Trang chủ

Donnerstag, März 28, 2013

Suy niệm Tam Nhật Thánh

Lm Giuse Trần Việt Hùng3/27/2013

TƯỞNG NIỆM (T5 TT.C)
(Xh 12, 1-8.11-14; 1 Cor 11, 23-26; Ga 13, 1-15).


Vì nạn đói, con cháu của tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob đã di dân vào Ai-cập khoảng năm 1700 B.C. và cư ngụ tại đó gần 430 năm. Con dân sinh xôi nây nở thêm đông. Thời gian dân Do-thái xuất Ai-cập khoảng năm 1300-1280 B.C., dưới thời vua Ramses II. Đây là một biến cố hết sức quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ. Thiên Chúa đã chọn Môisen để cứu dân ra khỏi vòng nô lệ. Sự kiện vượt qua được chuẩn bị thật chi tiết và ý nghĩa: Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Thiên Chúa (Xh 12, 11). Dân chúng bắt đầu cuộc lữ hành 40 năm trong sa mạc để chịu sự huấn luyện và thử thách. Hằng năm Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về biến cố này và dùng thời gian 40 ngày chay thánh để chuẩn bị bước vào Tam Nhật Thánh.


Trong ngày xuất Ai-cập, mọi người và mọi gia đình phải tuân hành tất cả các lời chỉ dạy của ông Môisen để tránh mọi hiểm họa. Thiên Chúa đã sai các thiên thần giáng họa trên người Ai-cập. Thiên thần sẽ vượt qua tất cả các nhà đã được ghi dấu máu trên cửa. Thiên Chúa đã cứu họ khỏi sự áp bức của người Ai-cập: Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập (Xh 12, 13). Thiên Chúa đã ưu ái đùm bọc và bảo vệ dân riêng của Người. Nói lên tình yêu thương vô bờ của một Thiên Chúa nhân từ và công bằng vô cùng. Chúa cho mưa trên cả người lành kẻ dữ nhưng Thiên Chúa lại đặc biệt bảo vệ và cưu mang dân Do-thái. Từng bước Thiên Chúa mạc khải cho dân chúng biết về một Thiên Chúa độc nhất vô hình, nhưng có ngôi vị biết yêu thương và thưởng phạt công minh.



Lễ Vượt Qua đã trở thành ngày lễ tưởng niệm biến cố mà Thiên Chúa đã ra tay oai hùng cứu dân. Lễ này được truyền tụng từ đời này sang đời khác qua các thế hệ: Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Thiên Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời (Xh 12, 14). Xưa, mỗi năm Chúa Giêsu cùng với cha mẹ về Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Tới ngày nay, các tín hữu Đạo Do-thái vẫn tiếp tục giữ các tập tục cha ông một cách rất nghiêm nhặt. Vào dịp lễ Vượt Qua hằng năm, họ cử hành đọc Lời Chúa, ca hát Thánh Vịnh và chia sẻ bữa ăn tưởng niệm với bánh không men, thịt chiên nướng và rau đắng. Thiên Chúa với bàn tay uy dũng giúp dân riêng chiến thắng người Ai-cập. Chiến mã với kỵ binh, Ngài quăng chìm đáy biển. Một cuộc chiến, một biến cố và một lễ vượt qua là hình bóng chiến đấu giữa sự chết và sự sống. Dẫn đến cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã chết đi để dẫn mọi người vào sự sống mới.



Vào dịp lễ Vượt Qua của người Do-thái, Chúa Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành các nghi thức ngày lễ tưởng niệm. Ngày này Chúa Giêsu đã loan báo rằng Ngài sẽ không bao giờ tham dự lễ Vượt Qua cho tới khi lễ này được thực hiện trong Nước Chúa. Như thế trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã tiên báo về một lễ Vượt Qua mới. Chúa đã dùng bánh để hóa nên Thân Mình Chúa: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."(1 Cor 11, 24). Chúa Giêsu dùng từ, đây là Mình Thầy, mang một ý nghĩa thần học trọn vẹn. Chúa sẽ hiện diện thực sự trong tấm bánh nhỏ để nuôi hồn thiêng. Dâng lời tạ ơn, bánh được bẻ ra, bánh hiến tế, bánh làm của ăn và bánh là Mình Thầy. Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Thịt Máu của Chúa.



