Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (16)
Vũ Văn An6/20/2016V. Các Suy Nghĩ Của Hệ Thống (tiếp theo)
4. Ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa
Sau khi đã vượt qua di sản nặng nề mà Thánh Augustinô đã để lại cho thần học và lòng đạo Tây Phương qua học thuyết của ngài về tiền định, nay ta phải nêu câu hỏi mà, theo Kant, có thể tóm lược mọi câu hỏi của con người: Ta có thể hy vọng được điều gì? (85). Đây là câu hỏi mà câu trả lời sẽ quyết định vấn đề ý nghĩa hay vô nghĩa của đời người.
Câu trả lời của đức tin Kitô Giáo cho câu hỏi trên không thể là: đời ta cuối cùng sẽ tàn lụi, y hệt bông hoa héo tàn và y hệt giọt nước bốc hơi. Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu đã chọn lựa chúng ta bằng một hành vi thương xót tinh tuyền, mời gọi ta vào sự sống, và nhờ việc Chúa Giêsu Kitô hiến mạng sống của Người cho ta trên thập giá, là tình yêu dứt khoát và không thể chấm dứt với sự chết. Dĩ nhiên, câu trả lời cũng không thể chờ mong ở một kết cục có hậu (happy ending) theo nghĩa “mọi sự sẽ đâu vào đấy”. Chính trong lòng thương xót, Thiên Chúa coi trọng ta. Người không muốn phục kích con người tử sinh chúng ta hay qua mặt sự tự do của chúng ta. Số phận đời đời của chúng ta tùy thuộc quyết định của chúng ta và đáp ứng của chúng ta đối với lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Tình yêu có thể tán tỉnh người khác và hằng muốn tán tỉnh người khác, nhưng nó không thể và cũng không muốn ép buộc người yêu phải đáp ứng. Bởi thế, tình yêu Thiên Chúa muốn có qua có lại, nhưng con người có thể làm ngơ nó hay từ khước nó. Vì ta đã được dựng nên cho tình yêu của Thiên Chúa, nên việc từ khước nó có nghĩa con người tự bác bỏ chính mình và, do đó, là nỗi bất hạnh hoàn toàn của họ. Nói theo thần học, việc từ khước tình yêu Thiên Chúa hàm nghĩa việc mất hạnh phúc đời đời. Điều này chứng minh sự nghiêm trọng của đời sống và sự nghiêm trọng của tự do. Quyết định về đời sống của ta là một quyết định có tính sống chết.
Như thế, câu hỏi, “ta xó thể hy vọng được điều gì?” không cho phép bất cứ câu trả lời đơn giản nào. Ngay câu trả lời ta có thể rút ra từ Thánh Kinh và Thánh Truyền cũng không nhất trí. Trong Thánh Kinh, ta thấy hai loại phát biểu khác nhau, mà thoạt nhìn, tưởng là không thể nào hòa giải được.
Một đàng, câu phát biểu rõ ràng và không hề mơ hồ là: trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (1Tm 2:3). Về phần Người, Chúa Giêsu nói rằng Người đến thế gian, không phải để phán xét con người, mà là để cứu độ họ (Ga 12:47). Và Người hứa: “Còn Tôi, khi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12:32). Tiếp nhận sứ điệp này, Thánh Phaolô diễn tả nó thành một hình thức thánh ca. Về Chúa được hiển dương, ngài nói rằng khi nghe tên Chúa Giêsu, mọi đầu gối phải qùy lạy, trên trời, dưới đất và cả dưới lòng đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng “Chúa Giêsu Kitô là Chúa Tể, vì vinh quang Thiên Chúa Cha” (Pl 2:10f.) Trong Người, Thiên Chúa muốn giảng hòa mọi sự trên trời và dưới đất (Cl 1:20). Qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn là mọi sự trong mọi sự cho đến cùng (1Cr 15:27f.; xem Rm 11:32) và Người muốn tụ họp và kết hợp mọi sự trên trời và dưới đất (Ep 1:4f., 10). Thánh Irênê thành Lyon đã tiếp nhận ý tưởng vừa nói và khai triển nó một cách có hệ thống. Ngài nói tới việc tóm lược và đạt tới tuyệt đỉnh của mọi sự trong lịch sử con người, đúng ra là lịch sử của vũ trụ, dưới và trong Chúa Giêsu Kitô như là đầu của mọi thực tại (ἀναϰεφαλαίωσις) (86).
