THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN - LUMEN FIDEI - CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ THÁNH HIẾN VÀ TÍN HỮU GIÁO DÂN VỀ ĐỨC TIN
1. Ánh sáng đức tin (Lumen Fidei): qua cách diễn tản này, truyền thống của Hội Thánh nói về hồng ân cả thể mà Chúa Giêsu mang lại. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Kitô nói về chính mình rằng: “Tôi, là ánh sáng, Tôi đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12:46). Thánh Phaolô cũng đưa ra những lời dưới đây: “Thiên Chúa là Đấng đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm,’ cũng là Đấng làm cho ánh sáng chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2 Cor 4:6). Trong thế giới ngoại giáo, là thế giới khao khát ánh sáng, đã có sự phát triển của nghi tế thờ thần mặt trời, Sol Invictus, được cầu khẩn mỗi ngày vào lúc mặt trời mọc. Tuy nhiên, nếu mặt trời mọc lên mỗi buổi sáng, thì người ta hiểu rõ ràng rằng nó không có khả năng chiếu ánh sáng của nó trên đời sống của toàn thể con người. Thực ra, mặt trời không soi sáng mọi thực tại; tia sáng của nó không thể chiếu xuyên qua bóng tối sự chết, nơi đôi mắt của con người nhắm lại đối với ánh sáng của nó. Thánh Gustinô Tử Đạo viết “Có ai đã từng tìm thấy một người muốn chết để làm chứng cho đức tin vào mặt trời của mình chưa?” [1] Ý thức được chân trời bao la mà đức tin mở ra trước họ, các Kitô hữu gọi Đức Kitô là mặt trời thực sự “mà những tia sáng của Người ban sự sống.” [2] Đối với bà Martha, đã khóc vì cái chết của em trai mình là Ladarô, Chúa Giêsu nói: “Thầy đã chẳng nói với con rằng nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11:40). Hãy xem, người nào tin; người ấy thấy một ánh sáng soi sáng toàn thể cuộc hành trình của mình, bởi vì ánh sáng ấy đến từ Đức Kitô Phục Sinh, sao mai không bao giờ lặn.
Một ánh sáng hão huyền?
2. Tuy nhiên, khi nói về ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy sự phản đối của nhiều người đương thời với mình. Trong thời hiện đại, người ta nghĩ rằng ánh sáng ấy có thể đủ cho các xã hội cũ, nhưng không còn ích lợi gì cho thời đại mới, bởi vì con người đã trưởng thành, tự hào về lý trí của mình, và muốn khám phá tương lai bằng những cách mới lạ. Theo nghĩa này, đức tin đã xuất hiện như một ánh sáng hão huyền, cản đường nhân loại trong việc táo bạo vun trồng kiến thức. Nietzsche khi còn trẻ khuyến khích em gái là Elisabeth chấp nhận rủi ro, để bước đi “con đường mới ... với tất cả sự không chắc chắn của một người phải tìm con đường riêng của mình”, và thêm rằng “đây là nơi mà con đường của nhân loại rẽ đôi: nếu em muốn an bình và hạnh phúc của tâm hồn, thì hãy tin, nhưng nếu em muốn trở thành một môn đồ của chân lý, thì hãy tìm kiếm.” [3] Việc làm của đức tin trái ngược với việc làm của tìm kiếm. Từ điểm khởi đầu này, Nietzsche đã đổ lỗi cho Kitô giáo là đã làm giảm ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống con người và tước đoạt khỏi cuộc sống sự mới lạ và phiêu lưu. Như vậy đức tin như một ảo ảnh của ánh sáng, một ảo ảnh ngăn chặn con đường tiến về tương lai của những con ngươi tự do chúng ta.
3. Trong tiến trình này, đức tin đã có liên hệ với bóng tối. Người ta đã nghĩ rằng có thể bảo vệ nó, tìm một chỗ cho nó để nó cùng tồn tại với ánh sáng của lý trí. Không gian cho đức tin mở ra cho những nơi mà ánh sáng của lý trí không thể làm rõ, những nơi mà con người không còn có thể có sự chắc chắn. Như thế, đức tin được hiểu hoặc như một bước nhảy vọt trong chân không, mà chúng ta thực hiện trong trường hợp không có ánh sáng, được điều khiển bởi cảm giác mù quáng, hoặc như một ánh sáng chủ quan, có thể có khả năng sưởi ấm tâm hồn và mang lại niềm an ủi cá nhân, nhưng không thể đề nghị cho người khác như ánh sáng khách quan và cộng đồng để chiếu sáng con đường. Tuy nhiên, từ từ, người ta thấy rằng ánh sáng của lý trí tự nó không đủ để soi sáng tương lai; cuối cùng tương lai vẫn còn trong bóng tối và đặt con người trong vòng sợ hãi về những điều họ không biết rõ. Kết quả là con người từ bỏ việc tìm kiếm một ánh sáng vĩ đại, là một Chân Lý Cao Cả, để hài lòng với những ánh sáng bé nhỏ là những ánh sáng soi sáng những gì thoáng qua, nhưng được chứng tỏ là không có khả năng chứng minh chỉ đường. Tuy nhiên, khi vắng bóng ánh sáng, tất cả mọi sự trở nên mơ hồ, chúng ta không thể phân biệt được tốt xấu, được con đường dẫn đến cùng đích của mình và những con đường khác dẫn chúng ta đi vòng vo mà không đến đâu cả.
