Cầu nguyện và Dấn thân 

Khi xem xét kinh nghiệm cầu nguyện của Thánh Têrêxa như “một chia sẻ thân mật giữa bạn bè,” ta có thể thấy việc cầu nguyện và lý tưởng chiêm niệm của ngài là một kinh nghiệm dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó. Điều này hiển hiện ngay ở các trang đầu của Đường Trọn Lành; “Tôi vốn chỉ ước mong và vẫn còn ước mong rằng vì Người có quá nhiều kẻ thù và ít bạn bè như thế, nên số bạn bè ít ỏi này phải là những bạn bè thật tốt. Thành thử, tôi quyết tâm làm ít thôi trong khả năng của mình; nghĩa là, sống theo các lời khuyên của Tin Mừng một cách hoàn hảo bao nhiêu có thể và cố gắng để số người ít ỏi đang sống ở đây này cũng làm y như vậy.” (W.1.2) Cầu nguyện đưa chúng ta vượt quá chính chúng ta. Có một sự dấn thân thâm hậu hóa muốn sống ơn gọi của mình một cách trung thành và đáp trả các đòi hỏi của hoàn cảnh lịch sử trong đó, ta đang sống. 
  
Dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó cho Giáo Hội và thế giới không phải chỉ là hoa trái của cầu nguyện. Đối với Thánh Têrêxa, cầu nguyện còn là việc dấn thân và quyết tâm giúp đỡ thế giới nữa. 
      
Cầu nguyện như tình bạn với Thiên Chúa là phải hòa mình vào thế giới của Thiên Chúa vì Thiên Chúa vốn dấn thân với con người và lịch sử nhân bản. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm,” vì cầu nguyện chiêm niệm thanh tẩy và giải thoát ta khỏi các dây trói của ích kỷ và biến đổi cách nhìn và cách yêu thương của ta; chiêm niệm mở đôi mắt ta để thấy vẻ đẹp của thế giới Thiên Chúa và của các anh chị em ta và đổ đầy trái tim ta lòng cảm thương đối với các đau khổ của con người. Người của cầu nguyện nào biết mình được Thiên Chúa yêu thương sẽ thấy mình được tái tạo và được Thiên Chúa cứu rỗi và nay trở nên dụng cụ cứu rỗi cho người khác. Gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện là gặp gỡ chính ta, khám phá ra sự thật của riêng ta, và rồi ta hiến mình cho người khác, vì đời sống là về tất cả các điều ấy: tự hiến, yêu thương, hiệp thông. 
  
Chính vì thế, ở TòaThứ Bẩy, Thánh Têrêxa bảo chúng ta rằng “Các con thân mến, đây là lý do để cầu nguyện, mục đích của cuộc hôn nhân thiêng liêng này: luôn luôn sinh ra việc làm tốt lành, việc làm tốt lành.” (7M.4.6) Người của cầu nguyện cảm nghiệm một sức mạnh ở bên trong thúc đẩy họ chia sẻ tình yêu và cảm thương của Thiên Chúa với người khác. Đây là một điều Thánh Têrêxa quan sát được từ chính kinh nghiệm của ngài. “Tôi để ý có một số người, không nhiều lắm do tội lỗi của ta, càng tiến tới trong lối cầu nguyện và hồng ân của Chúa chúng ta này, thì họ càng chú tâm tới nhu cầu của người lân cận họ, nhất là các nhu cầu của linh hồn những người này.” (MC.7.9) 
  
Ta thấy điều đó nơi Thánh Têrêxa. Ta thường giải thích ơn gọi của các nữ tu Carmel Đi Chân Đất bằng chính lời lẽ của Thánh Têrêxa: “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thủ Bản B). Là “tình yêu trong trái tim Giáo Hội” có nghĩa gì? Nghe thì đẹp quá, nhưng ở đời thực, nó tròn méo ra sao? 
  
Như ta biết, ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa cháy rất sâu trong trái tim Thánh Têrêxa. Ngài cảm thấy những ước nguyện không tài nào thể hiện được và rất mênh mông muốn được yêu Chúa Giêsu và công bố Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa cho người khác. Ngài bị dằn vặt bởi các ước muốn được làm chiến binh, thập tự quân, linh mục, tông đồ, tiến sĩ Giáo Hội, và tử đạo.  
     
“Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu, nếu con muốn viết ra tất cả các ước muốn của con, thì con cần đến cả một cuốn tiểu sử: trong đó các hành động của mọi vị thánh được ghi lại.” (Thủ Bản B) Được thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô gợi hứng, với lời dạy rằng tình yêu là ơn phúc thiêng liêng vĩ đại nhất và kéo dài mãi mãi, Thánh Têrêxa đã khám phá ra ơn gọi làm tình yêu trong trái tim Giáo Hội. “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu”. Ngài muốn được kết hợp với Chúa Thánh Thần đến độ trở thành sự hiện diện yêu thương trong Giáo Hội, trong cộng đồng của ngài, và trong thế giới. Hơn nữa, Thánh Têrêxa cũng là người hiện thực. Ngài hiểu rõ tình yêu không thể tồn tại trên bình diện mộng mị, viễn mơ và xúc cảm. Tình yêu phải được phát biểu bằng hành động. Ngài cũng biết: tình yêu là vĩnh cửu và có năng lực đi thâu qua các bức tường, các biên giới, các quốc gia, các dinh thự Giáo Hội, các gia đình, và chữa lành được các cõi lòng tan nát và hồi hướng các cuộc đời. Dùng hình ảnh “rắc hoa,” ngài nói lên sự dấn thân của ngài trong việc thực hiện các hành vi yêu thương cụ thể ngay lúc này và các hành vi yêu thương này sẽ có hiệu quả nhân thừa trong thế giới. Chúng sẽ có giá trị vô chừng trước mặt Thiên Chúa và giúp Giáo Hội chiến đấu và những người đang chịu đau khổ trong luyện ngục.