Phải nhận rằng, với sứ điệp của nó về phán xét, Thánh Kinh đã đưa ra một loạt câu tuyên bố thứ hai và khác hẳn. Có nhiều bằng chứng để hỗ trợ cho điều này đến nỗi ta không thể bỏ qua nó hay tái giải thích nó một cách lôi cuốn hơn được (87). Trong Cựu Ước, sự đe dọa đã bắt đầu với việc trừng phạt ngay trong địa đàng: “Nhưng về cây biết lành biết dữ , các ngươi không được ăn, vì ngày nào các ngươi ăn nó, các ngươi sẽ phải chết” (St 2:17). Sự đe dọa phán xét này xuyên suốt các sách trình thuật (đuổi khỏi địa đàng, hồng thủy, Sôđôm và Gômôra…). Nó cũng thường được nhắc tới trong các Thánh Vịnh, nơi nó được phát biểu thế này: “Người phán xét thế giới một cách chính trực; Người phán xử các dân tộc cách công bằng” (Tv 9:8). Các tiên tri nói đến “ngày của Chúa” như là ngày phán xử (Am 5:18ff.; Is 13; 34; 66:15f.; Ed 7; v.v…). Văn chương khôn ngoan cũng đầy các ý tưởng về phán xử (Kn 1-5, v.v…). Chúa Giêsu và Tân Ước cũng đứng trong truyền thống tiên tri này. Nó bắt đầu với Thánh Gioan Tẩy Giả (Mt 3:7-12) và với chính Chúa Giêsu (Mt 8:11f.; 11:21-24; 12:41f.; v.v…). Thí dụ rõ rệt nhất là lời Chúa Giêsu nói về Phán Xét Sau Cùng, theo đó, những ai tỏ lòng thương xót đối với người nghèo, người túng thiếu, và người chịu bách hại đều được hứa ban Nước Thiên Chúa, trong khi những ai hành động thiếu lòng thương xót đều phải chịu án phạt đời đời (Mt 25:31-46). Ở đấy, có nói tới lửa đời đời đã chuẩn bị sẵn cho ma qủy và các thiên thần của nó (Mt 25:41). Thánh Phaolô cũng nói tới ngày thịnh nộ (Rm 2:5) và tới việc thưởng phạt dành cho người tốt và người xấu (2Cr 5:10; 2Tx 1:5-10).
Sau cùng, các phát biểu có tính khải huyền của cả Cựu lẫn Tân Ước (Đn 2:28-49; 1Cr 15:23-28; Kh 7-9; 14-18;v.v…) không thể nào làm ngơ được, dù chúng cần được giải thích cẩn thận. Trong tất cả các tuyên bố này, không thấy nói tới việc cứu chuộc cánh chung của mọi người; đúng hơn, ta nghe nói tới sự phán xét cánh chung.
Các tuyên bố của Thánh Kinh về phán xét có một lịch sử về hậu quả có ý nghĩa lâu dài, và cũng đa dạng một cách phong phú (88). Tuyên bố của Kinh Tin Kính là điều căn bản: “Người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết” (89). Ta cũng có thể nghĩ đến rất nhiều mô tả về phán xét và hoả ngục trong nghệ thuật Kitô Giáo. Mô tả thời danh hơn cả là bức tranh huy hoàng của Michelangelo về Phán Xét Chung ở Nhà Nguyện Sistine. Các suy niệm về hỏa ngục, các bài giảng về hỏa ngục, và nỗi sợ hỏa ngục đóng một vai trò đôi chút có vấn đề trong lịch sử lòng đạo. Nhiều nhà giảng thuyết quả đã tìm cách làm cho người ta cảm thấy sức nóng của hỏa ngục, gây nơi họ niềm sợ hãi hỏa ngục.
Ngày nay, những bài giảng như thế về hỏa ngục hoạ hiếm mới nghe thấy. Một sự thay đổi não trạng theo hướng khác đã diễn ra, nhưng nó cũng có vấn đề không kém. Sợ cho phần rỗi của mình, như nỗi sợ từng ám ảnh chàng tuổi trẻ Luther, hiện nay khá hiếm. Sợ hỏa ngục thường đã nhường bước cho tâm thức lạc quan tếu về cứu độ. Nhiều người ngày nay cho rằng “tất cả rồi sẽ tốt đẹp cả thôi”. “Thiên Chúa thân mến” của chúng ta, vì lòng thương xót, chắc chắn không thể để người ta phải trầm luân đời đời ở trong hỏa ngục. Cái thứ tâm tư này từng biến thành bài hát tếu táo: “Tất cả chúng ta đều lên, tất cả đều lên thiên đàng…” Nhưng ta càng phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về tình liên đới (hiệp thông) nhân bản và Kitô Giáo. Ngày nay, nhiều người cho rằng tình liên đới hình như chỉ để ngăn ta đừng nghĩ tới đau khổ đời đời trong hỏa ngục. Cuối cùng, vấn đề thần học cần được đặt ra là: Sứ điệp trung tâm của Thánh Kinh về lòng thương xót há đã không thực sự bị sứ điệp hỏa ngục biến thành vô giá trị đó sao? Làm thế nào Chúa Giêsu lại có thể đọa đầy đời đời kiếp kiếp những kẻ mà vì họ Người đã chết trên thập giá? Không thể nào có chuyện ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa lại bị gặp giới hạn và, cuối cùng, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa lại thất bại được. Ta phải đặt câu hỏi: vì lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta há không có bổn phận phải bác bỏ ý tưởng trầm luân đời đời hay sao?
