Bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein về “giáo hoàng hoạt động và giáo hoàng chiêm niệm”
Vũ Văn An6/1/2016Trong lịch sử Giáo Hội, đã có thời (1378-1417) có tới 2 hay 3 giáo hoàng, rồi bẵng đi tới 6 thế kỷ, tức tới ngày 13 tháng 3 năm 2013, hiện tượng ấy mới lại tái diễn. Tuy nhiên, có sự khác nhau lớn. Hai, ba vị giáo hoàng thời 1378-1417 đều cho rằng mình đang cai trị toàn bộ “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”, còn hai vị giáo hoàng từ năm 2013 không như thế: chỉ có một vị coi mình là cai trị toàn thể Giáo Hội, còn vị kia chính thức coi mình rút lui khỏi thừa tác vụ hoạt động để lui vào thừa tác vụ cầu nguyện và đồng khổ (compassion). Trong ngôn ngữ chính thức thì một vị là Giáo Hoàng, vị kia là Giáo Hoàng Hưu Trí. Cả hai vị đều ăn vận hầu như nhau và cùng cư ngụ bên trong Vatican, chỉ khác một điều: một vị ở tông điện (chính thức, nhưng thực tế sống ở Nhà Khách Santa Marta), vị kia ở một đan viện đã chỉnh trang.
Liên hệ giữa hai vị là một liên hệ tuyệt diệu, được chính vị Giáo Hoàng hoạt động, thay mặt con cái tín hữu của mình mô tả là liên hệ “ông cháu trong gia đình”, do đó là cha con giữa hai vị mà đi đâu và làm gì cũng đến vấn an nhau. Cho đến nay, liên hệ ấy vẫn rất đậm đà. Và mùi đậm đà ấy, người tín hữu nào cũng cảm nhận được. Thành thử, không ít người “cau mày” khi nghe Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký của Giáo Hoàng Hưu Trí và là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng hiện nay của Giáo Hoàng Hoạt Động nói rằng: chúng ta đang sống với hai vị thừa nhiệm Thánh Phêrô và cả hai vị này đều đang tham dự vào Thừa Tác Vụ Phêrô (munus petrinum), một thừa tác vụ đã được Giáo Hoàng Hưu Trí mở rộng lần đầu tiên trong lịch sử.
Để hiểu được nhận định của một người thân tín với cả hai vị giáo hoàng hiện nay, tức Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, ta nên đọc toàn văn bài phát biểu của ngài ngày 20 tháng Năm, 2016, nhân dịp ra mắt cuốn sách của Linh Mục Giáo Sư Roberto Regoli tại Đại Học Gregoriana, Beyond the Crisis of the Church – The Pontificate of Benedict XVI (Bên kia Cuộc Khủng Hoảng của Giáo Hội: Triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI), viết về Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI.
Đại cương, theo bài phát biểu trên, không hề có hai vị giáo hoàng, “nhưng trên thực tế, có một thừa tác vụ mở rộng, với một thành viên hoạt động và một thành viên chiêm niệm”.
Điều gây ngạc nhiên là nhận định tiếp theo: “đó là lý do khiến Đức Bênêđíctô XVI không từ bỏ cả danh hiệu lẫn áo dài trắng. Đó là lý do khiến danh hiệu chính xác để xưng hô với ngài cả ngày nay nữa là ‘Thưa Đức Thánh Cha’ (Your Holiness) và đó cũng là lý do ngài không lui về một đan viện hẻo lánh, nhưng sống ngay trong Vatican, như thể ngài chỉ bước qua một bên để nhường chỗ cho vị kế nhiệm của mình và cho một giai đoạn mới của lịch sử ngôi vị giáo hoàng mà chính ngài, bằng biện pháp trên, đã phong phú hóa với ‘trạm phát điện’ của lời cầu nguyện và sự đồng khổ đặt tại Vườn Vatican”.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu dựa theo bản tiếng Anh của tạp chí Aleteia:
Kính thưa các đức Hồng Y, các Đức Cha, qúy tu sĩ, qúy bà và qúy ông!
