Bài Giáo Lý Thứ 5 của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Lễ: Nghi Thức Đầu Lễ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ12/Jan/2018
“Những cử chỉ này, … là những cử chỉ rất quan trọng bởi vì chúng diễn tả ngay từ ban đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ yêu thương với Đức Kitô.”
Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ năm của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 20 tháng 12, 2017 tại Đại Sảnh Phaolô VI ở Vatican. Hôm nay ĐTC giải thích về Nghi Thức Đầu Lễ: “Mục đích của chúng … là để đảm bảo ‘rằng các tín hữu đến với nhau, hợp thành một cộng đồng, và chuẩn bị chính mình để lắng nghe Lời Chúa với đức tin và cử hành Thánh Lễ một cách xứng đáng’”.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn bước vào trung tâm của việc cử hành Thánh Lễ. Thánh Lễ gồm có hai phần, là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể, được nối kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một việc thờ phượng duy nhất (x Sacrosanctum Concilium, 56; Hướng dẫn chung của Sách Lễ Rôma, 28). Được mở đầu bằng một số nghi thức chuẩn bị và kết thúc bằng những nghi thức khác, do đó việc cử hành là một khối duy nhất và không thể tách rời được, nhưng để giúp anh chị em hiểu biết hơn tôi sẽ cố gắng giải thích một số giây phút của nó, mỗi giây phút này có khả năng chạm đến và liên quan đến một khía cạnh nhân loại của chúng ta. Cần phải biết những dấu chỉ thánh này để sống Thánh Lễ cách trọn vẹn và để thưởng thức tất cả vẻ đẹp của nó.
Khi dân chúng đã tụ tập, cuộc cử hành bắt đầu với nghi thức đầu lễ, bao gồm việc tiến vào của các vị cử hành hoặc vị chủ tế, lời chào - “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bình an [của Chúa] ở cùng anh em” -, nghi thức sám hối - “tôi thú nhận,” ở đó chúng ta xin Chúa tha thứ các tội lỗi của mình – kinh Kyrie, Gloria, và Lời Nguyện Nhập Lễ: lời nguyện này được gọi là “Lời nguyện thu thập” không phải vì có việc thu góp các của lễ; nó là sự thu góp các ý chỉ cầu nguyện của mọi người; và sự thu góp các ý chỉ của mọi người được nâng lên trời như lời cầu nguyện. Mục đích của chúng - các nghi thức đầu lễ - là để đảm bảo “rằng các tín hữu đến với nhau, hợp thành một cộng đồng, và chuẩn bị chính mình để lắng nghe Lời Chúa với đức tin và cử hành Thánh Lễ một cách xứng đáng” (Hướng Dẫn Chung của Sách Lễ Rôma, 46). Thật không phải là một thói quen tốt khi nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đến đúng giờ, tôi đến sau bài giảng và như thế tôi làm tròn lề luật”. Thánh Lễ bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, với các nghi thức đầu lễ này, bởi vì chúng ta bắt đầu thờ phượng Thiên Chúa như một cộng đồng. Và chính vì điều ấy mà việc quan trọng là lo liệu sao để đừng đến trễ, nhưng đến sớm, để chuẩn bị tâm hồn cho nghi thức này, cho việc cử hành của cộng đồng.
Thường thì trong khi hát bài ca nhập lễ, vị linh mục với các thừa tác viên khác trong cuộc rước tiến đến cung thánh, và ở đây ngài chào bàn thờ với một cúi đầu và một dấu chỉ tôn kính, ngài hôn bàn thờ, và khi có xông hương thì ngài xông hương. Tại sao? Bởi vì bàn thờ là Đức Kitô: Bàn thờ là một hình ảnh của Đức Kitô. Khi chúng ta nhìn lên bàn thờ, chúng ta nhìn lên nơi Đức Kitô ngự. Bàn thờ là Đức Kitô. Những cử chỉ này, là những cử chỉ có nguy cơ không mấy được chú ý, là những cử chỉ rất quan trọng bởi vì chúng diễn tả ngay từ ban đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ yêu thương với Đức Kitô, Đấng “hiến thân mình trên thập giá [...] đã trở thành bàn thờ, lễ vật và tư tế” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh V). Thực ra, bàn thờ như một dấu chỉ của Đức Kitô, “là trung tâm của cử chỉ tạ ơn được thực hiện với Thánh Thể” (Hướng dẫn chung của Sách Lễ Rôma, 296), và cả cộng đồng chung quanh bàn thờ, là Đức Kitô; không phải để nhìn mặt, mà để nhìn vào Đức Kitô, bởi vì Đức Kitô là trung tâm của cộng đồng, Người không cách xa nó.
