Trang chủ

Montag, Januar 14, 2013

Tuần lễ Hiệp nhất 2013: Thân thể mầu nhiệm

Lm. Thomas Tuý, OP.b1/13/2013

THÂN THỂ MẦU NHIỆM

Chúng ta đã học hỏi: Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội hữu hình để tiếp tục công việc của Ngài trên thế gian. Lúc này, chúng ta tiến xa hơn nữa: Giáo hội ấy không những là một tổ chức nhưng là một xã hội, một thân thể sống động, một cơ quan có đời sống bí nhiệm, một dòng sông sự sống thiêng liêng. Gọi tắt là thân thể màu nhiệm Đức Kitô.

CÂY NHO VÀ CÀNH NHO

Chúng ta còn nhớ Đức Kitô đã nói với Phêrô và các Tông đồ trước khi về trời: “Này đây thày ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nghĩ kỹ câu này chúng ta thấy Ngài ám chỉ mối liên kết giữa Ngài và Hội thánh là vĩnh viễn. Sau này Ngài rõ ràng hơn, như thánh Gioan thuật lại trong bữa tiệc ly, Ngài so sánh tương giao giữa Ngài và Hội thánh như cây nho và cành nho: “Ai không ở lại trong Thày, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thày và lời Thày ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin anh em sẽ được như ý (Ga 15, 6-7). Ngài tiếp “Con không chỉ cầu xin cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 20-21). Trong hai lời trích này, chúng ta nghiệm ra nó là lời giải thích đầy đủ những câu khác của Chúa Giêsu trong đó Ngài cũng ban mực thước xét đoán: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

NGƯỜI SÁNG LẬP VÀ CÁC HỘI VIÊN

Trên đường truy nã các tín hữu, đến gần cửa thành Damascus thì thánh Phaolô nhận được mạc khải đặc biệt về mối liên hệ giữa Chúa và các tín hữu Ngài. Ông ngã ngựa và nghe tiếng từ trời nói: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ông hỏi lại: Thưa ngài, ngài là ai? Và ông nghe thấy tiếng trả lời: Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại” (Cv 9,4). Chúa Giêsu đồng hóa mình với các tín hữu thật rõ ràng. Và trong nhiều chỗ khác, thánh nhân xác nhận chân lý ấy. ông viết trong thơ gởi giáo đoàn Côrintô: “Thậy vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy, thật thế tất cả chúng ta dẫu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một bộ phận mà thôi… Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Ngài muốn… Những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại cần thiết nhất, những bộ phận ta coi là tầm thường nhất thì ta lại tôn trọng hơn cả… Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể để bộ phận kém thì đáng tôn trọng nhiều hơn. Như thế không có chia rẽ trong thân thể trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung. Vậy anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (ICor 12,12). Rồi thơ gởi giáo đoàn Êphêsô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa… Chúng ta sống với Thiên Chúa, đấng ngự trong chúng ta. Chúng ta phải lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu, chính Ngài làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ một thứ mạch nuôi dưỡng, và mỗi chi thể đều hoạt động theo chức năng của mình. Như thế, Ngài làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (4, 4-16).

