VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI: 1) Phêrô tuyên xưng đức tin Phải luôn lẩn tránh những địch thù quấy nhiễu Ngài, Đức Giêsu dẫn dắt môn đệ của Người đi vào một chỗ những cuộc tĩnh tâm liên tiếp. Nó đặt cột mốc -vừa về địa lý, vừa về tinh thần- trên chặng đường tìm hiểu căn tính thực của Ngài. Vừa trải qua cuộc tranh luận với Biệt phái, những kẻ xin Người làm một dấu lạ, này đây Đức Giêsu và các môn đệ sang miền đất dân ngoại, phía nguồn sông Giođan. Césarée Philipphe là thành phố mới được xây dựng do kinh phí của hoàng tử Philipphe, con của vua Hêrôđê Cả, có ý tôn vinh hoàng đế Rôma, nên đã đặt tên là Césarée. C. Tassin chú giải: Dân ở đây là người Siri gốc Hy Lạp, họ thờ cúng thần Pan và thần Nymphe, tạo nên một khung cảnh gần giống với môi trường mà Matthêu đang sống (L'Evange le de Matthieu” (Centurion, trang 173). Chính tại đây, trước khi khởi hành đi Giêrusalem trong cuộc hành trình cuối cùng mà Đức Giêsu đặt câu hỏi quan trọng mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay. - Con Người- Đức Giêsu hỏi, người ta bảo Con Người là ai? + Chúa đã dùng hình ảnh “Con Người”, một hình ảnh mầu nhiệm (xem Danien 7,13) mà Matthêu nhắc lại tới 30 lần trong chính Tin Mừng của ông, để nói về chính mình và sứ mạng của Người: một con người thực thụ có tương quan với Thiên Chúa Đấng Cứu độ. + Để đáp lại câu hỏi, các môn đệ đã nêu ra một loạt các ý kiến về Người. Mọi ý kiến đều coi Người là một nhân vật đóng vai trò quan trọng, như là Gioan Tẩy Giả đã sống lại từ cõi kẻ chết, như ngôn sứ Êlia mà dân chúng trông đợi trở lại để loan báo Chúa Cứu thế đến, như ngôn sứ Giêrêmia, một vị ngôn sứ phản kháng vì bị phản kháng, như một ngôn sứ nào đó. - Còn anh em, Đức Giêsu hỏi thẳng ý kiến các ông, anh em bảo Thầy là ai? - Simon Phêrô trả lời, tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lúc này ông không những là phát ngôn viên của nhóm môn đệ, nhưng còn là gương mẫu cho việc tuyên xưng đức tin Kitô hữu. Lời đáp của Phêrô, theo C. Tassin, nhắc lại một mẩu tuyên tín phụng vụ của Hội Thánh thời Matthêu (sđd). Trong đó người Kitô hữu tuyên xưng đức tin cách toàn vẹn. * “Thầy là Đấng Messia” (tiếng Hy Lạp Christos) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Đấng đáp ứng lòng mong đợi bao thế kỷ của Israel, Đấng thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa nói với dân Người. * “Con” nghĩa là Đấng liên kết với Thiên Chúa bằng một dây liên hệ có một không hai. * “Của Thiên Chúa hằng sống” nghĩa là, theo truyền thống Kinh Thánh, là Thiên Chúa ban sự sống, còn theo quan niệm Kitô giáo, là Thiên Chúa, Đấng làm cho Đức Giêsu từ trong cõi kẻ chết sống lại. - “Con có phúc”, Đức Giêsu đã thốt lên câu đó, cũng là dạng thức Kinh Thánh của “Bát phúc” để chào mừng “con của Giona”, là người vừa nhìn nhận Người như “con của Thiên Chúa hằng sống”. Bởi vì Simon Phêrô không có thể công bố lời tuyên xưng này phát xuất từ thịt và máu, nghĩa là phát xuất từ bản tính nhân loại yếu giòn, nhưng chỉ có thể phát xuất từ cuộc mạc khải thần thiêng. “Bản văn không đề xuất cho Phêrô công lao đặc biệt nào, cũng không đề cao ông như một anh hùng của đức tin. Tác giả chỉ nhấn mạnh tính chính xác của đức tin nơi Phêrô, bởi vì nó đến từ một mạc khải thần thiêng” (C. Tassin). 2) Sứ mạng “đá” nền tảng của Phêrô. Những lời long trọng mà Đức Giêsu phán chỉ về Simon Phêrô chỉ có trong Tin Mừng Matthêu. “Anh là đá, trên đá này...”