Trong cuộc nói truyện cuối cùng mà người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng, Ông Peter Seewald ở Munich, có được với Đức Bênêđíctô XVI, khi chào tạm biệt, ông hỏi ngài “Đức Thánh Cha là kết thúc của điều cũ hay là khởi đầu của điều mới?” Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng rất vắn nhưng chắc nịch: “cả hai”, ngài nói thế. Máy ghi âm lúc ấy đã tắt; nên câu trao đổi cuối cùng này đã không thấy trong bất cứ cuốn phỏng vấn nào của Peter Seewald, cả cuốn thời danh là Ánh Sáng Thế Gian. Nó chỉ xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của tờ Corriere della Sera sau khi Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố từ chức, trong đó, người viết tiểu sử nhắc lại các lời then chốt ấy, các lời, phần nào, đã trở thành châm ngôn cho cuốn sách của Cha Roberto Regoli mà chúng tôi đang ra mắt hôm nay tại Đại Học Gregoriana.
Thực vậy, tôi phải nhìn nhận rằng có lẽ không thể tóm tắt triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI một cách xúc tích hơn được. Và người nói điều này, trong nhiều năm qua, từng có đặc ân được cảm nghiệm vị giáo hoàng này một cách gần gũi như một “homo historicus” (con người lịch sử), con người Tây Phương par excellence (tuyệt vời) từng là hiện thân của truyền thống phong phú Công Giáo hơn bất cứ người nào khác; và, đồng thời, là con người mạnh dạn đủ để mở ra cả một giai đoạn mới, cả một khúc quanh lịch sử mà không ai 5 năm trước dám tưởng nghĩ. Kể từ đó, ta sống trong một kỷ nguyên lịch sử chưa từng có trong suốt 2000 năm lịch sử Giáo Hội.
Thời Thánh Phêrô cũng như thời nay, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền liên tiếp chỉ có một vị giáo hoàng hợp pháp. Nhưng ngày nay, chúng ta đang sống với hai vị kế nhiệm Thánh Phêrô vẫn còn sống giữa chúng ta: các vị không sống trong một mối liên hệ tranh chấp nhau, nhưng cả hai vị đều hiện diện cách phi thường! Chúng ta dám nói thêm rằng tinh thần của Joseph Ratzinger đã ghi một dấu ấn dứt khoát lên triều giáo hoàng lâu dài của Thánh Gioan Phaolô II, người mà ngài đã trung thành phục vụ gần 1 phần tư thế kỷ trong tư cách Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Cả ngày nay, nhiều người vẫn tiếp tục coi tình thế mới này như một loại trạng thái phi thường của thừa tác vụ Phêrô do Thiên Chúa thiết lập.
Nhưng đã đến lúc lượng giá triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI chưa? Nói một cách tổng quát, trong lịch sử Giáo Hội, các vị giáo hoàng chỉ có thể được phán đoán và xếp loại một cách chính xác sau khi đã rời nhiệm sở (ex post). Và để chứng minh cho điểm này, chính Cha Regoli đã nhắc đến trường hợp Đức Grêgôriô VII, vị giáo hoàng cải tổ vĩ đại thời Trung Cổ, một vị giáo hoàng, về cuối đời, đã chết lưu đầy ở Salermo, bị người đương thời coi như thất bại. Ấy thế nhưng, dù giữa nhiều tranh cãi ở thời ngài, Đức Grêgôriô VII vẫn là vị giáo hoàng đã dứt khoát lên khuôn cho bộ mặt của Giáo Hội trong nhiều thế hệ sau đó. Thế cho nên, Giáo Sư Regoli quả là người can đảm khi cố gắng đánh giá triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, dù ngài vẫn còn sống.
