(Chia sẻ với các nữ tu dòng Kín Phú Cường)
Ta không biết gì về việc Chúa rước Đức Mẹ hay Đức Mẹ rời cuộc sống trần gian bằng cách thức nào. Chỉ có một văn bản ngụy thư “Đức Mẹ đi vào giấc ngủ” (Mary’s Dormition), thế kỷ thứ V, cho biết, những giây phút cuối đời của Đức Mẹ, khi các tông đồ vây quanh để cầu nguyện thì Chúa Kitô đến đưa Đức Mẹ về Thiên Đàng. Dù sao truyền thống của Hội Thánh và một vài hình ảnh mà nhiều bản văn Kinh Thánh gợi lên, củng cố cho đức tin của chúng ta trong việc nhìn nhận Người Mẹ Thật của chúng ta đã tiên phong hưởng hạnh phúc cả hồn lẫn xác.
I. TRUYỀN THỐNG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH.
Niềm tin Đức Mẹ được triệu hồi cả hồn lẫn xác về trời bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của Hội Thánh. Đến thế kỷ VI, Hội Thánh phương đông đã sớm cử hành lễ Đức Mẹ Đi Vào Giấc Ngủ vào khoảng giữa tháng giêng. Sau này, hoàng đế Maurice (582-602) xác định dứt khoát lễ nay cử hàng ngày 15 tháng 8.
Với lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, Đức Giáo hoàng Theodore (642-649) đã muốn thiết lập lễ này cho nghi lễ Rôma ngay thế kỷ sau đó, thế kỷ thứ VII. Năm 813, Công Đồng Mayence truyền cho toàn Châu Âu cử hành lễ này với tên gọi là Lễ Mông Triệu (Thiên Chúa triệu hồi Đức Mẹ về trời), chính thức nhìn nhận cách mặc nhiên Đức Mẹ được triệu hồi về trời.
Đến năm 1854, sau khi đức Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì phong trào sùng kính Đức Mẹ vốn đã mạnh mẽ từ lâu trong Hội Thánh, nay như được dịp khuấy động dữ dội hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy một trăm năm sau, tính đến năm 1945, khắp thế giới có khoảng tám triệu thỉnh nguyện thư của các tín hữu và khoảng gần 100. 000 thỉnh nguyện thư khác đến từ các giám mục, linh mục, các tu sĩ, các nhà thần học xin Tòa Thánh chính thức xác định tín điều về Đức Bà Mông Triệu Thăng Thiên hay Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Trước những lời thỉnh cầu tha thiết ấy, để có thể quyết định một cách thận trọng nhất vấn đề đức tin quan trọng này, Đức Piô XII công bố Thông Điệp Deiparae Virginis để xin ý kiến Giám mục đoàn trên khắp thế giới. Thật lạ lùng, sau năm năm hỏi ý kiến, chỉ có sáu giám mục nghi ngờ về tính chất ‘mặc khải’ của việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Dù niềm tin Đức Mẹ hồn xác về trời đã có từ rất lâu trong truyền thống Hội Thánh, nhưng mãi đến ngày 1.11.1950, tức vào ngày lễ các thánh Nam Nữ, bằng một phán quyết long trọng: “Chúng tôi khẳng định, chúng tôi tuyên bố và chúng tôi minh định như một tín điều được Thiên Chúa mặc khải rằng Đức Maria Vô Nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian, đã được cất nhắc về vinh quang trên trời cả xác lẫn hồn” (tông hiến Munificentissimus Deus), Đức Piô XII đã công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đức Giáo hoàng đã không chọn ngày nào, lại chọn ngày lễ các thánh Nam Nữ để công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tôi thấy có một ý nghĩa lớn: Giữa hàng ngũ các thánh của Chúa, Đức Maria trổi vượt trên tất cả về sự thánh thiện và lòng yêu mến Chúa. Sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Mẹ đã mở đường cho Đức Mẹ đi tiên phong trước mọi thụ tạo, tiến về cùng Chúa, hưởng vinh quang nơi Chúa bằng toàn bộ con người, gồm cả xác lẫn hồn của Đức Mẹ.