Một ánh sáng để tái khám phá
4. Như thế có một nhu cầu cấp bách để phục hồi căn tính đặc biệt của ánh sáng đức tin, vì khi ngọn lửa đức tin bị lụi tàn thì tất cả những ánh sáng khác bắt đầu lu mờ. Thực ra, ánh sáng đức tin có một căn tính độc đáo, vì nó có khả năng chiếu sáng tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người. Để có một ánh sáng cũng mạnh mẽ như thế, nó không thể đến từ chính chúng ta nhưng từ một nguồn nguyên thủy hơn, nó dứt khoát phải đến từ Thiên Chúa. Đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi chúng ta và mặc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài, một tình yêu đi trước chúng ta và trên đó chúng ta có thể dựa vào để được an toàn và để xây dựng cuộc đời chúng ta. Được biến đổi bởi tình yêu này, chúng ta nhận được đôi mắt mới, chúng ta cảm nhận rằng đó là một lời hứa cả thể về sự viên mãn và viễn tượng về tương lai đang mở ra trước mắt chúng ta. Đức tin mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, trở thành một ánh sáng cho con đường của chúng ta, hướng dẫn cuộc hành trình của chúng ta trong thời gian. Một đàng, đó là một ánh sáng đến từ quá khứ, là ánh sáng nền tảng tưởng niệm cuộc đời Chúa Giêsu, là cuộc đời tỏ lộ tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, có khả năng chiến thắng sự chết. Tuy nhiên, đồng thời vì Đức Kitô đã sống lại và kéo chúng ta ra khỏi cái chết, đức tin cũng là ánh sáng đến từ tương lai, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời rộng lớn hướng dẫn chúng ta thắng vượt “cái tôi” cô lập của mình hướng về sự phong phú của sự hiệp thông. Như vậy chúng ta hiểu rằng đức tin không ở trong bóng tối; nhưng là một ánh sáng chiếu soi bóng tối của chúng ta. Dante, sau khi tuyên xưng đức tin của mình cho Thánh Phêrô, đã diễn tả nó trong Bi Kịch về Thiên Chúa (La Divine Comédie) như một “tia lửa, mà sau đó trở thành một ngọn lửa cháy và chiếu sáng trong tôi như một ngôi sao trên trời.” [4] Chính ánh sáng của đức tin là điều mà tôi muốn nói đến, để nó có thể lớn lên và soi sáng hiện tại, cho đến khi trở thành một ngôi sao soi chiếu những chân trời của cuộc hành trình của chúng ta, vào một thời điểm mà nhân loại đặc biệt cần ánh sáng.
5. Trước cuộc khổ nạn, Chúa đảm bảo cùng Thánh Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất đức tin” (Lc 22:32). Sau đó Người đòi buộc ông phải “làm cho các anh em ông nên mạnh mẽ” trong cùng một đức tin. Ý thức về nhiệm vụ được trao phó cho người Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã muốn công bố Năm Đức Tin này, một thời gian ân sủng giúp chúng ta cảm nhận được niềm vui lớn lao của việc tin, phục hồi nhận thức về sự bao la của những chân trời mà đức tin mở ra, để tuyên xưng đức tin trong tính duy nhất và toàn vẹn của nó, trung thành với sự tưởng niệm về Chúa và được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Người cùng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Niềm xác tín phát sinh từ một đức tin mang lại cho cuộc sống sự cao cả và thành tựu, đặt trọng tâm vào Đức Kitô và vào quyền năng của ân sủng Người, đã sinh động hóa sứ vụ của các Kitô hữu tiên khởi. Trong Công Vụ của các vị tử đạo, chúng ta đọc cuộc đối thoại sau đây giữa quan giám sự Rôma Rusticô và Kitô hữu Hierax: Quan tòa hỏi vị tử vì đạo “Cha mẹ ngươi ở đâu?” ông trả lời: “Cha thật của chúng tôi là Đức Kitô, và mẹ chúng tôi là đức tin vào Người.” [5] Với những Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, như một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống được tỏ lộ trong Đức Kitô, là một “người mẹ”, vì nó đã mang lại cho họ ánh sáng và sinh ra trong họ sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới, một cái nhìn quang minh về cuộc đời mà họ đã chuẩn bị sẵn sàng để làm chứng cách công khai cho đến cùng.
6. Năm Đức Tin đã được bắt đầu vào dịp kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vaticanô II. Sự trùng hợp này cho phép chúng ta coi Công Đồng Vaticanô II như một Công Đồng về đức tin, [6] bởi vì nó đã mời gọi chúng ta đặt lại ở trung tâm trong cuộc sống Hội Thánh và cá nhân của mình, tính ưu việt của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thực ra, Hội Thánh không bao coi đức tin như điều đương nhiên, nhưng biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần phải được nuôi dưỡng và củng cố để nó có thể tiếp tục hướng dẫn con đường của mình. Công Đồng Vaticanô II làm cho ánh sáng đức tin có thể soi sáng kinh nghiệm nhân bản của chúng ta từ bên trong, trong khi cũng đồng hành trên những con đường của con người thời nay. Bằng cách này, nó cho thấy rõ ràng cách thức mà đức tin làm cho đời sống được phong phú trong mọi chiều kích của nó.
7. Những suy nghĩ về đức tin – tiếp nối tất cả những gì Huấn Quyền của Hội Thánh đã công bố về nhân đức đối thần này [7] – nhằm mục đích để thêm vào những gì mà Đức Bênêđictô XVI đã viết trong thông điệp của ngài về đức mến (đức ái) và về đức cậy (hy vọng). Ngài hầu như hoàn thành một dự thảo đầu tiên của một thông điệp về đức tin. Tôi nhìn nhận công ơn ngài một cách sâu xa, và trong tình huynh đệ của Đức Kitô, tôi tiếp tục công trình quý hóa này của ngài và thêm vào văn bản một vài đóng góp riêng của tôi. Người Kế Vị Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn luôn được mời gọi “củng cố anh em mình” trong kho tàng đức tin vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho như ánh sáng soi cuộc hành trình của mỗi người.
Trong đức tin, món quà của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình Yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để nó đồng hành với chúng ta. Trong một sự đan kết tuyệt vời, đức tin, đức cậy và đức mến tạo thành động lực của đời sống Kitô hữu hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường này mà đức tin mở ra trước mắt chúng ta thì thế nào? Ánh sáng mạnh mẽ này là ánh sáng cho phép chiếu soi cuộc hành trình của một cuộc đời thành công và sinh đầy hoa trái đến từ đâu?
-------------------------
[1] Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 121, 2: PG 6, 758.
[2] Clement of Alexandria, Protrepticus, IX: PG 8, 195.
[3] Brief an Elisabeth Nietzsche (11 June 1865), in: Werke in drei Bänden, München, 1954, 953ff.
[4] Paradiso XXIV, 145-147.
[5] Acta Sanctorum, Junii, I, 21.
