Trang chủ

Freitag, Juli 27, 2012

Tác giả: 
Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi     Nguon:   http://thanhlinh.net/node/13659


MẸ MARIA TRONG ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

Ngưỡng Nhân Lưu Ấu Nhi

Chương 1

MỞ ĐẦU

  Giáo huấn số 49, Chương VII và giáo huấn số 52, Chương VIII, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) mở đầu chương này: 

THÁNH CÔNG CỒNG CHUNG VATICAN II         
HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI

CHƯƠNG VII
ĐẶC TÍNH CÁNH CHUNG CỦA GIÁO HỘI LỮ HÀNH VÀ SỰ HIỆP NHẤT VỚI GIÁO HỘI TRÊN TRỜI

    Sự hiệp thông giữa Giáo Hội trên trời  và Giáo Hội lữ hành

(gh 49)   Bởi thế cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các Thiên Thần theo Ngài (Mt 25:31), và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Ngài (1 Cor 15:26-27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những người vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những người đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những người được hiển vinh đang chiêm ngưỡng “rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có”. Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta, vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần của Ngài, đều họp thành một Giáo Hội  duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài (Eph 4:16).

  Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián đoạn, trái lại, Giáo Hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời củng cố toàn thể Giáo Hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng hiện nay Giáo Hội tại thế dâng lên Thiên Chúa được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo Hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (1 Cor 12:12-27). Được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (2 Cor 5:8) nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, các Thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở trần thế, nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô (1 Tm 2:5), khi họ đã phục vụ Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì còn thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Ngài là Giáo Hội (Col 1:34). Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn. . . .

                   CHƯƠNG VIII

         ĐỨC MARIA TRONG MẦU NHIỆM CHÚA VÀ GIÁO HỘI

                 1.-  LỜi MỞ ĐẦU

 (gh số 52)  Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên “khi đến thời điểm viên mãn, Ngài đã phái Con Mình đến, sinh bởi người nữ ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử” (Gal 4:4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.” Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội. Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Ngài. Trong Giáo Hội ấy, liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh và hiệp thông với toàn thể các Thánh của Ngài, các tín hữu kính nhớ “trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

  Qua hai giáo huấn trích dẫn trên, chúng ta tóm lược phần Thánh Công Đồng Chung Vatican II dạy về “hiệp thông giữa Giáo Hội trên trời và chúng ta, Giáo Hội lữ hành” và minh định “Mẹ Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta.”

    Sau đây chúng ta đi vào nội dung của chủ đề.

 1.-  Kitô hữu Công Giáo không tôn thờ Mẹ Maria

 Nghi Vấn:  Nhiều lần chúng tôi phải đối đáp lập luận: “Kitô hữu Công Giáo gây nguy hại cho việc hiệp nhất, vì lòng mộ mến Đức Maria, vì ‘hiển nhiên một người không thể nào mang lửa trong ngực mà áo không bị cháy’ (Châm Ngôn 6:27). Ý kiến đó cũng khẳng định: “Đức Maria là ‘lửa trong lòng các Kitô hữu Công giáo; việc tôn kính Người là thờ ngẫu (tà) thần, là tội’; và các Kitô hữu Công Giáo cần chấm dứt việc bái lạy và tôn thờ Đức Maria.”[1]

 Góp Ý:  Trước khi bàn tới ý kiến nói trên, chúng ta đọc kỹ giáo huấn số 53, Chương VIII, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Thánh Công Đồng Chung Vatican II.

   Đức Maria và Giáo Hội

(gh 53)  Thật vậy, khi thiên sứ truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem Sự Sống đến cho thế gian nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con của Người và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Đức Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh ân sủng vô cùng cao quí này, Người đã trội vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Người cũng liên kết với tất cả mọi người được cứu rỗi; hơn nữa: “Người thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô) 

  ... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu ấy”. Vì thế, Người cũng được chào kính như chi thể siêu quần, hết sức đặc biệt của Giáo Hội và như mẫu mực, gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất yêu dấu.”

