Mười hai con đường tới Lễ Giáng Sinh, tiếp theo
Vũ Văn An17/Dec/2017
VI. Sợ sệt và yêu thương
Một người bạn thân vô thần của tôi, luôn đáng yêu nhưng chỉ thỉnh thoảng mới thông sáng, có lần, lên án nhiều tôn giáo với một tam đoạn luận đại khái như sau: Thiên Chúa đáng sợ, mà Thiên Chúa là tình yêu, vậy tình yêu là đáng sợ; do đó, ta phải sợ tình yêu, nếu thế, thì hết thẩy chúng ta đều không còn gì nữa và tôn giáo thì vô nghĩa hơn phần lớn người ta tưởng. Như thế, anh ta cười, làm thế nào bạn lại có thể sợ một Thiên Chúa của Tình Yêu? Tôi trả lời bằng một giọng giảng giải như một giáo sư rằng một phần của vấn đề là “sợ hãi” đã bị chỉ trích nhiều trong các thế kỷ qua, còn “tình yêu” thì bị đơn giản hóa và tầm thường hóa đến chỉ còn là mật ngọt hoa lá gần như không còn là gì khác. Mọi khía cạnh tốt đẹp của “sợ hãi” và mọi khía cạnh sợ hãi của “tình yêu” đã bị mất đi trong thứ tình cảm tính ướt át và ủy mị thời hiện đại. Về một vài phương diện nào đó, tôi qui cho Lễ Giáng Sinh. Thật khó nghĩ tới sợ hãi khi nhìn vào những cây rực rỡ ánh đèn, và thật khó thấy được bất cứ điều khó nào về tình yêu khi mọi hình ảnh của Giáng Sinh đều nói đi nói lại với bạn rằng đời sống và tình yêu phải nên dễ dàng như thế nào.
Nhưng giải thích sự tốt đẹp của sợ hãi là điều dễ dàng: một nỗi sợ lành mạnh đối với lửa giữ cho ta khỏi bị phỏng, y hệt như nỗi sợ lành mạnh gây thương tổn cho ai giữ cho họ được an toàn khỏi bị ta làm hại. Những nỗi sợ khác thì tinh tế hơn, nhưng cũng làm người ta mất tự tin hơn. Như, lần đầu tiên, nhìn lên và thấy bầu trời bao la đầy sao lấp lánh nhưng lạnh lùng, tôi bỗng run sợ. Và trong những khoảnh khắc họa hiếm ấy, khi tôi hiểu rõ hơn việc mình đã làm bậy đến bao nhiêu và gây đau khổ đến chừng nào, tôi lại càng run sợ hơn nữa. Nên đúng thế, tình yêu có thể đáng run sợ và nghiêm nghị y như nó dịu dàng và nhân từ vậy, như lúc nó tàn nhẫn buộc ta phải làm ngơ chính sự an nhàn thoải mái của mình hoặc phải mạo hiểm mọi điều ta hiện có; vậy thì ta đến phải sợ nó thôi.
Một trong các ý niệm xưa nhất về Thiên Chúa, một thứ không hiểu thấu xa xôi, lạnh lùng, không hề mủi lòng, quả là đáng sợ và khiến người ta hãi hùng một cách dễ hiểu. Nhưng ý niệm về Thiên Chúa mà ta có được lúc Giáng Sinh lại đáng sợ một cách khác hẳn: trái tim thoi thóp ấm áp của một hài nhi mới sinh. Lần đầu tiên ẵm một bé thơ, tôi rất sợ, thực là sợ, chỉ sợ đánh rơi cháu, cứ nghĩ mình sẽ để cháu lọt tay mình rớt xuống sàn nhà. Và cho đến bây giờ, khi tôi đã thỏai mái và tự tin khi ẵm các cháu, chúng vẫn làm tôi sợ và khiến tôi hãi. Và khi Giáng Sinh tới gần, tôi tưởng tượng hài nhi đó trong máng cỏ, vừa là người tạo dựng vừa là người được tạo dựng, trượt khỏi bàn tay ta, rớt xuống dưới. Há tất cả chúng ta không nối kết với sự sống và ánh sáng đủ để run và sợ khi chỉ cần nghĩ tới việc vũ trụ có thể lọt khỏi tay ta rớt xuống sàn?