Số lượng chất liệu có phê phán được ngài duyệt xét và phân tích cho mục đích trên rất bao la và gây ấn tượng. Thực vậy, Đức Bênêđíctô XVI cũng hiện điện và vẫn còn hiện diện cách phi thường trong các trước tác của ngài: cả các trước tác khi làm giáo hoàng (ba cuốn nói về Chúa Giêsu thành Nadarét và 16 cuốn “Giảng Dậy” suốt trong triều giáo hoàng của ngài), lẫn các trước tác khi làm Giáo Sư Ratzinger hay Hồng Y Ratzinger, các trước tác có thể chứa đầy một thư viện nhỏ.
Do đó, công trình của Giáo Sư Regoli không thiếu các ghi chú, mà số lượng cũng nhiều như các kỷ niệm chúng đánh thức nơi tôi. Vì tôi có mặt khi Đức Bênêđíctô XVI tháo chiếc nhẫn Ngư Phủ ra lúc chấm dứt sứ vụ của ngài, như thói quen sau cái chết của một vị giáo hoàng, dù trong trường hợp này, ngài vẵn còn sống! Đàng khác, tôi có mặt khi ngài quyết định không bỏ danh hiệu ngài đã chọn, như Đức Giáo Hoàng Celestinô V đã làm khi, ngày 13 tháng Mười Hai, năm 1295, chỉ mấy tháng sau khi bắt đầu thừa tác vụ của mình, ngài bắt đầu trở thành Pietro dal Morrone.
Từ tháng Hai năm 2013, thừa tác vụ giáo hoàng, do đó, đã không còn như trước nữa. Nó là và vẫn là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; ấy thế nhưng là một nền tảng đã được Đức Bênêđíctô XVI biến đổi một cách sâu xa và vĩnh viễn trong triều giáo hoàng phi thường của ngài, một việc mà Đức Hồng Y Sodano, trong một phản ứng đơn sơ và trực tiếp ngay sau việc từ chức đầy ngạc nhiên này, đầy xúc động và gần như ngỡ ngàng, đã lớn tiếng nói rằng tin trên giáng xuống các vị Hồng Y đang tụ họp “như một cú sét đánh giữa trời quang mây tạnh”.
Việc ấy xẩy ra buổi sáng thì buổi tối cùng ngày lằn sét với tiếng động kinh hồn đã đánh trúng đỉnh vòm Nhà Thờ Thánh Phêrô, toạ lạc ngay trên mộ của Thủ Lãnh Các Tông Đồ. Thật họa hiếm vũ trụ mới đồng hành với một khúc quanh lịch sử cách cảm kích đến thế. Nhưng buổi sáng ngày 11 tháng Hai năm ấy, niên trưởng Hồng Y Đoàn, Angelo Sodano, đã kết thúc bài diễn văn đáp lại lời tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI bằng một sự lượng giá cũng có tính vũ trụ như thế về triều giáo hoàng của ngài, khi kết luận rằng: “Chắc chắn, các vì sao trên bầu trời sẽ luôn luôn chiếu sáng thế nào, thì ngôi sao của triều giáo hoàng của ngài cũng luôn chiếu sáng như thế giữa chúng ta”.
Việc trình bầy thấu suốt và đầy đủ tài liệu của Cha Regoli về các giai đoạn khác nhau của triều giáo hoàng này cũng xuất sắc và đầy tính soi sáng không kém. Nhất là việc bắt đầu của nó tại mật nghị hội bầu giáo hoàng tháng Tư năm 2005; từ mật nghị hội này, [Đức Hồng Y] Joseph Ratzinger đã được bầu, sau một trong những cuộc đầu phiếu ngắn nhất của lịch sử Giáo Hội, vì chỉ gồm 4 lần đầu phiếu, sau một cuộc đua tranh khá cảm kích giữa nhóm gọi là “Muối Đất” qui tụ quanh các vị Hồng Y López Trujíllo, Ruini, Herranz, Rouco Varela và Medina và nhóm gọi là “Thánh Gallen” gồm các vị Hồng Y Danneels, Martini, Silvestrini và Murphy-O’Connor, nhóm mà gần đây Đức Hồng Y Danneels của Brussels gọi đùa là “một thứ câu lạc bộ Mafia”. Cuộc bầu cử chắc chắn cũng còn là kết quả một cuộc xung đột mà chìa khóa để hiểu nó đã được chính Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách niên trưởng Hồng Y đoàn, đã cung cấp trong bài giảng lịch sử ngày 18 tháng Tư năm 2005 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô; nói chính xác hơn, trong bài giảng đó, ngài đã tương phản “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối không thừa nhận bất cứ điều gì là nhất định và mục đích tối hậu của chủ nghĩa này nằm ở cái tôi và dục vọng của riêng nó mà thôi” với một thước đo khác: “Con Thiên Chúa, và là con người đích thực” chính là “thước đo của chủ nghĩa nhân bản thực sự”. Hôm nay, chúng ta đọc phần này trong cuộc phân tích thông minh của Cha Regoli gần như một tiểu thuyết trinh thám mới đầy hồi hộp về những gì mới xẩy ra không bao lâu; dù “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối” đã tự phát biểu nó ra từ lâu qua nhiều kênh của tin tức truyền thông, nhưng năm 2005, ít người tưởng nghĩ tới nó.
