Trang chủ

Sonntag, April 14, 2019

Bài giảng Lễ Lá 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô

J.B. Đặng Minh An dịch
14/Apr/2019
Sáng Chúa Nhật 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo. 
Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này cũng là ngày Giới Trẻ Thế Giới được cử hành ở cấp giáo phận.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Những lời tung hô đầy hân hoan khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, đã được tiếp nối với sự sỉ nhục của Ngài. Tiếng reo hò lễ hội được nối tiếp bằng sự tra tấn tàn bạo. Mầu nhiệm hai mặt này đồng hành với chúng ta hàng năm khi chúng ta bước vào Tuần Thánh, như được phản ảnh trong hai khoảnh khắc đặc thù cho buổi lễ hôm nay: đó là cuộc rước lá khởi đầu và sau đó là việc tuyên đọc long trọng bài Thương Khó.

Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và để có thể nhận được ân sủng mà chúng ta đã cầu xin trong lời cầu nguyện mở đầu, chúng ta hãy tiến vào diễn biến này, hãy dõi theo trong đức tin gương khiêm nhường của Đấng Cứu Độ chúng ta, hãy chú ý đến bài học về sự đau khổ kiên nhẫn của Ngài, để có thể chia sẻ chiến thắng của Ngài trên quyền lực của sự ác.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách đối diện với những giây phút khó khăn và những cám dỗ quỷ quyệt nhất bằng cách giữ gìn trong tâm hồn chúng ta một sự bình yên không phải là sự thờ ơ không màng thế sự hay một sự trầm tĩnh siêu phàm, nhưng là sự phó thác cậy trông mọi sự cho Chúa Cha và cho thánh ý cứu độ luôn trao ban sự sống và lòng thương xót của Người. Chúa chỉ cho chúng ta thấy sự phó thác này bằng cách từ khước, tại mọi thời điểm trong sứ vụ nơi dương thế của Ngài, cám dỗ muốn làm mọi việc theo cách riêng của mình mà không hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Từ kinh nghiệm trong bốn mươi ngày của Ngài trên sa mạc cho đến đỉnh điểm của Cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã từ khước cám dỗ này bằng sự tin tưởng vâng lời của Người nơi Chúa Cha.

Hôm nay cũng vậy, khi tiến vào Giêrusalem, Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy đường lối này. Vì trong sự kiện đó, ma quỷ, hoàng tử của thế gian này, có một lá bài lật ngửa trên tay áo nó: đó là lá bài của chủ nghĩa vênh vang chiến thắng. Tuy nhiên, Chúa đã đáp lại bằng cách giữ vững đường lối riêng của Ngài, đường lối khiêm nhường. 

Chủ nghĩa vênh vang chiến thắng cố gắng đạt được mục tiêu bằng các con đường tắt và các thỏa hiệp sai trái. Nó muốn nhảy lên xe ngựa của người thắng trận. Nó sống bằng những cử chỉ và lời nói không được trui rèn trong thử thách của thập giá; nó phát triển bằng cách nhìn người khác và liên tục đánh giá họ thấp kém, ham muốn, thất bại. .. Một hình thức tinh tế của chủ nghĩa vênh vang chiến thắng là tinh thần thế gian trong tâm linh, tiêu biểu cho mối nguy hiểm lớn nhất, cho cám dỗ quỷ quyệt nhất đang đe dọa Giáo hội (De Lubac). Chúa Giêsu đã phá hủy chủ nghĩa vênh vang chiến thắng bằng cuộc Thương Khó của Ngài.

Chúa thực sự vui mừng với mọi người, với những người trẻ tuổi đã hô vang tên Ngài và tuyên dương Ngài là Vua và là Đấng Thiên Sai. Trái tim Ngài vui mừng trước nhiệt tình và sự phấn khích của người nghèo Israel. Ngài quá vui đến nỗi khi những người Pharisêu yêu cầu Ngài quở trách các môn đệ vì những lời tung hô chói tai của họ, Ngài đã trả lời: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” ( Lc 19,40). Khiêm tốn không có nghĩa là chối bỏ hiện thực: Chúa Giêsu thực sự là Đấng Thiên Sai, là Vua.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, trái tim của Chúa Giêsu đang di chuyển trên một con đường khác, trên con đường thiêng liêng mà chỉ mình Người và Cha trên trời biết mà thôi: đó là con đường dẫn từ “địa vị Thiên Chúa” đến “địa vị của một người tôi tớ”, con đường tự hạ mình phát sinh từ “sự vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” ( Phil 2: 6-8). Ngài biết rằng chiến thắng thực sự liên quan đến việc có chỗ trong lòng mình cho Chúavà rằng con đường duy nhất để làm điều đó là tự trút bỏ chính mình, tự hủy chính mình, im lặng, cầu nguyện, và chấp nhận sự sỉ nhục. Không có sự thương lượng với thập giá: hoặc là ta chấp nhận nó hoặc là ta từ chối nó. Khi tự hạ mình, Chúa Giêsu muốn mở ra cho chúng ta con đường đức tin và đi trước chúng ta trên con đường đó.

