Ý Niệm Chết trong Thánh Kinh và Thần Học
Vũ Văn An08/Nov/2017
Tháng 11 là tháng các linh hồn. Cũng là tháng để ta suy niệm về sự chết, một sự kiện hãi hùng nhưng chắc chắn sẽ xẩy ra cho mọi người, ít nhất, mọi người phàm phu tục tử như chúng ta.
Dựa vào Tân Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, chúng tôi sẽ trình bầy ít nét căn bản về ý niệm sự chết trong Thánh Kinh, và Thần Học và sau cùng, một vài nét về việc chuẩn bị đón chờ sự chết.
I. Sự Chết trong Thánh Kinh
Vì nhân học của Do Thái xưa hay quan niệm về thành phần cấu tạo ra con người rất khác với quan điểm lưỡng phân (dichotomistic) của người Hy Lạp, một quan điểm mà ngày nay không thiếu người ủng hộ, nên quả là không chính xác khi định nghĩa sự chết trong tư duy Thánh Kinh như là việc linh hồn lìa khỏi thân xác. Muốn hiểu rõ, ta cần tìm hiểu các dữ kiện Thánh Kinh. Thành thử, việc đầu tiên là cần xem xét giáo huấn Thánh Kinh về sự chết trên quan điểm sinh lý học, rồi sau đó trên quan điểm thần học, và sau cùng là các cách dùng từ ngữ này theo lối ẩn dụ.
1. Phương diện sinh lý học
Đối với người Phương Đông cổ thời, sống và chết không phải là các thực thể trừu tượng, mà là hai lãnh vực chống đối nhau. Chết (tiếng Hípri ma¯ wet) không chỉ được cảm nghiệm về không gian như một nơi dành cho người chết mà còn được cảm nghiệm một cách đầy năng động qua các sức mạnh của nó nữa (Hs 13:14). Người Do Thái không suy niệm về sự chết như một diễn trình sinh lý học; mà họ cũng không mô tả sự chết như là việc hồn lìa khỏi xác như người Hy Lạp. Đúng hơn, họ coi sự chết như một việc mất đi sinh lực một cách tối hậu và không được ta ước muốn. Chỉ ở tuổi già, sự chết mới được chấp nhận như một điều tự nhiên (Tv 90:10). Lúc hấp hối được mô tả một cách cụ thể như là sự ra đi của nepesˇ, tức linh hồn hay một sinh lực (St 35.18; 2 Sm 1.9; 1 V 17.21).
Con người mất sinh lực của họ với hơi thở cuối cùng hắt ra (G 11:20; Grm 15:9). Dựa vào quan sát thực nghiệm thấy sự sống được biểu lộ qua hơi thở, nên sự chết của con người hay thú vật đều được mô tả như hơi thở cuối cùng (tiếng Hípri: rûah) của thân xác, như trong các Tv 146:4; 104:29; G 12:10; Gv 8:8; 12:7. Với một quan niệm về sau, máu mới được coi chủ yếu là yếu tố tạo sinh lực. Máu được gọi là trung tâm sự sống; khi máu tuôn ra hết, sự sống cũng hết luôn (Lv 17:11; Đnl 12:23).
Tân Ước cũng mô tả tương tự hiện tượng sinh lý học của sự chết (qßnatoj). Cả ở đây, nguyên lý của sự sống cũng là khí (spirit) hay hơi thở (pneuma) do Thiên Chúa ban (Cv 17:25). Chết là thở ra hết thứ khí này (Mt 27:50; Lc 23:46: Ga 19:30) hay linh hồn (fucø; xem Ga 10:11; 15:17; 13:37). Không có thứ khí này, thân xác sẽ chết (Gcb 2:26); khi người chết sống lại, khí này sẽ trở lại (Lc 8:55).
2. Phương diện thần học
Trong Cựu Ước và trong Tân Ước, có một sự liên tục về giáo huấn sự chết. Vì trong cả hai, sự chết được coi như hậu quả tối hậu của tội lỗi. Thế nhưng, trong Tân Ước, vì Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và vương quốc ma qủy và do sự đồng hình đồng dạng của Kitô Hữu với cái chết và sự phục sinh của Người, nên sự chết đã mang một ý nghĩa mới, ít khủng khiếp hơn.
Trong Cựu Ước. Vì bạo lực của sự chết là một sự xấu khủng khiếp, nên con người tự nhiên nối kết nguồn gốc của nó với việc vi phạm nguyên thủy và hình phạt do đó mà ra. Chứ nó không hề có trong ý hoàn toàn tốt lành của Thiên Chúa, Đấng vốn muốn cho con người được sống (St 2:9; 3:22); chỉ vì vi phạm lề luật Thiên Chúa, nên con người mới chết (St 2:17; 3:3; xem thêm Rm 5:12-21). Chết là một tất yếu không thể tránh khỏi, thế nhưng những ai chết “sau một cuộc sống mãn nguyện” (St 25:8) hay “lúc tuổi già hạnh phúc” (St 15:15; Tl 8:32) đều được ca ngợi.
