Vũ Văn An 6/17/2012
IV. Việc kêu cầu Đức Maria và các thánh
Một điểm bất đồng nữa có liên quan tới việc “thờ kính (cultus) Đức Maria”, mà ta không được đánh giá thấp tầm quan trọng của nó trong lòng sùng kính của tín hữu và trong quan tâm mục vụ. Sự hàm hồ của kiểu nói này là do ý nghĩa mơ hồ người ta vốn dành cho chữ “cultus”. Công đồng thứ bẩy, tức Nixêa II năm 787, phân biệt rõ ràng giữa việc tôn kính (doulia) ảnh tượng các thánh, một điều vốn hợp pháp, và việc thờ lạy (latria), vốn không được gán cho các thánh mà dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nói đúng ra, chỉ có thể thờ phượng hay thờ kính “cultus” một mình Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần mà thôi. Con đường thờ phượng căn bản của Kitô Giáo đi từ Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Sự thờ phượng bao giờ cũng được ngỏ với Thiên Chúa. Không có con đường nào đến với Chúa Cha trực tiếp hơn là Chúa Con.
Đó là lý do tại sao, theo một truyền thống cổ xưa, và nói theo nghĩa hẹp, ta không cầu nguyện với Đức Maria hay các thánh, vì cầu nguyện, một hình thức của thờ lạy, một hành vi của latria, chỉ có thể ngỏ với một mình Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, việc dùng chữ “cầu nguyện” theo nghĩa rộng, mặc dù không chính xác về thần học, đã dẫn tới việc nói tới “lời cầu nguyện cùng Đức Maria” và các thánh.
Bên kia thực hành chung này, người Công Giáo và người Thệ Phản vẫn bất đồng với nhau trong ý niệm cầu nguyện cùng Đức Maria hiểu theo nghĩa nhờ ngài cầu nguyện, nghĩa là xin ngài cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta.
Hình thức kêu cầu đầu tiên là lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa vì ơn thánh Người đã ban cho Đức Maria. Lời ca ngợi này không giới hạn vào các tín hữu trên trần gian, mà trong các thư của ngài, Thánh Phaolô quen gọi là “các thánh”; nó bao gồm toàn bộ giáo hội trên trời và dưới đất, như ta đã thấy trong kinh tiền tụng của phụng vụ thánh Thể Thệ Phản, trong đó, Chúa Cha được cảm tạ như sau: “Hiệp thông cùng Giáo Hội phổ quát, với các thiên thần và mọi cơ binh trên thiên đàng, và trong niềm vui chung, chúng con tán dương và ngợi ca danh thánh vinh hiển Chúa: Thánh, thánh, thánh…”. Lời kêu cầu như thế đã bày tỏ và nói lên một sự hiệp thông mà đến sự chết cũng không thể bẻ gẫy được, dù sự chết này có thay đổi cách thế hiệp thông. Lời kêu cầu này có chỗ đứng trong động thái ca ngợi Ba Ngôi: ca ngợi Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, Đấng luôn cầu bầu trong ta, cho ta, và qua ta (xem Rm 8:26).
Lời ca ngợi Đức Maria, như để đáp ứng câu mời gọi trong kinh Magnificat: “Muôn đời sẽ khen tôi là người có phúc” (Lc 1:48), vốn tìm thấy nơi các nhà cải cách vĩ đại, nhất là nơi Luther, Zwingli, và Bullinger, và giới hạn hơn nơi cả Calvin nữa. Nhưng cũng chính Luther là người mạnh mẽ chỉ trích các quá lạm và bóp méo trong lòng sùng kính thánh mẫu của thời ông. Ông còn cho rằng: “Tôi chỉ muốn bãi bỏ hoàn toàn lòng tôn kính Đức Maria do cách người ta lạm dụng nó” (57).
