Trang chủ

Montag, Dezember 26, 2011

Đức Thánh Cha : Xin Hài Nhi Giêsu tỏ hiện quyền năng của Người
 
Nói về quyền năng cao cả của Thiên Chúa trong bài giảng lễ Vọng Giáng Sinh

VATICAN, ngày 24, tháng 12, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói lên một lời nguyện xin trong bài giảng hôm nay trong thánh lễ Vọng Giáng Sinh: "Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã xuất hiện như một hài nhi" và "chúng con yêu mến tình trạng con trẻ và yếu đuối của Người," nhưng chúng con vẫn xin Người, "hãy tỏ hiện quyền năng của Người."

Giữa Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với đèn đóm trang hoàng rực rỡ, Đức Thánh Cha cầu xin như vậy, khi ngài nhắc đến là cả ba Thánh Lễ Giáng Sinh đều trình bầy một trích dẫn sách Tiên Tri Isaiah, "mô tả chi tiết về những gì đã xẩy ra đêm Giáng Sinh: "một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và vương quyền được đặt trên vai người, và đây là tên họ gọi người: Đấng Khuyên Bảo Lạ Kỳ, Thiên Chúa Tối Cao, Cha Muôn Đời, Hoàng Tử Hoà Bình. Vương quốc người trong thái bình sẽ tồn tại muôn ngàn đời."

Đức Thánh Cha nói không rõ tiên tri Isaiah đã nhắc đến một hài nhi đặc biệt nào trong thời kỳ lịch sử của ngài, nhưng ngài đã nói, "điều này có vẻ không thể xẩy ra. Đây là bản văn độc nhất trong Cựu Ước đã viết về một hài nhi, một con người, mà tên gọi sẽ là Thiên Chúa Toàn Năng, người Cha Muôn Thuở. Chúng ta được bầy tỏ một viễn ảnh kéo dài xa quá giờ phút huyền nhiệm, tới tương lai."

Đức Thánh Cha nói, "Một hài nhi, với tất cả những yếu đuối, là Thiên Chúa Toàn Năng. Một hài nhi với tất cả những nhu cầu và sự tùy thuộc, là người Cha Muôn Thở. Và thái bình của Người 'vững bền mãi mãi.'"

Suy niệm về nền hoà bình này, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói rằng Thiên Chúa như một hài nhi "tự mình chống chọi với tất cả mọi sự bạo tàn và đem lai một sứ điệp hoà bình."

Ngài tiếp: "Vào lúc này, thế giới vẫn liên tiếp bị đe doạ bởi bạo lực tại biết bao nhiêu nơi chốn, và bằng biết bào nhiêu cách thức khác nhau, khi mãi mãi vẫn có những chiếc roi của quân đàn áp và những áo choàng đẫm máu, chúng ta phải kêu lên với Chúa: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã xuất hiện như một hài nhi và đã tỏ hiện cho chúng con như Đấng thương yêu chúng con, Đấng qua Người tình yêu sẽ chiến thắng. Và Chúa đã bầy tỏ cho chúng con là chúng con phải là những người kiến tao hòa bình củng với Chúa.

"Chúng con yêu mến tình trạng con trẻ và bất lực của Chúa, nhưng chúng con đau khổ vì sự hiện diện không ngừng của bạo lực trên thế giới, và do đó chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa! Xin hãy bầy tỏ quyền năng của Người. Trong thời giàn này của chúng con, trên thế giới này của chúng con, xin làm cho cháy rụi những chiếc roi của kẻ đàn áp, những áo choàng đẫm máu và những chiếc giầy của chiến trận, để cho hoà bình của Chúa có thể chiến thắng trên thế giới chúng con."
Bùi Hữu Thư12/25/2011

Sonntag, Dezember 25, 2011

Hãy nhận lấy con tôi

Tôi có câu chuyện này rất hay. Xin hãy dành chút thời gian để đọc vì biết đâu nó sẽ đem đến cho quý bạn một ngày đầy ý nghĩa!

Kết thúc của nó bảo đảm sẽ làm quý vị bạn ngạc nhiên.

Hãy nhận lấy con tôi

Một người phú hộ giàu có kia có người con trai thích sưu tầm tác phẩm nghệ thuật quý hiếm. Họ đã có mọi thứ trong bộ sưu tầm của họ, từ những bức danh hoạ của Picasso đến Raphael. Họ thường ngồi bên nhau để chiêm ngưỡng các công trình lớn của nghệ thuật ..

Khi chiến cuộc Việt nam bùng nổ, con trai ông phải đi lính. Anh đã chiến đấu rất dũng cảm và đã chết trong trận chiến trong khi giải cứu một người lính khác. Cha anh đã được thông báo về cái chết, ông đau buồn vô cùng trước cái chết của người con trai duy nhất.

Khoảng một tháng sau đó, ngay trước lễ Giáng sinh,

Có tiếng gõ cửa. Một người đàn ông trẻ đứng ở ngạch cửa với một gói lớn trong tay...

Anh nói, "Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là người lính mà con trai bác đã phải hy sinh mạng sống của anh ấy. Anh đã cứu sống nhiều người ngày hôm đó, và anh đã mang cháu đến nơi an toàn khi một viên đạn bắn vào người anh ngay chỗ trái tim và anh đã chết ngay lập tức ... Hồi còn sống anh ấy thường nói về bác, và niềm đam mê của bác dành cho nghệ thuật. "

Người thanh niên này trao cho ông gói đồ và nói "Cháu biết món quà này không đáng bao nhiêu, cháu thật sự cũng chẳng phải là một nghệ sĩ tài giỏi gì, nhưng cháu nghĩ rằng con trai của bác mà còn sống sẽ muốn dành cho bác món quà này".

Người cha mở gói quà ra xem. Đó là một bức chân dung của con trai mình, được vẽ bởi người thanh niên đứng trước mặt ông. Ông nhìn chăm chú vào bức tranh, kinh ngạc trước khả năng lột tả được tư cách của con trai mình qua bức tranh của người lính. Người cha đã bị đôi mắt trong tranh thu hút đến nỗi mắt ông mờ lệ. Ông cảm ơn người thanh niên và ngỏ ý muốn trả công cho người thanh niên đã vẽ tranh tặng mình .. "Ồ, không đâu bác, cháu chẳng bao giờ có thể trả hết nợ cho những gì con trai của bác đã làm cho cháu đâu. Đây là một món quà cháu dành tặng cho bác đó".

Người cha trang trọng treo bức chân dung trên chỗ lò sưởi của mình. Mỗi lần khách đến nhà, ông đều đưa họ đến xem chân dung của con trai mình trước khi ông đã cho xem bất cứ của các công trình lớn khác mà ông đã thu thập được.

Người cha qua đời vài tháng sau đó. Bức tranh của ông được đem bán đấu giá. Nhiều nhân vật quyền lực đã tụ tập, hăm hở đến xem những bức tranh vẽ tuyệt vời mà họ đã có cơ hội đến mua một bức cho bộ sưu tập của mình.

Bức tranh vẽ người con trai được đặt trên một bục gỗ. Người điều khiển cuộc đấu giá bắt đầu gõ chiếc búa. "Chúng tôi sẽ bắt đầu màn đấu thầu với bức tranh vẽ của người con trai. Ai sẽ trả giá cho bức tranh này trước? '

Chỉ có sự im lặng ...

Bỗng có một giọng nói từ phía sau căn phòng hét lên "Cho chúng tôi xem những bức tranh nổi tiếng đi, bỏ qua bức tranh này đi".

Nhưng người điều khiển cuộc đấu giá cứ kiên trì. 'Ai muốn đấu giá bức tranh này? Ai muốn mở đầu cuộc đấu giá? $ 100, $ 200? "

Một giọng giận dữ vang lên. "Chúng tôi không đến để xem bức tranh này. Chúng tôi đến để xem Van Gogh, Rembrandts. Vào cuộc đấu giá thật sự đi ông ơi! "

Tuy nhiên, người điều khiển cuộc đấu giá cứ tiếp tục. 'Bức tranh người con trai! Người con trai! Ai sẽ mua bức tranh người con trai? "

Cuối cùng, một giọng nói đến từ mặt sau của căn phòng. Đó là người làm vườn lâu năm của người đàn ông và cậu con trai. "Tôi sẽ trả 10 đồng cho bức tranh này... ' Là một người nghèo rớt mồng tơi, ông chỉ có khả năng trả đến thế.

"Chúng tôi có người trả $10 rồi, ai sẽ đấu giá lên đến $20 ?

Đám đông trở nên giận dữ. Họ không muốn thấy bức tranh của người con trai.

"Cứ để cho anh ta mua với giá $10 đi. Hãy cho chúng tôi xem các bức hoạ bậc thầy đi thôi".

Họ chỉ muốn sự đầu tư xứng đáng trong bộ sưu tập của họ.

Người điều khiển cuộc đấu giá đập chiếc búa .. ."gọi một lần, hai lần, xong, bức tranh được bán với giá $10! "

Một người đàn ông ngồi trên hàng thứ hai la lên "Bây giờ cho chúng tôi xem nguyên bộ sưu tập còn lại đi ông!"

Người điều khiển cuộc đấu giá đặt chiếc búa của mình xuống. "Tôi xin lỗi, cuộc đấu giá đã kết thúc.

"Còn những bức tranh thì sao? "

"Tôi xin lỗi. Khi tôi được gọi thực hiện cuộc đấu giá này, tôi đã được cho biết một quy định bí mật đã được ghi rõ trong di chúc ... đó là tôi không được phép tiết lộ quy định đó cho đến khi thời điểm này. Chỉ có bức tranh của con trai sẽ được bán đấu giá. Bất cứ ai đã mua bức tranh này sẽ kế thừa toàn bộ bất động sản, bao gồm cả những bức tranh khác.

Người nào mua bức tranh người con trai được tất cả mọi thứ kia! "

Chúa đã ban người con trai duy nhất của ngài cách đây hơn 2.000 năm để chịu chết trên thập giá. Cũng giống như người bán đấu giá, hôm nay sứ điệp của Ngài là: "Con ta, Con ta, ai sẽ là người đón nhận con trai ta?

