Trang chủ

Sonntag, Dezember 18, 2011

Đức Bênêđíctô XVI và Đức Mẹ

Khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI từng nói về Đức Mẹ rất nhiều. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu tiên trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã được người ta vững bụng viết về tư tưởng của ngài đối với Đức Mẹ. Linh mục Johann G. Roten, thuộc Marian Library/International Marian Research Institute, Dayton, Ohio, ngày 6 tháng 6 năm 205, đã trình bày tổng hợp về tư tưởng ấy một cách khúc chiết.

Một ngày sau khi lên ngôi, ngỏ lời với các vị hồng y, Đức Bênêđíctô XVI gửi các ngài một thông điệp về hợp nhất và trung thành. Ngài cam kết sẽ “làm việc hết năng lực mình cho việc lập lại sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình của mọi môn đệ Chúa Kitô”. Rồi vừa nhìn lên Chúa Kitô, ngài vừa tái cam kết sẽ giữ “lời hứa trung thành vô điều kiện. Tôi cam kết sẽ chỉ phục vụ một mình Người, bằng cách hiến trọn vẹn con người tôi để phục vụ Giáo Hội của Người”. Và ngài nói thêm: “Để hỗ trợ tôi trong lòi hứa này, tôi khẩn khoản xin Đức Mẹ rất thánh cầu bầu cho tôi, tôi xin trao phó hiện tại và tương lai của con người tôi và của Giáo Hội trong tay ngài”.

Phó thác cho Đức Mẹ

Theo cha Roten, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger không bao giờ nói bất cứ điều gì mà lại không thận trọng cân nhắc. Ta có thể vững tâm, phương châm hành động của Đức Tân Giáo Hoàng sẽ không bao giờ thiếu bất cứ sự thấu đáo nào. Nói cách khác, bất cứ điều gì ngài nói về Đức Mẹ đều đã có suy nghĩ chín chắn và thấu đáo. Mặc dầu các văn vẻ hoa mỹ nói về Đức Mẹ phần lớn chỉ theo ước lệ chứ không hẳn do xác tín, nhưng mệnh đề sau cùng trong thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng gửi các vị hồng y có một giọng chân thực và hết sức thiết tha. Lời ngài nói về Đức Mẹ, bề ngoài ngắn gọn, nhưng quả là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô và đặc tính Maria của Giáo Hội. Con người Phêrô trao phó mình, cả hiện tại lẫn tương lai, trong bàn tay Đức Mẹ Rất Thánh. Ngài cũng làm như thế nhân danh toàn thể Giáo Hội. Cử chỉ trao phó ngôi vị Giáo Hoàng và cả Giáo Hội trong tay Đức Mẹ có ý nghĩa một hành vi phó thác, một cử chỉ vừa khôn ngoan vừa như của trẻ thơ nói lên nhu cầu và sự tín thác của mình. Đức Giáo Hoàng nhìn nhận “tình mẹ trùm phủ” của Đức Mẹ, một thuật ngữ hết sức thân thương của người bạn đáng kính của ngài là Hans Urs von Balthasar. Ngài làm nổi bật vai trò cao quí của việc Đức Mẹ bầu cử đầy tình mẫu tử cho ta, và do đó nhắc ta nhớ tới liên hệ cao quí và hoàn toàn lệ thuộc của ngài với Chúa Kitô. Trong bài giảng tại thánh lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ratzinger phó thác “linh hồn thân yêu” của Đức Gioan Phaolô II cho Mẹ Thiên Chúa để Đức Mẹ hướng dẫn ngài tới vinh quang đời đời của Con mình.