Hạn từ “tôn kính” (veneration) có thể gồm cả tôn trọng (honor) và ngợi khen như đã được các đoạn Thánh Kinh nói về Truyền Tin và Thăm Viếng đặc biệt hàm nghĩa, gợi ý, cho phép và còn cả thúc giục nữa. Sự tôn kính như thế chỉ có nghĩa là ca ngợi Thiên Chúa cùng với Đức Maria và vì Đức Maria, để chào kính công trình Thiên Chúa nơi ngài, và cảm tạ Chúa vì sự đáp ứng đầy gương sáng của ngài.
Chính trong khuôn khổ ấy, ta cần phải nêu lên vấn đề về sự chính đáng của lời cầu nguyện khẩn cầu ngỏ cùng Đức Maria và các thánh. Theo người Công Giáo, lời cầu nguyện như thế chỉ có thể là lời cầu nguyện được tiếp chuyển lên chính Thiên Chúa, là Đấng chỉ có Người mới có thể đáp ứng và ban ơn theo ý Người muốn. Lời cầu nguyện này không tách rời hay có thể tách rời khỏi bất cứ lời cầu nguyện nào khác, nhưng kết hợp với lời cầu nguyện của các thánh thuộc mọi thời và mọi nơi, cả đang sống lẫn đã qua đời, trong Chúa Kitô. Trong hiệp thông các thánh, lời cầu nguyện, nhất là lời cầu bầu, không hàm nghĩa bất cứ sự tách biệt nào giữa người cầu nguyện, người họ cầu nguyện cho, và đấng mà lời cầu nguyện ngỏ cùng. Cầu bầu chính là biểu thức của hiệp thông. Nó là cuộc đàm đạo bất tận luôn tiếp diễn bên trong hiệp thông này.
Về phần mình, các nhà Cải Cách bác bỏ mọi lời xin cầu bầu ngỏ cùng Đức Maria, vì điều này giả thiết rằng ngài đóng vai trò làm dụng cụ hữu hiệu cho nhiệm cục cứu chuộc hay ngài “cộng tác” vào nhiệm cục ấy. Zwingli cho rằng ta chỉ có một Đấng Cầu Bầu, còn Bullinger thì viết thêm: một Đấng Cầu Bầu duy nhất. Calvin thì bác bỏ ý niệm cho rằng Đức Maria là “người gìn giữ các ơn” (58). Thái độ này được liên kết với việc từ khước nói chung đối với sự tôn kính các thánh.
Người Công Giáo thì sẵn sàng thừa nhận rằng lòng sùng kính Đức Maria đôi khi đưa đến những thái quá dưới các hình thức sùng kính bề ngoài, hay trong các sách tu đức, và trong các từ vựng sử dụng trong các phát biểu thần học và mục vụ. Các thái quá này không kết thúc với các lạm dụng lớn lao của thế kỷ 16, nhưng luôn song hành với phong trào thánh mẫu cách này hay cách khác (59). Những thái quá này khiến người ta có ý nghĩ rằng trong đức tin Công Giáo, vì các mục tiêu thực tiễn, Đức Maria được coi như một nữ thần thực sự. Dù chưa bao giờ tuyên xưng các thái quá như thế, nhưng huấn quyền Công Giáo cũng chưa bao giờ minh bạch chống lại chúng.
Tín hữu Công Giáo xin Đức Maria và các thánh “cầu cho chúng con”; nói cách khác, họ kêu cầu các ngài cầu bầu cho họ. Điều này minh nhiên được nói lên trong phần thứ hai của Kinh Kính Mừng, tức là phần được Giáo Hội thêm vào: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…” Và câu “cầu cho chúng con” được nhắc đi nhắc lại bất tận trong kinh cầu các thánh. Hình thức sùng kính này thần học gọi là “doulia”. Phân tích đến cùng, vinh dự dành cho các thánh và lời cầu bầu ngỏ cùng các vị luôn vươn tới Chúa, tác giả của mọi ơn thánh.
