Trang chủ

Samstag, Juni 02, 2012

BẢN THỂ, BẢN TÍNH


1. Nhân đọc bài ''Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính »
Nhân đọc bài "Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » của ĐGM Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN

Đọc bài giải thích của Đức Cha Chủ tịch Uy ban Giáo lý Đức tin, mới được truyền thông trên mạng lưới, tôi rất hứng thú. Đây là vấn đề phiên dịch một từ ngữ thần học, đã được gây dựng trên căn bản từ ngữ triết học cổ điển Au châu.

Đức Cha đã so sánh và phê phán rất xác đáng một số bản dịch sang nhiều ngôn ngữ Á Au. Sau đó xác định rõ ràng ý nghĩa các từ ngữ chuyên môn lấy ra từ triết học Au châu, như ousia / essentia (yếu tính), physis / natura (bản tính)..

Cho nên lập luận và bằng chứng thật chắc chắn như đinh đóng cột. Thiết tưởng ai cũng phải công nhận là phải dùng từ ngữ đồng bản thể.

Vấn đề phiên dịch ở đây như thế là đã giải quyết xong. Dĩ nhiên là còn khá nhiều từ ngữ chuyên môn khác cũng cần được phiên dịch ra cho đích xác.

Nhưng phiên dịch cho đúng, chưa chắc đã làm cho người Việt không chuyên môn hiểu được lẽ đạo. Vì thế, sau đây tôi xin trộm phép góp một vài ý kiến có liên quan đến nền Thiên Chúa học Viêt Nam.

Ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng không tránh được tính cách tương đối và bất cập, vì lẽ ngôn từ và cú pháp không phải là bản chép lại (abbilden) thực tại, nhưng là cái khung định hình (bilden) hay là lên khuôn cho tri thức và cho thực tại mà ta lĩnh hội.

Khi nói về Thiên Chúa, ta không thể đóng khung Người trong một công thức của một ngôn ngữ nào cả : công thức không làm cho ta nắm chắc được thực tại vô biên của Người, nhưng nó có thể giúp cho ta biết phải nhắm về phương hướng nào.

Vì ngôn từ thường là hàm hồ.

Vì thế tuy ĐC đã căn cứ vào lịch sử Thiên-Chúa-học mà giải thích và giảng dạy thật là rành mạch, nhưng nếu ai không có ý ranh mãnh, nhưng tinh ý một chút, cũng nhận định ngay được tính cách hàm hồ, và tương đối như thế.

Chính ĐC cũng đã cho biết là từ ngữ ousia vừa có nghĩa trừu tượng là yếu tính hay bản tính, lại vừa có nghĩa cụ thể là bản thể. Cũng như trong tiếng Đức, Wesen vừa có nghĩa là yếu tính hay bản tính (Wesenheit), vừa có nghĩa là bản thể (ein Wesen = một vật). Cho nên homo-ousios vừa có nghĩa là đồng bản tính, lại vừa có nghĩa là đồng bản thể, nhưng đặc biệt là khi nói về Thiên Chúa thì cả hai nghĩa đều dùng được cả

Công thức « nhất thể tam vị = mia ousia treis hypostaseis = una substantia tres personae » cũng không thiếu tính cách hàm hồ : Ousia ở đây phải hiểu là bản thể tuy nó còn có nghĩa là bản tính. Hypostasis ở đây phải hiểu là « ngôi » (Hán : « vị »); còn gọi là prosôpon nữa. Nhưng xét theo từ nguyên thì hypo-stasis lại là tương đương với sub-stantia là bản thể,
cho nên trong khi đối thoại với người Hi-lạp thì người La-tinh rất dám hiểu treis hypostaseis là ba bản thể ! Vì thế để tránh hiểu lầm thì người La-tinh đã phải dịch ousia là substantia và hypostasis là persona.

Về sau, khi Boethius định nghĩa persona là naturae rationalis individua substantia thì cũng không chỉnh lắm, vì đã là bản thể (substantia) thì tất nhiên là cá biệt (individua), không cần phải chua thêm vào như thế. Đã thế lại chưa đủ ý nốt, vì ông chỉ dùng phạm trù substantia (bản thể) để định nghĩa persona (ngôi), chứ không dùng đến phạm trù relatio (liên quan).

