Trang chủ

Montag, Januar 21, 2013

Bài Giáo Lý của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin: Học để Thấy Thánh Nhan Thiên Chúa

Phaolô Phạm Xuân Khôi    1/20/2013


“Thánh Thể là trường học tuyệt vời, trong đó chúng ta học để thấy Thánh Nhan Thiên Chúa, chúng ta đi vào một mối liên hệ mật thiết với Ngài.”

Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ mười ba của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường Phaolô VI hôm thứ tư ngày 16 tháng 1, 2013. Hôm nay ĐTC tiếp tục loạt Bài Giáo Lý về Đức Tin.

* * *


Anh chị em thân mến,

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, quả quyết rằng chân lý thâm sâu của mặc khải của Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta “trong Đức Kitô, Đấng vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của tất cả mặc khải” (số 2). Cựu Ước kể cho chúng ta biết làm sao mà Thiên Chúa, sau cuộc tạo dựng, bất chấp tội tổ tông và tính kiêu căng của con người muốn đặt mình vào địa vị của Đấng Tạo Hóa, lại một lần nữa ban cho họ khả năng làm bạn hữu của Ngài, đặc biệt là qua giao ước với ông Abraham và cuộc hành trình của một dân tộc bé nhỏ, dân Israel, mà Ngài chọn không với tiêu chuẩn quyền lực trần thế, nhưng chỉ đơn thuần vì yêu thương. Đó là một sự lựa chọn vẫn còn là một mầu nhiệm và cho thấy cách hoạt động của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi một số người không phải để loại trừ những người khác, nhưng để họ hành động như cây cầu dẫn những người khác đến với Ngài: việc lựa chọn luôn luôn là một lựa chọn cho người khác. Trong lịch sử dân Israel, chúng ta có thể vẽ lại những chặng đường của một cuộc hành trình dài trong đó Thiên Chúa cho họ biết Ngài, mặc khải chính mình, đi vào lịch sử bằng lời nói và hành động. Đối với việc này, Ngài dùng các trung gian, chẳng hạn như ông Môsê, các ngôn sứ, các Thủ Lãnh (Thẩm Phán), là những người truyền đạt Thánh ý của Ngài cho dân, họ nhắc nhở dân chúng về việc cần phải trung thành với giao ước và giữ cho sống mãi lòng mong chờ ngày mà các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện đầy đủ và dứt khoát.

Và chính việc thực hiện những lời hứa này là điều mà chúng ta đã suy niệm trong Lễ Giáng Sinh: Sự Mặc Khải của Thiên Chúa đạt đến cao điểm, đạt đến viên mãn. Trong Chúa Giêsu thành Nagiareth, Thiên Chúa thực sự thăm viếng dân Ngài, Ngài thăm viếng nhân loại bằng một cách vượt xa mọi mong đợi: Ngài đã sai Con Một Ngài. Chính Thiên Chúa đã làm người. Chúa Giêsu không nói với chúng ta một điều gì đó về Thiên Chúa, không chỉ đơn thuần nói về Chúa Cha, nhưng Người là sự Mặc Khải của Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa, và như thế Người mặc khải cho chúng ta thấy Thánh Nhan của Thiên Chúa. Trong Lời Mở Đầu Tin Mừng của mình, Thánh Gioan viết: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Con Một, là Thiên Chúa, và là Ðấng hằng ở trong cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết Ngài.” (Ga 1:18).

