Trang chủ

Mittwoch, Mai 04, 2016

Tông Huấn Amoris Laetitia dưới mắt Đức Hồng Y Schonborn

Vũ Văn An5/4/2016
Phản ứng đối với Tông Huấn Hậu Thượng Đồng về Hôn Nhân và Gia Đình Amoris Laetitia rất tức khắc và lẫn lộn. Người thì cho tông huấn này thay đổi tất cả, người thì cho nó chẳng thay đổi gì. Người thì cho đây là một trong những văn kiện quan trọng của huấn quyền, người cho đây chỉ là suy nghĩ cá nhân của Đức Phanxicô. Người thì coi nó là một văn kiện nhất quán. Người thì cho nó là hai văn kiện song hành, lắm khi đối chọi nhau. 

Các nguồn của Tông Huấn


Đức Phanxicô hiển nhiên coi đây là một văn kiện thuộc huấn quyền, cho nên đã xếp nó vào loại Tông Huấn, tức giáo huấn tông truyền, nhất định không phải là suy nghĩ cá nhân. Theo Đức Hồng Y Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, một trong hai vị họp báo công bố Tông Huấn, tính tông truyền này có thể được thấy rõ ở các nguồn của nó: “nền tảng căn bản của Tông Huấn là hai văn kiện sau cùng của hai phiên họp thượng hội đồng về gia đình: 52 trích dẫn từ Phúc Trình Thượng Hội Đồng (Relatio Synodi) năm 2014 và 84 trích dẫn từ Phúc Trình Sau Cùng (Relatio Finalis) năm 2015… Đàng khác, văn kiện này cũng tham chiếu rất nhiều từ Các Giáo Phụ… qua các thần học gia trung cổ và cận đại… tới các tác giả hiện đại… Trong số các văn kiện của các vị giáo hoàng tiền nhiệm, ta thấy Casti Connubii của Đức Piô XI; Mystici Corpori Christi của Đức Piô XII; Humanae Vitae của Đức Phaolô VI … Các Bài Giáo Lý về Tình Yêu Nhân Bản và Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II; Deus Caritas Est của Đức Bênêđictô XVI… Công Đồng Vatican II được trích dẫn 28 lần, Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo được trích dẫn 15 lần… Các văn kiện khác của Tòa Thánh được trích dẫn 12 lần và các văn kiện của các hội đồng giám mục được trích dẫn 10 lần”. Không phải chỉ là trích dẫn mà là trích dẫn với những quả quyết như ‘tôi ủng hộ’ (số 297), ‘tôi nhất trí’ (số 299), ‘tôi coi là thích đáng’ (số 302). 

Dĩ nhiên, điều đặc biệt là giáo huấn tông truyền này đề cập đến hàng loạt nhiều vấn đề khác nhau, trong đó nhiều vấn đề còn đang cần được “biện phân”, nên tính chất giáo huấn cũng rất khác nhau, mức độ và hình thức áp dụng, vì thế cũng khác nhau. Chính Đức Giáo Hoàng cũng cho ta rõ điều này khi ngài cho rằng “Đối với chính các gia đình và những ai dấn thân vào việc tông đồ gia đình, lợi ích lớn lao nhất sẽ xuất hiện nếu mỗi phần được đọc một cách kiên nhẫn và thận trọng, hoặc, nếu chú ý tới các phần nói tới các nhu cầu chuyên biệt của họ. Thí dụ, các cặp vợ chồng có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn tới các chương bốn [tình yêu trong hôn nhân] và năm [tình yêu sinh hoa trái], còn các thừa tác viên mục vụ có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn tới chương sáu [một số viễn ảnh mục vụ], trong khi người nào cũng nên cảm thấy như được chương tám [đồng hành, biện phân và hội nhập yếu đuối] thách thức”.