VII. Cây ngày nghỉ, cuộc chiến Giáng Sinh và những điều phi lý khác
Hồi trước, tôi có cô bạn gái, vào dịp này, hỏi xem liệu chúng tôi có sắm một “cây ngày nghỉ” (holiday tree) hay không. Tôi trả lời là không. Tôi giải thích: không, giống mọi năm, thay vào đó, chúng ta sẽ sắm một cây Giáng Sinh. Cô ta khó chịu. Tôi cũng thế. Phải nói sự thật, khi cô ta đặt câu hỏi, tôi tưởng cô ấy chỉ nói giỡn. Tôi bình luận rằng cây Giáng Sinh không phải là “cây ngày nghỉ” y như Menorah không phải là “cột nến ngày nghỉ”. Tôi thấy ý muốn tục hóa mọi sự này quả hết sức nực cười trong lần bổ nhiệm ngoại giao cuối cùng của tôi ở Ljubljana, Slovenia. Thành phố đẹp đẽ này năm nào cũng chật vật với việc phải làm cho Lễ Giáng Sinh trở thành “nuốt được” đối với khá nhiều người không tin. Trước đó mấy năm, cố gắng này lên đến cao điểm ngớ ngẩn của nó khi thành phố rực lên với các chữ năng lực, ý niệm và sự sống, một Ba Ngôi được tục hóa! Ngay ở trung tâm các cuộc trưng bầy Giáng Sinh, cố gắng hết mình để chứng tỏ rằng mùa này có thể được cử hành dù bạn không thoải mái với các phù phép tôn giáo.
Tôi từng du hành khắp thế giới đủ để lưu ý tới những người ở giữa chúng ta tuy có ý ngay lành nhưng bị hướng dẫn sai: họ coi sự bình đẳng y như sự như nhau, và nghĩ rằng việc đánh giá một cách tôn trọng các nền văn hóa khác là việc y như nhau với việc đồng hóa không cần suy nghĩ (thoughtless assimilation). Hình như người ta sợ rằng những khác biệt rõ ràng từng xác định và tương phản các tôn giáo và văn hóa cần được làm cho yếu đi và phẳng lỳ ra. Tôi không đồng ý như thế. Lòng tôn trọng đích thực nên buộc ta phải đánh giá cao những điều tốt đẹp nhất trong mỗi tôn giáo và mỗi nền văn hóa, nhưng không cần phải e ngại việc phê bình các khía cạnh ta thấy là đáng trách về luân lý. Tôi từng cầu nguyện tại các hội đường Do Thái, chùa Phật Giáo và Ấn Giáo, đền thờ Hồi Giáo, và rất nhiều nhà thờ, nhưng tất cả không y hệt nhau, mặc dù, tất cả đều có một điều gì đó đánh động lòng tôi một cách sâu xa. Chúng ta cũng thấy cùng một sự thúc đẩy vô nghĩa về phía như nhau này cả đối với các cá nhân, cái hoài mong cấp tiến vô lý và phi lý muốn làm mọi người ra như nhau vì cho rằng mọi người đều có tiềm năng thông minh và tài giỏi như nhau. Nhưng khi nói người ta bình đẳng, ta chỉ muốn nói mỗi người đều đáng qúy vô chừng; chứ không phải mỗi người đều sẽ trổi vượt như nhau trong việc hiểu cơ lượng học hay chơi piano.