Sự thay đổi não trạng nói trên kéo theo sự thay đổi về tầm quan trọng đối với loạt câu tuyên bố thứ nhất của Sách Thánh. Nó cũng có nghĩa: giáo huấn về apokatastasis, tức việc cứu chuộc và hòa giải mọi người, lại một lần nữa trở thành thời sự (90). Xét theo quan điểm hoàn toàn ngữ học, hạn từ apokatastasis có ý nói tới đọan Công Vụ 3:21. Tại đó, ta thấy nhắc tới ἀποκατάστασις, tức việc mọi thực tại sẽ được phục hồi. Thực ra, đoạn này trong Công Vụ chắc chắn ít có hay không liên hệ gì tới việc suy đoán từng được gán cho ý niệm này. Qua kiểu nói này, một sơ đồ vũ trụ học cổ xưa đã được thừa nhận, nói tới việc mọi thực tại, xét về cánh chung, sẽ trở về với nguyên cội thánh thiêng của chúng và do đó dạy ta việc phục hồi cánh chung của mọi thực tại. Theo Thánh Kinh, sơ đồ này không còn được hiểu theo nghĩa vòng tròn nữa, mà chỉ có thể được hiểu theo nghĩa đường thẳng hơn, tức là, như việc nên trọn về cánh chung của lịch sử lời hứa của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai nghĩa này không thể tách biệt một cách rõ rệt. Nơi các đại giáo phụ (Irênê, Origen, Grêgôriô thành Nazianzus, Grêgôriô thành Nyssa, Maximô Hiển Tu) cả hai nghĩa này chồng chéo lên nhau. Ngay Thánh Tôma Aquinô cũng đã tiếp nhận sơ đồ exitus-reditus (xuất-hồi, ra đi-trở về) và tái lên khuôn nó theo lịch sử cứu độ (91). Vì, một sơ đồ hoàn toàn vòng tròn là điều xa lạ đối với Thánh Kinh. Đối với Thánh Kinh, vấn đề không phải là cái hiểu vòng tròn về lịch sử vũ trụ, mà là lời tuyên bố rằng thời tận cùng sẽ là thời hoàn thiện vượt bực của việc sáng thế nguyên khởi và do đó phát sinh ra tân sáng thế.
Cuộc bàn luận về apokatastasis đã dẫn một số nhà thần học tới chỗ kết luận rằng: cuối cùng, mọi người, cả những người vô thần và ngay cả những người có tinh thần xấu xa, cũng sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Thiên Chúa, một hạnh phúc đã được hoàn thiện hóa và nên trọn. Lời dậy này thường được gán cho nhà thần học Hy Lạp vĩ đại là Origen (92). Và nguyên con như thế, nó đã bị kết án bởi hoàng đế Justinian vào năm 543 CN (93). Tuy nhiên, nếu bạn đọc lời phát biểu của Origen trong ngữ cảnh của nó và xét tới tính thận trọng trong lúc phát biểu các lời này, bạn sẽ hoài nghi không biết việc kết án này có thực sự nên áp dụng vào ông hay không (94). Các giáo phụ khác, như Grêgoriô thành Myssa và Maximô Hiển Tu, cũng có lập trường tương tự như Origen nhưng không vì thế mà bị kết án. Học lý về tính đời đời của hình phạt hỏa ngục đã được xác nhận dứt khóat trong giáo huấn của Giáo Hội, chủ yếu do ảnh hưởng của Thánh Gioan Kim Khẩu và của Thánh Augustinô (95).
Tuy thế, học lý apokatastasis vẫn tiếp tục gây chú ý lớn lao. Nó được tìm thấy nơi một số hình thức huyền nhiệm, dù rất khác nhau. Ít nhất Friedrich Schleiermacher, Ernst Troeltsch, và Karl Barth đã xem xét nó một cách nghiêm túc. Dựa trên thái độ lạc quan tếu hiện nay về ơn cứu độ, học lý này thường gây được tiếng vang, hoặc minh nhiên hoặc mặc nhiên, như một thứ giả thiết nền tảng. Johann Baptist Metz có lý khi cảnh báo nền thần học hiện nay về giả thiết này. Xét cho cùng, theo ông, lý thuyết này không làm cho Kitô Giáo trở nên nhân đức hơn; đúng hơn, nó làm cho tôn giáo này trở thành hời hợt hơn (96). Cái hiểu hời hợt về lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chỉ mâu thuẫn với đức công lý và sự thánh thiện của Người. Nó chẳng có chi liên quan hơn đối với thực tại khó khăn, lạnh lùng của thập giá. Một chủ nghĩa lạc quan kiểu trưởng giả, thứ lạc quan hạ giá tính nghiêm trọng của trách nhiệm và tội lệ con người, chỉ tổ bào chữa cho kẻ làm điều xấu và phạm bất công mới đối với các nạn nhân. Với họ, phán xét không phải là một sứ điệp để sợ nhưng là một sứ điệp để hy vọng. Vì trước tòa phán xét, mọi mặt nạ đều phải rơi xuống, mọi người đều bình đẳng, và công lý sẽ được cân đo cho mọi người.