Không chỉ Mình Chúa nhưng còn chén Máu Thầy. Máu của giao ước, máu của hy sinh đền tội và máu để nuôi sống. Chúa dùng chính thịt máu Chúa để nuôi dưỡng chúng ta: Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."(1 Cor 11, 25). Chúa căn dặn các tông đồ là hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy. Nghi thức bẻ bánh sớm được các tông đồ ghi nhớ và thực hiện. Sau khi sống lại từ cõi chết, khi Chúa hiện ra với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Chúa đã cầm bánh tạ ơn và bẻ ra phân phát cho các ông. Các ông đã nhận ra Chúa qua nghi thức bẻ bánh này. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các cộng đoàn tín hữu đã tụ họp thực hành nghi thức bẻ bánh và hát ca Thánh Vịnh.



Các Kitô hữu tiên khởi không còn cử hành Lễ Vượt Qua ở đền thờ Giêrusalem như trước, nhưng họ tưởng niệm lễ Vượt Qua mới. Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu đã vượt qua sự chết tới sự sống vĩnh cửu: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết (1Cor 11, 26). Khi cử hành Bí tích Thánh Thể là chúng ta loan truyền sự chết và sống lại của Chúa Kitô cho đến khi Chúa lại đến. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể và trao quyền cho các tông đồ tiếp tục cử hành để tưởng nhớ đến sự chết và sống lại của Chúa. Với thời gian, Giáo Hội đã trải qua nhiều giai đọan hình thành việc cử hành thánh lễ này. Như xưa, ông Môisen đã chọn riêng dòng dõi Aaron được thánh hiến để phục vụ bàn thờ. Chức vụ linh mục tư tế được thành lập để đại diện đoàn dân dâng tiến thánh lễ lên Thiên Chúa.



Trong thơ gởi cho tín hữu thành Galata, thánh Phaolô tông đồ được chính Chúa Kitô phục sinh chọn và gọi thi hành sứ mệnh. Ngài đã nhận lãnh tin mừng trực tiếp từ Chúa Kitô. Phaolô đã chỉ dậy tín hữu về căn cơ thần tính của Chúa Giêsu: Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa (Ga 13, 14). Không phải người đời phong danh ban tước cho Chúa, mà Chúa mạc khải về chính mình. Chúa Kitô đã phá tan gông kiềng sự chết và tội lỗi. Sự chết không còn làm chủ được Ngài nữa. Ngài vượt lên trên tất cả mọi phẩm trật và danh Ngài là Thánh. Chúng ta tuyên xưng Chúa là Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Khi nghe Danh của Chúa, mọi đầu gối sẽ bái qùy thờ lạy.



Trước khi cử hành bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã để lại một bài học rất mực khiêm tốn. Chúa khuyên dạy các tông đồ hãy yêu thương phục vụ lẫn nhau và bằng hành động cụ thể, Chúa đã qùy gối xuống rửa chân cho các môn đệ: Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13, 15). Các tông đồ bối rối như một bước hẫng. Vì theo tập tục của người Do-thái, khi khách đến nhà, chỉ có các đầy tớ mới rửa chân cho khách. Nếu nhà không có đầy tớ, thì trẻ em hay người vợ trong gia đình sẽ rửa chân cho khách. Ở đây, chính Chúa là Thầy và là Chúa lại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúa đã rửa những bàn chân dơ dáy dính đày bụi trần và hôi hám. Một cử chỉ có một không hai, ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Chúa đã yêu thương và tôn trọng các tông đồ toàn diện, cả thể xác lẫn tinh thần. Chúa rửa sạch thân xác qua việc rửa chân và Chúa nuôi dưỡng hồn bằng của ăn là Mình và Máu Thánh Chúa.



Lạy Chúa, Chúa trao ban tất cả. Chúa chọn con đường từ thấp đi lên để cứu độ chúng con. Chúa muốn ôm ấp mọi người và không loại trừ một ai. Chúa hiện diện giữa chúng con nơi những kẻ nghèo đói, bệnh hoạn và khổ sở lầm than. Chúa không chỉ nói xuông, nhưng bằng trái tim yêu thương và hành động phục vụ đích thực. Xin cho chúng con biết xả thân phục vụ và yêu thương anh chị em như Chúa đã yêu thương và hiến thân mình vì chúng con.



THƯƠNG KHÓ (T 6 TT.C)



(Is 52, 13-53,12; Dt 4, 14-16. 5, 7-9; Ga 18, 1-19.42).



