Hạnh Các Thánh - Hương Việt
Ngày 28 tháng 04THÁNH LUI MARIA MÔNPHO
(1673-1716)a
THÁNH PHÊRÔ CHANEL LINH MỤ
(1803-1841)
THÁNH LUI MARIA MÔNPHO
(1673-1716)
Mônpho trước đây chỉ là một thị xã không tên tuổi nằm dọc theo hai dòng sông Mơ và Garon; nhưng ngày nay Mônpho đã chiếm một vai trò quan trọng trong lịch sử Giáo hội Pháp. Mônpho đã sinh cho Giáo hội nhiều dòng tu, nhiều vị đại thánh: dòng thánh Giacôbê, dòng thánh Gioan, dòng thánh Nicôlao, dòng Lagiarít và cũng là nơi trú thân của thánh Vinhsơn Phêriê, dòng Giảng thuyết… Nhưng đặc biệt hơn cả, trên mảnh đất diễm phúc ấy, vào thế kỷ XVII, đã xuất hiện một ngôi sao chói sáng, soi khắp Giáo hội trong lãnh vực sùng kính Mẹ Thiên Chúa, đó là cha Mônpho tông đồ Thánh Mẫu.
Ông Gioan, thân phụ Mônpho là một người có thế giá trong xã hội; ông đã từng giữ chức trạng sư lâu năm tại thị xã Mônpho với rất nhiều huy chương, danh tiếng nhưng ít bổng lộc. Ông làm việc để nuôi cả gia đình, một gia đình khá đông miệng ăn. Nhưng bạn ông, bà Robert một thiếu phụ dệt vải thành Ren (Rennes), bà còn là chị của ba vị linh mục; với đức tính khiêm tốn, trầm lặng và tận tụy lạ thường trong việc giáo dục con cái.
Hai ông bà đã sinh hạ được mười tám mặt con; Lui Maria là trưởng. Trong số mười tám người con, chín người chết lúc còn nhỏ, bốn người đi tu dòng nữ và ba người dâng mình làm linh mục, mà một người là đại thánh của Giáo hội: thánh Lui Maria Ghinhong Mônpho. Thực là một gia đình phúc hậu cả về lượng lẫn về phẩm.
Vì gia cảnh túng thiếu lại là trưởng của gia đình, Lui phải đến ở thuê cho bà Anrêa là chủ trại. Chính ở trại này mà tâm hồn Lui đượm nét tươi sống: những cánh đồng lúa chín vàng, những buổi hoàng hôn ở đây, tất cả đều hiến cho Lui một bài chiêm niệm đầy yêu thương về Thiên Chúa.
Hai năm sau, Lui lại cùng gia đình đi đến miền Iffendic và năm 1679 Lui đựơc diễm phúc chịu lễ lần đầu. Còn gì hạnh phúc hơn cho cậu, vì là ngày mở màn đời say mê mến Chúa và Thánh Mẫu. Cha Picôt đã viết về lòng đạo đức của cậu như sau: “Lui lợi dụng mọi thời giờ để cầu nguyện và làm những việc đạo đức hy sinh. Tâm hồn cậu trinh bạch, mọi ước muốn chỉ qui hướng về Chúa. Vì thế tâm hồn cậu là một trong những tâm hồn thấm nhuần hồng ân Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể dạy con trẻ đơn sơ ấy biết cầu nguyện…” Nhưng một điểm nổi nhất trong tâm hồn thánh thiện của Lui là lòng sùng kính Trinh Nữ Maria.
Mùa thu năm 1685, Lui được gửi học tại trường thánh Tôma là trường do các cha Dòng Tên sáng lập và điều khiển. Cậu học cần mẫn và luôn đứng đầu lớp. Đi đôi với sức học là tính đơn sơ vui vẻ và dễ thông cảm của cậu. Lòng sùng kính Đức Mẹ càng ngày càng phát triển rõ rệt; Lui thích đọc sách nói về Đức Mẹ mà cậu gọi là “Bà chủ các tâm hồn”. Với Đức Mẹ, cậu đã học ở Phúc âm tinh thần bác ái chân thực. Việc đứng ra tổ chức lạc quyên giúp một bạn nghèo cùng lớp là một trong những bằng chứng nói lên lửa bác ái hằng nung nấu tâm hồn cậu.
