Những nghi thức cảm động trong ngày lễ cầu cho các đẳng linh hồn tại Vatican
Lúc 4 giờ chiều thứ Hai 2 tháng 11, theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm một nghĩa trang trong nội thành Vatican để cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã ra đi trước chúng ta.
Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn tại Nhà thờ Đức Nữ Có Lòng Khoan Nhân ở Nghĩa trang Teutonic với sự hiện diện của khoảng 50 người, chủ yếu là các chủng sinh và các nữ tu.
Mở đầu Thánh Lễ Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện cho tất cả những người đã chết bao gồm “những người chết không ai biết mặt, biết tên, chưa từng nghe nói đến, để xin Chúa Cha chào đón họ vào an bình vĩnh cửu, nơi không còn lo âu hay đau đớn nữa.”
Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha nói:
Ông Gióp bị đánh bại, thực sự đang kết thúc dần sự sống của mình vì bệnh tật, da bị rách nát, gần như sắp chết, gần như chỉ còn trơ xương không còn thịt, nhưng ông Gióp vẫn xác tín và ông nói lên xác tín của mình: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất”. (G 19:25). Trong thời điểm mà ông Gióp suy sụp nhất, tàn lụi dần, chính vòng tay ánh sáng và sự ấm áp là bảo đảm cho ông. Tôi sẽ gặp Chúa Cứu Thế; Tôi sẽ thấy Ngài bằng đôi mắt này, “Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.” (G 19:27).
Xác tín này, xảy ra vào thời điểm gần như cuối cùng của cuộc đời, là niềm hy vọng của Kitô hữu. Hy vọng là một ân sủng: chúng ta không thể tạo ra nó. Đó là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin: “Lạy Chúa, xin ban cho con hy vọng.” Có rất nhiều điều khủng khiếp dẫn chúng ta đến tuyệt vọng, và tin rằng mọi thứ cuối cùng sẽ thất bại, rằng sau khi chết không còn gì cả. Và giọng nói của ông Gióp vang vọng trở lại: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”
Thánh Phaolô đã nói với chúng ta “Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5: 5). Hy vọng lôi kéo chúng ta và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Tôi không nhìn thấy gì xa hơn, nhưng hy vọng là ân sủng của Thiên Chúa kéo chúng ta hướng về cuộc sống, hướng tới niềm vui vĩnh cửu. Hy vọng là một cái neo mà chúng ta có ở phía bên kia và chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta (xem Dt 6: 18-20). “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống và tôi sẽ nhìn thấy Ngài.” Và chúng ta phải lặp lại điều này trong những khoảnh khắc hân hoan và cả trong những khoảnh khắc gian truân, trong những khoảnh khắc của cái chết, chúng ta hãy nói điều đó.
Xác tín này là một ân sủng của Thiên Chúa vì chúng ta không bao giờ có thể tạo ra hy vọng với sức mình. Chúng ta phải cầu xin điều đó. Hy vọng là một ân sủng nhưng không mà chúng ta không bao giờ xứng đáng. Hy vọng được đưa ra. Hy vọng được trao ban; được cho một cách nhưng không; đó là một ân sủng.
Và sau đó, chính Chúa xác nhận điều này, hy vọng này sẽ không làm chúng ta thất vọng. “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi” (Ga 6:37). Đây là cùng đích của hy vọng: hãy đến với Chúa Giêsu, “và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 6: 37-38) Chúa tiếp nhận chúng ta ở đó, nơi chiếc neo. Sống trong hy vọng là sống như vậy: bám chặt sợi dây trong tay, một cách mạnh mẽ, biết rằng có sợi dây ở đó. Và sợi dây này không làm chúng ta thất vọng, nó không làm chúng ta thất vọng.
Hôm nay, khi nghĩ đến nhiều anh chị em đã ra đi, chúng ta sẽ thấy vui khi nhìn vào các nghĩa trang và nhìn lên. Và lặp lại, giống như ông Gióp: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, chứ không phải người xa lạ”. Và đây là sức mạnh mà hy vọng mang lại cho chúng ta, ân sủng nhưng không này này là đức cậy. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng này.
Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã viếng Nghĩa trang Teutonic.
Vào ngày lễ các đẳng linh hồn và trong suốt tháng 11, Giáo hội thực hiện một nỗ lực đặc biệt để tưởng nhớ, tôn vinh và cầu nguyện cho những người đã khuất. Có nhiều truyền thống văn hóa khác nhau xung quanh tập quán này, nhưng một trong những truyền thống được tôn vinh một cách nhất quán là phong tục viếng thăm nghĩa trang.
Nghĩa trang Teutonic, nằm bên cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, là nơi chôn cất những người gốc Đức, Áo và Thụy Sĩ, cũng như những người từ các quốc gia nói tiếng Đức khác, đặc biệt là các thành viên của Tổng hội Đức Mẹ.
Nghĩa trang được xây dựng trên khu di tích lịch sử hí trường Nero, nơi những người Công Giáo tiên khởi ở Rôma chịu tử đạo, trong đó có Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã rẩy nước thánh lên các ngôi mộ trong Nghĩa trang Teutonic, và dừng lại để cầu nguyện tại một số ngôi mộ đã được trang hoàng bằng hoa tươi và thắp nến nhân dịp này.
Năm ngoái, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ các đẳng linh hồn tại Priscilla, một trong những hang toại đạo nổi bật của Giáo hội sơ khai ở Rôma.
Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ tại một nghĩa trang dành cho trẻ em đã qua đời và các thai nhi được gọi là “Khu vườn của các thiên thần”, nằm ở Nghĩa trang Laurentino ở ngoại ô Rôma.
Sau khi thăm viếng Nghĩa trang Teutonic, ngài đến thăm khu hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho linh hồn của các vị giáo hoàng tiền nhiệm được chôn cất ở đó.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/261924.htm