Tản mạn đời tha hương: Giáo lý ''Một Chúa Ba Ngôi'' Nào ai hiểu thấu?
Nào ai hiểu thấu ?
Thánh kinh Cựu ước không hề nhắc tới mầu nhiệm cao cả này. Thời gian chưa thích hợp với dân Do Thái. Người Do Thái trong Giao Ước cũ chưa nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi, vì niềm tin ‘độc thần giáo’ chưa tỏ lộ hết mầu nhiệm Thiên Chúa, và vì sợ lẫn lộn với đa thần giáo của dân ngoại. Người Do Thái cũng tin vào ‘thần khí’ Thiên Chúa, vào ‘lời Thiên Chúa’, nhưng chưa dám nghĩ rằng đó là những ngôi vị khác với Thiên Chúa, song chỉ được đồng hóa với Thiên Chúa. Chỉ những ai tin vào Đức Kitô mới tuyên xưng đức tin Ba Ngôi.
Nhưng rồi Chúa Ky Tô xuất hiện với thời Tân Ước, giáo lý này mới được ‘mạc khải’. Bắt đầu với câu truyện Chúa chịu phép rửa, ta thấy có Thánh Thần Ngôi Ba qua hình chim bồ câu, và tiếng phán của Chúa Cha (ngôi 1) “này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi bề”.
Rồi qua nhiều dịp, Chúa Giê-su (ngôi 2 giáng trần) đã cho chúng ta gọi Cha Ngài cũng là Cha chúng ta ‘ở trên trời’. Cũng dặn chúng ta phải thi hành thánh ý Cha. Nhất là mở đầu nhiều lời cầu nguyện với câu “Lạy Cha…” Rồi hứa sẽ ban Thánh thần Ngôi 3 xuống cho các môn đệ sau khi về trời, sau khi cắt nghĩa Ngôi 3 là đấng bầu chữa, ủi an, thánh hóa…Nhưng cái điểm rõ nhất là khi sai các tông đồ đi giảng dạy và rửa tội muôn dân ‘nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần’.
Song các tín hữu đều tin thật điều này, vì chính Chúa Giêsu đã dạy ta như vậy.
Giáo Hội Công Giáo nói gì ?
Công đồng chung Nicea (năm 325) đã mạnh mẽ khẳng định giáo lý này phải là nền tảng của niềm tin Ky tô giáo. Các bản tín điều này được xác lập bởi hội thánh trong thế kỷ thứ 3 và thứ 4, hầu đối phó với các thuyết dị giáo liên quan đến giáo lý Ba Ngôi cũng như vị trí của Chúa Ky Tô trong Ba Ngôi. Tín điều Nicea, cấu trúc căn bản của giáo lý Ba Ngôi, dùng từ "homousia" (trong Hi văn nghĩa là có cùng một bản thể) để định nghĩa mối quan hệ giữa các ‘thành viên’ của Ba Ngôi…
Các Kitô hữu học biết về giáo lý Ba Ngôi khi chịu phép rửa tội. Cũng là bước khởi đầu để thấu hiểu tại sao giáo lý này quan trọng với Kitô hữu, ngay cả khi họ nhận ra rằng học biết về bản thể của Thiên Chúa là vượt quá sự hiểu biết của họ.. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, có cùng một bản thể, quyền năng, hành động và ý chí. Tuy nhiên, như đã được xác quyết, Thiên Chúa là đấng tự mình mà có, không do ai tạo thành, không có khởi đầu và không có kết thúc, Người là ‘alpha và omega’. Chúa Con được sinh ra từ Chúa Cha. Chúa Thánh Linh nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một quyền năng như nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Như thế, theo thuyết ‘bao hàm hỗ tương’, Ba ngôi vị ‘chứa đựng lẫn nhau’, hầu cho mỗi ngôi vị luôn luôn bao hàm và đồng thời cũng luôn luôn ‘được’ bao hàm. Lý trí con người không hiểu thấu được mầu nhiệm Ba Ngôi, tuy nhiên lý trí con người có thể dùng hình ảnh, để minh họa cho mầu nhiệm Ba Ngôi này. Ta hãy nhìn vào hình tam giác : hình tam giác có ba cạnh, mỗi cạnh riêng biệt nhau, nếu tách biệt từng cạnh ra thì không còn là hình tam giác nữa, nhưng nếu ráp ba cạnh lại thì lại được một hình tam giác, chỉ một tam giác mà thôi.
Thiên Chúa có ba ngôi vị khác nhau là Cha, Con và Thánh Thần, nhưng ba ngôi không tách biệt nhau, mà lại hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực, nhất là vào đời sống các Kitô hữu.
Kế hoạch cứu độ là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa; bởi vì bản tính Thiên Chúa là một, nên Ba Ngôi chỉ có cùng một hoạt động. Nhưng đồng thời sự duy nhất không được làm lu mờ căn tính riêng biệt của từng ngôi vị. Do đó, phải nói rằng tạo vật phát xuất từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, sự hiện diện và hoạt động của hai Ngôi vị này trong kế hoạch cứu độ phải biểu lộ đặc tính độc nhất của từng ngôi vị .
Sau hết, cùng đích của toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là cho các thụ tạo được thông dự vào cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ta làm gì đây ?
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc phát sinh muôn vật, trong đó loài người đặc biệt được dự phần vào sự sống thần linh của Người. Hơn nữa, Thiên Chúa (Ngôi Cha) đã dựng nên vũ trụ cho loài người có nơi ăn chốn ở, có phương tiện sinh sống. Thiên Chúa (Ngôi con) đã xuống thế, trả lại sự sống thần linh mà nguyên tổ đã đánh mất. Thiên Chúa (Ngôi Thánh Thần) tiếp tục tăng cường sức sống thần linh nơi các tín hữu.
Như thế, loài người phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi nhất là phải năng tưởng nhớ Chúa Ba ngôi trong lòng ta như đền thờ Người.
Chúng ta có thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình : Gia Đình Thiên Chúa. Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau. Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu. Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa, khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Gia đình yêu thương là làm cho hạnh phúc ngắn hạn của trần gian này được biến đổi trở thành hạnh phúc vĩnh cửu trong Gia Đình Thiên Chúa.
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tôn thờ là nguồn mạch tình yêu, đã trao ban tình yêu qua chương trình cứu độ, và sẵn sàng đón nhận mọi người hiệp thông với Ngài, thì Ngài cũng đang mong chờ thái độ đáp trả của chúng ta, một thái độ biết đón nhận, trao hiến và hiệp thông tình yêu với Ngài và với anh em đồng loại.
Lm Joseph Nguyễn Văn Thư
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/243982.htm