Ý NGHĨA CỦA ẨN DỤ

Chúng ta hãy suy nghĩ về ba so sánh này. Hai cái của Chúa Giêsu (Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi, cành nho với thân nho) và một cái do thánh Phaolô (thân thể con người). Trong ẩn dụ thứ nhất: Bản tính Chúa Ba Ngôi là một, nhưng Ba Ngôi Vị Thần linh khác nhau và chúng ta được chia sẻ đời sống thần linh ấy, nhận biết và yêu mến Ngài kiểu như Ngài nhận biết và yêu mến chính mình. Chúng ta chỉ thực hiện được điều này qua Đức Giêsu Kitô. Chúng ta kết hợp với Đức Giêsu qua ơn thánh siêu nhiên như cành nho gắn liền với thân nho. Bởi sự chia sẻ như thế, chúng ta nhận được quyền năng vượt xa bản tính tự nhiên của mình. Chúng ta chia sẻ quyền năng và sự sống của Ngài. Cây nho đâm rễ sâu và lòng đất hút nhựa mà sống thế nào thì cũng có thể nói, Đức Kitô đâm rễ sâu vào Ba Ngôi Thiên Chúa để có quyền năng và sự sống siêu nhiên như vậy. Và qua Đức Kitô Thiên Chúa thật và là người thật, đời sống Chúa Ba Ngôi chảy tràn xuống những ai kết hợp với Đức Kitô. Như thế các cành cây sống nhờ kết hiệp với thân nho. Những ai kết hiệp với Đức Kitô sẽ sống nhờ Đức Kitô. Đây là đời sống thần linh. Qua đời sống siêu nhiên này, ở dưới đất, chúng ta được biết và yêu mến Thiên Chúa bằng đức tin, đức cậy và đức mến. Sau khi chết đời sống sẽ nở hoa, và hạnh phúc tràn trề qua trực tiếp diện kiến Thiên Chúa.

Bây giờ tới ẩn dụ của thánh Phaolô. Người ta chú ý rằng cuộc đời của mỗi người: Nếu cái đầu là khôn, cuộc sống người ta sẽ khôn ngoan. Nếu cái đầu là dại, cuộc sống sẽ ngu dại, chẳng thể khác được. Như vậy, đầu là trung tâm của mọi chức năng quan trọng, nghe nhìn, ăn nói và qua bộ óc, suy nghĩ, ước muốn. Như thế, mọi hoạt động của con người phát xuất từ cái đầu. Thánh Phaolô bảo rằng chúng ta kết hiệp với Đức Kitô là đầu trong thân thể màu nhiệm. Ngài là đầu, các tín hữu là thành viên, giống như cái đầu là nguồn mạch và trung tâm của cuộc sống thân xác và quyết định phẩm chất của nó, thì Đức Kitô quyết định phẩm chất cuộc sống siêu nhiên của những ai kết hiệp với Ngài trong cùng một thân thể là Hội thánh.

Do đó, thánh Augustinô gọi Hội thánh là “Đức Kitô toàn thể” (Totus Christus). Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về Giáo hội trong thông điệp của ngài: “Hội thánh vốn dĩ đã trở nên vẹn toàn và bổ túc cho Đấng Cứu Thế, và trong nghĩa nào đó, Đức Kitô qua Hội thánh đạt tới sự viên mãn trong hết thảy”. Ngài thêm: “Chúng ta đụng đến cái lý do thánh Augustinô gọi Đức Kitô là đầu màu nhiệm, Hội thánh trên trái đất là Kitô khác mang danh hiệu ngôi vị Ngài, hợp thành một người mới. Trong con người mới này, trời đất được khóa chặt vào công trình của thập giá đến muôn đời, bởi một Đức Kitô, đầu và thân thể, tôi muốn nói Đức Kitô toàn thể.”

NGUY HIỂM

Suy gẫm kỹ về sự kết hợp nên một giữa Chúa Giêsu Kitô và các tín hữu mang lại cho chúng ta nhiều soi sáng và trợ giúp thiêng liêng. Điều này đã rõ. Nhưng có mối nguy hiểm cần phải tránh. Đó là người tín hữu quá nhiệt thành vào kiểu kết hợp này đến nỗi họ vượt giới hạn một thụ tạo và xâm nhập vào đời sống thần linh, ngay cả coi phẩm chất Thiên Chúa là đầu, chỉ về mình. Đi xa hơn nữa, họ dễ rơi vào sai lầm đồng hóa Chúa Kitô với Hội thánh hữu hình, cho đến độ coi chỉ là một nhân cách vật lý. Chúng ta phải phân biệt rõ rệt Chúa Kitô vật lý và thân thể màu nhiệm Ngài.

