Chủ Nhật XXXI- A: MI l,14b- 2.2b.8-10 : 1 Tx 2.7b-9.13 : Mt
23.1-12.
YÊU THƯƠNG TRONG PHỤC VỤ VÀ THA THỨ
Bài Ðọc I: Ml 1, 14b - 2, 2b. 8-10
Chúa các đạo binh phán rằng: Ta là Vua
cao cả, và danh Ta đáng kính sợ trong các dân tộc. [Ta sẽ làm cho các ngươi phải
túng thiếu.]
{Và bây giờ, trên các ngươi có án lệnh
này, hỡi các tư tế: Nếu các ngươi không nghe, và nếu các ngươi không lưu tâm mà
tôn vinh danh Ta, Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ phóng (sự) chúc dữ xuống trên
các ngươi; và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi.}
Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho
nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán
như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc,
vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta, và vị nể trong khi thi hành lề
luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải
có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại
khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?
Bài Đọc II: (1 Tx 2.7b-9.13)
Anh em thân mến, chúng tôi đã trở thành
như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế
nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó
cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa:
vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi. Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó
nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng
cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa
anh em. Bởi thế chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời
Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời
của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động
trong anh em là những kẻ đã tin
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 23.1-12.)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng:
"Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ
nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của
họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn
chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho
người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất
trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được
người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được
người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là
anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ
có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người
chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai
quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. "Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ
xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Tâm tình chia sẻ:
Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ
thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người
chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?
Không chỉ có Lời Chúa trong bài đọc thứ
nhất hôm nay chất vấn chúng ta. Mà cả trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc
nhở chúng ta rằng: chúng ta có một Người Cha ở trên trời. Điều này nói lên điều
gì? Điều này có liên quan gì đến những suy tư và cách sống của chúng ta hôm nay
không?
Chúng ta bắt đầu sống trong tháng 11 — tháng
các đẳng linh hồn với hai ngày lễ: Lễ các thánh và lễ các đẳng
linh hồn. Chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Chúng
ta tin các thánh là những vị khi còn ở dương thế đã sống tốt mối tương quan với Chúa là Cha nhân từ ở trên trời và có mối
tương quan tốt với tha nhân; vì thế tuy thân xác các ngài chịu hủy hoại, nhưng
linh hồn các ngài đang được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Các ngài là ai
vậy? Sách Khải huyền mô tả cuộc khải hoàn trên thiên quốc như sau: „Sau đó, tôi
thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi
chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình
mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế … Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?
Họ từ đâu đến? … Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn
lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.“ (Kh 7,9.13- 14).
Đó là cha ông chúng ta; là những người
thân yêu đã ra đi trước chúng ta; các ngài đã tin Chúa là Cha nhân từ và đã yêu thương gia đình con cháu cũng như cư xử tốt với mọi
người; vì thế đã được mời gọi: Hãy vào hưởng hạnh phúc của Cha các ngươi. (x. Mt 25) Đồng thời, trong số những người thân đã
ra đi trước, cũng có những linh hồn đang được thanh luyện trong luyện ngục, chờ
ngày được diện kiến nhan thánh Chúa.
Phần chúng ta là những khách lữ hành
đang tiến bước về nhà Cha. Chúng ta hạnh phúc vì được làm con Cha nhân lành
trên trời và được mời gọi cư xử với nhau như là anh em. (x. Mt 23, 8f.)
Thế nhưng để cư xử với nhau như là anh em
không phải luôn luôn dễ dàng. Đã hơn một lần chúng ta biện luận rằng: chúng ta
đã phải chịu sỉ nhục, bị bỏ rơi, bị xem thường vv… làm sao chúng ta có thể đối
xử tốt với những người hãm hại chúng ta được. Nếu vậy chúng ta cần xem lại gương sáng của Cố Hồng Y
Đáng kính Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận.
Ngài viết trong tác phẩm Đường Hy Vọng rằng: „Nếu con hiểu biết hạnh phúc được
làm con Chúa thì những điều sỉ nhục không thấm gì với con và những lời hoan hô
cũng chẳng thêm gì cho con.“ (ĐHV 506)
Chúa Giêsu không dạy điều gì mà Người
không làm trước. Khi dạy chúng ta hãy yêu thương và tha thứ cho nhau, thì chính
Người đã tha thứ cho những người hành hạ mình như Thánh sử Luca tường thuật: „Lạy
Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.“ (Luca 23,34) Thật Người xứng đáng khi mời gọi chúng
ta học với Người cách cư xử với tha nhân và có tâm tình tin yêu Chúa Cha: „Hãy thụ
giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và các ngươi sẽ tìm thấy
sự nghỉ ngơi cho tâm hồn“ (Mt 11,29). Thật vậy, vì yêu thương Người đã vâng lời
cho đến chết, mặc dù Người là Thiên Chúa như thánh thi Philiphê mô tả: „Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại
còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.“
(Pl 2,6-8)
Đan Sĩ Lm Guerricus