Biểu Hiệu Trái Tim Đức Mẹ
Theo sự tích Đức Mẹ hiện ra ở những nơi danh tiếng được Giáo Hội chính thức công nhận, như ở Guadalupe năm 1531, ở Paris năm 1830, ở La Salette năm 1846, ở Lộ Đức năm 1858 v.v., chỉ có ở Fatima năm 1917, Đức Mẹ mới r ràng mạc khải Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ ra cho loài người một cách hết sức từ ái và đau thương.
Ngày 13/6/1917, với Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima được “Chúa Giêsu dùng để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”, Đức Mẹ đã hứa: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa” (FILOW:161,195). Thế rồi, trước khi biến đi, Đức Mẹ đã xòe hai bàn tay của Người ra, làm cho 3 Thiếu Nhi chìm ngập trong Thiên Chúa và thấy, trong lòng bàn tay phải xoè ra của Mẹ, có một Trái Tim bị gai nhọn từ chung quanh đâm vào.
Sau khi đã trưởng thành để có thể bắt đầu công khai làm Tông Đồ Fatima cho Mẹ, chị Lucia còn thấy Đức Mẹ với Trái Tim bị gai nhọn quấn chung quanh hai lần nữa. Lần thứ nhất, khi Đức Mẹ bế Chúa Hài Nhi hiện ra với chị vào ngày 10/12/1925. Lần thứ hai, vào ngày 13/6/1929, khi hiện ra với chị, Đức Mẹ cầm trong tay Trái Tim có lửa và vòng gai đứng dưới chân thập giá, (thập giá bằng ánh sáng xuất hiện lơ lửng trên trần nhà nguyện, trên thập giá có Chúa Kitô tử nạn và bên dưới cạnh sườn của Chúa có cả chén thánh cùng với bánh thánh đang hứng máu nhỏ xuống từ thánh nhan Ngài).
Qua sắc lệnh Acta Apostolicae Sedis của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 4/5/1944 về việc lập Lễ Trái Tim Mẹ, thì Trái Tim Mẹ biểu hiệu cho hai điều:
“Sự Thánh Thiện tuyệt vời và độc đáo của linh hồn Mẹ Thiên Chúa, đặc biệt là Tình Yêu tha thiết nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Chúa vừa là Con của Mẹ, cũng như sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ đối với con người được Máu Thần Linh của Chúa Giêsu cứu chuộc” (TWTAF3:82).
Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “sự thánh thiện tuyệt vời và độc đáo của linh hồn Mẹ Thiên Chúa”.
Thật vậy, “được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (STK 9:6; Gia 3:9) con người nên thánh là con người nên giống Thiên Chúa. Càng nên giống Thiên Chúa, con người càng nên thánh; hay, nói ngược lại, càng nên thánh là càng nên giống Thiên Chúa. “Là nguyên ủy và là cùng Đích” (KH 21:6), Thiên Chúa chính là lý tưởng tối cao cho loài người và là mô phạm tuyệt đối của loài người. Chúa Kitô đã chẳng dạy con người “hãy nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48) hay sao?
Thế nhưng, con người làm sao biết được Thiên Chúa như thế nào để mà nên giống Ngài, nhờ đó, có thể nên trọn lành và thánh thiện như Ngài?
Theo lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện nơi Dân Do Thái, “là Thần Linh” (Gn 4:24), Thiên Chúa chỉ tỏ mình ra cho con người qua trung gian Ngài tuyển chọn và sai đến, chẳng hạn qua Moisen hay các vị tiên tri, và nơi những gì Ngài muốn, chẳng hạn nơi lề luật hay các lời tiên tri. Con người chỉ cần nhận biết Thiên Chúa qua các sứ giả của Ngài bằng cách giữ lề luật hay lời của Ngài do sứ giả Ngài nhân danh Ngài truyền cho là con người đáp ứng đúng với ý muốn của Ngài:
“Vậy, các ngươi hãy thánh hoá mình và hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chúa, Chúa các ngươi là Thánh. Bởi đó, hãy cẩn thận giữ những gì mà Ta là Chúa, Đấng thánh hóa các ngươi, đã ban truyền” (Lv 20:7-8).