Có tác giả so sánh Hội thánh xét như thân thể màu nhiệm với một công ty liên doanh. Ông Minh là giám đốc công ty bỏ tiền ra mua cổ phiếu, và công ty trở thành công ty Minh Ký. Kết quả là sự thống nhất pháp luật, mà không phải là vật lý. Cái thực thể mới sản xuất ra một món đồ. Người ta gọi là hàng của ông Minh hay của công ty thì cũng vậy. Và công ty có một pháp nhân tức được nhà nước bảo hộ như một thực thể duy nhất, nhưng thực ra gồm ông Minh và các cổ đông. Thực thể này là thực thể luân lý khác với ông Minh vật lý. Tất cả các cổ đông trong đó có ông Minh hợp thành một đơn vị duy nhất có tính pháp lý và xã hội. Tuy nhiên trong xã hội ấy ông Minh vật lý không thông truyền sức sống cho các thành viên của Công ty. Chúa Giêsu thì khác, Ngài thông ban sức sống thiêng liêng cho các tín hữu tức ơn thánh và các khả năng khác cho mọi người tin vào Thiên Chúa.

Khi dùng ẩn dụ thân thể màu nhiệm, thánh Phaolô nói đến thủ cấp của nhân loại là Đức Kitô vật lý đã cứu vớt và thánh hóa các linh hồn. Nhưng thánh nhân cũng đề cập đến một nhân cách khác, nhân cách luân lý, gồm Đức Kitô là đầu và các thành viên khác, tất cả đều là một thân thể. Như vậy, Đức Kitô vật lý chịu đau khổ và chết để cứu chuộc nhân loại. Nhưng Đức Kitô toàn thể (thân mình màu nhiệm) thực tế ban cho loài người sở hữu các ơn thánh.

Ý NGHĨA

Như vậy, Hội thánh có ý nghĩa hơn là một tổ chức luân lý. Người ta thường gọi là thân thể màu nhiệm Đức Kitô. Tuy nhiên ở đây, chúng ta gặp một khó khăn khác có thể làm cho thiên hạ nghĩ sai. Từ ‘màu nhiệm’ hàm ý là vô hình, không sờ mó được, hoàn toàn tinh thần. Hội thánh thì hữu hình và có tổ chức như một xã hội trần gian, có giáo dân và hàng giáo phẩm, có đức giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo hữu thì làm sao gọi được là vô hình? Ở đây xin thưa chữ “màu nhiệm” chỉ để nói rằng Giáo hội khác với Đức Kitô vật lý, Giáo hội không phải là Đức Giêsu vật lý. Giáo hội là màu nhiệm Thiên Chúa. Hội thánh được sinh ra trong màu nhiệm, đầy những màu nhiệm, phân phát các màu nhiệm. Cho nên danh từ màu nhiệm dùng để phân biệt Hội thánh khỏi các tổ chức xã hội trần tục hoặc các xã hội luân lý, như công ty cổ phần chúng ta vừa nói ở trên. Giáo hội là một thực thể thống nhất cao hơn, thiêng liêng hơn, như Đức Kitô đã so sánh cây nho với các cành. Chúng ta quen gọi là thân thể màu nhiệm Đức Kitô.

CÁC THÀNH VIÊN

Chúng ta là thành phần trong nhiệm thể. Nhưng không có nghĩa là chúng ta đánh mất nhân cách, chỉ có nghĩa là chúng ta sống trong Đức Kitô và Ngài trong chúng ta như cành nho và thân nho. Tất cả mọi thành phần làm nên một Hội thánh và Hội thánh kết hợp với Chúa Giêsu một cách hữu cơ để trở thành khối duy nhất. Qua Giáo hội Ngài tiếp tục hoạt động trên thế giới như Ngài đã từng hoạt động với thân xác thể lý. Ngài sống trong Hội thánh, và Giáo hội sống trong Ngài. Đây là một màu nhiệm chúng ta không nắm bắt được rõ ràng.