II. VÀI HÌNH ẢNH GỢI Ý TRONG CÁC BẢN VĂN THÁNH KINH CỦA NGÀY LỄ.
Ta chú ý lời của Đức Maria trong Tin Mừng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47). Chính Đức Mẹ – Đức Mẹ chứ không phải bất cứ tập thể hay cá nhân nào, dù là Hội Thánh hay chúng ta – đã ca ngợi Chúa, ca ngợi lòng thương xót của Chúa. Đức Mẹ đã tuyên xưng hành động cứu độ của Chúa, và gọi Chúa là “Đấng Cứu độ tôi”.
Những chữ “Đấng Cứu độ tôi”, quả thật là lời quy hướng về Chúa. Đức Mẹ đã nhìn nhận, đã tin tưởng thực sự rằng: Chỉ có Chúa, chỉ trong Chúa, Đức Mẹ mới được vinh quang và hạnh phúc vô cùng như thế.
Lời ca ngợi quy hướng về Thiên Chúa của Đức Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”, còn được hỗ trợ bởi nhiều lời Kinh Thánh khác.
Chẳng hạn, lời thánh Phaolô trong bài đọc II: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của nhữn kẻ yên giấc…Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực” (1Cr 15, 20tt).
Đã từng có ai thuộc về Chúa Kitô như Đức Mẹ? Bởi thế, nếu Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, đã trở về trời cả hồn và xác, thì Đức Mẹ, người thuộc về hoa quả đầu mùa ấy một cách trọn vẹn, cũng được đưa về trời hồn xác, không có gì là điều khó hiểu. Bởi chính Đấng Cứu Độ đã thực thi ơn cứu độ trên khắp nhân loại, chắc chắn sẽ thực thi cách hoàn hảo nhất hành động cứu độ ấy trên chính người mẹ của mình.
Bài đọc I, trích sách Khải Huyền kết thúc: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta và uy quyền của Chúa Kitô của Người đã được thực hiện” (Kh 12, 10).
Đây là lời nhấn mạnh sự chiến thắng trong ơn cứu độ của Chúa Kitô. Chắc chắn như chúng ta, Đức Mẹ đã không thể làm gì ngoài sức mình. Nhưng Đức Mẹ biết dùng sức mình để chiến đấu trong ơn thánh Chúa. Đức Mẹ đã không sống hay làm một mình, nhưng phó thác đời mình cho Chúa, để nhờ Chúa mà Đức Mẹ chiến thắng.
Bởi Đức Mẹ tin chắc rằng, dù phải sống trong đau thương đến đâu, thậm chí nỗi đau đớn đến cùng cực như người mang thai “kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”, hay sự dữ ập đến hãi hùng như “con rồng đỏ khổng lồ” đang đe dọa dữ dội, thì sự cứu độ của Chúa và vương quyền của Chúa Kitô đã được thực hiện.
Mà sự cứu độ của Chúa đã được thực hiện, thì sự cứu độ ấy, chắc chắn bao trùm lên chính cuộc đời của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã sống và chiến đấu với mọi thử thách trong Chúa. Ơn cứu độ dành cho tất cả những ai kiên trì chiến đầu và chiến thắng. Ơn cứu độ ấy thật xứng đáng trước tiên dành cho Mẹ của Chúa Kitô, Người Nữ Chiến Thắng.
Điểm qua ba bài đọc, ta nhận ra: cùng đích của mọi ơn lành là chính Chúa Kitô. Bởi thế, dù là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng Hội Thánh lại mời gọi ta hướng về Thiên Chúa, hướng về Chúa Kitô. Bởi chỉ nhờ ơn cứu độ do Chúa Kitô thực hiện trong cuộc phục sinh vinh hiển của Người, theo ý Thiên Chúa, Đức Mẹ mới được đưa ra khỏi trần gian, được trọng thưởng đặc biệt hồn xác lên trời.
Bởi vậy, mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời là mừng sự nối kết gần gũi hết sức giữa niềm tin Mông Triệu của Đức Mẹ và niềm tin phục sinh của Chúa Kitô, người Con một yêu dấu của Đức Mẹ. Đó là sợi dây liên kết tất yếu giữa Mẹ và Con.
Bởi như Chúa đã phục sinh thế nào, thì Mẹ của Chúa cũng là người trước hết hưởng vinh quang phục sinh của Con mình thế ấy. Chúa đã không để Đức Mẹ chịu cảnh hư nát, vì Đức Mẹ là Mẹ của Chúa, Đấng Vĩnh Cửu. Vì vậy, chúng ta tôn vinh Đức Maria hồn xác lên trời, cũng đồng thời là lúc chúng ta tôn vinh mầu nhiệm phục sinh cao cả của Chúa Kitô.