Thứ Sáu Tuần Thánh, Good Friday, ngày tưởng niệm sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá. Hôm nay Giáo Hội dành một ngày đặc biệt để suy niệm về sự thương khó của Chúa: Nhà thờ không trưng hoa, đèn nến, không trải khăn bàn thờ và nhà tạm mở cửa để trống. Các tín hữu ăn chay và kiêng thịt hy sinh phần xác. Cộng đoàn tín hữu có giờ Kinh sáng và giờ thích hợp sẽ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa với Bài Thương Khó, Lời Nguyện Giáo dân trọng thể, Suy tôn và hôn kính thánh giá và phần Rước Lễ hiệp thông. Cao điểm của các việc cử hành phụng vụ nhắc nhở chúng ta về tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu. Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người hiến thân mình vì bạn hữu. Chúa Kitô đã chấp nhận tất cả khổ đau chỉ vì muốn cứu độ chúng ta.



Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh đau thương của Người Tôi Trung bị người đời hành khổ: Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa (Is 52, 14). Người tôi trung bị đánh đập phỉ nhổ, máu me chảy tràn lan trên mặt đến nỗi người ta không còn nhận diện ra khuôn mặt dáng vẻ. Đây là hình ảnh của Đấng Cứu Thế trong khi bị tra trấn, đòn đánh, mạo gai thấu vào đầu, roi vọt quất trên lưng trần, máu từ đầu chảy xuống mặt và thánh giá nặng đè vác trên vai. Ngài mang mọi thương tích để xoa dịu những đau thương của chúng ta: Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành (Is 53, 5). Khi bị trói buộc, đòn đánh và phỉ nhổ, Chúa đành chịu, không một lời ta thán mắng mỏ, nhưng âm thầm lê bước vác thập giá tới núi sọ để hiến dâng của lễ toàn thiêu tinh tuyền.



Sống ở đời, có nhiều điều làm cho chúng ta âu lo, phiền muộn, sầu não và sợ hãi. Lo lắng vì gặp sự nghèo khổ, đói khát, không có nơi trú ngụ và lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Sợ người ta hiểu lầm, chống đối, tẩy chay, xua đuổi và chụp mũ. Thân xác sợ bị phỉ nhổ, xô đẩy, roi vọt đánh đòn, trói buộc và mọi sự hành khổ. Ai cũng có chút kinh nghiệm về sự khổ đau này. Người tôi trung của Chúa lãnh chịu mọi thứ hình khổ và sau cùng đã bị loại trừ bằng cái chết: Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt (Is 53, 8). Tôi trung chấp nhận chịu nhịn nhục và xỉ vả. Người ta cũng thường nói rằng một sự nhịn là chín sự lành. Sự nhẫn nhục chịu khổ đau đã sinh ra hoa trái là sự khiêm hạ và thắng vượt.



Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Sự thống khổ sẽ giúp chúng ta tôi luyện tâm hồn nên tinh tuyền. Tôi trung công chính đã mở đường dẫn lối nhiều người tìm thấy nguồn an vui đích thực của chân lý: Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ (Is 53, 11). Muốn đội triều thiên vinh quang, chúng ta phải miệt mài tu luyện và liên lỉ phấn đấu với mọi trạng huống cuộc đời. Không thể ngôi chơi, xơi bát vàng. Muốn thành công mãn nguyện, cần phải trả giá. Giá càng cao, ân phúc càng tràn đầy. Người tôi trung đã đi qua con đường đau khổ để đạt vinh quang. Người tôi tớ không nhận vòng hoa chiến thắng bằng giải hoa tươi mau tàn chóng héo, nhưng là vòng hoa của sự công chính viên mãn.



Tiên tri Isaia đã tiên báo về số phận của Đấng Thiên sai. Chúa Giêsu, Đấng được xức dầu, đã hoàn tất mọi lời của các tiên tri đã loan báo về Ngài. Thiên Chúa đã sai các tiên tri loan tin như: Amos, Hosea, Micah, Isaiah, Zepaniah, Nahun, Habakkuk, Jeremiah, Ezekiel, Zechariah, Joel, Malachi và Jonah. Các tiên tri luôn đồng hành với dân để soi đường mở lối và dẫn dắt họ trong đường ngay nẻo chính. Những lời tiên tri mang lại niềm vui và hy vọng sự giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi và áp bức của ma quỉ và thế gian. Hình ảnh người tôi trung đã thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhóm lãnh đạo tôn giáo và dân chúng đã bị xúi dục để lên án kết tội chết cho Chúa: Khi vừa thấy Đức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: "Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá! " Ông Philatô bảo họ: "Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy."(Ga 19, 6). Tuy không tìm thấy lý do nhưng cứ kết tội. Đây cũng là sự nhu nhược và mị dân của ông Philatô.