Trong Phúc Âm thánh Luca, chúng ta thấy sự Thánh Thiện của Mẹ Maria cũng được tỏ ra khi Mẹ nhận biết Thiên Chúa qua sứ giả của Ngài là tổng thần Gabriel được Ngài sai đến truyền tin Ngôi Lời nhập thể cho Mẹ và khi Mẹ hoàn toàn tuân phục Thánh Ý của Thiên Chúa. Mẹ đã chứng tỏ là Mẹ “nhận biết" và “tuân phục” Thiên Chúa qua câu nói bất hủ của Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi Xin Vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38).
Xin lưu ý, ở đây, Đức Mẹ không thưa, “Xin Vâng như ý Thiên Chúa muốn”, mà là ”Xin Vâng như lời sứ thần truyền”. Tức là, Đức Mẹ đã “tuân phục”Thiên Chúa bằng Đức Tin, qua việc “nhận biết” sứ giả của Ngài.
Để rồi, nhờ hiệp nhất với Thánh Ý Thiên Chúa toàn chân, toàn thiện và toàn ái bằng đức tin như thế, Mẹ Maria thực sự đã nên giống Thiên Chúa, đến nỗi, có thể nói, nếu Chúa Kitô “là hiện thân đích thực của hữu thể Cha” (DT 1:3) thì Mẹ Maria là phản ảnh của vinh quang Thiên Chúa, đúng như Mẹ đã được thần hứng xướng lên: “Thiên Chúa toàn năng đã làm nơi tôi những sự trọng đại, danh Ngài là thánh” (Lc 1:49). Nhờ tác động “nhận biết” qua việc tuyệt đối “tuân phục” này của Mẹ mà, trên thực tế, cả thân xác của Mẹ cũng đã được kết hiệp với Thần Tính vô cùng thiện hảo của Thiên Chúa khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14)trong lòng của Mẹ.
Như thế, với lời"Xin Vâng” bất hủ, tỏ ra Đức Tin “nhận biết” Thiên Chúa của Mẹ và Đức Mến “tuân phục” Ý Muốn của Ngài, Trái Tim Mẹ quả thực sự là biểu hiệu cho “sự thánh thiện tuyệt vời và độc đáo của linh hồn Mẹ Thiên Chúa” vậy.
Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “tình yêu tha thiết nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu, Đấng vừa là Chúa vừa là Con của Mẹ”.
Khi Mẹ Maria chấp nhận Thiên Chúa, qua việc “nhận biết” và “tuân phục” Ngài, là Mẹ chấp nhận Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng Thiên Sai cũng là Chúa Cứu Thế. Mở đầu ca vịnh Ngợi Khen, được thần hứng, Mẹ đã tuyên xưng điều này: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, và lòng tôi hoan hỉ mừng vui trong Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi” (Lc 1:46-47).
Phải, Thiên Chúa của Mẹ cũng chính là Cứu Chúa của Mẹ, Đấng mà Mẹ đã được “diễm phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:28,42) thụ thai “bởi Thánh Linh” (Mt 1:20).
Thế nhưng, để có thể chấp nhận Thiên Chúa, có thể thụ thai Ngôi Lời Nhập Thể, qua việc “nhận biết” và “tuân phục” Ngài một cách hoàn toàn tuyệt đối và trọn hảo như Mẹ, con người cần phải có một Tình Yêu Thiên Chúa tha thiết đến mức nào, bằng không, họ sẽ không thể nào thực hiện được điều này như Mẹ.