Bởi vì, quý bạn thấy đó, bất cứ ai có Chúa Con sẽ được tất cả mọi thứ!

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian quá đỗi, Ngài đã ban cho chúng ta người con duy nhất của mình. Ai tin vào Ngài, sẽ được ban cho sự sống đời đời ... Đó mới gọi là tình yêu.
Thu Cúc sưu tầm12/24/2011
Veni ad salvandum nos! Hãy đến cứu chúng con!

Anh chị em tại Rôma và trên toàn thế giới thân mến,

Chúa Kitô đã sinh ra cho chúng ta!

Vinh quang Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương. Cầu xin cho tất cả mọi người nghe được tiếng vang của thông điệp Bethlehem mà Giáo Hội Công Giáo lặp lại trên khắp cùng bờ cõi trái đất, vượt qua tất cả biên giới của quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa. Người Con của Đức Nữ Đồng Trinh Maria được sinh ra cho mỗi người; Ngài là Đấng Cứu Độ cho tất cả mọi người.

Chúa Kitô đã được kêu cầu đến như thế này trong điệp xướng của Phụng Vụ trước đây: “Lạy Emmanuel là đức vua, là thẩm phán, là hy vọng và là ơn cứu độ của mọi dân nước: hãy đến cứu chúng con, Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con”. Veni ad salvandum nos! Hãy đến cứu chúng con! Đây là tiếng kêu từ những người nam nữ của mọi thời đại, là những người cảm nhận được là tự chính mình họ không thắng nổi những khó khăn và hiểm nguy. Họ cần đặt để tay mình trong lòng một bàn tay lớn mạnh hơn, một bàn tay vươn đến họ từ trời cao thăm thẳm.

Anh chị em thân mến, bàn tay này là Chúa Kitô, Đấng được sinh ra tại Bethlehem bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Ngài là đôi tay mà Thiên Chúa vươn đến nhân loại, để kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy của tội lỗi và đặt để chúng ta vững vàng trên đá tảng, là phiến đá an toàn của Chân Lý và tình yêu của Ngài (x. Tv 40:2).

Đây là ý nghĩa danh xưng của Hài Nhi, là tên mà theo Thánh Ý Chúa, Đức Maria và Thánh Giuse đã đặt cho Ngài: Ngài được gọi là Giêsu, nghĩa là “Đấng Cứu Độ”, (x. Mt 1:21; Lk 1:31). Ngài được sai đến bởi Thiên Chúa Cha để cứu thoát chúng ta trên hết là từ sự dữ đã đâm rễ sâu nơi nhân loại và trong lịch sử: là tội lỗi xa cách Thiên Chúa, là thói ngạo mạn tự cho mình là đủ, hay dám tranh đua với Thiên Chúa để thay thế địa vị Ngài khi phân xử điều gì là thiện điều gì là ác, hay khi cả gan muốn trở thành đấng nắm quyền sinh tử (x. Sáng Thế 3:1-7) Đó là sự ác lớn nhất, là tội lỗi nghiêm trọng nhất mà nhân loại chúng ta tự mình không thoát ra nổi trừ khi là chúng ta trông cậy vào ơn phù trợ của Thiên Chúa, trừ khi là chúng ta kêu cầu đến Ngài: “Veni ad salvandum nos! Hãy đến cứu chúng con!”

Chính việc chúng ta kêu thấu đến trời như thế đã đưa chúng ta trở về đường ngay, làm cho chúng ta trở nên trung thực với chính mình: chúng ta thực là những người đã kêu cầu Thiên Chúa, và đã được giải thoát (x. Esth [LXX] 10:3ff.) Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ; chúng ta là những kẻ sa đoạ. Ngài là bác sĩ; chúng ta là con bệnh. Nhận thức ra điều này là bước đầu tiên hướng đến ơn cứu độ, hướng đến việc thoát ra khỏi vũng lầy giam hãm chúng ta vì cái thói tự cao tự đại của mình. Hướng đôi mắt chúng ta lên trời cao, và vươn đôi tay chúng ta ra kêu cầu sự trợ giúp là cách thế giải thoát chúng ta với điều kiện là phải có một Đấng nào đó lắng nghe chúng ta và đến giúp chúng ta.

Chúa Giêsu Kitô là bằng chứng rằng Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu cứu của chúng ta. Và không chỉ có thế mà thôi! Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta mạnh đến mức Ngài không thể thờ ơ được nữa; Ngài vượt ra khỏi chính Ngài để bước vào giữa chúng ta để chia sẻ đầy đủ thân phận nhân loại với chúng ta (x. Xuất Hành 3:7-12). Đáp trả của Thiên Chúa trước tiếng kêu cầu của chúng ta nơi Chúa Giêsu vượt xa tít tắp những trông đợi của chúng ta, hoàn tất nơi một tình liên đới không chỉ giữa nhân loại, mà còn là với thần thánh. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và tình yêu là Thiên Chúa, mới có thể chọn cách thế cứu chúng ta như thế, một cách thế chắc chắn là dài nhất, nhưng đó là cách thế tôn trọng sự thật về Ngài và về chúng ta: là cách thế hòa giải, đối thoại và hợp tác.

Anh chị em tại Rôma và trên toàn thế giới thân mến,

Trong ngày lễ Giáng Sinh 2011 này, chúng ta hãy hướng đến Hài Nhi Bethlehem, Người Con của Đức Nữ Đồng Trinh Maria và thân thưa rằng: “Hãy đến cứu chúng con!” Chúng ta hãy lặp lại những lời này trong sự hiệp nhất tinh thần với đông đảo những ai đang phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất định; chúng ta hãy nói thay cho những ai không có tiếng nói.

Cùng nhau chúng ta hãy khẩn cầu ơn phù trợ của Thiên Chúa cho các dân tộc trong vùng Sừng Phi Châu, là những người đang phải gánh chịu nạn đói và khan hiếm thực phẩm, tích lũy bởi một tình trạng bất an kéo dài. Cầu xin cho cộng đồng quốc tế đừng quên đưa ra những trợ giúp cho những người di tản khỏi những vùng này và là những người mà nhân phẩm của họ đã bị thách thức nghiêm trọng.

Xin Thiên Chúa ban ơn ủi an cho các dân tộc vùng Đông Nam Á, đặc biệt là tại Thái Lan và Phi Luật Tân, là những người gánh chịu những khó khăn trầm trọng vì hậu quả của những trận lụt gần đây.

Xin Chúa đến giúp thế giới của chúng ta đã tan nát vì quá nhiều những cuộc xung đột mà ngay cả ngày hôm nay cũng làm đang làm thế giới vấy máu. Cầu xin cho Hoàng Tử Bình An ban hòa bình và ổn định cho vùng đất nơi Ngài đã chọn để đến trong thế gian này, và khích lệ việc tái tục cuộc đối thoại giữa những người Do Thái và Palestine. Xin Ngài chấm dứt bạo lực tại Syria, nơi quá nhiều máu đã đổ ra. Xin Ngài ban ơn hòa giải và ổn định cho Iraq và A Phú Hãn. Xin Ngài canh tân ý chí cho các thành phần xã hội tại các nước ở Mỹ Châu và Trung Đông khi họ đang cố thăng tiến thiện ích chung.

Cầu xin cho việc hạ sinh của Đấng Cứu Độ nâng đỡ những khả năng đối thoại và hợp tác tại Miến Điện trong khi theo đuổi những giải pháp chung. Xin cho biến cố Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế bảo đảm sự ổn định chính trị cho những quốc gia trong vùng Đại Hồ Phi Châu, và trợ giúp dân chúng Nam Sudan trong dấn thân bảo vệ quyền lợi của tất cả các công dân.

Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy lại hướng mắt đến hang đá Bethlehem. Hài Nhi chúng ta đang chiêm ngắm là ơn cứu độ của chúng ta! Ngài đã mang đến thế giới một thông điệp phổ quát của hòa giải và hòa bình. Chúng ta hãy mở tâm hồn ra với Ngài; chúng ta hãy đón nhận Ngài vào trong tâm hồn chúng ta. Một lần nữa chúng ta hãy thưa với Ngài với niềm vui và lòng cậy trông: “Veni ad salvandum nos!”

+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
nguồn:  Thông Điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi
J.B. Đặng Minh An dịch12/25/2011     http://www.vietcatholic.net/News/Html/94899.htm

Freitag, Dezember 23, 2011

Mừng lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh
Hằng năm toàn thể Giáo Hội Công giáo mừng ngày sinh nhật Chúa Giêsu, đấng Cứu thế từ trời cao sinh xuống làm người trên trần gian. Mừng sinh nhật Chúa Giêsu, đấng Cứu thế, Con Thiên Chúa, cũng là vị Thủ lãnh sáng lập Giáo Hội Chúa ở trần gian. Lễ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu, con Thiên Chúa sinh ra làm người, là ngày lễ trọng đại của đức tin đạo Công giáo. Và ngày lễ trọng đại đó có nguồn gốc trong dòng thời gian lịch sử về khía cạnh văn hóa cũng như chính trị của đời sống xã hội nhân loại.