Một phong thái khác

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, Đức Mẹ có ý nghĩa gì? Phải chăng Đức Mẹ chỉ là một trong nhiều khuôn mặt trên bàn cờ thần học, có ích để ta đi một nước nhanh mà cứu bản sắc Chúa Kitô? Hoặc vị thế và tầm quan trọng của Đức Mẹ chỉ là vấn đề phụ thuộc đối với ngài mà thôi? Ai cũng biết Đức Bênêđíctô XVI không phải là Đức Gioan Phaolô II. Ngài không bao giờ cho mình là một đệ tử dấn thân của Thánh Grignion de Montfort. Ngài không có tiếng về tính dào dạt lai láng trong lòng sùng kính kiểu Ba Lan hay La Tinh. Bình thản và chừng mực, ngài giữ các rung động của con tim tại tầng sâu siêu hình trong tâm hồn Đức Quốc của ngài. Vậy thử hỏi Đức Bênêđíctô XVI có phải là một vị giáo hoàng cho Đức Mẹ hay không? Thiển nghĩ nên nói rõ ở đây rằng: Đức Bênêđíctô XVI sẽ không bắt chước phong thái của Đức Gioan Phaolô II, nghĩa là bị hấp hồn và đi hấp hốn, đầy cảm xúc và có khi táo bạo nữa. Đức Bênêđíctô XVI là một người chơi đàn piano và mộ mến nhạc Mozart. Giống thiên tài âm nhạc miền Salzburg, con người miền Regensburg là con người của sắc thái và nhịp điệu, một kỳ tài thần học với nhiều đa dạng tính đầy nghệ thuật và chừng mực và luôn gắn bó với điệp khúc muôn đời của chân lý mạc khải. Nói như thế chỉ để chứng tỏ rằng thái độ của Đức Bênêđíctô XVI hết sức phù hợp với ngữ cảnh thần học Đức Quốc. Đây chính là lời ngài phát biểu: “Tự bản thân, thái độ của tôi, ngay từ đầu, đã được phát biểu qua khía cạnh nặng về Chúa Kitô của phong trào phụng vụ, và điều ấy càng được củng cố hơn trong cuộc đối thoại với các bằng hữu Thệ Phản” (Seewald, 296). Ở đây, ta thấy một chủ đề rất vững bắt rễ trong Thánh Kinh, phụng vụ và tín điều. Còn các khai triển đa dạng chính là lòng sùng kính Đức Mẹ, tháng Mười Mân Côi, và vị thế của hành hương. Cũng có thể có một khai triển nữa do tuổi tác mang tới: “…Tôi càng có tuổi, Mẹ Thiên Chúa càng quan trọng và càng gần gũi với tôi hơn” (đã dẫn).

Trường Đức Mẹ

Hạn từ “gần gũi” khá lý thú nơi vị giáo hoàng này. Được hỏi “về phương diện bản thân, Đức Mẹ có nghĩa gì đối với ngài”, phản ứng đầu tiên của ngài là: “một biểu thức nói lên sự gần gũi Thiên Chúa”. Ta thấy hạn từ “gần gũi” này có hai ý nghĩa: Đức Mẹ mang lại cho Đức Bênêđíctô XVI sự gần gũi của một người mẹ, nhưng quan trọng hơn nữa: Đức Mẹ là biểu thức nói lên sự gần gũi Thiên Chúa. Vì Đức Mẹ gần gũi với Thiên Chúa và gần gũi với chúng ta, nên ta có thể rút ra kết luận hợp lý, một kết luận mà chính Đức Giáo Hoàng đã đưa ra vào tháng Năm năm 2005: ngài mời gọi tín hữu “chiêm ngắm Chúa Kitô bằng đôi mắt Đức Mẹ”. Mời gọi như thế rồi, Đức Bênêđíctô XVI đã nêu gương sáng của Đức Gioan Phaolô II: “Bằng lời nói và còn hơn thế nữa bằng gương sáng của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Kitô bằng đôi mắt Đức Mẹ, biết trân trọng việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi” (Zenit, 2 tháng 5 năm 2005). Theo cách riêng của ngài, Đức Bênêđíctô XVI cũng trân trọng việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Vì với một “tinh thần không yên nghỉ” như ngài, phép Mân Côi “giúp các linh hồn tìm được thanh thản… (khiến nó) bình thản và tự do và được chiêm ngắm Thiên Chúa” (Seewald, 319). Đức Giáo Hoàng muốn liên kết Phép Mân Côi với các ý niệm an ủi và chữa lành, ẩn náu nội tâm, và niềm chắc mẩm “sẽ được bảo bọc trong nhịp điệu cầu nguyện của cả Giáo Hội” (Seewald, 320). Đọc ba tràng Mân Côi hàng ngày đối với ngài hơi quá sức, vì ngài thú thực “(đọc như thế) tôi thường bị chia trí”. Ngài bảo 2 hay 3 mầu nhiệm một lúc hợp hơn với ngài, vì “trong lúc rảnh rỗi, lúc tôi muốn ra khỏi công việc của mình và muốn được thong thả đôi chút, lúc tôi muốn được yên tĩnh và để cho đầu óc tỉnh táo”. Ngài nhìn nhận một cách khiêm nhường rằng: “càng có tuổi, bạn càng ít khả năng thực hiện các cố gắng lớn về thiêng liêng” (Seewald, 320). Và ngài cũng khiêm nhường nhận rằng “tôi làm việc ấy một cách rất đơn giản, giống hệt cha mẹ tôi vẫn thường cầu nguyện” (đã dẫn, 319). Tuy nhiên, ngài hiểu rất rõ ý nghĩa thần học sâu xa hơn của Kinh Mân Côi. Kinh này đưa con người “ra khỏi chính họ” để cảm nghiệm được sự gần gũi hết sức nữ tính và mẫu tử của Đức Mẹ và làm cho linh hồn ta trở nên “một với lời kinh”, những lời vốn chuyên chở sự gần gũi với Chúa. Từ những ngày đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Bênêđíctô XVI luôn thúc giục rất nhiều khách tới thăm, đủ mọi giới, hãy “bước vào trường của Đức Mẹ để học biết yêu thương và bước chân theo Chúa Kitô trên hết mọi sự” (Triều Yết Chung, 4 tháng Năm 2005). Trường Đức Mẹ là một trường dạy “sự tốt lành nữ tính và mẫu tử” và phương cách cao cả nhất để bước vào các mầu nhiệm sâu sắc nhất của Chúa Kitô (Ngỏ với các khách hành hương Đức ngày lễ đăng quang).

