Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (21)
Vũ Văn An7/8/2016VI. Phúc thay ai có lòng thương xót (tiếp theo)
2. “Tha thứ cho nhau” và giới răn yêu thương kẻ thù
Lệnh truyền yêu thương người lân cận của Chúa Giêsu không những chỉ có tính trung tâm, nó còn triệt để nữa, triệt để đến nỗi có thể làm bạn hết hơi. Trong các phản đề của Bài Giảng trên Núi, cùng với mệnh lệnh phải chính trực hoàn hảo hơn nữa (Mt 5:20), Chúa Giêsu vượt quá không những truyền thống Do Thái, mà còn vượt quá mọi biện pháp của con người nói chung. Điều này rõ nhất trong lệnh truyền từ bỏ bạo lực: “Đừng chống cự kẻ làm điều ác”. Theo cách này, Người bác bỏ điều vẫn gọi là ius talionis (quyền trả đũa), tức qui luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24) và thiết lập ra một qui luật khác thay thế: “Nhưng nếu ai vả má phải của anh em, anh em hãy chìa má kia cho họ…” (Mt 5:38-42; xem Lc 6:29tt). Điều này vượt xa sức con người bình thường. Nó đòi ta một sự hào phóng nhân bản và Kitô Giáo và sự tự chế biết phá bỏ hết mọi vòng sự ác và cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và phản bạo lực, bằng cách thiết lập hòa bình thay thế cho chúng.
Đối với Chúa Giêsu, tuyệt đỉnh và biểu thức cao nhất của lòng thương xót và của tình yêu vốn được đòi hỏi trong Bài Giàng trên Núi chính là lệnh truyền yêu thương kẻ thù của ta: “Anh em hãy yêu thương các kẻ thù của anh em và cầu nguyện cho những người bách hại anh em”. Chúa Giêsu thiết lập lệnh truyền tột cùng này, tột cùng theo tầm nhìn hoàn toàn nhân bản, dựa trên tác phong tột cùng của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi. Người phán: “Để các con có thể trở thành con cái của Cha các con ở trên trời;… Do đó, các con hãy hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:43-48; xem Lc 6:27-29, 32-36). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu xin Thiên Chúa tha nợ chúng ta như chúng ta tha cho những người mắc nợ chúng ta (Mt 6:12; Lc 11:4). Chúa Giêsu nói thêm rằng ta nên tha thứ không phải một lần, cũng không phải bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy (Mt 18:21-22) có nghĩa là vô kể lần. Chúa Giêsu minh họa lệnh truyền này trong dụ ngôn người đầy tớ không chịu tha thứ (Mt 18:23-35). Chính Chúa Giêsu đã tha thứ khi Người đang hấp hối trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ đang làm” (Lc 23:34). Phó tế và là vị tử đạo đầu tiên, Thánh Stêphanô, đã nói lên cùng một lời van xin như thế khi ngài bị ném đá và đang hấp hối (Cv 7:60).
Trong thế giới cổ thời, tha thứ, theo nghĩa ân xá, được coi là nhân đức của vua chúa. Nó là một hành vi hào hiệp vốn giả thiết quyền tối thượng. Thực vậy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ. “Ai có thể tha tội được nếu không phải một mình Thiên Chúa?” (Lc 5:21). Cho nên, tha thứ chỉ có thể có trong quyền lực và với sự thúc đẩy của hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô (Rm 3:25tt). Nó chỉ có thể có dưới ánh sáng lời quả quyết rằng Thiên Chúa đã giao hòa chúng ta với Người trong khi chúng ta vẫn còn đang thù nghịch với Người (Rm 5:10). Theo khuôn mẫu tác phong của Thiên Chúa, cả ta nữa cũng phải có lòng thương xót: “(Xin Cha) tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chung con” (Mt 6:12; Lc 11:4).
Như thế, tha thứ cũng là điều cần thiết. Bởi thế, “[Hãy tha thứ] cho nhau, như Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã tha thứ cho anh em” (Ep 4:32). “Như Chúa đã tha thứ cho anh em thế nào, anh em cũng phải tha thứ như vậy” (Cl 3:13).