Công Đồng Vatican II đã đưa ra các hướng dẫn mới có tính chuyên biệt về lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Công Đồng nhắc người Công Giáo nhớ rằng lòng sùng kính này “về yếu tính, khác với sự tôn kính thờ lạy, một sự thờ lạy được dâng lên như nhau cho Ngôi Lời Nhập Thể, cho Chúa Cha và cho Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium 66). Công Đồng cũng yêu cầu các nhà thần học và các vị giảng thuyết “hãy thận trọng đừng rơi vào các thái quá lầm lẫn cũng như các thái độ quá giản lược khi xem sét phẩm giá đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa” (Lumen Gentium 67) và nên bảo vệ khuynh hướng qui Kitô của lòng sùng kính này.
Người Thệ Phản và người Công Giáo nhất trí rằng: cùng với Thánh Kinh, ta phải “venerare”, nghĩa là yêu mến, kính trọng và vinh danh Đức Trinh Nữ Maria và ca ngợi Thiên Chúa vì ngài, đấng mà “mọi thế hệ” có bổn phận tuyên xưng là người “có phúc”.
Cả hai bên cũng nhất trí khi nói rằng ta phải bắt chước Đức Maria và coi ngài như mẫu gương, nhất là bằng cách kết hợp với lời ngài cầu nguyện và tán tụng Thiên Chúa.
Nhưng họ bất đồng về chủ đề kêu cầu ngài: truyền thống Thệ Phản không dành cho ngài bất cứ vai trò cầu bầu nào, trong khi người Công Giáo phó thác cho sự cầu bầu đầy mẫu thân của ngài và hàng ngày thưa với ngài “Cầu cho chúng con là kẻ có tội”.
Liệu chúng ta có bắt buộc phải ngưng ngang chừng ở chỗ chỉ xác định các sự kiện mà thôi hay không? Hay phải bằng lòng với sự bất đồng trên? Phải chăng, đối với người Thệ Phản, việc “venerare” trên không thể bao gồm các lời của thiên thần trong Kinh Kính Mừng hay các lời của người chị em họ, như “em có phúc hơn mọi người nữ”, cả hai đều được rút ra từ Sách Thánh?
Đàng khác, liệu có thể hiểu lời cầu bầu không là gì khác hơn là thành phần trọn vẹn trong hiệp thông của các thánh ở trên trời và ở dưới đất, của những con người nhân bản và của Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự cầu bầu được kết hợp với sự cầu bầu đời đời của Chúa Con với Chúa Cha, và tương hợp với sự cầu bầu của Chúa Thánh Thần giữa những kẻ tội lỗi và người được công chính hóa? Thay vì dấu chỉ xa cách và dị biệt, há đúng hơn nó không phải là dấu chỉ của hiệp thông và chia sẻ? Thay vì tư riêng và độc hữu, há đúng hơn nó đã không mở lòng chúng ta cho một thế giới vốn được Thiên Chúa yêu thương và cho toàn thể tạo vật vốn là trách nhiệm chung của mọi con người được chọn để phục vụ trước nhan Người, bắt đầu là Mẹ Chúa Cứu Thế, Trinh Nữ Maria? Như thế, lời cầu nguyện với và nhờ Đức Maria sẽ là lời cầu nguyện giống như và cùng với lời cầu nguyện của Đức Maria. Nó sẽ không xóa bỏ các khác biệt, nhưng nó cũng sẽ không trở thành nguyên nhân cho chia rẽ.
Nếu đúng như thế, há sự mâu thuẫn và xung khắc giữa hai chủ trương Công Giáo và Thệ Phản không có chiều hướng giảm thiểu, trong khi sự canh chừng của thần học và mục vụ há không ngăn ngừa được cả sự quá đáng lẫn sự hẹp hòi hay sao? Nhờ thế, các kiểu thức sùng kính khác nhau sẽ có thể sống bên cạnh nhau, không bị nghi ngại hay áp chế, cũng như trở thành nguyên nhân và hậu quả của chia rẽ (60).