Một Thánh Mẫu Học có tính đàm thoại

Theo dõi thư mục đồ sộ của Đức Hồng Y Ratzinger, bạn đọc sẽ thấy ít cuốn chuyên đề nói về Đức Mẹ. Phần lớn chỉ là các bài báo và bài giảng. Chỉ có một cuốn chuyên đề tựa là “Con Gái Xion” (1977, bản tiếng Anh 1983). Đức Hồng Y Ratzinger không tự phát, lại càng không hấp tấp, cầm ngòi bút viết về Đức Mẹ. Chỉ có Hans Urs von Balthasar mới “kiên nhẫn giựt” bản thảo cuốn “Con Gái Xion” khỏi tay ngài. Chính cũng một Balthasar này từng phê bình Ratzinger thiếu sáng sủa khi đề cập tới tư cách Chúa Con của Chúa Giêsu, và được Ratzinger trả lời rằng: “Đúng, tôi nhận tôi đã không đề cập cách rõ ràng đủ về điểm ấy” (Con Gái Xion, 51, ghi chú 11). Phần lớn những điều Đức Hồng Y Ratzinger viết về Đức Mẹ đều là các trước tác theo yêu cầu hay do hoàn cảnh tạo nên. Vị giáo hoàng tương lai này xem ra nói về Đức Mẹ một cách thoải mái nhất khi được các nhà báo phỏng vấn, thí dụ cuộc đàm đạo với V. Messori (The Ratzinger Report, Ignatius 1985) và P. Seewald, (God and the World, Ignatius, 2000). Năm 1985, Đức Hồng Y Ratzinger tìm thấy nơi Đức Mẹ một phương thuốc và một nền sư phạm: “Hơn bao giờ hết, Đức Mẹ phải là môt nền sư phạm, để công bố Phúc Âm cho con người thời nay” (Messori, 106). Ngài thúc giục ta quay về với Đức Mẹ để tái khám phá chân lý về Chúa Giêsu Kitô, chân lý về Giáo Hội, và chân lý về con người nhân bản: “Nếu vị thế được Đức Mẹ chiếm giữ là chủ yếu đối với sự quân bình của Đức Tin, thì ngày nay, cũng như một số các thời đại khác trong lịch sử Giáo Hội, điều khẩn thiết là phải tìm lại vị thế ấy” (Messori, 105). Đã có lúc, khi còn là một nhà thần học trẻ, Đức Hồng Y Ratzinger tỏ ra “dè dặt đối với một số công thức thời xưa nói về Đức Mẹ như “Nói về Đức Mẹ không bao giờ đủ” (De Maria numquam satis) hay "Đấng Chiến Thắng Mọi Lạc Giáo”, nhưng đến năm 1985, thì không còn những dè dặt như thế nữa, vì trong “chính thời kỳ hỗn độn này quả thực mọi thứ sai lầm của lạc giáo xem ra đang tính vượt qua các cửa ngõ của đức tin chân chính” (Messori, 105).