Điều rõ ràng là: xét về phương diện nhân bản, yêu kẻ thù của mình có lẽ là lệnh truyền khó khăn hơn cả của Chúa Giêsu, ấy thế nhưng, đồng thời, nó là một trong những giới răn trung tâm nhất của Kitô Giáo. Nó bắt nguồn trong yếu tính thâm sâu nhất của mầu nhiệm Kitô Giáo và, do đó, tượng trưng cho đặc điềm chuyên biệt của tác phong Kitô Giáo (19). Các giáo phụ tin rằng giới răn này là một yếu tính thuộc riêng Kitô Giáo và là một điều mới mẻ đối với cả Cựu Ước lẫn triết lý ngoại giáo (20). Thư thứ hai của Thánh Clêmentê viết thế này: "bất cứ ai không yêu người ghét mình thì không phải là Kitô hữu” (21). Tertulianô gọi tình yêu kẻ thù của mình là “lề luật nền tảng” (22); đối với Thánh Chrysostom, nó là sự thuyết minh cao nhất của nhân đức (23).
Dĩ nhiên, các giáo phụ cũng biết tới các khó khăn trong việc thể hiện cụ thể giới răn này khi giáp mặt với các phức tạp và cơ cấu tội lỗi trên thế giới. Để đạt tới một giải pháp, các ngài đã khai triển một thứ đạo đức học hai bậc. Theo Thánh Ambrôsiô, lấy ác báo ác không phải là một nghĩa vụ; nhưng lấy thiện báo ác mới là sự hoàn thiện (24). Theo Thánh Augustinô, hình thức bố thí cao nhất là tha thứ những ai xử tệ với chúng ta.
Đã đành, ngài hiện thực đủ để biết rằng đại đa số người ta không có được nhân đức này vì nó vốn là một hồng ân cho các con cái hoàn hảo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, mọi tín hữu phải cố gắng theo đuổi nhân đức này, và cầu xin cho có nó. Ít nhất, tín hữu cũng nên tha thứ cho những người xin họ tha thứ. Trong trường hợp này, bất cứ ai không tha thứ đều sẽ không được Cha trên trời tha thứ (Mt 6:15). Thánh Augustinô nói tới điều này với một lời cảnh cáo đáng sợ: bất cứ ai không chịu thức tỉnh đối với lời kêu gọi này, họ không phải chỉ đang thiếp ngủ, mà thực sự đã chết rồi (25). Một chủ trương tương tự như thế nhưng được đặt thang bậc cũng đã tìm thấy nơi Thánh Tôma Aquinô: điều cần thiết đối với tình yêu là phải chuẩn bị tâm hồn để khi cần, phải yêu kẻ thù của mình, trong một trường hợp cụ thể, nhưng, mặt khác, hành động yêu kẻ thù của mình, độc lập với bất cứ sự cần thiết nào, mà chỉ vì lòng yêu mến Thiên Chúa, thì không cần thiết để được cứu rỗi. Trong trường hợp này, yêu kẻ thù không thuộc sự cần thiết mà thuộc sự hoàn thiện của tình yêu (26). Dù người ta có thể nhìn thấy tính hiện thực Kitô Giáo trong các cố gắng vừa kể nhằm làm dịu hay giảm nhẹ độ khắc nghiệt của lệnh truyền phải yêu kẻ thù, ta cũng vẫn không nên quá dễ dãi trong việc coi nhẹ lệnh truyền này. Đối với các giáo phụ này, việc thể hiện trọn vẹn tình yêu đối với kẻ thù không còn là một tập chú như đối với Chúa Giêsu nữa. Đúng hơn, nó áp dụng vào những hoàn cảnh hạn chế, hay là mục đích tối hậu của việc thực hành đức tin Kitô Giáo (27). Yêu kẻ thù lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh, không thể giới hạn tình yêu kẻ thù vào đòi hỏi phải thắng các cảm xúc thù hận có tính bản thân, do đó, giới hạn tình yêu kẻ thù vào thiên hướng cá nhân. Chúa Giêsu muốn hành vi cụ thể (28).