Kế hoạch của Thiên Chúa khi muốn có nhân loại được tạo thành giống hình và họa ảnh của Người đã khiến Người đặt Đức Maria ở chính tâm điểm kế hoạch cứu rỗi của Người. Được thuyết phục bởi điều đó, Nhóm Dombes đã cùng nhau đạt tới các xác tín sau đây:
“Chúng tôi bác bỏ bất cứ mưu toan nào, nhân danh sự “cộng tác”, nhằm giới hạn tính tối thượng tuyệt đối của ơn thánh, coi mưu toan đó như một nhục mạ đối với cả Đức Maria lẫn Con của ngài.
“Không muốn dừng lại quá lâu ở nan đề anh chị em của con đầu lòng Đức Maria, giống như ngài, chúng tôi thích được lắng nghe người Con Trai duy nhất của ngài cùng với man vàn các anh chị em của người Con Trai này hơn, ngõ hầu nhận được ơn cứu độ là chính Con Trai của ngài, như ngài từng tiếp nhận trước chúng tôi và tốt hơn chúng tôi nhiều.
“Chúng tôi không thể chấp nhận sự kiện cùng một đức tin lại không kết hợp được cả những ai tuyên xưng rằng ơn cứu độ trên đã chiếm hữu Đức Maria (từ giây phút hiện hữu đầu tiên tới lúc được vinh hiển trên trời) lẫn những ai vẫn còn do dự trước lòng sùng kính có tính tín điều này, lòng sùng kính mà họ không tìm thấy trong Sách Thánh. Do đó, chúng tôi quyết tâm cùng nhau tiến tới trên hành trình hiệp thông các thánh của mình. Vì thực sự, cùng một đức tin như nhau vào Chúa Giêsu đã thúc giục chúng tôi đừng chia rẽ nhau chỉ vì ngài, đấng không hề là nguồn gốc cho các chia rẽ tín phái giữa chúng tôi”.
Ghi chú
(57) Luther, Bài Giảng về Kinh Kính Mừng (1523; WA 11, 61).
(58) Calvin nói về đoạn Luca 2:15-19 trong bài giảng thứ 25 của ông về Sự Hoà Hợp Của Các Tin Mừng, trích dẫn trong La Revue réformée số 32 (1957, số 4) 37: “Những người theo giáo hoàng xưng Đức Maria là 'giữ kho ơn thánh'; nhưng quả họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa… khi muốn ngài có chức vụ chuyên biệt của một mình Chúa Giêsu mà thôi”.
(59) Xin đơn cử một thí dụ cho thấy sự quá đáng trong lối phát biểu mà chính tác giả hình như không ý thức được: Trong cuốn L’Immaculate Conception (Brussels, 1857), Đức Cha J. Malou xưng Đức Maria là “một ngôi Thiên Chúa”, “Ngôi thứ bốn của Thiên Chúa Ba Ngôi” và ngài làm thế là “theo các giáo phụ”: xem R. Laurentin, Court Traité sur la Vierge Marie (in lần thứ 5; Paris: Lethielleux, 1967) 87. Xem ý kiến ngược lại trong lời phát biểu của Newman, Apologia pro vita sua, chương 4: “Những biểu hiện sùng kính như thế đối với Đức Mẹ vốn là điều khó hiểu (crux) nhất của tôi đối với Đạo Công Giáo; tôi xin thành thực nói rằng: cho đến lúc này, tôi vẫn không hoàn toàn chấp nhận được chúng. Người ta rất có thể đã giải thích và bênh vực chúng đầy đủ; nhưng tình cảm và ý thích không đi đôi với luận lý; chúng thích hợp với nước Ý, chứ không thích hợp với nước Anh” (do C.F. Harrold chủ biên [New York, 1947] 176).