Sáu định mức

Đức Hồng Y Ratzinger đã thấy nơi Đức Mẹ một đảm bảo cho sự “quân bình của đức tin” ra sao? Ngài đưa ra 6 điểm, “sáu lý do để đừng quên”. Điều đáng kể ở đây là các lý do trên chủ yếu không phải là các đặc điểm hóa hay các đặc ân của chính Đức Mẹ, mà là các định mức thần học về Đức Mẹ và Thánh Mẫu Học nói chung đối với đức tin của ta. Sáu điểm nhắc nhở này không đáng ngạc nhiên chút nào: (1) Trong tín điều và truyền thống về Đức Mẹ, ta có một nền tảng chắc chắn cho một Kitô Học chân chính. (2) Thánh Mẫu Học nói lên mối tương quan và hòa nhập đúng đắn giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. (3) Vừa là thiếu nữ Do Thái vừa là Mẹ Đấng Mêxia, Đức Mẹ “liên kết với nhau, một cách sống động và không thể tháo gỡ, Dân Cũ và Dân Mới của Thiên Chúa, tức Israel và Kitô Giáo, hội đường và Giáo Hội” (Messori, 107). (4) Lòng sùng kính đúng đắn đối với Đức Mẹ đem lại một sự quân bình không thể thiếu giữa tâm và trí, bảo đảm cho đức tin trong mọi chiều kích của nó. (5) Đức Mẹ là khuôn mặt và điển hình chính của Giáo Hội, là bộ mặt nhân bản của Giáo Hội; trong ngài, “Giáo Hội, một lần nữa, tìm được khuôn mặt của mình như một bà mẹ”. Đức Mẹ là đối cực của việc coi đức tin chỉ là một điều trừu tượng, hay chỉ là một tổ chức, một đảng phái hay một nhóm gây áp lực. (6) Sau cùng, Đức Mẹ chiếu “sáng điều Thiên Chúa tiên định cho mọi phụ nữ thuộc mọi thời đại… qua đức đồng trinh và chức phận làm mẹ của ngài, mầu nhiệm người đàn bà tiếp nhận được một số mệnh cao qúi mà nàng không bao giờ bị tước đoạt nữa” (Messori, 108). Trích dẫn Hiến Chế Lumen Gentium (số 65), đoạn nói rằng Đức Mẹ “kết hợp trong con người của ngài và làm vang dội lại một lần nữa các mầu nhiệm quan yếu của đức tin”, Đức Hồng Y Ratzinger không ngần ngại nhắc nhở các độc giả của ngài rằng nền Thánh Mẫu Học chân chính phải là người gìn giữ đích thực đối với các chân lý mạc khải: tức các chân lý về Chúa Kitô, mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, Cựu Ước và Tân Ước, tâm hồn và lý trí trong đức tin, Giáo Hội của Đức Maria và Giáo Hội của Thánh Phêrô, và yếu tính của nữ tính.

