CHÚA NHẬT VIB PHỤC SINH
Cv 10:25-26, 34-35, 44-48; 1Ga 4:7-10; Ga 15:9-17
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Chúa Nhật này chúng ta suy niệm về sự công chính và lòng Chúa công bằng (Cv 10:25-26,34-35,44-48), tình bạn trong Tin Mừng Gioan (Ga 15:9-17) và trong giảng huấn của Biển Đức XVI cũng như của Chân phước HY J. Newman
HỌC THÌ PHẢI HÀNH
Giáo Hội đòi hỏi người tín hữu không chỉ hiểu biết ý nghĩa của niềm tin mà còn phải thực hành trong đời sống hàng ngày. Yêu Chúa thì phải thương người (1Ga 2:4). Câu chuyện trở lại của Cornelius đã nói lên ý nghĩa này. Đây là một chuyện kể dài nhất trong Công Vụ Tông Đồ. Phero là người ít được chuẩn bị nhất để tiếp nhận Cornelius vào cộng đồng Kito Giáo mà chính ông đã hai lần từ chối
Phero cần được cải đổi trước khi cải đổi Cornelius. Phero đến để thực hiện tặng vật của Thiên Chúa. Tặng vật này chỉ ban cho những ai biết lắng nghe Lời Chúa. Câu hỏi:“Ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho những người đã được ơn Chúa Thánh Thần như chúng ta?” (Cv 10:47) đã âm vang thành câu hỏi của Cornelius, quan thái giám người Ethiopia và được Philip trả lời trong câu chuyện này: “Cái gì có thể cản trở tôi chịu phép rửa?” (Cv 8:36).
THIÊN CHÚA KHÔNG THIÊN VỊ AI
Hành động của Phero đối với Cornelius có một ý nghĩa rất quan trọng. Cách thức tiếp đón nồng nhiệt, thành thật và tốt lành của Cornelius và gia đình ông đã làm cho Phero ngỡ ngàng thốt nên lời: “Thiên Chúa đã mặc khải cho tôi là tôi không thể gọi bất cứ ai là phàm tục và dơ dáy. Thiên Chúa rất công bằng, không thiên vị ai cả.”
Lời tuyên bố đó phá tan mọi tập tục đã có cả hàng thế kỷ, ngay cả vấn đề dân Israel là dân được Thiên Chúa chọn trên hết mọi dân tộc (Đnl 7:6-8; Xh 19:5-6). Phero không có chọn lựa nào khác ngoài việc làm phép rửa cho cả gia đình ông Cornelius. Vì việc này mà Phero bị chỉ trích, nhưng ông đã đáp trả bằng câu nói:“Tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?”(Cv 11:17). Khi những người chỉ trích nghe thấy vậy, họ yên lặng và bắt đầu ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa (Cv 11:18).
Phaolo cũng đã nhận ra những bất ngờ về niềm tin của dân ngoại và hồ hởi tuyên xưng: “Bây giờ chúng tôi trở về với dân ngoại!” Cuộc tranh luận về luật lệ đã bị trì trệ từ lâu, nên Phaolo phải viết những bức thư gửi tín hữu Roma một cách rất tổng quát.
THẦY GỌI CÁC ANH LÀ BẠN
Chúa Giesu đã khẳng định rõ ràng trong Tin Mừng Gioan hôm nay: “Thầy không còn gọi các anh là tôi tớ nữa….nhưng gọi các anh là bạn!”(Ga 15:15). Chúng ta không phải là những đầy tớ vô dụng nhưng là bạn bè! Chúa gọi chúng ta là bạn. Chúa làm cho chúng ta trở thành bạn với Chúa, ban cho chúng ta tình bạn của Chúa.
Chúa Giesu định nghĩa tình bạn theo hai cách. Bạn bè với nhau không có gì là bí mật: Đức Kito nói với chúng ta tất cả những gì người nghe từ Cha Người. Người hoàn toàn tin tưởng chúng ta. Vì tin tưởng, người ban hiểu biết cho chúng ta. Người biểu lộ diện mạo, tâm can người cho chúng ta. Người đối sử dịu dàng với chúng ta, yêu thương chúng ta điên cuồng đến chết trên thập giá.