Không những các cá nhân Kitô hữu, và không những các quốc gia, nhưng cả Giáo Hội cũng phải vật lộn với việc thể hiện tình yêu đối với kẻ thù. Vì Kitô Giáo đã hành xử ra sao trong trường hợp bách hại người Do Thái và các người lạc giáo, thời thập tự chinh và thời chiến tranh tôn giáo? Giáo Hội đã đối xử thế nào với những người đối nghịch với mình trong các cuộc bút chiến và tranh cãi, mà thường vốn không được khách quan và công bình? Và biết bao bài giảng về chiến tranh cũng đã để lại nhiều ấn tượng rùng rợn. Cho nên, không những các cá nhân Kitô hữu mà chính Giáo Hội đôi khi cũng không tuân theo lệnh truyền yêu thương kẻ thù. Ở đây cũng thế, lý tưởng và thực tế thường cách xa nhau.
Các câu hỏi được nêu lên không phải chỉ liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình, mà còn liên quan đến người hàng xóm không thân thiện, đến đối thủ nghề nghiệp, và người cạnh tranh trong kinh doanh, chính trường, và các lãnh vực khác của đời sống. Trong các lãnh vực kinh tế và chính trị, không thể tránh các tình thế phải cạnh tranh, trong đó, người ta muốn hạ giá và đem kẻ đối nghịch chính trị và địch thủ kinh doanh đến chỗ phải qui hàng, không về phương diện bản thân, thì chắc chắn về phương diện kinh tế và chính trị. Và trên thế giới, như ta thấy cụ thể hiện nay, người ta buộc phải làm như vậy. Trong các tình huống như thế, người ta không thể trung thực loay hoay đưa ra các thứ phân biệt như ta thấy nơi Thánh Augustinô và Thánh Tôma.
Nhưng, họ có thể hỏi thêm, giới răn yêu thương kẻ thù liệu có thực tiễn không? Há giới răn này không phải là một không tưởng hay sao? Há nó không đòi hỏi người ta quá đáng đó ư? Làm thế nào một bà mẹ có thể yêu thương kẻ đã giết con mình? Bà có thể tha thứ cho kẻ sát nhân không? Chúng ta sẽ đi tới đâu nếu ta không đưa ra bất cứ sự chống đối nào đối với sự ác, nếu ta tha thứ, không đòi hỏi công lý? Trong trường hợp này, há người ta đã không tưởng thưởng cho kẻ hành động một cách bất công đó sao? Heirich Heine, Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud, và nhiều người khác đã nêu ra các câu hỏi như thế, một cách có phê phán và bút chiến. Đối với Freud, giới răn yêu thương kẻ thù thuộc thứ credo quia absurdum est (tôi tin vì đây là điều vô lý) (29).
Nhưng ngược với câu hỏi: chúng ta sẽ đi tới đâu nếu từ khước bạo lực bằng cách tha thứ, người ta có thể hỏi: chúng ta sẽ đi tới đâu nếu không có ân xá và tha thứ, khi ta đáp trả mọi sự ác làm cho ta bằng một sự ác khác, khi ta lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng? Sau kinh nghiệm kinh hoàng do các tàn bạo của thế kỷ 20 đem đến, vấn đề tha thứ và yêu thương kẻ thù đã trở thành một vấn đề phổ biến đáng buồn và ở nhiều giới, dẫn tới sự khẩn thiết đòi phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, mọi người đều thấy rõ: dù thương xót, tha thứ và ân xá có là các hành vi siêu nhân bao nhiêu đi chăng nữa, chúng vẫn có tính hợp lý cao độ.
Chỉ khi nào ta biết vươn tay ra một lần nữa, quá bên kia các giao thông hào phân rẽ, để xin tha thứ cũng như để tha thứ, thì các cuộc tranh chấp đổ máu và gây chấn thương mới được xử lý; diễn trình hàn gắn các vết thương từng phải chịu trước đó mới được khởi động; và cái vòng luẩn quẩn bạo lực và phản bạo lực, cũng như cái vòng luẩn quẩn của tội phạm và trả đũa (hận máu) mới bị bẻ gẫy. Người ta không thể chỉ đơn giản quên đi điều tai hại đã làm; người ta lại càng không được phép đơn giản mưu toan che lấp nó. Họ phải trung thực đối diện với điều tai hại mình đã làm và thừa nhận nó. Chỉ có thế, nó mới dẫn ta tới một ký ức hòa giải, trong đó, các mối tương quan được giải độc và mất hết tính chất thù nghịch của nó. Nhờ ký ức hòa giải hàn gắn các vết thương của quá khứ này, một khởi đầu mới được tạo ra và một tương lai mới và của chung mới có thể có (30).