1. Chúa Giêsu giáng sinh dòng trong lịch sử

Martyrologium Romanum ghi chép tên tuổi lịch sử các vị Thánh của Giáo Hội Công giáo toàn cầu đã có bài công bố về niên đại cùng nơi chốn lịch sử Chúa Giêsu giáng sinh làm người:
„ANNO ein creatióne mundi,
quando in principio Deus creávit coelum et terram,
quinquies Millesimo Centesimo nonagésimo nono:
Ein diluvio autem, anno bis Millesimo nongentésimo quinquagésimo Septimo:
Ein Nativitate Abrahae, anno bis Millesimo quintodécimo:
Ein Moyse et egréssu populi Israel de Ægypto, anno Millesimo quingentésimo Decimo:
Ab unctióne David in Regem, anno Millesimo trigésimo Secundo;
Hebdómada Sexagesima quinta, juxta Danielis prophetíam:
Olympiade centésima nonagésima quarta:
Ab urbe Roma condita, anno septingentésimo quinquagésimo Secundo:
Anno Imperii Octaviáni Augusti Quadragesimo Secundo,
toto Orbe in Tempo compósito, sexta mundi Aetate, -
Jesus Christus Aeternus Deus, æterníque Patris Filius,
mundum volens advéntu suo piíssimo consecráre,
de Spiritu Sancto Conceptus, novémque post conceptiónem decúrsis ménsibus,
in Bethlehem Judae nascitur ex María Virgine factus Homo.
Nativitas Domini nostri Jesu Christi secundum carnem. “


Xin tạm dịch:
“ Vào 5199 năm từ khi trời đất vũ trụ do Thiên Chúa sáng tạo nên,
Vào 2957 năm xảy ra nạn lụt đại hồng thủy,
Vào 2015 năm Tổ Phụ Abraham chào đời
Vào 1510 năm Tiên Tri Maisen dẫn đưa dân Israel trở về quê hương từ Ai Cập
Vào 1032 năm David được xức dầu phong làm Vua
Vào tuần lễ thứ 65. trong năm sau lời tiên báo của Daniel
Vào lễ Thế vận hội thứ 194.
Vào năm 752 từ khi thành phố Roma được lập nên
Vào năm thứ 42. triều đại chính phủ Oktavianus Augustus,
Vào thời gian năm thứ 6. niên lịch thế giới, nền hòa bình có khắp nơi trên địa cầu
Chúa Giêsu Kito, Đấng là Thiên Chúa hằng có, là Con của Thiên Chúa Cha hằng có, đã muốn thánh hóa thế giới qua việc Ngài đến hứa ban chan chứa đầy tràn ân phúc,
Đấng đã bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, sau chín tháng thụ thai trong cung lòng người mẹ đã sinh ra làm người ở Bethlehem miền Juda bởi Đức Mẹ đồng trinh Maria:
Đức Giêsu Kito Chúa chúng ta đã sinh ra làm người với thân xác xương thịt.”


Theo dòng lịch sử văn hóa cùng tập tục sống đức tin, Giáo Hội đã ấn định ngày 25.12. hằng năm theo dương lịch là ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sinh xuống làm người trên trần gian.

Nhưng tại sao lại chọn ngày 25.12. là ngày sinh nhật Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu thế?

2. Lễ Chúa giáng sinh ngày 25.12. trong lịch sử Giáo Hội.

Trong Kinh thánh phúc âm không ghi ngày tháng Chúa Giêsu sinh ra, và thời Giáo Hội sơ khai lúc ban đầu cũng không có ngày mừng sinh nhật của Chúa Giêsu. Các tín hữu Chúa Kitô lúc đó chỉ nghĩ nhớ đến ngày kỷ niệm qua đời của các vị Thánh Tử đạo, chứ không đến ngày sinh nhật của các Vị.

Trước năm 221 Julius Africanus đã chọn ngày 25. Tháng Ba là ngày nhớ sự thương khó của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng là ngày Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng Đức Mẹ Maria. Tình từ ngày này thai nhi Giêsu chín tháng trong cung lòng đức mẹ, thì ngày sinh nhật mở mắt chào đời phải là ngày 25. Tháng Mười Hai.

Bên Giáo Hội Armenien ấn định ngày 5. và 6. tháng Một ( tháng Giêng) là ngày sinh nhật Chúa Giêsu. Đang khi bên Giáo Hội Georgien lấy ngày 25.tháng 12 là ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu.

Bên Giáo Hội cổ xưa miền Palestina đã có một thời gian mừng ngày sinh nhật Chúa Giêsu vào giữa tháng Năm.

Furius Dionysius Filocalus trong niên giám năm 354 đã ghi lại ngày 25. tháng 12 là ngày lễ gíang sinh Chúa Giêsu. Viết lại ngày 25.12. trên ông đã căn cứ vào nguồn sử liệu Roma năm 336 - một năm trước khi Hoàng đế Contantino qua đời, vị Hoàng đế này vào thời gian đó đã công nhận cho phép đạo Công gíao Chúa Kitô chính thức hoạt động ở Roma và trong đế quốc đế Roma-

Trong bản mục lục của các vị Tổng trấn của đế quốc Roma còn ghi thêm: “ Giêsu Kitô trong thời kỳ Tổng trần C. Augustus và L. Aemilianus Paulus vào ngày 25. tháng 12, vào ngày thứ Sáu trong tuần lễ, vào ngày thứ 15. của tháng theo lịch mặt trăng, đã sinh ra đời.” .

Ghi chép lại như thế để báo cáo về những sự việc xảy ra gửi về trung ương chính trị Roma, nơi hoàng đế trị vì. Và ngày 25.12. nêu ra dường như chỉ là biến cố lễ mừng tôn giáo nhiều hơn. Nhưng ngày 25. 12. thời gian những năm trước đó có phải là ngày lễ mừng không, điều này không rõ cho lắm.

Ở Roma ngày 25.tháng 12 là ngày sinh nhật Chúa Giêsu trước hết được mừng theo như bài giảng ngày lễ giáng sinh của Thánh Hyronymus ngay nơi phần đầu. Nhưng Afrikanus không căn cứ theo đó để công nhận nguồn gốc ngày 25. 12. Trái lại còn có những gỉa thuyết khác nói về nguồn gốc khởi thủy của ngày này nữa.

Ngày 25.12. là ngày tạ ơn được Giáo hội lập ra, vì sự thắng trận của Hoàng đế Contanstino ở Constantinopel. Ngày lễ này có sau năm 313, có lẽ vào năm 380.

Ngày 24.12. là ngày mừng sinh nhật Thần Mặt Trời – Sol Invictus – do Hòang đế Aurelius lập ra - Lễ nghi kính thờ thần này có vào năm 275 - .

Theo lịch Julius vào ngày 25.12. thời tiết chuyển sang mùa đông. Vào ngày này cũng là ngày mừng sinh nhật của Thần Mithras. Có lẽ vào khoảng năm 300 ngày lễ mừng này được ấn định. Và như thế nếu so sánh với thời gian Chúa Giêsu Kitô và mặt trời cùng sự việc, hiểu được rằng, với lễ mừng lễ sinh nhật ở thành Roma đạt tới cao điểm lễ nghi thờ thần mặt trời.

Tưởng nhớ tới mặt trời công chính “Sol invictus”, vị chiến thắng sự chết, cũng liên tuởng đến sự hài hòa trong vũ trụ theo trật tự do Thiên Chúa ấn định: Theo trật tự này lịch theo mặt trời quy định tính ra như sau, vào tiết Thu phân ngày 24.tháng Chín ngày Thánh Gioan tiền hô thụ thai trong cung lòng mẹ, rồi chuyển sang tiết Hạ chí mùa hè ngày 24.tháng sáu là ngày sinh nhật của Ông; Cũng thế vào tiết Xuân phân Chúa Giêsu thụ thai trong cung lòng đức mẹ Maria và sang tiết Đông chí mùa đông sẽ là ngày sinh nhật của ngài.

Thuyết về ngày lễ mừng Sol invictus có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa, đến đời sống Giáo Hội thời đạo Công giáo lúc ban đầu. Và trong dòng thời gian lịch sử đạo Công giáo từ hơn hai ngàn năm nay, việc biến đổi, công nhận hay rửa tội những thói tục của nền văn hóa đạo nghĩa dân gian, mà quen gọi là “bên lương hay không có đạo!”, cho trở thành theo ý nghĩa Công giáo, cũng không phải là chuyện gì xa lạ bất thường. Như trong trường hợp cắt nghĩa lại ngày lễ thờ Sol invictus 25. Tháng 12. Vào những ngày cuối tháng 12 trong năm, con người ở vùng bắc bán cầu sống trong khao khát mong mỏi ánh sáng đến xua đuổi sự tối tăm lạnh rét mùa đông trong trời đất, Giáo Hội Công giáo đã công nhận “rửa tội” cho ngày lễ đó thành ngày lễ giáng sinh Chúa Giệsu, Đấng là ánh sáng trần gian, là mặt trời công chính, mang ánh sáng hơi nồng ấm đến trần gian đang sống trong bóng tối tội lỗi, cho thích hợp với giáo lý đạo Công giáo.

Trong dòng thời gian lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu dẫu vậy vẫn có hai ngày khác nhau mừng sinh nhật Chúa Giêsu: Giáo Hội Công Giáo Roma mừng vào ngày 25. tháng 12, nhưng Giáo Hội Chính Thống mừng vào ngày 06. tháng Giêng hằng năm.

Theo Phúc âm thuật ghi chép lại: Chúa Giêsu sinh ra được đặt nằm nằm trong máng của xúc vật ăn thay vì trong một nôi có chăn chiếu ấm êm. Thật thương tâm cám cảnh!

Trong hoàn cảnh thiếu thốn bơ vơ giữa đường, cha mẹ Chúa Giêsu phải làm xử sự như vậy. Nhưng đối với người tín hữu Chúa Kito lại mang một ý nghĩa đạo giáo tinh thần cao đẹp khác hơn.

3. Chiếc máng cỏ

Không có sử sách nào ghi lại rõ hình thù chiếc máng cỏ lúc Chúa Giêsu sinh ra như thế nào ở Bethlehem ngày xưa. Theo tương truyền những mảnh gỗ máng cỏ Chúa Giêsu nằm lúc sinh ra còn lưu giữ ở đền thờ Đức Bà cả S. Maria Maggiore bên Roma. Điều này không có gì chắc chắn đúng trăm phần trăm cả.

Chúa Giêsu sinh ra nằm trong máng cỏ với cái nhìn và nhận xét của con người là việc qúa nghèo nàn cùng tầm thưòng hèn hạ. Nhưng điều này lại mang một hình ảnh tinh thần rất có ý nghĩa: Con người chúng ta được sinh ra trong một nôi chuồng có sự che chở bao bọc của Thiên Chúa.

Máng để cỏ rơm cho thú vật ăn, máng chứa nước cho súc vật uống. Như thế máng cỏ cho súc vật trở thành chén bát, cái thau chứa đựng thực phẩm dinh dưỡng nuôi sống súc vật trong chuồng trong trại.