HÃY LÀM BẠN VỚI ĐỨC GIESU
Một trong những đề tài giảng huấn thường xuyên và quan trọng nhất của Biển Đức XVI trong những năm ngài còn tại chức cũng là mời gọi chúng ta hãy làm bạn với đức Giesu. Ngài đề cập vấn đề này rất rõ ràng trong Thánh Lễ tại Vương Cung thánh đường Phero trước mật nghị bầu Giáo Hoàng. Ngài nói:
-“Một niềm tin trưởng thành và lớn mạnh là niềm tin bắt rễ xâu đậm nơi tình bạn với chúa Kito. Tình bạn này cho chúng ta biết tất cả những điều tốt, phân biệt giữa thật và giả, giữa gian trá và thành thật.”
Trong bài giảng thánh lễ khai giảng mục vụ Giám Mục Roma ngày 24-4-2005, tân giáo hoàng Biển Đức XVI đã ba lần nói về sự quan trọng của tình bạn với chúa Giesu: “Giáo Hội là tổng thể và tất cả những mục tử của mình, như đức Kito, phải đứng lên dẫn giắt mọi người ra khỏi sa mạc, đến với sự sống, với tình bạn, với Con Thiên Chúa, với đấng đã hy sinh mạng sống cho chúng ta, một cách dồi dào. (…)
- “Không có gì tươi đẹp hơn là hiểu biết Người và nói cho mọi người biết về tình bạn với Người. (…)
- “Chỉ ở trong tình bạn này, các cánh cửa dẫn tới sự sống mới mở ra mà thôi. Chỉ ở trong tình bạn này, khả năng của con người mới được tỏ lộ thực sự. Chỉ ở trong tình bạn này, chúng ta mới cảm nghiệm được vẻ đẹp toàn mỹ và giải thoát.”
ĐƯỢC AN BÌNH THANH THẢN KHI LÀ BẠN VỚI CHÚA
Tám tháng sau, ngày 15-1-2006 khi giảng về Kinh Truyền Tin, Biển Đức XVI lại nói: “Làm bạn với thầy dạy là bảo đảm có an bình thanh thản trong tâm hồn, ngay cả trong những giây phút đen tối và thử thách căm go nhất. Khi niềm tin gặp phải đêm tối dày đặc khiến chúng ta không còn “cảm thấy” hay “nhìn thấy” Thiên Chúa hiện diện, thì tình bạn với chúa Giesu vẫn là một bảo đảm chắc chắn mà trong thực tế không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của người” (Rm 8:39).
SỐNG TÌNH BẠN VỚI CHÚA
Vào ngày 26-8-2007, đề tài tình bạn lại một lần nữa được nêu ra làm trọng điểm của bài giảng huấn: “Làm bạn thực sự với Chúa Giesu phải được biểu hiện qua cách sống. Thiện tâm. Công chính. Khiêm cung. Hiền hòa. Nhân hậu. Yêu công bằng và sự thật. Quyết tâm kiến tạo hòa bình và hòa giài một cách lương thiện và thành thực.”
Xem vậy chúng ta có thể nói đây là bản “căn cước/chứng minh thư” chúng ta là những người bạn thực sự của chúa Giesu, là tờ “hộ chiếu” cho chúng ta bước vào đời sống vĩnh cửu. Làm sao chúng ta có thể hiểu được tình bạn này là quà tặng quí giá vô cùng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc sống?
SỐNG THÀNH THẬT TỰ ĐÁY LÒNG
Có lẽ rất nhiều người biết HY John Henry Newman (1801-1890) qua cuộc sống và những tác phẩm của ngài nói về tình bạn. Ngài đã nói tự đáy lòng, cor ad cor loquitor, một câu mà ngài chọn làm châm ngôn. Cách thức ngài liên hệ với bạn bè và mọi người thật thắm thiết, không hời hợt. Ngài nhìn họ và yêu mến họ.