Dù sao, cô bạn gái đó cũng không lâu bền gì. Sau một cuộc tranh luận khá gây cấn, 2 điều trở nên rõ ràng. Một là cô ấy là người thực sự tin vào cuộc tranh đấu hoàn vũ nhằm bảo đảm tính chính xác chính trị. Hai là những người thực sự tin một nguyên cớ nào đều không có óc hài hước, kể cả các ông bà bảo thủ, nhất là trong quan tâm thái quá của họ đối với “âm mưu” hiện đại nhằm phá hoại Kitô Giáo. Không hề có “chiến tranh” thảm hại chống lại Lễ Giáng Sinh. Các dị biệt trong quan điểm và tâm tư không nên dẫn tới thứ hoang tưởng nín thở về tương lai nền văn minh Tây Phương. Những người có ý hướng tốt có thể bất đồng, và bất đồng không cần dẫn đến các kết án gay gắt. Tôi đã thấy những người có ý ngay ở cả hai phía, và trong tinh thần Giáng Sinh đích thực, cả hai phía nên dành nhiều thì giờ hơn để cố gắng tìm ra cơ sở chung và ít tìm cơ sở để đánh nhau. Ngay sau các năm trên, tôi vẫn không chắc chắn điều nào ngớ ngẩn hơn: xu hướng cấp tiến khi họ cố gắng biến mọi sự và mọi người ra như nhau, hay xu hướng bảo thủ khi họ nghi ngờ những người bất đồng hay khác với họ. Như một vị khôn ngoan nào đó từng nói, điều tốt nhất và điều xấu nhất bạn có thể nói về phần lớn người ta là họ có ý tốt. Em bé sinh đã hai ngàn năm kia hiểu điều đó, và điều này có lẽ là một lý do khiến em cứ thế tha thẩn với những người thu thuế và đĩ điếm cũng nhiều như với các tư tế và chính trị gia; xem ra em không thấy mấy khác nhau giữa những người này với nhau.
VIII. Bầu bạn cùng con người
Thánh Phanxicô Assisi là người đầu tiên đặt các con vật sống vào cảnh Hang Đá. Thể tài loài vật này trở thành nổi tiếng suốt trong các thế kỷ qua, nhưng theo tôi, vẫn chưa đủ tập chú vào các vai thú vật phụ này. Ngày nay, các thú vật này vẫn để làm cảnh trí ở phía sau, ấy thế nhưng chúng cũng cảm thấy cái đau thể lý, nhiều con còn cảm thấy mất mát xúc cảm, nhiều con thậm chí lo lắng, biết yêu thương và buồn sầu tang chế và biểu lộ dạ trung thành và anh hùng tính. Và, như Thánh Phaolô từng viết, nếu “mọi tạo vật đang rên rỉ”, thì có lẽ sẽ là điều sai lầm nếu con người chỉ nghĩ đến mình khi đề cập đến ơn cứu chuộc. Trong bầu bạn với con người, các thú vật có xu hướng trở nên tốt hơn hay tệ hơn khi chúng sống trong các môi trường thiên nhiên của chúng, một điều tự nó đã phần nào là một mầu nhiệm tâm linh rồi. Có lẽ vấn đề luôn luôn đặt ra là: ta vướng giữa những người ngây thơ thờ phượng thiên nhiên và những người khuyển nho coi thiên nhiên chỉ như một điều để được sử dụng. Con người nhân bản chúng ta có thể là triều thiên của sáng thế, là đỉnh cao của diễn trình biến hóa, nhưng điều này chỉ nên có nghĩa: ta có trách nhiệm lớn hơn đối với mọi tạo vật bên dưới ta. Câu trong Sách Sáng Thế kia khi nói rằng loài người có “quyền thống trị” trên mọi tạo vật từng gây ra không biết bao phiền lụy trong nhiều ngàn năm qua. Có “quyền thống trị” không phải là “thống trị”; thực ra, trái lại mới đúng: phải phục vụ và bảo vệ lãnh vực của ta. Điều này, thú thực, có hơi nghịch lý vì tôi cần tới mấy thập niên mới tiến tới chỗ biết đánh giá thú vật, nhất là chó. Suốt cuộc sống hôn nhân của tôi, tôi từng sống trong một thứ hòa bình khó chịu với loài vật này, bị bao vây bởi một người phối ngẫu và mấy đứa con cứ nằng nặc cho rằng chúng cũng đáng qúy như bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Và dù tôi chưa bao giờ chấp nhận tiền đề ấy, tôi đã học được một đức khiêm nhường nào đó, khi quan sát thấy các giống vật này rất dễ dàng tha thứ và không bao giờ mệt mỏi đi tìm sự an ủi bất kể bao nhiêu lần bị từ chối.