Như thế, hai nhóm câu quả quyết trong Sách Thánh đã dẫn tới hai lập trường cực đoan: một đàng là massa damnata (bị trầm luân hàng loạt), và đàng kia là cứu chuộc tất cả. Việc này thách thức ta với câu hỏi: liệu ta có thể tìm được cách thoát khỏi tình thế khó khăn này và tìm được một giải pháp tránh được cả hai cực đoan này hay không.
Hans Urs von Balthasar đã nhận diện được một con đường, giả thiết có thể dẫn ta vào một lộ trình giữa Origen và Thánh Augustinô. Đề xuất của ngài đã được khá nhiều nhà thần học tiếp nhận một cách tích cực, nhưng cũng bị gay gắt chỉ trích bởi các nhà thần học khác (97). Gợi ý của ngài thường bị rút ngắn vào công thức sau: có hỏa ngục nhưng hỏa ngục không có ai. Đây chỉ là lối giải thích nhạt nhẽo và sáo rỗng luồng tư tưởng rất có tham vọng của Balthasar, một lối giải thích loại bỏ mọi tính nghiêm túc hiện sinh của vấn đề, dù sao vẫn là quan tâm chính của ngài. Với những cái hiểu vô vị như thế, ý định của ngài đã bị xuyên tạc trở thành điều hoàn toàn trái ngược.
Theo von Balthasar, trong Thánh Kinh, ta xử lý với hai nhóm câu quả quyết khác nhau, cả hai cần được nghiêm chỉnh xem xét và không thể bị biến mất trong một tổng hợp ngắn gọn, cao hơn. Theo ngài, ta chỉ có thể thực hiện được tiến bộ nếu ta chịu xem xét thể văn của cả hai loại quả quyết ấy. Trong cả hai trường hợp, ta thực sự không xử lý với một tường thuật có tính đoán trước về điều sẽ xẩy ra ở tận cùng thời gian. Các câu quả quyết về ơn cứu độ phổ quát là những câu hy vọng cho mọi người, nhưng chúng không phải là những câu quả quyết nói về việc cứu độ thực sự của mọi cá nhân. Ngược lại, các câu quả quyết về phán xét và các câu nói về hỏa ngục không có ý nói rằng bất cứ cá nhân nào hay đa số nhân loại thực sự phải chịu hình phạt hỏa ngục. Mạc khải không nhận diện sự trầm luân đời đời của bất cứ cá nhân cụ thể nào; và Giáo Hội chưa bao giờ dạy, một cách bắt buộc về phương diện tín điều, rằng một con người nhân bản đặc thù nào đó đã bị trầm luân đời đời. Ta không thể nói chắc chắn điều ấy về cả Giuđa, dù người này đã phản bội Chúa Giêsu và sau đó tự phán xét mình bằng cách treo cổ (98).
Với cả hai loại câu quả quyết này, ta đều xử lý với những lối phát biểu vượt quá lãnh vực trải nghiệm trần thế, lệ thuộc không gian và thời gian của ta. Ta đang xử lý với những lối phát biểu giới hạn, không nhằm đưa ra một bức tranh cụ thể, hiện thực. Chúng không cung cấp các tín liệu khách quan. Chúng không quan tâm tới việc đưa ra các quả quyết có tính sự kiện, mà đúng hơn quan tâm tới việc kêu gọi người ta đưa ra một quyết định. Một đàng, chúng quan tâm tới việc khuyến khích người ta tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa; đàng khác, chúng quan tâm tới việc khẩn thiết kêu gọi họ hóan cải. Như thế, các phát biểu về hỏa ngục là lời cảnh cáo, nhằm khuyên răn ta ăn năn. Chúng đặt hỏa ngục trước mắt ta như một khả thể có thực chất; chúng có ý định quả quyết rằng việc sa phạm đời đời và việc hoàn toàn để mất trọng điểm đời người là một khả thể có thực chất.
Cả hai loại câu quả quyết này đều muốn được coi trọng. Dù Thiên Chúa mong muốn mọi người được cứu rỗi, nhưng Người không muốn có điều này nếu không có sự tham dự của họ. Ta thấy Thánh Irênê từng viết rằng “Vinh quang Thiên Chúa là con người nhân bản sống động” (99). Trong lời kêu gọi hóan cải và tiếp nhận đức tin, ta đương đầu với một quyết định sống chết. Cũng có khả thể có sự thất bại đời đời thực sự nữa. “Hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ… tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được chúc phúc hay bị nguyền rủa” (Đnl 30: 15, 19). Thánh Phaolô khuyên răn ta cố gắng đạt ơn cứu độ bằng thái độ sợ hãi và run rẩy. “Vì chính Thiên Chúa tác động nơi anh em, giúp anh em vừa muốn vừa hành động để làm vui lòng Người” (Pl 2:12f). Sợ hãi và run rẩy không có ý nói tới lòng xao xuyến vì hỏa ngục, nhưng có ý nói tới hành động của Thiên Chúa nơi ta và ta nên để Người tác động nơi ta và qua ta.