(60) Xem các kết luận về điểm này ở chương 4, phần nói về Sự Hồi Tâm Tín Lý của cả Công Giáo lẫn Thệ Phản (cầu nguyện, hiện ra, thuyết giảng và dạy giáo lý)
Một điểm bất đồng nữa có liên quan tới việc “thờ kính (cultus) Đức Maria”, mà ta không được đánh giá thấp tầm quan trọng của nó trong lòng sùng kính của tín hữu và trong quan tâm mục vụ. Sự hàm hồ của kiểu nói này là do ý nghĩa mơ hồ người ta vốn dành cho chữ “cultus”. Công đồng thứ bẩy, tức Nixêa II năm 787, phân biệt rõ ràng giữa việc tôn kính (doulia) ảnh tượng các thánh, một điều vốn hợp pháp, và việc thờ lạy (latria), vốn không được gán cho các thánh mà dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nói đúng ra, chỉ có thể thờ phượng hay thờ kính “cultus” một mình Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần mà thôi. Con đường thờ phượng căn bản của Kitô Giáo đi từ Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Sự thờ phượng bao giờ cũng được ngỏ với Thiên Chúa. Không có con đường nào đến với Chúa Cha trực tiếp hơn là Chúa Con.
Đó là lý do tại sao, theo một truyền thống cổ xưa, và nói theo nghĩa hẹp, ta không cầu nguyện với Đức Maria hay các thánh, vì cầu nguyện, một hình thức của thờ lạy, một hành vi của latria, chỉ có thể ngỏ với một mình Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, việc dùng chữ “cầu nguyện” theo nghĩa rộng, mặc dù không chính xác về thần học, đã dẫn tới việc nói tới “lời cầu nguyện cùng Đức Maria” và các thánh.
Bên kia thực hành chung này, người Công Giáo và người Thệ Phản vẫn bất đồng với nhau trong ý niệm cầu nguyện cùng Đức Maria hiểu theo nghĩa nhờ ngài cầu nguyện, nghĩa là xin ngài cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta.
Hình thức kêu cầu đầu tiên là lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa vì ơn thánh Người đã ban cho Đức Maria. Lời ca ngợi này không giới hạn vào các tín hữu trên trần gian, mà trong các thư của ngài, Thánh Phaolô quen gọi là “các thánh”; nó bao gồm toàn bộ giáo hội trên trời và dưới đất, như ta đã thấy trong kinh tiền tụng của phụng vụ thánh Thể Thệ Phản, trong đó, Chúa Cha được cảm tạ như sau: “Hiệp thông cùng Giáo Hội phổ quát, với các thiên thần và mọi cơ binh trên thiên đàng, và trong niềm vui chung, chúng con tán dương và ngợi ca danh thánh vinh hiển Chúa: Thánh, thánh, thánh…”. Lời kêu cầu như thế đã bày tỏ và nói lên một sự hiệp thông mà đến sự chết cũng không thể bẻ gẫy được, dù sự chết này có thay đổi cách thế hiệp thông. Lời kêu cầu này có chỗ đứng trong động thái ca ngợi Ba Ngôi: ca ngợi Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, Đấng luôn cầu bầu trong ta, cho ta, và qua ta (xem Rm 8:26).
Lời ca ngợi Đức Maria, như để đáp ứng câu mời gọi trong kinh Magnificat: “Muôn đời sẽ khen tôi là người có phúc” (Lc 1:48), vốn tìm thấy nơi các nhà cải cách vĩ đại, nhất là nơi Luther, Zwingli, và Bullinger, và giới hạn hơn nơi cả Calvin nữa. Nhưng cũng chính Luther là người mạnh mẽ chỉ trích các quá lạm và bóp méo trong lòng sùng kính thánh mẫu của thời ông. Ông còn cho rằng: “Tôi chỉ muốn bãi bỏ hoàn toàn lòng tôn kính Đức Maria do cách người ta lạm dụng nó” (57).
