Trang chủ

Mittwoch, Februar 08, 2017


Đọc ''Amoris Laetitia'' theo lối giải thích liên tục sẽ thấy không có thay đổi về tín lý

Vũ Văn An2/8/2017
Linh mục Matthew Schneider, người từng viết cả một cuốn “Study Guice” về Tông Huấn "Amoris Laetitia", mới đây viết trên tạp chí Crux, quả quyết rằng nếu đọc tông huấn này theo lối giải thích liên tục (hermeneutic of continuity), thì không hề có thay đổi nào về tín lý đối với các bí tích hôn nhân, hòa giải và Thánh Thể. 


Cha cho rằng từ ngày tông huấn được ban hành (tháng Tư, 2016) cho tới nay, rất nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra trong Giáo Hội. Bên bênh cũng như bên chống, ít nhất trong thế giới nói tiếng Anh, đều đồng ý cho rằng tông huấn này cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ trong một số hoàn cảnh. Họ chỉ tranh luận xem điều này tốt hay xấu mà thôi. 

Tuy nhiên, nếu ta đọc nó theo cách phải đọc một văn kiện giáo hoàng, nghĩa là nghiền ngẫm trọn bản văn trong ngữ cảnh truyền thống Giáo Hội, thì trọn tiền đề của cuộc tranh luận trên hoàn toàn sai lạc, nghĩa là, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề mở cửa cho những người nói trên rước lễ. 

Ai cũng biết, thuật ngữ “giải thích liên tục”, được Đức Bênêđíctô XVI sử dụng, có ý nói tới cách đọc trọn vẹn và trong truyền thống Giáo Hội một văn kiện huấn quyền. Còn Đức Hồng Y Gerhard Müller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thì cho rằng chỉ có một cách đọc duy nhất đúng đối với "Amoris Laetitia" là cách đọc theo lối giải thích này mà thôi.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết, Cha Schneider cho rằng cần phải có một phân biệt chủ yếu sau đây: có một sự khác biệt quan trọng giữa những người hiểu giáo huấn của Giáo Hội mà vẫn quyết định dấn thân vào các liên hệ tính dục trong cuộc hôn nhân thứ hai, và những người không sống theo giáo huấn của Giáo Hội hoặc vì không biết (ignorance) hay vì yếu đuối. 

Theo Cha Schneider, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem ra đã đề cập tới sự phân biệt trên một cách rõ ràng hơn các vị giáo hoàng trước đây. Và trọng điểm ở đây là: trái với ý kiến phổ biến, bản văn của "Amoris Laetitia" không cho phép những người trắng trợn hay cố ý có các liên hệ giống như vợ chồng trong “cuộc hôn nhân thứ hai” được xá tội hay rước lễ. 

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh tới lòng thương xót đối với những người hoặc vì không biết hoặc có ý định tiết dục để sống như anh trai em gái nhưng thỉnh thoảng không giữ được ý định này (yếu đuối). 

Rào trước đón sau như thế rồi, Cha Schneider cho hay ngài sẽ dựa vào các điều trong bản văn của "Amoris Laetitia" để trình bầy cái nhìn của ngài.

1. Đoạn 300: Trước nhất, Đức Phanxicô nói rõ ràng rằng ngài không có ý đưa ra các qui định mới. “Không ai chờ mong cả Thượng Hội Đồng Giám Mục lẫn văn kiện này đưa ra một số luật lệ tổng quát, có bản chất giáo luật và áp dụng cho mọi trường hợp”. Ngay khi nói đến việc phải từ từ tỏ cho các cặp “vợ chồng” thấy thực tại tội lỗi của họ, Đức Phanxicô cũng vẫn cho rằng “sự biện phân không bao giờ có thể không xét đến các đòi hỏi của Tin Mừng như đã được Giáo Hội đề ra”. 

Như thế, bất chấp những gì ngài nói sau đó về biện phân, ngài đã dựng giáo huấn hiện thời của Giáo Hội thành hàng rào quanh điều có thể được biện phân. Biện phân là một diễn trình quyết định phải làm gì về thiêng liêng, như có nên đọc kinh Mân Côi hay Kinh Thần Vụ hàng ngày hay không, nhưng một điều kiện căn bản phải có trước khi biện phân là không thể chọn một điều gì đó ở bên ngoài giáo huấn của Giáo Hội.

Mà giáo huấn của Giáo Hội thì rất rõ ràng nói rằng: việc xá tội trong bí tích và do đó việc Hiệp Lễ không thể nào trao ban cho những người có ý định phạm thêm các tội trọng.Thường thường ta cho rằng ai tới xưng tội đều không ương ngạnh muốn phạm thêm nhiều tội trọng, nhưng nếu vị linh mục biết họ có ý định như thế, ngài sẽ không xá tội cho họ. 