Do đó, cả chủ nghĩa lạc quan rẻ tiền lẫn chủ nghĩa bi quan sợ hỏa ngục về ơn cứu độ đều không đúng đối với các câu qua quyết của Thánh Kinh. Ta không thể giải thích các câu đầy hy vọng về ơn cứu độ phổ quát theo nghĩa của học lý apokatastasis như là sự hiểu biết chân thực (factual) rằng mọi cá nhân đều thực sự được cứu chuộc, và ta cũng không thể diễn dịch việc trầm luân đời đời thực sự của các con người cá thể hoặc sự trầm luân của đa số nhân loại từ những câu nói đến sự đe dọa bị phán xét hay những câu nói đến khả thể hỏa ngục thực sự. Tuy nhiên, cuối cùng, ta cũng không thể đơn giản để vấn đề này lơ lửng giữa lòng thương xót cứu độ và đức công bằng đầy ải. Lời “không” có tính từ khước của con người không thể là một khả thể cũng mạnh như lời “có” vô điều kiện mà Thiên Chúa đã ngỏ với con người (100). Thực tại có trước của lòng thương xót Chúa phải là lời đầu tiên và là lời cuối cùng. Chúa Giêsu Kitô, trong tư cách thẩm phán của cả người sống lẫn người chết, quả thực, là Đấng đã chết cho mọi người trên thập giá. Ta có thể hy vọng rằng Người là vị thẩm phán nhân hậu.
Lòng thương xót của Thiên Chúa không hàm nghĩa Người qua mặt tự do của con người. Người khuyến cáo, nhưng không bắt buộc (101); Người thúc đẩy ta nhưng không áp đảo hay khuất phục ta. Vì, theo Thánh Augustinô, Chúa dựng nên bạn không cần có bạn, nhưng Người không thể làm bạn nên công chính nếu không có bạn (102). Lòng thương xót của Thiên Chúa yêu cầu trách nhiệm của con người; lòng thương xót của Thiên Chúa luôn tranh thủ trách nhiệm của con người; với việc tranh thủ này, lòng thương xót đòi một quyết định; thực vậy, trước hết, nó làm cho quyết định trở thành khả hữu. Ngay trong lãnh vực nhân bản, tự do cũng được đánh thức trong cuộc gặp gỡ với tự do của một người khác. Tất nhiên, tự do của con người chỉ có thể quyết định nên chấp nhận hay bác bỏ đề nghị ban ơn thánh của Thiên Chúa dưới sự soi sáng của đề nghị này và việc nó ban khả năng cho ta. Chỉ nhờ có đề nghị nhân hậu của Thiên Chúa và sức mạnh của đề nghị này, ta mới được khích lệ, chứ không bị áp đảo, để thưa “vâng” (103). Thánh nữ Edith Stein (Têrêxa Thánh Giá) đã cố gắng đi quá sự tương tác giữa tự do thần thánh và tự do nhân bản và đi sâu, bao xa có thể theo khả năng nhân bản của ta, vào sự ve vãn con người nhân bản của Thiên Chúa để mô tả về nó một cách sâu sắc. Bà dám nói tới việc tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã “mưu mẹo” hơn mọi con người nhân bản ra sao. Các suy tư của thánh nữ, về lý thuyết, dẫn tới khả thể mọi người được cứu độ. Tuy nhiên, biên giới vẫn còn đó: ta có thể hy vọng mọi người được cứu độ, nhưng ta không thể biết chắc mọi người được cứu rỗi trên thực tế (factually) (104). Cả tự do thần thành lẫn tự do nhân bản đều là một mầu nhiệm. Tương quan giữa chúng với nhau lại càng là một mầu nhiệm khôn dò hơn nữa, một mầu nhiệm ta không thể thấu hiểu được. Dựa vào chứng từ Thánh Kinh, câu trả lời duy nhất có thể có đối với ta là tín thác vô điều kiện vào lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa, Đấng biết đường đi nước bước, vốn khôn dò đối với ta, và là Đấng không bao giờ ngưng ve vãn con người và làm cho đáp ứng tích cực của họ trở nên lôi cuốn. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa nắm giữ khả thể mở ơn cứu độ cho mọi con người, những người, trong căn bản, biết sẵn sàng hoán cải và biết ăn năn thống hối các tội lỗi của mình, cho dù tội lỗi của họ có lớn đến đâu và cho dù cuộc sống trước đây của họ có lầm lỗi đến thế nào đi nữa.