Cũng nhờ ánh sáng Phúc âm và ơn phù trợ của Đức Mẹ, Lui đã tìm được ơn gọi làm linh mục cho Chúa, cho Mẹ và cho các linh hồn. Năm 1692, Lui mãn khóa triết học trường thánh Tôma. Dù nhận biết rõ ơn gọi, nhưng người thanh niên ấy không khỏi phân vân lo ngại vì kinh tế gia đình eo hẹp. Lui yên lặng cầu nguyện mặc cho Chúa lo liệu… Chúa đã dun rủi cho một thiếu phụ thuộc xứ Xuân bích, cô Montigi nhận chịu mọi phí tổn cho Lui vào học tại đại chủng viện Xuân-bích. Sau một ngày đường thấm mệt, Lui được cha Giám đốc đón nhận với điều kiện phải giúp việc thêm trong nhà để thay học phí. Dù phải học nhiều, công việc lại có phần vất vả, thầy Lui vẫn vui vẻ. Thầy sống hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Quan phòng và Đức Trinh Nữ “bản mệnh”. Vì sớm cảm nhận đời sống thánh thiện và khả năng học vấn của thầy, mùa thu năm sau, bề trên đã gọi thầy chịu bốn chức nhỏ. Sau đó bề trên lại đổi thầy đi Montaigu. Tại đây thầy bị bêïnh sốt rét và phải đi tĩnh dưỡng lâu ngày tại “dưỡng đường Thiên Chúa”. Thời gian chịu bệnh cũng là thời gian thầy Lui tỏ ra cho mọi người, nhất là các vị bề trên, thấy rõ chí khí sắt đá và lòng mến yêu đến cực độ của thầy đối với Thiên Chúa và Mẹ Maria. Vì thế sau ngày rời khỏi bệnh viện, mùa xuân năm 1695, thầy được Đức Giám mục thành Nantes chính thức nhận vào hội Xuân-bích. Hân hoan như nai khát gặp nước trong, thầy Lui cố gắng sống những năm thần học thánh thiện. Và ngày 5-6-1700 là ngày hạnh phúc nhất đời thầy: thầy thụ phong linh mục và làm lễ mở tay tại bàn thờ Đức Mẹ Đồng Trinh tại thánh đường Xuân-bích. Ghi lại ngày chịu chức thánh và lễ đầu tay của cha Mônpho, cha Blain phải nghẹn bút chỉ còn viết lại được ba lần câu: “Đó là một thiên thần trên bàn thánh”.
Nhưng giờ hạnh phúc nhất, giờ thụ phong linh mục và làm lễ mở tay dưới cặp mắt Mẹ hiền, cũng là giờ mở màn 16 năm truyền giáo của cha Mônpho. Biết Chúa Quan phòng không muốn cha đưa bước đến những nơi truyền giáo xa xăm, mà ngay từ thiếu thời cha vẫn mong ước được tới, như Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ Châu v.v... cha đành vâng lệnh bề trên về coi giáo đường thánh Clêmentê tại Pictaria. Cha biến Pictaria thành trung tâm truyền giáo, mở rộng vương quyền Chúa Giêsu trong các tâm hồn nhờ Mẹ Maria.
Cha làm việc không biết mệt. Suốt ngày hết giờ này đến giờ khác cha liên tiếp dạy đạo lý, tập hát và điều động các hội đoàn. Để việc truyền giáo được phát triển sâu rộng và có nhiều kết quả, cha đã lập nhiều hội đoàn, huấn luyện nhiều cán bộ xuất sắc đủ năng lực làm việc tông đồ giáo dân. Đoàn thể nổi tiếng hơn cả là hội các Trinh nữ. Hội dành riêng cho các thanh thiếu nữ mà điều kiện gia nhập là phải khấn giữ mình trinh khiết trong thời gian ít nhất là một hay hai ba năm. Hội đã cung cấp nhiều hội viên cho các dòng, nhất là dòng “Con cái Đấng khôn ngoan”. Từ hội Trinh nữ lại nẩy ra chi nhánh khác gồm những phần tử trung kiên mang danh là “Hội đền tạ”. Hơn thế, cha còn cộng tác với cha Poullat des Places lập hội “Anh em Chúa Thánh Thần” với mục đích huấn luyện các chủng sinh thành những linh mục làm chiến sĩ của Đức Mẹ sau này. Với bầu nhiệt tông đồ và lòng yêu mến Đức Mẹ, chính cha còn sáng lập dòng “Thừa sai Đức Mẹ”.