Hạn từ “tôn kính” (veneration) có thể gồm cả tôn trọng (honor) và ngợi khen như đã được các đoạn Thánh Kinh nói về Truyền Tin và Thăm Viếng đặc biệt hàm nghĩa, gợi ý, cho phép và còn cả thúc giục nữa. Sự tôn kính như thế chỉ có nghĩa là ca ngợi Thiên Chúa cùng với Đức Maria và vì Đức Maria, để chào kính công trình Thiên Chúa nơi ngài, và cảm tạ Chúa vì sự đáp ứng đầy gương sáng của ngài.
Chính trong khuôn khổ ấy, ta cần phải nêu lên vấn đề về sự chính đáng của lời cầu nguyện khẩn cầu ngỏ cùng Đức Maria và các thánh. Theo người Công Giáo, lời cầu nguyện như thế chỉ có thể là lời cầu nguyện được tiếp chuyển lên chính Thiên Chúa, là Đấng chỉ có Người mới có thể đáp ứng và ban ơn theo ý Người muốn. Lời cầu nguyện này không tách rời hay có thể tách rời khỏi bất cứ lời cầu nguyện nào khác, nhưng kết hợp với lời cầu nguyện của các thánh thuộc mọi thời và mọi nơi, cả đang sống lẫn đã qua đời, trong Chúa Kitô. Trong hiệp thông các thánh, lời cầu nguyện, nhất là lời cầu bầu, không hàm nghĩa bất cứ sự tách biệt nào giữa người cầu nguyện, người họ cầu nguyện cho, và đấng mà lời cầu nguyện ngỏ cùng. Cầu bầu chính là biểu thức của hiệp thông. Nó là cuộc đàm đạo bất tận luôn tiếp diễn bên trong hiệp thông này.
Về phần mình, các nhà Cải Cách bác bỏ mọi lời xin cầu bầu ngỏ cùng Đức Maria, vì điều này giả thiết rằng ngài đóng vai trò làm dụng cụ hữu hiệu cho nhiệm cục cứu chuộc hay ngài “cộng tác” vào nhiệm cục ấy. Zwingli cho rằng ta chỉ có một Đấng Cầu Bầu, còn Bullinger thì viết thêm: một Đấng Cầu Bầu duy nhất. Calvin thì bác bỏ ý niệm cho rằng Đức Maria là “người gìn giữ các ơn” (58). Thái độ này được liên kết với việc từ khước nói chung đối với sự tôn kính các thánh.
Người Công Giáo thì sẵn sàng thừa nhận rằng lòng sùng kính Đức Maria đôi khi đưa đến những thái quá dưới các hình thức sùng kính bề ngoài, hay trong các sách tu đức, và trong các từ vựng sử dụng trong các phát biểu thần học và mục vụ. Các thái quá này không kết thúc với các lạm dụng lớn lao của thế kỷ 16, nhưng luôn song hành với phong trào thánh mẫu cách này hay cách khác (59). Những thái quá này khiến người ta có ý nghĩ rằng trong đức tin Công Giáo, vì các mục tiêu thực tiễn, Đức Maria được coi như một nữ thần thực sự. Dù chưa bao giờ tuyên xưng các thái quá như thế, nhưng huấn quyền Công Giáo cũng chưa bao giờ minh bạch chống lại chúng.
Tín hữu Công Giáo xin Đức Maria và các thánh “cầu cho chúng con”; nói cách khác, họ kêu cầu các ngài cầu bầu cho họ. Điều này minh nhiên được nói lên trong phần thứ hai của Kinh Kính Mừng, tức là phần được Giáo Hội thêm vào: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…” Và câu “cầu cho chúng con” được nhắc đi nhắc lại bất tận trong kinh cầu các thánh. Hình thức sùng kính này thần học gọi là “doulia”. Phân tích đến cùng, vinh dự dành cho các thánh và lời cầu bầu ngỏ cùng các vị luôn vươn tới Chúa, tác giả của mọi ơn thánh.