[6] “Mặc dù Công đồng không nói rõ là bàn về đức tin, nhưng nói về đức tin trên mỗi trang, nó nhìn nhận việc sống đức tin, tính chất siêu nhiên của nó, giả định rằng nó đầy đủ và mạnh mẽ, và đặt giáo huấn của mình trên đó. Thật là đủ để nhắc lại những tuyê bố của Công đồng ... để thấy tầm quan trọng thiết yếu mà Công Đồng, theo truyền thống tín lý của Hội Thánh, được gán cho đức tin, đức tin chân chính, có nguồn trong Đức Kitô , và huấn quyền của Hội Thánh là những máng chuyển của nó “ (Phaolô VI, buổi triều yết chung [ngày 08 tháng ba năm 1967]: Insegnamenti V [1967], 705).
[7] X., Thí dụ, Công Đồng Vaticanô I, Hiến Chế Tín Lý về Đức Tin Công Giáo Dei Filius, Ch. 3: DS 3008-3020; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 5: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Số 153-165.
THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN - LUMEN FIDEI
CHƯƠNG MỘT: CHÚNG TA ĐÃ TIN VÀO TÌNH YÊU (x. 1 Ga 4:16)
Abraham, cha của chúng ta trong đức tin
8. Đức tin mở ra chúng ta con đường và cùng đi với những bước đường của chúng ta trong lịch sử. Do đó, nếu muốn hiểu đức tin là gì, chúng ta cần phải đi theo những con đường của nó, con đường của những người có đức tin, như đã được làm chứng trước hết trong Cựu Ước. Có một nơi đặc biệt thuộc về ông Abraham, cha của chúng ta trong đức tin. Trong cuộc đời của ông có một sự kiện làm đảo lộn tất cả: Thiên Chúa dùng Lời mà nói với ông, Ngài tự mặc khải như một Thiên Chúa duy nhất Đấng nói và gọi tên ông. Đức tin liên quan đến việc nghe. Ông Abraham không nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng nghe giọng nói của Ngài. Bằng cách này, đức tin có một tính cách cá nhân. Như vậy, Thiên Chúa rõ rằng không phải là Thiên Chúa của một nơi nào đó, hoặc một Thiên Chúa liên hệ với một thời điểm thiêng liêng nào đó, nhưng Thiên Chúa của một người, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, có khả năng tiếp xúc với con người và thiết lập một giao ước với họ. Đức tin là sự đáp trả của chúng ta với một Lời, là Lời chất vấn chúng ta một cách cá nhân, về một “Chúa”, Đấng gọi tên chúng ta.
9. Lời nói với ông Abraham này là một lời mời gọi và một lời hứa. Trước hết nó là một lời mời gọi ông rời bỏ mảnh đất của mình, một lời mời gọi mở lòng ra cho một cuộc sống mới, khởi đầu của một cuộc xuất hành dẫn ông về phía một tương lai không thể lường trước được. Viễn tượng mà đức tin cung cấp cho ông Abraham sẽ luôn luôn được nồi kết với sự cần thiết phải thực hiện bước tiến này: đức tin “nhìn thấy” ông đi đến đâu, chỗ ông bước vào vùng trời được mở ra bởi Lời Thiên Chúa. Lời này cũng chứa đựng một lời hứa: miêu duệ ngươi sẽ rất đông đúc, ngươi sẽ là cha của một dân vĩ đại (x. St 13:16; 15:5, 22:17). Thật đúng là một đáp trả với một Lời trước đó, đức tin của ông Abraham sẽ luôn luôn là một hành động tưởng nhớ. Tuy nhiên, sự tưởng nhớ này không đóng chặt trong quá khứ, nhưng vì là một tưởng nhớ về một lời hứa, nó trở nên có khả năng mở ra cho tương lai, soi sáng những bước đi dọc đường. Như vậy chúng ta thấy làm sao đức tin, như một sự tưởng nhớ đến tương lai, memoria futuri, lại liên hệ chặt chẽ với niềm hy vọng.
10. Thiên Chúa đòi ông Abraham phải tin tưởng vào Lời này. Đức tin hiểu rằng Lời - một thực thể rõ ràng là phù du và thoáng qua, khi được Thiên Chúa trung tín công bố -- lại trở nên hoàn toàn chắc chắn và không thể lay chuyển được, đảm bảo tính liên tục của cuộc hành trình của chúng ta trong thời gian. Đức tin đón nhận Lời này như đá tảng vững chắc, những nền tảng vững vàng mà trên đó chúng ta có thể xây dựng. Đó là lý do tại sao trong Thánh Kinh, đức tin được diễn tả bằng các từ Do Thái 'emûnāh, bắt nguồn từ động từ ‘amàn mà căn ngữ của nó có nghĩa là “nâng đỡ”. Thuật ngữ ‘emûnāh có thể có nghĩa là sự trung tín của Thiên Chúa mà còn có nghĩa là đức tin của con người. Con người có đức tin nhận được sức mạnh bằng cách phó thác mình trong bàn tay Thiên Chúa trung tín. Việc chơi chữ dựa trên ý nghĩa đôi của từ này - cũng được tìm thấy trong các từ ngữ tương tự trong tiếng Hy Lạp (pistos) và Latin (fidelis) - Thánh Cyrilô thành Giêrusalem ca tụng phẩm giá của Kitô hữu là người đón nhận chính danh của Thiên Chúa: cả hai đều được gọi là “trung tín” [8]. Như Thánh Augustinô giải thích: “Con người trung thành khi tin vào lời mà Thiên Chúa đã hứa, Thiên Chúa trung tín khi ban cho con người những gì mà Ngài đã hứa” [9].