Tên mà vị tân giáo hoàng lấy ngay sau khi được bầu, do đó, đã nói lên một kế hoạch. [Đức Hồng Y] Joseph Ratzinger đã không trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô III, như nhiều người mong muốn. Thay vào đó, ngài trở lui tới Đức Bênêđíctô XV, vị giáo hoàng vĩ đại ít được chú ý và kém may mắn của hòa bình trong các năm chiến tranh khủng khiếp của Thế Chiến I, và tới Thánh Bênêđíctô thành Norcia, tổ phụ của phong trào đơn tu và là bổn mạng Âu Châu. Tôi giống như một nhân chứng hàng đầu để có thể chứng thực rằng trong mấy năm trước đó, Đức Hồng Y Ratzinger không hề vận động để leo lên chức vụ cao cấp nhất trong Giáo Hội Công Giáo.
Thay vào đó, ngài chỉ mơ ước có được điều kiện để viết nốt một vài cuốn sách cuối cùng trong bình an và yên tĩnh. Mọi người đều biết sự việc đã đi theo hướng khác. Thành thử, tại Nhà Nguyện Sistine, trong cuộc bầu cử, tôi là nhân chứng tận mắt, thấy rõ ngài coi cuộc bầu cử như một “cú sốc thực sự”, khá “bật ngửa” và ngài cảm thấy “choáng váng” ngay khi hiểu ra rằng “ chiếc rìu” bầu cử đã đánh trúng ngài. Không phải tôi tiết lộ điều gì bí mật ở đây, vì chính Đức Bênêđíctô XVI đã thú nhận tất cả các chi tiết ấy một cách công khai nhân dịp tiếp kiến lần đầu tiên các khách hành hương từ Đức qua Vatican. Và không lạ gì, ngay sau khi được bầu, Đức Bênêđíctô XVI đã yêu cầu tín hữu cầu nguyện cho ngài, như cuốn sách này đã nhắc nhớ chúng ta.
Cha Regoli đã mô tả các năm thừa tác vụ khác nhau một cách hấp dẫn và cảm kích, nhắc lại kỹ năng và niềm tự tin trong cách thức Đức Bênêđíctô XVI thừa hành sứ vụ của ngài. Kết quả là: chỉ mấy tháng sau khi được bầu, ngài đã dám mời tới nói chuyện riêng cả địch thủ đáng sợ cũ là Hans Küng lẫn Oriana Fallaci, vốn là một mệnh phụ bất khả tri và hay tranh đấu gốc Do Thái, đang làm việc cho giới truyền thông thế tục Ý; ngài còn dám cử Werner Arber, một người Tin Lành Thụy Sĩ và lãnh giải Nobel làm Chủ Tịch không Công Giáo đầu tiên của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội. Cha Regoli không che đậy lời tố cáo về việc không hiểu biết đủ về người đời mà người ta thtường đưa ra chống lại nhà thần học sáng chói nay đang mang giầy Ngư Phủ này; một người có khả năng đánh giá các bản văn và các cuốn sách khó hiểu một cách thực sự sâu sắc, ấy thế nhưng năm 2010, đã thành thực thổ lộ với Peter Seewald rằng thật khó đưa ra quyết định đối với người ta vì “không ai đọc được lòng một người khác”. Câu ấy đúng xiết bao!