Nhu cầu và thách thức

Như mọi người đều biết: các nhà bình luận cả cấp tiến lẫn bảo thủ phần lớn chỉ lưu tâm tới chương tám mà thôi, nhất là tới ghi chú số 351. Chương này, tuy khuyên mọi người, bất kể là ai, nên đọc, nhưng Đức Phanxicô bảo nên đọc nó như một “thách thức” không hẳn như một “nhu cầu chuyên biệt”. Thách thức là một điều người ta khó có thể thực hiện ngay được, nó gần như là một lý tưởng mình nên khởi đầu dấn thân vào từ bây giờ, một thái độ chủ quan nên có. Nhu cầu chuyên biệt thì phải giải quyết ngay, không thể chần chờ. Do đó, tính giáo huấn của mỗi chương cũng cần được “biện phân” vậy.

Thành thử mục vụ hôn nhân và gia đình có những khía cạnh phải thực hành ngay như những “nhu cầu chuyên biệt”, có những khía cạnh nêu ra như một lý tưởng thách thức ta bước tới, có chỉ thỉ cụ thể gì đâu. Chúng tôi đồng ý với nhiều bình luận gia rằng: Đức Phanxicô không hề nhắc tới việc cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ. Ngài chỉ khuyên ta phải đồng hành với họ, giúp họ biện phân hoàn cảnh của họ và dẫn họ tới tính viên mãn của hôn nhân Kitô Giáo. Tính thách thức, thiển nghĩ, chính là ở điểm đó. Tóm lại, ngài không hẳn nhằm nói với người ly dị tái hôn, mà là nói với “mọi người” để họ thay đổi thái độ đối những người mà ngài vẫn coi là anh chị em của ta. 

Hơn nữa, trong cuộc họp báo trên không từ đảo Lesbos, Hy Lạp, trở lại Rôma, ngày 16 tháng Tư vừa qua, khi được hỏi: tại sao một vấn đề quan trọng như thế lại chỉ được nói đến ở ghi chú số 351, ngài có thấy trước người ta sẽ phản đối không, hay ngài muốn nói: điều này không quan trọng gì? Ngài cho hay: vấn đề mà giới truyền thông nêu ra khi ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình năm 2014 rằng liệu Giáo Hội có cho phép người ly dị tái hôn rước lễ hay không làm ngài vừa khó chịu vừa buồn lòng. “Vì tôi nghĩ: họ nói hết điều này tới điều nọ, nhưng há họ không hiểu ra rằng đó không phải là vấn đề quan trọng hay sao? Há họ không hiểu ra rằng gia đình đang gặp khủng hoảng khắp nơi trên thế giới đó sao? Mà gia đình là nền tảng của xã hội! Há họ không hiểu ra rằng giới trẻ không muốn kết hôn hay sao? Há họ không hiểu ra rằng việc giảm sinh suất ở Âu Châu đang làm người ta phát khóc đó sao? Há họ không hiểu ra rằng thiếu công ăn việc làm và khả thể có việc làm (trầm trọng) đến nỗi cha mẹ phải giữ hai công việc khiến con cái trần thân lớn lên một mình, không học lớn lên trong đối thoại với cha mẹ đó sao? Đó là những vấn đề lớn! Tôi không nhớ ghi chú ấy, nhưng chắc chắn nếu nó là một chuyện thuộc loại ấy, nghĩa là trong một ghi chú, thì hẳn là đã được nói tới trong Evangelii Gaudium, chắc chắn như thế! Nó phải là một trích dẫn từ Evangelii Gaudium”. 

Như sợ người đọc hiểu lầm, ngài đã nhờ Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Vienna là Schonborn giới thiệu Tông Huấn. Trong cuộc họp báo vừa nói, ngài cho hay thêm: “Tôi khuyên tất cả qúy vị đọc bài trình bầy của Đức Hồng Y Schonborn; ngài là nhà thần học vĩ đại. Ngài là thành viên của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và biết rõ Tín Lý của Giáo Hội”. 

Đức Hồng Y Schonborn đọc Tông Huấn

Trong bài trình bầy của ngài, Đức Hồng Y Schonborn nói rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành công trong việc nói tới mọi hoàn cảnh mà không phân loại chúng, không phạm trù hóa chúng, với một nhãn quan nhân hậu căn bản vốn được liên kết với trái tim Thiên Chúa, với đôi mắt Chúa Giêsu, Đấng không loại trừ ai (xem NVYT, số 297), (trái lại) chào đón mọi người và ban cho mọi người ‘niềm vui Tin Mừng’”. 

