Trang chủ

Dienstag, November 14, 2017

Ý Niệm Chết Trong Thánh Kinh và Thần Học (4)

Vũ Văn An
13/Nov/2017
Sự chết: Sự nên trọn của cuộc sống ơn thánh

Đức tin là sinh hoạt nền tảng của đời sống siêu nhiên, tức đời sống ơn thánh. Ở đây, con người mở lòng mình cho mạc khải cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thực hiện trong và qua Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô. Nhờ đức tin, con người trả lời mạc khải này bằng hành vi hoàn toàn chấp nhận và hoàn toàn hiến dâng, chấp nhận từ Thiên Chúa ý nghĩa tối hậu của đời mình trong một định mệnh vượt quá sự hiểu biết của mình và các khả năng thực hiện từ bên trong của mình, và tự dấn thân bước tới việc thể hiện định mệnh này. Như thế, nhờ đức tin, con người tự hướng mình về một mục đích vốn vượt quá các giới hạn hữu hình của sự sống tử sinh này. Do đó, đức tin nhất thiết nói lên một thái độ đối với sự chết thể xác. Đối với tín hữu, sự chết đang tới gần là bức màn che dấu mục đích họ đã dấn bước tới. Sự chết không phải là thất bại, cũng không phải là tiêu diệt, hay tối hậu ra xa lạ với Thiên Chúa. Chính nhờ diễn ra nơi một con người mà tâm trí đã tin tưởng hướng về sự thật đời đời của Thiên Chúa, tự biểu lộ như Đấng Cứu Rỗi, nên kinh nghiệm sự chết nay có nghĩa việc vén mở thánh nhan Thiên Chúa. Đức tin được biến thành thị kiến. Đúng là những tội nhẹ hơn chưa được tha thứ hay một hình phạt chưa được đền trả cho các tội đã được tha thứ có thể triển hạn hậu quả trọn vẹn của việc biến đổi sau cùng này cho tới khi sự thanh tẩy hoàn tất; nhưng trong sự chết, nó đã được hoàn tất triệt để và chủ yếu rồi. Nếu linh hồn trong luyện ngục chưa được thấy tận mắt, thì nó cũng không thấy như trong gương mờ. Ánh sáng chói lọi của Thiên Chúa đã bắt đầu rõi chiếu trên nó một cách không thể lầm lẫn được nữa, và lời hứa sự rạng sáng sắp đến đã thể hiện trong cảm nghiệm, dù chưa có chứng cớ bề ngoài. Cũng có thể nói một điều như thế về đức cậy, đức mến và các bí tích. 


Đức cậy là sinh hoạt đang phát triển của đời sống siêu nhiên. Ở đây, con người, vì bị thách thức bởi các khó khăn và sự yếu đuối bên trong của họ, nên phải luôn dựa vào sự tốt lành, quyền lực và sự khôn ngoan lớn lao hơn của Thiên Chúa. Sự dựa vào này, lúc gặp thử thách, liên tục kéo họ tới gần Thiên Chúa hơn và làm cho sự sống thần linh nở rộ mạnh mẽ và tinh trong hơn. Nhưng tất cả các gian nan mà con người phải chịu và mọi sự yếu đuối bên trong mà họ cảm thấy ở trong đời đều tập trung trong biến cố chết thể xác. Không có đức cậy, con người chỉ có thể kinh qua sự chết trong vô vọng; không có trung điểm. Đối với những người mà trọn tín thác và sức mạnh của họ đều ở nơi Thiên Chúa, thì sự chết sẽ biến đổi sự tin tưởng chắc chắn của đức cậy thành niềm vui chiếm hữu. 

Sau cùng, đức mến là sinh hoạt hoàn hảo, chín mùi của đời sống siêu nhiên. Ở đây, con người đáp trả sáng kiến đầy yêu thương của Thiên Chúa bằng một hành vi tự hiến trọn vẹn và đồng hóa xúc cảm. Họ không còn sống cho họ nữa mà là sống cho Thiên Chúa, và cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Diễn trình từ bỏ mình để qua đó, con người cố gắng yêu Thiên Chúa với hết tâm, trí, sức lực và ý chí họ sẽ đạt tới chỗ hoàn toàn thể hiện trong biến cố chết thể xác hoàn toàn từ bỏ mình này. Đối với người biết yêu thương, giây phút tan rã này là giây phút hoàn thành tối hậu, trong đó, cùng với Chúa Kitô, họ phó linh hồn họ trong tay Thiên Chúa, Cha của Người.