HY Newman được phong chân phước ngày 19-9-2010. Ngài cho chúng ta biết thế nào là tình bạn. Ngài đánh giá rất cao những đức tính của con người trong văn chương và lịch sử cổ Hy Lạp và La Mã. Các thánh mà ngài ái mộ nhất là thánh Phaolo, các tổ phụ của Giáo Hội sơ khai, thánh Philip Neri và thánh Francis De Sales. Ngài coi những vị này là những thánh nhân rất hấp dẫn và dễ dàng lôi cuốn mọi người.
HY Newman có một năng khiếu thiên phú về tình bạn. Không ai có thể nói HY Newman là một người hời hợt bề ngoài. Chỉ cần liếc mắt qua những tác phẩm đồ sộ của ngài như những bức thư, nhật ký hoặc nhìn vào các danh mục trong những tác phẩm tự thuật của ngài sẽ thấy rằng ngài đã chia sẻ tình bạn đậm đà với hàng trăm người trong suốt đời ngài. Ngài đã tạo ảnh hưởng, sinh kết quả trên hàng triệu người đã đọc những tác phẩm của ngài và hiểu được thế nào là tình bạn.
ĐÔI LỜI KẾT: TÌNH BẠN THẬT
Viết về tình bạn mà không để ý đến biết bao nhiêu người cả nam lẫn nữ từ già đến trẻ đang hăm hở tìm bạn mỗi ngày là một thiếu sót. Cứ mở máy vi tính ra, coi mục MySpace, Facebook, You tube…Nếu Facebook là một quốc gia thì nó là quốc gia có dân số đông đứng thứ 8 trên thế giới.
Nó đang làm gì cho chúng ta? Đang liên kết mọi người lại với nhau và cải tiến mạng lưới xã hội. Các gia đình, người tàn tât, già yếu hoặc bị bệnh kinh niên có thể nối kết với những cộng đồng cùng hoàn cảnh, từ đó phát sinh ra những liên hệ tình thân. Nhưng nó cũng có những vấn nại kế tiếp. Nó làm gì cho chúng ta? Có phải nó đóng khung chúng ta trong một xã hội giới hạn khiến ta có cảm giác riêng tư hay mở rộng tình bạn của chúng ta cho hết mọi người?
Tình bạn trong những không gian ảo đó hoàn toàn khác với tình bạn trong thời gian thực. Tình bạn là sự giao hảo giữa mọi người tin tưởng nhau, cùng nhau chia sẻ những lợi ích và biểu lộ mọi chi tiết thiết thân của nhau qua không gian và thời gian, trong những hoàn cảnh đặc biệt. Tình bạn thực là cùng nhau khám phá và biểu lộ những cái mình có để nó phát triển hơn lên trong cõi riêng tư một cách khiêm tốn.
Tuy nhiên, quan niệm về tình bạn trên mạng lưới xã hội toàn cầu có tính cách công cộng. Nó không phải là tình bạn như Chúa Giesu nói trong Tin Mừng, cũng không như tình bạn mà Biển Đức XVI nói tới trong những giảng huấn hay HY Newman diễn tả trong những bức thư. Khoảng cách và sự trừu tượng của tình bạn trên lưới cũng như sợi giây liên hệ của tình bạn ấy có thể dẫn đưa tới một loại vô cảm có hệ thống như trong văn hóa nếu chúng ta không khôn ngoan đủ và để ý đến những thực tế của thời đại mới ngày nay. Chúng ta biểu lộ tất cả mọi sự, nhưng chúng ta có được cái gì?
Tình bạn như vậy hay đúng hơn, sự quen biết như thế, hoàn toàn khác với điều mà HY Newman gọi là “Phát xuất tự đáy lòng” / “Cor ad cor loquitor” , một ước vọng và một cảm nghiệm mãnh liệt mà chúa Giesu đã có với các môn đệ của người, mà Phero nồng nhiệt đã có với một Cornelius, mà HY John Henry Newman người Anh, mà Giáo Hoàng Biển Đức XVI người Đức đã sống đời sống mục tử gương mẫu, là những người bạn trung tín với tất cả mọi người không phân biệt dân tôc, màu sắc hay văn hóa….
Fleming Island, Florida
May 2018
Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Nguồn:http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=18066