Ngài nói thêm: “Trong bầu khí chào đón này, văn kiện nói đến viễn kiến Kitô Giáo về hôn nhân và gia đình trở thành một lời mời, một lời khuyến khích đối với niềm vui yêu thương mà ta có thể tin và không loại trừ ai, thực sự và thành thực không trừ một ai”.

Theo Đức Hồng Y Schonborn, Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô, trước hết và trên hết, là một “biến cố ngôn ngữ học”: lời lẽ không hề có tính phê phán. “Ở đây là một lòng tôn trọng trước mọi người vì họ không bao giờ là một ‘trường hợp có vấn đề’ trong một ‘phạm trù’, mà đúng hơn là một con người độc đáo, với câu truyện riêng và cuộc hành trình riêng của họ với và hướng về Thiên Chúa”. Thái độ nền tảng này cũng cung cấp lý do sâu xa nhất cho hai chữ chủ yếu sau đó là biện phân và đồng hành, không những chỉ đối với gia đình “bất hợp lệ” mà với mọi gia đình. Thành thử, Đức Hồng Y cho hay, tông huấn này đã vượt qua sự phân biệt giả tạo, hời hợt giữa “hợp lệ” và “bất hợp lệ”, và đặt mọi người dưới lời kêu gọi nên thánh chung. 

Tính “bao gồm” nói trên làm nhiều người bối rối. Đức Hồng Y hỏi rằng “Há nó không thiên về chủ nghĩa duy tương đối hay sao? Việc năng nói tới lòng thương xót há không trở thành buông thả đó sao?” Há đã không còn sự rõ ràng nào nữa về những giới hạn không được vượt qua, những hoàn cảnh buộc phải định nghĩa một cách khách quan là bất hợp lệ hay tội lỗi đó sao? Phải chăng Tông Huấn này nghiêng về một thứ buông thả nào đó, một cảm thức cho rằng “chuyện gì cũng cho qua được hết”? Lòng thương xót của Chúa Giêsu há không khắt khe và đòi hỏi nhiều hơn hay sao? 

Để trả lời các câu hỏi trên, Đức Hồng Y trích dẫn số 35 trong Tông Huấn: “Là các Kitô hữu, chúng ta khó có thể ngưng, không cổ vũ hôn nhân, chỉ để tránh đụng chạm tới các nhậy cảm hiện thời, hoặc vì muốn hợp thời thượng hoặc vì cảm thấy bất lực trước các thất bại nhân bản và luân lý. Làm như thế chúng ta đã tước bỏ cả một thế giới giá trị mà chúng ta vốn có thể và phải cung ứng. Đã đành, chỉ biết tố cáo các cái xấu hiện thời như thể ta chẳng thay đổi được gì là điều vô nghĩa. Cũng chẳng ích lợi gì khi cố gắng áp đặt các qui luật chỉ bằng thẩm quyền của mình mà thôi. Điều cần là chúng ta phải ra sức một cách có trách nhiệm và quảng đại hơn trong việc trình bầy các lý lẽ và nguyên động lực cho việc quyết định kết hôn và lập gia đình, và nhờ cách này, giúp các người nam nữ đáp ứng ơn thánh mà Thiên Chúa cung ứng cho họ một cách tốt đẹp hơn”.

Đức Hồng Y không quên nhấn mạnh việc Đức Phanxicô cho rằng cách Giáo Hội xử lý với hôn nhân trong quá khứ cần được “tự phê”: “Chúng ta cũng cần phải khiêm tốn và hiện thực, thừa nhận rằng có lúc, cung cách ta trình bầy các niềm tin Kitô Giáo và việc cư xử với người khác chỉ giúp làm gia trọng tình thế đang gây vấn nạn hiện nay mà thôi. Ta cần liều thuốc tự phê lành mạnh. Rồi, ta còn hay trình bầy hôn nhân (tệ đến nỗi) khiến cho ý nghĩa nên một của nó, lời mời gọi lớn lên trong yêu thương của nó và lý tưởng trợ giúp nhau của nó bị che khuất bởi việc hầu như chỉ chuyên chú nhấn mạnh tới nhiệm vụ truyền sinh. Ta cũng đã không luôn cung cấp được sự hướng dẫn vững chắc cho những cặp vợ chồng trẻ, hiểu biết thời khóa biểu của họ, cách suy nghĩ và các quan tâm cụ thể của họ. Có lúc, ta cũng đã đề xuất một lý tưởng thần học về hôn nhân quá trừu tượng và gần như giả tạo, quá xa rời các hoàn cảnh cụ thể và các khả thể thực tế của các gia đình đích thực. Việc lý tưởng hóa thái quá này, nhất là khi ta thất bại trong việc gây hứng cho lòng tín thác vào ơn thánh Chúa, không giúp làm cho hôn nhân trở thành đáng ước muốn và lôi cuốn hơn, nhưng trở thành điều trái ngược hẳn” (số 36). 

