Tĩnh tâm giáo triều, bài 7: Nhận ra cơn khát của mình và để Chúa can thiệp
Trong bài suy niệm thứ bảy của tuần tĩnh tâm vào chiều thứ tư, 21/02, , cha giảng thuyết José Tolentino Mendonça nhắc cho mọi người rằng chính sự nghèo khổ của chúng ta là nơi mà Chúa Giêsu đi vào cuộc đời chúng ta và cản trở lớn nhất đối với sự sống của Chúa Kitô ở trong chúng ta không phải là sự mỏng dòn của chúng ta nhưng là sự cứng nhắc và tự cảm thấy đủ của chúng ta. Do đó cần học uống chính cơn khát của mình. Trong bài suy niệm, cha José tiếp tục suy tư về cơn khát bằng cách liên kết nó với cuộc Thương khó của Chúa Giêsu.Con đường dạy chúng ta nhiều hơn quán trọ
Giáo hội không được cô lập mình trong một tháp ngà, bằng cách trở thành người giám hộ của ơn thánh, nhưng Giáo hội cũng là một môn đệ, và một cách nào đó, sống kinh nghiệm của dân du mục. Qua đó, ngay cả những người không tin cũng có thể quan sát đời sống đức tin của chúng ta với một sự tươi vui ngạc nhiên. Cũng có thứ nguy hiểm là muốn người khác phải bước đi, thậm chí là đòi hỏi khẩn cấp, trong khi chúng ta vẫn ngồi lì. Chúng ta phải cẩn thận để đời sống thiêng liêng của chúng ta không bị chứng ù lì, ít vận động không bị chứng teo cơ nội tâm.
Nhìn thấy trong cơn khát là một cách thức hành trình
Đời sống tâm linh của chúng ta phải giống như một cuộc phiêu lưu cộng đồng, mà Gustavo Gutiérrez đã nhấn mạnh trong cuốn sách “Uống từ giếng của mình. Hành trình thiêng liêng của một dân tộc.” Giếng nước mà ta lấy nước để uống là đời sống thiêng liêng cụ thể, bị thương tổn bởi sự bất định và hạn hẹp:
Nhân loại mà chúng ta nỗ lực để ôm lấy, của chính chúng ta và của người khác, là nhân loại mà Chúa Giêsu thực sự ôm lấy, bởi vì Người cúi xuống, với tình yêu, trên thực tại của chúng ta, chứ không phải trên sự lý tưởng hoá của bản thân chúng ta mà chúng ta đang xây dựng. Nói tóm lại, mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa mang lại cho chúng ta một cái nhìn thực về cuộc sống.
Bỏ đi “tật” đòi một cuộc sống hoàn hảo
Khát khao, trong một nghĩa nào đó, nhân văn hóa chúng ta và tạo thành một con đường “trưởng thành thiêng liêng.” Cha José nhắc rằng phải mất rất nhiều thời gian để làm mất đi thói cầu toàn, đòi những điều hoàn hảo, để chiến thắng được thói quen che đậy thực tế bằng những hình ảnh giả dối. Như Thomas Merton viết, Chúa Kitô muốn đồng hóa mình với những điều mà chúng ta không yêu thích nơi mình, bởi vì Người đã nhận lấy nỗi khốn khổ và đau khổ của chúng ta trên chính mình. Chính Thánh Phaolô đã làm chứng rằng đức tin giống như một giả thuyết nghịch lý: “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.”
Trở ngại lớn nhất đối với cuộc sống của Thiên Chúa trong con người chúng ta không phải là sự mỏng dòn hoặc yếu đuối, mà là sự cứng nhắc và cứng cỏi. Đó không phải là sự dễ bị tổn thương và nhục nhã, nhưng ngược lại, là sự kiêu ngạo, tự thấy đủ, tự cho mình là công chính, cô lập, bạo lực, mê muội quyền lực. Sức mạnh chúng ta thực sự cần, ân sủng mà chúng ta cần, không phải của chúng ta, mà là của Chúa Giêsu Kitô.
Ba cám dỗ trong sa mạc
Nói về ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc, cha Josè khẳng định: “Nếu chúng ta chuẩn bị để lắng nghe, khao khát có thể là một bậc thầy quý báu của đời sống nội tâm.” Cám dỗ đầu tiên là bánh. Chúa Giêsu biết nhu cầu vật chất của con người, nhưng Người nhắc rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Câu trả lời của Ngài không phải là làm cho chúng ta trốn thoát khỏi thực tại, nhưng làm cho chúng ta xem nó như một nơi phải được mặc lấy Chúa Thánh Thần.
Để hiểu được cám dỗ thứ hai, cha Josè nhắc lại khi dân Israel ở trong sa mạc, đòi ông Môsê phải cho họ nước uống: để tin, chúng ta muốn thấy khát vọng của chúng ta được thỏa mãn, nhưng Chúa Giêsu “dạy chúng ta dâng sự im lặng, từ bỏ và khao khát như một lời cầu nguyện.” Cuối cùng, cám dỗ cuối cùng về các thần tượng, Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngươi sẽ thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi: chỉ thờ phượng một mình Người.” Trong đoạn Tin Mừng thánh Mátthêu, khi Chúa Giêsu phục sinh nhắc rằng mọi quyền phép trên trời và dưới đất đã được ban cho Người.
“Quyền năng của Chúa Giêsu chính là sự dâng hiến chính mình đến cùng
Ma quỷ muốn được tôn thờ, nhưng sức mạnh của nó là vẻ bên ngoài, trong khi đó quyền năng của Đấng Phục Sinh là một phần của mầu nhiệm thập giá, của sự dâng hiến chính mình. Đây là một nguy cơ rất lớn, khi sự cám dỗ của quyền lực, trên quy mô lớn hay nhỏ, đưa chúng ta đi xa khỏi mầu nhiệm của Thánh Giá, khi nó đưa chúng ta ra khỏi sự phục vụ anh em chúng ta. Chúa Giêsu dạy rằng không để mình trở thành nô lệ bởi bất cứ ai và không bắt ai làm nô lệ, nhưng chỉ thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ: “Chúng ta không phải là những ông chủ, nhưng là các mục tử.” (Vatican News 21/02/2018)
Hồng Thủy
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2018/02/22/tĩnh_tâm_giáo_triều,_bài_7_