Đức Mẹ, hoàn toàn là một Kitô hữu

Mười lăm năm sau, tức năm 2000, các suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ xem ra có vẻ thư giãn và có tính cách phản tỉnh, kể cả suy niệm nữa. Được hỏi về Đức Mẹ trong Thánh Kinh và tín điều, về lòng sùng kính và các lần hiện ra của ngài, Đức Hồng Y đã khai triển một chân dung về Đức Mẹ được tô điểm bằng nhiều cái nhìn thông sáng rất đáng chú ý và nhiều biểu thức độc đáo. Đức Hồng Y nói: người phụ nữ này có “một sự kết hợp hết sức độc đáo với Thiên Chúa” nhưng lại tỏ ra không chút sợ hãi nào. Câu truyện của ngài cho thấy ta không cần phải sợ Thiên Chúa. Dù hết sức cao cả, Thiên Chúa đã tự làm cho mình ra nhỏ bé, Người cứu vớt ta và không hề làm ta hãi sợ. Người mang lại sự sống. Là mẹ Đấng chính là sự sống và trao ban sự sống, Đức Mẹ là mẹ “mọi đời sống và người sống”, là người làm nên trọn điều mà Evà đã được định để trở nên. Đức Hồng Y Ratzinger thấy nơi Đức Mẹ “hình ảnh nguyên thủy của người đàn bà”. Ngài là “khuôn mặt tinh ròng của nhân loại và của Giáo Hội”, và điều này đúng bất chấp các tư liệu ít ỏi về ngài trong Thánh Kinh. Đức Hồng Y nhận định: “ở đây, tôi muốn nói rằng người ta khá kín miệng liên quan đến đời sống ngài. Và điều cũng hiển nhiên là chính ngài cũng kín miệng về mình nữa” (Seewald, 297). Trong Phúc Âm Luca, rõ ràng ngài là mẹ không những chỉ bằng thân xác mà còn bằng cả tâm và trí nữa, là mẹ của những ai biết nghe, biết tin và biết giữ Lời Chúa. Trong Phúc Âm Gioan, tại Cana và trên Canvariô, vai trò làm mẹ của ngài còn rõ ràng hơn nữa. Tại Cana, ngài là “tiêu mẫu của Giáo Hội cầu bầu”. Dưới chân Thánh Giá, “gia đình mới” của Chúa Giêsu bắt đầu hiện diện, trong đó Đức Mẹ giữ một địa vị mới và chủ yếu. Danh xưng “bà” là một “hình ảnh thần học” muốn nói rằng Đức Mẹ “đóng một vai trò vượt quá vai trò một cá nhân: ngài xuất hiện như “hình ảnh Evà Mới”. Trong tư cách “Evà Mới”, Đức Mẹ là mẹ Chúa Giêsu “và từ đó về sau không còn thuộc bất cứ ai khác”. Ngài là “cửa thực sự dẫn vào lịch sử” qua đó, Đấng Được Xức Dầu bước vào. Ngài mãi mãi đứng ở vị trí dành riêng ấy làm cổng cho một mình nhà vua mà thôi” (Seewald, 303). Đối với Đức Hồng Y Ratzinger, điều này muốn nói rằng ý niệm anh chị em chỉ có thể hiểu trong “khuôn khổ suy tư tộc họ”. Con người của Đức Mẹ được dành riêng cho Chúa Kitô, cho nên Vô Nhiễm Thai “là đặc điểm chính của đời ngài… Từ lúc khởi đầu, Đức Mẹ đã hiện diện một cách đặc biệt trước nhan Thiên Chúa, Đấng đã nhìn ngắm ngài và cho phép ngài nhìn ngắm Người” (Seewald, 304). Vô Nhiễm Thai mang theo nó “một tình trạng ơn thánh hoàn hảo” một tình trạng cùng với Mông Triệu đã được biến cải thành một cộng đoàn trọn vẹn với Chúa Kitô. Còn các khó khăn của tín điều này thì sao: thí dụ phải hiểu trời, thân xác vinh hiển ra sao? “Điểm chính yếu của tín điều này là Đức Mẹ hoàn toàn ở với Thiên Chúa, hoàn toàn ở với Chúa Kitô, hoàn toàn là một “ Kitô hữu” (trong một bản sắc có thân khác mà ta không thể tưởng tượng được) (Seewald, 305).