Chúa Giêsu khi sinh ra nằm trong máng chứa đựng thực phẩm sự sống, rồi sau này Ngài với sứ vụ đem sự sống ơn cứu rỗi cho con người, nói lên hàm chứa ý nghĩa rất tương đồng thích hợp.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trời sinh xuống làm người đã chấp nhận cảnh sống nghèo nàn cúi mình nằm xuống trong máng cho súc vật ăn, nói lên nếp sống khiêm cung sâu thẳm.

Chúa Giêsu sinh ra được đặt nằm trong máng ăn của súc vật còn nói lên ý nghĩa kính trọng thiên nhiên: những gì Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người, cho súc vật để sinh sống, không có gì tầm thường hèn hạ.

Gương sống lòng chan chứa tình yêu thương và lòng khiêm cung, con người chúng ta thấy cụ thể nơi cha mẹ mình. Trong đời sốn g con người, hầu như cha mẹ nào cũng chấp nhận những hy sinh tận cùng nhất để cho con cái mình, nhất là người con còn nhỏ thơ bé, được có đời sống khoẻ mạnh tươi tốt.

************

Càng ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu ngày 25. tháng 12. như càng nhuốm mầu sắc lễ hội, mầu sắc thương mại, cùng đôi chỗ, đôi lúc có pha lẫn chính trị vào nữa. Đó là tiến trình trong nếp sống văn hóa xã hội thay đổi lên xuống.

Nhưng cốt lõi chính yếu ngày lễ mừng vẫn lễ ánh sáng hòa bình Chúa Giêsu mang xuống cho nhân lọai từ trời cao.

Sứ điệp ngày lễ mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế trước sau cũng vẫn luôn là tin mừng tình yêu thương tha thứ làm hòa giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người trần gian.

“Từ hang đá Chúa giáng sinh Bethlehem không phát tỏa ra điều ảo tưởng nào, nhưng là điều chắc chắn bảo đảm: con người không bị giao nộp trong những phiên tòa phân xử lịch sử cũng như sinh vật học. Thiên Chúa và Chúa Giêsu luôn hằng đồng với con người trong mọi hòan cảnh đời sống và luôn gìn giữ che chở họ.” như lời Đức giáo hoàng Benedictô 16. ngày 15.12.2011 ngỏ lời với 10.000 sinh viên và giáo sư các đại học thành Roma trong buổi đọc kinh chiều theo truyền thống vào mùa Vọng.
Mừng lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/94841.htm
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
O Emmanuel. Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." 61 Họ bảo bà : "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?" Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.  Lk 1,57-66

Điều Chúa làm thật là kì diệu.  Xin Mẹ Maria dạy con biết để tâm và suy niệm trong lòng tất cả những biến cố xảy ra hằng ngày, dưới ánh sáng của Lời Chúa.


Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Bênêđictô XVI (1)

NHẬP ĐỀ

“Lời Chúa tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em” (1 Pr 1:25; xem Is 40:8). Với lời quả quyết trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải bằng chính ơn phúc lời Người. Lời tồn tại muôn đời này đã bước vào thời gian. Thiên Chúa nói Lời Người theo ngôn ngữ con người; Lời Người đã “trở thành xác thịt” (Ga 1:14). Đó chính là Tin Mừng. Đó chính là lời công bố đã từ bao thế kỷ qua truyền đến chúng ta ngày nay. Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tổ chức tại Vatican từ ngày 5 tới ngày 26 Tháng Mười Năm 2008, đã lấy chủ đề: “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha, Đấng vốn hiện diện tại nơi có 2 hay 3 người tụ họp nhau nhân danh Người (xem Mt 18:20). Với Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn đáp ứng lời thỉnh cầu của Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xin được công bố cho Dân Chúa các thành quả phong phú từng phát sinh từ các buổi thảo luận tại Thượng Hội Đồng cũng như các khuyến cáo do các cố gắng chung của chúng ta đưa ra (1). Do đó, tôi muốn duyệt lại công trình của Thượng Hội Đồng dựa vào các văn kiện của nó: Bản Sơ Đồ, Tài Liệu Làm Việc, Phúc Trình Trước và Sau Thảo Luận, các bản góp ý, cả những bản được phát biểu tại phòng Thượng Hội Đồng lẫn các bản viết, phúc trình của các nhóm thảo luận nhỏ, Sứ Điệp Sau Cùng gửi Dân Chúa và trên hết, một số đề nghị đặc thù được các nghị phụ coi là có ý nghĩa đặc biệt. Qua đó, tôi muốn chỉ ra các phương thức căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội như một nguồn suối bất tận luôn luôn đổi mới. Đồng thời, tôi muốn nói lên niềm hy vọng rằng Lời Chúa sẽ mỗi ngày một trở nên tâm điểm trọn vẹn hơn của mọi sinh hoạt trong Giáo Hội.

Để niềm vui của chúng ta nên trọn

Trước hết, tôi muốn nhắc tới vẻ đẹp và niềm sảng khoái của cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta đã cảm nghiệm được trong suốt cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Do đó, hiệp nhất với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi xin ngỏ cùng mọi tín hữu bằng lời của Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài: “chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, con của Người” (1 Ga 1:2-3). Thánh Tông Đồ nói với chúng ta về việc “nghe, thấy, chạm đến và chiêm ngưỡng” (xem 1 Ga 1:1) Lời hằng sống, vì chính sự sống đã được tỏ bày rõ ràng nơi Chúa Kitô. Được mời gọi hiệp thông với Chúa và với nhau, ta phải công bố ơn phúc này. Theo quan điểm rao giảng, trước mặt Giáo Hội và trước mặt thế giới, cuộc họp của Thượng Hội Đồng đã như một nhân chứng cho ta thấy vẻ đẹp khôn thấu của cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong hiệp thông Giáo Hội. Chính vì vậy, tôi khuyến khích mọi tín hữu hãy đổi mới cuộc gặp gỡ bản thân và cộng đoàn của họ với Chúa Kitô, Lời hằng sống đã trở nên hữu hình, và trở thành sứ giả của Người, để ơn phúc sự sống và hiệp thông đầy thần linh này được truyền bá trọn vẹn hơn trên khắp thế giới. Thực thế, chia sẻ sự sống Thiên Chúa, tức Ba Ngôi tình yêu, chính là niềm vui trọn vẹn (xem 1 Ga 1:4). Và Giáo Hội được hồng ân và có bổn phận nhất thiết phải truyền đạt niềm vui ấy, một niềm vui vốn phát sinh từ cuộc gặp gỡ với chính ngôi vị Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Trong một thế giới thường coi Thiên Chúa như dư thừa hay xa lạ, ta hãy cùng Thánh Phêrô tuyên xưng rằng chỉ một mình Người mới “có lời hằng sống” (Ga 6:68). Không có ưu tiên nào lớn hơn điều này: giúp con người thời nay có khả năng gặp gỡ Thiên Chúa nhiều hơn, Đấng Thiên Chúa đang nói với ta và đang chia sẻ tình yêu của Người để ta được sống sung mãn (xem Ga 10:10).

Từ Hiến Chế “Lời Chúa” tới Thượng Hội Đồng về Lời Chúa

Theo một nghĩa nào đó, với Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, ta biết ta đang đề cập tới chính trọng tâm của đời sống Kitô Giáo, trong liên tục tính với cuộc họp trước của Thượng Hội Đồng về Phép Thánh Thể như Nguồn Suối và Tuyệt Đỉnh Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội. Thực thế, Giáo Hội được xây dựng trên Lời Chúa; Giáo Hội được sinh ra và sống bằng Lời ấy (2). Trong suốt lịch sử của mình, Dân Chúa luôn tìm được sức mạnh nơi Lời Thiên Chúa, và cả ngày nay nữa, cộng đồng Giáo Hội cũng đang lớn lên nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời ấy. Ta phải nhận rằng trong mấy thập niên gần đây, đời sống Giáo Hội đã trở nên nhạy cảm hơn đối với chủ đề này, nhất là đối với mạc khải Kitô Giáo, thánh truyền sống động và Sách Thánh. Bắt đầu với trriều đại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ta có thể nói: trong sinh hoạt Giáo Hội, đã có nhiều can thiệp hơn nhằm thúc đẩy người ta ý thức nhiều hơn tới tầm quan trọng của Lời Chúa và việc học hỏi Thánh Kinh (3), mà đỉnh cao là Công Đồng Vatican II, nhất là việc công bố Hiến Chế Tín Lý về mạc khải Thiên Chúa, tức hiến chế “Lời Chúa” (Dei Verbum). Hiến chế này là dấu mốc lớn trong lịch sử Giáo Hội: “Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng… với lòng biết ơn, nhìn nhận ơn ích lớn lao mà văn kiện này đã đem đến cho đời sống Giáo Hội trên bình diện giải thích, thần học, tu đức, mục vụ và đại kết” (4). Các năm giữa khoảng thời gian đó cũng đã chứng kiến sự gia tăng ý thức về “chiều kích Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của mạc khải” (5) căn cứ vào đó, Chúa Giêsu Kitô đã được nhìn nhận là “đấng trung gian và sự viên mãn của mọi mạc khải” (6). Giáo Hội không ngừng công bố cho mọi thế hệ biết rằng Chúa Kitô “hoàn tất và hoàn hảo hóa mạc khải. Mọi sự có dính dáng tới sự hiện diện và sự tự mạc khải của Người đều can dự vào việc hoàn thành điều này: lời và việc, các dấu lạ và phép lạ của Người, nhưng trên hết là cái chết và sự phục sinh của Người và sau hết là việc người sai Thần Khí sự thật đến” (7).

