Bài giảng tĩnh tâm cuối cùng trong Mùa Chay trước giáo triều Rôma ngày 12/4/2019 của cha Cantalamessa
Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là điên dại để hạ nhục những kẻ khôn ngoan
Cha Raniero Cantalamessa, dòng Phanxicô Capuchin, giảng thuyết viên Phủ Giáo HoàngBản dịch sang Việt ngữ: J.B. Đặng Minh An
Thánh Gioan và Thánh Phaolô: Hai quan điểm đa dạng về Mầu nhiệm Chúa Kitô
Trong Tân Ước và trong lịch sử thần học, có những điều không thể hiểu được nếu chúng ta không tính đến một sự kiện cơ bản, đó là có hai cách tiếp cận mầu nhiệm Chúa Kitô khác biệt nhưng bổ sung cho nhau: cách tiếp cận của Thánh Phaolô và của Thánh Gioan.
Thánh Gioan nhìn mầu nhiệm Chúa Kitô từ quan điểm Nhập thể. Đối với thánh nhân, Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là sự mạc khải tối cao của Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu là Đấng mà không qua Người không ai có thể đến với Chúa Cha. Ơn cứu rỗi bao gồm nơi việc nhận ra rằng Chúa Giêsu “đã hóa thành nhục thể” (x. 2 Ga 7) và tin rằng Ngài “là Con Thiên Chúa” (1 Ga 5: 5). “Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.” (1 Ga 5:12). Trung tâm của tất cả mọi thứ, như chúng ta có thể thấy, là “con người” của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Điểm đặc biệt trong quan điểm này của Thánh Gioan nổi bật lên khi chúng ta so sánh với quan điểm của Thánh Phaolô. Đối với Thánh Phaolô, trọng tâm không phải là con người của Chúa Kitô, được hiểu như một thực tại bản thể học, nhưng là công việc của Chúa Kitô, mầu nhiệm vượt qua, cái chết và sự phục sinh của Người. Ơn cứu rỗi không quá tập trung ở điểm tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể nhưng hệ tại nơi niềm tin vào Chúa Giêsu, “Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4:25). Sự kiện trung tâm không phải là biến cố Nhập thể nhưng là mầu nhiệm Vượt qua.
Sẽ là một sai lầm chết người khi xem điều này như một sự phân đôi trong chính nguồn gốc Kitô giáo. Bất cứ ai đọc Tân Ước mà không có thành kiến đều hiểu rằng đối với Thánh Gioan, biến cố Nhập thể được xem xét từ quan điểm của mầu nhiệm Vượt qua khi cuối cùng Chúa Giêsu sẽ tuôn đổ Thần khí của Ngài lên nhân loại (xem Ga 7:39), cũng như hiểu rằng đối với Thánh Phaolô, mầu nhiệm Vượt qua bao gồm trong và dựa trên mầu nhiệm Nhập thể. Đấng đã hạ mình vâng phục cho đến chết, thậm chí là chết trên thập tự giá, là Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa,” có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (xem Phil 2: 5ff). Công thức về Chúa Ba Ngôi trong đó Chúa Giêsu Kitô được đề cập cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là một xác nhận rằng đối với Thánh Phaolô, công việc của Chúa Kitô có ý nghĩa từ ngôi vị của Ngài.
Những điểm nhấn khác nhau trong các trụ cột của mầu nhiệm này phản ánh con đường lịch sử mà đức tin nơi Chúa Kitô đã phát triển sau lễ Phục sinh. Thánh Gioan phản ánh giai đoạn nâng cao của đức tin nơi Chúa Kitô, hơn là lúc bắt đầu tiến trình biên soạn Tân Ước. Ngài đang ở cuối một quá trình trở về những nguồn mạch mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúng ta có thể lưu ý điều này khi quan sát nơi bốn Tin Mừng bắt đầu. Thánh Máccô bắt đầu Tin Mừng của ngài với Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu tại sông Giócđan; Thánh Matthêu và Thánh Luca, là những người đến sau, lùi lại một bước và bắt đầu với những trình thuật kể về Chúa Giêsu sinh bởi Đức Maria đồng trinh; Thánh Gioan, người viết cuối cùng, đã tạo ra một bước nhảy vọt quyết định hơn nữa và đặt sự khởi đầu của sự kiện Chúa Kitô không còn theo thời gian nữa nhưng là vĩnh cửu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1: 1).