Đức Mẹ đã về trời, đó là dấu chỉ hữu hiệu cho đức tin của ta: Tương lai không còn là điều đáng ngại hay lo lắng, nhưng trở nên điều đáng quan tâm xây dựng, và cuộc sống này trở thành những ngày chuẩn bị cho tương lai ấy.
Chúng ta chuẩn bị bằng cách bắt chước Đức Mẹ sống lành thánh trong tin yêu, sống niềm phó thác tuyệt đối trong tay Chúa, biết lắng nghe, thực thi Lời Chúa, sống tư cách làm con Chúa trong đời sống bác ái với anh chị em. Nhất là với những người từng giờ, từng phút chia sẻ cuộc sống thánh hiến với chúng ta…
Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ để thấy rằng, Đức Mẹ dù là người Nữ Chiến Thắng, người Nữ Vinh Quang với triều thiên sao sáng, nhưng bị vây bủa đầy chông gai, thử thách.
Nhìn lên Đức Mẹ như thế, để nhận ra chính mình mà vững niềm cậy trông. Bởi chúng ta cũng phải cam chịu nhiều thử thách.
Vinh quang chỉ có thể lớn lên từ trong thử thách mà thôi.
III. NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ: SỐNG ĐỨC TIN TRỌN VẸN.
Chúng ta đang sống trong năm Đức Tin. Một lần nữa, chúng ta lại nói với nhau về đức tin, để nhận diện lại khuôn mặt của đức tin trong chúng ta, nhằm có thể dâng hiến lên Thiên Chúa một đức tin lấp lánh, khả dĩ cầu mong đẹp lòng Chúa, cầu mong Chúa thương tặng ban phúc lành của Người dồi dào trên chúng ta.
Nhưng không chỉ nói về đức tin, mà phải là một đức tin trọn vẹn như Đức Mẹ. Ước mong trong dịp mừng lễ Đức Mẹ được triệu hồi cả hồn và xác về trời, chúng ta cũng được Chúa ban thêm đức tin, để cũng được tin một cách trọn vẹn như Đức Mẹ. Và càng ước mong nhiều hơn, nhờ đức tin trọn vẹn, qua một đời làm người, nhất là làm người sống ơn gọi tu trì, chúng ta sẽ được Chúa đưa về trời hưởng cuộc sống vững bền, quý báu.
Tin trọn vẹn vào Chúa. Đó là nhân đức thứ nhất mà ta có thể nhận ra nơi Đức Mẹ. Đức Mẹ tin Chúa ngay cả những lúc biến động nhất, đen tối nhất, thất vọng nhất. Đức Mẹ tin Chúa ngay cả khi xem ra như không còn gì để tin. Đức Mẹ đã ngã mình vào tay Chúa, để mặc Chúa dắt dìu, đưa lối và chủ động tất cả trong suốt hành trình dương thế của Người.
Như Đức Mẹ, và để tỏ lòng thảo hiếu với Đức Mẹ, Chúng ta cũng phải có lòng tin trọn vẹn. Thư gởi tín hữu Do thái dạy: “Chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền” (Dt 10,22).
Như vậy, bằng một đức tin trọn vẹn, chúng ta sẽ được giải thoát, được cứu chữa, được thứ tha, đến nỗi lương tâm được tẩy sạch, và thân xác được tinh tuyền.
Đức Mẹ, một khi đã tin tưởng vào Chúa, thì bằng chính đức tin sáng ngời ấy, Người đã được giữ gìn, đã được thánh hóa đến mức hoàn hảo, đến mức trắng trong. Đức tin trọn vẹn đã đưa Đức Mẹ đến gần Chúa, đến với ơn thánh hóa lớn lao của Chúa.
Cũng vậy, thánh Phêrô khuyên hãy lấy đức tin mạnh mẽ mà chống lại ma quỷ là kẻ tìm đủ cách để tiêu diệt đức tin của chúng ta : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (Pr 5,8-9).
Cùng bàn về đức tin, thánh Gioan tông đồ khuyên các tín hữu đầu tiên trong Hội Thánh hãy tin thật trong lòng: “Ai tin Con Thiên Chúa, kẻ đó phải mang lời chứng ấy trong lòng mình” (1 Ga 5,10).