IX. Quá nhiều công lý
Công lý là người làm công đáng tin cậy nhưng là một ông chủ tàn bạo. Ở đây, ở Hoa Kỳ này, ngày nào tôi cũng được nhắc nhở điều đó. Có một ít thí dụ trong lịch sử của những người có khả năng vượt lên trên cái khát khao ma qủy về công lý này, một trong số này là Nelson Mandela, người chết cách nay 4 năm cũng vào tháng này. Trong 27 năm ròng, gần một phần ba đời ông, Mandela bị cầm tù. Công lý đòi hỏi những người cầm tù ông phải bị trừng phạt; công lý đòi ông không nên nghỉ ngơi cho tới khi tất cả những ai cướp mất những năm tháng đẹp nhất đời ông phải trả đủ cân lượng cho tội ác của họ. Nhưng có điều gì đó nơi Mandela cứu ông nguôi cơn khát thứ công lý kia, nếu không, Nam Phi rất có thể vẫn đang đổ máu. Công lý là một nhân đức đáng khen, nhưng người ta thường quên rằng nó cũng là bộ máy mạnh mẽ tạo ra sự ác. Từ Alexăng và Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) tới Hitler và bin Laden, thường chính công lý đã tạo nên không biết bao đau khổ trên thế giới. Phần lớn những người phạm những điều ác đức mỗi lần thức giấc vào buổi sáng không tự nhủ: hôm nay, mình sẽ làm điều ác đức nhất. Thường họ sẽ nói: Hôm nay, mình sẽ sửa lại những điều sai người ta làm cho mình hay cho dân tộc mình, cho xứ sở mình hay cho tôn giáo mình. Khi mục tiêu của bạn cao thượng như công lý thì bạn có thể biện minh cho bất cứ hành vi nào.
Không được lòng thương xót làm dịu đi, công lý là một bạo chúa lạnh lùng. Và rồi, tôi được nhắc nhở rằng bé thơ sinh ra đã hai ngàn năm nay kia cũng có cùng một thái độ như Mandela: có một tiêu chuẩn cao hơn công lý đơn thuần. Vì, như Gandhi có lần phát biểu một cách nổi tiếng, công lý nhất thiết dẫn tới một thế giới không mắt, không răng và không tim. Con trẻ nằm trong máng cỏ kia không lớn lên với một tâm thức cay đắng vì cảnh nghèo của mình hay hận thù đối với người giầu và người quyền thế. Em không từ trên thập giá thét gào công lý, nhưng thay vào đó, khóc cho những kẻ sát hại mình. Nếu Giáng Sinh có nghĩa gì, thì nó là một cuộc cách mạng của trái tim chống lại thứ thế giới răng đền răng này, chống lại các đòi hỏi của thế giới này muốn cân bằng cán cân và sửa lại mọi sai lầm bằng một nền luận lý cứng rắn. Cuối cùng, nếu thế giới được cứu thoát, thì chính lòng thương xót chứ không phải công lý đã cứu nó.
X. Bốn Câu Truyện Giáng Sinh Gia Đình
Ở Marốc, Lễ Giáng Sinh năm 1996, chúng tôi có con Labrador không manh mối một cách lạ lùng tên Edgar này. Edgar thực sự không bao giờ cần phải được dạy phải tiêu tiểu ở ngoài nhà; nó như nhờ bản năng mà biết việc như thế phải làm ở bên ngoài. Nhưng nó hơi rối trí một chút ngày tôi đem về nhà cây Giáng Sinh rất lớn. Nó hứng chí đến nỗi tè vào cây này khi đứng đó ngỡ ngàng và lạ lùng. Cả gia đình cười rộ lên, nhưng chỉ có tôi là nổi giận lôi đình, và không có niềm vui Giáng Sinh nào làm tôi nguôi giận. Con chó khốn khổ không bao giờ phạm lầm lỗi đó một lần nữa. Rồi còn mấy năm trước đó