Trong sách bổn của Đức Cha Bá Đa Lộc, tuy có « nói chữ », và dùng công thức chữ Hán là Thiên Chủ nhất thể tam vị, dịch thật sát nghĩa công thức Hi-lạp và La-tinh, nhưng giáo dân Việt Nam vẫn nói đơn sơ dễ hiểu là « (tôi tin thật) có một Đức Chúa Trời (là đấng thưởng phạt vô cùng, tôi lại tin thật) Đức Chúa Trời có ba Ngôi », và như thế là tránh không dùng đến những ý niệm có liên quan đến một hệ thống triết học không thuộc về truyền thống văn hóa của mình.

Đến đây tôi sực nhớ đến những người gọi là thuộc bè rối, không chịu nhận công thức trên đây. Biết đâu không phải là vì trong ngôn ngữ của họ không có những từ ngữ như trong công thức của tín điều, và vì thế khi dịch công thức ấy ra ngôn ngữ của họ, thì họ hiểu là công thức đó làm sai niềm tin Đức Giê-su là người và là Thiên Chúa. Nhận ra được lý do như thế mới thấy rằng có lẽ họ không đến nỗi sai lạc và bất trung với đức tin như người trong văn hóa Hi-lạp và La-tinh thường nghĩ.

Thế mới biết là tuy ta không có lý do gì để phế bỏ công thức trên đây cũng như các tín điều được nói lên trong hai văn hóa ấy, nhưng các công thức ấy vẫn có giá trị tương đối. Vì thế khi đứng trong văn hóa khác – như văn hóa châu Á, hay là văn hóa châu Âu ngày nay – ta có thể nói lên đức tin của giáo hội một cách dễ hiểu, bằng những từ ngữ tuy không dịch sát ý những công thức ngày xưa, nhưng có giá trị tương đương. Nhưng đây là vấn đề hội nhập văn hóa, có phạm vi rộng hơn là vấn đề phiên dịch một vài từ ngữ sao cho sát nghĩa.
GS. Trần Văn Toàn

Giải quyết vấn đề tranh luận ''Đồng Bản Thể'' hay ''Đồng Bản Tính''
VietCatholic News (Thứ Tư 24/05/2006 10:42)
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRANH LUẬN "ĐỒNG BẢN THỂ" HAY "ĐỒNG BẢN TÍNH" ?

Gần đây tôi nghe nói có sự tranh luận về 2 từ ngữ đồng bản tính và đồng bản thể. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, đặc trách thường huấn cho các linh mục Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh có yêu cầu tôi trình bày về ý nghĩa của 2 từ ngữ này, và lý do của sự lựa chọn từ ngữ đồng bản thể trong bản dịch Kinh Tin Kính Nixê-Constantinople của Nghi thức Thánh lễ, do Uỷ Ban Phượng tự của HĐGMVN xuất bản, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo in tại Hà Nội năm 2005.

Để việc làm thật khoa học và chính xác, trước hết tôi xin trích cả 3 bản dịch:

1. Bản dịch của UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ (Cha Nguyễn Văn Vi làm Tổng thư ký), xuất bản năm 1969: “… được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha” (tr. 29)

2. Bản dịch của UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN (Cha Nguyễn Công Đoan làm Tổng thư ký), xuất bản năm 1992: “… được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha” (tr. 16)

3. Bản dịch của UỶ BAN PHỤNG TỰ trực thuộc HĐGMVN (Cha Kim Long làm Tổng thư ký), xuất bản năm 2005: “… được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (tr.17)

So sánh 3 bản dịch, thì bản mới nhất (2005) chỉ khác với bản 1992 có một chữ: chữ “Đức” thêm vào trước chữ “Chúa Cha,” và khác nhiều hơn với bản 1969 (của Cha Nguyễn Văn Vi): thêm chữ “được” trước chữ tạo thành, giống như bản 1992, sữa chữ “đồng bản tính” thành chữ “đồng bản thể” giống như bản 1992.

So sánh với các bản dịch ngoại quốc:

- bản tiếng latinh : genitum, non factum, consubstantialem Patri

- bản tiếng Ý : generato, non creato, della stessa sostanza del Padre (Catechismo della Chiesa Cattolica, Compendio, p.26)

- bản tiếng Anh: begotten, not made, one in Being with the Father (Compendium, Catechism of the Catholich Church, p.16)

- bản tiếng Đức: gezeugt, nicht geschaffen, eines Wesens mit dem Vater (Katechismus der Katholischen Kirche, kompendium, s. 39)

- bản tiếng Pháp:

§ Bản dịch trong symbole et définitions de la foi catholique (Denzinger), xuất bản năm 1996, Cerf : engendré non pas créé, consubstantiel au Père (p. 57)

§ Bản dịch trong Catéchisme de l’Eglise Catholique, Abrégé : engendré, non pas créé, de même nature que le Père (p. 45)

Bản dịch nào đúng?