Đối với người Do Thái, sự chết không những tác động trên thân xác, mà nó còn đánh dấu việc kết thúc các sinh hoạt tôn giáo. Khó định nghĩa được mối tương quan của Thiên Chúa với Sheol (âm ty hay âm phủ, hay nơi ở của người chết) (xem Is 38:11). Nó tùy thuộc quyền lực vô biên của Người (Am 9:2; Is 7:11; Tv 139:8; G 26:6), nhưng xem ra Người không hề quan tâm tới người chết (Tv 88:6). Cũng thế, sau khi chết, con người bị cho là không thuộc về Giavê hay các kỳ công của Người nữa (Tv 6:6; 88:13). Họ không còn ca ngợi sự tốt lành và lòng trung tín của Thiên Chúa nữa (Tv 30:10; 88:12; 115:17; Is 38:18), hay không còn vinh danh Chúa hay ca tụng sự chính trực của Người nữa (Br 2:17). Đây là nhận định dứt khoát nhất và cũng tan nát cõi lòng nhất về người chết trong Cựu Ước. Nó tất nhiên tạo ra nỗi kinh hoàng đối với sự chết, một nỗi kinh hoàng chỉ được làm nhẹ bớt phần nào nhờ cuộc sống trường thọ, được coi như bằng chứng cụ thể nhất của ơn huệ Thiên Chúa. Đến mãi sau này, Do Thái Giáo mới có một ý niệm khải huyền về thế giới, và ý niệm này dọn đường cho sự thay đổi dứt khoát về thái độ đối với sự chết trong Tân Ước. Từ đó trở đi, người ta mới tin rằng Thiên Chúa chiến thắng sự chết, ít nhất, cho một phần nào đó của nhân loại, qua việc phục sinh có tính cứu rỗi cánh chung và qua việc khai mở một thời đại mới.
Trong Cựu Ước, sự chết được coi như đỉnh điểm mọi đau khổ và sầu buồn, một sự ra xa lạ tối hậu với Thiên Chúa, phát khởi từ cơn giận của Thiên Chúa và bị khiêu khích bởi tội nguyên tổ và tội bản thân (Cn 2:18; 7:27; 21:16; 22:23; Is 5:14). Cuộc sống trường thọ được coi là phần thưởng cho nhân đức và lòng trung thành giữ lề luật Thiên Chúa (Đnl 30:15-20; 32:47; Br 3:14). Khi phạm tội, người Do Thái mang cái chết yểu đến cho họ (Tv 55:24; G 15:32; 22:16). Nhờ thực hành nhân đức, các việc làm tốt lành, và bố thí, con người có thể đền bù tội lỗi mình và nhờ thế cứu mình khỏi chết sớm (Cn 10:2; 11:4; Tb 4:11; 12:9). Tuy nhiên Kn 4:7-20 cho ta thấy không nên tổng quát hóa học lý này; điều này phản ảnh một thái độ trưởng thành hơn đối với vấn đề thưởng phạt. Trong Tân Ước. Quan tâm nổi bật trong Tân Ước không phải là sự chết, mà là sự sống trong Chúa Kitô. Cốt lõi của sơ truyền tông đồ là: sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đem lại ơn cứu rỗi cho mọi người và bảo đảm sự phục sinh của họ. Chúa Kitô “đã tiêu diệt sự chết” (2Tm 1:10) bằng cách chính Người chịu chết và đền thay tội lỗi chúng ta. Bằng sự chết của Người, Người tiêu diệt kẻ nắm giữ đế quốc sự chết, đó là ma qủy (Dt 2:14-15). Sự chết nay không còn sức lực hữu hiệu nào nữa đối với người được cứu chuộc. Sau cùng, nói theo ngôn từ khải huyền, sự chết sẽ “bị ném vào lò lửa” (Kh 20:14), và nhờ chiến thắng của Chúa Kitô, “sự chết không còn nữa” (Kh 21:4).3. Theo nghĩa ẩn dụĐôi khi, sự chết không hẳn chỉ việc hồn lìa khỏi xác, cho bằng việc mất đi những điều vốn tạo ra hạnh phúc đích thực cho con người ở đời này cũng như ở đời sau. Thí dụ, tội lỗi làm con người mất tình thân hữu của Thiên Chúa và đem đến sự chết (Cn 11:19). Ngoài ra, những con đường lắt léo của dối trá và các thói hư khác cũng dẫn tới sự chết (Cn 12:28; 14:12; 16:25; Kn 1:12). Trong Tân Ước, chữ chết thường năng được dùng để chỉ sự chết đời đời nghĩa là trầm luân, hậu quả của bất tín và tội lỗi (Ga 5:24; 8:51; Rm 7:9-11; Gcb 1:15; 1Ga 3:14; 5:16); Sách Khải Huyền sử dụng kiểu nói “cái chết thứ hai” để chỉ việc này (2:11; 20:6, 14; 21:8). Cái chết thiêng liêng sẽ được vượt qua nhờ sự phục sinh thiêng liêng nghĩa là nhờ ăn năn và hồi tâm (Cv 11:18). Sau cùng, chữ chết được Thánh Phaolô dùng theo nghĩa bóng để chỉ việc từ tình trạng tội lỗi bước qua tình trạng ơn thánh nhờ Phép Rửa: người tin “chết” cho tội lỗi (Rm 6:2-11; 1Pr 2:24), họ được chôn cất với Chúa Kitô (Rm 6:4, 8), để sống lại với Chúa Kitô trong cuộc sống mới nơi Thiên Chúa (Rm 6:5; Cl 3:1-4). Thánh Gioan cũng mô tả việc công chính hóa con người như là bước chuyển tiếp từ chết qua sống (1Ga 3:14). Ai chiếm hữu Chúa Con, nghĩa là kết hợp với Người trong đức tin và đức mến, đều được hưởng sự sống thiêng liêng mới mẻ làm con nuôi Thiên Chúa, một việc sau cùng được nên trọn trong vinh quang thiên quốc.
Kỳ sau: II. Sự Chết trong Thần Học
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/240012.htm