Tín lý luyện ngục là dấu chỉ lòng thương xót và độ lượng vô biên của Thiên Chúa đối với những ai, trong căn bản và một cách dứt khoát, không cương quyết chống lại Người. Trong bối cảnh hiện thời, ta không thể đi vào lịch sử hình thành tín lý này (105). Xét cho cùng, nó bắt nguồn từ thói quen cầu nguyện cho người chết; thói quen này, ta thấy có chứng cớ trong Do Thái Giáo buổi đầu (2Mcb 12:32-46) và trong Giáo Hội cũng từ buổi đầu. Việc cầu nguyện này giả thiết khả thể thanh lọc, chuẩn bị cho việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Luyện ngục không phải là một nơi chốn và chắc chắn không phải là một trại tập trung ở bên kia thế giới dành để đền tội. Xét cho cùng, nó là một điều kiện phát sinh từ việc gặp gỡ Thiên Chúa chí thánh của ta và lửa tình yêu tinh lọc của Người, một điều kiện mà ta chỉ có thể thụ động chịu đựng và nhờ nó, ta được chuẩn bị để hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa (106). Nó là công trình hoàn toàn của lòng thương xót và, theo nghĩa này, có thể nói nó biểu tượng cho cơ hội cuối cùng được ban cho ta. Đồng thời, nó đề nghị với cộng đoàn tín hữu khả thể cầu bầu trước Thiên Chúa cho người đã khuất, vì tình liên đới.
Chủ đề cầu bầu, một lần nữa, giúp ta một bước tiến chủ yếu vượt quá những điều đã nói trên đây. Khả thể cầu bầu hàm nghĩa: niềm hy vọng của ta vào ơn cứu độ của người khác không phải là một niềm hy vọng kiểu há miệng chờ sung; nó giả thiết phải là một niềm hy vọng cầu bầu và đại diện tích cực đối với mọi người (107). Đối với điều này, ta có thể nại tới Thánh Phaolô. Vì anh em Do Thái của ngài, thánh nhân sẵn sàng chịu nguyền rủa và xa lìa Chúa Kitô (Rm 9:3). Đây không phải chỉ là lời xác quyết đơn độc trong Sách Thánh. Nó tiếp nối lời lẽ của Môsê, người, khi thấy sự bất trung của dân, đã thưa với Chúa trong lời cầu nguyện của ông rằng: “Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32:32). Sách Đệ Nhị Luật mô tả rằng Môsê đã cầu khẩn như thế bằng cách phủ phục trước Thiên Chúa suốt 40 đêm ngày (Đnl 9:25). Như thế, Môsê quả đã sẵn sàng nhẩy vào chỗ lửa đạn để cứu dân của ông (Tv 106:23). Những câu tương tự như thế cũng tìm thấy trong Tiên Tri Giêrêmia (18:20) và Tiên Tri Êdêkien (13:5; 22:30) (108).
Câu của Thánh Phaolô ở Rm 9:3 đã để lại vết tích lâu dài và sâu xa trong thần học và trong huyền nhiệm học. Theo Thánh Tôma Aquinô, ta có thể ước ao và dự ứng trước phần rỗi đời đời của một người khác nếu ta là một với họ trong tình yêu (109). Rất nhiều chứng từ của các vị đại thánh, nhất là các vị thánh nữ như Catarina thành Siena, Mechrhild thành Hackeborn, Angela thành Foligno, Julian thành Norwich, Têrêxa thành Lisieux, và Edith Stein, đã tiếp nối các vết tích này và thâm hậu hóa chúng (110). Thánh Catarina thành Siena thừa nhận với cha giải tội của ngài rằng “Nếu con đã được hoàn toàn bừng cháy ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa, thì với một trái tim bừng cháy như thế, con làm sao không cầu xin Đấng dựng nên con, Đấng thật sự hay thương xót, tỏ lòng thương xót cho mọi anh chị em của con cho được?” Bà không muốn chấp nhận sự kiện: dù là một người duy nhất từng được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Người lại có thể bị trầm luân (111). Trong các thư từ của bà, bà liên tiếp bênh vực cho những người tự xa cách với Giáo Hội được hưởng khoan hồng và thương xót (112). Thánh Têrêxa thành Lisieux muốn thay thế người khác dâng mạng sống mình làm của lễ toàn thiêu (113).
Ta cũng thấy chứng cớ như trên trong văn chương hiện đại. Hans Urs von Balthasar đặt tựa đề cho chương liên hệ trong cuốn sách của ngài The God Question and Modern Man (Vấn Đề Thiên Chúa và Con Người Hiện Đại) là “Những Kẻ Nổi Loạn và Hoả Ngục” và ngài nói đến bí tích tình huynh đệ (114). Gây ấn tượng đặc biệt phải là chứng tá Charles Péguy, người được Gisbert Greshake nhắc đến cách chi tiết (115). Ta cũng có thể nghĩ tới Thánh Maximilian Kolbe và cái chết thay cho người khác của ngài tại hỏa ngục Auschwitz. Ngài thế chỗ cho một người cha gia đình và chết trong hầm bỏ đói. “Không ai có tình yêu lớn hơn thế này là hiến mạng sống mình vì mạng sống của bạn bè” (Ga 15:13).