Cha Regoli chính xác gọi năm 2010 là “năm đen tối” đối với Đức Giáo Hoàng, chính là vì liên quan tới tai nạn thảm khốc, gây tử thương cho Manuela Camagni, một trong bốn Memores Domini (Người Tưởng Nhớ Chúa) thuộc “gia đình nhỏ của Đức Giáo Hoàng”. Tôi chắc chắn có thể làm chứng cho điều này. So với sự không may này, các chấn động gay cấn do truyền thông tải đi về những năm tháng này, từ vụ giám mục duy truyền thống Williamson tới hàng loạt các vụ tấn kích càng ngày càng ma mãnh chống lại Đức Giáo Hoàng, dù khá hữu hiệu, vẫn không khiến trái tim ngài đau đớn bằng cái chết của Manuela, một người bỗng bị lấy đi đột ngột khỏi chúng tôi. Đức Bênêđíctô XVI không phải là vị “giáo hoàng kịch sĩ”, càng không phải là vị “giáo hoàng người máy”; dù ngồi trên ngai toà Phêrô, ngài vẫn là và mãi là một con người; hoặc, như Conrad Ferdinand Meyer thường nói, ngài không phải là một “cuốn sách khéo léo”, mà là “một con người với những mâu thuẫn của ngài”. Và đó là cách chính tôi hàng ngày có khả năng nhận ra và đánh giá ngài. Và cho đến nay, ngài vẫn như thế.
Tuy nhiên, Cha Regoli nhận xét rằng sau thông điệp cuối cùng, tức Caritas in veritate ngày 4 tháng Mười Hai, năm 2009, triều giáo hoàng canh tân với ý lực mạnh mẽ về phụng vụ, đại kết và giáo luật này bỗng nhiên “chậm hẳn lại”, bị cản trở, mắc cạn. Dù quả thực các ngọn gió ngược có gia tăng trong các năm sau đó, nhưng tôi không thể xác nhận phán đoán này. Các cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI tới Anh (2010), tới Đức và Erfurt, thành phố của Luther (2011), hay tới Trung Đông, tới với các Kitô Hữu được quan tâm tại Lebanon (2012), tất cả đều là những mốc lịch sử có tính đại kết trong mấy năm gần đây. Các cố gắng cương quyết của ngài nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục là và vẫn là những chỉ dẫn dứt khoát đối với việc giải quyết vấn đề. Vả lại, trước ngài, đã có vị giáo hoàng nào, dù với một trách nhiệm nặng nề như trách nhiệm của ngài, đã viết được các cuốn sách về Chúa Giêsu thành Nadarét, những cuốn sách cũng đã được coi như di sản quan trọng nhất của ngài chưa?
Ở đây, cũng không cần tôi phải lưu lại lâu ở việc ngài, vốn đã khốn đốn với cái chết đột ngột của Manuela Camagni, sau đó còn khốn đốn vì sự phản bội của Paolo Gabriele, người cũng thuộc “gia đình nhỏ của Đức Giáo Hoàng”. Nhưng đây là dịp tốt để tôi nói lần chót và một cách rõ ràng rằng Đức Bênêđíctô, xét cho cùng, không từ chức vì người phụ tá quản gia đáng thương và lầm lẫn này, hay vì những “mẩu tin vụn vặt” từ căn hộ của ông ta, những mẩu tin, trong vụ gọi là “rì rỏ Vatican”, được truyền bá như thứ vàng dổm ở Rôma nhưng được trao đổi như thứ vàng nén thật sự ở các nơi khác trên thế giới. Không người phản bội hay “con quạ” nào (tiếng lóng của báo chí Ý chỉ nguồn gây ra Vatileaks) hay nhà báo nào có khả năng đẩy ngài tới quyết định đó. Tai tiếng đó quá nhỏ không thể gây ra một việc như thế được, và cái bước được đắn đo suy nghĩ chín chắn mang ý nghĩa thiên niên lịch sử của Đức Bênêđíctô XVI lớn hơn thế nhiều.