Lý do cho sự thay đổi chú ý này là rõ ràng. Đức tin khi đó đã tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp, vốn quan tâm đến chiều kích bản thể hơn là chiều kích lịch sử. Điều quan trọng trong văn hóa Hy Lạp không phải là sự mở ra các sự kiện cho bằng nền tảng của các sự kiện ấy (arche). Ngoài bối cảnh văn hóa này, còn có sự xuất hiện những dấu chỉ đầu tiên của lạc giáo Docet [dókēsis (Hy Lạp)] đặt ra những nghi vấn chung quanh thực tại Nhập thể. Tín lý Kitô giáo về hai bản thể hiệp nhất nơi Chúa Kitô sau này gần như hoàn toàn dựa trên quan điểm của Thánh Gioan về Ngôi Lời nhập thể.
Điều quan trọng là phải tính đến điều này để hiểu sự khác biệt và bổ sung của thần học Đông phương và Tây phương. Hai quan điểm của Thánh Phaolô và Thánh Gioan khi hợp nhất với nhau (như chúng ta thấy trong kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê - Constantinốp) bảo tồn các điểm nhấn khác nhau của chúng giống như các dòng sông chảy vào nhau nhưng bảo tồn được các màu sắc khác nhau của dòng nước trong một thời gian dài. Thần học và linh đạo Chính Thống Giáo chủ yếu dựa trên Thánh Gioan; Thần học và linh đạo Tây phương (đặc biệt là Tin lành) chủ yếu dựa vào Thánh Phaolô. Bên trong truyền thống Hy Lạp, trường phái Alexandria nghiêng về Thánh Gioan, còn trường phái Antiôkia nghiêng về Thánh Phaolô hơn. Trong trường phái thứ nhất, ơn cứu rỗi hệ tại nơi việc thần thánh hóa bản thân [divinization – apotheosis (Hy Lạp), nhờ ân sủng Chúa, người tín hữu được thánh hóa nên giống thần thánh hơn – chú thích của người dịch] và trong trường hợp thứ hai, ơn cứu rỗi hệ tại nơi sự bắt chước Chúa Kitô.
Thập giá, sự Khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa
Giờ đây tôi muốn minh họa tất cả những điều này có nghĩa là gì trong cuộc tìm kiếm thiên nhan của Thiên Chúa hằng sống. Vào cuối những bài suy niệm trong Mùa Vọng, tôi đã nói về Chúa Kitô của Thánh Gioan, ngay lúc Ngài hóa thành nhục thể, đã đưa sự sống đời đời vào thế giới. Vào cuối những bài suy niệm trong Mùa Chay này, tôi muốn nói về Chúa Kitô của Phaolô, Đấng trên thập giá, đã thay đổi vận mệnh của nhân loại. Chúng ta hãy lắng nghe ngay văn bản mà chúng ta sẽ suy tư trong đó viễn cảnh Thánh Phaolô xuất hiện rõ ràng nhất:
Thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. (1 Cô 1: 21-25)
Thánh Tông đồ đã nói về một sự đổi mới trong hành động của Thiên Chúa, về một sự thay đổi trong cách tiếp cận và phương pháp. Thế gian không hiểu làm thế nào để nhận ra Thiên Chúa trong sự huy hoàng và khôn ngoan nơi kỳ công sáng tạo của Ngài, vì vậy Ngài quyết định mạc khải chính mình theo một cách thế ngược lại, thông qua sự bất lực và sự điên rồ của thập tự giá. Chúng ta không thể đọc lời khẳng định này của Thánh Phaolô mà không nhớ câu nói này của Chúa Giêsu: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11:25).
