Ngôn sứ Mose
Vào mùa Chay và đêm mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh, bài kinh thánh nói về lịch sử dân Do Thái trở về từ Ai Cập, và Ngôn sứ Mose được đọc trong thánh lễ, để nhắc nhớ đến nguồn gốc hình ảnh lịch sử ơn cứu chuộc ngày xưa Thiên Chúa đã thực hiện.
Nhưng Ngôn sứ Mose là ai, và Ông đóng vai trò gì trong lịch sử dân Do Thái?
1. Nhân vật kinh thánh.
Mose là một nhân vật lịch sử giữ vai trò trung tâm chính yếu trong năm cuốn sách Kinh Thánh cựu ước đầu tiên, có tên gọi là bản Ngũ thư: Sách Sáng Thế, sách Xuất Hành, sách Dân số, sách Đệ nhị luật và sách Levi.
Và Ngôn sứ Mose còn được cho là tác gỉa của bộ sách Ngũ thư và Thánh vịnh 90. : lời cầu nguyện của Ông Mose
Theo Kinh thánh thuật lại, đời sống và sứ vụ của Ngôn sứ Mose đi đôi gắn liền với đạo Do Thái và cả đạo Kitô giáo nữa.
Với đạo Do Thái, Ngôn sứ Mose là người tiếp nhận trực tiếp bản lề luật 10 điều răn từ Thiên Chúa, cùng là người đã ký kết Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Như thế Ngôn sứ Mose là vị trung gian duy nhất theo ý muốn của Thiên Chúa.
Với Kitô gíao, Ngôn sứ Mose là hình ảnh diễn tả về Chúa Giêsu Kitô. Vì Chúa Giêsu Kitô trong sách Kinh thánh Tân ước thường được trình bày như Mose mới.
2. Từ dòng sông tới hoàng cung
Nơi các sách Ngũ thư, chỉ trừ sách Sách Thế ký không nói đến đời ngôn sứ Mose, còn nơi các sách Xuất hành, Dân số, đệ nhị luật và Lê vi đều nói về lịch sử đời sống Ngôn sứ Mose tới lúc Ông qua đời.
Mose là người Do Thái sinh ra lớn lên bên Ai Cập trong thời kỳ dân Do Thái sống lưu lạc ở đất nước xứ Ai Cập.
Nơi sách Xuất Hành chương hai nói về lai lịch đời Mose là một em bé trai lúc mới sinh ra được nhận làm con nuôi trong hoàng cung bên Ai Cập.
Sau khi Mose mở mặt chào đời, mẹ của Mosei - không thấy nói đến cha của Mose là ai - vì sợ con mình bị người Ai Cập theo lệnh vua Pharao giết tất cả những em bé nam người Do Thái, nên bà đã đem đặt Mose vào một chiếc thúng rồi thả trôi theo dòng nước ờ bờ sông Nil… May mắn thay, con gái vua Pharao xuống sông tắm nghe tiếng khóc của em bé trôi trên dòng sông. Động lòng thương cảm, cô công chúa liền cho vớt cứu sống em, và nhận em làm con nuôi. Và được chính công Chúa đặt tên là Mosê, như nàng nói: "Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước.“ ( Xh 2, 10).
Như thế Mose là người vừa thuộc về nguồn gốc Do Thái, và vừa thuộc về người lớn lên sống trong hoàng cung của nhà vua xứ Ai Cập.
Kinh thánh không nói gì thêm về quãng đời niên thiếu của Mose nơi hoàng cung Ai Cập. Nhưng khi trở thành người trưởng thành, Mose cảm thấy mình cách nào đó có tương quan liên đới với dân Do Thái đồng bào gốc gác máu mủ của mình.
Khi Mose đi ra khỏi hoàng cung nhìn thấy cảnh dân Do Thái bị đối xử bạc đãi khắc nghiệt phải làm việc nặng nhọc như người đầy tớ tôi mọi cho người Ai Cập. Mang trong mình dòng máu Do Thái, ông chịu không nổi cảnh đó. Thế là Ông một hôm đã đánh chết một người Ai Cập, vì hắn ta hành hạ người Do Thái đồng bào của Ông. Để phi tang, Ông đào đất chôn người bị giết trong lòng đất. Nhưng việc Ông giết người bị baị lộ, được bàn tán lan truyền rộng rãi.
Ngày khác nhìn thấy cảnh hai người Do Thái tranh cãi nhau, Ông nhảy vào muốn can thiệp hòa giải. Nhưng Ông bị một trong hai người đó phản đối rồi còn tố cáo Mose là người giết người hôm trước nữa.
Vua Pharao nghe tin này muốn bắt Mose. Mose sợ hãi liền trốn đi vào sa mạc sang miền Midian, một vùng ở giữa Ai Cập và xứ Canaan. Ở đó Mose cưới con gái của thầy cả xứ Midian và sinh được một người con trai.
Đời sống tưởng như thế là an ổn với gia đình yên ấm. Nhưng con đường đời sống của con người xưa nay đâu chỉ đơn giản như thế. Trái lại còn tiếp tục có nhiều giai đoạn lên xuống sôi nổi nữa. Và đâu có ai biết trước hoặc ngờ được những gì sau này sẽ xảy diễn ra.
Đời sống của Mose cũng không có luật trừ.