11. Một suy nghĩ cuối cùng về lịch sử ông Abraham là điều quan trọng để hiểu đức tin của ông. Lời Thiên Chúa, trong tuy mang đến với nó sự mới mẻ và bất ngờ, nhưng không xa lạ gì với kinh nghiệm của Tổ Phụ. Trong giọng của Đấng nói với ông, ông Abraham nhận ra một lời mời gọi sâu xa, đã vĩnh viễn được khắc ghi trong tâm điểm của cuộc đời ông. Thiên Chúa liên kế lời hứa của Ngài với “nơi” mà cuộc sống con người đã luôn luôn tỏ ra đầy hứa hẹn: việc làm cha mẹ, việc sinh ra sự sống mới: “Sarah vợ ngươi sẽ sinh một con trai, và ngươi sẽ đặt tên nó là Isaac”(St 17:19). Thiên Chúa này, Đấng đòi ông Abraham phải hoàn toàn tin tưởng tỏ mình ra là nguồn gốc của toàn thể đời sống. Bằng cách này, đức tin liên hệ đến Phụ Tính của Thiên Chúa, mà từ đó phát sinh ra tạo vật: Thiên Chúa, Đấng gọi ông Abraham là Đấng Tạo Hóa, là Đấng “làm cho những điều không có thành có” (Rm 4:17), Đấng “đã chọn chúng ta trước khi tạo thành thế gian ... và tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử đối với Ngài” (Ep 1,4-5). Với ông Abraham, đức tin vào Thiên Chúa soi sáng những nguồn gốc sâu thẳm nhất của con người ông, cho phép ông nhận ra nguồn mạch của sự tốt lành, là nguồn gốc của tất cả mọi sự, và xác nhận rằng cuộc đời của ông không phát sinh từ nhưng không hoặc tình cờ, nhưng từ một ơn gọi và một tình yêu cá nhân. Thiên Chúa huyền nhiệm, Đấng đã gọi ông không phải là một Thiên Chúa xa lạ, nhưng là nguồn gốc của mọi sự và nâng đỡ tất cả. Cuộc thử thách lớn lao về đức tin của ông Abraham, việc hiến tế con trai ông là Isaac, cho thấy mức độ mà tình yêu nguyên thủy này có thể đảm bảo sự sống thậm chí vượt trên sự chết. Lời có thể làm sống lại một người con cho một thân xác là “như chết” và trong “lòng như đã chết” của bà Sarah son sẻ (x. Rm 4:19), Lời cũng có thể thực hiện lời hứa của Ngài về một tương lai vượt trên tất cả những đe dọa hoặc nguy hiểm (x. Dt11:19; Rm 4:21).
Đức Tin của dân Israel
12. Lịch sử của dân Israel, trong Sách Xuất Hành, theo chân đức tin của ông Abraham. Đức tin một lần nữa được sinh ra từ một hồng ân nguyên thủy: Dân Israel phó thác vào hành động của Thiên Chúa, Đấng muốn giải phóng họ khỏi cảnh đau khổ của họ. Đức tin được mời gọi vào một cuộc hành trình dài để có thể thờ phượng Chúa trên núi Sinai và thừa kế một đất hứa. Tình yêu Thiên Chúa có những đặc tính của một người cha bồng bế con mình dọc theo cuộc hành trình (x. Dt 1:31). Lời tuyên xưng đức tin của dân Israel được hình thành như một tường thuật kể lại những nghĩa cử của Thiên Chúa, về hành động của Ngài để giải phóng và hướng dẫn dân Ngài (x. Dt 26:5-11), một tường thuật mà dân chúng truyền lại hết thế hệ này đến thế hệ khác. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi cho dân Israel qua việc tưởng nhớ đến những việc làm cả thể của Chúa, được nhớ lại và tuyên xưng trong các nghi lễ, và được truyền lại từ đời cha đến đời con. Như thế, ở đây chúng ta thấy ánh sáng đức tin được liên kết với tường thuật cụ thể về đời sống, vời việc tưởng nhớ cách biết ơn những nghĩa cử của Thiên Chúa và việc thực hiện cách tiệm tiến lời hứa của Ngài. Kiến trúc gothic đã diễn tả rõ ràng điều này: trong những nhà thờ chính tòa lớn ánh sáng đến từ trời qua những cửa sổ kính là những nơi mô tả lịch sử thánh. Ánh sáng của Thiên Chúa đến với chúng ta qua những tường thuật về mặc khải của Ngài, và do đó trở nên có khả năng soi sáng cuộc hành trình của chúng ta qua thời gian bằng cách nhắc lại những nghĩa cử của Thiên Chúa, và cho thấy Ngài hoàn thành những lời hứa của Ngài ra sao.
13. Lịch sử của dân Israel còn cho chúng ta thấy sự cám dỗ về việc thiếu lòng tin mà dân chúng đã nhiều lần đầu hàng. Ở đây việc thờ ngẫu tượng có vẻ như đối nghịch với đức tin. Trong khi ông Môsê đang đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Sinai, thì dân chúng không thể chịu đựng được mầu nhiệm về sự ẩn mình của Thiên Chúa nữa, họ không thể chịu nổi thời gian chờ đợi để thấy dung nhan của Ngài nữa. Theo bản tính, đức tin đòi hỏi phải từ bỏ việc sở hữu lập tức mà cảnh tượng này có vẻ như đáp ứng, đó là một lời mời gọi tự mở ra đón nguồn mạch của ánh sáng, trong khi tôn trọng mầu nhiệm riêng của một Dung Nhan, sẽ tự mình tỏ lộ ra cách cá nhân trong thời điểm thuận tiện riêng. Martin Buber trích dẫn một định nghĩa về ngẫu tượng được giáo sĩ Do thái Kock đề ra: việc thờ ngẫu tượng xảy ra khi “khi một khuôn mặt kính cẩn hướng về một khuôn mặt không phải là một dung nhan” [10]. Thay vì đức tin vào Thiên Chúa, người ta thích thờ ngẫu tượng hơn, đó là ngẫu tượng mà chúng ta biết khuôn mặt và có nguồn gốc của nó, bởi vì nó là tác phẩm chúng ta. Trước ngẫu tượng, chúng ta không có nguy cơ bị mời gọi từ bỏ những sự an toàn riêng của mình, bởi vì ngẫu tượng “có miệng, nhưng không nói” (Tv 115:5). Như thế chúng ta hiểu rằng ngẫu tượng chỉ là một lý do để con người đặt mình ở trung tâm của thực tại qua việc thờ phượng công trình do tay mình làm ra. Một khi đã bị mất định hướng cơ bản là điều cung cấp cho cuộc đời tính đơn nhất, con người bị lạc đường trong những ước muốn đa dạng của mình. Khi không chịu chờ đợi thời điểm của lời hứa, con người bị phân tán trong hàng ngàn những khoảnh khắc của lịch sử mình. Cho nên, việc thờ ngẫu tượng luôn luôn là tôn giáo đa thần, một di chuyển không có mục đích từ một chúa này sang một chúa khác. Việc thờ ngẫu tượng không cung cấp cho con người một con đường mà rất nhiều lối mòn, không dẫn đến một cùng đích chắc chắn mà thay vào đó tạo ra một mê hồn trận. Những người không muốn đặt niềm tin vào Thiên Chúa phải nghe những tiếng ồn ào của vô số ngẫu tượng kêu la: “Hãy tin tưởng vào tôi!” Đức tin gắn liền với việc hoán cải, trái ngược với việc thờ ngẫu tượng; đức tin là một đoạn tuyệt với ngẫu tượng để trở về với Thiên Chúa hằng sống, trong một cuộc gặp gỡ cá nhân. Tin có nghĩa là phó thác mình cho một tình yêu đầy thương xót, là tình yêu luôn luôn đón nhận và tha thứ, nâng đỡ và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và chứng tỏ sức mạnh của nó bằng khả năng sửa chữa những sai lệch của lịch sử của chúng ta. Đức tin hệ tại việc sẵn sàng để cho mình được liên tục biến đổi và canh tân bằng lời mời gọi của Thiên Chúa. Đây là sự nghịch lý: bằng cách liên tục quy hướng về Chúa, con người khám phá ra một con đường chắc chắn giải thoát họ khỏi sự phân tán mà ngẫu tượng áp đặt trên họ.
