Trang chủ

Dienstag, Januar 10, 2017

LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA, KHOA HỌC CÓ THỂ ĐI ĐẾN GIẾT NGƯỜI



LỄ CHÚA HIỂN LINH 2017
Nhà bác học Newton, là một nhà vật lý học nổi tiếng. Với việc phát minh ra kính viễn vọng, ông trở thành người đầu tiên trong nhân loại có thể nhìn và quan sát vũ trụ.
Sau khi nhìn thấy mọi huy hoàng rực rỡ và vẻ đẹp diệu kỳ của cả một thế giới bao la mênh mông bên ngoài trái đất thông qua công trình mới của mình, Newton đã thốt lên: Tôi thấy Thiên Chúa ở đầu kính viễn vọng của tôi.

Có phải Newton thấy Thiên Chúa bằng mắt thường qua viễn vọng kính? Không phải. Nhưng vũ trụ mà ông thấy được bằng tất cả sự hùng vĩ của nó, cho phép ông khẳng định: có Thiên Chúa!
Với ông, cũng như với những nhà khoa học chân chính, phải có một bàn tay thần diệu, một bàn tay đẹp tuyệt đối mới có thể tạo nên một vũ trụ lộng lẫy, huy hoàng đến độ quá sức tưởng tượng đến vậy.
Newton vừa là một người Công giáo, vừa là một nhà khoa học. Là người thông thái, ông làm khoa học, nghiên cứu khoa học, nhưng không tách khoa học ra khỏi đức tin của mình. Khoa học của ông là khoa học của đức tin. 
Càng khám phá chân lý khoa học, càng nhận biết vẻ đẹp của thế giới, của vũ trụ, ông càng nâng cao đức tin, càng nhìn thấy Thiên Chúa mà mình tin, càng nhận ra sự tốt đẹp vô cùng của Người. Ông xác tín, Người là Thiên Chúa lộng lẫy, Thiên Chúa quyền năng, Thiên Chúa vĩ đại…
Mừng lễ Chúa Hiển linh, Hội Thánh công bố việc Thiên Chúa tỏ mình. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tìm cách tỏ mình cho loài người. Người không ngừng bày tỏ chính mình qua nhiều cách thế, từ những mạc khải tự nhiên đến siêu nhiên, để con người nhận biết Người.
Có một câu giáo lý về mạc khải tự nhiên mà từ thưở nhỏ, chúng ta đều học: “Hỏi làm sao ta nhận biết Thiên Chúa – Thưa khi nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, ta liền biết có Thiên Chúa là Đấng tạo thành và an bài mọi sự”.
Trong lễ Hiển linh, chúng ta nhìn ngắm chân dung ba nhà đạo sĩ theo hướng của mạc khải tự nhiên này. 
Ba đạo sĩ là những người nghiên cứu khoa học. Cũng tương tự như nhà bác học Newton, nhờ quan sát vũ trụ, ba đạo sĩ nhận thấy một ngôi sao lạ trên bầu trời. Nhờ đọc được ý nghĩa trong ánh sáng lạ lùng của một ánh sao, cả ba đều khám phá ra dấu chỉ về một Thiên Chúa quyền năng, một Thiên Chúa vĩ đại, một Thiên Chúa là chủ tể mọi loài, mọi sự. Cả ba tức tốc lên đường tìm kiếm. Qua bao khổ nhọc cho một hành trình, họ đã gặp Đức Chúa của lòng mình.
Trên thế giới, qua bao nhiêu thời, đâu chỉ có ba đạo sĩ hay Newton mới là những nhà khoa học. Trải qua lịch sử, đã có tầng tầng lớp lớp những người làm khoa học.
Nhờ khoa học, những người làm khoa học chân chính củng cố đức tin của mình, giúp bản thân nhận ra Thiên Chúa. Nhưng chắc chắn số này không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít.
Nhất là thời đại hôm nay, không chỉ không thêm gì cho đức tin, mà nhiều người làm khoa học, còn nhân danh khoa học loại trừ Thiên Chúa. Cũng vì thế, thế giới dường như trở nên thế giới vô thần. Càng ngày người ta càng đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình.