Mọi người đều ý thức được sự thúc đẩy lớn lao mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” từng đem lại cho việc làm sống lại sự quan tâm đối với Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, cho suy tư thần học đối với mạc khải Thiên Chúa và cho việc học hỏi Sách Thánh. Trong 40 năm qua, huấn quyền Giáo Hội cũng đã ban hành nhiều tuyên bố về các vấn đề này (8). Khi cử hành Thượng Hội Đồng này, Giáo Hội, vì ý thức được cuộc hành trình liên tiếp của mình dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần, nên đã cảm thấy có bổn phận phải suy gẫm nhiều hơn nữa về chủ đề Lời Chúa, để xem sét lại việc thực thi các chỉ thị của Công Đồng, và để giáp mặt với các thách đố mới mà thời hiện đại đang đặt ra cho các tín hữu Kitô Giáo.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa

Trong kỳ họp lần thứ mười hai, các giám mục khắp thế giới đã tụ họp quanh Lời Chúa và tượng trưng đặt bản văn Thánh Kinh làm tâm điểm cho cuộc họp, ngõ hầu nhấn mạnh như mới điều mà ta liều mình coi như việc đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày: đó là sự kiện Thiên Chúa nói và trả lời các vấn nạn của ta (9). Ta đã cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Ta thuật lại cho nhau mọi điều Thiên Chúa làm giữa Dân Người, và ta chia sẻ với nhau mọi hy vọng và quan tâm của ta. Tất cả những việc này giúp ta nhận ra rằng ta chỉ có thể thâm hậu hóa mối liên hệ của ta với Lời Chúa trong cái “chúng tôi” của Giáo Hội, trong việc lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Bởi đó, ta biết ơn nhiều lời chứng về đời sống Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới đã được phát biểu trong các đóng góp tại phòng Thượng Hội Đồng. Cũng là điều cảm động được nghe các vị đại biểu anh em từng nhận lời mời của chúng ta đến đây tham dự cuộc họp thượng hội đồng này. Tôi đặc biệt nghĩ tới bài suy gẫm do Đức Bartholomaios I, Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople, trình bày với chúng ta, một bài suy gẫm mà các Nghị Phụ đánh giá rất cao (10). Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã mời một giáo sĩ Do Thái Giáo tới để trình bày với ta lời chứng qúy giá về Thánh Kinh Do Thái, vốn cũng là một phần trong Sách Thánh của ta (11).

Nhờ thế, ta có thể vui mừng và biết ơn nhìn nhận rằng “trong Giáo Hội ngày nay cũng đang có một Lễ Hiện Xuống, nói cách khác, Giáo Hội cũng đang nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, không phải chỉ là bề ngoài, theo nghĩa mọi ngôn ngữ lớn trên thế giới đều có đại diện trong Giáo Hội, nhưng một cách sâu sắc hơn, trong Giáo Hội còn hiện diện nhiều cách cảm nghiệm Thiên Chúa và thế giới khác nhau, rất nhiều nền văn hóa khác nhau, vì chỉ có thế, ta mới nhìn ra sự rộng lớn mênh mông của kinh nhgiệm nhân bản và do đó, sự rộng lớn mênh mông của Lời Chúa (12). Ta cũng có thể nhìn thấy một lễ Hiện Xuống đang tiếp diễn; nhiều dân tộc vẫn còn đang mong chờ Lời Chúa được công bố trong chính ngôn ngữ và văn hóa của họ.

Tôi làm sao quên không nhắc đến việc: trong suốt Thượng Hội Đồng, chúng ta luôn được chứng tá Thánh Tông Đồ Phaolô tháp tùng! Quả là một ơn quan phòng khi Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai diễn ra trong năm kính Thánh Tông Đồ vĩ đại của Các Dân Tộc nhân kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của ngài. Cuộc sống của Thánh Phaolô hoàn toàn được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành truyền bá Lời Chúa. Làm sao không bị đánh động bởi những lời đầy khích lệ của ngài nói về chính sứ mệnh rao giảng Lời Chúa của mình: “Tôi làm mọi sự cho Tin Mừng” (1 Cor 9:23); hay, như ngài viết trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng; nó là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu rỗi bất cứ ai có lòng tin” (1:16).

Bất cứ khi nào ta suy niệm Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, ta đều không thể không nghĩ tới Thánh Phaolô và cuộc sống của ngài hiến mình cho việc truyền bá sứ điệp cứu rỗi trong Chúa Kitô cho mọi dân tộc.

Tự ngôn trong Tin Mừng Thánh Gioan làm kim chỉ nam

Với tông huấn này, tôi muốn công trình của Thượng Hội Đồng có hiệu quả thực sự đối với đời sống Giáo Hội: trong mối liên hệ bản thân với Sách Thánh, trong việc giải thích chúng trong phụng vụ và giáo lý, và trong việc tìm tòi có tính khoa học, để Thánh Kinh không phải chỉ là lời của quá khứ, mà là lời đang sống và hợp thời. Để đạt được điều đó, tôi muốn trình bày và khai triển công khó của Thượng Hội Đồng bằng cách không ngừng tham chiếu Tự Ngôn trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1:1-18), là tự ngôn giúp ta hiểu căn bản đời sống ta: Ngôi Lời, từ nguyên thủy vốn ở với Thiên Chúa, nay đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (xem Ga 1:14). Đây là một bản văn tuyệt vời, một bản văn mang đến cho ta một tổng hợp về toàn bộ niềm tin Kitô Giáo. Từ chính kinh nghiệm bản thân được gặp và bước theo Chúa Kitô, Thánh Gioan, mà truyền thống vốn nhận diện như là “môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương” (Ga 13:23; 20:2; 21:7, 20), “đạt được một sự chắc chắn sâu xa: Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan nhập thể của Thiên Chúa, Người là Lời đời đời đã trở nên con người hay chết” (13). Ước chi Thánh Gioan, người “đã thấy và đã tin” (xem Ga 20:8) cũng giúp chúng ta biết tựa vào ngực Chúa Kitô (xem Ga 13:25), nguồn máu và nước (xem Ga 19:34) vốn là các biểu tượng của các bí tích trong Giáo Hội. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả linh hứng khác, ước chi ta để Chúa Thánh Thần dẫn ta tới một tình yêu lớn hơn đối với Lời Chúa.
Vũ Văn An

Donnerstag, Dezember 22, 2011

“Maria Mẹ của Giáo Hội” hay học thuyết Maria của Đức Phaolô VI
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

Rôma, Chúa Nhật ngày 8 tháng 11, 2009 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Bénédict XVI đã nhắc đến lòng sùng kính sâu đậm của Đức Phaolô VI đối với Đức Trinh Nữ Maria và học thuyết Maria của Đức Giáo Hoàng Montini và của công đồng chú trọng đến Maria, “Mẹ của Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI hôm nay đã viếng thăm Brescia, tại Miền Bắc Ý, nơi ngài được Đức Giám Mục Luciano Monari và các giới chức chính quyền và tôn giáo đón tiếp.

Đây là một chuyến viếng thăm theo chân Đức Phaolô VI, Giovanni Battista Montini (1897-1979), và thánh Archange Tadini (1846-1912), được Đức Thánh Cha Bénédict XVI phong thánh vào tháng Tư vừa qua. Chuyến thăm viếng đánh dấu năm kỷ niệm lần thứ 30 ngày Đức Phaolô VI qua đời, trong khuôn khổ của Năm Thánh Linh Mục.

Trước hết Đức Thánh Cha đã muốn nhấn mạnh mối liên hệ giữa tình yêu Đức Mẹ và và tình yêu đời linh mục của người trẻ tuổi Montini: “Vào giờ Kinh Truyền Tin này, tôi muốn nhắc lại sự tôn sùng sâu đậm người Đầy Tớ của Thiên Chúa Giovanni Battista Montini đã nuôi dưỡng cho Đức Mẹ Maria. Ngài đã dâng Thánh Lễ đầu tay tại Thánh Đường Đức Mẹ Ban Ơn, trung tâm Đức Mẹ tại thành phố này. Bằng cách này, ngài đã hiến dâng đời linh mục của mình cho tình mẫu tử chở che của Mẹ Chúa Giêsu, và mối liên kết này đã sống động trong suốt cuộc đời ngài.”

Rồi thị kiến về Mẹ Maria này “khiến cho mối tương quan giữa Đức Nữ Đồng Trinh Maria và mầu nhiệm của Giáo Hội ngày càng trở nên sâu rộng hơn”: chính dựa trên tư tưởng này, Đức Thánh Cha Bénédict XVI đã cho bài diễn văn bế mạc thời kỳ thứ ba của Công Đồng Vaticnô II, được Đức Phaolô VI đọc ngày 21 tháng 11, 1964, là “đáng ghi nhớ.”

Đức Thánh Cha đã xác định rõ ràng mối liên kết giữa học thuyết này và hiến chế tín lý về Giáo Hội: “Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium, theo lời của Đức Phaolô VI “có tột đỉnh và triều thiên là cả một chương được cống hiến cho Mẹ Maria.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp: “Thực vậy, Đức Phaolô VI thấy ở đây sự tổng hợp của học thuyết Maria sâu rộng nhất chưa từng được một công đồng chung nào phát triển, nhằm thể hiện bộ mặt của Giáo Hội thánh, mà Đức Maria đã liên kết mật thiết với.”

Chính đây là khuôn khổ của lời tuyên bố long trọng rằng Maria là “Mẹ Giáo Hội.” Nhưng Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh rằng Đức Phaolô VI không quên tầm vóc phổ quát của tuyên ngôn này: “sự tôn sùng Mẹ Maria (...) là một phương tiện cần thiết để dẫn đưa các linh hồn về với Chúa Kitô và để kết hiệp họ với Chúa Cha, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha Benedictt XVI đã kết luận bằng kinh nguyện này: “Lạy Mẹ Đồng Trinh Maria, Mẹ Giáo Hôi, chúng con xin dâng lên Mẹ Giáo Hội Brescia, và tất cả dân chúng trong miền này. Xin Mẹ nhớ đến các con cái của Mẹ; xin Mẹ hãy trình lên Thiên Chúa những lời cầu xin của họ; xin gìn giữ cho đức tin của họ vững mạnh; xin tăng cường niềm hy vọng của họ; và xin gia tăng lòng bác ái của họ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh.”
Nguồn từ: Bùi Hữu Thư11/9/2009   http://www.vietcatholic.net/News/Html/73067.htm




Mittwoch, Dezember 21, 2011

O Rex Gentium.  O König.  Lạy Đức Vua.