Chúng ta chỉ có thể suy gẫm qua so sánh của thánh Phaolô: Hội thánh là thân thể Đức Kitô, không phải nghĩa vật lý, nhưng cao hơn nghĩa luân lý thường hiểu. Sự hợp nhất của Hội thánh với Chúa Giêsu thông qua ơn thánh. Ơn thánh là đời sống máu huyết của sự hợp nhất này. Nhờ đời sống ơn thánh, mọi tín hữu đã rửa tội là những chi thể, xây dựng nên thân xác thiêng liêng mà Đức Kitô là đầu, Ngôi Thứ Hai Đức Chúa Trời. Các tín hữu chia sẻ bản tính Ba Ngôi như thơ thánh Phêrô nói (II Pr 1,4). Các bí tích là những máng chuyển ơn thánh như chúng ta sẽ thấy sau này. Linh hồn của thể thống nhất ấy là Chúa Thánh Linh ngự trong mỗi thành viên. Như vậy trong Hội thánh chúng ta liên hệ với Chúa Giêsu chặt chẽ hơn các quan hệ tự nhiên, như với anh chị em, thậm chí cả mẹ ruột chúng ta. Chúng ta không những là thành viên của một gia đình, một xã hội, nhưng là thành viên của một thân thể. Có thể nói chúng ta liên hệ với Chúa Giêsu gần gũi hơn Ngài liên hệ với mẹ ruột Ngài, đức Maria. Vì đức Maria chỉ là mẹ trên bình diện tự nhiên, còn chúng ta sống kết hiệp như cành với thân cây nho. Dĩ nhiên nhìn theo khía cạnh thiêng liêng, Đức Maria cũng là thành phần của Hội thánh. Ngài cũng hưởng nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, nhưng ở mức độ cao hơn. Chúng ta cũng liên quan với nhau trong cùng đường lối thắm thiết thiêng liêng ấy, tức như chi thể của một thân mình. Tình thân thiết của người ta với mẹ mình chỉ có tính tự nhiên, kém hơn tình thân ái trong Hội thánh.

BẢN THÂN KHÁC

Chúng tôi muốn lưu ý những ai muốn tìm hiểu Giáo hội, phải ngay từ khởi thủy, biết lượng giá chính xác về học thuyết trên. Học thuyết tỏ bày bản chất nội tại của Hội thánh. Hội thánh không phải chỉ là một tổ chức suông, như câu lạc bộ thể thao hoặc hiệp hội thương mại. nhưng hữu cơ hơn nhiều. Nếu chúng ta hiểu sai điểm này, là đã lầm lẫn lớn. Hội thánh thế chỗ cho Chúa Giêsu không phải như một công ty thế chỗ cho ông chủ sáng lập. Nhưng là một cơ quan sống động nhờ sức sống siêu nhiên của Đức Kitô. Thực tế, Hội thánh là bản thân khác của Đức Giêsu Kitô, là chính Đức Giêsu tràn đầy ơn phúc và sự thật, là sự nhập thể mới sau khi Ngài đã lên trời. Ngài sẽ đi qua muôn thế hệ, dậy dỗ, giảng giải, an ủi, ban phát lòng thương xót, chữa lành cho mọi người và ngợi khen Thiên Chúa, Cha trên trời của Ngài và ban ơn cứu độ cho nhân loại.

Những ai xưng mình là Kitô hữu, yêu mến Đức Giêsu, phục vụ Ngài hết mình, hy sinh mọi sự cho Ngài, sùng mộ Ngài, làm môn đệ Ngài, mà lại ghét Hội thánh của Ngài thì chẳng khác nào đao phủ cắt cổ Ngài khỏi thân xác. Giữ lấy cái đầu và vất bỏ cái thân. Một chút suy nghĩ cũng thấy là vô lý. Chúa Giêsu và Hội thánh qua bao nhiêu thế kỷ đã lạ lùng bảo toàn được căn cước và cái nhìn của mình.