Thật thế, để có thể “Xin Vâng” Ý Muốn của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã phải hoàn toàn “bỏ sự sống của mình đi” (Mt 16:25), mặc dù nơi Mẹ không có gì là tì vết của nguyên tội xấu xa đáng phải bỏ đi như nơi chúng ta là những người bị nhiễm mắc nguyên tội.
Abraham đem đứa con của lời hứa duy nhất dấu yêu trên hết mọi sự của mình đi giết để tế lễ Chúa, Đấng ban người con đó cho ông để làm cho ông, lúc ông không còn khả năng sinh sản theo tự nhiên, trở nên tổ phụ của một dân tộc hằng hà vô số như sao trời, như cát biển, (x.STK 15:5;18:11-12;21:1;22:2,17-18) theo như ý Chúa muốn thế nào, Mẹ Maria cũng đã hy hiến cho Thiên Chúa ý muốn rất trọn lành và tha thiết nhất trên đời của Mẹ là trọn đời giữ mình đồng trinh hiến thân cho một mình Thiên Chúa vô cùng chí tôn, chí ái, như vậy.
Qua lời Mẹ Maria thưa với sứ thần của Thiên Chúa: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không hề biết đến nam nhân” (Lc 1:34), đã đủ nói lên lòng Mẹ kính mến Chúa trên hết mọi sự là dường nào. Bởi vì, trong Trái Tim của Mẹ, không hề có một hình bóng của bất cứ tạo vật nào, mà “nam nhân” là hiện thân. Mẹ Maria không thưa với sứ thần: “...vì tôi giữ mình đồng trinh”, một câu phát biểu chỉ diễn tả cuộc sống đồng trinh bề ngoài mà thôi, song chưa chắc bề trong đã hoàn toàn trinh khiết, bởi những vương vấn, những xao xuyến hoặc những khát khao thầm kín đôi khi không làm được, như trường hợp bất lực về thể lý, “hoạn nhân do người ta làm ra” (Mt 19:12), hoặc nhiều khi không được làm, như trường hợp phải giữ luân lý hay đạo lý kẻo bị lương tâm cắn rứt hay người đới cười chê v.v.
Nếu không một ai trên đời này có thể hiểu biết Thiên Chúa vô cùng chí tôn, chí ái hơn Mẹ Maria hay như Mẹ Maria, thì cũng không một ai có thể kính mến Ngài như Mẹ và hơn Mẹ được.
Được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ khi đầu thai trong lòng mẹ của mình, trí khôn của Mẹ không hề bị bóng tối sự chết và tội lỗi làm cho mù quáng và trở nên vô tri như nơi chúng ta, trái lại, linh hồn của Mẹ đã được “đầy ơn phúc” (Lc 1:28), được “Thiên Chúa là Ánh Sáng” (1Gn 1:5) ở cùng ngay từ đầu, do đó, trí khôn Mẹ đã được “ánh sáng ban sự sống” (Gn 8:12) làm chủ và soi dẫn.
Với ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Linh, “Đấng dò thấu mọi sự sâu nhiệm nơi Thiên Chúa” (1Cor 2:10), Mẹ đã nhận biết Thiên Chúa như Thiên Chúa biết Mình Ngài. Dĩ nhiên, vì không phải là chính Thiên Chúa, Mẹ Maria không thể nào biết Thiên Chúa “như” Ngài biết Mình Ngài. Bởi thế, ý nghĩa của chữ “như” ở đây phải hiểu theo nghĩa “hãy nên trọn lành 'như'’ Cha các con trên trời”, tức Mẹ Maria đã biết Thiên Chúa hết khả năng mà loài người có thể được Thiên Chúa ban cho để biết Ngài. Và, vì được biết Thiên Chúa “như” Ngài biết Mình Ngài như thế, Mẹ Maria cũng đã không thể nào không yêu Ngài “như” Ngài yêu chính Mình Ngài.