Sự chết: việc hoàn tất các bí tích

Chính nhờ các bí tích mà con người bước một cách thấu đáo nhất vào quyền lực biến đổi của cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Trong mỗi bí tích (ngoại trừ bí tích truyền chức thánh và bí tích hôn phối như đã nói trên đây), điều đã khởi sự khi lãnh nhận bí tích sẽ được hoàn hảo hóa trong kinh nghiệm chết của người Kitô hữu. Phép Rửa là một cuộc tái sinh siêu nhiên; nó là bước quá độ từ chết qua sống nhờ được mai táng và trỗi dậy với Chúa Kitô. Mầu nhiệm vượt qua, một mầu nhiệm được hoàn tất nơi Chúa Kitô, được áp dụng cho con cháu Ađam vốn bị nguyên tội nhiễm độc; nó chuyên chở họ từ bóng tối vào vương quốc Con yêu qúy của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần được ban cho họ như lời đoan hứa, một khởi đầu thực sự của sự sống đời đời sắp tới. Đây là khởi đầu của cuộc hành trình mà đích điểm sẽ đạt tới qua kinh nghiệm sự chết. Việc con người được tích nhập vào sự chết của Chúa Kitô qua Phép Rửa là một chuẩn bị cho sự chết của chính họ qua đó sự tích nhập kia trở thành hoàn hảo và lâu dài. 

Thêm Sức là bí tích của việc trưởng thành Kitô Giáo. Thần Khí Chúa Kitô được ban cho không như ban cho một đứa trẻ mà như ban cho một thành viên đã trưởng thành của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Qua hồng ân này của Chúa sống lại, người Kitô hữu được lên sức mạnh để làm chứng bằng lời và việc làm cho thực tại hiện thời của vương quốc Chúa Kitô trong trần gian. Nhưng không ở nơi nào việc làm chứng này trọn vẹn bằng trong sự chết. Vì lý do này, những ai chịu chết vì lòng trung thành với Chúa Kitô được gọi là các vị tử đạo, mà nguyên ngữ Hy Lạp chỉ có nghĩa là nhân chứng, nhân chứng ngoại hạng. Nhưng, cũng như các vị tử đạo từng làm một cách đáng thán phục khi chịu mất mọi sự vì Chúa Kitô, cùng một việc làm chứng như thế đã được thực hiện, không kém trung thực tuy tầm thường hơn, trong việc hàng ngày sống thực đời sống Kitô hữu, và nhất là, trong việc tin tưởng chấp nhận sự chết ở cuối đường đời. Cuối cùng, mọi Kitô hữu chết trong Chúa Kitô đều đã hiến mạng sống mình cho đức tin; và sứ mệnh được trao phó cho họ lúc chịu Thêm Sức, nhờ đó, đã được hoàn thành một cách hoàn hảo. 

Việc cử hành Thánh Thể trong Thánh Lễ là thực tại của hành vi hiến tế chết và sống lại của Chúa Kitô được làm cho hiện diện và có tác dụng nơi con người, giúp họ hàng ngày biết liên kết mọi chuyển vần của cuộc sống họ với các chuyển vần của sự sống Người. Việc lãnh nhận Thánh Thể lúc Hiệp Lễ là tham dự vào sự sống của Lễ Vật hiển vinh, làm cho con người được cư ngụ nơi Người và Người cư ngụ nơi họ và hướng dẫn bản chất tử sinh của họ tới vinh thắng phục sinh tương lai. Như thế, qua Phép Thánh Thể, con người vừa liên tục đổi mới việc dâng hiến đời họ cho Thiên Chúa trong sự kết hợp với Chúa Kitô vừa được nuôi dưỡng bằng nhân tính hiển vinh của Người để hàng ngày sống thực việc dâng hiến này. Trong kinh nghiệm chết thực của họ, việc dâng hiến này, cuối cùng, đã hoàn toàn đạt được. Vì lý do này, trong truyền thống Giáo Hội, hơn bất cứ bí tích nào khác, Phép Thánh Thể là bí tích của người hấp hối. Của ăn đàng, theo truyền thống, vốn là lương thực của cuộc hành trình xuyên qua sự chết mà vào cuộc sống trường sinh trong tinh thần vâng phục và yêu thương đầy thờ lạy. 