. + Trong Kinh Thánh sự thay tên đổi họ thường chỉ rằng sứ mạng Thiên Chúa trao làm cho người nhận thành một người mới. Cũng như Abram, khi được đổi thành Abraham thì thấy mình được giao sứ mạng trở nên “tảng đá duy nhất”, từ đó phát xuất cả một dân tộc (Is 51,1-2). + Trong ngôn ngữ Aramê “Kê-pha” “Đá” không phải là một tên riêng, nhưng chỉ là một danh từ. Đặt cho ông cái tên mới này, nó sẽ thay thế hẳn tên cũ, Đức Giêsu tỏ cho thấy Người giao cho ông một sứ mạng: ông sẽ là đá nền, đá tảng, đá sẽ bảo đảm cho toà nhà mà Người sẽ xây dựng được vững chắc. “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy...”. + Trong Kinh Thánh, từ “Hội Thánh” (nguyên ngữ mang ý nghĩa mời dự hội) chỉ cộng đoàn tôn giáo của Israel, cộng đoàn mà Thiên Chúa đã quy tụ giữa loài người để trở thành dân của Giao ước, dân -dấu chỉ lòng thương xót và tình thương của Thiên Chúa-. + Từ ngữ này được dùng ở đây, lần đầu tiên trong Tin Mừng Matthêu, ở trên đất ngoại giáo, để chỉ cộng đồng những người mà Đức Giêsu quy tụ, giữa các dân tộc tràn qua mọi biên giới để làm nên một dân của Giao ước mới, dân -dấu chỉ ơn cứu độ cho mọi người-. Nếu cộng đồng này đứng trên tảng đá Phêrô thì quyền lực của sự chết cũng không thể phá đổ được. “Thầy ban cho con chìa khá Nước Trời”. + Không nên nghĩ đến những chiếc chìa khóa hiện đại thời chúng ta, mà phải nghĩ đến những chìa khóa của những thành phố cổ, những lâu đài vua chúa. Loại chìa khóa giống như những thanh sắt khổng lồ mà người ta mang trên vai. Trao chìa khóa cho ai là trao cho người đó nhiệm vụ thủ tướng. + Trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, Đức Giêsu làm cho Phêrô thành thủ tướng. Người trao cho ông quyền lực chính Người nắm giữ, như sách Khải Huyền diễn tả: “Đấng Chân Thật, Đấng Thánh, Đấng giữ chìa khóa của Đavit. Người mở ra thì không ai đóng lại được. Người đóng lại thì không ai mở ra được” (đoạn văn có liên quan với 22 trong bài đọc I). Chức vụ trao cho ông ở đây là ở dưới đất; ông không phải người canh giữ cửa thiên đàng (C.Tassin): Phêrô là người bảo lãnh, là thông dịch viên của sứ điệp cứu rỗi của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống. “Sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. ‘Cầm buộc’, ‘Cởi mở’ là những thuật ngữ vùng Palestine chỉ ý nghĩa đại khái: toàn bộ quyền lực, như thiết lập luật pháp, như loại trừ một ai ra khỏi cộng đoàn hoặc cho phép một ai gia nhập cộng đoàn. + Trong Mt 18,18 quyền cầm buộc cởi mở được hứa ban cho các môn đệ (ở số nhiều) như vậy không chỉ dành riêng cho Phêrô, nhưng Phêrô chia sẻ quyền đó với những người phụ trách khác. * Dặn dò giữ im lặng Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kết thúc bằng một lời khuyến dụ ngược đời: “đừng nói với ai Người là Đấng Messia”. Tại sao có lời khuyến cáo này sau cuộc tuyên xưng đức tin cảm động như vậy? Chắc hẳn danh xưng “Messia” còn mang ý nghĩa mơ hồ, còn mang nhiều trông đợi có tính dân tộc quá khích, đi ngược lại sứ mạng mà Người nhận được từ Chúa Cha - phản ứng của Phêrô mà ta sẽ đọc trong Chúa nhật tới minh chứng điều đó. Chỉ những ai mở tâm hồn đón nhận mạc khải thập giá mới hiểu chính xác danh xưng ấy. Thật vậy, chỉ dưới ánh sáng của cuộc Khổ nạn - Phục sinh, danh xưng Messia mới tìm thấy ý nghĩa đích thực, và mọi ngộ nhận sẽ vĩnh viễn bị dẹp tan. BÀI ĐỌC THÊM: 1) “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mgr. Daloz, trong cuốn “Le règne de Dieu est approché” Desclée de Brouwer 1993, trang 237-238). “Đức Giêsu không chỉ là một tôn sư khởi xướng một trào lưu tâm linh; Người không phải một ngôn sứ được sai đến để cảnh tỉnh hoặc kêu gọi người ta trưởng thành với giao ước. Sự nhận biết Đức Giêsu vượt quá điều đó. Với những kẻ Chúa gọi và đã đi theo Người, Chúa đặt câu hỏi: Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai? Người cũng hỏi chúng ta câu đó. Người muốn chúng ta tiến tới, phát huy trong việc khám phá ra bản ngã đích thực của Người. Ta không thể tự thoả mãn khoác cho Người những mong ước của ta, hoặc phóng lên Người những ước vọng của ta. Cần phải đi xa hơn những ý kiến của những con người, cần lột bỏ những ấn tượng hời hợt, cần chấp nhận rằng không thể nắm bắt và không thể tóm gọn Người vào những ý tưởng và những ước muốn của ta. Như ta đã thấy đó, có một hiểu biết về Đức Giêsu theo cách loài người “Người ta bảo Thầy là ai?”