Tôi muốn tập trung vào việc này “việc mặc khải Thánh Nhan Thiên Chúa.” Về vấn đề này, Thánh Gioan, trong Tin Mừng của ngài, cho chúng ta biết một sự kiện quan trọng. Khi cuộc khổ nạn đã gần, Chúa Giêsu đã trấn an các môn đệ, bảo các ông đừng sợ hãi và hãy vững tin; sau đó Người bắt đầu một cuộc đàm thoại với các ông, trong đó Người nói về Thiên Chúa Cha (x. Ga 14:2-9). Có một lúc, tông đồ Philiphê hỏi Chúa Giêsu, “Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là đủ cho chúng con rồi.” (Ga 14:8). Thánh Philiphê rất thực tế và cụ thể, ông nói ra những gì mà chúng ta cũng muốn nói, “chúng con muốn thấy, xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Cha,” ông xin “thấy” Chúa Cha, thấy Thánh Nhan của Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu là một câu trả lời không chỉ dành cho Thánh Philiphê, mà còn cho chúng ta, và dẫn chúng ta vào trung tâm của đức tin Kitô. Chúa nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Lời diễn tả này tóm tắt một cách tổng hợp tính mới mẻ của Tân Ước, tính mới mẻ ấy xuất hiện trong hang đá Bethlehem: Có thể thấy Thiên Chúa, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta Thánh Nhan Ngài trong Đức Chúa Giêsu Kitô.

Chủ đề “tìm kiếm Thánh Nhan Thiên Chúa” hiện diện khắp nơi trong Cựu Ước, mong ước được biết Thánh Nhan, mong ước được thấy Thiên Chúa này quan trọng như thế nào đến nỗi từ Do Thái, panîm, có nghĩa là “khuôn mặt”, xuất hiện hơn 400 lần, và 100 lần trong số ấy nói về Thiên Chúa: 100 lần người ta nói về Thiên Chúa, người ta muốn nhìn thấy Thánh Nhan Thiên Chúa. Tuy nhiên, đạo Do Thái hoàn toàn cấm mọi hình ảnh, bởi vì Thiên Chúa không thể được mô tả như các dân lân cận của họ đã làm với việc thờ ngẫu tượng; do đó, với lệnh cấm hình ảnh này, Cựu Ước dường như loại trừ hoàn toàn “việc nhìn thấy” trong phụng tự và sùng kính. Như vậy, đối với những người Do Thái đạo đức, tìm kiếm Thánh Nhan Thiên Chúa nghĩa là gì trong khi nhìn nhận rằng không thể có hình ảnh của Ngài? Câu hỏi này thật quan trọng: một đàng, người ta muốn nói rằng Thiên Chúa không thể bị hạ xuống thành một vật, như một hình ảnh mà một người có thể cầm trong tay, nhưng người ta cũng không thể đặt một vật gì lên thay cho Thiên Chúa; tuy nhiên, đằng khác, người ta lại khẳng định rằng Thiên Chúa có một Thánh Nhan, Ngài là một “Ngài” có thể bước vào một mối quan hệ, Ngài không tự giam mình trên Trời Cao mà ngó xuống nhân loại. Thiên Chúa chắc chắn là trên mọi sự, nhưng Ngài quay mặt về phía chúng ta, lắng nghe chúng ta, thấy chúng ta, nói với chúng ta, lập giao ước, và có khả năng yêu thương. Lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa với nhân loại, là lịch sử về mối liên hệ này của Thiên Chúa là Đấng tự mặc khải cách tiệm tiến cho con người và cho họ biết về chính mình, cho họ biết Thánh Nhan Ngài.

Ngay từ đầu năm nay, ngày mùng 1 tháng 1, chúng ta đã nghe trong phụng vụ, kinh nguyện chúc lành tuyệt mỹ trên dân chúng: “Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em. Nguyện xin Chúa chiếu thánh Nhan Ngài trên anh em, và độ lượng với anh chị em. Nguyện xin Chúa ghé mặt nhìn và ban bình an cho anh chị em” (Dân số 6:24-26). Sự huy hoàng của Thánh Nhan Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, là điều cho phép chúng ta nhìn thấy thực tại, và ánh sáng của Thánh Nhan Ngài là chỉ nam hướng dẫn cuộc đời. Trong Cựu Ước có một nhân vật liên hệ cách rất đặc biệt với chủ đề “Thánh Nhan Thiên Chúa” là ông Môsê, người mà Thiên Chúa đã chọn để giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập, để ban cho họ Luật giao ước và dẫn họ đến Đất Hứa. Vâng, chương 33 của Sách Xuất Hành nói rằng ông Môsê đã có một mối liên hệ chặt chẽ và thân tín với Thiên Chúa: “Chúa nói với ông Môsê mặt đối mặt, như một người nói chuyện với bạn mình” (câu 11). Nhờ sự tin tưởng này, ông Môsê xin Chúa: “Xin tỏ cho con vinh quang của Chúa,” và câu trả lời của Thiên Chúa thật rõ ràng: “Ta sẽ bày tỏ sự tốt lành của Ta ra trước mặt ngươi; Ta sẽ công bố Danh Chúa trước mặt ngươi … Nhưng ngươi sẽ không thấy dung nhan Ta, vì không ai thấy nhan Ta mà vẫn còn sống … Đây là chỗ gần Ta … ngươi sẽ thấy phía sau của Ta; nhưng thấy nhan Ta thì không được.” (các câu 18-23). Như vậy, một đàng có một cuộc đối thoại mặt đối mặt như giữa bạn bè, nhưng đàng khác, trong cuộc sống này, có một điều bất khả thi là nhìn thấy Thánh Nhan Thiên Chúa, là điều vẫn còn tàng ẩn; nhãn quan bị hạn chế. Các Giáo Phụ nói rằng những lời này, “ngươi sẽ chỉ thấy phía sau của Ta”, có nghĩa là: chúng ta chỉ có thể theo Đức Kitô và khi đi theo Người chúng ta thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa từ phía sau; người ta có thể theo Thiên Chúa trong khi thấy phía sau của Ngài.

Tuy nhiên, có điều gì mới mẻ xảy ra với việc nhập thể. Việc tìm kiếm Thánh Nhan Thiên Chúa trải qua một thay đổi không thể tưởng tượng được, bởi vì giờ đây người ta có thể nhìn thấy Thánh Nhan này: là Thánh Nhan của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Trong Người, con đường mặc khải của Thiên Chúa, khởi đầu với ơn gọi của ông Abraham được hoàn thành; Người là sự viên mãn của mặc khải này vì Người là Con Thiên Chúa, Người vửa là “Đấng Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mặc khải” (Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 2), và trong Người nội dung của Mặc Khải và Đấng Mặc Khải trùng hợp nhau. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thánh Nhan Thiên Chúa và dạy chúng ta biết Danh Thiên Chúa trong kinh nguyện tư tế trong Bữa Tiệc Ly, Người thưa cùng Chúa Cha: “Con đã tỏ lộ Danh Cha cho những người mà Cha đã lấy từ thế gian mà ban cho Con... Con đã cho họ biết Danh Cha” (x. Ga 17:6,26). Thuật ngữ “Danh Thiên Chúa” có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng hiện diện giữa loài người. Nơi bụi gai bốc cháy, Thiên Chúa đã tiết lộ cho ông Môsê Danh Ngài, đã làm cho người ta có thể kêu cầu Danh Ngài, đã ban cho một dấu chỉ cụ thể về “sự hiện hữu” của Ngài giữa loài người. Tất cả điều này tìm thấy sự hoàn thành và viên mãn trong Chúa Giêsu: Người khai mào một cách hiện diện mới của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì ai thấy Người là thấy Chúa Cha, như Người nói với Thánh Philiphê (x. Ga 14:9). Thánh Bernađô nói Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Chúa,” tuy nhiên, “không phải một từ bằng văn tự và lặng câm, nhưng Lời nhập thể và sống động” (Hom. super missus est, IV, 11: PL 183, 86B). Trong các truyền thống Giáo Phụ và Trung Cổ, người ta sử dụng một công thức đặc biệt để diễn tả thực tại này: Chúa Giêsu là Verbum abbreviatum (x. Rm 9:28, nói về Isai 10:23), Người là Lời ngắn, Lời thu gọn và đáng kể của Chúa Cha, Đấng đã nói với chúng ta mọi sự về Ngài. Trong Chúa Giêsu, toàn thể Lời Chúa hiện diện.