Chúng ta diễn giải sự đảo ngược các giá trị như thế nào đây? Luther đã nói về một sự mặc khải của Thiên Chúa “sub contraria specie”, nghĩa là, thông qua điều ngược lại với những gì thường được mong đợi nơi Ngài [1]. Ngài đầy quyền thế nhưng Ngài mạc khải chính mình trong sự bất lực, Ngài khôn ngoan nhưng lại bộc lộ bản thân trong sự dại dột, Ngài là vinh quang nhưng mạc khải bản thân trong sự điên rồ, Ngài giàu có nhưng bộc lộ mình trong cảnh cơ bần.
Thần học biện chứng trong nửa đầu thế kỷ trước đã đưa viễn cảnh này đến một kết luận cực đoan. Theo Karl Barth, giữa mô thức thứ nhất và thứ hai của sự biểu lộ chính mình của Thiên Chúa không có một sự liên tục mà là một sự đột phá [2]. Đó không phải là vấn đề về một sự kế thừa chỉ là tạm thời, như giữa Cựu Ước và Tân Ước, nhưng là một vấn đề liên quan đến một sự đối lập về bản thể học. Nói cách khác, ân sủng không xây dựng trên tự nhiên nhưng ngược lại; nó chạm vào thế giới “theo cách mà tiếp tuyến chạm vào vòng tròn”, nghĩa là, nó cọ sát với thế giới nhưng không thấm vào nó như men thẩm thấu vào trong một cục bột. Theo chính Barth, đây là điểm khác biệt duy nhất khiến ông không thể tự gọi mình là người Công Giáo; tất cả những dị biệt khác dường như không mấy quan trọng khi so sánh. Ông đặt analogia fidei - nghĩa là sự đối lập của lời Chúa chống lại tất cả những gì thuộc về thế giới – đối kháng với analogia entis, nghĩa là sự hòa hợp giữa thế giới và ân sủng.
[Analogia (tiếng Hy Lạp) ban đầu là một thuật ngữ toán học có nghĩa là “tỷ lệ” và được các nhà triết học mượn để chỉ mối quan hệ giữa các khái niệm có những phần tương đồng nhưng cũng có những phần dị biệt. Khái niệm triết học analogia entis được dùng để chỉ một một cách tiếp cận với Thiên Chúa, theo đó thế giới do Chúa tạo ra mang đến cho chúng ta, qua những điểm tương đồng, một phương thế để hiểu được Thiên Chúa. Không có những tương đồng như thế, Thiên Chúa trở nên hoàn toàn không thể biết được, không thể tưởng tượng ra được. Trích thuật lời Thánh Thomas Aquinas “Nihil est in intellectu quod non sit prius in sensu” không có gì trong tâm trí chúng ta mà không đến trước hết từ các giác quan, các nhà triết học tin rằng analogia entis là phương tiện để tâm trí có thể vươn tới sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Nhưng Karl Barth quyết liệt bác bỏ analogia entis, cho rằng đó là “quỷ kế của tên Phản Kitô”. Ông chủ trương rằng chúng ta nhận biết Thiên Chúa qua Lời Chúa được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần trở thành đức tin của chúng ta (analogia fidei). Đối với Barth, analogia fidei có nghĩa là chúng ta thủ đắc một ngôn ngữ thần học, trong đó Thiên Chúa chứ không phải con người đã mang đến ý nghĩa cho các từ ngữ. Chú thích của người dịch]
Trong thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu), Đức Bênêđíctô XVI mô tả hậu quả của tầm nhìn khác biệt này về phương diện tình yêu [3]. Barth viết: “Nơi mà tình yêu Kitô giáo đi vào, luôn luôn ngay lập tức bắt đầu những tranh cãi không ngớt giữa chính nó và mọi tình yêu khác.... Chỉ có thể có xung đột chứ không thể có thỏa hiệp giữa tình yêu Kitô giáo và điều khác với điều này.” Ngược lại Đức Bênêđíctô XVI viết:
Eros và agape - tình yêu đi lên và đi xuống - không bao giờ tách biệt nhau hoàn toàn… Đức tin Thánh Kinh không tạo nên một thế giới bên cạnh hay một thế giới nghịch lại với hiện tượng nguyên thủy của con người là tình yêu, nhưng đón nhận con người trọn vẹn, can thiệp vào sự tìm kiếm tình yêu của họ để thanh luyện và từ đó khai mở cho họ những chiều kích mới.