14. Trong đức tin của dân Israel cũng có ông Môsê, người trung gian. Dân chúng không thể nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa; chính ông Môsê thưa chuyện cùng Đức Giavê trên núi và sau đó nói với mọi người thánh ý của Chúa. Với sự hiện diện này của người trung gian, dân Israel học đồng hành với nhau trong sự hiệp nhất. Hành động đức tin của mỗi người tìm thấy chỗ đứng của mình trong một cộng đồng, trong “cái chúng ta” chung của dân chúng, là những người trong đức tin, giống như một người duy nhất - “con đầu lòng của Ta”, như Thiên Chúa sẽ gọi toàn thể dân Israel (x. Xh 4:22). Việc làm trung gian ở đây không trở thành một chướng ngại, nhưng một sự mở ra: trong cuộc gặp gỡ với những người khác, cái nhìn của chúng ta mở ra cho một chân lý thật lớn hơn chúng ta. J.J. Rousseau có lần than thở rằng ông không thể tự mình nhìn thấy Thiên Chúa: “Có biết bao nhiêu người đứng giữa Thiên Chúa và tôi!” [11].... “Có phải cũng đơn giản và tự nhiên mà Thiên Chúa đã tìm ông Môsê để nói với ông Jean Jacques Rousseau không?” [12]. Dựa vào một quan niệm theo chủ nghĩa cá nhân và hạn hẹp của kiến thức, người ta không thể hiểu được ý nghĩa của việc làm trung gian là khả năng tham gia vào cái nhìn của người khác này, sự hiểu biết được chia sẻ này là kiến thức đặc thù của tình yêu. Đức tin là món quà nhưng không của Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi lòng khiêm tốn và can đảm để tin tưởng và phó thác, ngõ hầu nhìn thấy con đường sáng dẫn đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người: lịch sử cứu độ.
Sự viên mãn của đức tin Kitô giáo
15. “Abraham […] hớn hở vui mừng vì sẽ thấy ngày của Tôi, ông đã thấy nó và đã vui mừng” (Ga 8:56). Theo những lời này của Chúa Giêsu, đức tin của ông Abraham chỉ về Người, theo một nghĩa nào đó, nó đã là một thị kiến cho biết trước mầu nhiệm của Người. Thánh Augustinô cũng hiểu như vậy khi ngài quả quyết rằng các Tổ Phụ đã được cứu bởi đức tin, không phải đức tin vào Đức Kitô đã đến, nhưng vào Đức Kitô sẽ đến, một đức tin hướng về biến cố tương lai của Chúa Giêsu [13]. Đức tin Kitô giáo đặt trọng tâm vào Đức Kitô, đức tin ấy tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa và rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết (x. Rm10:9). Tất cả các nhân vật của Cựu Ước đều hội tụ vào Đức Kitô, Người trở thành câu trả lời “Có” dứt khoát cho tất cả những lời hứa, nền tảng của lời thưa “Amen” cuối cùng của chúng ta với Thiên Chúa (x. 2 Cor 1:20). Lịch sử của Chúa Giêsu là sự tỏ lộ hoàn toàn mức độ đáng tin cậy của Thiên Chúa. Nếu dân Israel tiếp tục nhắc lại những hành vi cao cả của tình yêu Thiên Chúa, là những điều tạo thành cốt lõi của lời tuyên xưng đức tin của họ và mở rộng cái nhìn của họ về đức tin, thì từ đó cuộc đời của Chúa Giêsu xuất hiện như một địa điểm của sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa, sự biểu lộ cao nhất của tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta trong Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là một lời bổ túc trong số rất nhiều lời, nhưng là Lời vĩnh cửu của Ngài (x. Dt 1:1-2). Thiên Chúa không thể ban cho chúng ta một đảm bảo nào lớn hơn tình yêu của Ngài, như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta (x. Rm 8:31-39). Như vậy, đức tin Kitô giáo là đức tin vào một tình yêu trọn vẹn, trong quyền năng hiệu quả của nó, trong khả năng của nó để biến đổi thế gian và soi sáng thời gian. “Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1 Ga 4:16). Trong tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Chúa Giêsu, đức tin nhận ra nền tảng mà trên đó toàn thể thực tại và số phận cuối cùng của nó dựa vào.