Quả thế, ngay năm đầu tiên đời truyền giáo, cha Mônpho đã ôm ấp nguyện vọng lập dòng “Linh mục thừa sai của Mẹ”. Nguyện vọng ấy cha đã bày tỏ với cha linh hướng của cha như sau: “… Lạy cha, con tha thiết xin Chúa và Đức Mẹ cho con đủ sức lập hội dòng linh mục khó khăn và thánh thiện, luôn hăng hái chiến đấu dưới bóng cờ Trinh Nữ Maria…” Sau bao năm vất vả và cầu nguyện, ý nguyện của cha đã được Thiên Chúa và Mẹ chuẩn nhận: ngày 28-04-1716 dòng ra đời với bảy thầy và hai linh mục. Tinh thần và hoạt động căn bản của dòng là cổ động phong trào “nô lệ Mẹ” với khẩu hiệu “Nhờ Mẹ đến với Chúa” và “Nước Mẹ trị đến để nước Chúa vinh quang”.
Thêm vào ước vọng lập dòng “Linh mục thừa sai của Mẹ”, cha Mônpho còn kiên chí xin Chúa và Đức Mẹ giúp đỡ để lập một dòng nữ nữa là “Dòng con cái Đấng khôn ngoan”. Thực ra cha Mônpho đã gieo giống ngay từ khi bước chân về Pictaria; và cha phải đợi cho đến ngày 02-02-1703 mới tìm được một “cột trụ” đầu tiên cho dòng mới, đó là cô Lui Trichet. Cô đã được cha trao áo dòng và đặt tên là Maria Luisa Giêsu. Bông hoa thứ hai của dòng là cô Catarina Brunet, một thiếu nữ đạo đức trong hội Trinh nữ mà cha đã lập tại bệnh viện Pictaria. Hợp ý với vị sáng lập, hai chị dòng mới này vững tâm cầu nguyện xin Chúa tăng đông số con cái của Chúa, nếu Chúa muốn. Sau 13 năm mong chờ, ngày 20-8-1715 nhờ sự huấn luyện chu đáo của chị Maria Luisa Giêsu, cha Mônpho đã sung sướng nhận lời hứa và trao áo dòng cho một số đông các chị em. Thế là Chúa đã nhận lời cầu xin của cha Mônpho và các con cái ngài. Chị em dòng “Con cái Đấng khôn ngoan” đã chính thức ra mắt sau một tuần tĩnh tâm lĩnh ơn Chúa Thánh Linh và sức hộ vực của Đức Trinh Nữ Maria. Tinh thần của dòng thu gọn trong câu “Tất cả nhờ Mẹ đến với Chúa”. Với tinh thần ấy các chị lĩnh sứ mạng giáo dục thiếu nhi, thăm nom người nghèo khổ, coi sóc các bệnh nhân, và nhất là tôn sùng Thánh Thể và Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Những hoạt động truyền giáo ấy, những hy vọng lập dòng kia phải chăng là hiệu quả của ngọn lửa say mến Mẹ Đồng Trinh mà cha Mônpho đã từng ôm ấp? Phải, đúng như lời cha thường nói: “Tất cả nhờ Mẹ, nhờ Mẹ để làm chiến sĩ của Chúa Kitô”. Hiểu rõ như thế, cha đã tìm mọi cách huấn luyện cho đoàn con nam nữ mặc lấy tinh thần của Mẹ; cha đã rao giảng rất nhiều về kinh Mân Côi. Người ta đã có lý khi tán dương cha là Đaminh thứ hai của tràng Mân Côi. Hơn thế cha đã phát động nhiều phong trào: Tôn Vương, Tận hiến và Nô lệ tình yêu. Lòng yêu mến Mẹ đã ăn sâu vào tâm hồn cha ngay từ khi cha còn là một chủng sinh, tình yêu đó hằng nung nấu tâm can cha khiến nhiều lần cha phải thốt ra: “Ôi! Bao giờ, hạnh phúc ấy mới đến, giờ Mẹ Thiên Chúa được làm chủ, làm Nữ Vương mọi tâm hồn, mọi con tim”. Ý nghĩa việc tôn vương cũng như đường lối tận hiến và học thuyết nô lệ tình yêu Mẹ ấy, cha đã khéo ghi lại trong cuốn sách: Thành thực sùng kính Mẹ, và Bí mật Mẹ Maria. Hai cuốn sách này đã mang tinh thần yêu Mẹ của cha Mônpho đến cho mọi dân tộc, mọi tâm hồn. Những học thuyết Thánh mẫu ấy ra đời thật như những thanh củi khô làm cháy mạnh ngọn lửa yêu của Mẹ trong tâm hồn các tín hữu.