Rồi có dấu Thánh Giá. Vị linh mục chủ tế làm dấu Thánh Giá trên mình và tất cả các thành viên của cuộc tụ họp cũng làm như thế, ý thức rằng hành động phụng vụ được thực hiện ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Và ở đây tôi chuyển sang một chủ đề rất nhỏ khác. Anh chị em có thấy các trẻ em làm dấu Thánh Giá như thế nào không? Chúng không biết mình đang làm gì: đôi khi chúng vẽ một hình, mà không phải là dấu Thánh Giá. Các cha mẹ, ông bà, làm ơn dạy dỗ con cái, ngay từ ban đầu - từ khi còn nhỏ - biết làm dấu Thánh Giá cho đúng. Và giải thích cho chúng biết rằng [làm dấu Thánh Giá] là để được Thánh Giá Chúa Giêsu bảo vệ. Và Thánh Lễ bắt đầu bằng dấu Thánh Giá. Có thể nói được rằng tất cả các lời cầu nguyện di chuyển trong không gian của Thiên Chúa Ba Ngôi - “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” - đó là không gian của sự hiệp thông vô hạn; nó bắt nguồn và kết thúc ở tình yêu của Một Thiên Chúa Ba Ngôi, được biểu lộ và ban cho chúng ta trong Thánh Giá của Đức Kitô. Thật vậy, mầu nhiệm Vượt Qua của Người là một hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thánh Thể luôn phát sinh từ trái tim bị đâm thủng của Người. Cho nên, khi làm dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta không những chỉ nhớ đến Bí Tích Rửa Tội của mình, mà còn khẳng định rằng cầu nguyện phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể, đã chết trên Thập Giá và đã sống lại trong vinh quang vì chúng ta.
Sau đó, linh mục nói lời chào phụng vụ, với câu: “Chúa ở cùng anh chị em” hoặc một câu tương tự khác - có nhiều câu khác -; và cộng đồng thưa: “Và ở cùng [thần khi] Cha”. Chúng ta đang đối thoại; chúng ta đang ở đầu Thánh Lễ và chúng ta phải nghĩ về ý nghĩa của tất cả những cử chỉ và lời nói này. Chúng ta đang bước vào một “buổi hòa tấu”, trong đó vang lên các giọng khác nhau, bao gồm cả thời gian im lặng, tạo ra ''sự đồng thuận” giữa những người tham dự, nghĩa là nhận ra mình được sinh động hóa bởi một Thần Khí duy nhất, và có cùng một mục đích. Thực ra “lời chào của linh mục và lời đáp của dân chúng cho thấy mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ lại” (Hướng dẫn chung của Sách Lễ Rôma, 50). Như vậy, đức tin chung và ước vọng chung được ở với Chúa và sống hiệp nhất với toàn thể cộng đồng được diễn tả.
Và đây là một hòa tấu cầu nguyện, được tạo ra và lập tức trình bày một giây phút rất cảm động, bởi vì vị chủ tế mời mọi người nhìn nhận tội lỗi mình. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Tôi không biết, có thể một số người trong anh chị em không phải là người tội lỗi ... Nếu ai không phải là người tội lỗi, xin làm ơn giơ tay lên, để tất cả chúng tôi đều thấy. Nhưng không có tay nào giơ lên cả, tốt quá: anh chị em có đức tin tốt! Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi; và vì điều này mà ở đầu Thánh Lễ chúng ta cầu xin ơn tha thứ. Đó là cử chỉ sám hối. Đó không phải chỉ là nghĩ về những tội mình đã phạm, nhưng còn hơn nữa: đó là một lời mời gọi thú tội của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt cộng đồng, trước mặt anh chị em, với lòng khiêm nhường và chân thành, như người thu thuế ở trong Đền Thờ. Nếu Bí Tích Thánh Thể thực sự làm cho mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa cuộc vượt qua của Đức Kitô từ cõi chết sang sự sống, được hiện diện, thì việc trước hết chúng ta phải làm là nhận ra những gì là tình trạng chết của mình để có thể sống lại với Người trong đời sống mới. Điều ấy làm cho chúng ta hiểu được hành vi sám hối quan trọng như thế nào. Và vì điều ấy, chúng ta sẽ tiếp tục đề tài này trong bài giáo lý sau.
Chúng ta hãy đi từng bước một để giải thích Thánh Lễ. Nhưng tôi khuyên anh chị em: làm ơn dạy cho con cái mình biết làm dấu Thánh Giá đúng cách!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2017/documents/papa-francesco_20171220_udienza-generale.html
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/html/240935.htm