16. Bằng chứng lớn lao nhất về mức độ đáng tin cậy của tình yêu Đức Kitô được tìm thấy trong chết của Người vì nhân loại. Nếu việc hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu là bằng chứng lớn nhất của tình yêu (x. Ga 15:13), thì Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Người cho mọi người, ngay cả những kẻ thù của Người, để biến đổi tâm hồn họ. Đó là lý do tại sao theo các thánh sử, thì cái nhìn về đức tin đạt đến tột đỉnh vào giờ của Thánh Giá, giờ mà trong đó sự cao cả và tràn đầy của tình yêu Thiên Chúa được tỏa sáng. Thánh Gioan đặt ở đây lời chứng long trọng của ngài, khi cùng với Mẹ Chúa Giêsu, ngài chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu qua (x. Ga 19:37). “Có người xem thấy việc ấy đã làm chứng, và lời chứng của người ấy thì chân thật; và người ấy biết mình nói thật để anh em tin” (Ga 19:35). F.M. Dostoevsky, trong tác phẩm Thằng Ngốc (L’idiot), làm cho nhân vật chính, Hoàng tử Myskin, khi nhìn thấy một bức tranh về Đức Kitô chết trong mồ của Hans Holbein Trẻ, nói: “Khi nhìn vào bức tranh này một tín hữu có thể mất đức tin của mình” [14]. Thật vậy, bức tranh trình bày một cách khủng khiếp những hậu quả tàn khốc của cái chết trên thân thể Đức Kitô. Tuy nhiên, chính trong việc chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu mà đức tin được củng cố và nhận được một ánh sáng huy hoàng, khi nó được biểu lộ như đức tin vào tình yêu không thể lay chuyển được của Đức Kitô dành cho chúng ta, một tình yêu có khả năng bước vào cái chết để cứu chúng ta. Tôi có thể tin vào Tình Yêu này, một Tình Yêu không lùi bước trước cái chết để chứng tỏ Người yêu tôi thế nào; việc hoàn toàn tự hiến của Người thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép chúng ta phó thác hoàn toàn vào Đức Kitô.
17. Trên hết, trong ánh sáng việc Phục Sinh, cái chết của Đức Kitô cho thấy rõ mức độ hoàn toàn đáng tin cậy của tình yêu Thiên Chúa. Như Đấng Phục Sinh, Đức Kitô là nhân chứng đáng tin cậy, xứng đáng với đức tin (x. Kh 1:5; Dt 2:17), là sự nâng đỡ vững chắc cho đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em là đức tin vô ích” (1 Cor 15:17). Nếu tình yêu của Chúa Cha đã không cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, nếu Ngài đã không có thể ban sự sống lại cho thân xác của Người, thì sẽ không phải là một tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy, cũng có khả năng chiếu soi những bóng tối của sự chết. Khi Thánh Phaolô nói về đời sống mới của ngài trong Đức Kitô, ngài nói về “đức tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi” (Gl 2:20). “Đức tin vào Con Thiên Chúa” này chắc chắn là đức tin của Vị Tông Đồ Dân Ngoại vào Chúa Giêsu, nhưng nó cũng nói lên rằng Chúa Giêsu đáng tin cậy, không chỉ dựa trên tình yêu cho đến chết của Người mà còn trên việc Người là con Thiên Chúa. Chính bởi vì Chúa Giêsu là Chúa Con, bởi vì Người hoàn toàn ở trong Chúa Cha, Người đã có thể chiến thắng sự chết và làm cho sự viên mãn của sự sống được sáng tỏa. Nền văn hóa của chúng ta đã đánh mất khái niệm về sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa, về hoạt động của Ngài trong thế gian. Chúng ta nghĩ rằng chỉ tìm thấy Thiên Chúa ở bên ngoài, trên một mức độ khác của thực tại, tách biệt khỏi các mối liên hệ hàng ngày của chúng ta. Nhưng nếu điều này đúng, nếu Thiên Chúa không thể hoạt động trong thế gian, thì tình yêu của Ngài sẽ không thực sự mạnh mẽ, thực sự có thật, và như thế, Ngài cũng không phải là một tình yêu thật, một tình yêu có khả năng mang lại hạnh phúc mà Ngài đã hứa. Như thế tin hay không tin vào Ngài tất cả sẽ chẳng khác gì. Trái lại, các Kitô hữu tuyên xưng đức tin của họ vào tình yêu cụ thể và mạnh mẽ của Thiên Chúa, Đấng thực sự hoạt động trong lịch sử và quyết định vận mệnh cuối cùng của nó, một tình yêu mà con người có thể gặp gỡ, một tình yêu hoàn toàn được mặc khải trong cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô.
18. Sự viên mãn mà Chúa Giêsu mang đến cho đức tin có một khía cạnh quyết định khác. Trong đức tin, Đức Kitô không chỉ đơn thuần là Đấng mà chúng ta tin, là biểu hiện cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa, Người cũng là Đấng mà chúng ta kết hợp với để có thể tin. Đức tin không chỉ đơn thuần là ngắm nhìn Chúa Giêsu, nhưng nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa Giêsu, với đôi mắt của Người: đó là một sự tham gia vào cách nhìn của Người. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc đời chúng ta, chúng ta tin tưởng vào những người khác, là những người biết nhiều hơn chúng ta. Chúng ta tin tưởng vào các kiến trúc sư là những người xây nhà chúng ta, vào dược sĩ là những người cho chúng ta thuốc để chữa bệnh, vào các luật sư là những người bảo vệ chúng ta tại tòa án. Chúng ta cũng cần một ai đó đáng tin cậy và chuyên môn về những việc có liên quan đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con của Ngài, là Đấng tự giới thiệu như Đấng giải thích cho chúng ta về Thiên Chúa (x. Ga 1:18). Cuộc đời Đức Kitô, cách Người biết Chúa Cha và sống hoàn toàn trong mối liên hệ với Ngài, mở ra một không gian mới cho kinh nghiệm của con người mà chúng ta có thể vào được. Thánh Gioan đã đưa ra tầm quan trọng của một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu đối với đức tin của chúng ta bằng cách sử dụng các cách dùng khác nhau của động từ tin. Ngoài việc “tin rằng” những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta là sự thật, Thánh Gioan cũng dùng thuật ngữ “tin” Chúa Giêsu và “tin vào” Chúa Giêsu. Chúng ta “tin” Chúa Giêsu khi chúng ta chấp nhận Lời Người, chứng từ của Người, bởi vì Người trung thực (x. Ga 6:30). Chúng ta “tin vào” Chúa Giêsu khi chúng ta đích thân đón Người vào cuộc đời và cuộc hành trình của chúng ta về phía Người, gắn bó với Người trong tình yêu và bước theo Người trên đường đời (x. Ga 2:11 ; 6:47 ; 12:44).