Chúa Kitô, suốt cuộc đời công khai, đã bận tâm lo toan cho Hội thánh. Công việc của Ngài phải được tiếp tục sau khi Ngài lên trời và cho đến tận cùng thời gian. Vì vậy, Ngài đã nói với Giáo hội non trẻ: “Ai nghe các con là nghe Thày, ai khinh các con là kinh bỉ Thày” (Lc 10,16). Nghĩa là Ngài nên một với các Tông đồ. Chúng ta đã rõ Ngài trao quyền trọn vẹn cho thánh Phêrô, và ở cấp độ thấp hơn, cho các Tông đồ khác. Ngài hoàn toàn đồng hóa mình với Giáo hội. Ngài là chú rể, Hội thánh là cô dâu, cả hai đều một xương một thịt, hay nói như văn chương Việt Nam: tuy hai mà một, tuy một mà hai. Mỗi biến cố quan trọng của cuộc đời Ngài, mỗi tình cảm yêu thương của trái tim Ngài, Ngài đều ban cho Giáo hội hết. Các tín hữu tiên khởi ý thức đầy đủ chuyện này đến nỗi họ gọi các giám mục, linh mục là bản thân khác của Chúa Kitô hay ngắn gọn hơn: Đức Kitô khác (alter christus), bởi vì các vị sống và bước đi trên con đường Chúa Kitô, tiếp tục sứ vụ của Ngài trên thế giới. Khi họ làm, Ngài làm; họ yêu thương, Ngài yêu thương; khi họ cầu nguyện, Ngài cầu nguyện; khi họ dâng lễ hy sinh, Ngài dâng lễ; khi họ tha thứ, Ngài tha thứ; khi thời gian trôi đi họ chết và người khác lên kế vị và tiếp tục công việc của Ngài, tin tưởng rằng nó sẽ kéo dài đến tận thế. Chúa Kitô luôn ở với họ, là sức mạnh, là khát vọng, là nguồn sinh lực, là ảnh hưởng và sự hợp một của họ.

Chúng ta đã chứng minh, mặc cho phản bội nảy sinh từ bên trong, tấn công từ bên ngoài, Hội thánh công giáo vẫn hiên ngang tồn tại qua muôn thế kỷ. Nếu như Hội thánh chỉ là một tổ chức của thế gian, thì điều đó bất khả, Hội thánh sẽ chung số phận với các tổ chức khác. Nhưng trước hết, Hội thánh không phải là một tổ chức phàm trần, mà là sự kéo dài của Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, cho nên Hội thánh không bao giờ tàn tạ, đơn giản vì Chúa Giêsu không bao giờ thất bại. Núi Calvariô sẽ nẩy sinh cuộc sống vinh hiển sau này.

HỘI THÁNH NGÀY NAY

Như vậy, Hội thánh công giáo ngày nay đứng riêng ra một mình, sở hữu đầy đủ ý nguyện của Chúa Giêsu. Ý nguyện, lợi ích, lý tưởng, mục tiêu của Chúa là ý nguyện, lợi ích, lý tưởng và mục tiêu của Hội thánh. Về căn bản, Hội thánh sử dụng lời nói, việc làm như Chúa đã khởi sự khi xưa và truyền cho Hội thánh tiếp tục. Đó là lý do các linh mục, các nhà giảng thuyết của Giáo hội nói với uy tín và quyền năng, cho dù họ được giáo dục ít hơn những kẻ nghe họ nói, hay kém hùng biện hơn. Họ có thể lỡ lời, lắp bắp khi nói, nhưng họ biết rằng và các thính giả của họ hiểu đàng sau họ là cả một thẩm quyền to lớn của Thiên Chúa làm người.

Những nội dung họ dạy dỗ, những điều Hội thánh ngày nay loan truyền không mảy may khác với Chúa Giêsu nói trên đường phố Giêrusalem ngày xưa. Cho nên những kẻ già miệng chỉ trích Giáo hội là cổ hủ lỗi thời hãy nhận ra mình sai lầm. Những màu nhiệm khó hiểu, những học thuyết thiêng liêng, Giáo hội chỉ lặp lại những dạy dỗ của Chúa Giêsu, thí dụ như Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng Thánh Linh, Bí tích Mình Máu Thánh, liên hệ linh hồn và thể xác, cõi vĩnh hằng; lên thiên đàng cần thiết phải có sự trợ giúp của ơn thánh, hỏa ngục tồn tại; thẩm quyền tối cao của Phêrô; cần thiết phải ăn chay, cầu nguyện, thống hối; hôn phối bền vững; giá trị của khó nghèo, thanh sạch. Tất cả những điều Hội thánh công giáo ngày nay còn dạy dỗ là vì Giáo hội vẫn nói với nhân loại bằng thứ tiếng không sai lầm của Chúa Giêsu.