Tất cả các bản dịch trên, kể cả 3 bản tiếng Việt, đều đúng, nhưng tuỳ theo ngôn ngữ nào, mà có khả năng diễn đạt chính xác hơn, và tuỳ sự lựa chọn giữa chính xác hay dễ hiểu. Có những ngôn ngữ đạt được cả hai tiêu chuẩn (vừa chính xác, vừa hiểu được), có những ngôn ngữ chỉ đạt được một trong hai (hoặc lựa chọn sự chính xác, hoặc lựa chọn sự dễ hiểu).

Trong tiếng Việt, nếu dịch là bản tính thì dễ hiểu hơn, vẫn đúng, nhưng chưa đủ nghĩa, vì loài người chúng ta hiện nay là 6 tỷ người, và tất cả đều có cùng một bản tính, nên chữ bản tính ở đây chưa đủ để loại hết nguy cơ đa thần (trithéisme: có 3 Chúa). Nếu dịch là bản thể, thì khó hiểu hơn, nhưng tránh được nguy cơ đa thần,
vì đồng bản thể có nghĩa là một thực thể duy nhất. Vả lại trong môn tín lý Ba Ngôi học, người ta luôn luôn nói Nhất Thể Tam Vị, chứ không ai nói Nhất Tính Tam Vị.

Theo tôi, bản tiếng Ý và tiếng Anh vừa dịch chính xác, vừa có thể hiểu:

- Trong tiếng Ý, della stessa sostanza có nghĩa là cùng một bản thể: người Ý nào cũng hiểu chữ sostanza là thực tại chính yếu: Chúa Con là cùng một thực tại với Chúa Cha, chứ không phải là một thực tại khác với Chúa Cha như bè rối Ariô chủ trương.

- Trong tiếng Anh, One in Being có nghĩa là Duy nhất trong hiện hữu, chỉ là một, là một Thực Thể duy nhất, một Thiên Chúa: có một Thiên Chúa Duy Nhất: Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa cùng với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa cùng với Chúa Cha và Chúa Con, nhưng ở đây không thể có 3 Thiên Chúa được, vì là One in Being.

- Trong tiếng Đức, Eines Wesens mit có nghĩa là Một Thực Thể với chữ wesen bởi động từ sein (être): người ta có thể hiểu được chữ wesen và hiểu đúng, là chỉ có một Thiên Chúa, tuy có tới 3 ngôi vị. Chữ wesen vừa chỉ bản tính, vừa chỉ bản thể. Tiếng Đức còn chữ Substanz, nhưng trừu tượng và ít được dùng.

- Trong tiếng Pháp ngày hôm nay, chữ Substance thường được hiểu là chất, như chất dầu, chất mỡ, chất cứng, chất mềm (tự điển Pháp –Việt, tr.1122)… nên nếu dịch de la même substance, thì sợ người bình dân hiểu sai, nên phải dịch bằng de même nature cho dễ hiểu. Tuy nhiên chữ de même nature không được chính xác lắm, vì nhân loại chúng ta có cùng một bản tính (même nature), nhưng có tới hằng tỉ người. Chính vì thế mà trong lĩnh vực tín điều, quyển Denzinger mới nhất bằng pháp ngữ vẫn dịch là consubstantiel (đồng bản thể) cho những ai muốn hiểu thật đúng tín điều (D. 150, Symboles et définitions de la foi catholique, a.1996, p. 57).

Những lẫn lộn cần phải tránh:

. Lẫn lộn giữa Ba Ngôi học và Kitô học :

Những ai lý luận rằng khoa Tín Lý nói Chúa Kitô có hai bản tính, chứ không nói có hai bản thể (nên theo họ, phảI dịch consubstantialem Patri là đồng bản tính với Đức Chúa Cha), thì có vẻ đúng trên mặt chữ, nhưng đó là một sự lẫn lộn trầm trọng: chữ đồng bản thể (tín điều của Công Đồng Nixê, năm 325), chỉ dùng khi nào nói tới Chúa Kitô trong tương quan với Chúa Cha; còn chữ hai bản tính cố ý nói tới Chúa Kitô, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người (tín điều của Công Đồng Chalcédoine, năm 451). Trên bình diện nhân tính, Chúa Giêsu không thể đồng bản tính với Chúa Cha, vì con người không thể đồng bản tính với Thiên Chúa được, nhưng chúng ta thì đồng bản tính với con người Giêsu. Chữ hai bản tính được dùng để so sánh Chúa Giêsu một đàng với con người, một đàng với Thiên Chúa. Còn chữ đồng bản thể chỉ được dùng khi Chúa Giêsu được đặt trong tương quan hữu thể với Chúa Cha.