3. Ơn kêu gọi lãnh đạo ngược với ý muốn
Bàn tay Thiên Chúa đã can thiệp cứu sống Mose khỏi lệnh truy lùng bắt giết của vua Pharao từ lúc sơ sinh cho đến ngày lớn lên thành người trưởng thành khôn lớn. Giờ đây đến lúc Thiên Chúa muốn Mose đi vào chương trình của Ngài: đi cứu giúp dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ bị ngược đãi bên Ai Cập, và đưa họ về miền đất Chúa hứa ban, như lịch sử thuật lại trong sách Xuất hành ( Xh 3-4).
Khi đi chăn đàn xúc vật cho bố vợ ngoài cánh đồng, Thiên Chúa đã hiện ra trong bụi gai có lửa cháy, kêu gọi Mose làm người chăn dắt dân Do Thái. Mose phải trở lại Ai Cập vào yết kiến Vua Pharao và yêu cầu Vua để cho dân Do Thái ra đi trở về quê hương của họ.
Được Thiên Chúa Kkêu gọi ủy thác cho trao cho trách nhiệm này. Nhưng Mose không phấn khởi với ơn kêu gọi này. Ông không muốn chấp nhận. Mose cảm thấy bổn phận này lớn lao vượt qúa khả năng sức lực của mình. Thiên Chúa đoan hứa với Ông: „Ta sẽ ở cùng con“. Nhưng Mose vẫn chưa yên lòng. Ông hỏi tên Thiên Chúa là gì. Thiên Chúa cho Ông biết tên của Ngài là : „Đấng hiện hữu luôn hằng ở bên con“, để trả lời cho những ai thắc mắc về tên của Thiên Chúa.
Để thoái thác trách nhiệm này mà Ông không muốn nhận, Mose không ngần ngại nóí với Thiên Chúa về yếu điểm của mình, như người yếu kém không có tài năng gì, không biết ăn nói thế nào. Thiên Chúa không chối bỏ khi khăn đó nơi Mose, nhưng Ngài phấn chấn Mose can đảm lên và hứa giúp Ông chu toàn trách vụ này.
Thiên Chúa cử thêm người em của Mose là Aaron làm người phụ tá đồng hành giúp Mose. Tên tuổi Aaron được kể đến trong Kinh Thánh là người phụ tá trung thành của Mose trong công cuộc lịch sử dẫn đưa dân Do Thái từ Ai Cập trở về quê hương đất Chúa hứa.
Qua nhiều lần gặp gỡ đàm phán giữa Mose và Aaron với Vua Pharao để xin Vua cho dân Do Thái ra đi trở về quê nhà, Vua Pharao nhất quyết không công nhận uy tín quyền lực sức mạnh của Mose, đồng thời từ chối không bằng lòng để cho dân Do Thái ra đi trở về quê hương như Mose xin yêu cầu.
Sau cùng qua những lần Thiên Chúa can thiệp đem đến những thất thoát đau thương hủy hoại khốc liệt cho Ai Cập, vua Pharao mới đồng ý để cho dân Do Thái ra đi.
Khi thu dọn sửa soạn lên đường ra đi, lúc còn ngay trên đất Ai Cập, Mose đã truyền cho dân Do Thái tổ chức nghi thức bữa ăn Vượt Qua để kỷ niệm nhớ đến ân đức Thiên Chúa giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Đây là bữa ăn sau cùng của người Do Thái trên xứ Ai Cập. Nghi thức bữa ăn Vượt Qua này, trở thành tập tục nếp sống ghi chép thánh luật của người Do Thái từ ngày đó. Và hằng năm họ đều làm nghi lễ này để tưởng nhớ ân đức công cuộc Thiên Chúa giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên đất nước Ai Cập.
Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, Mose đã chu toàn thành công sứ mạng Thiên Chúa trao phó ủy thác cho Ông: Ngày trước Mose đã được cứu sống từ dòng nước sông Nil vào sống trong hoàng cung vua Pharao, bây giờ Ông phải tích cực là người thủ lãnh tham gia vào chương trình của Thiên Chúa giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ đe dọa chết chóc, dẫn đưa họ vượt qua dòng nước biển đỏ về sống trong đất Thiên Chúa hứa ban.
4. Những hình ảnh dấu chỉ
Cuộc xuất hành của dân Do Thái dưới sự lãnh đạo của Mose và Aaron từ Ai Cập trở về quê hương đất Do Thái, như Kinh Thánh thuật lại xuyên suốt ròng rã 40 năm đi trong sa mạc. ( Xh 13-14).
Mose, vị thủ lãnh dẫn dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ bị đe dọa vượt qua biển đỏ trở về miền đất Thiên Chúa hứa ban, miền đất sự sống tự do, là hình ảnh nói về Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết, sống lại vinh hiển cứu con người khỏi hình phạt chết vì tội lỗi do Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà đã làm.
Cuộc xuất hành của dân Do Thái từ Ai Cập trở về đất Chúa hứa ban vượt qua dòng nước biển là hình ảnh nói về Bí tích rửa tội: dòng nước tẩy rửa, dòng nước mang lại sự sống.
Bữa Vượt Qua người Do Thái cử hành buổi chiều trước ngày ra đi khỏi xứ Ai Cập là hình ảnh bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các Tông đồ cũng vào buổi chiều trước khi chịu khổ nạn. Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể làm lương thực cho đức tin tâm hồn người giáo hữu Chúa Kitô, và lập Bí tích chức Linh mục để các vị đó tiếp tục công việc của Chúa Giêsu ở trần gian.
( Còn tiếp)
Mùa chay 2016
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/180745.htm