Mặc dù lòng đạo bình dân từ thời Trung Cổ coi Phép Xức Dầu Bệnh Nhân là bí tích đặc biệt của người hấp hối, nhưng trong quan niệm lâu dài hơn của truyền thống Kitô Giáo, phạm vi của nó rộng hơn thế, cho dù người ta tập chú vào ý nghĩa đặc biệt của nó trong giờ chết. Bệnh tật là bằng chứng cho thấy sự thống trị của Satan đối với nhân loại do hậu quả của Sự Sa Ngã. Tân Ước phản ảnh quan điểm này, nhất là trong việc thuật lại các phép lạ chữa bệnh của Chúa Kitô. Theo đó, bệnh tật, nhất là bệnh nặng, có thể là thời gian thử thách lớn lao về thiêng liêng, khi các lực lượng của sự dữ hành động trên con người trong tình huống suy yếu, khiến họ ra uể oải trong việc thực hành yêu thương, chỉ chú ý đến mình và đòi hỏi khắt khe, lo lắng và mất tin tưởng vào tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho họ. Trong thời điểm đặc biệt cần thiết này, Chúa Kitô đến với họ trong Phép Xức Dầu Bệnh Nhân để nâng tâm hồn họ lên và tăng sức cho họ. Như thế, rõ ràng là cơn bệnh sau cùng của họ là thời gian thử thách đặc biệt. Các Giáo Phụ và Công Đồng Trent dạy rằng giờ chết là giờ con người tranh đấu lớn lao lần cuối với ma qủy. Nếu Kitô hữu nào từng sống một cuộc sống trung thành sùng kính Thiên Chúa, Sa tan sẽ ráng lôi kéo họ ra khỏi lòng sùng kính này. Nếu họ từng sống một cuộc sống tắc trách và tội lỗi, ma qủy sẽ cố gắng củng cố họ trong việc ra xa lạ với Thiên Chúa bằng cách cám dỗ họ ngã lòng và làm lòng kiêu căng của họ ra chai đá thêm. Trong giờ phút này, Chúa Kitô đến với họ để trang bị cho họ trong cuộc chiến đấu này và khuyến khích họ qua Phép Xức Dầu Bệnh Nhân. Sự chết, do đó, trở thành giây phút bác bỏ tối hậu và đầy chiến thắng mọi quyền lực của Satan đối với con người. 

Thống Hối, bí tích tha các tội phạm sau Phép Rửa, được Chúa Kitô ban cho Giáo Hội vào ngày Người sống lại từ cõi chết. Nhờ nó, các Kitô hữu lấy lại được sự sống họ đã đánh mất vì các tội trọng bản thân phạm sau khi được tái sinh trong Chúa Kitô. Bí Tích Thống Hối có chức năng đặc biệt là làm cho hữu hiệu trước mặt Thiên Chúa cả sự buồn sầu vì tội lỗi mình của người Kitô Hữu lẫn các việc họ làm trong sự kết hợp với Chúa Kitô để đền bù cho các tội lỗi này. Vì các hậu quả của nó kéo dài trong đời sống hàng ngày của Kitô hữu, bí tích này không những che chở họ khỏi các tội tương lai mà còn biến đổi các đau khổ và việc làm trong đời thành sức mạnh canh tân thực sự, đền bù được sự hỗn loạn và vi phạm của tội lỗi bản thân. Điều này làm cho chính sự chết trở thành việc đền bù và đền tội cho các tội lỗi quá khứ. Thực vậy, cái chết được hoàn toàn chấp nhận trong kết hợp với Chúa Kitô có thể biến sự chết của Người ở trong mình thành của mình nhờ Phép Thống Hối. Điều này sẽ hoàn tất việc rửa sạch tội lỗi và làm cho luyện ngục không còn cần thiết. Mọi thứ tình yêu mình và dính bén vô trật tự sẽ biến mất, và tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa sẽ sản sinh ra hậu quả đầy đủ của nó trong hồng ân tức khắc là hưởng phúc sáng lạn. Việc hoàn toàn chấp nhận sự chết trong tinh thần thống hối, chủ yếu, không phải là việc làm của con người, mà là việc làm của Thiên Chúa nơi con người, sản sinh ra qua Bí Tích Thống Hối, được thực sự lãnh nhận hay trong ước muốn thành thực được lãnh nhận nhiệm cục tha thứ và thanh luyện này của Người. 

Sau cùng, mặc dù các bí tích ơn gọi, tức Hôn Phối và Truyền Chức Thánh, xem ra không sản sinh ra hậu quả trực tiếp trong sự chết, tuy nhiên, việc cam kết với Thiên Chúa sống cuộc sống phục vụ trong Giáo Hội mà các bí tích này thánh hiến đã được sự chết của người Kitô hữu đem đến kết thúc và được tiếp nối bằng một quan tâm phổ quát hơn đối với toàn bộ hiệp thông các thánh. 