Điều trên khác với sự yếu đuối. Trong tòa giải tội, linh mục có thể tha cho một hối nhân tội say sưa rượu chè, dù cả ngài lẫn hối nhân đều biết người này rất có thể sa ngã trở lại; nhưng ngài không thể xá tội cho anh ta nếu anh ta bảo ngài rằng anh ta sẽ say sưa trở lại vào cuối tuần này. "Amoris Laetitia" nói tới tội chuyên biệt làm tình với một người tuy là người phối ngẫu của mình theo dân luật nhưng không phải là người phối ngẫu của mình theo bí tích.

Đoạn 307: tại đoạn này, Đức Giáo Hoàng nhắc lại một lần nữa rằng “Không thể nào Giáo Hội lại bác bỏ việc đề xuất lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, tức kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi nét cao cả của nó”.

Từ các đoạn văn trên, điều rõ ràng là những ai sống trong sự bất tuân công khai giới luật trong sạch đối với người ly dị và tái hôn dân sự, như đã được trình bầy trong văn kiện Familiaris Consortio năm 1981 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không thể được xá tội hoặc rước lễ. 

2. Thứ đến, Đức Giáo Hoàng nói tới sự khác biệt giữa việc sai phạm vì không biết, và tội cố tình (flaunting sin).

Đoạn 297: trong đoạn này, Đức Phanxicô nói rằng “nếu một ai đó phách lối coi một tội khách quan như thể là thành phần của lý tưởng Kitô Giáo, hay muốn áp đặt một điều gì đó khác hơn là điều được Giáo Hội dạy bảo… thì đây là trường hợp nói đến một điều vốn tách biệt người ta khỏi cộng đồng”. “Tội khách quan” là tội có thể được nhìn thấy qua các hành vi bề ngoài, chưa kể các điều như biết đó là tội và mức độ tham dự của ý chí tự do, và trong bối cảnh này, rõ ràng không ai dám cho rằng ngủ với một người không phải là người phối ngẫu hợp pháp của mình là hợp luân lý cả. “Tách biệt khỏi cộng đồng” có ý nói tách biệt khỏi Giáo Hội, và do đó, khỏi việc rước lễ. Đoạn 299: Khi đề cập tới việc hội nhập người ly dị và tái hôn dân sự vào Giáo Hội ở đoạn này, Đức Giáo Hoàng nói rằng phải “tránh bất cứ dịp làm gương mù gương xấu nào”. Vì “gương mù gương xấu” có ý nói tới các hành vi rất có thể dẫn dụ một người khác nào đó phạm tội, nên đoạn văn này hẳn phải có nghĩa: một vài hình thức hội nhập một số người ly dị và tái hôn dân sự là có tội nếu có nguy cơ gây gương mù gương xấu. Điều trên chứng tỏ rằng một số cặp, tức những người cố gắng sống theo giáo huấn của Giáo Hội, có thể được tái hội nhập, trong khi những cặp khác, tức những người cố ý không tuân theo giáo huấn của Giáo Hội, thì chỉ có thể được hội nhập một phần (trong đó, không có rước lễ). 3. Thứ ba, Đức Giáo Hoàng cho rằng trách nhiệm đối với tội thay đổi giữa người yếu đuối và người huênh hoang việc mình bất tuân tông huấn Familiaris Consortio.Đoạn 302: Trong đoạn này, ngài viết rằng “dù vẫn duy trì qui luật tổng quát, nhưng cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm đối với một hành động hay một quyết định nào đó không như nhau trong mọi trường hợp”. Những người có ý định tiếp diễn các liên hệ tính dục đi ngược lại giáo huấn hiện hành của Giáo Hội, và những người sa vào đó trong lúc yếu đuối hay không biết giáo huấn của Giáo Hội, nhất định có mức độ trách nhiệm khác nhau đối với các hành vi của mình.Đoạn 304: Trong đoạn này, Đức Giáo Hoàng gợi ý rằng ta nên biện phân các hoàn cảnh cụ thể của đời sống cá nhân, chứ không phải chỉ biện phân việc hành động khách quan phải xứng hợp với qui luật chung. Một trong các tập chú lớn đối với hoàn cảnh sống cụ thể là liệu một ai đó có biết giáo huấn của Giáo Hội và cố gắng sống nó hay không.4. Thứ bốn và cuối cùng, ngài nói tới lòng thương xót trong tòa giải tội đối với những người cố gắng sống giáo huấn của Giáo Hội bao nhiêu có thể. Đoạn 311: Trong đoạn này, ngài viết: “lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý, nhưng trước hết và trên hết, ta phải nói rằng lòng thương xót chính là sự viên mãn của công lý và là biểu hiện ngời sáng