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47         thần trí tôi hớn hở vui mừng
            vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48         Phận nữ tỳ hèn mọn,
            Người đoái thương nhìn tới;
            từ nay, hết mọi đời
            sẽ khen tôi diễm phúc.
49         Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
            biết bao điều cao cả,
            danh Người thật chí thánh chí tôn !
50         Đời nọ tới đời kia,
            Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51         Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
            dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52         Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
            Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53         Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
            người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54         Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55         như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
            vì Người nhớ lại lòng thương xót
            dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
            và cho con cháu đến muôn đời."
Lk 1,46-55
Thiên Chúa vẫn thực hiện những điều cao cả cho những ai tin. Xin Mẹ Maria dạy chúng con vững tin như Mẹ
Đức Thánh Cha: Chúa đòi hỏi lời ''Xin vâng'' để thực hiện kế hoạch của Chúa
Toàn văn bài nói của ĐTC Biển Đức XVI tại giờ kinh Truyền Tin ngày 18-12-2011.

ROMA - Chúng tôi đăng toàn văn bài nói của ĐTC Biển Đức XVI, trưa chủ nhật 18-12-2011, tại giờ kinh Truyền Tin, từ cửa sổ phòng của ngài nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô.

Lời của ĐTC trước kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Trong chủ nhật thứ tư và cũng là chủ nhật cuối cùng của Mùa Vọng năm nay, phụng
vụ trình bày trình thuật thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria. Trong khi chiêm ngắm tượng ảnh thật đẹp của Đức Mẹ, khi Mẹ tiếp nhận sứ điệp của Chúa và đưa ra câu trả lời của mình, chúng ta được soi chiếu nội tâm bởi ánh sáng của sự thật, luôn luôn mới, tỏa ra từ mầu nhiệm này. Đặc biệt, tôi muốn dừng lại ngắn gọn về tầm quan trọng của sự vẹn sạch của Đức Mẹ, về sự việc Ngài cưu mang Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh.

Trên bức tranh sự kiện ở Nadarét, có lời sứ ngôn của Isaia: "Này đây người thiếu
nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en" (Is 7:14). Lời hứa này được hoàn thành một cách quá dồi dào trong sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

Thật vậy, không chỉ Đức Trinh Nữ Maria thụ thai, nhưng bởi tác động của Chúa
Thánh Thần, nghĩa là bởi Chúa. Con người bắt đầu sống trong dạ Mẹ lấy xác thịt của Đức Mẹ, nhưng sự hiện hữu của Người Con này hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa. Ngài là một con người trọn vẹn, được làm bằng đất sét - để sử dụng biểu tượng Kinh Thánh - nhưng Ngài đến từ trên cao, từ trên trời. Do đó, sự việc Đức Mẹ mang thai mà vẫn còn đồng trinh là cần thiết để hiểu Chúa Giêsu và hiểu đức tin của chúng ta, bởi vì điều này chứng minh rằng sáng kiến này đến từ Thiên Chúa, nhất là mặc khải ai là Đấng tạo sinh. Như Tin Mừng nói: "Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1:35). Trong ý nghĩa này, việc đồng trinh của Đức Mẹ và thiên tính của Chúa Giêsu bảo đảm chắc chắn cho nhau.

Đó là lý do tại sao câu hỏi duy nhất mà Đức Maria, "rất bối rối", nói với thiên thần là
rất quan trọng: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc
1,34).

Trong sự đơn sơ của mình, Đức Maria đầy sự khôn ngoan: Mẹ không nghi ngờ
quyền năng của Chúa, nhưng Mẹ muốn hiểu rõ hơn ý Chúa, để Mẹ nên đồng dạng hoàn toàn với ý Chúa. Mẹ Maria bị vượt qua vô song bởi mầu nhiệm, nhưng Mẹ hoàn toàn chiếm vị thế đã được chỉ định cho Mẹ, ở trung tâm của mầu nhiệm. Trái tim và tâm trí của Mẹ là hoàn toàn khiêm hạ, và chính do sự khiêm hạ phi thường của Đức Mẹ, Chúa đòi hỏi lời "Xin vâng" của thiếu nữ này để thực hiện kế hoạch của Chúa.

Chúa tôn trọng nhân phẩm và tự do của Đức Mẹ. Lời “Xin vâng” của Đức Mẹ Maria
cam kết việc làm mẹ, mà vẫn còn đồng trinh của Mẹ, Mẹ muốn rằng tất cả trong Mẹ là vì vinh quang của Thiên Chúa, và người con trai do Mẹ sinh ra có thể hoàn toàn là quà tặng của ân sủng.

Các bạn thân mến, việc Đức Mẹ đồng trinh là hoàn toàn độc nhất: nhưng ý nghĩa tâm
linh của nó liên quan đến mỗi tín hữu. Ý nghĩa của nó, trong bản chất, là liên quan đến đức tin: quả vậy, ai đặt mình sâu sắc vào tình yêu Chúa, sẽ đón nhận trong mình Chúa Giêsu, sự sống thần linh của Ngài, qua tác động của Chúa Thánh Thần. Đó chính là mầu nhiệm Giáng Sinh! Tôi chúc tất các các bạn sống điều này với một niềm vui sâu
đậm.
Nguồn: http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=5038

Dienstag, Dezember 20, 2011

O Oriens. Mặt Trời Công Chính

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng : "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."  Lk 1,39-45

Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? Xin cám ơn Chúa, vì mỗi ngày Chúa vẫn đến với con nhờ Mẹ Maria và qua tha nhân trong những lần con được tiếp xúc với họ.
Chung Quanh Những Tín Điều Và Tín Lý Về Ðức Maria

Những người “không thích” giáo hội Công Giáo thường hay viện cớ này hay lẽ khác để làm hậu thuẫn cho những chỉ trích của họ. Có người “phê bình” giáo hội về đường hướng chính trị, người khác “chỉ trích” giáo hội về hệ thống tổ chức, người khác nữa có thể “kết án” giáo hội về một hay nhiều giáo huấn mà xét ra “đụng chạm” đến lối sống của họ. Thí dụ như người đã từng li dị, tái hôn nhiều lần thì không thể nào “ưa” giáo hội về các giáo huấn luân lý. Những người này, dù sao giáo hội vẫn tương đối có thể nghiêm chỉnh “đối thoại” với họ.

Nhưng còn một nhóm người khác, những người tự xưng là Kitô hữu (Christians) mà người Công Giáo gọi họ là Tin Lành (Protestants), nhưng hình như họ chỉ có một mục đích chính là triệt hạ giáo hội Công Giáo. Họ dùng đủ mọi cách, nhất là các phương tiện truyền thông, để làm giảm uy tín của giáo hội. Sự tấn công của họ nhằm vào GHCG có tính cách trường kỳ, hết thời này đến thời khác, hết thế hệ này qua thế hệ khác. Họ dùng Kinh Thánh, dùng Truyền Thống, dùng những dữ kiện lịch sử - thường là đã bị bóp méo hoặc không thể kiểm chứng - để tấn công giáo hội. Ðối với họ, giáo hội phải “đối thoại” trong mức độ và phương thế phù hợp trước những tấn công đó. Những người này thuộc nhiều giáo phái khác nhau, nhưng đa số thuộc về nhóm mà người ta có thể gọi thành một tên chung là Fundamentalists tạm dịch là “Tin Lành cực đoan” hay “Tin Lành quá khích.”

Một trong những giáo huấn của GHCG thường xuyên bị các nhóm Tin Lành qúa khích (TLQK) dùng để tấn công giáo hội là các tín điều và tín lý về Ðức Mẹ. Chúng ta thử xét qua những tín điều và tín lý đó để xem họ đã dùng phương thế nào để tấn công giáo hội đồng thời duyệt qua những giáo huấn chân chính của giáo hội về các vấn đề này.

TÍN ÐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Người TLQK luận rằng Ðức Mẹ chỉ là loài thụ tạo, như tất cả những thụ tạo khác, mà tất cả loài người đều vướng tội (all have sinned. Rome 3:23); hơn nữa chính Ðức Mẹ đã xưng “linh hồn tôi vui sướng trong Thiên Chúa Ðấng Cứu Ðộ tôi” (Lk 1:47); chỉ có những kẻ có tội mới cần Ðấng Cứu Rỗi; như vậy Ðức Mẹ phải là kẻ có tội và không thể “vô nhiễm nguyên tội được.”

Giải thích cho phần thứ hai trước, giáo hội dạy rằng chính Ðức Mẹ cũng cần có Ðấng Cứu Ðộ. Cũng như tất cả con cháu của Adam và Eve, trong bản tính, Mẹ cũng phải chịu sự cần thiết của việc nhiễm nguyên tội. Nhưng bằng một sự can thiệp đặc biệt của Chúa, xảy ra ngay tại giây phút Mẹ được thành thai, Mẹ đã được bảo toàn khỏi sự vương nhiễm của nguyên tội và những hậu qủa của tội đó. Như vậy chính Mẹ đã được cứu chuộc bởi hồng ân của Ðức Kitô, nhưng bằng một cách đặc biệt, bằng sự hưởng trước (anticipation). Vì vậy tín điều vô nhiễm nguyên tội đã không đi ngược lại với phúc âm của thánh Luca, (Lk 1:47.)

Về thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Roma, “mọi người đều phạm tội” (Romans 3:23); người TLQK cho rằng điều này có nghĩa nhiều hơn việc vương tội nguyên tổ, nhưng còn là tội mà tất cả mọi người thực sự mắc phải. Họ kết luận rằng Ðức Mẹ cũng nhất định đã phạm tội trong cuộc đời của Mẹ và như vậy đi ngược lại với việc vô nhiễm nguyên tội. Không hẳn như vậy, một đứa trẻ trước tuổi biết suy nghĩ chín chắn, theo định nghĩa, không thể phạm tội, vì để thành tội, người ta phải có khả năng suy luận, khả năng tự quyết định phạm tội.

Thư của thánh Phaolô có thể mang một trong hai ý nghĩa: Thứ nhất, không nói đến tuyệt đối tất cả mọi người, nhưng chỉ là đại đa số nhân loại; ngoại trừ những trẻ con và các trường hợp đặc biệt như Ðức Mẹ. Nếu không, thứ hai, đoạn thơ chỉ mang ý nghĩa tất cả mọi người đều phạm tội nguyên tổ mà thôi, kể cả trẻ thơ và Ðức Mẹ. Nhưng Mẹ đã được ơn đặc biệt không vương tội ấy như đã nói ở trên.