Hồi Tâm Mục Vụ

Tính hiện thực cần thiết nói trên hoàn toàn phản ảnh kinh nghiệm Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình năm ngoái trong đó, các giám mục của các nhóm nhỏ đã chia sẻ kinh nghiệm sống trong chính gia đình của các ngài. Đức Hồng Y thuật lại rằng: hầu hết các vị giám mục và các tham dự viên khác đều cho thấy trong gia đình họ, có đủ các chủ đề, các âu lo và các “bất hợp lệ” được bàn tới một cách trừu tượng ở Thượng Hội Đồng. Như thế, mọi người đều cần một cuộc “hồi tâm mục vụ”. 

Theo Đức Hồng Y Schonborn, cuộc “hồi tâm mục vụ” nói trên được Amoris Laetitia đề cập tới như sau: “Từ lâu chúng ta vốn nghĩ rằng chỉ bằng cách nhấn mạnh tới các vấn đề tín lý, sinh học và luân lý, không cần phải khuyến khích sự cởi mở với ơn thánh, ta đã đang cung cấp cho các gia đình sự trợ giúp thỏa đáng, củng cố dây hôn phối và đem lại ý nghĩa cho đời sống vợ chồng rồi. Ta thấy khó có thể trình bầy hôn nhân như con đường năng động để phát triển và hoàn thành bản thân hơn là một gánh nặng suốt đời. Ta cũng thấy khó có thể dành chỗ cho lương tâm tín hữu, những người thường hết mình đáp ứng Tin Mừng, bất chấp các hạn chế bản thân, và có khả năng thực hiện sự biện phân về chính họ trong các hoàn cảnh phức tạp. Chúng ta vốn được kêu gọi đào tạo các lương tâm, chứ không thay thế chúng” (số 37).

Đức Giáo Hoàng nói tới niềm tín thác sâu xa trong tâm hồn và việc hoài nhớ của người ta. Ngài nói tới nó một cách rất hay trong suy nghĩ của ngài về giáo dục. Ở đây, ta thấy rõ ảnh hưởng của truyền thống Dòng Tên trong việc giáo dục trách nhiệm bản thân. Đức Giáo Hoàng nhắc tới hai nguy hiểm trái ngược nhau: “để mặc” (laisser-passer) và ám ảnh với việc kiểm soát và thống trị mọi sự. Một đàng, đúng là “Các gia đình không thể là gì khác hơn là những nơi để nâng đỡ, chỉ bảo và hướng dẫn... Cảnh giác luôn là điều cần thiết và sao lãng không bao giờ có ích” (số 260). Nhưng cảnh giác cũng có thể trở thành ám ảnh: “Tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Ta không thể kiểm soát mọi hoàn cảnh mà một đứa con có thể trải qua… Nếu các cha mẹ cứ bị ám ảnh với việc phải biết cho bằng được con cái họ đang ở đâu và lo kiểm soát mọi chuyển động của chúng, thì họ chỉ tìm cách khống chế không gian. Nhưng việc này không hề là giáo dục, là củng cố và chuẩn bị để con cái đương đầu với các thách đố. Điều quan trọng hơn cả là khả năng âu yếm giúp chúng lớn mạnh trong tự do, già dặn, kỷ luật tổng thể và thực sự tự lập” (số 261). 