Tuy nhiên, nếu Mẹ Maria chỉ nhất quyết giữ ý muốn tốt lành của Mẹ trong việc giữ mình đồng trinh vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, mà không sẵn sàng thưa “Xin Vâng”ý của Thiên Chúa muốn Mẹ làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể, một thiên chức hoàn toàn trái nghịch lại với bản chất và khả năng “không hề biết đến nam nhân” của Mẹ, thì Mẹ đã không yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài.
Thực tế đã xẩy ra khác hẳn, Mẹ Maria thực sự đã yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài khi Mẹ thưa “Xin Vâng”, để chấp nhận Ngôi Lời nhập thể là “hiện thân đích thực của bản thể Cha” (DT 1: 3) được ban trực tiếp cho Mẹ trước rồi nhờ Mẹ và qua Mẹ cho loài người sau. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Mình” (Gn 3:16) thế nào, thì Mẹ Maria cũng yêu Thiên Chúa là Cứu Chúa của Mẹ nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ, như vậy, khi “Xin Vâng” cộng tác với Ngài trong việc ban Ngài cho thế gian.
Thế nhưng, Mẹ Maria vẫn chưa yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài, nếu, sau khi chấp nhận Thiên Chúa nhập thể trong lòng trinh nguyên của mình, Mẹ lại giữ Ngài cho một mình Mẹ thôi, không chịu hay không hợp tác với Ngài trong việc cứu chuộc thế gian, đúng như chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã chẳng muốn giữ Thày của mình cho riêng ngài cũng như cho chung nhóm tông đồ của ngài hay sao, khi ngài thành thực can ngăn Thày trong việc Thày phải chịu số phận tử giá mà Thiên Chúa đã định cho Thày (x.Mt 16:21-23). Kết quả là ngài đã bị Thày trách mắng hết sức thậm tệ.
Trái lại, bởi biết Thiên Chúa “như” Ngài biết Mình Ngài, Mẹ Maria đã “phán đoán đúng như Thiên Chúa” (Mt 16:23) khi “Xin Vâng” hiến dâng chính Con Duy Nhất dấu yêu hơn sự sống của Mẹ mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ để Mẹ dâng lại cho Chúa vì phần rỗi nhân loại, khi “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” (Gn 19:25). Chính tác động hy hiến Con cho Thiên Chúa này đã chứng tỏ Mẹ yêu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Cứu Chúa của Mẹ như thế nào.
Như thế, Khi “không hề biết đến nam nhân”, Mẹ đã yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Khi bỏ ý muốn giữ mình đồng trinh của mình để “Xin Vâng” làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã yêu Thiên Chúa hơn chính mình Mẹ. Khi “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” để hiến dâng Ngài là Người-Con-Thiên-Chúa của Mẹ cho Thiên Chúa, Mẹ đã yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài.
Quả thực Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “Tình Yêu tha thiết nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu, Đấng vừa là Chúa vừa là Con của Mẹ”.
Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ đối với con người được Máu Thần Linh của Chúa Giêsu cứu chuộc”.
Về ý nghĩa và biểu hiệu sau cùng này của Trái Tim Mẹ, trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã diễn tả một cách hết sức sâu sắc và đầy đủ như sau:
“Khi tử nạn trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói với thánh Gioan: 'Này là Mẹ con' (Gn 19:26), và khi 'môn đệ đem Người về nhà mình', mầu nhiệm làm mẹ thiêng liêng của Mẹ Maria được hiện thực hoá cách vô hạn trong lịch sử nhân loại. Làm mẹ tức là săn sóc đến đời sống của con cái. Vì Mẹ Maria là Mẹ của tất cả chúng ta, việc chăm sóc của Mẹ đối với đời sống con người có tính cách đại đồng. Sự chăm sóc của mẹ ôm ấp toàn thể đứa con của mình. Việc làm mẹ của Mẹ Maria bắt nguồn từ sự chăm sóc của Mẹ đối với Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, Mẹ đã chấp nhận thánh Gioan, và nơi thánh Gioan, Người đã chấp nhận tất cả chúng ta một cách trọn vẹn. Mẹ Maria đặc biệt quan tâm ấp ủ tất cả chúng ta trong Chúa Thánh Linh...
