Bải giảng của Đức Thánh Cha: Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng
Bùi Hữu Thư5/11/2016Vatican: Ngày 11 tháng 5, 2016
Bải giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi yết kiến chung:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta hãy suy niệm về dụ ngôn Người Cha nhân hậu. Về người cha và hai người con, và giúp chúng ta biết về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
Chúng ta bắt đầu từ đoạn cuối, nghĩa là về niềm vui của tấm lòng người Cha, khi nói: “Hãy lấy con bê béo làm thịt. Rồi chúng ta hãy mở tiệc ăn mừng, vì con ta đã chết, thì nay đã sống, đã mất, thì nay lại tìm thấy” (Luca 15: 23-24). Với những lời này, người Cha ngăn không cho người con thứ mở miệng nói khi anh muốn thú tội: “Con chẳng đáng được gọi là con Cha nữa…” (19). Tuy nhiên lời nói này quá đau lòng đối với trái tim người Cha, nên ông đã mau mắn phục hồi phẩm giá của người con: mau lấy áo đẹp nhất, nhẫn và dép. Chúa Giêsu không mô tả một người Cha bị xúc phạm và tức giận, một người cha, chẳng hạn, nói với con: “Mày sẽ phải đền tội.” Không, người Cha đã ôm lấy anh, chờ đợi anh với lòng thương mến. Ngược lại, điều độc nhất ông tâm niệm là đứa con đứng trước ông đã được an toàn, và điều này làm cho ông vui sướng và ông cần phải ăn mừng. Việc đón mừng người con trở về được mô tả rất cảm động. “Anh ta còn ở đằng xa thì người Cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (20). Thật là dịu hiền biết bao; ông thấy anh tận đàng xa: điều này có nghĩa gì? Đó là người Cha đã ngày ngày bước ra khỏi cửa để trông ngóng phía con đường, mong con trở về; đứa con đã làm tất cả mọi điều xấu xa, nhưng người Cha vẫn chờ đợi. Lòng nhân từ của người Cha đẹp đẽ biết bao!
Lòng thương xót của người Cha chan hoà, vô điều kiện, và được bầy tỏ ngay trước khi người con mở miệng xin lỗi. Người con chắc chắn đã biết mình có tội và công nhận điều này: “Con đã có tội…xin coi con như một người làm công cho cha vậy”(19). Nhưng những lời này đã tan biến trước sự tha thứ của người Cha. Cái ôm và hôn của người Cha làm cho anh hiểu rằng anh luôn luôn vẫn được coi là một người con, bất kể sự gì. Giáo huấn này của Chúa Giêsu rất quan trọng: điều kiện để chúng ta được làm con cái Chúa là kết quả của tình yêu trong trái tim người Cha; điều ấy không phụ thuộc vào sự kiện chúng ta có xứng đáng hay có làm việc lành hay không, và vì thế, không ai có thể lấy mất đi điều này, ngay cả qủy dữ! Không ai có thể lấy mất đi phẩm giá này.
Lời này của Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta không bao giờ tuyệt vọng. Tôi nghĩ đến những người cha và mẹ lo lắng khi thấy con cái xa cách, và bước vào con đường hiểm nguy. Tôi nghĩ đến các cha sở và các thầy cô giáo lý đôi khi nghĩ rằng công trình của họ vô ích. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những ai đang ở trong tù và cho rằng cuộc đời họ đã chấm dứt; tất cả những ai đã làm những lựa chọn sai lầm và không còn hy vọng về tương lai; hay tất cả những ai đang đói khát lòng thương xót và tha thứ và tin rằng họ không xứng đáng… Trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống, tôi không được quên rằng tôi không bao giờ không còn là một đứa con của Thiên Chúa, của một người Cha luôn yêu thương tôi và chờ đợi ngày tôi quay về. Ngay trong những hoàn cảnh tệ hại nhất trên đời, Chúa luôn chờ đợi tôi, Chúa muốn ôm lấy tôi, Chúa chờ đợi tôi.
Còn có một người con khác trong dụ ngôn, người con cả; anh ta cũng cần phải khám phá được lòng thương xót của người Cha. Anh ta đã luôn luôn ở nhà, nhưng lại hoàn toàn khác biệt với người Cha! Lời anh nói thiếu sự dịu hiền: ”Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh…Nhưng khi đứa con kia của cha trở về…’ (29-30). Chúng ta thấy có sự khinh miệt, anh ta không nói “em con”, anh ta chỉ nghĩ đến mình; anh khoe khoang là luôn luôn ở bên người cha và hầu hạ ông; tuy nhiên anh ta chưa bao giờ sống vui vẻ trong sự gần gũi này. Bây giờ, anh ta trách móc người cha là chưa bao giờ cho anh ta một con dê để đãi bạn bè. Tội nghiệp cho người Cha! Một đứa con bỏ đi, còn đứa kia thì thật sự chưa bao giờ gần gũi mật thiết với ông! Nỗi đau của người Cha cũng giống như nỗi đau của Thiên Chúa, nỗi đau của Chúa Giêsu khi chúng ta xa cách Chúa, hay khi chúng ta đi lạc xa đường hay là chúng ta gần gũi mà không thực sự đang gần gũi.
Người con cả cũng cần sự thương xót. Người công chính, những ai tin rằng mình công chính, cũng cần được thương xót. Đứa con này biểu tượng cho chúng ta khi chúng ta tự hỏi xem có nên làm việc vất vả như thế hay không khi chúng ta không nhận được phần thưởng nào. Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng chúng ta không ở trong nhà Cha để được ân thưởng, nhưng vì chúng ta có phẩm giá là những đứa con có trách nhiệm. Không phải là việc mặc cả với Chúa, nhưng là đi theo Chúa Giêsu, Đấng hy sinh hết mình và chịu chết trên thập giá.
“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và vui vẻ” (31). Đó là điều người Cha nói với con cả. Đó là luận lý của lòng thương xót! Người con thứ cho rằng mình đáng bị trừng phạt vì đã có tội; trong khi người con cả lại chờ đợi một phần thưởng cho việc phục vụ của mình. Hai người con không nói gì với nhau; họ sống theo hai tư tưởng khác nhau, nhưng cả hai đều suy nghĩ theo một luận lý hoàn toàn xa lạ đối với Chúa Giêsu: nếu bạn làm điều tốt bạn được thưởng, nếu bạn làm điều xấu thì bạn bị phạt. Và đây không phải là luận lý của Chúa Giêsu. Không phải như vậy! Lý luận ấy đã bị lật đổ bởi lời người Cha: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (31). Người Cha tìm lại được người con, và bây giờ ông có thể đem nó về với người anh! Không có người em thi người anh không còn là một “người anh”. Niềm vui lớn lao của người Cha là được thấy hai người con công nhận nhau là anh em.
Hai người con có thể quyết định là kết hiệp với nhau trong niềm vui của người cha hay là từ chối. Họ phải tự hỏi về ước muốn và viễn ảnh họ có về đời sống của họ. Dụ ngôn kết thúc nhưng không cho biết kết quả: chúng ta không biết người con cả sẽ làm gì. Và đây là một sự thúc đẩy cho chúng ta. Phúc Âm này dậy chúng ta rằng cả hai đều cần phải bước vào nhà người Cha và tham dự vào niềm vui của ông, trong sự ăn mừng về lòng thương xót và tình huynh đệ. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở lòng để cũng trở nên có lòng “nhân hậu như người Cha”
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/183935.htm