nữa, tức Giáng Sinh 1992 tại Virginia, khi con gái Alessia của tôi mới lên sáu, và cháu nài nỉ chúng tôi khởi sự trang hoàng ngày lễ lúc mới chỉ là tháng Mười Một. Chưa bao giờ thành công trong việc nói không với bất cứ ai, tôi lấy ra một dụng cụ xưa bằng kim khí do người Đức sản xuất với 4 cây nến. Khi đốt lên, các cây nến làm nóng chiếc quạt khiến nó làm quay 3 thiên thần rung 2 cái chuông. Alessa rất thích cả tôi cũng thế, luôn sẵn lòng tìm cớ để bắt đầu Lễ Giáng Sinh sớm. Nhưng khi tôi tựa lưng vào chiếc quầy ở bếp, tôi cảm thấy nhức nhối như thể con ong đang chích tôi. Và rồi tôi cảm thấy như bị hàng trăm con ong thi nhau chích vào lưng. Rồi Alessa kêu lên “Bố, ngưng lại, té đi, lăn đi!!” Tôi thắc mắc, trời đất quỉ thần ơi, con nhỏ sao vậy, rồi tôi chợt hiểu: Trời đất, tôi bị cháy!”. Khi Alessa tiếp tục la, và lúc này với sự tham gia của má cháu, tôi ngoan ngoãn nằm xuống sàn nhà và lăn đi cho tới khi lửa tắt. Đúng là đau hết thuốc chữa nhưng thật khó cho các y tá và bác sĩ ở khu cấp cứu dấu sự khoái chí của họ: họ hãnh diện tuyên bố tôi là nạn nhân đầu tiên của mùa Giáng Sinh năm đó! Ở nhà sau đó, Alessa làm tôi cảm thấy mọi việc đều đáng cả khi cháu đến vỗ tay tôi và nói cháu ân hận khi tôi bị phỏng như thế. Cháu còn tỏ ý ân hận chiếc áo sơmi của tôi cũng bị cháy. Tôi nói với cháu không hệ gì vì tôi có thể sắm cái áo khác. Nghe thấy thế, cháu lập tức sáng mắt lên, tôi liền hiểu cháu chỉ giả vờ làm bộ an ủi tôi thôi. Cháu cười toe toét và hỏi một cách đầy mong đợi “Vậy, thưa bố, con có thể đem chiếc áo bị cháy tới trường vào ngày mai để các bạn của con thấy không?”
Một Lễ Giáng Sinh khác, có lẽ năm 1968 gì đó, khi tôi còn là 1 thiếu niên sống ở New Jersey, anh tôi và tôi thi nhau nghĩ cách mới lạ để trang hoàng căn nhà của chúng tôi với đèn Giáng Sinh. Nửa thế kỷ sau, tôi không chắc ai nghĩ ra, nhưng chúng tôi hiểu ra rằng cộng đồng của chúng tôi nửa theo Do Thái Giáo, nửa theo Công Giáo và do đó, có thể chúng tôi sẽ làm nổi giận hay ít ra cũng làm khó chịu cả hai nhóm khi lấy đèn tạo nên ngôi sao Đavít to tổ bố và dựng nó lên chiếu tỏa trên cảnh Giáng Sinh. Không người hàng xóm nào than phiền cả, nhưng ta có thể làm Lễ Giáng Sinh đáng thưởng ngoạn hơn bằng cách tin rằng có thể ta sẽ làm một số người hàng xóm không vui. Chúng tôi không còn trang hoàng để làm ai khó chịu hay không hài lòng nữa, nhưng chúng tôi luôn có những cuộc trang hoàng càng bao gồm nhiều người càng tốt, dù một số vẫn bị xúc phạm hay sợ ý nghĩa Giáng Sinh sẽ phai lạt đi hoặc bị bóp méo. Chúng tôi đặt vào đó 1 ngôi sao Đại Hàn thu nhỏ hay những ngôi sao Đavít khác nhau làm vật trang trí và chúng tôi đặt cả một cây cọ (palm) nữa vì cây này đóng một vai trò quan trọng trong truyện Giáng Sinh của Kinh Kôrăng. Chúng tôi cũng đặt vào những vật trang trí của Phật Giáo, Ân Giáo và thế tục khác, vì tin rằng Giáng Sinh không bao giờ bị phai lạt hay bóp méo khi chào đón những người không tin như mình.