Với sức ép từ mọi phía và lòng người ra chai cứng, người ta đã đóng đinh người vô tội: Tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa (Ga 19, 18). Khi lòng con người đã chìm ngập trong oán thù thì sự dữ tăng lên gấp bội. Người ta đã liệt kê Chúa Giêsu đồng hàng với những kẻ trộm cượp giết người. Để thỏa dạ, các thượng tế, luật sĩ, biệt phái và những người tiểu tâm đã thay lòng đổi dạ mắng nhiếc xỉ vả hết lời. Chúa cam chịu tất cả hình khổ như lễ dâng tinh tuyền lên Thiên Chúa Cha để đền tội cho muôn dân. Nhắp xong miếng giấm chua, Đức Giê-su nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19, 30). Chúa Giêsu đã bị hành khổ cho đến chết. Chết vì kiệt sức. Chết vì đau đớn. Chết vì lưỡi đòng đâm thấu trái tim. Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn. Một lễ toàn thiêu tinh tuyền dâng hiến một lần là đủ. Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc loài người. 



Thật ra, thái độ của chúng ta cũng không khác gì với cách hành xử của các thượng tế và dân Do-thái xưa là bao. Kinh nghiệm sống đạo cho thấy rằng chúng ta cũng dễ bị lôi cuốn vào những thị phi vô thường ở đời. Đôi khi chỉ cần một lời phát biểu hay một câu văn bị cắt xén, vì không hợp với quan điểm của một vài độc giả, thế là bị chụp mũ, kết án và không tiếc lời mạt sát danh dự của tác giả. Chúng ta dễ bị cám dỗ chiều theo dư luận xấu để chống đối, vào hùa, trở mặt, dèm pha, chối từ và tẩy chay một cách vô ơn. Chỉ cần một sự bất đồng ý kiến, sự hiểu lầm hoặc không thỏa mãn yêu cầu riêng tư, thì thái độ của chúng ta đã xoay quanh 180 độ. Nhiều lần chúng ta đã kết án người vô tội. Giờ này, chúng ta không ngồi đây để trách cứ hay xét đoán người khác mà hãy suy gẫm về hành trình sống đạo và niềm tin của mình vào Chúa Kitô. Bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ với điều thiện, với lẽ đạo và với chân lý. Chúng ta xem thường việc thực hành các vấn đề luân lý và đạo đức. Chúng ta đàn áp và nhạo cười các chứng nhân sự thật. Vào hùa với quần chúng và con người xã hội để phê bình chỉ trích các huấn quyền và lời chỉ dậy của Giáo Hội.



Tác giả thơ gởi tín hữu Do-thái đã tuyên xưng: Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4, 15). Xuyên suốt qua lời tiên báo của tiên tri Isaia, tin mừng của thánh Gioan và tác giả thơ Do-thái đã diễn tả hình ảnh đau thương thực sự của Chúa Kitô. Ngài đã chịu thử thách tư bề, nhưng không hề phạm tội. Ngài là Chúa Chiên lành và là con chiên tinh tuyền không tì vết. Mỗi khi linh mục chủ tế đọc lời chúc tụng trước khi rước lễ: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Chúng ta tuyên xưng niềm tin và đón nhận Ngài.



Lạy Chúa, Chúa đã chọn con đường thánh giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết vâng phục vác thánh giá mỗi ngày mà đi theo Chúa. Qua thánh giá khổ đau mới có triều thiên vinh quang của sự sống lại. Chúa mời gọi chúng con bước theo Chúa, vì: Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (Dt 5, 8). Xin cho chúng con biết vâng ý Chúa Cha dưới đất cũng như trên trời để chúng con sẽ tìm được lẽ sống bình an và nguồn an vui đích thực.



NGÀY THÁNH (T 7 TT. C).