Sự chết: Việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa

Sự chết của người tội lỗi là một nối dài của đế quốc Satan thế nào, thì sự chết của người Kitô hữu là một bước tiến tới việc xuất hiện phổ quát của Nước Thiên Chúa như thế. Qua cái chết trong sự kết hợp với Chúa Kitô này, một phạm vi của sáng thế đã vĩnh viễn được cứu vớt khỏi quyền lực sự dữ và sẵn sàng được nhập vào nước cánh chung của tình yêu Thiên Chúa. Đối với chính cá nhân, sự sống đời đời đã dứt khoát bắt đầu. Việc được lồng vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô trong thời kỳ trước đó chỉ có tính phôi thai. Thần Khí được lãnh nhận và chiếm hữu lời đoan hứa cuộc sống vĩnh cửu như các hoa trái đầu tiên. Theo quan điểm con người, tất cả các điều này đều mỏng manh và tạm thời. Nhưng giờ đây, sự chết đã làm cho việc lồng vào này trở thành dứt khoát; Chúa Thánh Thần được chiếm hữu một cách không thể nào còn mất được nữa. 

Ngoài ra, biến cố này vượt quá phạm vi cá nhân, đụng tới việc thể hiện tối hậu, toàn diện, và không thể thất bại sự khôn ngoan, quyền lực, và tình yêu Thiên Chúa trong thành thánh các người được chúc phúc, tức vương quốc đời đời của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi ta. Từng viên một, các viên đá sống động của Giêrusalem thiên giới, được chuẩn bị sẵn sàng cho tới ngày tận cùng và Chúa Con sẽ dâng nước này lên Chúa Cha. 

Cũng vì lý do trên, việc chia lìa do cái chết đem lại không toàn diện và tuyệt đối như người ta tưởng. Đã đành, ngay trong trường hợp Kitô hữu, sự chết vẫn phá hủy mọi mối liên hệ quen thuộc với người khác. Nhưng đây không hề muốn nói: sự cô lập khủng khiếp này là một hình phạt tội lỗi. Vì sự chết trong Chúa Kitô không chỉ thâm hậu hóa và củng cố cuộc sống siêu nhiên, mà nó còn thâm hậu hóa và củng cố các mối liên hệ mà Kitô hữu vốn có với mọi người khác ở trong Chúa Kitô. Sự chết của Kitô hữu là khởi đầu của việc kết hợp tối hậu với Chúa Kitô, của sự hiện diện đầy thân mật với Chúa Kitô, nơi Người, mọi người đã trở nên một. Điều này có nghĩa: được kết hợp một cách đầy hiểu biết và yêu thương hỗ tương với mọi người đã chết trong Chúa Kitô. Điều này cũng có nghĩa: được liên hệ mới mẻ trong yêu thương với mọi người mà sự sống vẫn còn đang bị thử thách, mà giây phút cam kết cuối cùng trong sự chết vẫn còn cần được thể hiện. 

Sau cùng, cái chết của Kitô hữu đã được liên kết với sự phục sinh của thân xác. Vì sự tan rã của việc kết hợp thể xác trong yêu thương và vâng lời đã mở cửa cho linh hồn đón nhận sự viên mãn của Thần Khí Chúa Kitô. Chính Thần Khí cư ngụ này, nay đang lên năng lực trọn vẹn cho linh hồn, sẽ ban quyền lực của Người cho cả thân xác phục sinh. Linh hồn được vinh quang biến đổi sẽ là dụng cụ thích đáng để quyền lực Chúa Kitô làm cho thân xác trỗi dậy từ cõi chết. Nó chỉ chờ đợi lời ra lệnh, lời quả quyết rằng công trình của Thiên Chúa đã hoàn tất, cùng đích đã vươn tới, và nước trời đã đến.
Như thế, hiện tượng chết nói lên một cách hữu hình một mặt của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đang được tái tạo trong sự sống của người Kitô hữu. Mặt kia, mặt mà nó có liên hệ nội tại, là việc phục sinh thân xác của người chết, một sự biến đổi được thực hiện bởi việc Chúa Kitô đã làm cho thân xác thấp hèn của con người đồng hình đồng dạng với thân xác vinh hiển của Người nhờ uy quyền Người vốn có trong việc bắt mọi sự phải quy phục Người khi phái Thần Khí ban sự sống tới. 

Kỳ sau: III. Cái hiểu thần học về mầu nhiệm sự chết
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/240078.htm