Sự đối lập triệt để giữa thiên nhiên và ân sủng, giữa sáng tạo và cứu chuộc, đã được làm dịu đi trong các tác phẩm sau này của Barth và bây giờ không còn những người ủng hộ nữa. Do đó, chúng ta có thể tiếp cận đoạn văn này từ vị Tông Đồ với sự an tâm hơn để hiểu những gì sự đổi mới của thập giá của Chúa Kitô thực sự bao hàm.
Trên thập tự giá, Thiên Chúa tỏ mình ra, vâng, “dưới hình thức trái ngược”, nhưng đó là trái với những gì con người luôn nghĩ về Thiên Chúa, chứ không phải là trái với những gì Thiên Chúa thực sự là. Thiên Chúa là tình yêu và trên thập giá chúng ta đã có biểu hiện tột cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Theo một nghĩa nào đó, chỉ ở đây, trên thập tự giá, Thiên Chúa mới tiết lộ “thân phận thực sự của mình”, thực sự như Ngài là. Thư Côrinhtô thứ nhất về ý nghĩa của thập tự giá Chúa Kitô cần phải được đọc dưới ánh sáng của một văn bản khác từ thánh Phaolô trong Thư gửi các tín hữu thành Rôma:
Khi chúng ta không có sức làm được gì, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì loại người vô đạo chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi (Rm 5: 6-8)
Nhà thần học Byzantine thời trung cổ Nicholas Cabasilas (1322-1392) cung cấp cho chúng ta chìa khóa tốt nhất để hiểu sự đổi mới trong thập giá của Chúa Kitô bao gồm những gì. Ông viết:
Có hai điều mạc khải về Ngài là Đấng yêu thương và khiến Ngài chiến thắng - thứ nhất là bất cứ khi nào có thể, Ngài làm điều thiện cho đối tượng mình yêu; thứ hai là nếu cần, Ngài sẵn sàng chịu đựng những điều khủng khiếp đối với Ngài và chấp nhận chịu đựng đau đớn. Trong số hai điều này, điều thứ hai xem ra là một bằng chứng lớn hơn về tình bạn so với điều thứ nhất. Tuy nhiên, điều đó là không thể đối với Thiên Chúa vì [với địa vị Thiên Chúa,] Ngài không chịu tổn hại.... Sự vĩ đại trong tình yêu của Ngài không nên bị che giấu, nhưng Ngài nên đưa ra bằng chứng về tình yêu vĩ đại tột cùng ấy, và để thể hiện tình yêu tột cùng này.. Ngài đã nghĩ ra cách tự trút bỏ mình và thực hiện điều đó, cũng như tạo ra phương thế này [tức là bản tính nhân loại của Chúa Kitô] để Ngài có thể chịu đựng những điều khủng khiếp và những đau đớn. Khi Ngài chứng minh bằng những điều Ngài phải chịu đựng rằng Ngài thực sự yêu thương vô cùng, Ngài đưa loài người.. về với chính mình.” [4]
Trong sáng tạo, Thiên Chúa lấp đầy chúng ta với những ân sủng, nhưng trong nhiệm cục cứu chuộc, Người đã chịu đau khổ vì chúng ta. Mối quan hệ giữa hai điều này là một tình yêu sinh ơn ích đã trở thành tình yêu chịu đau khổ.