Các nghi lễ của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh khép lại. Mọi người ra về trong thinh lặng. Giữ lòng chay tịnh và kiêng thịt để tiếp tục tưởng niệm sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Sự vắng lặng bao trùm khuôn viên thánh đường thật linh thiêng. Nhà thờ trống vắng như mồ đá. Không có nhang đèn, hoa lá hay khăn phủ. Với khí hậu lành lạnh vắng tanh tạo nên bầu khí thanh lặng và sầu não. Mọi người đã chứng kiến tận mắt mọi hình khổ của Chúa Giêsu. Thân xác nào chịu cho nổi những lằn roi quất vào người, nhịn đói vác thánh giá lên núi sọ, bị qụy ngã và yếu sức. Người ta đã lột áo, xô ngửa trên thập giá và đóng đinh chân tay vào thánh giá. Quân lính dựng thánh giá lên và có một tên đã lấy đòng đâm cạnh nương long của Chúa. Thế là máu cùng nước chảy ra. Chúa gục đầu trút hơi thở. Con Thiên Chúa đã hiến mình chịu chết. Ngài đã chết thật và đã được mai táng trong mồ đá. Ngày ấy, tâm tư của Đức Maria, các Tông đồ và những người bà con lối xóm thân cận có lẽ buồn nhiều. Họ đều trở về nhà vì hôm sau là ngày Sabát.



Các thân hữu trong gia đình đã hạ xác, tắm rửa, xức dầu thơm và mai táng Chúa trong mồ. Ai trong chúng ta cũng từng có những kinh nghiệm khi phải xa cách và vĩnh biệt người thân. Chết là bước sang một thế giới khác mà không ai có kinh nghiệm. Mọi thành viên trong gia đình thân tộc cùng gắn bó và chia xẻ nỗi đau. Mẹ Maria đã xa cách người con duy nhất. Mẹ ẵm xác lạnh của con. Mẹ nuốt vào tâm dòng nước mắt đau thương. Mẹ không phiền trách, không to tiếng nhưng âm thầm lãnh nhận như một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Có lẽ hôm nay là ngày vắng lặng nhất trong đời sống của mẹ Maria. Sự vắng lặng linh thiêng trong niềm mong chờ hy vọng. Mẹ đã luôn sống trong niềm tin yêu và phó thác. Riêng các tông đồ thì mỗi người một hoàn cảnh. Có vị thì buồn rầu chán nản chuẩn bị bỏ về quê. Có vị thì bồn chồn lo sợ và đau buồn. Có vị rơi vào bước hẫng lặng thinh. Dù trong tâm trạng nào, các tông đồ vẫn vây quanh Đức Maria để an ủi và được sự ủi an. Mẹ Maria như cột trụ dẫn đàng cho các tông đồ trong thời điểm thương đau nhất.



Dân chúng ai về nhà nấy. Phần đông dân chúng thờ ơ như những khách bàng quan. Có lẽ nhiều người trong họ cũng đã từng chứng kiến những cảnh tử hình đóng đinh trên cây như thế. Họ không quan tâm phân biệt đúng sai hay phải trái, nhưng cứ hùa theo dư luận của đám đông để lên án và kết án. Trách nhiệm trao lại cho nhà cầm quyền và các vị lãnh đạo tôn giáo. Không biết có được mấy người cảm thông, chia sẻ và nhận ra sự thật của cuộc hành quyết trên đồi Calvê. Phúc âm ghi lại sau khi Chúa Giêsu trút hơi thở thì một viên sĩ quan ca tụng: Ông này qủa thật là người công chính (Lc 23, 47). Thế rồi mọi người từ các quan chức chính quyền, các tử tế, luật sĩ và biệt phái cùng đoàn dân trở về nhà. Họ nghĩ thế là mọi truyện đã hoàn tất. Các nhà lãnh đạo đã yên tâm diệt trừ được một người luôn làm cho họ cảm thấy chướng tai gai mắt. Có lẽ các nhà lãnh đạo rất hả hê khi đã giết Chúa. 



Ngày Sabát, mọi người tiếp tục nghỉ ngơi và dành thời giờ cầu kinh, hát Thánh Vịnh và dâng tiến lễ vật mừng lễ Vượt Qua. Đền thờ vẫn nhộn nhịp, kẻ ra người vào và kẻ buôn người bán. Các khách thập phương đua chen về đền thờ dự lễ để chu toàn bổn phận của người tín đồ. Trong dịp Lễ Vượt Qua này, Chúa Giêsu đã chịu chết và an táng trong mồ đá lạnh. Cửa mồ khép kín bằng tảng đá. Chúa của vũ trụ đang an nghỉ. Giao Ước cũ đã kết thúc. Chương trình lịch sử cứu độ đã tới thời viên mãn. Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi lời các tiên tri đã loan báo về Ngài. Ngài đã kinh qua mọi khổ đau của người Tôi Trung được diễn tả trong sách tiên tri Isaia. Giao Ước mới đã được ký kết bằng chính máu của Con Chúa để cho nhiều người được ơn tha tội. Một kỷ nguyên mới đang hé mở. Ngày Sabát đạo cũ sắp qua và ngày thứ nhất trong tuần ló dạng, Chúa Giêsu đã vượt qua sự chết để bước vào sự sống mới.