Tin tưởng lương tâm tín hữu

Đức Hồng Y cho rằng thực hành mục vụ trong Giáo Hội cũng phải như thế. Thực vậy, Đức Phanxicô hay trở tới trở lui với việc tin tưởng vào lương tâm của tín hữu “Chúng ta vốn được kêu gọi đào tạo các lương tâm, chứ không thay thế chúng” (số 37). Vấn đề lớn ở đây hiển nhiên là thế này: ta phải đào tạo lương tâm ra sao? Làm thế nào nắm được đâu là ý niệm then chốt của văn kiện quan trọng này, đâu là chìa khóa để hiểu chính xác các ý định của Đức Phanxicô: “biện phân bản thân”, nhất là trong các hoàn cảnh khó khăn và phức tạp? 

Đức Hồng Y cho rằng “biện phân” vốn là ý niệm trung tâm trong khoa linh thao của Thánh Inhaxiô. Thực vậy, các linh thao này phải giúp người ta biện phân thánh ý Thiên Chúa trong các hoàn cảnh sống cụ thể. Chính biện phân đem lại đặc điểm chín chắn cho một con người và đường lối Kitô Giáo phải giúp người ta đạt được sự chín chắn bản thân này: không đào tạo những người máy, bị điều kiện hoá từ bên ngoài và được điều khiển từ xa, nhưng đào tạo những con người chín chắn trong tình bằng hữu với Chúa Kitô. Chỉ khi nào việc “biện phân" bản thân này chín chắc thì người ta mới đạt được “sự biện phân mục vụ”; điều này càng quan trọng trong “các hoàn cảnh chưa đạt được những gì Chúa đòi hỏi nơi ta” (số 6). Chương thứ tám đề cập tới việc “biện phân mục vụ” này, “một chương”, theo Đức Hồng Y, “được chú ý rất nhiều không những đối với công luận trong Giáo Hội, mà cả với giới truyền thông nữa”. 

Chương nào quan trọng

Thế nhưng theo Đức Hồng Y, Đức Phanxicô coi các chương 4 và 5 mới có tính trung tâm không những vì vị trí mà còn vì nội dung của chúng nữa. “Vì ta không thể khuyến khích con đường trung tín và hiến thân cho nhau nếu không khuyến khích việc tăng triển, việc củng cố và việc thâm hậu hóa lòng yêu thương vợ chồng và gia đình” (số 89). Hai chương có tính trung tâm của Amoris Laetitia này chắc chắn sẽ bị lướt qua bởi nhiều người chỉ mong sớm tới những điều gọi là “những củ khoai nóng hổi”, những điều [họ coi là] quan yếu. Là một chuyên viên sư phạm, Đức Phanxicô biết rõ: không gì lôi cuốn và khích lệ mạnh mẽ bằng kinh nghiệm yêu thương tích cực. “Nói về yêu thương” (số 89) rõ ràng đem lại niềm vui lớn lao cho Đức Phanxicô, và ngài nói về nó một cách hết sức linh động, dễ hiểu và đầy tương cảm (empathy). Chương bốn là lời bình luận rộng dài về “ca khúc yêu thương” trong chương 13 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Mọi người nên đọc lời bình luận này. Nó khuyến khích ta tin vào lòng yêu thương (xem Ga 4:16) và tin tưởng vào sức mạnh của nó. Chính ở đây, tăng trưởng, một từ ngữ then chốt khác của Amoris Laetitia , tìm được chỗ đứng chính: không chỗ nào, nó tự biểu lộ rõ ràng bằng ở đây, nhưng nó cũng có thể trở thành lạnh lùng. Chương này rất đáng đọc. Nhưng cần chỉ rõ một khía cạnh: ở đây, Đức Phanxicô đề cập rõ ràng tới vai trò của đam mê, của xúc cảm, của gợi dục (eros) và tính dục nói chung trong đời sống hôn nhân và gia đình. Không phải là chuyện tình cờ khi, ở đây, ngài nối kết với Thánh Tôma Aquinô, vị thánh vốn dành một vai trò quan trọng cho đam mê, trong khi xã hội hiện đại tỏ ra muốn hạ giá hay làm ngơ nó. 