Việc trình bầy của Cha Regoli về các biến cố này cũng đáng được xem xét vì Cha đã không đẩy mạnh chủ trương mà Cha thăm dò và giải thích về biện pháp sau cùng và khá lạ lùng này, bằng cách không làm phong phú rất nhiều truyền thuyết với các giả thuyết không liên quan gì tới thực tại. Cả tôi nữa, trong tư cách người mục kích biện pháp hết sức đáng lưu ý và bất ngờ của Đức Bênêđíctô XVI, tôi phải nhìn nhận rằng điều tôi luôn nghĩ tới là câu châm ngôn nổi tiếng và sáng chói được John Duns Scotus, ở Thời Trung Cổ, dùng để biện minh cho sắc chỉ của Thiên Chúa muốn Mẹ Thánh của Người được vô nhiễm thai:
“Decuit, potuit, fecit”
Nghĩa là: điều ấy thích đáng, vì nó hữu lý. Và vì Thiên Chúa có thể làm điều ấy, nên Người đã làm nó. Tôi xin áp dụng châm ngôn trên vào quyết định từ chức như sau: điều ấy thích đáng, vì Đức Bênêđíctô XVI biết rõ ngài thiếu sức khỏe cần thiết để tiếp tục thi hành chức vụ cực kỳ nặng nhọc ấy. Ngài có thể làm điều ấy vì ngài đã suy nghĩ thấu đáo khả thể có các vị giáo hoàng hưu trí trong tương lai, theo quan điểm thần học. Nên ngài đã làm điều ấy.
Việc từ chức hết sức quan trọng của vị giáo hoàng thần học gia nói lên một bước tiến, chủ yếu do sự kiện này: ngày 11 tháng Hai năm 2013, nói bằng tiếng Latinh trước các vị Hồng Y đầy ngạc nhiên, ngài đưa vào Giáo Hội Công Giáo một định chế mới, đó là định chế “giáo hoàng hưu trí”, khi nói rằng sức khỏe của ngài không còn đầy đủ nữa “để thi hành thừa tác vụ Phêrô”. Chữ then chốt trong lời tuyên bố vừa rồi là chữ munus petrinum, một chữ quen được dịch là “thừa tác vụ Phêrô”. Nhưng thực ra, trong tiếng Latinh, “munus” có khá nhiều nghĩa khác nhau: nó có thể có nghĩa phục vụ, bổn phận, hướng dẫn hay hồng ân, cả kỳ diệu nữa. Trước và sau khi từ chức, Đức Bênêđíctô hiểu và vẫn hiểu nhiệm vụ của ngài là tham dự vào “thừa tác vụ Phêrô” như thế. Ngài rời khỏi ngai giáo hoàng, thế nhưng, với biện pháp ngày 11 tháng Hai, năm 2013, ngài không hề bỏ rơi thừa tác vụ này. Thay vào đó, ngài đã bổ túc chức vụ có tính bản vị (personal office) này bằng một chiều kích hợp đoàn và công đồng đoàn, như một thừa tác vụ gần như chia sẻ (tiếng Anh: a quasi shared ministry, tiếng Đức: als einen quasi gemeinsamen Dienst); như thể, qua biện pháp này, ngài muốn lặp lại một lần nữa lời mời vẫn chứa đựng trong khẩu hiệu ngài từng chọn lúc làm Tổng Giám Mục Munich và Freising và dĩ nhiên ngài lưu giữ lúc lên làm Giám Mục Rôma: “cooperatores veritatis” có nghĩa: “những người cùng làm công trong sự thật”. Quả thực, khẩu hiệu này không ở số ít mà là ở số nhiều; nó được rút ra từ câu thứ 8 trong Thư Thứ Ba của Thánh Gioan: “Chúng ta phải nâng đỡ những người như thế, để chúng ta trở nên những người cùng làm công trong sự thật”.