Càng yêu Chúa và mến Mẹ, cha Mônpho càng dễ thông cảm với lớp người xấu số. Cha hằng lưu tâm giúp đỡ họ cả về tinh thần lẫn vật chất. Còn gì tỏ tình yêu hơn cho bằng việc cha quì xuống hôn các vết thương của họ rồi lau nhẹ nhàng. Cha yên ủi họ bằng lời nói, bằng chính đời sống, nhất là bằng cách mang Chúa và Mẹ đến cho họ. Nối tiếp bước đường của cha là đoàn con đông đảo của hai dòng tu và các hội đoàn cha đã sáng lập với chủ đích thăm nom và yên ủi lớp người xấu số đó.
Con tim dễ thông cảm và tế nhị của cha như đã đòi được Chúa ban phép lạ cứu chữa nhiều người bệnh tật. Phải chăng đó cũng là những hồng ân Chúa muốn tán thưởng cha ngay khi còn ở trần thế. Mùa thu năm 1713 tại Rochelle cha đã đặt tay lên trán một hài nhi gần chết, làm dấu Thánh giá và cứu em khỏi bệnh. Cũng tại đây, năm 1708, cha đã chữa thầy giáo Phêrô khỏi cơn trọng bệnh. Nhưng yên ủi cho cha hơn cả là những lần được hạnh phúc đàm đạo với Đức Trinh Nữ Maria. Vì lòng khiêm nhường, cha Mônpho muốn giữ kín, nhưng Chúa lại muốn tỏ cho mọi người biết. Năm 1708, một thiếu phụ thành Năng (Nantes) đã trông thấy cha Mônpho đang đi dạo và nói truyện với một Bà trắng và sáng chói. Rồi từ ngày 05-04-1716, một thanh niên đạo đức lại được diễm phúc thấy cha quỳ đàm đạo với một Trinh Nữ; chàng thanh niên đã hỏi cha và cha đáp: “Cha nói truyện với Trinh Nữ Maria, Mẹ hiền của cha”.
Đọc biết những thành công truyền giáo và những hồng ân đặc biệt Chúa đã ban cho cha Mônpho, chúng ta đừng vội tưởng đời cha hoàn toàn sung sướng, luôn đi trên hoa và nhung lụa đâu. Chúa cũng không muốn đặt cha ra ngoài công luật “lửa thử vàng gian nan thử đức”. Quả thế, đời truyền giáo của cha là đời tận hiến, nghĩa là đời tử nạn. Cha thiếu thốn đủ thứ, mọi phương tiện. Nếu có những người nghe theo và ủng hộ cha thì cũng không thiếu những người phản đối cha. Họ đả đảo cha và cho cha là điên dai, là “lạc đạo”. Chính vì nhiều lần bị tấn công phũ phàng trong năm 1709 mà cha đã phải sang tận Rôma trình bày tự sự với Đấng đại diện Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI đã âu yếm yên ủi và khuyến khích cha. Trước khi từ biệt người con, Đức Thánh Cha còn tặng cha danh hiệu “Giáo sĩ thừa sai”. Địch thủ mạnh nhất chống đối cha là phái Giăngsêniô, cha đã dùng tài lợi khẩu, nhất là đời sống ăn chay cầu nguyện để chiến đấu với họ hầu bảo vệ chân lý đức tin. Sau cùng người chiến sĩ của Mẹ đã lĩnh phần thắng với danh hiệu “búa sắt đập tan phái Giăngsêniô”.
Nhìn thấy trước những đau khổ ấy, cha Mônpho đã sớm nhận lấy thánh giá làm khí giới chiến đấu độc nhất. Với thánh giá và vì thánh giá, cha đã tha thứ cho những tên lính mưu toan sát hại cha tại Rochelle, những người thuộc phái Canvanh muốn đầu độc cha và cả một “bà lớn” đã dám vác gậy đánh cha vì đã nói phạm đến tính nết cô con gái của bà… Cha đã lập nhiều hội, với mục đích phổ biến tinh thần “khổ giá” trong đời sống tông đồ, thực không quá đáng lời người ta mến tặng cha “con người của thánh giá”.