Có lòng tin, ta sẽ đủ mạnh chống lại ma quỷ, tránh xa tội lỗi, và ngày càng lớn lên trong ân sủng Chúa. Một lòng tin mạnh mẽ đã kết hợp Đức Mẹ với Chúa Giêsu thế nào, thì chúng ta, khi sống lòng tin ấy, cũng sẽ nên một với Chúa như thế. Được kết hợp với Chúa chính là sức mạnh vô cùng của loài người chúng ta, nhằm chống lại sự dữ, chống lại cám dỗ, chống lại ba thù.
Đức tin sẽ giúp chúng ta can đảm và bền đổ đến cùng trong ơn gọi theo Chúa của mình. Chúa Giêsu khuyên hãy chọn đứng về phía đức tin, để mãi mãi đời ta được bảo đảm, được bao bọc bởi phần rỗi cao cả đời đời, chứ không phải chỉ là những sự chóng qua ở đời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn đời đời, nào được ích lợi gì?” (Mc 8,36).
Tác giả Thư Do Thái cũng khuyên hãy sống bền đổ trong đức tin cho đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc: “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10,39).
Nhìn về Đức Mẹ, chúng ta an tâm khi đặt trọn đức tin của mình vào Chúa. Bởi Đức Mẹ là hình ảnh báo trước, là mẫu mực cho tất cả những ai tin vào Chúa, mà Chúa đã đặt để như tấm bia, như vách núi sừng sững báo trước sự trung thành trong lời hứa và sự trả công cho tất cả những ai dám đặt đời mình trong tay Chúa.
Nói cách khác, qua Đức Mẹ, Chúa ngỏ lời với chúng ta rằng: Những người tin trọn vẹn vào Chúa, sẽ được Chúa trọng hậu, yêu mến và dành một chỗ đứng cao sang trong đời vĩnh cửu. Bởi Đức Mẹ đã đạt được sự toàn mỹ, chúng ta cũng sẽ chạm đến sự toàn mỹ ấy, khi vững vàng tin vào Chúa.
Nhưng lòng tin trọn vẹn cũng đòi phải tuyên xưng ra bên ngoài. Chúa Giêsu nói rõ: “Ai chấp nhận Thầy trước mặt người đời, Thầy sẽ chấp nhận kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng sẽ chối kẻ đó trước mặt Cha Thầy ở trên trời ” (Mt 10,32-33 ).
Thánh Phaolô quả quyết với tín hữu Rôma: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Thánh nhân còn căn dặn giám mục Timôthê: “Con hãy sống gương mẫu về đức tin” (1 Tm 4,12).
Sống đức tin trọn vẹn còn đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau bênh vực đức tin. Thánh Phaolô mong ước tín hữu Philiphê hiệp nhất với nhau để bênh vực đức tin: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban” (Pl 1,27-28).
Tắt một lời, đức tin là cánh cửa đầu tiên mở ra cho đời Kitô hữu của chúng ta đi gặp Đấng Cứu Độ mình. Hơn ai hết, những Kitô hữu sống ơn gọi tu trì như từng người đang hiện diện đây, cần phải có đức tin mạnh mẽ, đức tin kiên cường, đức tin vượt thắng, đức tin say sưa trong yêu thương, đức tin điên cuồng trong từng hoàn cảnh cho dù đau khổ hay hạnh phúc…
Đức Mẹ như vầng dương chiếu soi cho cuộc đời chúng ta. Mạnh dạn sống như Đức Mẹ đã sống, mạnh dạn tin trọn vẹn như Đức Mẹ đã tin, chúng ta không sợ lạc lối.
Đức Mẹ là khuôn mẫu của lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa của chúng ta. Rập khuôn theo Đức Mẹ chúng ta yên lòng, vì chắc chắn khuôn mẫu ấy chiếm được lòng yêu mến của Chúa.
Chúa không chỉ đón nhận Đức Mẹ, mà là đón nhận một cách triều mến tác phẩm xinh đẹp của Chúa. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta tin chắc rằng, chúng ta cũng là tuyệt phẩm trong tay Chúa như Đức Mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ công nghiệp của Đức Mẹ, xin thánh hóa toàn bộ cuộc đời chúng con, để chúng con cùng được như Đức Mẹ, xứng đáng lãnh lấy phần thưởng đời đời trên thiên quốc. Amen.
Tân Thạnh Đông ngày 13.8.2013
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
Tác giả: Lm JB Nguyễn Minh Hùng
Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=11563