Cho nên, từ ngày vị kế nhiệm ngài là Phanxicô được bầu vào ngày 13 tháng Ba, năm 2013, không phải đang có hai vị giáo hoàng, nhưng trên thực tế, là một thừa tác vụ mở rộng, với một thành viên hoạt động và một thành viên chiêm niệm. Chính vì thế, Đức Bênêđíctô XVI đã không từ bỏ cả danh hiệu lẫn chiếc áo dài trắng. Chính vì thế, danh xưng đúng đắn để ngỏ với ngài cho đến nay vẫn là “thưa Đức Thánh Cha” (Your Holiness); và cũng chính vì thế ngài không lui về một đan viện hẻo lánh, nhưng ngay bên trong Vatican, như thể ngài chỉ bước qua một bên nhường chỗ cho vị kế nhiệm mình và cho một giai đoạn mới trong lịch sử ngôi vị giáo hoàng, một ngôi vị, với biện pháp này, ngài đã phong phú hóa bằng một “trạm điện” gồm các lời cầu nguyện và đồng khổ (compassion) của ngài tọa lạc trong Vườn Vatican.
Cha Regoli viết về điều trên rằng đấy quả là “một biện pháp bất ngờ trong Đạo Công Giáo hiện nay”, ấy thế nhưng đây là một khả thể mà Đức Hồng Y Ratzinger từng công khai xem xét vào ngày 10 tháng Tám, năm 1978 tại Munich, trong một bài giảng nhân dịp Đức Phaolô VI qua đời. Ba mươi lăm năm sau, ngài vẫn chưa bỏ rơi Thừa Tác Vụ Phêrô, một điều hoàn toàn bất khả hữu đối với ngài sau khi ngài đã chấp nhận chức vụ một cách bất phản hồi vào tháng Tư, năm 2005. Thay vào đó, bằng một hành vi can đảm phi thường, ngài đã đổi mới thừa tác vụ này (ngược với cả ý kiến của nhiều cố vấn rất thiện chí và rất có khả năng). Và với cố gắng sau cùng, ngài đã làm thừa tác vụ này vững mạnh (tôi hy vọng thế). Dĩ nhiên, chỉ có lịch sử mới chứng minh được điều vừa nói. Nhưng trong lịch sử Giáo Hội, điều vẫn đúng là trong năm 2013, nhà thần học thời danh trên tòa Phêrô đã trở thành vị “giáo hoàng hưu trí” đầu tiên trong lịch sử. Kể từ đó, xin cho tôi được phép nhắc lại một lần nữa, vai trò của ngài hoàn toàn khác với vai trò của Đức Giáo Hoàng Celestinô thứ V chẳng hạn, vị giáo hoàng, sau khi từ chức năm 1294, những muốn lui về làm một nhà ẩn sĩ, nhưng thay vào đó, đã trở thành tù nhân của vị kế nhiệm, Bônifaxiô VIII (vị giáo hoàng đã thiết lập việc mở năm thánh). Thực thế, cho đến nay, chưa có biện pháp nào như biện pháp Đức Bênêđíctô XVI đã đưa ra. Thành thử không ngạc nhiên gì khi nó được một số người coi là cách mạng, hay ngược lại hoàn toàn nhất quán với Tin Mừng; trong khi đó, nhiều người khác coi ngôi vị giáo hoàng như thế đã bị thế tục hóa như chưa bao giờ có trước đó, và do đó, có tính hợp đoàn và thiết thực hơn, thậm chí nhân bản hơn và ít thánh thiêng hơn. Lại có những người có ý kiến cho rằng Đức Bênêđíctô XVI, với biện pháp này, gần như đã phi huyền thoại hóa ngôi vị giáo hoàng, nếu nói theo ngôn ngữ thần học và phê bình lịch sử.