Công Đồng Vatican II đã đưa ra các hướng dẫn mới có tính chuyên biệt về lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Công Đồng nhắc người Công Giáo nhớ rằng lòng sùng kính này “về yếu tính, khác với sự tôn kính thờ lạy, một sự thờ lạy được dâng lên như nhau cho Ngôi Lời Nhập Thể, cho Chúa Cha và cho Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium 66). Công Đồng cũng yêu cầu các nhà thần học và các vị giảng thuyết “hãy thận trọng đừng rơi vào các thái quá lầm lẫn cũng như các thái độ quá giản lược khi xem sét phẩm giá đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa” (Lumen Gentium 67) và nên bảo vệ khuynh hướng qui Kitô của lòng sùng kính này.
Người Thệ Phản và người Công Giáo nhất trí rằng: cùng với Thánh Kinh, ta phải “venerare”, nghĩa là yêu mến, kính trọng và vinh danh Đức Trinh Nữ Maria và ca ngợi Thiên Chúa vì ngài, đấng mà “mọi thế hệ” có bổn phận tuyên xưng là người “có phúc”.
Cả hai bên cũng nhất trí khi nói rằng ta phải bắt chước Đức Maria và coi ngài như mẫu gương, nhất là bằng cách kết hợp với lời ngài cầu nguyện và tán tụng Thiên Chúa.
Nhưng họ bất đồng về chủ đề kêu cầu ngài: truyền thống Thệ Phản không dành cho ngài bất cứ vai trò cầu bầu nào, trong khi người Công Giáo phó thác cho sự cầu bầu đầy mẫu thân của ngài và hàng ngày thưa với ngài “Cầu cho chúng con là kẻ có tội”.
Liệu chúng ta có bắt buộc phải ngưng ngang chừng ở chỗ chỉ xác định các sự kiện mà thôi hay không? Hay phải bằng lòng với sự bất đồng trên? Phải chăng, đối với người Thệ Phản, việc “venerare” trên không thể bao gồm các lời của thiên thần trong Kinh Kính Mừng hay các lời của người chị em họ, như “em có phúc hơn mọi người nữ”, cả hai đều được rút ra từ Sách Thánh?
Đàng khác, liệu có thể hiểu lời cầu bầu không là gì khác hơn là thành phần trọn vẹn trong hiệp thông của các thánh ở trên trời và ở dưới đất, của những con người nhân bản và của Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự cầu bầu được kết hợp với sự cầu bầu đời đời của Chúa Con với Chúa Cha, và tương hợp với sự cầu bầu của Chúa Thánh Thần giữa những kẻ tội lỗi và người được công chính hóa? Thay vì dấu chỉ xa cách và dị biệt, há đúng hơn nó không phải là dấu chỉ của hiệp thông và chia sẻ? Thay vì tư riêng và độc hữu, há đúng hơn nó đã không mở lòng chúng ta cho một thế giới vốn được Thiên Chúa yêu thương và cho toàn thể tạo vật vốn là trách nhiệm chung của mọi con người được chọn để phục vụ trước nhan Người, bắt đầu là Mẹ Chúa Cứu Thế, Trinh Nữ Maria? Như thế, lời cầu nguyện với và nhờ Đức Maria sẽ là lời cầu nguyện giống như và cùng với lời cầu nguyện của Đức Maria. Nó sẽ không xóa bỏ các khác biệt, nhưng nó cũng sẽ không trở thành nguyên nhân cho chia rẽ.
Nếu đúng như thế, há sự mâu thuẫn và xung khắc giữa hai chủ trương Công Giáo và Thệ Phản không có chiều hướng giảm thiểu, trong khi sự canh chừng của thần học và mục vụ há không ngăn ngừa được cả sự quá đáng lẫn sự hẹp hòi hay sao? Nhờ thế, các kiểu thức sùng kính khác nhau sẽ có thể sống bên cạnh nhau, không bị nghi ngại hay áp chế, cũng như trở thành nguyên nhân và hậu quả của chia rẽ (60).