Như thế, nền thần học gần đây hơn, ở phía bên kia của những cực đoan mà từ đó ta bắt đầu, đã một lần nữa thiết lập được tính ưu vị của lòng thương xót và do đó của lời “có” được Thiên Chúa ngỏ với nhân loại. Lòng thương xót ve vãn mọi con người nhân bản cho tới tận cùng; nó khởi động toàn bộ việc thông công của các thánh nhân danh mọi cá nhân, trong khi vẫn coi rất trọng sự tự do của con người. Lòng thương xót là sứ điệp nhân hậu, ủi an, phấn khích và đem hy vọng tới mà ta có thể trông nhờ trong mọi hoàn cảnh và là điều ta có thể tin tưởng và xây dựng, cả khi sống lẫn khi chết. Dưới tà áo thương xót, có chỗ cho mọi người thiện chí. Nó là nơi trú ẩn, là niềm hy vọng, và là sự an ủi của chúng ta.
Kỳ sau: 5. Trái Tim Chúa Giêsu mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa
__________________________________________________________________________________________________________
(85) Immanuel Kant, Critique of Pure Reason, B 833.
(86) Thánh Irênê thành Lyon, Chống Các Lạc Giáo, III, 18, 1:7.
(87) Marius Reiser, Die Gerichtspredigt Jesu: Eine Untersuchung zur eschatologischen Verkundigung Jesu und ihrem Fruhjudischen Hintergrund (Munster: Aschendorfff, 1990); Hans-Josef Klauck, Weltgericht und Weltvollendung: Zukunftbilder Im Neuen Testament (Freiburg i.Br.: Herder, 1994).
(88) Được trình bầy chi tiết trong 5 tập của cuốn Handbuch der Dogmengeschichte, do Michael Schmaus và nhiều người khác biên tập (Freiburg i. Br.: Herder, 1980-90), Bd. IV Johann Auer cho ta một tóm luợc ngắn: Johann Auer, Siehe ich mache alles neu: Der Glaube an die Vollendung der Welt (Regensburg: Friedrich Pustet, 1984), 121-28. M. Kehl, “Gericht Gottes III und IV”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 4:517-19.
(89) Kinh Tin Kính Các Thánh Tiông Đồ (Denzinger, Enchiridion, 30); Kinh Tin Kính Công Đồng Nixêa-Constantinốp (Denzinger, Enchiridion, 125, 150).Các công thức khác, xưa hơn: Denzinger, Enchiridion, 10tt; 46; 48;50;61-64;76.
(90) Về các sử dụng có tính ngữ học: A. Oepke, “ἀποκατάστασις", Theologisches Worterbuch zum neuen Testament, do Gerhard Kittel và nhiều người khác biên tập (Stuttgart: Kohhammer, 1949-79), 1:388-90; C. Lenz, “Apokatastasis”, Reallexicon fur Antike und Christentum do Theodor Klauser, Ernst Dassmann, Georg Schollgen và nhiều người khác hiệu đính (Stuttgart:Anton Hiersemann Verlag, 1950), 1:510-6; Balthasar, A Short Discourse on Hell, trong Dare We Hope, 225-54. Về quan niệm này: W. Breuning, “Zur Lehre von der Apokatastasis”, Internationale katholische Zeitschrift Communio 10 (1981): 19-31; Leo Scheffczyk, “Apokatastasis: Faszination und Aporie”, Internationale katholische Zeitschrift Communio 14 (1985): 35-46; GisbertGresahke, Gottes Heil-Gluck des Menschen (Freiburg i. Br.: Herder, 1984), 245-76. W. Breuning cho ta một cái nhìn tổng quát rất tốt: “Apokatastasis”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 1:821-24. Cuộc thảo luận gần đây trong Magnus Striet, “Steitfall Apokatastasis: Dogmatische Anmerkungen mit einem okumenischen Seitenblick”, Theologische Quartalschrift 184 (2004): 185-201.
(91) Xem Max Seckler, Das Heil in der Geschichte: Geschichstheologisches Denken bei Thomas von Aquin (Munich: Kosel Verlag, 164), 26-57.
(92) Origen, Về Các Nguyên Tắc Thứ Nhất, I, 6, 1 và 3.
(93) Denzinger, Enchiridion, 411; xem 433 và 801.
(94) Xem Henri Crousel, Origen, bản dịch của A.S. Worrall (San Francisco: Harper & Row, 1989), 257-66; Henri de Lubac, Geist aus der Geschichte: Das Schriftverstandnis des Origenes (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1968), 23-61; De Lubac, Du hast mich betrogen, Herr (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1984); Balthasar, Dare We Hope, 47-64.
(95) Xem bài trình bầy tổng quát và giải thích có tính lịch sử của Joseph Rtazinger, “Holle II”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 2, do Josef Hofer và Karl Rahner hiệu đính (Freiburg: Herder, 1957-68), 5:446-49.