Quyền lực thế gian tìm chiến thắng người công chính bằng cách tiêu diệt và hạ bệ. Nhiều tổ chức chính trị xã hội nghĩ rằng họ có thể dùng bạo lực để che lấp và chôn vùi sự công chính. Trong thế giới hôm nay cũng còn lập lại cách hành xử bạo loạn bất công như xưa. Lấy quyền lực và vũ khí áp chế dân lành. Dùng thủ đoạn để tiêu diệt những người dám lên tiếng cho công lý. Lạm dụng tự do ngôn luận để bề hội đồng những cá nhân hay tổ chức không cùng quan điểm hay đi trái lề. Có nhiều bạo quyền tiếp tay đàn áp và tước đọat những quyền lợi căn bản của con người. Có những chủ trương tha hóa và vong thân dẫn dắt con dân đi vào ngõ cụt. Những người thấp cổ bé miệng chịu thiệt thòi trong mọi lãnh vực. Cuộc sống đạo đức xã hội bị xói mòn bởi những chủ trương luân lý tương đối (relativism) và dễ dãi thả trôi theo dòng. Đối với nhiều người, các lý tưởng cao đẹp của cuộc sống chỉ còn để ngưỡng mộ, chứ không phải để sống. 



Niềm hy vọng cuộc sống tươi đẹp hình như dần bị thu hẹp. Khi con người không còn muốn gieo những hạt giống tốt, thì mong chi có hoa quả an vui hạnh phúc. Nguyên lý nhân qủa vẫn có đó: Gieo gió thì gặt bão. Nhân nào qủa đó. Ác giả ác báo. Đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc đời có qúa nhiều khổ ải và khốn khó. Phần lớn những khốn khổ cuộc đời là do chính chúng ta tạo nên. Chúng ta nên tìm cách hóa giải những uẩn khúc cuộc đời để mong sao có được sự an bình đích thực. Hãy gieo hạt giống tốt vào tâm địa mình. Tâm địa chính là mảnh đất của tâm hồn. Cùng gieo hạt giống của sự yêu thương, tha thứ, quảng đại, khiêm nhu, từ ái và chân tình. Vì khi gieo hạt giống nào, chúng ta sẽ được gặt hoa qủa đó.



Chúa Giêsu đã tung gieo hạt giống tin mừng khắp nơi. Nhiều hạt giống đã rơi vào vùng đất tốt để sinh hoa kết trái. Bất cứ hạt giống tốt nào cũng cần phải được vun tưới, chăm sóc và bảo vệ mới có thể sinh hoa kết qủa. Bất cứ hạt giống nào muốn nẩy mầm sinh trái cũng cần phải trải qua sự tiêu hủy: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 24). Chúa Giêsu bước qua sự chết để vào cõi sống. Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại một hạt giống tinh tuyền ẩn chứa một sự sống vĩnh cửu. Hạt giống đã được gieo vào lòng đất qua sự chết và đã sống lại phát sinh nhiều hoa trái. 



Chúa Giêsu đã hiến thân mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Chúa đã dâng hiến với tình yêu vô điều kiện, yêu chỉ vì yêu: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Chúng ta không thể thấu hiểu tình yêu mà Chúa đã dành cho nhân loại. Tình yêu qúa cao vời và huyền diệu. Chúa đắp đổi hận thù bằng sự tha thứ. Chúa cúi đầu chấp nhận mọi sự xỉ vả và lăng nhục của con người. Chúa đứng lặng yên trước những cáo buộc gian dối và thách thức quyền hành. Chúa hiện diện đó như một người Tôi Tớ hiền lành và nhân từ. Qua thái độ khiêm hạ, Chúa đang thầm gieo những hạt giống tốt vào những mảnh hồn chai cứng để cải đổi đời sống con người.



Lạy Chúa, mầu nhiệm tình yêu của Chúa cao vượt trên mọi suy tưởng của con người. Chúa đã hạ thân làm người đem tin mừng cứu độ. Chúa đã mở cửa nước trời mời đón mọi người. Chúa đã chữa lành và tha thứ mọi tội lỗi của con người. Vậy mà chúng con cứ ngoảnh mặt làm ngơ và chối từ ơn Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ và xin thương xót chúng con.

Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/98852.htm