Dĩ nhiên, trên thế giới vẫn có những loại người phàn nàn rằng: “lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” (Ga 6, 61) và họ lạu bạu về các chủ trương của Hội thánh, về mối dây hôn phối bền vững, về phá thai, ngừa thai, chết êm dịu, trợ tử… Nhưng thái độ không lay chuyển, không thỏa hiệp của Giáo hội phản ánh thái độ của Chúa Giêsu khi Ngài dậy dỗ về cùng một vấn đề.

Một trong những đường lối Giáo hội công giáo chứng minh cho thế giới tân thời rằng mình vẫn trung thành với Chúa Kitô là khăng khăng tuân giữ giới răn thứ nhất, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa, trong khi nhiều người ủng hộ thái độ nhân bản cực đoan, lãng tử bác ái, coi đó là tôn giáo của mình. Cái bận tâm thứ nhất của Hội thánh công giáo là bận tâm của Chúa Giêsu, trả về cho Thiên Chúa vinh quang và danh dự lớn hơn. Đó là lý do tại sao Giáo hội truyền lệnh cho mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ Chúa nhật, tại sao lễ hy sinh phải được tiếp tục hiến dâng lên Thiên Chúa trong các thánh đường lớn nhỏ, tại sao các linh mục phải dùng phần lớn mỗi ngày đọc kinh nhật tụng ngợi khen Thiên Chúa.

Thêm vào đó, còn có một minh chứng khác mà các xã hội trên thế giới dù phàm tục hay tôn giáo không thể thực hiện nổi đó là tuân giữ giới răn thứ hai giống như giới răn thứ nhất: yêu người: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31). Giáo hội công giáo, nhìn ngắm Chúa Kitô cao độ, nên lập tức yêu mến những ai Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót dịu dàng nhất, đó là những kẻ nghèo hèn, đau khổ, mồ côi, các bà góa, bé thơ, bé mọn, bị ném ra ngoài lề xã hội, những tội nhân thống hối… Giáo hội yêu mến họ giống như Đức Giêsu, mà xây bệnh viện, nhà thương, viện mồ côi, nhà dưỡng lão, lớp học tình thương, mái ấm gia đình, viện tế bần cho họ.

Giáo hội không hô hào suông, nhưng miệng nói, tay làm, lập lại những hành động của Chúa Giêsu không mệt mỏi, không kết thúc. Hội thánh phân phát bẩy bí tích vì Chúa chỉ ban cho Giáo hội bẩy bí tích mà thôi, không ban nhiều hơn, không ban kém hơn. Và phụng vụ xoay quanh Thánh lễ, bởi vì Đức Kitô muốn rằng cuộc đời Ngài tập trung vào thánh lễ trên ngọn đồi Calvariô. Chúa Giêsu làm phép lạ, phép lạ cũng xảy ra trong Hội thánh ở Fatima, Lộ Đức, nơi các thánh. Vì thế, việc tuyên thánh là cần thiết. Bởi lẽ công việc của Chúa quá rõ ràng. Nếu người ta cất công đặt các lời nói, việc làm, ý nguyện của Chúa Kitô vào một cột và cột bên kia là lời nói, hành động và mục tiêu của Giáo hội thì ngạc nhiên mà thấy rằng chúng ăn khớp với nhau hoàn toàn. Bởi vì Hội thánh bày tỏ trọn vẹn cuộc đời Chúa Cứu Thế. Hội thánh đích thực là thân thể màu nhiệm của Ngài.