Người đầu tiên đi theo Ngài trên con đường đó là mẹ Ngài, Đức Maria, môn đệ đầu tiên của Chúa. Đức Trinh Nữ Maria và các thánh phải chịu nhiều đau khổ khi đi trên con đường đức tin và vâng phục thánh ý Chúa. Đáp lại với đức tin trước những sự kiện khắc nghiệt và đau đớn của cuộc sống dẫn đến một “sự nặng nề đặc biệt nơi con tim” (x. Redeemoris Mater, 17). Đó là đêm đen đức tin. Tuy nhiên, chỉ từ đêm đó, chúng ta mới thấy bình minh của sự phục sinh ló dạng. Dưới chân thập giá, Đức Maria lại nghĩ thêm một lần nữa những lời mà thiên thần đã nói về Con Mẹ: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”( Lc 1: 32-33). Trên đồi Golgotha, Đức Maria phải đối mặt với một sự phủ nhận hoàn toàn lời hứa đó: Con Mẹ đang hấp hối trên thập tự giá như một tên tội phạm. Bằng cách này, chủ nghĩa vênh vang chiến thắng, bị phá hủy bởi sự tự hạ mình của Chúa Giêsu, cũng bị phá hủy tương tự như thế trong trái tim của Mẹ Ngài. Cả hai đều giữ im lặng.

Theo bước chân của Đức Maria, vô số những người nam nữ thánh thiện đã theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và vâng lời này. Hôm nay, Ngày Giới trẻ Thế giới, tôi muốn đề cập đến tất cả những vị thánh trẻ tuổi đó, đặc biệt là các vị thánh “bên cạnh nhà” chúng ta, mà chỉ Chúa biết; và đôi khi Ngài thích làm chúng ta ngạc nhiên với các vị này. Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ khi thể hiện sự nhiệt tình của các bạn đối với Chúa Giêsu, hãy hét lên rằng Ngài vẫn sống và Ngài là cuộc sống của các bạn. Tuy nhiên, đồng thời, đừng ngại đi theo Ngài trên con đường thập giá. Khi các bạn nghe rằng Ngài đang yêu cầu các bạn từ bỏ chính mình, để cho mình bị tước mất mọi thứ an ninh, và giao phó hoàn toàn bản thân cho Cha của chúng ta trên thiên đàng, thì hãy vui mừng và hân hoan! Các bạn đang trên con đường đến Nước Thiên Chúa.

Những tiếng tung hô hân hoan và sự tra tấn tàn bạo; sự im lặng của Chúa Giêsu trong suốt Cuộc Khổ Nạn của Người gây ấn tượng vô cùng sâu sắc. Chúa cũng đã vượt qua được cám dỗ đáp trả, cám dỗ hành động như một “siêu sao”. Trong những khoảnh khắc của bóng tối và đại nạn, chúng ta cần giữ im lặng, cần tìm can đảm để không nói, miễn là sự im lặng của chúng ta hiền lành và không đầy giận dữ. Sự hiền lành của im lặng sẽ khiến chúng ta dường như yếu đuối hơn, khiêm tốn hơn. Khi đó, ma quỷ sẽ thu hết can đảm và chường mặt ra. Chúng ta phải chống lại nó trong im lặng, giữ vững quan điểm của mình, nhưng với thái độ giống như Chúa Giêsu. Ngài biết rằng trận chiến là giữa Thiên Chúa và hoàng tử của thế gian, và điều quan trọng không phải là đặt tay lên thanh kiếm mà phải là vững vàng trong đức tin. Đó là giờ của Chúa. Đến giờ Chúa đến để chiến đấu, chúng ta phải lui xuống nhường lại cho Chúa hành động. Nơi an toàn của chúng ta sẽ là ở dưới lớp áo của Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Trong khi chúng ta chờ đợi Chúa đến và làm dịu các cơn bão (x Mt 4: 37-41), bằng các chứng tá thầm lặng trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể trả lời cho chính mình và bất cứ “ai chất vấn về niềm hy vọng của [chúng ta]” (1 Pr 3:15). Điều này sẽ giúp chúng ta vượt qua được những căng thẳng thiêng liêng giữa ký ức về những lời đã được phán hứa, và những đau khổ hiện nay trên thập giá, và hy vọng về sự phục sinh.