Chính ở đây, tựa đề tông huấn của Đức Phanxicô tìm được biểu thức trọn vẹn nhất của nó: Niềm Vui Yêu Thương!”. Ở đây, ta hiểu làm thế nào ta có thể “khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân” (NVYT số 205). Nhưng ở đây, ta cũng đau đớn khám phá ra: tình yêu đã gây nên không biết bao nhiêu thương tích và kinh nghiệm thất bại của các mối liên hệ này đã xé nát con người như thế nào. Chính vì thế, không lạ gì nhiều người lưu ý tới chương tám. Thực vậy, đối với nhiều người, vấn đề Giáo Hội đã xử lý các thương tích này ra sao, Giáo Hội đã xử lý thế nào các thất bại của yêu thương, đã trở thành một câu hỏi thử nghiệm để hiểu liệu Giáo Hội có thực sự là nơi lòng thương xót của Thiên Chúa đuợc cảm nhận hay không. 

Kết quả của hai Thượng Hội Đồng

Đức Hồng Y Schonborn quả quyết rằng chương này là do công trình làm việc hăng say của hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, do các cuộc thảo luận rộng dài trong các diễn đàn công luận và giáo luận. Ở đây, ta thấy rõ tính hoa trái trong phương pháp của Đức Phanxicô. Ngài minh nhiên muốn có một cuộc thảo luận cởi mở về việc đồng hành mục vụ với các hoàn cảnh phức tạp, và đã có thể đặt căn bản đầy đủ cho cuộc đồng hành này trên hai bản văn của hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã trình lên ngài, cho thấy khả thể “đồng hành, biện phân và hội nhập yếu đuối” (số 291). 

Đức Phanxicô minh nhiên nhận làm của riêng các lời tuyên bố mà cả hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã trình lên ngài: “Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã đạt được một đồng thuận tổng quát, được tôi ủng hộ” (số 297). Về những người ly dị và tái hôn dân sự, ngài nói: “Tôi nhất trí với nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng khi nhận định rằng... Luận lý học của việc hội nhập này là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ... Không những họ không nên tự coi mình như những chi thể bị tuyệt thông của Giáo Hội, mà như các chi thể sống động, có khả năng sống và lớn mạnh trong Giáo Hội và cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ hiền luôn đồng hành với họ...” (số 299). 

Nhưng trên thực tế, điều trên có nghĩa gì? Câu trả lời dứt khoát tìm thấy ở số 300. Nó không những cung cấp chất liệu để ta thảo luận thêm mà còn đưa ra sự minh xác quan trọng và chỉ cho thấy nẻo đường cần phải theo: “Nếu ta xét tới tính đa dạng vĩ đại trong các hoàn cảnh cụ thể... thì dễ hiểu được việc: cả Thượng Hội Đồng lẫn Tông Huấn này đều không có hy vọng cung cấp được một loạt các qui định tổng quát mới, có bản chất giáo luật và có thể áp dụng cho mọi trường hợp”. Nhiều người mong đợi các qui định này, và họ phải thất vọng. Vậy điều gì có thể có? Đức Giáo Hoàng nói rõ: “Điều có thể làm được đơn giản chỉ là một khuyến khích đổi mới đối với việc phải đảm nhiệm việc biện phân các trường hợp đặc thù một cách có trách nhiệm, cả bản thân lẫn mục vụ”. 

Làm thế nào để biện phân

Làm thế nào để các biện phân bản thân và mục vụ này có thể có và nên có chính là chủ đề của toàn bộ các số từ 300 tới 312. Đức Hồng Y nhận định rằng Đức Giáo Hoàng đã tiếp nhận làm của riêng “Lộ Trình” biện phân trong phần phụ lục các tuyên bố của Nhóm Nói Tiếng Đức tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình năm 2015.

“Điều chúng ta đang nói tới là một diễn trình đồng hành và biện phân nhằm hướng dẫn tín hữu ý thức được hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa”. Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng nhắc nhở rằng “việc biện phân này không bao giờ được quên xét đến các đòi hỏi của Tin Mừng về chân lý và bác ái, như đã được Giáo Hội đề xuất”.

