Trang chủ

Freitag, Mai 31, 2013

Bà có phước lạ
hơn mọi người nữ

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

    Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.
Ðiều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện cho và nơi Mẹ Maria là Ngôi Lời Nhập Thể mặc lấy xác người trong cung lòng Mẹ.
    "...Bà có phước lạ hơn mọi người nữ. Và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ."
Lời chào chúc của bà Elizabeth cho Mẹ: "Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ" chắc chắn đã nhắc lại trong tâm trí Mẹ Maria lúc đó, và nơi mỗi người đồ đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay. Những lời chúc phúc mà ông Môisen đã để lại cho dân Israel, cho mỗi người dân Israel, khi họ trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Giavê Thiên Chúa. Những lời chúc phúc của Môisen đó, được ghi lại nơi sách Ðệ Nhị Luật, chương 28, từ câu 1 trở đi như sau:
    "Vậy nếu ngươi chí thú vâng nghe tiếng Giavê Thiên Chúa mà tuân giữ cùng thi hành tất cả các lệnh truyền Ta truyền cho ngươi hôm nay, thì chắc hẳn Giavê Thiên Chúa sẽ nhắc ngươi lên vượt quá các nước trần gian hết thảy, và tất cả các chúc lành nầy sẽ xuống trên ngươi... Phúc cho người trung thành, phúc cho người ngoài đồng, phúc cho hoa quả lòng dạ ngươi, hoa quả đất đai, hoa quả thú vật..."
Những lời chúc trên của Môisen được vang dội lại nơi lời chúc phúc của bà Elizabeth cho Mẹ Maria. Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và hoa quả Con lòng Bà được chúc phúc. Giáo Hội đã lập lại lời kinh thánh đó một cách rõ ràng hơn nơi lời kinh bằng cách nêu rõ: Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ
Trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa chúc phúc cho một người, thì Ngài chúc phúc cho tất cả những gì thuộc về, hay có liên quan với người đó. Phúc cho hoa quả lòng dạ người, phúc cho hoa quả đất đai, hoa quả thú vật, v.v... Nhưng, khi thời giờ viên mãn đến, Thiên Chúa chúc phúc lành tràn đầy cho Mẹ Maria, không những vì lòng nhân lành từ ái của Ngài muốn chúc phúc, không những vì Mẹ Maria đã vâng phục mệnh lệnh Thiên Chúa, nhưng nhất là còn vì "công nghiệp Chúa Giêsu Kitô" Con Mẹ, Ðấng đang được Mẹ cưu mang trong lòng. Mẹ Maria được chúc phúc đặc biệt hơn mọi người nữ, vì mối tương quan đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu Kitô. Trong thần học chúng ta dùng từ ngữ "vì tiền chiếu công nghiệp Chúa Giêsu Kitô". Mẹ Maria đã mở màn một thời đại mới, thời đại con người được Thiên Chúa chúc phúc, qua Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Giêsu Kitô, và với Chúa Giêsu Kitô. Nơi đầu thơ Êphêsô, thánh Phaolô tông đồ đã ca ngợi, chúc tụng Thiên Chúa như sau:
    Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chúc lành cho ta, bằng mọi phúc lành trên trời dưới đất, trong Ðức Kitô. Bởi chưng Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, từ trước tạo thiên lập địa để ta được nên thánh, vô tì vết trước mặt Người. Bởi lòng yêu thương, Người đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, và vì Ðức Giêsu Kitô theo thánh ý Người, để ta được trở nên lời ca tụng qua ân sủng Người, ân sủng mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta trong Ðấng Người yêu thương nhất là Chúa Giêsu Kitô, qua Ngài ta được cứu chuộc nhờ máu thánh Chúa, được ơn tha thứ tội lỗi.
Kính Mừng Maria Ðầy Ơn Phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.
Chúa Giêsu xuất hiện ngay trung tâm của lời kinh Kính Mừng Mẹ Maria. Lời kinh Kính Mừng Mẹ Maria, hướng đến trung tâm là Chúa Giêsu Kitô. Mẹ Maria được chúc phúc tràn đầy vì Chúa Giêsu Con Lòng Mẹ, đang được cưu mang trong lòng Mẹ. Chúc tụng Mẹ Maria với lời kinh Kính Mừng, chúng ta được hướng dẫn đến Chúa Giêsu, nguồn mạch ơn sủng và phúc lành cho chúng ta. Vì như Mẹ, mỗi người Kitô chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc, được Thiên Chúa Cha cứu rỗi ban ơn tha tội, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô.

Donnerstag, Mai 30, 2013

Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Chúa Kitô - Năm C
THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ
VÀ THÁNH LỄ NGOÀI CUỘC ĐỜI
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.
Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:
1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường. Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.
2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.
Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực. Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.
Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.
Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.
Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.
Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.
Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời. Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người. Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị. Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.
Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét? Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?
Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời. Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.
Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.
Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự Thánh Lễ?
2. Rước lễ đem lại những ơn ích nào cho đời sống thiêng liêng của bạn?
3. Bạn đã dâng Thánh Lễ trong cuộc đời chưa?