Kế hoạch của Thiên Chúa khi muốn có nhân loại được tạo thành giống hình và họa ảnh của Người đã khiến Người đặt Đức Maria ở chính tâm điểm kế hoạch cứu rỗi của Người. Được thuyết phục bởi điều đó, Nhóm Dombes đã cùng nhau đạt tới các xác tín sau đây:
“Chúng tôi bác bỏ bất cứ mưu toan nào, nhân danh sự “cộng tác”, nhằm giới hạn tính tối thượng tuyệt đối của ơn thánh, coi mưu toan đó như một nhục mạ đối với cả Đức Maria lẫn Con của ngài.
“Không muốn dừng lại quá lâu ở nan đề anh chị em của con đầu lòng Đức Maria, giống như ngài, chúng tôi thích được lắng nghe người Con Trai duy nhất của ngài cùng với man vàn các anh chị em của người Con Trai này hơn, ngõ hầu nhận được ơn cứu độ là chính Con Trai của ngài, như ngài từng tiếp nhận trước chúng tôi và tốt hơn chúng tôi nhiều.
“Chúng tôi không thể chấp nhận sự kiện cùng một đức tin lại không kết hợp được cả những ai tuyên xưng rằng ơn cứu độ trên đã chiếm hữu Đức Maria (từ giây phút hiện hữu đầu tiên tới lúc được vinh hiển trên trời) lẫn những ai vẫn còn do dự trước lòng sùng kính có tính tín điều này, lòng sùng kính mà họ không tìm thấy trong Sách Thánh. Do đó, chúng tôi quyết tâm cùng nhau tiến tới trên hành trình hiệp thông các thánh của mình. Vì thực sự, cùng một đức tin như nhau vào Chúa Giêsu đã thúc giục chúng tôi đừng chia rẽ nhau chỉ vì ngài, đấng không hề là nguồn gốc cho các chia rẽ tín phái giữa chúng tôi”.
Ghi chú
(57) Luther, Bài Giảng về Kinh Kính Mừng (1523; WA 11, 61).
(58) Calvin nói về đoạn Luca 2:15-19 trong bài giảng thứ 25 của ông về Sự Hoà Hợp Của Các Tin Mừng, trích dẫn trong La Revue réformée số 32 (1957, số 4) 37: “Những người theo giáo hoàng xưng Đức Maria là 'giữ kho ơn thánh'; nhưng quả họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa… khi muốn ngài có chức vụ chuyên biệt của một mình Chúa Giêsu mà thôi”.
(59) Xin đơn cử một thí dụ cho thấy sự quá đáng trong lối phát biểu mà chính tác giả hình như không ý thức được: Trong cuốn L’Immaculate Conception (Brussels, 1857), Đức Cha J. Malou xưng Đức Maria là “một ngôi Thiên Chúa”, “Ngôi thứ bốn của Thiên Chúa Ba Ngôi” và ngài làm thế là “theo các giáo phụ”: xem R. Laurentin, Court Traité sur la Vierge Marie (in lần thứ 5; Paris: Lethielleux, 1967) 87. Xem ý kiến ngược lại trong lời phát biểu của Newman, Apologia pro vita sua, chương 4: “Những biểu hiện sùng kính như thế đối với Đức Mẹ vốn là điều khó hiểu (crux) nhất của tôi đối với Đạo Công Giáo; tôi xin thành thực nói rằng: cho đến lúc này, tôi vẫn không hoàn toàn chấp nhận được chúng. Người ta rất có thể đã giải thích và bênh vực chúng đầy đủ; nhưng tình cảm và ý thích không đi đôi với luận lý; chúng thích hợp với nước Ý, chứ không thích hợp với nước Anh” (do C.F. Harrold chủ biên [New York, 1947] 176).
(60) Xem các kết luận về điểm này ở chương 4, phần nói về Sự Hồi Tâm Tín Lý của cả Công Giáo lẫn Thệ Phản (cầu nguyện, hiện ra, thuyết giảng và dạy giáo lý)