Những người TLQK còn trưng câu kế, theo lời của Ðức Mẹ: “Người đã đoái thương đến nữ tỳ hèn mọn - lowly servant - của Ngài.” (Lk 1:48); nếu Mẹ tự nhận là “hèn mọn” thì phải chăng chính Mẹ cũng đã phạm tội? Không phải, vì tội không phải chỉ là động lực duy nhất cho sự “hèn mọn”; đối với Chúa, mọi loài thụ tạo, dù có hoàn hảo đến đâu chăng nữa, đều hèn mọn.

Tín điều Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội đã được ÐGH Piô IX công bố năm 1854, không phải là một “phát minh” của giáo hội, cũng không phải vì người ta đã nghi ngờ về tín lý này, nhưng là để mọi người biết tôn sùng Ðức Mẹ nhiều hơn.

TÍN ÐIỀU HỒN XÁC LÊN TRỜI

Người Tin Lành qúa khích nói rằng chẳng có đoạn Kinh Thánh nào nói về Ðức Mẹ hồn xác lên trời cả. Họ còn nói thêm, người công giáo cho rằng Ðức Mẹ đã không chết! Nhưng họ đã lầm, vì giáo huấn Công Giáo đã dạy, hay ít nhất ngầm dạy, rằng Ðức Mẹ đã chết. Năm 1950, ÐGH Piô XII công bố Ðức Maria, “sau khi đã hoàn tất cuộc đời của Mẹ trên cõi thế đã được đưa cả xác và hồn vào vinh quang nước Trời.” Nói cách khác, xác của Mẹ đã không bị hư đi và không còn ở trong mồ nữa.

Cũng cần phân biệt giữa sự “thăng thiên” của Chúa Kitô và sự “hồn xác lên trời” của Ðức Mẹ. Ðức Kitô đã tự mình (ascended) lên trời, còn Ðức Mẹ được đưa (assumed) lên trời bằng quyền năng của Chúa.

Thực sự Kinh Thánh đã không trực tiếp nói đến việc Ðức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng việc xác người đã qua đời được đưa về trời trước ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai đã không bị loại trừ trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Côrintô (I Corinthians 15:23) “Nhưng ai theo thứ tự nấy, trước tiên là Ðức Kitô, rồi đến những kẻ thuộc về Ngài trong ngày giáng lâm.” Phúc âm của thánh Matthew còn nói rõ hơn (27:52-53): “Mồ mả mở tung ra và xác của nhiều thánh đã yên nghỉ được sống lại. Họ ra khỏi mồ, sau khi Ngài sống lại, mà vào thành thánh và đã hiện ra cho nhiều người.”

Một nhận xét thông thường khác, các tín hữu thuở ban đầu của giáo hội luôn luôn gìn giữ những di thể của các thánh, nhất là những vị tử đạo hoặc nổi tiếng, kể từ thánh Phêrô trở xuống, nhưng không ai nhắc đến chuyện có người hay có nơi còn giữ được xương của Ðức Mẹ! Vì Ðức Mẹ đã hồn xác về trời.

ÐGH Piô XII dạy rằng việc Ðức Mẹ hồn xác lên trời thực sự là hậu qủa của sự vô nhiễm nguyên tội. “Hai ơn đặc biệt này ban cho Mẹ Thiên Chúa đứng riêng trong ánh sáng huy hoàng nhất tại lúc khởi đầu và khi kết thúc cuộc lữ hành của Mẹ.”

Nhưng người TLQK vẫn muốn vặn thêm, họ hỏi rằng nếu Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội, và nếu cái chết là hậu qủa của sự tội thì tại sao Bà phải chết? Thưa rằng mặc dù Ðức Mẹ hoàn toàn vô tội và chẳng bao giờ phạm điều lầm lỗi nào, nhưng Mẹ vẫn chấp nhận cái chết để được hợp nhất với Ðức Kitô. Nên nhớ rằng chính Chúa Kitô cũng có thể không phải chết mà không ảnh huởng gì đến chương trình cứu chuộc của Ngài, chỉ cần Ngài “muốn” là mọi việc đều hoàn tất. Nhưng Ngài đã CHỌN cái chết. Ðức Maria đã tự hợp nhất với công việc của Chúa Kitô, cả cuộc đời của Mẹ là một sự hợp tác với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, qua lời “Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài” (Lk 1:38). Thực ra sự hợp tác này đã bắt đầu từ khởi thủy của cuộc đời Mẹ.

Ðức Mẹ chấp nhận cái chết như Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết, Mẹ cũng đau khổ (Lk 2:35) để hợp nhất với sự đau khổ của Chúa Giêsu. Trong sự hợp nhất đó, Mẹ cũng chia sẻ với vinh quang của Ngài, chia sẻ với sự phục sinh của Ngài qua việc được cất lên trời cả hồn lẫn xác, cùng một cách như những người lành được lên trời trong ngày sau hết.

TÍN ÐIỀU MẸ THIÊN CHÚA

Người Tin Lành qúa khích đặt câu hỏi rằng họ thường nghe người Công Giáo gọi Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, làm sao Thiên Chúa lại có mẹ được? Như vậy có nghĩa Ðức Maria già hơn Thiên Chúa sao? Khi nghe câu hỏi như vậy, người Công Giáo có thể phì cười, nhưng xem ra họ rất nghiêm chỉnh trong câu hỏi. Tuy nhiên, chưa hẳn họ sẽ đương nhiên chấp nhận Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa mặc dù người Công Giáo đã cho họ câu trả lời thỏa đáng.

Mục tiêu chính trong sự đối kháng của họ là câu “Mẹ Thiên Chúa” (hay Ðấng cưu mang Thiên Chúa, Theotokos), họ cho rằng nói như thế là đưa Ðức Maria lên qúa cao! Vì vậy họ rất dễ lọt vào tà thuyết của Nestorius. Ông này cho rằng sự kết hợp giữa hai bản tính của Ðức Kitô chỉ là sự kết hợp luân lý của hai ngôi vị khác biệt, Ngôi Hai Thiên Chúa và con người Giêsu. Người TLQK cho rằng Ðức Mẹ chỉ là mẹ của Ðức Kitô trong nhân tính của Ngài mà thôi chứ không phải là mẹ của cả thiên tính của Ngài.

Ðiều này không đúng, thử hỏi có phải các bà mẹ của những người này chỉ là mẹ của nhân tính của họ mà thôi chăng? Thưa không, vì các bà đã là mẹ của họ cách toàn diện, những con người đã được thụ thai và sinh ra đời. Con người nào đã được sinh ra bởi Ðức Maria? Đó là một Ngôi Vị thánh chứ không phải là một con người tầm thường ở dương thế - nhưng Ngôi Vị thánh đó nhận lấy bản tính loài người.- Ðấng sinh bởi Ðức Maria “sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lk 1:35). Họ không biết rằng sự kết hợp giữa hai bản tính của Ðức Kitô là sự kết hợp bản thể (hypostasis). Thực ra, đa số trong họ đã không biết hết ý nghĩa của chữ này.

MARIA ÐẤNG TRUNG GIAN

Người Tin Lành qúa khích cho rằng người Công Giáo đã xếp Ðức Maria ngang hàng với Ðức Kitô khi gọi Ngài là Ðấng Trung Gian (Mediatrix) của mọi ơn thánh, vì chỉ có Ðức Kitô là Ðấng trung gian duy nhất giữa con người và Thiên Chúa.

Khi giải thích về câu “Tôi muốn nói rằng Thiên Chúa, trong Ðức Kitô, đã hoà giải thế gian với chính mình, không còn buộc tội của họ, và trao cho chúng ta sứ mạng loan báo ơn giảng hòa.” (II Côrintô 5:19), thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô) đã viết rằng: “Chỉ một mình Ðức Kitô là Ðấng trung gian hoàn hảo nhất giữa Thiên Chúa và con người, qua cái chết của Ngài, Ngài đã giải hòa nhân loại với Thiên Chúa... Tuy nhiên, không có gì ngăn trở trong việc một số người khác cũng được gọi là đấng trung gian, trong một vài trường hợp, giữa Thiên Chúa và con người, một khi họ hợp tác trong việc kết hiệp con người và Thiên Chúa trong cách chỉnh đốn hay mục vụ.” (1) Chính chúng ta cũng có thể là người “trung gian” khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa cho người khác, điều mà chính những người TLQK cũng thường làm. Ðiều này không đi ngược với việc Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian hoàn hảo nhất, vì tất cả những nỗ lực của chúng ta đều hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài.

Ðức Maria chia sẻ sự trung gian của Chúa Kitô. Vị thế của Mẹ trong việc trung gian có thể giải thích trong hai ý nghĩa: Thứ nhất, Mẹ đã trao cho thế gian Ðấng Cứu Thế, nguồn mạch của mọi ơn sủng, trong ý nghĩa này Mẹ đã là máng chuyển mọi ơn thiêng. Thứ hai, Ðức Maria là Ðấng Trung Gian của mọi ơn sủng qua lời bầu cử của Mẹ trên thiên đàng. Tuy nhiên, chúng ta không thể kết luận rằng chúng ta có bổn phận phải cầu xin mọi ơn Chúa qua Mẹ hoặc lời cầu bầu của Mẹ tự bản chất cần thiết cho mọi ơn sủng. Nhưng qua Thánh ý của Chúa, không ai được ơn sủng, nếu không có sự hợp tác của Mẹ. Các nhà thần học dùng Phúc Âm thánh Gioan, “Này là con Mẹ, này là Mẹ con” (Jn. 19:26), theo đó, thánh Gioan đại diện cho cả nhân loại, thì Mẹ là Mẹ thiêng liêng của cả thế gian.

ÐỨC MARIA TRỌN ÐỜI ÐỒNG TRINH

Đa số người Tin Lành chỉ tin rằng Ðức Maria đồng trinh đến khi sinh Ðức Giêsu, sau đó Bà có thêm con với thánh Giuse. Họ viện dẫn những đoạn Kinh Thánh như Mt. 12:46; Mk. 6:3; Jn. 7:5; Acts 1:14; và I Cor. 9:5.