Trong Chúa Giêsu, ngay cả việc làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người cũng được hoàn thành. Trong Cựu Ước, có một số nhân vật đã thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là ông Môsê, vị giải phóng, vị hướng dẫn, “trung gian” của giao ước, như Tân Ước cũng xác định về ông (x. Gl 3:19; Cv 7:35, Ga 1:17). Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và người thật, không phải là chỉ đơn thuần là một trong những vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng Người là “trung gian” của Giao Ước Mới và vĩnh cửu (x. Dt 8:6; 9:15, 12:24), Thánh Phaolô nói, “Vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, con người Đức Chúa Giêsu Kitô” (1 Tim 2:5, Gl 3:19-20). Trong Người chúng ta thấy và gặp gỡ Chúa Cha; trong Người chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba, Lạy Cha”; trong Người chúng ta được ban ơn cứu độ.

Ở trong mỗi người, ngay cả những người vô thần, đều có ước muốn thật sự biết Thiên Chúa, nghĩa là, được thấy Thánh Nhan Thiên Chúa. Và chúng ta có lẽ vô tình có ước muốn này, là ước muốn đơn thuần thấy Ngài là ai, Ngài là gì, và Ngài là ai đối với chúng ta. Nhưng ước muốn này được thể hiện bằng cách theo Đức Kitô, để chúng ta thấy phía sau của Ngài và cuối cùng cũng thấy Thiên Chúa như một người bạn, thấy Thánh Nhan Ngài trong gương mặt của Đức Kitô. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ theo Đức Kitô khi chúng ta cần Người và khi chúng ta có thì giờ rảnh rỗi trong những công việc hàng ngày của mình, nhưng phải theo như thế trong toàn thể cuộc đời chúng ta.

Toàn thể cuộc đời chúng ta phải được hướng đến cuộc gặp gỡ với Người, yêu mến Người, và trong cuộc đời ấy, tình yêu thương người lân cận phải giữ một địa vị trung tâm, tình yêu đó, trong ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đanh, giúp chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu trong những người nghèo, người yếu đuối và người đau khổ. Điều này chỉ có thể được nếu khuôn mặt thật của Chúa Giêsu đã trở nên quen thuộc với chúng ta trong việc lắng nghe Lời Người, trong việc thưa chuyện với Người cách nội tâm, trong việc đi vào Lời này một cách nào để chúng ta thực sự gặp gỡ Người, và đương nhiên là trong mầu nhiệm Thánh Thể. Trong Tin Mừng của Thánh Luca có một đoạn quan trọng về hai môn đệ ở Emmau, họ nhận ra Chúa Giêsu trong việc bẻ bánh, nhưng họ đã được chuẩn bị sẵn sàng bởi hành trình mà trên đó họ đồng hành với Người, được chuẩn bị bởi lời mời mà họ xin Người ở lại với họ, được chuẩn bị bởi cuộc đối thoại khiến lòng họ bừng cháy; để rồi cuối cùng, họ thấy Chúa Giêsu.

Đối với chúng ta cũng thế, Thánh Thể là trường học tuyệt vời, trong đó chúng ta học để thấy Thánh Nhan Thiên Chúa, chúng ta bước vào một mối liên hệ mật thiết với Ngài, đồng thời học hướng cái nhìn của mình về giây phút cuối cùng của lịch sử, khi Ngài sẽ làm cho chúng ta no thỏa với ánh sáng của Thánh Nhan Ngài. Trên trần gian, chúng ta đi về phía sự viên mãn này, trong khi vui mừng chờ đợi Nước Thiên Chúa thật sự được thể hiện. Cảm ơn anh chị em.