Mặt khác, nếu bạn muốn thấy Ngài sinh ra trong nghèo khó, cô đơn, vây quanh bằng các thụ tạo hèn hạ nhất, thì hãy chiêm ngắm Giáo hội sơ khai khi các thành viên đầu tiên của Hội thánh chỉ là những ngư phủ nghèo nàn, dốt nát, tội lỗi, đơn sơ, chân chất. Nếu bạn muốn tìm thấy lòng khao khát chân lý của các đạo sĩ phương Đông, sự hận thù cay đắng của Hêrôđê, cuộc tàn sát các trẻ em ở Belem, cuộc chạy trốn sang Ai cập, thì hãy nhìn xem gương mặt tiên khởi của Hội thánh, là dấu hiệu cho lòng yêu mến thắm thiết đồng thời sự thù hận cao độ. Bách hại đã đẩy Giáo hội vào sống trong các hang toại đạo, các chốn lưu đày, các cuộc chém giết, các Coloseum. Họ tử đạo khắp mọi miền trên thế giới giống như thày mình trên ngọn đồi Golgotha.

Nếu muốn tìm trong Giáo hội thời hiện đại cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu thì hãy nhìn vào các ẩn sĩ, các tu sĩ chiêm niệm, các dì phước âm thầm, họ dâng hiến toàn bộ cuộc sống cho Thiên Chúa ngõ hầu thăng tiến đời sống siêu nhiên. Nếu muốn tìm kiếm cuộc đời công khai của Chúa thì hãy nghiền gẫm kỹ lịch sử hơn hai ngàn năm đầy chông gai, bách hại của Hội thánh. Quý vị sẽ nghiệm ra: Giống Chúa Kitô, Hội thánh đã trải qua tình yêu tha thiết và ghen ghét cháy bỏng. Giống Thày chí thánh, Giáo hội thu hút người ta thuộc mọi tầng lớp, mọi dân tộc, quốc gia, người giàu, kẻ nghèo, học thức, mù chữ, tuổi tác, vua chúa, bề tôi, không loại trừ một hạng người nào. Giống như Chúa Kitô, suốt lịch sử dài, Hội thánh cháy lửa tìm kiếm các linh hồn để cứu giúp họ khỏi hỏa ngục, luôn luôn nhận thêm nhiều thành viên mới trong mọi lãnh vực để đưa về đàn, đồng thời chăm sóc các người đau yếu, kẻ bệnh hoạn trong đàn.

Tuy nhiên vẫn còn những kẻ tuyên bố rằng rồi ra Hội thánh sẽ chết và biến mất khỏi mặt đất này, chúng ta phải thoát ra khỏi cái quá khứ cũ mục nát và xây dựng một xã hội mới trên nền tảng mới. Nhưng như Chúa Kitô, Giáo hội coi thường Calvario. Hội thánh trỗi dậy và trỗi dậy nhiều lần sau khi bị đóng đinh, để sống mãi mãi trong khi các kẻ thù loạng choạng đi vào tối tăm của các mồ mả. Giống như bão tố biển hồ Galilêa, dù giận dữ cũng không nhấn chìm nổi con thuyền của Phêrô, thì dù ghen ghét đầy trời, dù nọc độc của thế kỷ đương đại cũng chẳng thể tàn phá Giáo hội của Chúa Kitô.

TRÁCH NHIỆM

Về phần chúng ta, phải luôn nhớ rằng chúng ta là Giáo hội. Chúng ta là tế bào của thân thể màu nhiệm. Tế bào hay chi thể phải là hình ảnh của thủ cấp. Vì vậy, thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,5) “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa, cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4,19). Một trong những lý lẽ mạnh nhất chống lại Giáo hội là của những ai nhìn vào nó một cách hời hợt. Họ chẳng xem thấy vẻ rực rỡ của hình ảnh Đức Kitô. Họ nói về Thánh Thể “Tôi chẳng thấy Đức Kitô đâu? Tôi chỉ thấy tấm bánh mì”. Họ cũng nói về Giáo hội: “Chẳng phải Đức Giêsu, chỉ là những người trần.” Dĩ nhiên, khi xuống thế làm người Ngôi Hai đảm nhận một thân xác với tất cả giới hạn của nó: Yếu đuối, đau khổ, chế chóc, tự do, trí tuệ. Thì khi Ngài thiết lập một Giáo hội cũng vậy. Nó là một xã hội với đầy đủ tính chất phàm tục: những yếu đuối, thiếu xót, giới hạn, tuy nhiên ban cho nó một quyền năng dù cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi. Vậy chúng ta có hai trách nhiệm: làm cho Hội thánh lớn lên giống hình ảnh Chúa Giêsu và mở rộng đến mọi người sống trên trái đất. Nhiệm vụ thứ nhất Hội thánh sử dụng các bí tích. Nhiệm vụ thứ hai Tông đồ truyền giáo, cầu nguyện và gương sáng, đặc biệt, các hội đoàn công giáo tiến hành.