Mittwoch, Mai 29, 2013

MẸ ĐI VIẾNG

Tác giả:  Lm. Anmai, C.Ss.R.
Ngày còn bé, cứ đến dịp hè, Lễ, Tết thì gia đình tôi lại chạy về Sài Gòn để thăm bà con. Từ vùng Kinh Tế mới ở Bưng Riềng - Xuyên Mộc về đến Sài Gòn phải đi đến 3 chặng xe. Chặng thì đi bằng xe lam, chặng thì đi bằng xe than.
Thời bấy giờ chắc có lẽ không kiếm ra xăng nên người ta tìm giải pháp chế tạo xe dùng bằng than. Những cục than hồng vương vãi trên đường khi chiếc xe oằn vai qua những đoạn đường đầy ổ voi.
Về Sài Gòn, quà mang theo chỉ là những thứ gọi là cây nhà lá vườn. Tôi, lúc ấy bắt theo vài chục con dế về để cùng đá dế với người anh họ.
Đường xa, mệt và phương tiện đi lại phải nói là rất khó nhưng rồi cứ mãi thích đi đây đi đó để thăm bà con họ hàng thân thuộc. Mỗi chuyến đi như vậy cũng phải "hao hơi tốn của" lắm nhưng vì tình vì nghĩa nên chẳng ngại ngần gì.
Cảm xúc về việc đi đây đi đó, thăm viếng bà con họ hàng chắc có lẽ không phải cảm xúc của riêng mình tôi hay của gia đình tôi mà là của mọi người. Bởi lẽ, con người sống trong một chuỗi tương quan với đồng loại chứ chẳng ai sống đơn độc một mình cả : không ai là một hòn đảo.
Ngày nay, chuyện thăm viếng cũng diễn ra hết sức bình thường bởi vì đó là nhu cầu, đó là tình cảm giữa người với người.
Ngược dòng lịch sử, ta thấy có một cuộc thăm viếng phải nói là lich sử đó chính là cuộc thăm viếng của Đức Trinh Nữ Maria.
Trang Tin Mừng rất ngắn thuật lại cho chặng đường dài thăm viếng của Đức Trinh Nữ Maria : "Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em". Kế đó là lời chúc tụng, lời tung hô quyền năng của Thiên Chúa qua môi miệng của Đức Trinh Nữ Maria. Và, chúng ta bắt gặp đoạn kết của Tin Mừng cực ngắn : Bà Maria ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Đường quá xa và trắc trở. Chắc có lẽ không cần phải giải thích và cũng chẳng cần phải tìm hiểu ta cũng biết được đoạn đường khó khăn đến mức nào nhưng không thể nào ngăn được bước chân của Mẹ. Hơn thế nữa, Mẹ đi không phải đi với sức bình thường của con người nhưng Mẹ đi với sức mạnh của Thần Khí. Thần Khí của Thiên Chúa đã rợp bóng trên Mẹ, quyền năng Thiên Chúa đã bao phủ trên cuộc đời của Mẹ.
Từ giây phút thiêng liêng khi sứ thần loan tin cho Mẹ cũng chính là lúc mà Mẹ không còn sống với sức riêng của mình mà Mẹ sống với ơn Chúa. Và, điểm đặc biệt nơi Mẹ là khi Mẹ có ơn Chúa Mẹ không khư khư giữ lấy cho riêng mình nhưng Mẹ đã san sẻ cho mọi người. Người đầu tiên, gia đình đầu tiên được hưởng ơn Chúa qua Mẹ đó chính là gia đình Zacaria và Êlisabét.
Không chỉ dừng lại ở gia đình Êlisabét nhưng Mẹ vẫn còn dong duỗi qua mọi nẻo đường.
Trong hành trình loan báo Tin Mừng của con Mẹ, Mẹ cùng dõi bước để chia san ơn Chúa trên cuộc đời của Mẹ. Và, đặc biệt hơn nữa, Mẹ không dừng lại ở cái mảnh đất Palestina hay mảnh đất nào đó ở Do Thái nhưng Mẹ đã đi và Mẹ cứ đi. Không gian và thời gian không cản được bước chân của Mẹ. Rừng núi chập chùng và thậm chí phong ba bão táp, cuồng phong, chiến tranh bom đạn cũng không cản được bước chân của Mẹ.
Mẹ đã đến viếng thăm Lộ Đức, Mễ Du ... và ngay cả ở đất nước Việt Nam nhỏ bé này Mẹ cũng đã đi viếng. Đặc biệt, Mẹ viếng thăm ở những nơi khó khăn, gian khổ và ở đó Mẹ chia san tình thương, ơn cứu độ của Chúa.
Còn đó một La Vang - chốn rừng sâu nước độc, Còn đó một Trà Kiệu - quá khổ đau trong thời kỳ chinh chiến, còn đó một La Mã Bến Tre - chốn xa xôi nghèo nàn ... Mẹ vẫn hiện diện để cùng chung chia với con cái của Mẹ trong biển đời đau khổ.
Nét đẹp nơi Mẹ là Mẹ đã mở lòng ra để cho quyền năng Thiên Chúa đi vào đời Mẹ và Mẹ đã sẻ chia quyền năng đó.
Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ đến để ban ơn cho mọi người. Chuyện quan trọng là chúng ta có mở lòng ra để đón nhận ơn của Chúa hay không và cũng không kém quan trọng là khi có ơn Chúa rồi ta cứ khư khư giữ lấy hay ta mở lòng để chia cho người khác, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ xung quanh ta và nhất là những anh chị em đó lại ở ngay trong chính gia đình của ta.
Chiêm ngắm hình ảnh Mẹ đi viếng hôm nay, chúng ta có dịp nhìn lại mình trong tương quan với Chúa, đặc biệt Chúa hiện diện nơi anh chị em đồng loại. Chúng ta có mở lòng ra đón Chúa và chúng ta có chia sẻ ơn lành mà Chúa ban cho chúng ta cho anh chị em đồng loại hay không ? Những cuộc thăm viếng của ta có phải là những cuộc thăm viếng tròn đầy tình yêu thương, tròn đầy lòng mến hay chỉ là những cuộc thăm viếng có qua có lại như bao người đang làm. Nhiều và nhiều cuộc thăm viếng ngày hôm nay vẫn diễn ra đó nhưng chỉ để thỏa mãn nhu cầu lợi ích về vật chất, về hưởng thụ, về mục đích riêng tư. Chúng có đang sống, chúng ta có thực dụng khi thăm viếng anh chị em đồng loại hay không ?
Hãy nhìn lên Mẹ Maria. Hãy mở lòng ra để cho ơn Chúa vào trong cuộc đời ta và ta cũng bắt chước Mẹ lên đường đi thăm viếng, đi chia sẻ ơn của Chúa cho anh chị em đồng loại chúng ta như Mẹ đã, đang và vẫn còn thăm viếng dân đoàn con yêu của Mẹ.
Anmai, CSsR
Tác giả:  Lm. Anmai, C.Ss.R.
Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=11296

Montag, Mai 27, 2013

Ðức Chúa Trời
ở cùng Bà

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

    Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.
Lời quả quyết "Ðức Chúa Trời ở cùng Bà", luôn luôn có mặt trong mọi biến cố Thiên Chúa kêu gọi con người thực hiện sứ mạng Ngài muốn. Khi người được gọi, ý thức mình yếu đuối, không đủ sức đủ tài thực hiện sứ mạng được trao phó và đặt vấn đề muốn thối thác, thì lúc đó, Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi, đáp lại bằng một lời bảo đảm vừa trấn an vừa thôi thúc: "Ta sẽ ở với con". Ta sẽ hành động với con, và do đó, con không lẻ loi một mình khi thực hành sứ mạng Ta trao phó cho!
Sách Xuất Hành, chương 2, câu 7.10...12, kể lại biến cố Thiên Chúa gọi Môisen như sau:
    "Thiên Chúa phán: Con hãy đi, Ta sai con đến với vua Pharaon. Hãy đưa dân Ta ra khỏi Ai Cập. Môisen thưa với Chúa: "Con là ai mà cả gan đến cùng Pharaon và đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập?" Thiên Chúa trấn an: "Ta sẽ ở cùng con..."
Sau đó, nơi chương 4, từ câu 10-12, cũng của sách Xuất Hành, ta thấy Môisen do dự tìm cách thối thác.
    "Môisen thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con không phải là một nhà hùng biện..." Thiên Chúa đáp: "Con cứ đi... Ta sẽ ở với con, với miệng lưỡi con, và sẽ chỉ cho con những gì phải nói..."
Rồi còn các thí dụ khác nữa, chẳng hạn như khi Chúa gọi ông Isaac (STK 26,24), ông Giacob (STK 28,15), gọi quan án Gedeon (Giudie 6,11.12.14.16), gọi tiên tri Giêrêmia (Giêr. 1,1.8). Trong Tân Ước, khi sai các tông đồ ra đi chu toàn sứ mạng rao giảng Phúc âm:
    Chúng con hãy ra đi..." Chúa Giêsu tiếp: "Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
Do đó, lời của sứ thần Gabriel nói với Ðức Maria: Thiên Chúa ở cùng Bà, mà trong câu kinh Kính Mừng ta đọc là: Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, lời đó vừa nhắc cho Mẹ Maria biết đây là ơn gọi, là sứ mạng Thiên Chúa muốn Mẹ thực hiện, vừa bảo đảm rằng Mẹ không cô độc lẻ loi một mình, nhưng có Thiên Chúa hằng hiện diện, cùng hoạt động với Mẹ, giúp Mẹ chu toàn sứ mạng làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Thiên Thần kế đó giải thích rõ ràng hơn:
    "Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Cô. Và uy quyền của Ðấng chí tôn vô đối sẽ cho Cô được nấp bóng Ngài. Nên Con trẻ sinh ra sẽ là chí thánh chí tôn, và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa."
Sau lời giải thích rõ ràng, nói lên quyết định của Thiên Chúa vững chắc hơn, Mẹ Maria khiêm tốn vâng phục thốt lên: Nầy tôi đây nữ tì của Chúa, xin cho tôi được như lời sứ thần truyền...
Quyền năng của Thiên Chúa sẽ gia tăng sức mạnh, sẽ nâng đỡ cho sự yếu hèn mỏng dòn của con người. Mẹ Maria không cô đơn một mình thực hiện sứ mạng nhưng luôn có Thiên Chúa hiện diện trợ giúp...
"Thiên Chúa ở cùng Bà", "Thiên Chúa ở cùng con người", "Chúa ở cùng anh chị em", lời nầy không ngừng vang lên luôn mãi qua mọi thời đại, từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người, đặt con người sống trong vườn địa đàng, trong sự hiện diện với Ngài cho tới giây phút hiện tại của ngày hôm nay; Giáo Hội luôn nhắc đi nhắc lại những lời nầy, mọi nơi mọi lúc, nhất là trong cộng đoàn tín hữu họp nhau cử hành bí tích Thánh Thể: Chúa ở cùng anh chị em. Lời đó nhắc cho mọi người Kitô chúng ta về ơn gọi của mình vừa đồng thời bảo đảm vững chắc rằng Thiên Chúa hiện diện bên cạnh để nâng đỡ, để giúp con người chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận.
    Ước chi mỗi lần chúng ta đọc lên kinh Kính Mừng: Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà... Chúng ta chạy đến với Mẹ Maria, và noi gương Mẹ Maria mà thưa Xin Vâng tuân phục. Nguyện xin thánh ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Amen.
    Nguồn: 
    http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html

Sonntag, Mai 26, 2013

MẸ MARIA, MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Tôi trao phó cho Mẹ Maria... những hy vọng, những mong đợi của các bạn trẻ khắp hang cùng ngỏ hẻm của hành trình, đang lặp lại lời của Mẹ: “Này tôi là tớ nữ Thiên Chúa. Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38) ... Các bạn sẵn sàng loan báo cho những người trẻ cùng lứa tuổi với mình, như các tông đồ đã làm: “Chúng tôi đã gặp Đấng Thiên Sai!” (Ga 1, 41).

(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 10)

“Mẹ Maria Vô Nhiễm là mối tình đầu của tôi”, câu nói đó là của thánh Gioan Maria Vianney, cha xứ Ars, tôi đã đọc trong sách của cha Francois Erochu, hồi tôi còn ở tiểu chủng viện.

Mẹ tôi đã đổ vào tim tôi lòng kính mến Đức Mẹ, từ tuổi ấu thơ. Bà nội tôi, mỗi buổi tối, lúc gia đình đọc kinh xong rồi, bà còn ngồi lần thêm một tràng hạt. Tôi hỏi bà, bà đáp:

- Mệ lần một chuỗi cầu nguyện cho các cha.

Bà tôi không biết đọc biết viết, nhưng chính những người bà, người mẹ như thế, đã vun trồng hát giống ơn thiên triệu trong lòng chúng tôi.

Đức Maria có một vai trò đặc biệt trong đời tôi. Tôi đã bị bắt ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15 tháng 8 năm 1975. Tôi ra đi với hai tay không, trong túi không có gì cả, ngoại trừ một tràng hạt, và tôi đi bình an. Mẹ tôi đã dạy tôi như vậy từ thuở bé. Đêm ấy trên tuyến đường dài 450 km, tôi đã đọc không biết bao nhiêu lần kinh “Hãy Nhớ”.

Các bạn hỏi tôi, Đức Mẹ đã giúp tôi vượt bao thử thách trong đời tôi thế nào. Tôi sẽ thuật lại cho các bạn một vài chuyện đang còn tươi rói trong ký ức tôi. Lúc còn là một linh mục du học ở Rôma, tháng 9 năm 1957, tôi đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ. Quỳ trước hang đá, nhìn lên tượng Mẹ, tôi nghe như Đức Mẹ nói với tôi như đã nói với thánh nữ Bernadette:

- Benadette, Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách.

Tôi run sợ, nhưng tôi chấp nhận và phó thác trong tay Mẹ. Tôi tiếp tục học hành thi cử, và trở về Việt Nam, làm giáo sư, Giám đốc tiểu chủng viện Hoan-Thiện, Tổng đại diện, Giám mục Giáo phận Nha Trang năm 1967. Cám ơn Chúa , công việc mục vụ của tôi nói được là thành công.

Tôi trở lại Lộ Đức nhiều lần và nhiều lần tôi tự hỏi: “Có lẽ lời Đức Mẹ đã nói với thánh Bernadette không phải Mẹ cũng nhắc lại với tôi?” Thánh giá bổn phận của tôi không đến nỗi quá nặng, dù sao tôi sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa.

Tiếp đến mùa hè 1975, tôi bị bắt, bị cầm tù, ở trại cải tạo, bị biệt giam... hơn 13 năm gian truân! Bấy giờ, tôi mới hiểu Đức Mẹ đã muốn chuẩn bị cho tôi từ 1957: “Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách”. Mỗi ngày tôi càng hiểu thâm thúy hơn ý nghĩa của sứ điệp ấy và tôi phó mình trong tay Mẹ.

Lúc những khổ đau thể xác và tinh thần trở nên quá nặng nề, tôi không đọc kinh nổi, tôi chỉ lặp đi lặp lại “Ave Maria”, không biết bao nhiêu lần mỗi ngày: “Lạy Mẹ, con quá yếu nhược, cong không đọc kinh nổi nữa, con chỉ biết dâng lên Mẹ muôn vàn ‘Ave Maria’, xin Mẹ ban phát cho giáo dân của con, cho mọi người, cho toàn thể Hội thánh đang cần đến lòng thương xót của Mẹ. Tất cả với Mẹ, vì Mẹ và trong Mẹ”.

Không những tôi cầu xin Mẹ ban ơn, nhưng tôi năng thưa với Mẹ: “Lạy Mẹ, con có thể làm gì giúp Mẹ được? Con sẵn sàng theo lệnh Mẹ, chịu đựng tất cả, làm tất cả vì ‘Nước Chúa Giêsu, con Mẹ’. Lúc ấy, tuy ở giữa gian lao, tôi cảm thấy hết lo sợ và bình an.

Lúc nào cầu nguyện với Mẹ Maria, tôi không thể quên thánh Giuse bạn trinh khiết của Mẹ. Vì đó là một nguyện ước của Chúa Giêsu và Mẹ. Thánh Giuse là người được Chúa Giêsu và Mẹ yêu mến cách đặc biệt nhất. Mẹ tôi đã dạy cho tôi điều này.

Mẹ Maria Vô nhiễm không bỏ quên tôi. Mẹ đã sát cánh tôi dọc đường gập ghềnh đen tối của lao tù. Trong những năm tháng thử thách triền miên ấy, tôi đã cầu xin Mẹ cách đơn sơ mà đầy tin tưởng cậy trông: “Lạy Mẹ, nếu Mẹ biết con không thể làm ích gì để phục vụ Hội thánh nữa thì xin Mẹ cho con đặc ân được chết trong tù, để hy sinh trọn vẹn. Ngược lại nếu Mẹ biết con còn phục vụ Hội thánh được, xin Mẹ cho con một dấu chỉ : ra khỏi tù trong một ngày lễ của Mẹ!”

Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. “Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!”

Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:

- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?

- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.

- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.

- Lãnh đạo là vị nào vậy?

- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.

Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:

- Ông có nguyện vọng gì không?

- Thưa có, tôi muốn được tự do.

- Bao giờ?

- Hôm nay.

Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:

- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.

Ông Bộ trưởng bật cười và nói:

- Đúng! đúng!

Ông quay qua bảo người bí thư:

- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.

Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ.

Các bạn hỏi tôi về vai trò của Mẹ Maria trong đời tôi, đặc biệt là sự chọn lựa triệt để theo Chúa Giêsu?

Tôi cảm nghiệm rằng, trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã bảo thánh Gioan: “Đây là Mẹ con!” (Ga 19, 29). Sau phép Thánh Thể thì Chúa Giêsu không thể để lại cho loài người sự gì cao quý hơn chính Mẹ của Ngài.

Đức Mẹ với tôi là một cuốn Phúc âm sống, loại bỏ túi, phổ biến rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất, dễ thương nhất.

Đức Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, chính Ngài trối Mẹ lại cho tôi. Chính điều này cho tôi thấy sự hiệp nhất giữa Mẹ Maria, Chúa Giêsu và tôi. Mỗi khi dâng thánh lễ, đọc lời truyền phép, tôi cảm thấy tôi là con Đức Mẹ hơn cả, vì tôi hiệp nhất với Chúa Giêsu.

Đức Mẹ không những lo lắng cho Chúa Giêsu mà còn lưu tâm giúp đỡ bà Isave, thánh Gioan, đôi tân hôn ở làng Cana... mọi người, toàn thể Hội thánh.

Tôi rất thích câu nói của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng: “Tôi muốn làm linh mục để giảng về Đức Mẹ”. Cuộc đời Mẹ Maria có thể tóm gọn trong ba tiếng: “Ecce, Fiat, Magnificat”.

“Này tôi là tớ nữ của Thiên Chúa” (Lc 1, 38).

“Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền cho tôi”... (Lc 1, 38).

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”... (Lc 1, 46).

Cầu Nguyện

Maria, Mẹ chúng con

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ chúng con, con muốn gọi Mẹ là Mẹ chúng con, để cảm thấy mình hợp nhất với Chúa Giêsu và mọi người anh em của con.

Xin Mẹ hãy đến và sống trong con. Cùng Chúa Giêsu, con rất yêu dấu của Mẹ.
Trong sự thinh lặng, tỉnh thức, cầu nguyện, hiến tế.
Trong sự thông hiệp với Hội thánh và Chúa Ba Ngôi.
Trong kinh Magnificat, sứ điệp đổi mới toàn diện của Mẹ,
Trong sự kết hợp với thánh Giuse, bạn chí thánh của Mẹ,
Trong lao động đầy khiêm tốn, yêu thương, để thực hiện di chúc của Chúa Giêsu.
Trong tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse, Hội thánh và tất cả nhân loại.
Trong đức tin sắt đá của Mẹ, giữa muôn vàn thử thách vì nước trời.
Trong niềm hy vọng của Mẹ, luôn hành động để xây dựng một thế giới mới, đầy công lý, hòa bình, hạnh phúc và yêu thương thực sự.
Trong sự vẹn toàn các nhân đức của Mẹ trong Chúa Thánh Thần, để nên nhân chứng của Phúc âm, nên Tông đồ truyền giáo.
Trong con, xin Mẹ tiếp tục làm việc, cầu nguyện, yêu thương, hy sinh.
Xin Mẹ tiếp tục thi hành thánh ý Chúa Cha, tiếp tục làm Mẹ loài người.
Xin Mẹ tiếp tục sống sự Thương khó và Phục sinh của Chúa Giêsu.
Con xin dâng mình cho Mẹ.
Tất cả cho Mẹ.
Hôm nay và mãi mãi đến muôn đời.
Con sống tinh thần của Chúa Giêsu, khi sống tinh thần Maria và Giuse.
Với Chúa Giêsu, thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và tất cả các linh hồn.
Con yêu mến Mẹ, Mẹ chúng con, và con xin chia sẻ,
Công việc của Mẹ,
Nỗi thao thức của Mẹ,
Cuộc chiến đấu của Mẹ vì nước Chúa Giêsu. Amen.

Biệt giam tại Hà Nội,
1-1-1986,
Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Kính Mừng Maria
đầy ơn phước

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

    Kính mừng Maria đầy ơn phước...
Ba từ ngữ "Ðầy ơn phước" được chuyển dịch một từ ngữ Hy Lạp duy nhất là kê-ka-ri-tô-mê-nê, nói lên thực thể thường xuyên của Mẹ Maria trước nhan Thiên Chúa và loài người: Mẹ là Ðấng tràn đầy ơn phước luôn luôn. Nhiều nhà chú giải nhìn đó là tên gọi mới của Mẹ Maria. Trong truyền thống kinh thánh, khi tuyển chọn con người cho một sứ mạng cao cả liên quan đến lịch sử cứu rỗi, thì Thiên Chúa thường đặt cho kẻ được chọn đó một tên mới, thí dụ như khi Chúa chọn Abraham làm người cha của một dân tộc. Thánh Tông Ðồ Simon được Chúa đặt cho tên mới là Petras, Phêrô, trên đó, Chúa xây dựng Giáo Hội.
Giờ đây, qua lời sứ thần Gabriel đến truyền tin, Thiên Chúa mời gọi Mẹ Maria và đặt cho một tên mới: Kêkaritômênê, Ðấng tràn đầy ơn phước luôn luôn; phải chăng Thiên Chúa muốn mạc khải cho Mẹ Maria hiểu sâu xa rằng đã đến lúc Mẹ công khai bước vào trong lịch sử cứu rỗi, vào giai đoạn của một lịch sử cứu rỗi để mọi người nhờ sự cộng tác của Mẹ mà được Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, ban lại cho được tràn đầy ơn phước.
Những lời tiếp sau của sứ thần như được tường thuật nơi chương 1, câu 30-31 của Phúc âm theo thánh Luca, giải thích rõ ràng hơn thực thể tràn đầy ơn Phúc của Mẹ Maria, và lý do tại sao của đặc ân nầy. Sứ thần tiếp:
    "Thưa Cô Maria, đừng sợ. Vì Cô đã được ơn trước nhan Thiên Chúa. Nầy, Cô sẽ chịu thai và sinh con trai, rồi phải đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng, sẽ xưng Người là Con của Ðấng chí tôn vô đối".
Lời trên giải thích thêm thực thể Mẹ Maria là được tràn đầy ơn trước nhan Thiên Chúa và ơn đó đến từ Thiên Chúa. Và giải thích lý do tại sao của đặc ân, đó là để làm Mẹ Con Thiên Chúa, Ðấng cứu thế. Chúng ta hãy vui mừng cùng với Mẹ vì đã nhận được một đặc ân to lớn cao cả như vậy.
    Kính mừng Maria đầy ơn phước.
Chúng ta đừng hiểu là Mẹ Maria đã có công nghiệp để được Thiên Chúa ban cho đặc ân tràn đầy ơn phước. Thiên Chúa đã chọn Mẹ một cách nhưng không, cũng như trước đó đã chọn Abraham và dân Israel một cách nhưng không. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã có sáng kiến trước tìm đến thi ân cho con người. Hơn ai hết, Mẹ Maria đã hiểu rõ điều này. Nên sau đó, khi đến thăm Bà Elizabeth và trước lời chào chúc: Phúc cho bà là kẻ đã tin vào lời Chúa truyền, thì Maria đã khiêm tốn hướng về Thiên Chúa với hết lòng tri ân mà chúc tụng rằng:
    Linh hồn tôi tán tạ Chúa trời,
    Và tâm trí mừng reo hớn hở,
    Vì Chúa Trời Ðấng cứu độ tôi!


      Ngài nhìn xuống phận hèn tớ nữ,
      Khiến từ nay muôn thuở muôn đời,
      Sẽ ngợi ca tôi đầy phúc cả.
    Bởi vì Ðấng uy quyền toàn năng,
    Làm cho tôi những việc lạ lùng,
    Ôi danh Ngài chí tôn chí thánh.


      Lòng Chúa thương lưu tràn muôn thuở.
      Trên những ai kính sợ danh Ngài...


Ước chi mỗi lần đọc kinh Kính Mừng Maria Ðầy Ơn Phước, chúng ta noi gương khiêm tốn của mẹ và xin Mẹ dạy chúng ta biết bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa vì những hồng ân đã lãnh nhận...

Freitag, Mai 24, 2013

Tháng kính Mẹ
Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort
NHỮNG NGƯỜI TÔN SÙNG ĐỨC MẸ MỘT CÁCH SAI LỆCH
Tôi thấy có bảy loại người tôn sùng Đức Mẹ một cách sai lệch, đó là:
1. Những người phê phán,
2. Những người tính toán,
3. Những người bề ngoài,
4. Những người hợm mình,
5. những người thiếu ổn định,
6. những người giả hình,
7. những người vụ lợi.
1. Những người phê phán thường là những nhà học thức kiêu ngạo, đầu óc mạnh mẽ và tự mãn. Họ chấp nhận tôn sùng Đức Mẹ, nhưng họ lại phê phán mọi hình thức đạo đức mà những người bình dân bày tỏ một cách đơn sơ và thánh thiện lên Đức Mẹ, bởi vì những hình thức đạo đức đó không phải họ tự ý bày ra.
Loại người sùng kính sai lệch này và những người kiêu căng thật đáng sợ. Họ gây thiệt hại vô cùng cho việc sùng kính Đức Mẹ, và thúc đẫy người ta tránh xa Mẹ, với lý do là muốn diệt trừ những lạm dụng.
2. Những người tính toán là những người sợ rằng mình xem thường Chúa Con khi tôn sùng người Mẹ, là hạ Đấng này xuống khi nâng Đấng kia lên. Họ không chấp nhận cho ai dâng lên Đức Mẹ những lời ca tụng chính đáng, mà các giáo phụ đã truyền lại. Họ không chịu đựng nỗi khi thấy trước bàn thờ Đức Mẹ lại đông người hơn trước bàn thờ Thánh Thể, cứ như thể là bàn thờ này là đối thủ của bàn thờ kia, cứ như thể là ai cầu nguyện với Đức Mẹ thì không cầu nguyện với Chúa Giêsu qua Mẹ! Họ không muốn ai nhắc đến Nữ Vương trên trời, và chạy đến với Người quá thường xuyên…
3. Những người bề ngoài là những người xem toàn bộ việc tôn sùng Đức Mẹ là những việc mình chứng tỏ ra bên ngoài. Họ chỉ cảm nhận được bên ngoài việc sùng kính Đức Mẹ, vì họ không có gì trong nội tâm. Họ đọc rất nhanh và rất nhiều chuỗi mân côi, đi xem nhiều lễ mà không cần cầm trí, đi mọi cuộc rước kiệu mà không cần sốt sắng, gia nhập mọi hội đoàn mà không dấn thân hy sinh sự sống của mình, không chống trả lại mọi đam mê và không noi gương Đức Mẹ chí thánh. Họ chỉ ưa thích những gì làm cảm động trong công việc sùng kính, mà không cảm nếm cái cốt lõi; nếu họ không cảm thấy gì trong khi làm việc đạo đức, họ cho rằng mình không làm gì cả, họ rút lui, họ buông xuôi và làm việc chiếu lệ. Thế giới này đầy dẫy những người tôn sùng Đức Mẹ một cách hời hợt bên ngoài như thế.
4. Những người hợm mình là những người tội lỗi buông mình theo đam mê, hoặc những người yêu mến thế gian, những người nấp dưới danh nghĩa công giáo và sùng kính Đức Mẹ che dấu tính kiêu ngạo, hay hà tiện, hay dâm ô, hay say sưa, hay nóng giận chửi bới, hay nói hành, hay bất công, v.v. Họ ngủ yên trong thói quen xấu xa của mình, mà không cố gắng sửa sai, lấy cớ rằng mình đã tôn sùng Đức Mẹ. Họ tự nhủ rằng Chúa sẽ tha thứ cho họ, họ sẽ không chết bất đắc kỳ tử mà chưa kịp xưng tội, và họ sẽ không bị án phạt đời đời; vì họ lần hạt đều đặn, vì họ ăn chay ngày thứ bảy; vì họ thuộc hội đoàn Mân Côi hay Áo Đức Bà, hay một hội đoàn nào khác; vì họ mặc áo Đức Bà hay một ảnh vảy Đức Mẹ, v.v. Khi ta bảo rằng lối sùng đạo của họ chỉ là một ảo tưởng do ma quỷ vẽ ra và một sự hợm mình sai lệch có thể làm cho họ mất sự sống đời đời, họ không muốn tin ta nữa: Họ bảo rằng Thiên Chúa thì nhân lành và đầy lòng thương xót, rằng Người không sinh ra ta để phạt ta đời đời, rằng không ai là không có tội, rằng mình không thể nào chết đi mà không kịp xưng tội.
5. Những người thiếu ổn định là những người tôn sùng Đức Mẹ một cách chập chờn: lúc thì sốt sắng lúc thì nguội lạnh, lúc thì họ có vẻ sẵn sàng làm mọi việc để phục vụ Mẹ, rồi chẳng bao lâu sau, họ trở thành dửng dưng. Họ khởi sự bằng cách thực thi mọi việc đạo đức tôn sùng Đức Mẹ; họ gia nhập các hội đoàn; thế rồi họ bỏ cuộc giữa chừng; họ thay đổi xoành xoạch, và Đức Mẹ sẽ đặt họ dưới chân Người, như Mẹ từng đạp lên nửa vầng trăng, vì họ hay thay đổi và không xứng được xếp vào hàng ngũ những tôi tớ của Đấng Trinh Nữ muôn đời trung tín, những người trung thành và bền đổ để xứng đáng được chia sẻ.
6. Có một hạng tôn sùng sai lệch khác là những kẻ giả hình. Họ che lập tội lỗi và thói quen xấu của mình dưới lớp áo của Đức Mẹ, hầu cho mọi người nghĩ rằng mình mình tốt lành trong khi thật sự thì không.
7. Còn một hạng tôn sùng sai lệch nữa là những kẻ vụ lợi. Họ chỉ chạy đến với Đức Mẹ để xin thắng một vụ kiện, để tránh khỏi một hiểm nguy, để được lành một căn bệnh, hoặc để được đáp ứng một nhu cầu đại loại như thế. Và nếu không cần đến Mẹ thì họ quên Người mất.
Những người kể trên là những người tôn sùng giả hiệu, và họ không xứng đáng trước mặt Chúa cũng như trước mặt Mẹ Người.
Nguồn: http://tinmung.net/TRANG%20CUA%20ME%20MARIA/Thang-Kinh-Me/ThangHoa/ThangHoa_INDEX.htm
Đức Phanxicô: Chúa cứu chuộc mọi người, kể cả người vô thần
Vũ Văn An5/23/2013
 Một trong những đặc điểm của triều giáo hoàng non trẻ Phanxicô là việc nhấn mạnh tới chính sách không loại bỏ ai. Ngài xác tín rằng trong những điều mình nói và làm để cổ vũ Tin Mừng, Giáo Hội phải mở rộng lời kêu gọi của mình cũng như cuộc đối thoại của mình với người khác.

Trong Thánh Lễ sáng ngày 22 tháng 5 tại nhà khách của Vatican, Đức Phanxicô đã chi tiết hóa chủ đề trên. Ngài nói rằng “làm điều tốt” là một nguyên tắc có thể tạo cơ sở chung cho người Kitô hữu lẫn người không phải là Kitô hữu, kể cả người vô thần. 

Ngài bảo: “Chúa cứu chuộc mọi người chúng ta bằng Máu Chúa Kitô: mọi người, chứ không riêng gì người Công Giáo. Mọi người! ‘Thưa cha, người vô thần thì sao?’ Cả người vô thần nữa. Mọi người! Và Máu này biến chúng ta thành con cái hạng nhất của Thiên Chúa!”. 

Lời Đức Giáo Hoàng hẳn phải thách thức mọi người Công Giáo, nhưng nhất là những ai muốn dùng nền chính trị duy bản sắc để loại bỏ bất cứ sự hợp tác hay đối thoại nào với những người không chia sẻ các niềm tin của Giáo Hội. 

Đức Phanxicô bắt đầu buổi suy niệm của ngài bằng trình thuật Tin Mừng nói tới việc các môn đệ của Chúa Kitô tìm cách ngăn chặn một người không thuộc nhóm của mình làm việc thiện. Đài Phát Thanh Vatican thuật lại lời suy niệm của Đức Thánh Cha như sau: “Họ kêu ca rằng ‘nếu anh ta không thuộc nhóm của ta, thì anh ta không được làm việc thiện’. Nhưng Chúa Giêsu bảo họ: ‘đừng ngăn cản anh ấy, cứ để anh ấy làm việc thiện’”. 

Theo Đức Phanxicô, các môn đệ quả “có hơi bất khoan dung” vì đã khóa kín mình trong ý niệm chỉ mình mới có chân lý và tin rằng “những ai không có chân lý, không thể làm được việc gì tốt cả”. 

“Điều ấy sai… Chúa Giêsu vốn mở rộng chân trời. Cội rễ của khả thể làm việc thiện, một khả thể ai trong chúng ta cũng có, vốn có sẵn trong tạo dựng”. 

“Chúa dựng nên ta giống hình ảnh và họa ảnh của Người. Ta là hình ảnh của Chúa. Mà Người làm việc thiện thì tất cả chúng ta đều có lệnh truyền này khắc khi trong lòng: hãy làm việc thiện và đừng làm việc ác. Tất cả chúng ta, ‘Nhưng thưa cha, người này đâu phải Công Giáo! Anh ta đâu có thể làm việc thiện’. Có, anh ta có thể làm việc thiện. Anh ta phải làm việc thiện. Không những có thể, mà còn phải làm nữa! Vì anh ta cũng có lệnh truyền kia trong chính anh ta”. 

“Cái thứ “khóa kín” từng tưởng tượng rằng những người ở bên ngoài không thể nào làm được việc thiện này thực ra là một bức tường sẽ dẫn tới chiến tranh và tới điều một số người trong dòng lịch sử đã nghĩ ra là giết chóc nhân danh Thiên Chúa. Nghĩa là ta có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Điều này đơn thuần chỉ là lộng ngôn phạm thượng. Nói rằng bạn có thể nhân danh Thiên Chúa mà giết người là nói lộng ngôn phạm thượng”. 

“Chúa đã dựng nên ta giống hình ảnh và họa ảnh của Người, và đã khắc ghi lệnh truyền này trong thẳm sâu lòng ta: hãy làm việc thiện và đừng làm việc ác. Người cứu chuộc mọi người chúng ta, vâng mọi người, bằng Máu Chúa Kitô: mọi người chúng ta, không riêng gì người Công Giáo. Mọi người! ‘Thưa cha, người vô thần thì sao?’ Cả người vô thần nữa. Mọi người! và Máu này biến chúng ta thành con cái hạng nhất của Thiên Chúa! Ta được dựng nên làm con cái giống hình ảnh Thiên Chúa và Máu Chúa Kitô đã cứu chuộc mọi người chúng ta! Và tất cả chúng ta có bổn phận làm việc thiện. Thiển nghĩ, lệnh truyền mọi người làm việc thiện này là con đường tốt đẹp dẫn tới hòa bình. Nếu chúng ta, ai cũng làm phần mình, nếu chúng ta làm việc thiện cho người khác, nếu chúng ta gặp gỡ họ làm việc thiện, thì từ từ, một cách êm dịu, từng chút từng chút, ta sẽ tạo được một nền văn hóa gặp gỡ. Ta rất cần nền văn hóa này. Ta phải gặp nhau trong diễn trình làm việc thiện. ‘Nhưng thưa cha, tôi không tin, tôi là một người vô thần mà!’ Nhưng xin anh cứ làm việc thiện, chúng ta sẽ gặp nhau ở đấy”. 

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “làm việc thiện” không phải là vấn đề đức tin. “Nó là một bổn phận, nó là tấm thẻ căn cước mà Cha chúng ta đã ban cho mọi người chúng ta, vì Người vốn dựng nên ta giống hình ảnh và họa ảnh của Người. Mà Người thì lúc nào cũng làm việc thiện” 

Ý nghĩa cứu chuộc

Nhân dịp này, nhiều người thắc mắc đối với bài giảng trên của Đức Phanxicô. Các thắc mắc này được cha Thomas Rosica, CSB, tóm lược thành 3 chủ đề:
1) Người vô thần được cứu chuộc ra sao?
2) Phải chăng Đức Phanxicô mô tả một thứ “Kitô Giáo nặc danh” hiện đang hiện diện trong thế giới ngày nay? 
3) Hệ luận bài giảng của Đức Thánh Cha ra sao? 

Các câu trả lời của Cha Rosica dựa trên vốn kiến thức thần học, kinh nghiệm 5 năm sống tại Trung Đông (Do Thái, Palestine, Jordan và Egypt) cũng như các đối thoại liên tôn với người Do Thái Giáo và Hồi Giáo trong nhiều năm qua của cha. Cha cũng từng có nhiều tiếp xúc với những người vô thần và bất khả tri tại khuôn viên các đại học tại Canada. 

1) Ta nên lưu ý tới thính giả và ngữ cảnh bai giảng hàng ngày của Đức Phanxicô. Trước hết, ngài là một mục tử và nhà giảng thuyết giầu kinh nghiệm trong việc vươn tới người khác. Lời lẽ của ngài vì thế không diễn ra trong ngữ cảnh thần học khoa bảng hay học thuật cũng như đối thoại hay tranh luận liên tôn. Ngài lên tiếng trong ngữ cảnh Thánh Lễ qua việc suy niệm về Lời Chúa. Ngài nói với những người Công Giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Kiến thức của ngài, vốn bén rễ sâu trong thần học và truyền thống Công Giáo, luôn được diễn tả bằng một ngôn từ khiến ai cũng có thể hiểu được. Đây là một thiên bẩm không phải vị mục tử và và thần học gia nào cũng có được. Thành thử đâu có lạ khi nhiều người bị lời lẽ của ngài lôi cuốn. 

2) Đức Phanxicô không có ý tạo ra một cuộc tranh luận thần học về bản chất của cứu chuộc qua bài giảng của mình hay qua suy tư Thánh Kinh khi tuyên bố rằng “Thiên Chúa cứu chuộc mọi người chúng ta, mọi người, bằng Máu Chúa Kitô: mọi người chúng ta, chứ không riêng gì người Công Giáo. Mọi người!” 
Về bản chất này, Cha Rosica lưu ý bạn đọc một số đoạn trong cuốn Toát Lược Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo: 

Số 135: Ðức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào?

Ðức Kitô sẽ phán xét với quyền năng mà Người đã thu nhận được như Ðấng Cứu Chuộc trần gian, đến để cứu độ loài người. Những điều kín nhiệm trong tâm hồn cũng như thái độ của mỗi người đối với Thiên Chúa và tha nhân sẽ được tỏ ra. Mỗi người sẽ đón nhận sự sống hay bị kết án đời đời tùy theo các công việc họ đã làm. Như thế "sự viên mãn của Ðức Kitô" (Ep 4,13) được thành tựu, trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15,28).

Số 152: "Hội thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu độ" có nghĩa là gì?

Câu này muốn nói Hội thánh là dấu chỉ và khí cụ cho việc giao hòa và hiệp thông toàn thể nhân loại với Thiên Chúa cũng như cho sự hợp nhất nhân loại.

Số 162. Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô tồn tại ở đâu?

Với tính cách là một cộng đoàn được thiết lập và tổ chức ở trần gian, Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô tồn tại (subsistit in) trong Hội thánh Công Giáo, được điều hành do vị kế nhiệm thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với ngài. Chỉ nhờ Hội thánh này người ta mới có thể đạt được cách đầy đủ các phương tiện cứu độ, vì Chúa đã trao phó tất cả những gì thiện hảo của Giao ước Mới cho tập thể tông đồ duy nhất, có thánh Phêrô đứng đầu.

Số 166. Tại sao Hội thánh được gọi là Công Giáo?

Hội thánh có đặc tính là Công Giáo, nghĩa là phổ quát, vì Ðức Kitô hiện diện trong Hội thánh. "Ở đâu có Ðức Kitô Giêsu, ở đó có Hội thánh Công Giáo" (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Hội thánh loan báo sự toàn diện và toàn vẹn của đức tin. Hội thánh gìn giữ và quản lý tất cả các phương tiện cứu độ. Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa của họ.

Số 171. Câu khẳng định "Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ" có nghĩa gì?

Câu này muốn nói rằng ơn cứu độ xuất phát từ Ðức Kitô-là-Ðầu thông qua trung gian là Hội thánh, thân thể Người. Những ai biết rằng Hội thánh được Ðức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ mà không muốn bước vào hay không muốn gắn bó với Hội thánh, thì sẽ không được cứu độ. Ngoài ra, nhờ Ðức Kitô và Hội thánh Người, những người, không vì lỗi mình mà không biết Tin Mừng của Ðức Kitô và Hội thánh Người, nhưng chân thành đi tìm Thiên Chúa và dưới ảnh hưởng của ân sủng, cố gắng thực hiện ý Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của lương tâm, vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.

3) Thánh Kinh minh nhiên cho ta hay: Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi (1 Timothy 2:4); giao ước hòa bình mà Thiên Chúa ký với Nôê sau Đại Hồng Thủy chưa bao giờ bị thu hồi: trái lại, chính Con Thiên Chúa đã đóng ấn nó bằng thẩm quyền tình yêu hiến sinh bao gồm mọi người của mình. Đức Phanxicô cảnh cáo người Công Giáo không được ma qủy hóa những ai không phải là chi thể của Giáo Hội, và ngài đặc biệt bênh vực người vô thần, vì cho rằng dựng lên những bức tường chống những người không phải là Công Giáo sẽ dẫn tới việc “giết người nhân danh Thiên Chúa”. 

4) Nhà thần học Đức trứ danh là Karl Rahner đã dẫn nhập ý niệm “Kitô hữu nặc danh” vào suy tư thần học. Qua ý niệm này, đưa ra cho người Kitô hữu, Rahner cho rằng Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, chứ không hề trừng phạt tất cả những ai không là Kitô hữu phải sa hỏa ngục. Thứ hai, Chúa Giêsu Kitô là phương thế cứu rỗi duy nhất của Thiên Chúa. Điều này phải được hiểu là: những người không phải là Kitô hữu muốn hưởng thiên đàng phải tiếp nhận ơn thánh của Chúa Kitô dù không thể hiện nó. Bởi thế mà có thuật ngữ “Kitô hữu nặc danh”. 

Ý niệm trên thực ra cũng được Hiến Chế “Lumen Gentium” (số 16) giảng dạy. Theo Hiến Chế này, những ai chưa tiếp nhận Tin Mừng và việc này không do lỗi của chính họ đều có khả thể được cứu rỗi đời đời… Thiên Chúa ‘qua những cách ta không biết’ có thể ban đức tin, vì không có đức tin thì không thể có cứu rỗi dù đó là trường hợp những người chưa được nghe rao giảng về Tin Mừng. 

Người Công Giáo không chấp nhận thái độ của chủ nghĩa duy tương đối về tôn giáo, là chủ nghĩa cho rằng mọi tôn giáo đều công chính như nhau, các dị biệt đều không quan trọng. Thiên Chúa thực sự muốn mọi người được cứu rỗi. Nhưng người Công Giáo tin rằng ơn cứu rỗi này chỉ được trao ban nơi Chúa Giêsu Kitô, và Kitô Giáo và Giáo Hội duy nhất là người trung gian chuyển giao ơn đó cho mọi người. 

5) Trong cuộc đối thoại liên tôn hay với người vô thần và người bất khả tri, luôn có nguy cơ biến mọi cuộc thảo luận thành chuyện lịch thiệp hay bất liên hệ. Nhưng đối thoại không có nghĩa là thỏa hiệp. Ngày nay, ta luôn có thể và phải đối thoại: đối thoại trong tự do chân chính chứ không phải trong cái thứ ‘khoan dung’ và sống chung chỉ vì mình không có đủ sức mạnh để tiêu diệt người kia. Nghĩa là cuộc đối thoại này phải diễn tiến trong một thái độ yêu thương. Kitô hữu biết rõ: chỉ có tình yêu mới là đuốc sáng nhất của kiến thức và những điều Thánh Phaolô nói về tình yêu phải có giá trị đối với mọi cuộc đối thoại. 

6) Một người không phải là Kitô hữu có thể bác bỏ một trình bày nào đó của Kitô hữu đối với Tin Mừng của Chúa Kitô. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là họ thực sự bác bỏ Chúa Kitô và Thiên Chúa. Bác bỏ Kitô Giáo có thể không có nghĩa là bác bỏ Chúa Kitô. Vì cho dù một cá nhân cụ thể nào đó bác bỏ Kitô Giáo từng được mang tới cho họ qua lời giảng của Giáo Hội, thì dù là như thế, ta vẫn không bao giờ ở vào vị trí có thể quyết định được là liệu sự bác bỏ đó trong trường hợp cụ thể ấy là một lỗi phạm trầm trọng hay là một hành vi trung thành với chính lương tâm họ. Ta không bao giờ có thể nói một cách hoàn toàn chắc chắn liệu một người bác bỏ Kitô Giáo và dù từng gặp gỡ Kitô Giáo, nhưng vẫn không trở thành Kitô hữu, có đang đi theo con đường được vẽ ra để họ được cứu rỗi, tức con đường sẽ dẫn họ tới gặp gỡ Thiên Chúa, hay họ đang trên con đường dẫn tới trầm luân đời đời. 

7) Thánh Kinh dạy rằng Thiên Chúa coi tấm tình ta ngỏ với người lân cận là tấm tình ta ngỏ với chính Người. Do đó, mối liên hệ yêu thương giữa một người với người lân cận của họ là định mức của mối liên hệ yêu thương giữa họ và Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa: người không phải là Kitô hữu có khả năng thực hiện các hành vi yêu thương người lân cận mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Đúng hơn, các hành vi yêu thương này quả là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa thực sự hành động nơi họ. 

8) Là Kitô hữu, ta tin rằng Thiên Chúa luôn vươn tới nhân loại trong yêu thương. Điều này có nghĩa: mọi người nam nữ, bất kể hoàn cảnh, đều có thể được cứu rỗi. Ngay những người không phải là Kitô hữu cũng có thể đáp ứng hành động cứu rỗi của Chúa Thánh Thần. Không người nào bị loại khỏi ơn cứu rỗi chỉ vì cái tội mà ta vốn gọi là tội nguyên tổ; người ta chỉ mất sự cứu rỗi qua tội bản thân mà thôi. 

Trong tâm trí Đức Phanxicô, nhất là lúc ngài giảng lễ vào ngày 22 tháng 5, “làm việc thiện” là một nguyên tắc kết hợp toàn thể nhân loại, vượt trên các dị biệt trong ý thức hệ và tôn giáo, và tạo nên “nền văn hóa gặp gỡ” vốn là nền tảng của hòa bình. 

Cuối cùng, thiển nghĩ nên đọc phần cuối bài diễn văn nổi tiếng của Đức Gioan Phaolô II trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 50 tại New York, ngày 5 tháng 10, năm 1995: “Là một Kitô hữu, tâm điểm niềm hy vọng và lòng tin tưởng của tôi là nơi Chúa Giêsu Kitô, mà kỷ niệm năm sinh lần thứ hai nghìn của Người sẽ được cử hành vào đầu thiên niên kỷ mới. Kitô hữu chúng tôi tin rằng tình yêu và lòng chăm sóc của Thiên Chúa đối với toàn bộ sáng thế đã được tỏ hiện trọn vẹn nơi cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Đối với chúng tôi, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người, trở thành một phần của lịch sử nhân loại. Chính vì lý do này, niềm hy vọng Kitô Giáo dành cho thế giới và tương lai của nó trải dài tới mọi con người nhân bản. Vì nhân tính chói sáng của Chúa Kitô, không gì thực sự nhân bản lại không đánh động trái tim Kitô hữu. Đức tin vào Chúa Kitô không buộc chúng tôi phải bất khoan dung. Trái lại, nó buộc chúng tôi phải mời gọi người khác vào một cuộc đối thoại tôn kính. Tình yêu Chúa Kitô không làm chúng tôi sao lãng việc quan tâm tới người khác, nhưng đúng hơn, nó mời gọi chúng tôi nhận trách nhiệm đối với họ, không loại trừ bất cứ ai, và quả thực đặc biệt quan tâm tới người yếu đuối nhất và người đau khổ. Do đó, gần tới dịp kỷ niệm năm thứ hai nghìn ngày sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội chỉ xin được kính cẩn đề xuất sứ điệp cứu rỗi này, và được cổ vũ tình liên đới của toàn thể gia đình nhân loại, trong bác ái và phục vụ. 

Kính thưa quí vị! Tôi đến trước quí vị, như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô đúng 30 năm trước đây, không phải như một người thi hành quyền bính trần gian, cũng không phải như một lãnh tụ tôn giáo đi tìm đặc ân cho cộng đồng của mình. Tôi đến trước quí vị như một nhân chứng: nhân chứng cho phẩm giá con người, nhân chứng cho hy vọng, nhân chứng cho niềm xác tín rằng định mệnh mọi quốc gia nằm trong tay Đấng Quan Phòng đầy nhân ái. 

Chúng ta phải thắng vượt nỗi lo sợ tương lai của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không có khả năng thắng vượt được nó cách hoàn toàn nếu không cùng thắng vượt với nhau. “Trả lời” cho nỗi lo sợ ấy không hề là một cưỡng ép hay đàn áp, cũng không phải là áp đặt một “kiểu mẫu” xã hội lên toàn thế giới. Trả lời nỗi lo sợ đang làm tối đen cuộc nhân sinh ở cuối thế kỷ 20 là cố gắng chung để xây dựng nền văn minh tình thương, đặt nền trên các giá trị phổ quát là hòa bình, liên đới, công lý và tự do. Và “linh hồn” của nền văn minh tình thương là nền văn hóa tự do: tự do của các cá nhân và tự do của các dân tộc, sống trong tình liên đới và trách nhiệm hiến sinh. 

Chúng ta không nên sợ tương lai. Chúng ta không nên sợ con người. Chúng ta có mặt ở đây không phải là chuyện tình cờ. Mỗi một và mọi con người nhân bản đều đã được dựng nên giống “hình ảnh và họa ảnh” của Đấng là nguồn gốc mọi sự hiện hữu. Ta sở hữu trong mình các khả năng khôn ngoan và nhân đức. Với những thiên phú này, và với sự trợ giúp của ơn thánh Thiên Chúa, trong thế kỷ và thiên niên kỷ kế tiếp, chúng ta sẽ xây dựng được một nền văn minh xứng đáng với con người nhân bản, một nền văn hóa tự do đích thực. Chúng ta có thể và phải làm như thế! Và nhờ làm thế, ta sẽ thấy nước mắt của thế kỷ này đã dọn chỗ cho một mùa xuân mới của tinh thần con người”.