Điều trên đúng không phải chỉ đối với lãnh vực tương quan bản thân, mà còn cả trong lãnh vực chính trị nữa. Ở đây, có lẽ ta có thể nghĩ tới các cuộc hoà giải giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo, giữa Đức và Do Thái, giữa Đức và Pháp, hay giữa Đức và Ba Lan từng diễn ra sau Thế Chiến II. Ta cũng có thể nghĩ tới Ủy Ban Sự Thật ở Nam Phi, ở Ái Nhĩ Lan, và nhiều nơi khác (31). Cuối cùng, ta có thể nghĩ tới các liên hệ đại kết và liên tôn đã được thay đổi, trong đó, bất chấp mọi dị biệt khách quan tồn đọng, các thù hận cũ và việc suy nghĩ theo lối bè phái và tranh chấp phần lớn đã được vuợt qua, nhừng chỗ cho việc hợp tác để xây dựng công lý và hòa bình trên thế giới. Do đó, lòng yêu thương kẻ thù không hề là thứ credo quia absurdum est mà đúng hơn là loại credo quia rationale est (tôi tin vì đây là điều hợp lý).
3. Các việc thương xót phần xác và phần hồn
Tương hợp với truyền thống Do Thái Giáo, Tân Ước có nhiều danh mục liệt kê các nhân đức đề cập tới và giải thích giới răn thương xót (1Pr 3:8; xem Rm 12:8, 15; Pl 1:8; 2:1; Cl 3:12; Dt 13:3). Một danh mục như thế cũng tìm thấy trong diễn từ của Chúa Giêsu về Phán Xét Sau Cùng (Mt 25). Dựa trên căn bản này của Tân Ước, truyền thống Kitô Giáo đã bổ sung ý nghĩa cụ thể của lòng thương xót. Để làm việc này, nó đã phân biệt và kể rõ chi tiết của bẩy việc thương xót phần xác và bẩy việc thương xót phần hồn (32).
Các việc thương xót phần xác là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt (cùng kẻ tù rạc), cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi và chôn xác kẻ chết. Các việc thương xót phần hồn là: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Trong Luật của ngài, Thánh Bênêđíctô đã thêm vào các việc này, hay như ngài nói, các dụng cụ của việc làm tốt này, một việc đó là “đừng bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” (33).
Liên quan tới các việc thương xót phần xác, và nhất là các việc thương xót phần hồn, điều đáng lưu ý là chúng ta không xử lý với việc ngăn cấm các vi phạm giới răn minh nhiên của Thiên Chúa. Giống như trong diễn từ của Chúa Giêsu về Phán Xét Sau Cùng, không kẻ tội lỗi phạm tội sát nhân, trộm cướp, ngoại tình, gian dối hay lừa đảo nào bị lên án cả. Lời lên án của Chúa Giêsu không liên quan tới các vi phạm giới răn Thiên Chúa, mà đúng hơn liên quan tới việc không làm điều tốt. Một lần nữa, đây là vấn đề công chính cao hơn (Mt 5:20). Vì vậy, người ta có thể phạm tội không những vì vi phạm giới răn Thiên Chúa mà còn vì không chịu làm điều tốt, một điều, bất hạnh thay, thường ít được lưu ý.
Như thế, lòng thương xót được quan tâm nhiều hơn công lý; đây là vấn đề chú ý tới và mẫn cảm với các nhu cầu cụ thể của chúng ta. Đây là vấn đề thắng vượt việc quá chú ý tới ta khiến ta điếc và mù đối với các nhu cầu phần xác và phần hồn của người khác. Đây là vấn đề làm trái tim ta ra mềm mại trước lời mời gọi của Thiên Chúa mà ta nghe được trong cuộc chạm trán với nghịch cảnh của người khác (34).