Khi làm khoa học mà không có đức tin, không có Thiên Chúa, thứ hoa học ấy sẽ dễ dàng quay ngược trở lại giết chết con người. Chẳng hạt các loại vũ khí tàn độc. Chẳng hạn những trái bom nguyên tử như những lò sát sinh vĩ đại, hay những tội ác giết người của y khoa. Chẳng hạn những cách thức tiêu diệt môi trường, và mọi hình thức hủy diệt sự sống…
Nhưng bởi đâu mà ba đạo sĩ và cả những nhà khoa học chân chính lại có thể nhận ra Thiên Chúa trong công tác nghiên cứu khoa học của mình? Bởi họ có một tâm hồn khiêm nhường, một ý thức hướng thiện, một tấm lòng đơn sơ. 
Thiên Chúa tỏ mình cho tất cả mọi người, không trừ ai. Nhưng chỉ có những người đơn sơ, khiêm nhường và hướng thiện mới có thể  nhận ra Người.
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang tỏ mình cho thế giới, cho từng người chúng ta. Chẳng hạn: qua một biến cố nào đó của cuộc đời mình, qua lòng tốt của anh chị em, qua sự đạo đức của người bên cạnh, qua biết bao nhiêu hoàn cảnh, bao nhiêu những suy tư… mà ta có thể nhận ra Thiên Chúa tỏ mình.
Thế giới vẫn đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần... Thế giới vẫn đầy dẫy những người học rộng, nghiêng cứu giỏi, hoạt bát, tinh ranh… Nhưng trong số họ, nhiều người thuộc nòi giống Hêrôđê. Họ tìm kiếm, nhưng lại cho kết quả là loại trừ sự sống, giết hại đồng loại, tẩy chay Thiên Chúa.
Họ không bao giờ nhìn thấy bất cứ một ánh sáng nào của lòng tin, của con đường đi về hạnh phúc trường cửu... Dòng dõi của Hêrôđê kiêu ngạo cho tới muôn đời, vẫn không tìm thấy Thiên Chúa, vẫn sống trong u tối, vẫn là những kẻ ngu dốt dù họ đầy những tri thức thực nghệm…
Đối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người khôn ngoan, khiêm tốn, đó là một dấu chỉ để nhận ra Thiên Chúa. Dù ngôi sao có sáng, nhưng lòng các đạo sĩ còn sáng hơn ánh sao. Họ đã lên đường, đã vượt qua bao nhiêu gian lao, đã đối mặt bao nhiêu mạo hiểm. Họ đã đến hang Bêlem, đã quỳ trên nệm rơm bái thờ Thiên Chúa. 
Ánh sáng của tâm hồn, ánh sáng của lòng tin cho chúng ta gặp Chúa. Chúng ta hãy bắt chước các đạo sĩ: Chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Nhưng cũng như các đạo sĩ, chúng ta tin, đó là Đấng Cứu Chúa của mình. Hãy cùng các đạo sĩ, chúng ta tiến dâng lễ vật là tấm lòng, là tình yêu của chúng ta. Chúng ta quyết tâm thờ phượng Chúa và yêu thương cả thế giới này. Đó là thế giới mà Chúa Hài Nhi yêu thương. Người đến đế cứu nó, để làm cho nó sống.Mừng lễ Hiển Linh, suy niệm lại việc Chúa tỏ mình, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta một tình yêu nồng nàn, một đức tin đơn sơ, một cõi lòng mềm dẻo sẵn sàng để Chúa uốn nắn thành những con người biết tha thiết đi tìm Chúa qua tất cả mọi thời gian sống, nơi mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của đời mình.Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG Tác giả: Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Nguồn:http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=16148