Trong cuộc tổng duyệt triều giáo hoàng (của Đức Bênêđíctô XVI) này, Cha Regoli rõ ràng đã đề cập đến đủ mọi khía cạnh như chưa từng có trước đây. Có lẽ phần cảm kích nhất đáng đọc đối với tôi là chỗ, với đoạn trích dẫn dài, Cha đã nhắc đến buổi yết kiến chung lần chót của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào ngày 27 tháng Hai, năm 2013, khi, dưới bầu trời hết sức trong sáng, ngay trước khi từ chức hẳn, ngài đã tóm tắt triều giáo hoàng của mình như sau:
“Trong cuộc hành trình của Giáo Hội, đã có những thời điểm hết sức hân hoan và đầy ánh sáng, nhưng cũng có những khoảnh khắc không dễ dàng gì; tôi từng cảm nhận như Thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên Biển Galilê: Chúa đã ban cho chúng ta nhiều ngày nắng ráo gió nhẹ, những ngày bắt được nhiều cá; cũng có những ngày nước nổi sóng và gío thổi ngược, giống như suốt lịch sử Giáo Hội, và Chúa xem ra như đang thiếp ngủ. Nhưng tôi luôn biết rằng Chúa đang ở trong thuyền ấy, và tôi luôn biết rằng con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, cũng không phải của chúng ta, mà là của Người. Chúa cũng không thể để nó chìm; chính Người hướng dẫn nó, chắc chắn cũng nhờ những con người mà Người đã chọn, vì Người muốn như thế. Điều ấy đã là và hiện vẫn là một điều chắc chắn mà không điều gì có thể che mờ được”.
Tôi phải thừa nhận rằng: đọc lại các lời lẽ trên vẫn còn làm tôi chẩy nước mắt, có khi còn chẩy nước mắt hơn nữa vì tôi đích thân và rất gần gũi thấy Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, vì chính ngài và vì thừa tác vụ của ngài, đã trung thành một cách vô điều kiện biết chừng nào đối với lời lẽ của Thánh Bênêđíctô rằng “không được đặt bất cứ điều gì trước tình yêu Chúa Kitô”, nihil amori Christi praeponere, một câu đã được xác định thành luật và được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả truyền lại cho ta. Tôi là nhân chứng của điều đó, nhưng tôi vẫn còn bị lôi cuốn nhiều trước sự chính xác của lời phân tích cuối cùng tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, nghe thật thơ mộng nhưng không kém phần tiên tri. Thực thế, đó là những lời lẽ mà cả ngày nay, Đức Phanxicô chắc chắn cũng chấp nhận ngay lập tức. Không thuộc các vị giáo hoàng mà là thuộc Chúa Kitô, thuộc về chính Chúa chứ không thuộc một ai khác là con thuyền Phêrô, một con thuyền bị sóng biển trong giông bão xô đẩy khiến ta luôn sợ rằng Chúa thiếp ngủ, các nhu cầu của ta không quan trọng đối với Người, trong khi, thực ra chỉ cần một lời nói của Người cũng đủ dẹp tan mọi giông bão; hơn cả sóng to gió lớn, chính sự thiếu lòng tin của ta, chính đức tin nhỏ nhoi của ta và sự thiếu kiên nhẫn của ta mới làm ta liên tục rơi vào hốt hoảng.
Như thế, cuốn sách này một lần nữa đã đưa ra một cái nhìn đầy an ủi về đức điềm tĩnh và sự thanh thản của Đức Bênêđíctô XVI trong cương vị lèo lái con thuyền Phêrô trong các năm đầy cảm kích từ 2005 tới 2013. Tuy nhiên, cùng một lúc, qua trình thuật đầy soi sáng của mình, Cha Regoli cũng đang dự phần vào munus Petri mà tôi đã đề cập trên đây. Giống Peter Seewald và nhiều người khác trước ngài, Roberto Regoli, trong tư cách một linh mục, một giáo sư và một học giả, cũng đang bước vào thừa tác vụ Phêrô mở rộng quanh các vị kế nhiệm Thánh Tông Đồ Phêrô; và vì thế, hôm nay tôi xin hết lòng cám ơn ngài.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/186241.htm