-Lẫn lộn từ ngữ:

Có sự lẫn lộn giữa các từ ngữ bản tính (natura) dịch từ chữ hy-lạp phusis

Chúa Kitô có hai bản tính theo nghĩa này. Nếu không tin Chúa Kitô có hai bản tính, thì sẽ rơi vào bè Nhất tính thuyết (Monophysisme),

Với chữ bản tính hay yếu tính (essentia) dịch từ chữ hy-lạp là ousia.

Chữ ousia trong tiếng hy-lạp, vừa có nghĩa trừu tượng, vừa có nghĩa cụ thể: nghĩa trừu tượng là yếu tính hay còn được dịch là bản tính, nghĩa cụ thể chỉ bản thể. Chúa Con là homo ousios, vừa đồng bản tính, vừa đồng bản thể với Chúa Cha. (Chính vì hai nghĩa khác nhau của chữ ousia, mà đã xảy ra nhiều tranh luận trong lịch sử tín điều Ba Ngôi). Chữ đồng bản thể có vẻ như trừu tượng hơn chữ đồng bản tính, nhưng xét về ý nghĩa thì cụ thể hơn và đầy đủ hơn.

- Lẫn lộn giữa hai Công Đồng Nixê-Constantinople (a. 381) chống lại lạc giáo Ariô và Công Đồng Chalcédoine (a. 451) chống lại lạc giáo Monophysisme (Nhất tính thuyết ):

- Chống lại Ariô, Công đồng Nixê và Công đồng Nixê-Constantinople định tín như sau : Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa…, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể (homoousiov) với Đức Chúa Cha (D. 150, p. 57).

- Chống lại lạc giáo Monophysisme (Nhất tính thuyết) chủ trương Đức Kitô chỉ có một bản tính là bản tính thần linh, Công Đồng Chalcédoine định tín như sau: Chỉ có một Đức Kitô Duy Nhất, một Con, một Chúa, một Đấng Duy Nhất được sinh ra, được thừa nhận có hai bản tính (en duo phusesin : en deux natures), không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách rời (D. 302, p.108).

Ngoài ra còn có những người lý luận rằng từ ngữ bản thể (substantia) đi đôi với tuỳ thể (accidens), nên không ứng dụng cho Thiên Chúa. Lý luận này cũng không đúng, vì theo khoa thần lý học, Thiên Chúa là Bản Thể Đơn Thuần mà không có tuỳ thể, vì nơi Thiên Chúa không phân biệt giữa điều chính và điều phụ. Không cần nói đến tuỳ thể, vẫn có quyền nói tới Bản Thể.

Trong khoa Ba Ngôi học, Tertullien đã khám phá ra công thức una Substantia, tres Personae (Nhất Thể Tam Vị), và từ đó về sau thần học latinh luôn sử dụng như thế cho tới ngày hôm nay, dịch từ Hy-lạp mia ousia, treĩs hupostaseis.

Thần học latinh không nói una natura, tres personae, mà nói una Substantia, tres Personae, và chữ substantia luôn luôn được dịch trong thần học, cũng như trong triết học là bản thể, chứ không bao giờ được dịch là bản tính.

KẾT LUẬN :

Chúa Kitô đồng bản thể với Chúa Cha là tín điều quan trọng nhất của Công Đồng Nixê được nhắc lại trong kinh Tin kính Nixê-Constantinople (homoousiov tô Patrí), nên khi dịch Kinh Tin Kính Nixê-Constantinople, cần dịch càng chính xác càng tốt. Đối với ai cảm thấy khó hiểu từ ngữ đồng bản thể, thì có thể dùng cụm từ cùng một bản thể, chứ từ ngữ đồng bản tính, tuy đúng, vẫn chưa đủ nghĩa. Hoặc nếu không thích hay không chấp nhận thì có thể đọc Kinh Tin Kính các thánh tông đồ (Symbole des Apôtres), vì Phụng Vụ cho phép.

Mỹ Tho, ngày 23 tháng 5 năm 2006
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
Chủ tịch UB Giáo lý Đức tin/HĐGMVN
+GM. Phaolô Bùi Văn Đọc

Tác giả: Vũ Văn An