Luôn luôn là người mẹ

Đức Mẹ thuộc về một mình Đức Vua mà thôi, ngài được dành riêng cho Chúa Kitô, nhưng ngài lại không tách biệt chúng ta trong một biệt lập huy hoàng. Đức Mẹ từng chăm sóc tâm hồn nhiều người đàn ông và đàn bà, và do đó đã sản sinh ra nhiều lời cầu nguyện và lòng sùng kính bình dân “không bao giờ mất đi vẻ tươi mát và tính cận kề của chúng”. Đức Hồng Y còn tiến xa hơn: “Thánh Mẫu Học đã nói lên những cảm xúc sâu xa nhất của Kitô Giáo. Ở đây, người ta có thể trực tiếp cảm nhận Kitô Giáo như một tôn giáo của tin cậy, của chắc chắn” (Seewald, 299). Qua Đức Mẹ, họ tìm thấy Thiên Chúa. Tôn giáo không còn là một gánh nặng nhưng là một trợ giúp để đương đầu với cuộc đời. Một cách đặc biệt, Đức Mẹ là chìa khóa của hoạt động truyền giáo. Đức Hồng Y cho rằng: “Có một điều ta không được quên: người mẹ là người luôn luôn vươn tay ra chào đón những con người trong hoàn cảnh truyền giáo và làm cho Chúa Kitô trở thành Đấng họ với tới được” (Seewald, 300). Đức Hồng Y đặc biệt mang hoàn cảnh tại Châu Mỹ La Tinh ra để chứng minh rằng: “Thoạt đầu, tại Mễ Tây Cơ, tuyệt đối không có điều gì có thể thực hiện để giúp việc truyền giáo, cho đến khi xẩy ra hiện tượng Guadalupe, và rồi sau đó, đột nhiên Chúa Con trở thành gần gũi, nhờ mẹ của Người” (Seewald, 300). Đức Hồng Y cũng hoan hô các “cố gắng e dè” của người Thệ Phản trong việc tái nắm bắt khuôn dung Đức Mẹ, như người đàn bà đứng ngay giữa tâm điểm Kitô Giáo. “Qua Đức Mẹ, và những người đàn bà thánh thiện khác, yếu tố nữ đã đứng ngay ở tâm điểm Kitô Giáo. Nghĩ về Chúa Kitô và Đức Mẹ như hai người cạnh tranh với nhau là quên mất sự phân biệt chủ yếu giữa hai nhân vật này… Đó không phải là cạnh tranh mà là thân mật sâu sắc nhất” (Seewald, 302). Và rồi, dù vẫn cảnh giác chống lại “tính duy tình cảm ướt át, vốn làm ta xa lìa thực tại”, Đức Hồng Y nhìn thấy nơi Đức Mẹ và Thánh Mẫu Học một phản ứng chống lại những cường điệu thái quá của Phong Trào Ánh Sáng: “… chúng ta từng phải chịu đựng cái khuynh hướng mạnh mẽ dẫn ta tới việc duy lý hóa và Phong Trào Thanh Giáo (Puritanism), có thể nói như thế, đến nỗi trái tim con người đã nổi dậy chống lại sự phát triển ấy và bám chặt lấy Thánh Mẫu Học” (Seewald, 300). Con người bám chặt lấy Đức Mẹ vì ngài là “cửa rộng mở dẫn ta tới Thiên Chúa”, là chìa khóa dẫn ta tới một hiểu biết sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Đức Hồng Y Ratzinger rất hay sử dụng biểu tượng đó: “Qua Đức Mẹ, người ta có thể nhìn ngắm nhan Chúa Kitô và nhan Thiên Chúa, đến nỗi có thể hiểu biết Thiên Chúa” hay trong một ngữ cảnh khác: “… Mầu nhiệm của Con và mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhờ người mẹ, đã trở nên dễ hiểu một cách đặc biệt” (Seewald, 307). Mối liên hệ này nói lên lòng tín thác, thường được Đức Hồng Y nhắc tới và biến đổi. Trước mặt Đức Mẹ, ta có thể “ giống trẻ nhỏ, hoàn toàn tín thác không cần biết tới mình, cách mà người ta thường không dám có đối với Chúa Kitô”. Các lần hiện ra, các việc chữa lành, các phép lạ, dù vượt quá trí hiểu của con người, đều có nền tảng trong sự tín thác và tín thác được đáp ứng: “Đức tin trở nên một điều sống động trong sự tín thác này đến độ nó tràn cả vào lãnh vực thể lý, vào lãnh vực đời thường và do đó cho phép một thứ bàn tay nào đó của Thiên Chúa trở nên thực sự hữu hiệu, qua sức mạnh của lòng tốt nơi mẹ của Người” (Seewald, 308)

Chỉ linh hồn đơn sơ mới biết nhìn

Liệu những lời lẽ trên đây có phải là đặc trưng của một người đốc công, một người được trao nhiệm vụ duy trì tính cách chính thống trong tín lý của Giáo Hội không? Đối với Đức Hồng Y Ratzinger, Kitô Giáo là một “tôn giáo của trái tim” trong đó, chỉ những linh hồn đơn sơ mới biết nhìn. Bị vặn hỏi về các lần hiện ra, Đức Hồng Y cho rằng cần phải cột chặt ý nghĩa sâu sắc và lâu bền của các lần hiện ra vào biểu tượng “người đàn bà mặc áo mặt trời”, một biểu tượng không những ám chỉ Dân Thiên Chúa của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước mà còn áp dụng cho Đức Mẹ nữa. Đức Hồng Y thấy trong mặt trời mà Đức Mẹ mặc có ánh sáng chân thực của thế gian, tức Chúa Giêsu Kitô. Các cuộc hiện ra nói lên “sự nối kết căn để của Đức Mẹ với Chúa Kitô”. Đức Hồng Y cho rằng hình ảnh Người Đàn Bà Khải Huyền là một hình ảnh “đáng sợ”; quan trọng hơn, hình ảnh ấy chính là “sức mạnh lên ngôi”. Các khách hành hương tới Lộ Đức, Fatima, và Guadalupe cảm nhận được “sự cao cả của hình tượng này cũng như niềm an ủi và chữa lành nó mang tới” (Seewald, 309).