nhất của chân lý Thiên Chúa”. Như thế, lòng thương xót trong toà giải tội không thể bị tách biệt khỏi chân lý và công lý, một điều vốn bao gồm mọi giáo huấn trước đây của Giáo Hội. Ghi chú 351 nổi tiếng trong "Amoris Laetitia" phải được giải thích trong ngữ cảnh bao quát này. Khi ghi chú 351 nói rằng “Trong một số trường hợp, [sự trợ giúp đối với những người không sống trọn vẹn theo giáo huấn khách quan của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân] điều này có thể bao gồm sự trợ giúp của các bí tích”, một cách hợp luận lý, nó có ý nói tới những người cố gắng sống theo giáo huấn hiện hành của Giáo Hội theo sự hiểu biết tối đa của họ, vì đây chính là bản văn đi trước ghi chú. Điều này áp dụng cả vào những người không hiểu giáo huấn của Giáo Hội về “cuộc hôn nhân thứ hai” lẫn vào những người sai phạm vì yếu đuối của con người.Từ những điều nói trên và theo truyền thống của Giáo Hội, điều xem ra rõ ràng là “một số trường hợp” này có ý nói tới người không biết và người yếu đuối chứ không có ý nói tới những người cố tình ngủ với một ai đó không phải là người phối ngẫu hợp pháp của mình theo giáo luật. Ngoài các bản văn đã trích dẫn, nếu ta đọc "Amoris Laetitia" bên trong truyền thống, thì sự mơ hồ phải được đọc theo điều truyền thống dậy chứ không chống lại nó. Nếu một vị giáo hoàng muốn thay đổi một thực hành mục vụ hiện hành, sức nặng của truyền thống buộc ngài phải tuyên bố điều này một cách rõ ràng, chứ không hàm ý bằng một ghi chú hàm hồ. Đây không phải là lối giải thích mới lạ, mà đã có từ ngày đầu tiên và là lối giải thích có nghĩa nhất trong ngữ cảnh các giáo huấn trước đây. Cha Schneider từng nói đến nó ngay ngày "Amoris Laetitia" được công bố và mấy tuần sau trong cuốn “Study Guide” của ngài, nhưng chưa được giải thích và phân tích đầy đủ. Nhưng phản biện sau đây có thể có: Đoạn 301 của tông huấn nói rằng không phải mọi người sống trong các hoàn cảnh bất hợp lệ “đều sống trong trạng thái tội trọng và mất ơn thánh hoá”. Điều này dẫn ta tới việc nhìn nhận sự phân biệt giữa các hành vi khách quan và việc qui lỗi chủ quan.Giáo Hội luôn dậy rằng một tội trọng, tức tội làm ta mất ơn thánh hóa, đòi phải có vấn đề hệ trọng, phải biết đó là tội, và đủ tự do làm điều hệ trọng này. Nhiều người trong các hoàn cảnh bất hợp lệ không hiểu rõ tính bất hợp lệ, hay sai phạm vì thói quen nhưng không hoàn toàn chọn lựa mối liên hệ tính dục (vì yếu đuối chẳng hạn), những người này không phạm tội trọng, và do đó hoàn toàn phù hợp với điều Đức Phanxicô muốn nói.Đã đành là người ta thấy có sự nhấn mạnh hơi khác khi đọc "Amoris Laetitia". Tuy nhiên, khi đọc nó trong toàn bộ và bên trong truyền thống, Cha Schneider cho rằng không nên đọc "Amoris Laetitia" theo nghĩa nó cho phép những ai đang sống trong “cuộc hôn nhân thứ hai” được rước lễ, vì điều này không hề có trong bản văn và đi ngược lại các tuyên bố khác trong chính bản văn. Cha thừa nhận rằng ngôn ngữ của tông huấn nên rõ ràng hơn, nhưng ngụ ý có thay đổi tín lý do việc thiếu rõ ràng là điều quá đáng. Tinh thần của một văn kiện không thể mâu thuẫn với các lời lẽ trực tiếp của nó.Các lời lẽ trực tiếp của "Amoris Laetitia" cho thấy không hề có thay đổi nào đối với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng có sự thay đổi đôi chút về nhấn mạnh đối với lòng thương xót những ai hoặc không biết hay cố gắng sống theo giáo huấn của Giáo Hội nhưng đôi lúc sa ngã. Đức Giáo Hoàng cũng không thể thay đổiNói như Cha Schneider thì đâu còn gì để tranh luận nữa. Vì trong cả hai trường hợp vừa nói, người ta có tội gì đâu mà không cho rước lễ. Vấn đề là có những lối giải thích cho rằng kể cả những người hội đủ 3 điều kiện tội trọng mà vẫn có thể được rước lễ. Và hiện Đức Phanxicô không lên tiếng chính thức phủ nhận những lối giải thích này.Tiện đây, cũng xin lược dịch một số câu trả lời của Đức Hồng Y