Theo Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng cũng nhắc tới hai sai lầm. Một là quá khắt khe: “Mục tử không được cảm nhận điều này: chỉ cần áp dụng các lề luật luân lý vào những người đang sống trong các hoàn cảnh ‘bất hợp lệ’ là đã đủ, như thể các lề luật này là những viên đá dùng để ném vào cuộc sống người ta. Đó là trường hợp khép kín cõi lòng của những người quen nấp đàng sau các giáo huấn của Giáo Hội” (số 305). Mặt khác, Giáo Hội “không hề chống lại việc đề xuất lý tưởng hôn nhân trọn vẹn, vốn là kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi nét cao cả của nó” (số 307). 

Ghi chú 351

Lẽ dĩ nhiên, việc trên đặt ra câu hỏi này: Đức Giáo Hoàng nói gì liên quan tới việc lui tới các bí tích của những người đang sống trong các hoàn cảnh “bất hợp lệ”? Đức Bênêđíctô XVI đã nói rằng “các công thức dễ dãi” không hề có (số 298, ghi chú 333). Đức Phanxicô nhắc lại việc cần phải biện phân hoàn cảnh này cách thận trọng, phù hợp với tông huấn Familiaris consortio, số 84 của Đức Gioan Phaolô II (số 298). “Việc biện phân phải giúp tìm ra các cách thế khả hữu để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của người ta. Vì suy nghĩ mọi sự đều đen và trắng, nên đôi khi ta đóng kín đường ơn thánh và đường tăng trưởng, không khuyến khích các nẻo đường nên thánh nhằm đem vinh quang lại cho Thiên Chúa” (số 305). Ngài cũng nhắc nhở ta một câu quan trọng của Evangelii gaudium, số 44: “Một bước đi nhỏ giữa những hạn chế to lớn của con người, có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là một cuộc sống bề ngoài xem ra đúng mực nhưng ngày ngày không phải đối diện với những khó khăn to lớn nào” (số 304). Theo hướng “via caritatis” (đường bác ái) này (số 306), Đức Phanxicô quả quyết, một cách khiêm nhường và đơn sơ, trong ghi chú 351 rằng ơn trợ giúp của các bí tích cũng có thể ban “trong một số trường hợp”. Nhưng ngài không cung cấp cho ta các trường hợp điển hình hay công thức nào cho mục đích này cả, thay vào đó, ngài chỉ nhắc nhở ta hai câu nói thời danh của ngài: “Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa” (Niềm Vui Tin Mừng số 44) và Bí tích Thánh Thể, “không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện, mà là một phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối” (Niềm Vui Tin Mừng số 47).

Tình yêu sẽ tìm ra cách

Đức Hồng Y Schonborn tự hỏi: đây có phải là một thách đố quá đáng không cho các mục tử, cho việc hướng dẫn thiêng liêng và cho các cộng đồng khi “việc biện phân các hoàn cảnh” không được qui định một cách chính xác hơn? Ngài cho rằng: Đức Phanxicô thừa nhận quan tâm này, nên đã viết: “Tôi hiểu những ai vẫn thích lối chăm sóc mục vụ khắt khe hơn, vốn không có chỗ cho sự mơ hồ” (số 308). Tuy nhiên, ngài thách thức thái độ này bằng cách nhận xét rằng “Ta đặt quá nhiều điều kiện lên lòng thương xót đến nỗi ta làm rỗng hết ý nghĩa cụ thể và tầm quan trọng thực sự của nó. Đây là cách tệ hại nhất để làm loãng Tin Mừng” (số 311). 

Ngài tin tưởng ở “niềm vui yêu thương”. Lòng yêu thương sẽ tìm ra cách. Nó là chiếc la bàn chỉ đường cho ta. Nó vừa là mục tiêu vừa là nẻo đường, vì Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là Thiên Chúa. Không gì đòi hỏi nhiều hơn tình yêu. Không thể nhận được nó cách rẻ tiền. Bởi thế, theo Đức Hồng Y Schonborn, không ai nên sợ điều này: với Amoris Laetitia, Đức Phanxicô muốn mời gọi ta bước theo con đường dễ dãi. Đường ngài đưa ra không dễ dãi nhưng tràn đầy niềm vui!
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/183795.htm