(96) Johann Baptist Metz, “Kaaampf um judische Traditionen in der christlichen Gottesrede”, Kirche und Israel 2 (1987): 16tt. Tương tự như thế, Scheffczyk, “Apokatastasis”, 4.
(97) Lập trường của Balthasar có thể lôi cuốn các thần học gia Pháp nổi tiếng như H. de Lubac, H. Rondet, và một số vị khác. Lập trường này được tiếp nối một các tích cực bởi J. Ratzinger, G. Greshake, H.-J. Verweyen, và nhiều người khác. Cuộc tranh luận với các người phê bình ngài có thể tìm thấy trong Balthasar, Dare We Hope? Và A Short Discourse on Hell. Mặc dù tôi rất muốn chia sẻ quan điểm của Balthasar, một quan điểm không tự cho rằng mình hiểu biết, nhưng nhiều nhận xét của ngài xem ra muốn biết quá nhiều và có nguy cơ trở thành suy đoán có tính ngộ đạo về bản tính nội tại của Thiên Chúa. Xem cuốn sách của ngài Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, cuốn 5: The Last Act, bản dịch của Graham Harrison (San Fraancisco: Ignatius, 1998), 260-90; Theologik, Bd. 2, (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1985), 269-321.
(98) Tân Ước diễn tả hành động phản bội Chúa Giêsu của Giuđa bằng chữ “trao nộp” (παραδίδωμι), một chữ mà trong Thánh Kinh vốn nói lên sự dệt nối qua lại đầy nhiệm giữa quyết định của Thiên Chúa và của con người. Về lịch sử chuyển tải của Thánh Kinh và việc lên đặc điểm mỗi ngày một tiêu cực hơn cho Giuđa, xin xem P. Duckers, “Judas Iskariot”, Lexikon fur Theoolgie und Kirche, ấn bản 3, 5:1024-25.
(99) Thánh Irênê thành Lyon, Chống Các Lạc Giáo, IV, 20, 7.
(100) Xem Karl Rahner, Foundations of Christian Faith, An Introduction to the Idea of Christianity, bản dịch của William V. Dych (New York: Crossraod Book, 1978), 102.
(101) Thánh Irênê thành Lyon, Chống Các Lạc Giáo, V, 1,1.
(102) Thánh Augustinô, Bài Giảng 169, c.11 n.13
(103) Xem các phân tích về Mesiter Eckhart, E. Levinas, và E. Stein trong H.-J. Gerl-Falkowitz, “Von der Gabe zum Geber”, trong Gott denken und bezeugen, do G. Augustin và K. Kramer hiệu đính (Freiburg i. Br.: Herder, 2008), 356-73.
(104) Edith Stein, Welt und Person: Beitrag zum christlichen Wahrheitsstreben (Freiburg i.Br.: Herder, 1962) 158tt.
(105) Karl Rahner cung cấp cho ta một tóm lược: “Fegfeuer, III-V”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 2, 4:51-55; G.L. Muller, “Fegfeuer III”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 3:1205-8; Joseph Ratzinger, Eschatology, Death, and Eternal Life, bản dịch của Micahel Waldstein (Washingotn: Catholic University of America, 1988), 218-33.
(106) Đây là lập trường của Hans Urs von Balthasar, Joseph Ratzinger, G. Greshake, M.Kehl và nhiều người khác. Xem Đức Bênêđíctô XVI, Spe Salvi (2007), 45-48.
(107)Balthasar, A Short Discourse on Hell, trong Dare We Hope? 211-21. Đây cũng là quan điểm của K. Rahner, “Holle”, Sacramentum mundi II (Freiburg i.Br.: Herder, 1968), 737tt.
(108) Về lịch sử giải thích loại cầu bầu này, xem Balthasar, A Short Discourse on Hell trong Dare We Hope?, 204-10.
(109) Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, pt. II/II, q.17, a.3.
(110) Balthasar, Dare We Hope? 97-113 và A Short Discourse on Hell trong Dare We Hope?, 211-21.
(111) Balthasar trích dẫn, A Short Discourse on Hell trong Dare We Hope?, 214-15.
(112) Thánh Catarina thành Sienna, Engagiert aus Glauben: Briefe (Zurich: Benzinger, 1990), 30-33, 35tt, 51tt, 79 v.v…
(113) Truyện Một Tâm Hồn: Tự Truyện của Thánh Têrêxa thành Lisieux, 188-89.
(114) Balthasar, Die Gottesfrage des heutigen Menschen, ấn bản mới khai triển thêm (Einsiedeln:Johannes Verlag,2009), 175-88, 207-25. Cũng nên xem Dare We Hope?, 67-69.
(115) Gisbert Greshake, Leben-starker als der Tod: Von der chirstlichen Hoffnung (Freiburg i. Br.: Herder 2008), 232-36.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/187564.htm