Trước tiên, người ta cần ghi nhận rằng tiếng “anh em” có ý nghĩa rất rộng trong Kinh Thánh. Không phải chỉ là anh em ruột, anh em cùng mẹ khác cha hay cùng cha khác mẹ. Tiếng “chị em” và “đồng bào” (brethren) cũng vậy. Ông Lot được diễn tả là “anh em” của ông Abraham (Gen. 14:14), nhưng thực ra ông là cháu của ông Abraham (Gen. 11:26-28). Ông Jacob đã có lần được gọi là “anh em” của ông Laban, nhưng ông Laban thực sự là cậu của ông Jacob (Gen. 29:15). Ông Cis và ông Eleazar là hai anh em ruột; Cis có con trai, Eleazar chỉ có con gái, và họ đã lấy nhau, gọi là “đồng bào” nhưng thực ra họ phải gọi nhau là “bà con” hay “anh em họ” mới đúng (I Chron. 23:21-22).

Mặt khác những tiếng “anh em, chị em, đồng bào” đôi khi còn ám chỉ những người bà con đã xa như trong (Dt. 23:7; Esd. 5:7; Jer. 34:9). Ở chỗ khác, chúng còn ám chỉ những người chẳng có họ hàng gì với nhau cả như trong (2 Sam. 1:26; I Kings 9:13; 20:32).

Nguyên nhân của sự “nhức đầu” này là vì hai ngôn ngữ Do Thái (Hebrew) và Aram, mà Chúa Giêsu và các môn đệ đã dùng, không có tiếng “bà con” (cousin). Khi cần thiết, họ phải nói rõ, thí dụ: “Con trai của em gái của cha tôi” (circumlocution). Do đó, khi không cần thiết họ đã dùng tiếng “anh em” cho đơn giản.

Các tác gỉa Tân Ước đã lớn lên trong ngôn ngữ Aram, dùng tiếng tương đương của chữ “đồng bào” cho cả bà con và anh em ruột thịt. Khi họ viết Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp (Greek), họ đã làm cùng một điều như các dịch gỉa của bản Septuagint đã làm. Trong bản Septuagint, chữ Do Thái ám chỉ anh em và họ hàng được phiên dịch là “adelphos,” tiếng này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa anh em! Chữ Hy Lạp đã có tiếng khác để ám chỉ bà con, “anepsios,” nhưng các dịch gỉa bản Septuagint lại hay dùng tiếng adelphos hơn. Dù sao, nhìn vào toàn bộ các đoạn văn trong Kinh Thánh, thật khó mà có thể kết luận rằng Ðức Maria đã có thêm những người con khác.

Ở buổi truyền tin, Mẹ đã hỏi thiên sứ Gabriel “Chuyện này xảy ra làm sao được, vì tôi không biết đến nam nhân?” (Lk. 1:34). Những diễn dịch cổ thời nhất đã đồng ý rằng sở dĩ Ðức Mẹ hỏi thiên sứ câu đó là vì Mẹ đã hứa giữ lòng đồng trinh, ngay cả khi đã lập gia đình. Ðiều này có vẻ nghịch lý, nhưng lại thường xảy ra trong thời đại đó. Nhiều đôi nam nữ trước khi kết hôn đã cùng nguyện sống “đồng trinh” với nhau trong một thời gian, hay có khi suốt đời.

Trong đoạn Kinh Thánh nói về việc Chúa ở lại trong đền thờ, khi Ngài được 12 tuổi. Ðã không thấy nhắc đến những “người con khác” trong gia đình. Dân chúng ở Nazareth đã gọi Chúa Giêsu là “con trai bà Maria” (Mk. 6:3), chứ họ không nói “một trong những người con trai của bà Maria.” Cách diễn tả ấy trong tiếng Hy Lạp ám chỉ Ngài là con một của Ðức Maria. Phúc âm đã chẳng bao giờ nói đến “những người con trai khác của Ðức Maria,” ngay cả lúc họ được gọi là “đồng bào” của Chúa Giêsu.

Theo phong tục và cách diễn tả vào thời ấy, “đồng bào của Chúa Giêsu” được ám chỉ những người lớn tuổi hơn Ngài, vì họ đã “khuyên bảo” Chúa nên đến Jerusalem (Jn. 7:3-4). Nếu họ là những người lớn tuổi hơn Chúa Giêsu, thì làm sao có thể là anh em ruột của Ngài được, vì Ðức Giêsu là “con trai đầu lòng” của Ðức Mẹ?

Khi bị căng mình trên thập gía, Chúa Giêsu đã trối Ðức Mẹ cho thánh Gioan và thánh Gioan cho Ðức Mẹ (Jn. 19:26-27). Không một lời nào cho những người “bà con” như James, Joseph, Simon, và Jude. Nếu qủa thật những người đó là anh em ruột với Ngài thì thật là khó hiểu qua thái độ của Ngài. Nói cách khác, họ không phải là anh em ruột của Ngài.

Về những người “bà con” kể tên bên trên của Chúa Giêsu, nếu đối chiếu Phúc Âm của các thánh Matthêô (Mt. 27:56); Macô (Mk. 15:40; và Gioan (Jn. 19:25) tại chân thánh gía của Ngài, người ta sẽ thấy bà Maria Salome mẹ của hai thánh tông đồ James và John phải là vợ của ông Cleophas (còn gọi là Zebedee.) Nhưng ở Mt. 10:3 lại nói rằng James là con của ông Alphaeus! Như vậy, thứ nhất, bà mẹ của James có thể là vợ của cả hai ông Cleophas và Alphaeus (góa với ông trước rồi tái hôn với ông sau). Thứ hai, gỉa thuyết này có lẽ đúng hơn, ông Alphaeus đã đổi tên Do Thái của ông sang tên Hy Lạp (Clopas) như trường hợp thánh Phaolô đã đổi tên từ Saul thành Paul.

Người Tin Lành qúa khích lý luận trên câu Kinh Thánh: “Và ông đã không ăn ở vợ chồng với bà cho đến khi bà sinh con trai đầu lòng.” (Mt. 1:25). Họ nói rằng chữ “cho đến khi” đã nói lên rằng sau đó ông bà đã “ăn ở vợ chồng” với nhau và có thêm nhiều con cái nữa. Kế đến, chữ “con trai đầu lòng” cũng cho thấy còn “con trai thứ” nữa chứ?

Vấn đề ở đây là họ đã hiểu đoạn văn trên theo ý nghĩ của người thời nay, chứ không phải ý nghĩa chính mà tác gỉa Tin Mừng muốn diễn tả từ gần hai ngàn năm về trước. Trong những đoạn Kinh Thánh khác như II Sam. 6:23; Gen. 8:7; I Mac. 5:54; và Dt. 34:6 các tác gỉa cũng dùng những chữ “cho đến khi,” nhưng họ chỉ muốn nói rằng một sự kiện đã không xảy ra cho tới một thời gian nhất định, chứ không nhất quyết sự kiện ấy phải xảy ra sau đó.

Chẳng có sự chắc chắn nào về ý nghĩa của những chữ “cho đến khi” trong đoạn Phúc âm của thánh Gioan (Jn. 1:25) như người TLQK muốn áp đặt. Thứ hai, những chữ “con trai đầu lòng” được người Do Thái thời bấy giờ dùng để ám chỉ người con đã mở cung lòng của mẹ, như trong Ex. 13:2; Nb. 3:12, hoặc sẽ được thánh hóa (Ex. 34:20). Người ta không phải đợi đến khi có con trai thứ mới gọi người con cả là đầu lòng, họ luôn luôn gọi người con trai được sinh ra đầu tiên là đầu lòng, dù có con kế hay không.

Những bản văn của các Kitô hữu trong thời sơ khai của giáo hội cho thấy sự trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ đã được ghi nhận, minh chứng, và bảo vệ trong suốt lịch sử của giáo hội. Thí dụ như cuộc tranh luận trong cùng đề tài giữa thánh Jerome và Helvidius. Những văn bản của các thánh Ignatius, Polycarp, Irenaeus và Justin Martyr đều tuyên xưng Đức Mẹ là “Nữ Trinh trọn đời.”

TÓM LẠI

Có hai lý do chính khiến người Tin Lành qúa khích muốn đả phá sự trinh nguyên trọn đời của Ðức Mẹ. Thứ nhất, họ “không thích” sự độc thân của các LM, Tu Sĩ Công Giáo. Sự hi sinh đời sống gia đình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân vẫn luôn cụ thể và được người đời quí trọng. Trong khi đó, họ không có sự hi sinh này vì hầu hết họ đều có gia đình. Ðánh đổ niềm tin vào sự trinh nguyên của Ðức Mẹ, họ hi vọng rằng sự độc thân của LM, Tu Sĩ cũng mất đi ý nghĩa.

Thứ hai, đối với các tín hữu Công Giáo, Ðức Mẹ chắc chắn phải khác hơn mọi người nữ, Mẹ đáng được tôn kính cách đặc biệt. Mặc dù chúng ta không nên (và không được) tôn thờ (Latria) Đức Mẹ, nhưng sự tôn kính đặc biệt đối với Ðức Mẹ (Hyperdulia) phải cao hơn sự tôn kính các thánh khác. Nhưng người Tin Lành qúa khích vẫn muốn chứng minh rằng Ðức Mẹ cũng chẳng khác gì những người nữ của mọi thời đại qua việc có thêm con cái. Nếu họ thành công trong điều này thì các tín điều và tín lý của Công Giáo về Ðức Mẹ sẽ trở thành phi lý.

Người Công Giáo TIN và SỐNG những niềm tin nêu trên, bởi vì Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Ðấng Trinh Thai, là Ðấng Vô Nhiễm, là Ðấng được Thiên Chúa đưa cả hồn xác về trời, đồng thời là Ðấng Trung Gian, là Máng chuyển mọi ơn thiêng của Ngài.
http://www.vietcatholic.net/News/Html/91516.htm
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng