên của tôn giáo, ngõ hầu tìm kiếm hòa bình và cả trái tim của những ai sẵn sàng chào đón ánh sáng Chúa Thánh Thần, Đấng hằng soi sáng và dẫn đưa con người tới Chúa Kitô.

Tôi cũng muốn nhân dịp này nói thêm điểm thứ ba: bên cạnh Công Đồng của các Nghị Phụ, Công Đồng đúng nghĩa, còn có công đồng của truyền thông nữa. Nó gần như là một công đồng riêng, và thế giới đã nhận thức Công Đồng qua thứ công đồng sau, tức qua các phương tiện truyền thông. Do đó, thứ công đồng tới với dân chúng một cách có hiệu quả tức khắc chính là thứ công đồng của truyền thông, chứ không phải là Công Đồng của các Nghị Phụ. Và trong khi Công Đồng của các Nghị Phụ được tiến hành trong đức tin, một Công Đồng của đức tin đi tìm intellectus, tìm cách hiểu chính mình và tìm cách hiểu các dấu chỉ của Thiên Chúa vào lúc ấy, tìm cách đáp trả các thách đố của Thiên Chúa vào lúc ấy và tìm trong lời Thiên Chúa một lời cho ngày nay và cho ngày mai, vâng như tôi đã nói, trong khi toàn thể Công Đồng khởi động trong đức tin, trong tư cách fides quaerens intellectum ấy, thì thứ công đồng của các nhà báo, đương nhiên, không được tiến hành trong đức tin, mà là trong các phạm trù của truyền thông ngày nay, tức các phạm trù nằm bên ngoài đức tin, với một khoa giải thích khác hẳn. Đó là khoa giải thích chính trị: đối với giới truyền thông, Công Đồng là một cuộc đấu tranh chính trị, một cuộc tranh quyền giữa các khuynh hướng khác nhau trong Giáo Hội. Đương nhiên truyền thông về phe với những người xem ra có nhiều liên minh gần gũi với thế giới của họ. Quả có những người mưu tìm sự phân quyền trong Giáo Hội, quyền của giám mục, và rồi, qua biểu thức “Dân Chúa”, quyền của giáo dân. Đối với họ, đây là vấn đề tối thượng quyền nhân dân (popular sovereignty) với ba khía cạnh: quyền Giáo Hoàng, sau đó chuyển giao qua quyền giám mục và quyền của mọi người. Dĩ nhiên, họ cho rằng đó là điều cần được chấp thuận, cần được công bố, cần được quí chuộng. Với phụng vụ cũng thế, người ta không hề quan tâm tới phụng vụ như hành vi đức tin, mà như một điều gì trong đó những điều dễ hiểu phải được đưa ra, một vấn đề gì đó thuộc sinh hoạt cộng đồng, một điều gì đó hoàn toàn phàm tục. Và ta biết rằng lúc đó đang có khuynh hướng, không hẳn là không có căn bản lịch sử, chủ trương rằng: thánh thiêng (sacrality) vốn là chuyện của ngoại giáo, cùng lắm chỉ là chuyện của Cựu Ước. Trong Tân Ước, điều đáng lưu ý là Chúa Kitô chết ở bên ngoài: đúng là ở bên ngoài cổng (đền thờ), trong thế giới phàm tục. Thành thử, phải hủy bỏ tính thánh thiêng đi và nhường chỗ cho tính phàm tục trong thờ phượng: một thờ phượng không còn là thờ phượng nữa, mà chỉ còn là hành vi cộng đồng, với sự tham dự của cộng đoàn: một tham dự hiểu như một sinh hoạt. Những diễn dịch này, những tầm thường hóa này đối với tư duy của Công Đồng rất hiểm độc trong diễn trình thi hành cuộc canh tân phụng vụ; chúng phát sinh từ một quan niệm nhìn Công Đồng tách rời khỏi chìa khóa riêng của nó là đức tin. Và điều đó cũng đúng đối với vấn đề Sách Thánh: Sách Thánh là một bộ sách, một bộ sách có tính lịch sử, phải được xem sét theo phương diện lịch sử và chỉ theo phương diện lịch sử mà thôi, v.v…

Ta biết rằng thứ công đồng của truyền thông này đã đến tai mọi người. Do đó, nó là một công đồng rất nổi bật, một công đồng nhiều “hiệu quả” hơn, và nó đã tạo ra không biết bao nhiêu tai họa, không biết bao nhiêu vấn đề, không biết bao nhiêu đau khổ mà kể: nhiều chủng viện bị đóng cửa, nhiều nhà tu trống vắng, một thứ phụng vụ tầm phào… trong khi Công Đồng đích thực thì lao đao trong việc tự xác định mình, tự hình thành vóc dáng mình; thứ công đồng ảo quả đã mạnh hơn Công Đồng thực. Tuy thế, sức mạnh thực sự của Công Đồng vẫn có đó và một cách từ từ nhưng chắc chắn, đang tự thiết dựng mình mỗi ngày một hơn và đã trở nên sức mạnh chân thực, cũng là cuộc canh tân chân thực, cuộc canh tân Giáo Hội đúng nghĩa. Đối với tôi, sau 50 năm, thứ công đồng ảo kia đang tan biến, mất dạng, và Công Đồng thực đang xuất hiện với tất cả sức mạnh thiêng liêng của nó. Và nhiệm vụ của chúng ta, nhất là trong Năm Đức Tin này, đặt căn bản trên Năm Đức Tin này, là cố gắng để Công Đồng thực, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, được thành toàn và Giáo Hội thực sự được canh tân. Ta hãy hy vọng rằng Chúa sẽ trợ giúp ta. Phần tôi, khi lui về cầu nguyện, tôi sẽ luôn ở với anh em và cùng nhau ta hãy tiến lên phía trước với Chúa trong niềm xác tín rằng Chúa sẽ chiến thắng. Xin cám ơn anh em.