Các lần hiện ra chân thực đều có điểm chung này: chúng đem ta trở lại “với những điều đơn giản và chủ yếu, những điều rất dễ bị bỏ qua” (Seewald, 311). Những điều chủ yếu ấy là những điều nào? Đó là những điều không thể ở bên ngoài Phúc Âm. Đức Hồng Y trích dẫn lời của chị Lucia, một trong ba thị nhân Fatima: “Tất cả chỉ là vấn đề đức tin, đức cậy và đức mến” (Seewald, 310). Đó là điều Đức Mẹ muốn ta ý thức được và trong cũng như qua đức tin, đức cậy và đức mến, ngài sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hồi tâm, ăn năn trở lại. Các bí mật thời danh của Fatima cũng đều qui về hướng đó.

Hồi tâm và thống hối là những điều chủ chốt… thống hối có thể thay đổi cái nhìn của ta. Trong một bình luận ngắn về bí mật thứ ba của Fatima và ý nghĩa của nó, Đức Hồng Y Ratzinger đã nhấn mạnh tới một khía cạnh thường bị người ta bỏ qua và bỏ quên, đó là: tầm quan trọng của tử đạo trong thế kỷ 20. Trong bí mật này, giáo dân, linh mục, giám mục và cả giáo hoàng nữa đang bị sát hại: “Nhưng máu của những người bị xử tử đã được các thiên thần thu lượm, và chúng sẽ mang lại nhiều hoa trái cho thế gian” (Seewald, 311). Ta có thể thấy phản ứng khó chịu của Đức Hồng Y đối với những người tò mò chỉ muốn nghe những tin tức giật gân liên quan tới các lần hiện ra. Điều ấy không hề có ý nói: ngài dửng dưng hay ác cảm đối với các sự việc ấy. Chính ngài từng nói rắng: “câu truyện Lộ Đức là một câu truyện hết sức cảm động đối với bản thân tôi”. Chính sự đơn sơ, sự trong trắng vĩ đại bên trong và sự không sợ hãi của Thánh Nữ Bernadette đã lôi cuốn Đức Hồng Y: “… trong bầu không khí thiêng liêng khá lạnh nhạt, gần như lạnh cóng này, thánh nữ đã thành công giới thiệu được khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa” (Seewald, 313).

Giáo Hội bằng người thật

Đối với con mắt của Đức Hồng Y, chỉ những điều chủ yếu mới đáng kể, tức cái “bình diện sâu sắc hơn ở bên trong” của trí hiểu, của xác tín và của cam kết. Đấy có thể là một trong các lý do, cả bản thân lẫn nghề nghiệp, tại sao ngài đã thận trọng đánh giá các động thái gần đây nhằm cổ vũ việc tuyên bố thành tín điều tư cách đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ. Ngài cho rằng Chúa Kitô “đang xây dựng một cộng đồng sâu sắc và mới mẻ với chúng ta” (Seewald, 306). Cứu chuộc là tâm điểm của việc “trao hóan vĩ đại”: những gì của Người đã trở nên của chúng ta, và những gì của chúng ta đã trở nên của Người. Việc “hiện hữu với” ấy đã được phát biểu rõ ràng nhất nơi Đức Mẹ, đấng vốn là “tiêu mẫu của Giáo Hội” hay nói đúng hơn là chính “Giáo Hội bằng người thật”. Tuy nhiên, ta đừng quên tiêu mẫu đầu hết vẫn là Chúa Kitô: cả Đức Mẹ nữa cũng chỉ là mọi sự nhờ có Chúa Kitô mà thôi. Đức Hồng Y nhận thấy thuật ngữ “đồng công cứu chuộc” có thể làm mờ cái nguồn gốc tuyệt đối từ Chúa Kitô ấy, và do đó đi quá xa ngôn ngữ Thánh Kinh và các giáo phụ. Liên tục bám lấy ngôn ngữ Thánh Kinh và các giáo phụ phải là chủ yếu đối với các vấn đề thuộc đức tin. Theo Đức Hồng Y Ratzinger, “thao túng ngôn ngữ” là điều không thích đáng. Ngài thấy trong phong trào cổ vũ tước hiệu đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ có “một ý định đúng đắn” nhưng đã bị phát biểu cách sai lạc. Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin chủ trương rằng “điều muốn nói trong tước hiệu đồng công cứu chuộc thực ra đã được nói tới một cách tốt hơn trong các tước hiệu khác của Đức Mẹ”. Và do đó, câu trả lời của Đức Hồng Y đối với thỉnh nguyện này được tóm tắt trong câu tuyên bố sau đây: “Trong một tương lai gần, tôi không nghĩ sẽ có bất cứ sự thuận tình nào đối với thỉnh nguyện này, một thỉnh nguyện hiện đang được nhiều triệu người hỗ trợ” (Seewald, 306).