Nhưng điều gì đã xảy ra trên thập giá của Chúa Kitô lại có tầm quan trọng đến mức biến thập giá thành thời khắc được xem là đỉnh cao sự mặc khải của Thiên Chúa hằng sống trong Kinh Thánh? Con người theo bản năng tìm kiếm Thiên Chúa theo dòng quyền lực. Danh hiệu đi kèm với danh Thiên Chúa hầu như luôn luôn là “toàn năng”. Nhưng ở đây, vào đầu sách Tin Mừng, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng sự bất lực tuyệt đối của Thiên Chúa trên thập giá. Tin Mừng chỉ ra rằng sự toàn năng thực sự của Thiên Chúa là sự bất lực hoàn toàn trên đồi Canvê. Thu hút sự chú ý đến bản thân mình đòi hỏi chút nỗ lực nào đó, nhưng cần rất nhiều sức mạnh để bước sang một bên, để loại bỏ chính mình. Thiên Chúa Kitô giáo là sức mạnh vô hạn của việc che giấu chính mình này!
Do đó, lời giải thích cuối cùng là: trong mối liên kết bất khả phân ly tồn tại giữa tình yêu và sự hạ mình. Ngài đã hạ mình xuống và vâng lời cho đến chết (Phil 2: 8). Ngài tự hạ mình, khiến Ngài phụ thuộc vào đối tượng tình yêu của mình. Tình yêu là khiêm nhường bởi vì, tự bản chất, nó tạo ra một sự phụ thuộc. Chúng ta thấy điều này, ở quy mô nhỏ hơn, trong những gì xảy ra khi hai người yêu nhau. Chàng trai, theo nghi lễ truyền thống, quỳ xuống trước một cô gái trẻ để xin đón nhận bàn tay của nàng, đang thực hiện hành động khiêm nhường triệt để nhất trong cuộc đời anh ta; anh ta đang tự biến mình thành kẻ ăn mày. Cứ như thể anh ấy đang nói “một mình tôi không sống nổi; tôi cần đến em”. Sự khác biệt cơ bản là sự phụ thuộc của các tạo vật vào Chúa được nảy sinh thuần tuý từ tình yêu mà Người dành cho họ, trong khi sự phụ thuộc vào nhau của các tạo vật phát sinh từ nhu cầu họ dành cho nhau.
Henri de Lubac viết rằng “Sự mạc khải tình yêu này đã lật ngược tất cả những gì thế giới đã từng nghĩ về bản tính Thiên Chúa” [5]. Tôi tin rằng Thần học và khoa chú giải Kinh thánh vẫn còn lâu mới đề cập hết được mọi hệ quả của việc này. Một trong những hệ quả của điều này là khi Chúa Giêsu chịu đựng nhục hình tàn bạo như vậy trên thập tự giá, Ngài không làm như thế chủ yếu để trả khoản nợ không thể trả được của con người. (Trong câu chuyện ngụ ngôn về hai người đầy tớ trong Mátthêu 18:24-27, Ngài đã giải thích trước rằng khoản nợ 10,000 yến vàng đã được tôn chủ hào phóng tha cho!) Không, Chúa Giêsu chết vì bị đóng đinh để tình yêu của Thiên Chúa có thể đến với nhân loại ở điểm xa nhất con người đã đến trong cuộc nổi loạn chống lại Ngài, cụ thể là, cái chết. Ngay cả cái chết bây giờ cũng có tình yêu của Thiên Chúa. Trong cuốn sách về Chúa Giêsu thành Nagiarét, Đức Bênêđíctô XVI đã viết:
Thực tại của sự ác, không thể đơn giản là lờ đi, đó là sai lầm, không thể để nó ở đó. Nó phải được giải quyết; nó phải được khắc phục. Chỉ như thế mới là một lòng thương xót thực sự. Và thực tế là Chúa hiện đang đối đầu với chính cái ác bởi vì con người không có khả năng làm điều đó, điều này cho thấy lòng nhân lành vô điều kiện của Thiên Chúa [6].
Động lực truyền thống của việc vạch trần tội lỗi vẫn giữ nguyên tất cả giá trị của nó, như chúng ta có thể thấy, nhưng nó không phải là động lực cuối cùng. Động lực tối thượng là lòng nhân lành vô điều kiện của Thiên Chúa, là tình yêu của Ngài.