Và rồi, còn lần trước đó nữa. Lễ Giáng Sinh năm 1963 ở New Jersey. Năm đó, không có quà cáp mua ở tiệm; chúng tôi đang chật vật phải trả tiền muợn mua căn nhà đầu tiên, và cha tôi đang vật lộn với công việc mới làm thầy giáo sau khi phục vụ quân ngũ hơn 30 năm. Nhưng chúng tôi vẫn vui hưởng mùa Giáng Sinh vì hai người chị của tôi, Maryann và Ursula, giữ được tinh thần cao bằng cách giúp chúng tôi thực hiện các món quà cho nhau chỉ bằng giấy và băng vải và những thứ như thế. Người em gái thứ ba của tôi, Susan, trẻ nhất trong nhà thì tôi không nhớ có lo âu gì không vì lúc ấy, cũng như bây giờ đã 64 tuổi, em vẫn nghĩ Ông Già Noel luôn mang đủ quà cáp đến cho mọi người. Nhưng món quà mà tôi thực sự rất thích thì đã đến rất sớm vào buổi sáng Giáng Sinh năm đó, ngay sau nửa đêm. Chúng tôi đang chen chúc ngồi vào xe để đi Lễ Nửa Đêm, và khi cộng đoàn đứng lên để được xông hương, thì tôi xỉu. Trước khi đến nửa Thánh Lễ, thì tôi không còn thấy gì nữa; tôi chỉ còn ý thức rất mù mờ, và đầu tôi quay như chong chóng. Tôi vừa xỉu, cha tôi đã túm lấy tôi, đem tôi chạy vội về nhà và đặt tôi vào giường. Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi lo lắng như thế và tôi không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi là một cậu bé 11 tuổi, cường tráng, khỏe mạnh, vô địch. Tại sao lại có vẻ mặt lo âu ngớ ngẩn ấy, tôi thắc mắc? Người cúi xuống khi tôi nằm đó và hôn trán tôi rồi im lặng ra khỏi phòng, vai xệ hẳn xuống. Chuyện gì vậy không biết? Tôi 11 tuổi, tôi là một cậu trai mà! Một cậu trai Hoa Kỳ! Hôn chỉ dành cho con gái thôi. Hôn là một điều mà bạn khoan dung tiếp nhận từ mẹ bạn chứ tôi chưa bao giờ nhớ đã nhận được từ cha tôi. Đã hơn một nửa thế kỷ qua kể từ ngày ấy, nhưng cái hôn kia cứ vẫn êm ái nóng trên trán tôi.
XI. Lạnh, mệt, và hãi
Tôi yêu các cảnh hang đá Giáng Sinh, nhưng tôi cũng thấy chúng gây khó chịu. Nhà chúng tôi có hơn nửa tá cảnh này từ Á Châu, Châu Mỹ La Tinh, Âu Châu và Trung Đông; tất cả đều mầu sắc và vui tươi; chúng thắp sáng mọi ngóc ngách trong nhà và mọi hầm hóc tâm trí. Nhưng, như tôi đã thưa, chúng cũng làm tôi khó chịu. Chúng quá sạch sẽ, quá sáng sủa, quá ấm cúng và quá ấp ủ. Nụ cười thanh thản trên mỗi Đức Mẹ, con mắt sáng ngời của mỗi Thánh Giuse, bé thơ bụ bẫm hạnh phúc, đôi khi quá đáng. Đó là cách có lẽ không bao giờ có. Đôi khi tôi mong một cảnh máng cỏ thực sự với con lừa kêu the thé và con chiên kêu be be cả các con lạc đà xùi nước miếng. Tôi có thể thấy ông già mệt mỏi thắc mắc mình đang mắc phải chuyện chi và thiếu nữ hãi sợ cho đứa con sơ sinh của mình và chính mình. Tất cả đang co ro trong đêm lạnh tối đen. Và tiếng các con vật kêu to và ồn ào lộn xộn đến nỗi bé thơ cứ thế thức giấc mà nước mắt đầm đìa và người mẹ tha hồ vô ích dỗ con ngủ. Và rồi các mục đồng tới, hôi thối, rụt rè, dốt nát, muốn thấy hiện tượng lạ mà họ bị lôi cuốn một cách kỳ diệu không hiểu nổi. Còn người mẹ thì nay lo âu không biết phải đương đầu ra sao với đứa con thơ khóc nhè và quá nhiều khách thăm bất ngờ, dù sao bà cũng là một bà mẹ Do Thái! Tôi thích cảnh giáng sinh ảm đạm hơn này vì nó giống nhiều hơn với những gì tất cả chúng ta đều trải qua và chắc chắn là điều người nghèo và người bị xua đuổi trải nghiệm hàng ngày. Tôi thích ý nghĩ này là mọi con người đổ vỡ, mọi