Việc kể ra một cách rõ rệt các việc thương xót phần hồn phần xác, do đó, không ngây thơ cũng không tùy tiện. Nó tương ứng với việc phân biệt bốn cảnh nghèo. Dễ hiểu nhất là cảnh nghèo thể lý và kinh tế: không mái nhà để che đầu và không có thực phẩm trong nồi trong niêu, đói và khát, hay không có quần áo và nơi trú ẩn để bảo vệ mình khỏi các nghịch cảnh thời tiết và khí hậu. Ngày nay, người ta còn có thể thêm nạn thất nghiệp vào danh sách này. Thêm vào đó, còn có các bệnh tật hay khuyết tật trầm trọng chưa có may mắn được y khoa chữa trị và chăm sóc thỏa đáng.
Không kém phần quan trọng so với cảnh nghèo thể lý là cảnh nghèo văn hóa: mà trường hợp cùng cực nhất chính là nạn mù chữ; kém một chút những vẫn trầm trọng là không có cơ hội hay ít có cơ hội được giáo dục, và do đó, ít có viễn ảnh tương lai. Cảnh nghèo văn hóa cũng bao gồm việc không được tham gia vào sinh hoạt xã hội và văn hóa. Hình thức thứ ba của cảnh nghèo là thiếu các mối liên hệ. Là một tạo vật có tính xã hội, con người có thể kinh qua nhiều hình thức nghèo khổ: cô đơn và cô lập, mất người bạn đời, mất các thành viên trong gia đình hay mất bạn bè, các trở ngại về thông đạt, bị loại khỏi các giao tiếp xã hội, hoặc do chính họ gây ra hay do người khác áp đặt, bị kỳ thị và bị cách ly, trong đó, hình thức cùng cực nhất là bị tù đầy hay biệt xứ. Hình thức nghèo sau cùng cần phải nhắc đến là nghèo tâm thần hay tâm linh, một vấn đề rất nghiêm trọng tại Tây Phương: thiếu hướng dẫn, trống rỗng nội tâm, tuyệt vọng và phiền muộn, thất vọng về ý nghĩa cuộc hiện sinh của chính mình, lầm lạc về luân lý và thiêng liêng đến độ sao lãng chính linh hồn mình.
Tính đa dạng và đa chiều của các tình trạng nghèo khổ trên đòi phải có một đáp ứng đa chiều. Trợ giúp vật chất hiển nhiên là điều nền tảng. Vì chỉ khi nào đời sống hay việc sống còn có tính căn bản về thể lý được bảo đảm, thì cảnh nghèo về văn hóa, về xã hội và về tâm linh mới được chữa trị. Tuy nhiên, lòng thương xót Kitô giáo không thể và có lẽ không tự giới hạn vào việc xử lý cảnh nghèo khổ thể lý, vì lòng thương xót chỉ nhân đạo nếu nó không đặt người túng thiếu vào tình huống liên tục phải lệ thuộc, mà đúng hơn, cung cấp cho họ một sự trợ giúp để họ tự giúp họ. Điều này chỉ có thể có nếu tình huống văn hóa, xã hội và tâm linh của nghèo khó cũng được chữa trị. Do đó, đức ái Kitô Giáo đòi phải có một phương thức toàn diện, biết nhìn các chiều kích khác nhau của cảnh nghèo trong các mối tương quan hỗ tương của chúng và nhờ thế giúp dự phòng không những cho việc sống còn, mà đúng hơn còn giúp dự phòng cho một cuộc sống ít nhất cũng mãn nguyện đôi chút về phương diện nhân bản.
Trong một lời cầu nguyện năm 1937, Nữ Tu Faustina đã phát biểu một cách rất đẹp đẽ sự tinh tế trong cảm nhận thương xót đã tiến rộng và tiến sâu như thế nào, nó có ý nghĩa cụ thể nào đối với một Kitô hữu, và nó có thể thực hiện được điều gì cách cụ thể:
“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để mắt con biết thương xót, ngõ hầu con không bao giờ nghi ngờ hay phán đoán từ các dáng vẻ bề ngoài, nhưng tìm kiếm những gì đẹp đẽ trong linh hồn các người lân cận của con và chạy tới cứu giúp họ.