Nhà chứa Lời Chúa

Lý giải của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ đi theo mẫu mực của nền Thánh Mẫu Học lấy Giáo Hội là m mô thức (ecclesiotypical Mariology). Nhiều siêu sao thần học hiện đại như Przywara, Congar, de Lubac và cả Balthasar nữa cũng bước theo cùng một mẫu mực ấy. Quan điểm của phái mô thức Giáo Hội dựa trên các nền tảng vững chắc của giáo phụ và sử dụng phương pháp hình tượng học (typological). Từ phương thức tiếp cận này, người ta rút ra điều được gọi là hiệu gương kép (double mirror-effect): Giáo Hội lý giải và minh giải mình trong Đức Mẹ và ngược lại. Về phần mình, Đức Mẹ giải thích mối tương quan của Giáo Hội với Chúa Kitô. Nơi Đức Mẹ, Giáo Hội là Nàng Dâu, là Trinh Nữ, và là Mẹ. Ngược lại, tư cách thành viên Giáo Hội của Đức Mẹ, dù là thành viên ưu hạng, cũng đã có cơ sở vững chắc. Ta tìm thấy tất cả những đặc điểm ấy trong các suy tư của Đức Hồng Y Ratzinger về Đức Mẹ. Ngài hình dung Đức Mẹ như một “cụ thể hóa có tính bản vị” nơi Giáo Hội, như “con gái Xion” đích thực, như khởi đầu có tính bản vị của Tân Ước (xem: Introduction to Christianity, 1968, bản tiếng Anh 1969; Daughter of Zion, 1978, bản tiếng Anh 1983). Đó chính là nền tảng cho việc lấy Đức Mẹ làm kiểu mẫu và gương sáng cho đức tin của ta. Trong bài giảng kết thúc tháng Năm năm 1979, Đức Hồng Y Ratzinger, lúc đó là Tổng Giám Mục Munich, đã chào kính Đức Mẹ như người giữ lời Chúa trong lòng. Đức Mẹ là người đã tin và được ca ngợi là người “có phúc” vì đã tin (Lc 1:45). Bình luận về các đoạn văn vốn được gọi là các bản văn bác bỏ Đức Mẹ trong Tân Ước (Lc 11:27; 2:49; Mc 3:34; Ga 2:4), Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng thực ra các đoạn văn ấy dẫn ta tới bản chất của lòng tôn sùng Đức Mẹ. Đức Mẹ là “nơi cư ngụ của Lời Thiên Chúa”, là nơi Lời Thiên Chúa được tiếp nhận, chăm sóc và bảo vệ; nơi Lời Chúa được dành chỗ, giúp nó lớn lên và thấy mình có nhà giữa một thế giới không nhà. Điều quan trọng nhất: Đức Mẹ là thửa đất màu mỡ nơi Lời Thiên Chúa sinh hoa kết trái. Đặc điểm Maria trong con người Kitô hữu của ta được phát biểu rõ ràng nhất trong định nghĩa của Thánh Luca về việc thế nào là người có phúc. Phúc cho ai “nghe Lời Chúa và tuân giữ nó” (Lc 11:28). Trong thái độ của Đức Mẹ, Đức Hồng Y Ratzinger thấy hướng đi chắc chắn và qui chiếu đáng tin cậy cho mọi lữ khách trên hành trình tiến về cõi đời đời, nhưng hiện đang gặp đủ mọi thứ mù mờ, mâu thuẫn, thử thách, gian nan, xao xuyến, ruồng bỏ.
Nguồn từ
Vũ Văn An10/13/2009  http://www.vietcatholic.net/News/Html/72082.htm