Để giúp chúng ta biết Người, đón nhận Người và theo Người, Con Thiên Chúa mặc lấy xác thịt của chúng ta. Bằng cách này, Người cũng nhìn Chúa Cha một cách nhân loại, trong khung cảnh của một cuộc hành trình diễn ra trong thời gian. Đức tin Kitô giáo là đức tin vào sự nhập thể của Ngôi Lời và sự Sống Lại của Người trong thân xác, đức tin vào một Thiên Chúa rất gần gũi chúng ta và đã đi vào lịch sử nhân loại của chúng ta. Đức tin vào Con Thiên Chúa làm người trong Chúa Giêsu thành Nagiareth không tách chúng ta ra khỏi thực tại, nhưng cho phép chúng ta chấp nhận ý nghĩa sâu xa nhất của nó, để tìm hiểu xem Thiên Chúa yêu thương thế giới này bao nhiêu và không ngừng hướng nó về phía Ngài. Điều này thúc đẩy các Kitô hữu dấn thân, để sống một cách mãnh liệt hơn trong cuộc hành trình trần thế.
Ơn cứu độ bởi đức tin
19. Từ việc chia sẻ cách nhìn của Chúa Giêsu này, Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta trong các bài viết của ngài một mô tả về đời sống đức tin. Qua việc chấp nhận hồng ân đức tin, các tín hữu được biến đổi thành một tạo vật mới. Họ nhận được một con người mới, là con cái [Thiên Chúa]; họ trở nên con cái trong Chúa Con. Cụm từ “Abba, Lạy Cha”, là lời rất đặc trưng của kinh nghiệm của Chúa Giêsu, trở thành trung tâm của kinh nghiệm Kitô giáo (x. Rm 8:15). Đời sống trong đức tin, như một đời con thảo, là một sự nhìn nhận hồng ân nguyên thủy và triệt để, là nền tảng của cuộc đời con người, và có thể được tóm tắt trong câu của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinthô: “Có gì mà anh em đã không nhận được?” (1 Cor 4:7). Đây chính là trung tâm của cuộc tranh luận của Thánh Phaolô với những người Biệt Phái, cuộc thảo luận về ơn cứu độ bằng đức tin hoặc bằng việc làm của Lề Luật. Điều mà Thánh Phaolô bác bỏ là thái độ của những người tự coi mình là công chính trước mặt Thiên Chúa qua trung gian của hành động đúng của mình. Những người như thế, ngay cả khi họ tuân giữ các điều răn và làm những việc lành, tự đặt mình ở trung tâm, mà không nhận ra rằng nguồn gốc của sự tốt lành là Thiên Chúa. Những người làm như thế, muốn thành nguồn gốc của sự công chính riêng của họ, họ nhanh chóng thấy rằng sự công chính này trở nên khô cằn và họ không thể thậm chí giữ được lòng trung thành với Lề Luật. Họ tự khép kín mình và tự cô lập đối với Chúa và với tha nhân, kết quả là cuộc đời của họ trở nên trống rỗng và những công việc của họ trở nên cằn cỗi như một cây sống xa nước. Thánh Augustinô cũng đưa ra bằng ngôn từ ngắn gọn và hiệu quả của ngài: “Ab eo qui fecit te, noli deficere nec ad te”, “Đừng quay lưng lại với Đấng đã dựng nên bạn, ngay cả quay về phía chính mình” [15]. Khi một người nghĩ rằng bằng cách quay lưng lại với Thiên Chúa họ sẽ tìm thấy chinh bản thân họ, cuộc đời người ấy bắt đầu sụp đổ (x. Lc 15:11-24). Khởi đầu của ơn cứu độ là mở lòng ra với một cái gì có trước, với một món quà nguyên thủy là món quà đảm bảo cho cuộc sống và duy trì nó trong đời. Chỉ bằng cách mở lòng của chúng ta ra cho nguồn gốc này và qua việc nhìn nhận nó, con người mới có thể được biến đổi, nhờ để cho ơn cứu độ hoạt động trong mình và làm cho cuộc đời mình sinh hoa trái, đầy những hoa trái tốt. Ơn cứu độ nhờ đức tin có nghĩa là công nhận tính ưu việt của hồng ân của Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô đã tóm lược:“Nhờ ân sủng mà anh em được cứu độ qua đức tin; và đó không phải bởi anh em, mà là bởi ân huệ của Thiên Chúa” (Eph 2:8).
20. Luận lý mới của đức tin đặt trọng tâm vào Đức Kitô. Đức tin vào Đức Kitô cứu chúng ta bởi vì chính trong Người mà cuộc sống mở ra cách triệt để cho một Tình Yêu đi trước chúng ta và biến đổi chúng ta từ bên trong, một Tình Yêu hoạt động trong chúng ta và với chúng ta. Điều này được thấy rõ trong chú giải một đoạn văn từ Sách Đệ Nhị Luật của Vị Tông Đồ Dân Ngoại, một chú giải phù hợp với động năng rất sâu sắc của Cựu Ước. Ông Môsê nói với dân chúng rằng giới luật của Thiên Chúa không quá cao mà cũng không quá xa với con người. Người ta không cần phải nói: “Ai sẽ lên trời mà đem nó xuống cho chúng tôi” hoặc “Ai sẽ đi qua bên kia biển, đem nó về cho chúng tôi?” (Đnl 30:11-14). Sự gần gũi này của lời Chúa được Thánh Phaolô giải thích như phản ảnh sự hiện diện của Đức Kitô trong các Kitô hữu. “Đừng tự nhủ rằng, ‘Ai sẽ lên trời?’ (nghĩa là, để đem Đức Kitô xuống), hoặc “Ai sẽ xuống âm phủ? (nghĩa là, để đem Đức Kitô lên từ cõi chết)” (Rom 10:6-7). Đức Kitô đã xuống trần và đã sống lại từ cõi chết; qua việc Nhập Thể và Phục Sinh của Người, Con Thiên Chúa chấp nhận toàn thể cuộc hành trình của con người và ở trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Đức tin biết rằng Thiên Chúa đã rất gần gũi chúng ta, rằng Đức Kitô đã trở nên một hồng ân cao cả cho chúng ta, hồng ân biến đổi chúng ta từ bên trong, ở trong chúng ta, và do đó ban cho chúng ta ánh sáng chiếu soi nguyên thủy và cứu cánh của cuộc đời, toàn thể tiến trình của cuộc hành trình của con người.
