Trang chủ

Montag, Juli 25, 2016


Từ ngữ “Lạy Cha” là bí quyết của kinh nguyện Chúa Giêsu

Bùi Hữu Thư7/24/2016
Rôma: ngày 24 tháng 7, 2016

Anh chị em thân mến,

Phúc Âm hôm nay khởi đầu với cảnh Chúa Giê-su cầu nguyện một mình tại một nơi riêng biệt. Khi Người cầu nguyện xong các môn đệ xin Người, “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện.” Và Người đã đáp lời, “Khi anh em cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha…”


Từ ngữ “Lạy Cha” là bí quyết của kinh nguyện của Chúa Giê-su; đó là bí quyết Người truyền lại cho chúng ta để chúng ta có thể bước vào mối tương quan đối thoại mật thiết với Chúa Cha là Đấng đã đồng hành và nâng đỡ đời sống của Người.

Với từ ngữ “Lạy Cha”, Chúa Giê-su gắn liền với hai điều thỉnh nguyện: xin cho “danh Cha cả sáng; nước Cha trị đến.” Do đó kinh nguyện của Chúa Giê-su là một kinh cho các Ki-tô hữu, trước hết dành chỗ cho Thiên Chúa, để cho Người thể hiện sự lành thánh trong chúng ta và để cho thiên quốc được phát triển qua sự hiện thực của tình yêu của Người trong đời sống chúng ta.

Ba lời thỉnh cầu khác hoàn tất kinh Chúa GIê-su dạy chúng ta. Đây là ba điều bầy tỏ các nhu cầu căn bản của chúng ta: cơm bánh, sự tha thứ và giúp tránh các chước cám dỗ. Con người không thể sống không cơm bánh, không có sự tha thứ, và không có sự trợ giúp của Thiên Chúa để tránh các chước cám dỗ.

Cơm bánh Chúa Giê-su muốn chúng ta xin là điều cần thiết. Đó là bánh của các khách hành hương, của người công chính, bánh không tích luỹ và không dư thừa để bị vứt bỏ, và không làm cho hành trang chúng ta nặng chĩu trên đường.

Tha thứ trên hết là những gì chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa: Chỉ khi ý thức được mình là kẻ tội lỗi được tha thứ bởi lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa thì mình mới có thể có khả năng làm các cử chỉ giảng hòa với anh em.

Nếu có ai không ý thức rằng mình là kẻ tội lỗi được tha thứ, thì không bao giờ có thể làm một cử chỉ tha thứ hay giảng hòa. Các cử chỉ này bắt đầu từ trong tim nơi chúng ta cảm thấy chúng ta là những kẻ tội lỗi được tha thứ.

Điều cầu xin cuối cùng – xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ - bầy tỏ một sự ý thức về tình trạng của chúng ta, luôn luôn bị sự dữ và sự tham nhũng quấy nhiễu.Tất cả chúng ta đều biết rõ về các cám dỗ này!

Giáo huấn của Chúa Giê-su tiếp tục với hai dụ ngôn, trong đó Chúa dùng gương sang của thái độ một người bạn đối với bạn hữu mình, và của một người cha đối với người con.

Cả hai dụ ngôn nhắm dạy chúng ta phải hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa là Cha. Chúa Cha biết rõ các nhu cầu của chúng ta, nhưng Chúa muốn chúng ta can đảm và liên lỉ trình bầy với Người, vì đây là đường lối chúng ta tham dự vào công trình cứu chuộc của Người..

Cầu nguyện là “công cụ” trước hết và chính yếu chúng ta có trong tay. Năn nỉ [một điều gì] với Chúa không phải là để thuyết phục Người, nhưng là để tăng cường đức tin và lòng kiên nhẫn của chúng ta, nghĩa là khả năng chúng ta có thể tranh đấu bên cạnh Chúa về những gì thật sự quan trọng và cần thiết. Trong việc cầu nguyện chúng ta có song đôi: Thiên Chúa và tôi, cùng tranh đấu cho những gì quan trọng.

Trong số những điều này, có một điều quan trọng nhất, Chúa Giê-su dạy chúng ta trong Phúc Âm hôm nay, mà chúng ta ít khi nghĩ đến, và đó là Chúa Thánh Thần.

“Xin ban Thánh Thần cho con!”

Và Chúa Giê-su nói, “Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người". 

Thánh Thần! Chúng ta cần phải xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Nhưng tại sao lại cần đến Chúa Thánh Thần? Để sống tốt lành, với sự khôn ngoan, với tình yêu, và thi hành Thánh Ý Chúa.

Kinh cầu này sẽ tốt đẹp biết bao nếu mỗi người trong chúng ta trong tuần lễ này sẽ biết cầu xin, “Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho con.”

Đức Nữ Đồng Trinh Maria đã bầy tỏ điều này cho chúng ta qua đòi sống của Mẹ, vì Mẹ đã được Chúa Thánh Thần linh ứng. Mẹ giúp chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, xin Mẹ giúp chúng ta kết hiệp với Chúa Giê-suu để chúng ta không sống theo cách trần tế, nhưng theo Phúc Âm, và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/188131.htm