Chúng ta có thể xác định ba bước trên hành trình đức tin vào mầu nhiệm Phục sinh của Giáo hội. Lúc đầu chỉ có hai sự kiện trần trụi: “Ngài đã chết; Ngài đã sống lại”. Phêrô khóc trước đám đông vào ngày Lễ Ngũ Tuần, “anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại” (Tđcv 2: 23-24). Trong giai đoạn thứ hai, câu hỏi là “Tại sao Người chết và tại sao Người đã sống lại?” và câu trả lời là lời tuyên cáo: “Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.” (Rm 4:25). Vẫn còn một câu hỏi nữa: “Tại sao Người chết vì tội lỗi của chúng ta? Điều gì đã khiến Người làm điều đó?” Câu trả lời - Thánh Phaolô và Thánh Gioan đều nhất trí về điểm này - đó là vì Người yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2:20) và Thánh Gioan viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1).
Đáp trả của chúng ta
Đâu là phản ứng của chúng ta đối với mầu nhiệm mà chúng ta vừa suy ngẫm và phụng vụ sẽ tái hiện cho chúng ta trong Tuần Thánh? Phản ứng đầu tiên và cơ bản là đức tin. Không chỉ là bất kỳ loại đức tin nào, mà là đức tin chúng ta thủ đắc từ những gì Chúa Kitô đã đạt được cho chúng ta, đó là đức tin “chiếm lấy Nước Trời bằng sức mạnh” (Mt 11:12). Tông đồ Phaolô kết luận thư Côrintô mà chúng ta đã bắt đầu bằng những lời này:
Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô Giêsu trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự công chính, và ơn cứu chuộc của chúng ta “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.” (1 Cô 1: 30-31)
Những gì Chúa Kitô đã trở thành “cho chúng ta”, đó là sự công chính, thánh thiện, ơn cứu chuộc - thuộc về chúng ta; còn nhiều hơn là nếu chúng ta đã tự mình đạt được! Tôi không bao giờ mệt mỏi nhắc lặp lại những gì Thánh Bernard đã viết về điều này:
Tôi tự tin nhận lấy cho mình (thậm chí đoạt lấy!) những gì tôi thiếu từ lòng tràn đầy thương xót của Chúa.... Công đức của tôi, do đó, đến từ lòng thương xót của Chúa. Tôi chắc chắn sẽ không thiếu công đức chừng nào Chúa không thiếu lòng thương xót. Nếu lòng thương xót của Chúa dồi dào, thì tôi được phong phú về công đức.... Có lẽ tôi sẽ hát về sự công chính của tôi chăng? “Lạy Chúa, chỉ mình Ngài chính trực công minh”. [Xem Tv 71:16]. Đó cũng là sự công chính của con, vì kìa, Chúa đã trở thành cho con sự công chính đến từ Thiên Chúa [xin xem 1 Cô 1:30][7].
Chúng ta không nên để Phục Sinh trôi qua mà không thực hiện, hoặc đổi mới, một cú thay đổi táo bạo đời sống Kitô hữu được đề xuất cho chúng ta bởi Thánh Bernard. Thánh Phaolô thường khuyến khích các Kitô hữu “cởi bỏ con người cũ của mình” và “mặc lấy Chúa Kitô” [8]. Hình ảnh cởi ra và mặc lấy không minh định một tiến trình đơn thuần là khổ hạnh, bao gồm việc từ bỏ một số “quần áo” nhất định, và thay vào đó bằng những quần áo mới, nghĩa là, từ bỏ những tính hư nết xấu và đạt đến những phẩm hạnh. Nhưng, trên hết, đó là một tiến trình được thực hiện thông qua đức tin. Một người nào đó đến trước một cây thánh giá và, như một hành động của đức tin, trao lại cho Chúa Kitô tất cả tội lỗi của mình, tất cả những rắc rối trong quá khứ và hiện tại, giống như một người nào đó cởi bỏ quần áo cũ và ném những miếng giẻ bẩn thỉu đó vào lửa. Sau đó, mặc quần áo lại nhưng với sự công chính mà Chúa Kitô giành được cho chúng ta và nói, giống như người thu thuế trong đền thờ “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” và người đó về nhà “được công chính hóa” (xem Lc 18: 13-14). Đó sẽ thực sự là “cử hành lễ Vượt qua”, khi thực hiện “hành trình băng qua” thánh thiện này!