 (Xin đọc giáo huấn số 53 đầy đủ ở Phục Lục 1)

  Xin hỏi: Căn cứ vào giáo huấn số 49 thuộc Chương VII, giáo huấn số 52 (đã trích ở trang 19-21) và giáo huấn số 53, Chương VIII, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Thánh Công Đồng Chung Vatican II nhắc lại trên đây, thì Kitô hữu Công Giáo có tôn thờ Mẹ Maria[1] như bị hiểu lầm không?

   Đáp: Không. Kitô hữu Công Giáo không tôn thờ Mẹ Maria. Chúng ta chỉ tôn thờ Thiên Chúa; chúng ta kính yêu Mẹ Maria vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ Chúa Kitô, Mẹ chúng ta, và xin Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.

    Trở lại với câu 27, Châm Ngôn 6, trong nghi vấn thuộc tiểu đề số 1 trên đây, chúng ta đọc đầy đủ đoạn Châm Ngôn 6:23-29 để hiểu rõ ý của người dùng câu số 27 trong Châm Ngôn này để nói lên ý kiến bất đồng với việc Kitô hữu Công Giáo yêu mến Mẹ Maria:

 "(23) Bởi lời huấn dục là đèn,
          giáo huấn là ánh sáng;
          và những lời dạy dỗ quở trách
          là đường dẫn tới sự sống,
  (24) để gìn giữ con khỏi tay người đàn bà xấu nết,
          khỏi miệng lưỡi ngon ngọt của người nữ xa lạ.
  (25) Lòng con chớ ham muốn sắc đẹp của nó,
          và đừng để khóe mắt nó làm con mê mệt;
 (26)  vì gái điếm có thể thuê được chỉ bằng miếng bánh,
          nhưng người đàn bà ngoại tình
          đưa cả cuộc đời quí giá vào cạm bẫy.
  (27) Người ta có thể mang lửa nơi lòng
          mà áo quần không bốc cháy sao?
  (28) Hoặc có thể bước đi trên than hồng
          mà chân lại không bị phỏng?
  (29) Vì thế kẻ đến với vợ người khác cũng vậy,
          không kẻ nào chạm tới người phụ nữ có chồng
          mà không bị phạt."

    Hiển nhiên áp dụng bất cứ phần nào trong Châm Ngôn trên đối với Mẹ Chúa Giêsu là phạm thượng, là lăng nhục trầm trọng Ngôi Lời Thiên Chúa, lăng nhục chính Thiên Chúa Nhập Thể. Những lời đó lăng nhục và phỉ báng "Đấng đầy ơn phúc và được chúc phúc hơn mọi phụ nữ" (Lc 1:28,42) bằng việc áp dụng cho Người lời sách thánh nói về người đàn bà ngoại tình và gái điếm (theo CN 6:23-29). 

  * Chúng ta nghiên cứu thêm ý kiến của tác giả K.E. Skydsgaard, thần học gia Tin Lành, viết: "Thánh danh Đức Maria sẽ không âm thầm biến mất, nhưng sẽ được muôn thế hệ nhắc đến và được chúc tụng là thánh. Các tín hữu Tin Lành cũng cần phải học hát bài ca này." [1]

  * Sách giáo lý dành cho người lớn của Tin Lành Đức quốc nói, "Đức Maria không phải chỉ của Kitô hữu Công Giáo, mà Người cũng của Kitô hữu Tin Lành nữa... Hiển nhiên Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và gần Chúa hơn những môn đệ thân tín nhất của Chúa." [1]

   Sự chú ý mới này vào Mẹ Maria của Kitô hữu Tin Lành ngày càng phù hợp với lòng yêu mến Mẹ của chúng ta. Do quyền năng và thánh ý Con của Người hướng dẫn tất cả chúng ta, dường như Mẹ đang kéo chúng ta xích lại gần nhau hơn. [1]