Trang chủ

Dienstag, Juli 03, 2012

ĐTC Biển Đức XVI suy niệm về tương quan tình thương giữa Mẹ Maria và Chúa Kitô

Nguyễn Trọng Đa  9/24/2011




Giờ Kinh Chiều tại đền thánh Đức Mẹ Etzelsbach, Đức

ROMA – Tương quan tình thương, giữa Đức Mẹ Maria và Chúa Kitô, làm cho chúng ta hiểu rằng sự phát triển thực sự của con người không là việc tự thực hiện, "vốn có thể dễ dàng biến thành một hình thức tinh tế của tính ích kỷ", nhưng là sự tự hiến theo hình ảnh của Đức Mẹ Maria, vì Mẹ đón nhận tình yêu từ trái tim của Chúa Kitô.

Đây là điều ĐTC Biển Đức XVI đã giải thích chiều ngày 23-9, tại đền thánh Đức Mẹ Etzelsbach, nơi Ngài chủ sự việc đọc giờ Kinh Chiều. ĐTC Biển Đức XVI đã suy niệm về ý nghĩa của bức tượng Đức Mẹ tại đền thánh này, và các cuộc hành hương tại đây vốn có thể bắt đầu từ thế kỷ 17.

Theo truyền thuyết địa phương, một ngày nọ trong khi đang cày trên cánh đồng, một nông dân thấy con ngựa của mình dường như quỳ gối hai lần tại một chỗ cố định, trong một cách không thể giải thích được. Do tò mò, người nông dân bắt đầu đào bới chỗ đó, và ông tìm thấy một tượng gỗ của La Pieta, Đức Mẹ Sầu Bi. Kể từ ngày đó, các cuộc hành hương đã không bao giờ dừng lại nơi đây.

ĐTC Biển Đức XVI thốt lên trong bài giảng của Ngài: “Hãy nhìn vào hình ảnh của Đức Mẹ!. Một phụ nữ trung niên với mí mắt trĩu nước mắt và đồng thời ánh mắt nhìn về cõi xa xôi, như thể Mẹ đang suy niệm trong lòng mọi điều đã xảy ra. Trên đầu gối Mẹ là thân xác bất động của Con chí ái; Mẹ ôm xác Con dịu dàng và đầy tình thương, như một món quà quý giá. Trên thân thể trần truồng của Con Mẹ, chúng ta thấy các dấu hiệu của việc đóng đinh".

Sau đó ĐTC Biển Đức XVI giải thích "tính cách đặc biệt" của tượng Đức Mẹ ở Etzelsbach.

Ngài nói: "Trong hầu hết các lối trình bày tượng La Pieta, Chúa Giêsu chết với đầu ngã qua trái. Như thế, người quan sát có thể nhìn thấy vết thương cạnh nương long của Chúa Bị Đóng Đinh. Trái lại, ở bức tượng tại Etzelsbach, vết thương cạnh nương long bị che khuất, bởi vì cơ thể Chúa quay về phía bên kia".

ĐTC Biển Đức XVI nhìn thấy “một ý nghĩa sâu sắc" bởi vì “trong bức tượng kỳ diệu ở Etzelsbach, trái tim của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria đang quay về nhau. Hai trái tim đến gần nhau. Hai trái tim chia sẻ tình yêu với nhau".

Ngài nói thêm: “Chúng ta biết rằng trái tim là cơ quan của tình cảm bén nhạy nhất cho người khác, cũng như là cơ quan của lòng từ ái sâu xa. Trong trái tim của Đức Mẹ Maria có dành chỗ cho tình yêu, mà Người Con Chúa muốn trao ban cho thế giới".

ĐTC Biển Đức XVI nói: “Lòng sùng kính Đức Mẹ tập trung trong việc chiêm ngắm mối tương quan giữa Đức Mẹ và Người Con Chúa của Ngài”.

Ngài nhấn mạnh: “Đây không phải sự tự thực hiện, vốn hoàn thành sự phát triển thực sự của con người, điều mà hôm nay được đề nghị như là một mẫu gương cho cuộc sống hiện đại, nhưng điều đó có thể dễ dàng biến thành một hình thức tinh tế của tính ích kỷ. Thay vào đó, đây là thái độ của sự tự hiến, hướng về trái tim của Mẹ Maria và nhờ đó cũng hướng về trái tim của Đấng Cứu Chuộc".

ĐTC Biển Đức XVI nói thêm: "Trong Đức Maria, Thiên Chúa làm cho tất cả mọi thứ hướng về sự thiện. Với sự tế nhị của Đức Mẹ, Mẹ muốn cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống chúng ta phải là một lời đáp trả cho tình yêu phong phú, trong lòng thương xót của Chúa. Như thể Đức Mẹ nói với chúng ta: các con hãy hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện, và không muốn gì khác hơn là hạnh phúc thực sự cho các con, Chúa có quyền yêu cầu nơi các con một cuộc sống, vốn tự hiến cho thánh ý Chúa một cách không do dự và với niềm vui, và thi hành tốt thánh ý Chúa để cho các người khác cũng làm như vậy nữa”.

ĐTC Biển Đức XVI nhắc lại chủ đề của chuyến đi của Ngài là "Nơi đâu có Thiên Chúa, nơi đó có tương lai", trước khi kết luận bằng cách nói: "Thật vậy: nơi nào chúng ta để cho tình yêu Thiên Chúa hành động hoàn toàn trong cuộc sống của chúng ta, thì trời mở ra ở đó. Ở đó, ta có thể uốn nắn hiện tại để cho nó luôn phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ở đó, những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày có ý nghĩa của chúng, và ở đó, các vấn đề lớn nhất tìm thấy giải pháp cho chúng. Amen". (Zenit.org 23-9-2011)