Vào năm 1716, cha đến giảng tuần đại phúc tại Năng (Nantes) nhưng mới sau bài giảng khai mạc cha ngã bệnh. Dù bệnh liệt giường cha vẫn không ngừng làm việc, nhất là cầu nguyện và đọc Kinh thánh. Cha chịu bệnh vừa được một tuần thì ngày 28-04-1716, Chúa đã cất cha về giữa lời kinh của đoàn con đông đúc. Lễ an táng cha cử hành rất trọng thể. Xác cha được đặt dưới bàn thờ Đức Mẹ, các giáo hữu thi nhau đến cầu nguyện. Họ coi cha như một vị thánh. Nơi đây Chúa đã làm nhiều phép lạ vì lời bầu cử của cha thánh. Bên cạnh mồ của cha, người ta dựng một bia đá khắc bài tán dương sự nghiệp của cha, tóm tắt như sau: “Đối với cha, chết là bắt đầu sống”. Quả thế, hợp theo lòng sùng kính chân thành của giáo dân, mỗi ngày một lên cao, ngày 07-09-1838, Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI đã tôn cha lên bậc Đáng kính. Tiếp đó, ngày 29-01-1888, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII lại nâng cha lên bặc Chân phúc. Và sau cùng, ngày 20-07-1947, ngày vinh hiển nhất của cha Mônpho, Đức Piô XII tôn cha lên bậc Hiển thánh.
Cha Mônpho quả là một trong những tảng đá kiên cố nhất của nền lâu đài học thuyết Thánh Mẫu, thế kỷ XX. Ước gì chúng ta hãy theo gương thánh nhân mà nuôi lòng sùng kính nhiệt thành đối với Đức Mẹ để rồi nhờ Mẹ chúng ta đến với Chúa.
-o0o-
THÁNH PHÊRÔ CHANEL LINH MỤC
(1803-1841)
Phêrô Chanel sinh ngày 12-7-1803 tại Cuet. Hồi nhỏ, Phêrô Chanel chăn chiên quanh vùng Belley. Một linh mục chú ý tới ngài, lo dậy dỗ và đưa ngài vào chủng viện Brou. Ngày 15-7-1827 ngài được thụ phong linh mục. Trước hết ngài được bổ nhiệm làm phó xứ Ambère, sau đó làm cha sở Crozet. Năm 1831, ngài nhập hội dòng Maria và đi truyền giáo ở Châu úc.
Thánh nhân tới đảo Futuna với cha Maria Nizier, tại hòn đảo hoang vẫn còn tập tục ăn thịt người này, ngài đã dốc toàn lực mở mang nước Chúa. Một tu sĩ phụ tá luôn sát cánh với nhà truyền giáo đã kể lại như sau:
“Làm việc dưới sức nóng nung của ánh sáng mặt trời, ngài trở về nhà ướt đẫm mồ hôi, đói khát, nhọc mệt, nhưng vẫn vui tươi nhanh nhẹn, tâm hồn sảng khoái như vừa trở về từ một nơi hạnh phúc. Đây không phải chỉ có một lần mà dường như ngày nào cũng vậy”.
“Ngài không từ chối người dân Futuna điều gì cả. Đối với những ai bắt bớ ngài, ngài luôn luôn tha thứ và không khước từ họ, dù cho họ có dốt nát hủ lậu đi nữa. Ngài luôn hiền dịu đối với mọi người”.
Thật không lạ lùng gì khi dân chúng gọi ngài là “người phúc hậu”. Chính ngài đã thường nói với các bạn:
- “Trong cuộc truyền giáo khó khăn thế này, chúng ta phải thánh thiện mới được”.
Rao giảng Chúa Kitô và Phúc âm, ngài đã chỉ nhận được những kết quả nhỏ nhoi. Dầu vậy, ngài cũng xác quyết rằng việc truyền giáo là việc của loài người và đồng thời cũng là của Thiên Chúa nữa. Gương và lời Chúa đã nói: “Người lo gieo và kẻ khác sẽ gặt”, nên thánh nhân luôn nỗ lực rao giảng giáo lý Kitô giáo và chống lại việc sùng bái của các thần dữ. Nhiệt tình của ngài đã gây nên nhiều ghen ghét đe dọa tới chính mạng sống ngài. Hôm trước ngày qua đời thánh nhân còn nói:
“Kitô giáo được gieo trồng trên đảo sẽ không bị tiêu diệt với cái chết của tôi, vì đây không phải là việc của loài người mà là của Thiên Chúa.
Ngày 28-4-1841, thánh Phêrô Chanel bị sát hại. Nhưng ít lâu sau toàn thể dân đảo Futuna đã trở lại đạo công giáo, đức tin từ Futuna lấn sang các đảo lân cận ở Châu Úc và thánh Phêrô Chanel được tôn kính như một vị tử đạo tiên khởi.
Nguồn:http://tinmung.net/CACTHANH/HanhCacThanh/Thang04/Ngay28.htm