Lẽ tự nhiên, không phải mọi thứ kết thúc ở đây. Từ chiếm hữu được chúng ta cần chuyển sang bắt chước. Như triết gia Søren Kierkegaard đã chỉ ra cho những người bạn Luther của mình, Chúa Kitô không chỉ là “ân sủng của Thiên Chúa để chấp nhận thông qua đức tin”, mà Ngài còn là “gương mẫu để chúng ta bắt chước trong cuộc sống” [9]. Tôi muốn nhấn mạnh một điểm cụ thể là chúng ta hãy tìm kiếm việc bắt chước cách hành động của Chúa, đó là điểm được được Cabasilas làm nổi bật khi phân biệt giữa một tình yêu nhằm thủ lợi và một tình yêu đau khổ.
Trong kỳ công sáng tạo của Ngài, Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu của Người dành cho chúng ta bằng cách lấp đầy chúng ta với những ân sủng: bên ngoài chúng ta, đó là thiên nhiên tráng lệ, và bên trong chúng ta là tất cả những ân sủng khác: trí thông minh, trí nhớ, tự do. Nhưng điều đó vẫn không đủ đối với Người. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa muốn chịu đau khổ với chúng ta và cho chúng ta. Một cái gì đó tương tự đã xảy ra sau đó trong mối quan hệ giữa các tạo vật. Khi tình yêu nảy nở, người ta ngay lập tức cảm thấy cần phải thể hiện điều đó bằng cách tặng quà cho người mình yêu. Đó là những gì các cặp đính hôn với nhau thường làm. Tuy nhiên, chúng ta biết điều gì xảy ra tiếp theo: sau khi họ kết hôn, những hạn chế, khó khăn và những dị biệt tính tình bộc lộ ra. Tặng quà không còn đủ nữa; để tiến lên và giữ cho cuộc hôn nhân được tồn tại, cặp vợ chồng cần phải học cách “gánh chịu những gánh nặng của nhau” (Gal 6: 2), để chịu đựng với và cho người phối ngẫu. Đây là cách eros [tình ái], không nhạt dần, trở thành agape, tình yêu tự hiến chứ không chỉ là tình yêu vì cần thiết. Đức Bênêđíctô XVI, trong thông điệp đã được trích dẫn, diễn đạt như thế này:
Cho dù khởi đầu eros còn mang tính chất ham muốn và vươn lên - hấp dẫn vì hứa hẹn hạnh phúc – nhưng khi đến với người khác, con người sẽ không luôn hướng về mình, mà luôn ước muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, luôn chăm sóc đến họ, tự hiến chính mình và muốn hiện diện cho họ. Đó là lúc agape xen vào trong họ, nếu không như thế, con người sẽ bị hụt hẫng và đánh mất chính bản chất của mình. Ngược lại, con người không còn khả năng sống đơn thuần trong tình yêu ban tặng và đi xuống. Con người không thể cho mãi, họ cũng phải đón nhận. Ai muốn ban tặng tình yêu thì chính họ cũng được lãnh nhận tình yêu. (số 7)
Việc bắt chước cách hành động của Chúa không chỉ áp dụng cho hôn nhân và các cặp vợ chồng; theo một nghĩa khác, nó áp dụng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những tu sĩ tận hiến chúng ta. Tiến bộ, trong trường hợp của chúng ta, bao gồm việc tránh xa việc làm quá nhiều việc cho Chúa Kitô và Giáo hội để có thể chịu đau khổ vì Chúa Kitô và Giáo hội. Những gì xảy ra trong đời sống tu trì là những gì xảy ra trong hôn nhân, và chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này, vì đời sống tu trì cũng liên quan đến một cuộc hôn nhân: đó là cuộc hôn nhân với Chúa Kitô.