21. Do đó, chúng ta có thể hiểu sự mới mẻ mà đức tin dẫn chúng ta đến. Người tín hữu được biến đổi bởi Tình Yêu mà họ đã mở lòng ra đón nhận trong đức tin, và qua việc mở lòng ra đón nhận Tình Yêu mà đức tin ban cho họ, cuộc đời của họ rộng mở vượt ra ngoài chính mình. Thánh Phaolô có thể quả quyết: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20), và khuyên nhủ: “Chớ gì Đức Kitô ngự trong tâm hồn anh em nhờ đức tin” (Eph 3:17). Trong đức tin, “cái tôi” của người tín hữu mở rộng để có chỗ cho Người Khác cư ngụ, để sống trong Người Khác, và cuộc sống của người ấy cũng mở rộng ra trong Tình Yêu. Ở đây có hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người Kitô hữu có thể có đôi mắt của Chúa Giêsu, những tình cảm của Người, và tâm tình con thảo của Người, bởi vì người đó được thông phần vào Yình Yêu của Người, Tình Yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Chính trong Tình Yêu này mà chúng ta một cách nào đó nhận được cái nhìn riêng của Chúa Giêsu. Nếu không có việc nên đồng hình đồng dạng này trong Tình Yêu, nếu không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần là Đấng được đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5), thì chúng ta không thể nào tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa (x. 1 Cor 12:3).
Hình thức Hội Thánh của đức tin
22. Bằng cách này, đời sống của người tín hữu trở thành đời sống của Hội Thánh. Khi Thánh Phaolô nói với các Kitô hữu Rôma về một thân thể duy nhất mà tất cả những ai tin vào Đức Kitô tạo thành, ngài khuyên nhủ họ đừng tự hào về điều này, trái lại, mỗi người phải nghĩ về mình “theo mức độ đức tin mà Thiên Chúa đã ban phát cho mình” (Rm 12:3). Các tín hữu học cách nhìn chính mình theo đức tin mà họ tuyên xưng: Hình ảnh của Đức Kitô là tấm kính (gương) mà ở đó họ tìm thấy hình ảnh riêng của họ được thể hiện. Và như Đức Kitô ôm ấp trong Mình tất cả mọi tín hữu, là những kẻ tạo thành thân thể của Người, người Kitô hữu hiểu rằng mình được bao gồm trong thân thể này, trong mối liên hệ nguyên thủy với Đức Kitô và tất cả các tín hữu khác trong đức tin. Hình ảnh của một thân thể không có ý hạ các tín hữu xuống thành một phần tử đơn giản của một tổng thể vô danh, một thành phần thô sơ trong một bộ máy vĩ đại, nhưng đúng hơn là muốn nhấn mạnh đến sự kết hợp sống còn của Đức Kitô với các tín hữu, và các tín hữu với nhau (x. Rm 12 :4-5). Các Kitô hữu là “một” (x. Gal 3:28), mà không mất đi cá tính của mình, và trong việc phục vụ người khác, nội tâm của chính mỗi người lại được lợi nhất. Điều này giải thích lý do tại sao, ngoài thân thể này, ngoài sự hiệp nhất này của Hội Thánh trong Đức Kitô, ngoài Hội Thánh này mà - theo lời của Romano Guardini - “là người mang trong lịch sử cái nhìn toàn diện của Đức Kitô về thế gian” [16] – thì đức tin mất đi “tiêu chuẩn”của nó, mất sự cân bằng của nó, không còn tìm thấy nơi thiết yếu để [dựa vào mà] tự mình đứng vững. Đức tin là một hình thức nhất thiết phải thuộc về Hội Thánh, nó được tuyên xưng từ bên trong thân thể Đức Kitô, như sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu. Chính từ chỗ thuôc về Hội Thánh này mà đức tin mở lòng mọi Kitô hữu ra với tất cả mọi người. Lời của Đức Kitô, một lần được nghe, nhờ chính động năng của nó biến đổi thành một lời đáp trả trong các Kitô hữu, và tự trở thành một lời được công bố, một tuyên xưng đức tin. Như Thánh Phaolô đã nói: “ai tin bằng tấm lòng [...] và tuyên xưng ra miệng thì được cứu độ” (Rm 10:10). Đức tin không phải là một vấn đề riêng tư, một khái niệm theo cá nhân chủ nghĩa hoặc một ý kiến chủ quan, nhưng phát sinh từ việc được nghe, và nó có ý tìm cách để được nói ra và trở thành lời công bố. “Làm sao họ sẽ tin vào Ðấng mà họ chưa được nghe? Và làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng?” (Rm 10:14). Như thế, đức tin trở nên có hiệu quả trong các Kitô hữu nhờ hồng ân nhận được, nhờ Tình Yêu đó thu hút tâm hồn chúng ta về với Đức Kitô (x. Gl 5:6), và làm cho chúng ta trở nên một phần tử của cuộc hành trình của Hội Thánh, cuộc hành hương qua lịch sử hướng về sự viên mãn của nó. Đối với những người đã được biến đổi đổi theo cách này, một cách nhìn mới được mở ra, đức tin trở thành ánh sáng cho đôi mắt của họ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ tử bản Latinh và Tiếng Pháp của Tòa Thánh
--------------
[8] x. Giáo lý V, 1: PG 33, 505A.
[9] In Psal. 32, II, s. I, 9: PL 36, 284.
[10] M. Buber, Die Erzählungen der Chassidim, Zurich, 1949, 793.
[11] Émile, Paris, 1966, 387.
12] Lettre à Monseigneur de Beaumont, L’Âge d’Homme, Lausanne, p. 110.
[13] x. In Ioh. Evang, 45, 9:. PL 35, 1722-1723.
[14] Phần II, IV.
[15] De Continentia, 4, 11: PL 40, 356.
[16] “Vom Wesen katholischer Weltanschauung” (1923), trong Unterscheidung des Christlichen. Gesammelte Studien 1923-1963, Mainz, 1963, 24.