. Từ thời Thượng cổ, trải qua giai đoạn lịch sử đã có rất nhiều câu giải đáp. Những giải đáp ấy vừa không vô nghĩa, vừa không đáng coi thường. Nhưng sự hiểu biết đích thực không chỉ của loài người đâu - Nó là do Thiên Chúa ban cho: “Không ai có thể biết Chúa Con chỉ trừ Chúa Cha” (11,27). Bởi vậy Đức Giêsu nói cho Phêrô biết do đâu ông có sức lực nhận biết và tuyên xưng đức tin của ông: “Simon con Giona, phúc cho con, vì không phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con điều đó, nhưng là chính Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Một con người, con người rặt, chính miệng Simon con ông Giona, nhận quyền do Thiên Chúa; quyền kêu đích danh xác thật của Đức Giêsu - Lời tuyên xưng của ông đã trở thành tiêu chuẩn cho các môn đệ Chúa mọi thời đại. Nhưng lời tuyên xưng nó đã không tránh cho ông chối Chúa 3 lần. Ông vẫn còn là con người phàm tục - còn mang tính người với những ưu và khuyết điểm của con người. Tuy nhiên ông được chọn để đáp câu hỏi của Đức Giêsu và để làm điều đó ông nhận được mạc khải do Chúa Cha ban - Từ đó ông trở nên tiêu chuẩn về sự chính xác cho mọi lời tuyên xưng đức tin và cho sự nhận biết chính xác về Thiên Chúa. Nhờ ông mà người tín hữu có thể vượt xa ngoài tầm vóc những lời người ta dư luận. Đức tin của ông nâng đỡ đức tin của chúng ta”. 2) “Con là Đá” (J.Potin trong cuốn “Jésus, l'histoire vraie”, Centurion, 1994, trang 322). Hội Thánh của Đức Giêsu, ở đây Người kêu là “Hội Thánh của Người”, được xây dựng trên nền tảng là đức tin vào thiên tính của Người. Hội Thánh đó chỉ một mảng dân Israel chấp nhận đi vào giao ước mới. Simon, do việc tuyên xưng, đã trở nên viên đá tảng, trên đó Đức Giêsu xây “Hội Thánh của Người” bởi vì Hội Thánh đó là cộng đoàn những kẻ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Ông nhận được tên mới: Kêpha, Đá - Quyền lực của tử thần (dịch theo chữ: quyền lực hoả ngục), nghĩa là mọi thế lực nhằm chống lại sự thiết lập vương quốc, không có sức phá đổ Hội Thánh đó. Mà ngược lại, Đức Giêsu sẽ ban cho Hội Thánh của Người quyền và thế mà Ngài thi hành ở trong tay Người. Thiên Chúa công nhận Hội Thánh của Con của Người chính thức là dụng cụ đặc trưng để điều hành vương quốc của Người giữa loài người. Những phát quyết và nghị định của Hội Thánh này được Thiên Chúa công nhận là do Chúa ban hành. Phải chăng Đức Giêsu phán những lời này trong khi đi đường lên Giêrusalem? Có nhiều nhà chú giải đặt những lời này sau biến cố Phục sinh, trong một cuộc hiện ra. Thật vậy, trước khi Chúa chết, từ “Hội Thánh chỉ thấy xuất hiện có một lần duy nhất ở Mt 18,17 nói về đời sống của cộng đồng Kitô hữu. Lời tuyên bố với Phêrô xem ra diễn tả cách Hội Thánh sơ khai hiểu về chính mình: Hội Thánh tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa. Simon Phêrô đã là phát ngôn viên của lời tuyên xưng. Lời tuyên bố cũng có liên hệ với việc đổi tên Simon ra Kêpha: Đá. Trong tiếng Aramê, Đá không phải là một tên riêng. Tên mới này chí tính cách vững bền của đá tảng mà người ta có thể xây an tâm trên đó... Phêrô là đá tảng mà Đức Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Người. Do đó Người sẽ trao ông địa vị ưu tiên trên nhóm Mười Hai. Ông được Hội Thánh nhìn nhận dưới cái tên mới và coi như quên hẳn cái tên cũ kia”. Nguồn: http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/suyniem_INDEX.htm |