“Khi ở trên thập giá, Chúa Giêsu nói: 'Thưa Bà, này là con Bà' (Gn 19:26), là Ngài, bằng một kiểu cách mới, đã mở Trái Tim của Mẹ Ngài ra, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tỏ cho Trái Tim Mẹ những kích thước và chiều hướng mới của tình yêu mà, bởi quyền năng của hy sinh thập tự, Mẹ đã được kêu gọi trong Thánh Linh. Chúng ta dường như thấy được chiều kích của tình mẫu tử này nơi sứ điệp Fatima, một tình mẫu tử mà giới hạn của nó đã bao trọn con đường của nhân loại tiến đến với Thiên Chúa, con đường dẫn vượt qua thế giới này và vượt cả ra ngoài thế giới này, xuyên luyện ngục. Sự quan tâm của Mẹ Chúa Cứu Thế là sự quan tâm cho công cuộc cứu rỗi, công cuộc của Con Mẹ. Đó là một quan tâm đối với sự cứu độ, sự cứu độ đời đời, của tất cả mọi người. Đến nay đã 65 năm trôi qua từ ngày 13 tháng 5 năm 1917, nhưng vẫn khó lòng mà bất khả ngộ trước giới hạn tình yêu cứu độ của Mẹ hằng ôm ấp thế kỷ của chúng ta một cách chuyên biệt là dường nào. Trong ánh sáng của tình mẫu tử này, chúng ta hiểu được trọn vẹn sứ điệp của Mẹ Fatima... Có thể nào Mẹ là Đấng, với tất cả quyền năng của tình yêu được nung nấu trong Thánh Linh, hằng muốn ơn cứu rỗi cho mọi người lại có thể khoanh tay ngồi nhìn ơn cứu độ của họ đang bị mai một từ căn bản? Không, Mẹ làm sao để xẩy ra như vậy được.
“Bởi thế, sứ điệp của Mẹ Fatima trong khi là một sứ điệp từ mẫu, nó còn có tính cách mạnh mẽ và quyết liệt nữa. Nó có vẻ khẩn trương. Nó có vẻ giống như của thánh Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Gióc-Đan. Nó kêu gọi hối cải. Nó báo trước cho biết. Nó kêu gọi cầu nguyện. Nó đề cập đến kinh Mân Côi. Sứ điệp được gửi đến mọi người. Tình yêu của Mẹ Chúa Cứu Thế lan đến mọi nơi có sự tác động của ơn cứu độ. Sự chăm sóc của Mẹ vươn đến từng cá nhân ở thời đại của chúng ta, cũng như cho tất cả mọi xã hội, mọi quốc gia, mọi dân tộc.
“Trên thập giá, Chúa Kitô nói: ‘Thưa bà, này là con Bà!’. Bằng những lời này, Ngài đã mở Trái Tim Mẹ của Ngài ra theo một đường lối mới. Sau đó chút xíu, lưỡi đòng của người lính Rôma đã đâm vào cạnh sườn của Đấng bị đóng đanh. Trái Tim bị đâm thâu đó đã trở nên biểu chứng của ơn cứu độ đạt được nhờ cuộc tử nạn của Con Chiên Thiên Chúa. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, được mở ra với những lời 'Thưa Bà, này là con Bà', đã được hiệp nhất, một cách linh thiêng, với Trái Tim Con của Người, Trái Tim được mở ra bởi lưỡi đòng của một người lính. Trái Tim của Mẹ Maria được mở ra bởi cùng một tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu con người và thế giới, khi Ngài hiến mình trên thập giá vì họ, cho đến khi lưỡi đòng của người lính đâm vào làm cho tuôn trào ra” (FAOS:77,79-80).
Nguồn: http://www.thanhlinh.net/node/797