“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để tai con biết thương xót, ngõ hầu con có thể lưu ý tới nhu cầu của các người lân cận của con và đừng dửng dưng với các nỗi đau và buồn thảm của họ.
“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để lưỡi con biết thương xót ngõ hầu con không bao giờ nói tiêu cực về các người lân cận của con, nhưng có lời an ủi và tha thứ mọi người.
“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để tay con biết thương xót và đầy những việc làm tốt lành, ngõ hầu con chỉ làm điều tốt cho các người lân cận của con và con tự mang lấy những trách vụ khó khăn và vất vả hơn.
“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để chân con biết thương xót, ngõ hầu con mau mắn giúp đỡ người lân cận của con, bất chấp sự mệt mỏi và kiệt sức của riêng con. Sự nghỉ ngơi thực sự của con là được phục vụ người lân cận của con.
“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con, để trái tim con biết thương xót ngõ hầu con biết cảm nhận mọi đau khổ của người lân cận của con. Con sẽ không từ khước lòng mình cho bất cứ ai. Con sẽ thành thực với cả những người con biết sẽ lạm dụng lòng tốt của con. Và con sẽ nép mình vào Trái Tim hay thương xót nhất của Chúa Giêsu. Con sẽ chịu các đau khổ của riêng con trong im lặng. Ôi lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa ngự trên con.
“Chính Chúa truyền cho con thi hành ba mức độ của lòng thương xót. Mức thứ nhất: hành vi thương xót, thuộc bất cứ loại nào. Mức thứ hai: lời nói thương xót, nếu con không thi hành được việc thương xót, con sẽ phụ giúp bằng lời nói của con. Mức thứ ba: cầu nguyện, nếu con không thể biểu lộ được lòng thương xót bằng việc làm hay bằng lời nói của con, con luôn luôn có thể làm như thế bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của con vươn tới cả những nơi con không thể vươn tới bằng thể lý.
“Ôi lạy Chúa Giêsu của con, xin Chúa biến đổi con thành ra Chúa, vì Chúa có thể làm mọi sự” (35).
Kỳ sau: 4. Đừng thương xót giả hiệu kiểu để mặc!
______________________________________________________________________________________________________________
(19) Luz, Matthew 1-7, 285-87.
(20) Athenagoras, A Plea for the Christians, 11; Tertullian, To Scapula, 1; Origen, Against Celsus, 59-61.
(21) 2 Clement, 13tt.
(22) Tertullian, Of Patience, 6
(23) Thánh Chrysostom, Chú Giải Thánh Mátthêu, Bài Giảng 18, n.3.
(24) Thánh Ambrôsiô, Về Các Nghĩa Vụ của Hàng Giáo Sĩ, 48, nn.242-48.
(25) Thánh Augustinô, Handbook on Faith, Hope, and Love, 73-74.
(26)Thánh Tôma Aquinô, Summa theoligiae, pt. II/II, q.25, a.8; xem a.9.
(27) Luz, Matthew 1-7, 290-91.
(28) Đã dẫn, 291. Về vấn đề chiến tranh, xem chương VII.
(29) Đã dẫn, 292.
(30) Về vấn đề này, xem tài liệu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Memory and Reconciliation : The Church and the Faults of the Past (1999). Bản văn có tại http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20000307_memory_reconc-itc_en.html.
(31) xem Paul M. Zulehner, Gott is grӧẞer als unser Herz (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006), 146-52.
(32) Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2447.
(33) Luật Thánh Bênêđíctô, IV, 74.
(34) Christoph Schӧnborn, We Have Found Mercy: The Mystery of Divine Mercy, bản dịch của Michael J. Miller (San Francisco, Ignatius, 2012), 102-5.
(35) Tagebuch der Schwester Maria Faustyna Kowalska (Hauteville:Parvis Verlag, 1990), 80tt.
See Also
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/187891.htm