Tất cả chúng ta đều là chi thể Chúa Giêsu, là viên gạch xây nên tòa nhà Hội thánh. Mỗi người đều có phận sự của mình làm cho Hội thánh am hợp với thời đại, hướng dẫn nhân loại và sửa chữa lỗi lầm của nó. Đừng trở nên những viên gạch thối vô dụng. Nhưng phải là những viên gạch cường tráng, hữu ích cho việc xây dựng ngôi nhà. Chẳng ai thực sự thấu triệt bản chất của Hội thánh mà lại từ chối dâng mình làm nhân viên của Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo hội, trong nhiệm vụ thánh hóa và cứu rỗi nhân loại. Hiện thời, Chúa Kitô sống động trong Hội thánh. Nhưng Ngài không có tay nào khác ngoài bàn tay của chúng ta để nuôi dưỡng các kẻ nghèo, Ngài không có chân nào khác ngoài chân của các tín hữu để đi thăm viếng những người bệnh hoạn, tật nguyền. Ngài chẳng có miệng nào khác ngoài miệng của những kẻ theo Ngài để giảng dạy sự thật cho thiên hạ. Vậy chúng ta hãy cho Ngài mượn các cơ quan của mình để tiếp tục công trình cứu độ. Thiếu chúng ta, Ngài không hành động được chi. Bởi vì theo thánh Phaolô chúng ta là bổ túc của Ngài. Cho nên rõ ràng công việc tông đồ giáo dân là cần thiết, nó là hệ quả của suy tư về thân thể màu nhiệm Chúa Kitô. Ngược lại, nó là bản án cho những ai ích kỷ, sống không bác ái, giết chết đời thiêng liêng. Những lý luận như tôn giáo là việc riêng tư, hồn ai người ấy giữ, không liên quan gì tới tôi, nếu hắn muốn cứ để hắn xuống hỏa ngục, và những câu nói tương tự, chứng tỏ họ không hiểu gì hết. Chúng ta liên hệ chặt chẽ với nhau như những tế bào trong một cơ thể sống động, là chi thể trong thân mình màu nhiềm Chúa Kitô. Nếu chúng ta rời bỏ thân thể đó, chúng ta sẽ trở nên khô héo và sẽ chết đi. Hội thánh là bản thân khác của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta muốn dâng hiến cho Ngôi vị Ngài lòng trung thành, sự vâng phục, lễ hy sinh, những phục vụ, tình yêu và chân lý thì chúng ta dâng hiến cho Hội thánh Ngài còn đang sống động trên thế giới.

Thánh Augustinô hỏi: “Hội thánh là gì?” Và ngài trả lời: “Là thân thể Chúa Kitô”. Nếu chúng ta nối kết với Đầu, chúng ta sẽ có một con người trọn vẹn. Đầu và thân thể làm nên một người. Ai là Đầu? Là Đấng được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria… Ai là thân thể? Là hiền thê Ngài, Hội thánh… Đức Chúa Cha muốn rằng cả hai Đức Kitô và Hội thánh phải trở nên một.

Tất cả mọi người đều là một trong Đức Kitô và sự kết hợp của mọi tín hữu tạo nên một người.

“Chúng ta hãy vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa, vì không những chúng ta là các tín hữu, nhưng còn là Kitô khác. Hãy cảm phục, hãy vui mừng vì chúng ta là tín hữu. Nếu Ngài là Đầu, thì chúng ta là chi thể, là tế bào, là thành viên. Vậy thì Ngài và chúng ta là một thân thể.”