người trẻ và bà mẹ hãi hùng, mọi người cha bối rối và mệt lử, mọi gia đình thiếu thốn và thất vọng, có thể đồng hóa với và đánh giá cao gia đình bé nhỏ gồm 3 con người đang cùng cực tìm kiếm chỗ trú 2 ngàn năm trước đây. Không hơn những người tị nạn, những người sơ tán nội địa như nền hành chánh của ta hiện đang mô tả, đang chật vật với việc ngày mai phải ra đi, mà không nghĩ gì tới những ngày tươi sáng và êm dịu ở đàng trước. Vì sự kiện có biết bao nhiêu người nghèo và người đổ vỡ vẫn ôm lấy cuộc sống và vui tươi dưới các hoàn cảnh như thế tự nó đã là một phép lạ hàng ngày khiến tôi phải khiêm hạ. Và như thế, có thể ở một ý nghĩa sâu xa hơn và có nguy cơ mâu thuẫn với tôi, cảnh Giáng Sinh “đã được dọn sạch sẽ” có thể làm nó ra đúng đắn: dưới tất cả những cái dơ dáy và ồn ào, có một nụ cười thanh thản của một bà mẹ trẻ bất chấp mọi âu lo, có những ánh mắt sáng ngời ấm áp của một ông cha già bất chấp mọi kiệt lực, và có hài nhi bừng sức sống và niềm vui bất chấp mọi đói khát và lạnh lẽo. Các ngài có thể là một “thánh gia” nhưng các ngài cũng là một “gia đình nhân bản trọn vẹn”.
XII. Sự bất khuất của Giáng Sinh
Đây là cách hoàn toàn khác để nhìn Lễ Giáng Sinh: như một hành vi bất phục tùng có tính vũ trụ làm ta bỡ ngỡ, một đức tính nguy hiểm nhất. Điều mà nhiều người có óc khoa học thấy khó chịu hơn cả về Giáng Sinh là toàn bộ ý niệm này mâu thuẫn với luật lệ và trật tự: nó vi phạm các định luật tự nhiên, nó làm ngơ các qui luật lịch sử và văn hóa, và nó cười nhạo thẳng mặt các thẩm quyền đã được thiết lập. Tôi có thiện cảm chút đỉnh. Bất phục tùng không phải là đức tính nguy hiểm nhất chỉ vì nó đánh thẳng vào cốt lõi các giá trị đã được thiết lập; nó còn nguy hiểm vì nó dễ bị hiểu sai và áp dụng sai. Nó có thể là cái cớ để che dấu sự hèn nhát, hay để tránh trách nhiệm và kỷ luật, hay đơn giản để làm bất cứ điều gì ta chọn.
Cách dây mấy ngày, tôi được nhắc nhở tầm quan trọng thánh thiêng của bất phục tùng khi tôi ngồi xuống và xem lại một trong cuốn phim Giáng Sinh tôi ưa thích, “Joyeux Noel”, về ngày Giáng Sinh đầu tiên của Thế Chiến I, cách nay hơn 1 thế kỷ. Dù không đúng lịch sử về nhiều phương diện, cuốn phim vẫn chuyển tải một số sự thật. Vốn đã quá buồn mửa với cảnh máu chẩy thịt rơi của cuộc chiến tranh này và bắt đầu hoài nghi các lời nhàm chán nơi cửa miệng các nhà lãnh đạo của họ từng giảng giải về “thập tự chinh thánh chiến” chống lại kẻ thù ác độc, những người lính thông thường, người Pháp, người Tô Cách Lan, và người Đức, đều làm ngơ các qui luật của chiến tranh, bất chấp cấp chỉ huy của họ, và bác bỏ các kỷ luật sai lạc lúc được huấn luyện. Họ bắt đầu những cuộc ném banh tuyết vào nhau, họ chơi những trận túc cầu và họ ngạc nhiên hiểu ra rằng họ thẩy đều cùng hát bài “Silent Night” dù bằng các ngôn ngữ khác nhau. Nguyên cái khủng khiếp khi thấy những người lính thường này dám đánh vào tim óc các nhà cai trị của họ bằng cách ném những trái bánh tuyết thân hữu vào nhau quả là điều vừa thích thú vừa lo sợ. Các vị tướng hết sức khó chịu bởi các trái bánh tuyết ấy giống hệt Hêrốt và Philatô từng bực mình hai ngàn năm trước khi đối đầu với sự bất phục tùng thần thánh, một bất phục tùng bất chấp luận lý học và bản nhiên.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/240540.htm