Có lần Mẹ Teresa ở Calcutta đang nói chuyện với một nhóm phụ nữ và khuyên họ mỉm cười với chồng. Một người trong số họ phản đối: “Mẹ à, Mẹ nói thế vì Mẹ chưa từng kết hôn và Mẹ chẳng biết gì về chồng con”. Mẹ Teresa đã trả lời bà ấy “Bạn đã nhầm. Tôi cũng đã kết hôn và tôi bảo đảm với bạn rằng đôi khi tôi cũng không dễ dàng mỉm cười với người phối ngẫu của mình.” Sau khi Mẹ Teresa qua đời, mọi người phát hiện ra vị thánh này muốn ám chỉ điều gì trong những lời này. Khi theo đuổi ơn gọi phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo, Mẹ đã thực hiện công việc của mình với sự nhiệt tình dành cho Người phối ngẫu thiêng liêng của Mẹ, thiết lập các công trình gây kinh ngạc cho cả thế giới.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, niềm vui và sự nhiệt tình nhạt dần, và Mẹ chìm vào một đêm tối theo đuổi Mẹ đến hết cuộc đời. Mẹ đâm ra nghi ngờ liệu mình còn có đức tin hay không, đến nỗi khi nhật ký riêng của Mẹ được xuất bản sau khi chết, một người nào đó hoàn toàn không biết gì về những vấn đề tâm linh, thậm chí đã nói về “sự vô thần của Mẹ Teresa”. Sự thánh thiện ngoại thường của Mẹ Teresa nằm trong thực tế rằng Mẹ đã sống theo cách này trong sự im lặng tuyệt đối với mọi người, che giấu sự hoang vắng bên trong của mình bằng một nụ cười không thay đổi. Ở Mẹ chúng ta thấy ý nghĩa của việc đi từ làm những điều cho Chúa đến việc đau khổ cho Chúa và cho Giáo hội.
Đó là một mục tiêu khá khó khăn, nhưng may mắn thay, Chúa Giêsu không những đã chỉ ra cho chúng ta ví dụ về loại tình yêu mới này trên thập giá; mà Ngài còn ban ân sủng cho chúng ta để biến nó thành của riêng chúng ta, để chiếm hữu nó thông qua đức tin và các bí tích. Do đó, trong Tuần Thánh, tiếng kêu của Giáo hội phát ra từ con tim của chúng ta: “Adoramus te, Christe, et benedicimus tibi, quia per sanctam crucem tuam redemisti mundum.” Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.
Kính chúc Đức Thánh Cha, các vị lãnh đạo đáng kính và anh chị em một lễ Phục sinh vui vẻ và thánh thiện!
1. Xem Martin Luther, On the Bondage of the Will [De servo arbitrario], trans. J. I. Packer and O. R. Johnston (Grand Rapids: Baker Academic, 2012), trang 101ff; xem WA, 18, trang 633, và WA 56, các trang 392, 446-447.
2. Karl Barth, Church Dogmatics, Vol. 4, Part 2: The Doctrine of Reconciliation, trans. Thomas Forsythe Torrance (New York: T & T Clark, 2004), p. 736. The incompatibility of human love and divine love is the theme of Anders Nygren, Agape and Eros, trans. Philip S. Watson (Philadelphia: Westminster Press, 1953), original Swedish, Eros och Agape, 1930.
3. Benedict XVI, Deus caritas est, nos. 7-8.
4. Nicholas Cabasilas, The Life in Christ, VI, 3, trans. Carmino J. DeCatanzaro (Crestwood, NY: St. Vladimir’s Seminary Press, 1974), trang 163.
5. Henri de Lubac, History and Spirit: The Understanding of Scripture by Origen, trans. Anne Englund Nash (San Francisco: Ignatius Press, 2007), trang 277.
6. Joseph Ratzinger [Benedict XVI], Jesus of Nazareth, Part II (San Francisco: Ignatius Press, 2011), trang 133.
7. St. Bernard of Clairvaux, Bài giảng về Diễm Tình Ca, 61, 4-5 (PL 183, 1072).
8. xem Col 3:9; Rom 13:14; Gal 3:27; Eph 4:24.
9. Søren Kierkegaard, Diary X1, A, 154 (1849).
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/249814.htm