Gerhard Müller trong cuộc phỏng vấn mới đây của tờ Il Timone:Hỏi: Có thể có mâu thuẫn giữa tín lý và lương tâm bản thân không? Trả lời: Không, không thể nào. Thí dụ, người ta không thể nói có những hoàn cảnh theo đó một hành vi ngoại tình không tạo nên một tội trọng. Đối với tín lý Công Giáo, một tội trọng không thể cùng hiện hữu với ơn thánh hóa. Để vuợt qua sự mâu thuẫn phi lý này, Chúa Kitô đã lập ra bí tích thống hối và hoà giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội. Hỏi: Đây là một vấn đề hiện đang được thảo luận rộng rãi liên quan tới cuộc tranh luận chung quanh tông hấn hậu thượng hội Đồng “Amoris Laetitia”.Trả lời: “Amoris Laetitia” phải được rõ ràng giải thích dưới ánh sáng toàn bộ tín lý của Giáo Hội. […] Tôi không thích, thật không đúng khi khá nhiều giám mục đang giải thích “Amoris Laetitia” theo cách hiểu của họ về giáo huấn của Đức Giáo Hoàng. Việc này không hợp với đường hướng tín lý Công Giáo. Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng chỉ được ngài hay qua thánh bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích. Đức Giáo Hoàng giải thích các giám mục, chứ các giám mục không giải thích Đức Giáo Hoàng, vì việc này sẽ đảo ngược cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo. Với tất cả những người nói quá nhiều, tôi thúc giục họ nghiên cứu trước nhất tín lý [của các công đồng] về ngôi vị giáo hoàng và hàng giám mục. Là thầy dậy Lời Chúa, giám mục phải là người đầu tiên được huấn luyện đầy đủ để không rơi vào nguy cơ người mù dắt người mù. […].Hỏi: Tông huấn của Thánh Gioan Phaolô II, “Familiaris Consortio”, dự liệu rằng các cặp ly dị và tái hôn nào không thể sống xa nhau, để có thể lãnh nhận các bí tích, phải cam kết sống tiết dục. Đòi hỏi này có còn giá trị hay không? Trả lời: Dĩ nhiên, nó không thể miễn chuẩn được, vì nó không phải chỉ là luật thực định (positive law) của Đức Gioan Phaolô II, mà ngài còn nói lên một yếu tố có tính yếu tính của nền thần học luân lý Kitô Giáo và nền thần học bí tích. Sự hồ đồ về điểm này cũng liên quan tới việc thất bại, không chấp nhận thông điệp “Veritatis Splendor”, với tín lý rõ ràng về “intrinsece malum” (sự xấu nội tại) [...].Đối với chúng ta, hôn nhân nói lên việc tham dự vào sự hợp nhất giữa Chúa Kitô chàng rể và Giáo Hội, cô dâu của Người. Đây không phải là một loại suy đơn giản mơ hồ, như một số người nói tại Thượng Hội Đồng. Không! Đây là bản chất của bí tích, và không quyền bính nào ở trên trời cũng như ở dưới đất, không thiên thần, không vị giáo hoàng nào, không một công đồng nào, không một luật lệ của các giám mục nào, có khả năng thay đổi nó.Hỏi: Làm thế nào để giải quyết sự hỗn độn đang phát sinh về các lối giải thích khác nhau đối với đoạn này của "Amoris Laetitia"?Trả lời: Tôi thúc giục mọi người suy nghĩ, nghiên cứu tín lý của Giáo Hội trước đã, bắt đầu từ Lời Chúa trong Sách Thánh, là sách nói rất rõ về hôn nhân. Tôi cũng có ý kiến đừng đi vào bất cứ thứ giải nghi học (casuistry) nào dễ sinh ra hiểu lầm, nhất là thứ giải nghi học cho rằng nếu tình yêu chết, thì dây hôn phối cũng chết. Đó là thứ ngụy biện: vì Lời Chúa rất rõ và Giáo Hội không chấp nhận việc tục hóa hôn nhân. Nhiệm vụ của các linh mục và giám mục là không tạo hồ đồ, nhưng đem lại sự rõ ràng. Người ta không thể chỉ nhắc tới những đoạn nhỏ trong “Amoris Laetitia”, nhưng phải đọc như một toàn bộ, với mục đích làm cho Tin Mừng hôn nhân và gia đình lôi cuốn hơn với người ta. Không phải “Amoris Laetitia” đã tạo ra lối giải thích hồ đồ, nhưng là một số người giải thích hồ đồ đã tạo ra nó. Tất cả chúng ta phải hiểu và chấp nhận tín lý của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người, và đồng thời sẵn sàng giúp người khác hiểu nó và mang nó ra thực hành dù trong những hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn:http://www.vietcatholic.net/News/Html/214212.htm